KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ (PHẦN 18)
Pháp Sư Tịnh Không
Thứ
tám, Phật dạy “Thủ hộ chánh pháp”, công đức vô cùng to lớn, là công đức
đệ nhất trong thế xuất thế gian pháp. Chánh pháp phải gìn giữ như thế nào?
trong “Quảng tu cúng dường” phía trước, tôi đã nói qua với mọi người,
như giáo tu hành cúng dường. Kinh giáo của Phật, kinh điển của Phật, những đạo
lý trong đó, chúng ta phải tường tận, phải thấu triệt. Phật dạy phương pháp đời
sống, phương pháp đối nhân xử thế, phương pháp tu học, chúng ta nhất định phải
tuân thủ. Những phương pháp trong kinh điển không gì khác ngoài phương pháp dạy
chúng ta làm người, phương pháp sinh hoạt, thậm chí dạy chúng ta phương pháp
làm việc, không có thứ nào không có. Phật dạy điều gì làm được, chúng ta nhất
định phải làm cho được; Phật dạy điều gì không nên làm, chúng ta nhất định tuân
thủ quyết không làm. Đó trước tiên là hộ trì chính mình, sau đó giúp đỡ chánh
pháp cửu trụ thế gian.
Cư
sĩ Lâm xây đạo tràng, mời pháp sư đến giảng kinh nói pháp, vậy chánh pháp mới
có thể cửu trụ. Những năm gần đây Lý Mộc Nguyên khai ngộ, ông mới tu sửa lầu
bốn lầu năm để mọi người đến nghe kinh, ngồi thoải mái dễ chịu gần hai giờ đồng
hồ. Đó là đến hưởng thụ, không phải đến chịu tội. Trong hai giờ đồng hồ, thân
tâm hoàn toàn thư thái. Công trình của ông vẫn chưa hoàn công, bên trong còn
một số phù điêu, bức vẽ thiên nữ tán hoa, nhưng tương lai giảng đường này sẽ
rất mỹ quan, nhất định sẽ làm cho mọi người thoải mái. Đó đều là Hộ Trì Chánh
Pháp. Trong Hộ Trì Chánh Pháp then chốt nhất chính là bồi dưỡng nhân tài tiếp
nối. Thời đại này của chúng ta đã già, tương lai không giảng nổi nữa. Không có
người giảng, vậy Phật pháp chẳng phải bị đoạn tuyệt? Hiện tại có không ít pháp
sư trẻ tuổi đến từ Trung Quốc tiếp nối huệ mạng của Phật. Tương lai chúng ta
xuống giảng đài thì họ lên tiếp nối. Những người thanh niên này vừa học giảng
kinh đương nhiên sẽ giảng có rất nhiều chỗ không vừa ý mọi người, là sơ học,
kinh điển lý luận đạo lý đều chưa thuộc, cho nên họ cần có người hộ trì.
Làm
thế nào hộ trì? Đến nghe giảng chính là hộ trì. Nếu bạn không đến nghe, họ ở
nơi đó học giảng kinh, vừa nhìn xuống thấy lác đác người vào ngồi dự, liền nghĩ
mình không khéo giảng, không thể giảng kinh, tâm họ liền bị thoái chuyển. Nhưng
khi vừa nhìn xuống thấy có rất nhiều người, họ cảm thấy phấn khởi, cho rằng
mình giảng không tệ, chí khí của họ được nâng cao. Tôi đã nói với các vị, họ là
cây Bồ Đề, các vị đến nghe kinh chính là tưới nước để vun bồi cho họ dần dần
trở thành cây đại thọ. Cho nên nghe họ giảng kinh là hộ trì chánh pháp, công
đức sẽ lớn hơn nghe tôi giảng kinh. Hiện tại tôi giảng kinh vào ngày thứ sáu và
thứ bảy, thời gian còn lại đều là những học trò đang luyện tập giảng kinh. Tôi
hoan nghênh mọi người đến hộ trì chánh pháp, khích lệ họ. Bên cạnh đó, khi các
vị nghe kinh, nếu cảm thấy họ giảng có vấn đề, nghe không rõ ràng, hoặc có chỗ
nghi, chỗ sai lầm, các vị có thể viết một tờ giấy đưa cho họ giúp họ không
ngừng cầu cải tiến.
Ngày
trước, lão sư đã dạy tôi, khi mới học giảng kinh, ta ở trên đài giảng là học
trò, bên dưới nghe kinh đều là thầy giáo, là giám học của ta. Ta báo cáo với
mọi người về việc tu học của mình, mời mọi người chân thật chỉ giáo cải tiến,
còn ta chân thật tiếp nhận, y giáo phụng hành thì chính mình mới có tiến bộ.
Cho nên học giảng kinh nhất định phải tiếp nhận phê bình chỉ giáo của đại
chúng. Đại chúng không phê bình chỉ giáo nghĩa là không quan tâm đến bạn. Còn
chân thật ái hộ bạn thì nhất định đại chúng phải phê bình. Chúng ta nhất định
tiếp nhận, nỗ lực cải tiến. Người ta phê bình mình mà mình không cải tiến thì
lần sau họ không nói nữa, họ buông bỏ bạn. Cho nên chúng ta học thì phải học
thái độ tốt đẹp, cũng nỗ lực gánh trách nhiệm giúp đỡ các pháp sư trẻ có thể
thành tựu, tương lai tiếp tục huệ mạng của Phật, hoằng pháp lợi sanh, đó chân
thật là hộ trì chánh pháp.
Các
vị cần phải biết hộ pháp quan trọng hơn hoằng pháp. Thực tế thế gian này không
phải không có người hoằng pháp, nhân tài hoằng pháp rất nhiều, nhưng nếu không
gặp được thiện hộ nhiệt tâm thì nhân tài hoằng pháp cũng sẽ bị dìm mất, ngay
trong một đời của họ chỉ có thể tự lợi mà không thể lợi tha. Thời gian trước
tôi cũng đã từng nói qua mấy lần, mỗi lần chúng ta ở giảng đường đều có không
ít đồng tu mới đến. Đồng tu cũ tuy đã nghe qua nhưng e thời gian lâu rồi có thể
quên, còn đồng tu mới thì chưa nghe, cho nên nói nhiều một chút cũng không
ngại. Người hoằng pháp cũng giống như một giáo viên giỏi ở thế gian. Họ có học
vấn, có đức hạnh, có phương pháp giáo học. Nếu không có người muốn theo họ học
thì họ không thể phát huy được tác dụng. Nhưng muốn có người theo họ học đương
nhiên trước tiên phải có người thành lập một học đường.
Trung
Quốc thời xưa thành lập học đường phần nhiều là tư thục. Một thầy giáo có ít
nhất mười mấy học trò mới có thể phát huy sở trường của mình. Nếu không có
người thành lập học đường thì thầy giáo không cách gì phát huy được đức năng
của bản thân. Vào thời hiện đại một vị thầy giáo giỏi nếu không có trường học
tốt; người phụ trách của trường học, tức là hiệu trưởng, không quen biết thầy
giáo, không mời thỉnh thì thầy giáo giỏi ấy cũng không có cơ hội giáo học. Cho
nên nhất định phải có người quen biết, mời thỉnh, trọng dụng, thầy giáo mới có
thể phát huy sở trường đặc biệt của mình, mới có thể giáo huấn một phương. Việc
giáo hoá một phương, công đức chân thật có phải thuộc tất cả về thầy giáo
không? Không, đó là của người hộ pháp. Bạn xem thấy ngày nay mở lớp dạy học,
giáo dục làm được thành tựu, khi quốc gia xã hội khen thưởng thường ban tặng
cho hiệu trưởng. Nếu trường học do tư nhân làm, nhất định khen tặng phần thưởng
cho hội trưởng, người mở lớp học, vì công là do họ. Còn làm không tốt thì lỗi
cũng ở nơi họ, họ phải gánh lấy trách nhiệm. Cho nên họ chủ đạo chánh sách giáo
học, họ xếp đặt giáo trình, giáo viên chẳng qua đến để chấp hành mà thôi. Như
vậy công đức là ở người mở lớp, việc mở lớp chúng ta gọi là hộ pháp.
Các
vị phải nên biết hoằng pháp và hộ pháp là một thể, nhưng hộ pháp vẫn quan trọng
hơn. Nếu không có người hộ trì, Phật Bồ tát ra đời cũng không thể lợi ích chúng
sanh. Trách nhiệm của hộ pháp rất nặng, công đức của hộ pháp cũng rất lớn.
Thích Ca Mâu Ni Phật đem công việc hộ pháp này ủy thác cho ai? Trên kinh chúng
ta thấy Phật đem công việc của hộ pháp ủy thác cho quốc vương đại thần, đại phú
trưởng giả. Họ có năng lực hộ pháp, có oai thế, có tiền của; họ có thể xây dựng
đạo tràng, có thể bố trí an ổn những vị pháp sư, bồi dưỡng pháp sư, khải thỉnh
pháp sư đến hoằng pháp lợi sanh. Họ chuyên mở trường học, làm đổng sự trưởng,
mời thỉnh pháp sư đến trụ trì đạo tràng. Trụ trì trong đạo tràng cũng giống như
tổng sự trưởng trong một công ty, pháp sư giảng kinh là người phụ việc, mỗi
người một việc. Ông chủ là đổng sự trưởng, là hộ pháp. Không có sự hộ trì của
họ thì người xuất gia làm gì có tiền của, làm gì có đủ lực, che dựng một chòi
tranh còn khó huống hồ xây một đạo tràng, làm sao phát huy được sở trường của
mình.
Chúng
ta ở đây giảng kinh nói pháp, công lão này là của cư sĩ Lâm. Công đức hoằng
pháp lợi sanh là của họ, nếu họ không mời mình đến giảng kinh thì chúng ta
không cách gì đến được nơi này. Nếu họ không mở lớp bồi dưỡng pháp sư trẻ thì
không người nào có thể đến. Ngày nay chúng ta giảng kinh, có rất nhiều đồng tu
được lợi ích. Hiện tại nhờ vào thiết bị khoa học, không những thính chúng ngồi
đây được lợi ích mà các đồng tu trước truyền hình cũng được lợi ích. Hôm qua
thầy Ngộ Đạo gọi điện thoại cho tôi từ Canada. Thầy nói với tôi, tịnh tông của
Hoa Kỳ và Cannada tiền đồ một mảng sáng lạng. Hiện nay họ đọc kinh Vô Lượng
Thọ, số lượng người niệm Phật nhiều vô kể. Một số người nước ngoài đọc kinh Vô
Lượng Thọ rất tốt mặc dù họ không hiểu ý nghĩa. Tôi thắc mắc làm sao có thể đọc
tốt như vậy. Thầy ấy cho biết cuốn kinh Vô Lượng Thọ của Singapore có phiên âm
Latinh. Người nước ngoài căn cứ vào phiên âm đó đọc ra chữ Trung Quốc không hề
sai. Có rất nhiều người nước ngoài đang đọc quyển kinh này. Chúng ta có thể
hiến tặng họ, bất cứ nơi nào cần đến thì chúng ta đều có thể tặng.
Người
nước ngoài dùng phiên âm La tinh đích thực rất thuận tiện. Đài Loan dùng chú âm
phù hiệu, họ không cách gì đọc được, cũng không thể dùng, nhưng quyển chú âm
của Singapore thì họ rất dễ dùng. Tịnh tông có thể mở rộng như vậy, tốc độ
nhanh là nhờ vào sức mạnh truyền hình. Mỗi ngày chúng ta đều ở trên truyền
hình, một giờ phát sóng là một giờ họ từ truyền hình mà lĩnh hội. Cho nên ngày
nay chúng ta đến đây giảng kinh, thính chúng không thể hạn lượng. Mắt thịt
chúng ta nhìn thấy nhiều người nhưng không nhìn thấy được số lượng người ngồi
trước tivi ở các quốc gia khu vực khác. Không biết số người nhiều đến bao
nhiêu, lợi ích vô biên, loại công đức lợi ích này vẫn là của hội trưởng cư sĩ
Lâm. Muốn Phật pháp hưng vượng, bốn chúng đệ tử chúng ta đều phải biết làm công
việc hộ pháp.
Ngày
trước, tôi còn trẻ học Phật, học giảng kinh với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, sau đó
nếu không gặp Hàn quán trưởng ba mươi năm toàn tâm toàn lực hộ trì thì chúng ta
cũng không có thành tựu của ngày hôm nay. Không có người hộ trì này, tôi nghĩ
tôi chỉ có hai con đường để đi, một là làm kinh sám, bỏ việc giảng kinh vì
không có cơ hội giảng cho bạn; hai là đành phải hoàn tục, lại vào xã hội để tìm
công việc. Do đó công đức hộ trì không thể nghĩ bàn. Hộ trì không đơn giản, cả
nhà Hàn cư sĩ giúp đỡ tôi, họ cũng gặp phải rất nhiều khổ nạn, thế nhưng bà
sáng suốt, không bị quấy nhiễu bởi hoàn cảnh bên ngoài. Bạn lên bục giảng kinh,
giảng không hay, người ta sẽ cười bạn, chướng ngại đó vẫn nhỏ. Nhưng nếu giảng
khá, thính chúng rất hoan hỉ, tán thán, đồng thời người đố kỵ sẽ xuất hiện,
việc này không thể tránh khỏi. Người đố kỵ sẽ nghĩ mọi cách phá hoại, khiêu
khích, sinh sự. Ngày trước, tôi ở nhà của Hàn trưởng. Người xuất gia bị bức đến
không còn đường để đi, không có chùa dung chứa, đành ở nhà cư sĩ 17 năm. Thời
gian không ngắn cho nên người khiêu khích sinh sự cũng không thể tránh khỏi.
Người nhà của Hàn trưởng phải nhẫn chịu. Nếu họ không thể nhẫn chịu, họ sẽ nói:
“Pháp sư à! Không được rồi, ông ở đây, tôi không thể chịu nổi áp lực bên
ngoài”, lúc đó có lẽ tôi đành phải ra đi. Thế nhưng người trong nhà họ sáng
suốt, họ có thể chịu được bất cứ gièm pha thậm chí nhục mạ, họ đều không hề để
ý. Việc này vô cùng khó làm, cho nên thành tựu của chúng ta chân thật rất cảm
kích đối với bà, không có bà thì không có thành tựu của ngày nay, cũng không có
thư viện Hoa Tạng của Đài Bắc, không có Tịnh Tông Học hội. Do đó công đức hộ
trì là không thể nghĩ bàn. Hộ trì phải có trí tuệ, có định lực chân thật. Trí
tuệ có thể phân biệt phải quấy, định lực không bị cảnh giới bên ngoài quấy
nhiễu, cứ kiên trì sau cùng mới có thành tựu. Đến khi quán trưởng vãng sanh,
hai lần nhìn thấy Phật A Di Đà đến an ủi, được xem thấy hải hội liên trì, điềm
lạ đích thực tương ứng với công đức của bà.
Các
vị xem thấy, người xuất gia chúng tôi đắp cái y này, màu sắc là màu cafe, không
phải y màu đỏ, áo tràng màu vàng như trước đây chúng ta đều đắp. Khi Hàn quán
trưởng bệnh nặng, một hôm tôi bỗng nghĩ ra, màu sắc y của chúng ta không như
pháp. Phật nói cho chúng ta màu sắc của y phục này chính là loại màu sắc hiện
tại tôi đang đắp. Y nhiễm sắc, tránh khỏi năm loại màu chính, là đỏ, vàng,
xanh, trắng, đen. Cho nên y phục của nhà Phật gọi là màu cà sa. Tôi liền nghĩ
đến, y nhiễm sắc không phải chánh sắc. Thế là tôi gọi điện thoại cho tiệm may
tăng phục, nhờ họ may loại y phục như pháp này. Buổi tối, ông chủ tiệm may tăng
phục đến thư viện đo y phục cho chúng tôi. Chúng tôi liền nhờ ông ấy may nhanh
hơn một chút. Ông liền nói, buổi trưa, Phật A Di Đà đến tiệm dặn bảo ông rằng
thư viện có việc gấp, phải mau làm cho xong, cho nên ông đã chuẩn bị xong hết
nguyên liệu may đồ. Thật không thể nghĩ bàn. Chúng ta khởi một niệm đúng pháp
liền có thể cảm ứng. Ngày nay chúng ta đắp y này, thật không dám đổi lại màu đỏ
vì Phật A Di Đà gia trì. Bất kể trường hợp nào, chúng ta cũng không dám dùng
màu vàng, màu đỏ tươi đẹp nữa.
Trong
hộ pháp, phải hiểu phẩm Hạnh Nguyện có câu “thỉnh chuyển pháp luân”.
Chúng ta không cách gì thỉnh Phật, chỉ có thỉnh những vị cao tăng đại đức không
luận tại gia hay xuất gia miễn họ có tu học Phật pháp. Hiện tại tìm người chứng
quả là việc quá khó, chúng ta không gặp được, chỉ cần họ chân thật có tu có học
thì chúng ta có thể mời họ đến giảng kinh. Thế nhưng khi mời họ đến giảng kinh,
chúng ta lại phải thông hiểu đại chúng của chúng ta đang tu pháp môn gì, chúng
ta mời họ đến giảng kinh luận gì, có sự trợ giúp đối với việc tu học của chúng
ta hay không. Mọi người đều niệm Phật, đều một mục tiêu cầu sanh Tịnh Độ, nếu
bạn mời một vị pháp sư đến giảng về tham thiền, hoặc mời một vị pháp sư đến dạy
bạn trì chú, như vậy là phá hư pháp môn tu học của chúng ta. Người hộ pháp
không những hộ chính mình, hộ pháp của Phật mà còn phải hộ pháp của đại chúng,
vì đại chúng mà mời thầy giáo. Khi mời, nhất định phải mời thầy giáo tương ưng
với sự tu học thì chúng ta mới có được lợi ích.
Ngày
trước khi tôi ở Đài Trung thân cận lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam mười năm, mười năm
không hề rời khỏi ông, ông đi đến đâu thì chúng tôi đi theo đến đó. Chúng tôi
khoảng vài chục người, là chúng thường tùy của thầy. Trong mười năm, tôi thấy
lão cư sĩ Lý sáng lập Liên Xã Đài Trung, thư viện Từ Quang. Hai đạo tràng hoằng
pháp đã tiếp đón rất nhiều đại pháp sư, đại đức cư sĩ đi ngang qua Đài Trung.
Lão sư Lý đích thân đến bến xe nghinh tiếp, khi về đích thân đưa tiễn đến bến
xe. Ngài nhất định mời họ ăn cơm, cung kính cúng dường, lễ tiết rất chu đáo,
nhưng không hề mời họ giảng khai thị, đừng nói đến giảng kinh. Ban đầu tôi nhìn
thấy việc này trong lòng cảm thấy có chút kỳ lạ. Có một số pháp sư từ nước
ngoài đến, Lý lão sư tôn kính họ như vậy nhưng lại không mời họ kết chút pháp
duyên với mọi người chúng tôi, không mời giảng chút khai thị. Chúng tôi thỉnh
thoảng cảm thấy lão sư Lý dường như ngạo mạn, không xem trọng người khác, mặc
dù trên biểu hiện của ông rất cung kính, lễ tiết không hề thiếu sót. Chúng tôi
tuy không nói ra nhưng cũng bị ông nhìn thấy. Ông triệu tập chúng tôi đến,
khoảng mười người, ông nói: “Không phải tôi không mời ông ấy giảng khai thị.
Nếu ông ấy vừa khai thị thì tôi lại phải tốn rất nhiều thời gian làm cho tâm
của đồng tu chúng ta định trở lại. Những vị pháp sư đó là pháp sư tham thiền,
những pháp sư học giáo, và pháp sư tu Mật. Suốt mười năm, tôi không dễ gì bồi
dưỡng tín tâm niệm Phật của mọi người, hiện tại một câu A Di Đà Phật niệm đến
cùng, nếu pháp sư ấy đến nói tham thiền tốt hơn niệm Phật, tham thiền minh tâm
kiến tánh, hoặc trì chú, học Mật Tức Thân Thành Phật, vậy thì đồng tu chúng ta
nghe xong, tín tâm sẽ liền lay động, như vậy có phải phiền phức hay không?”.
Cho nên ông không chịu mời họ giảng khai thị, đó là ông hộ pháp, giữ gìn thuần
tín của đại chúng đối với tín tâm, thâm tín thiết nguyện, tuyệt đối không để bị
người phá hoại. Khi ông giải thích rõ ràng, chúng tôi mới bừng tỉnh hiểu ra,
ông thật là người hộ pháp đại từ đại bi, bảo hộ mọi người, đã không dễ dàng bồi
dưỡng được chút tín nguyện hạnh này thì làm sao bây giờ có thể khinh xuất để
người ta nói mấy câu khiến dao động.
Đại
đức thời xưa cùng hiện tại khác nhau, vào thời xưa, đại đức chân thật là những
người có đức hạnh. Phật pháp thường nói “Nếu muốn Phật pháp hưng, chỉ có
tăng khen tăng”, đôi bên tán thán lẫn nhau thì Phật pháp chúng ta mới có
thể hưng khởi. Thế nhưng hiện tại thông thường nhất là các pháp sư trẻ tuổi
chưa nhận qua giáo huấn chính quy nên không hiểu được đạo lý này, họ đến nơi
đâu cũng tự giới thiệu về mình, cho rằng mình tu học con đường này là đúng, họ
có thành kiến đối với các pháp môn khác nên thường phê bình, như vậy rất dễ
dàng dẫn sai người khác tu học. Việc này gọi là không biết lễ phép. Nếu là một
người rõ lý thì chúng ta có thể không những thỉnh họ giảng khai thị mà còn mời
họ giảng kinh, vì sao? Họ tán thán pháp môn của chúng ta. Đối với đồng tu việc
này có lợi ích lớn. Chúng ta ở dưới hội của lão sư Lý, lão sư Lý cũng đã từng
dạy bảo qua việc này để giữ lễ.
Năm
1977 tôi giảng kinh Lăng Nghiêm ở Hong Kong, pháp sư Thánh Nhất tham gia pháp
hội, ông nghe rất hoan hỉ, sau đó mời tôi đến Đại Tự Sơn, đạo tràng của ông để
cùng đại chúng của ông kết pháp duyên và giảng một buổi khai thị. Tôi đến nơi
đó nhìn thấy đạo tràng thiền tông, trong đạo tràng có hơn 40 người, mỗi ngày
tọa hương, tuân thủ qui củ của thiền đường. Tôi đã xem qua rất nhiều đạo tràng
nhưng chưa thấy nơi nào chăm chỉ làm đạo như vậy. Ông mời tôi giảng khai thị,
tôi liền tâm niệm phải giảng cái gì. Thứ nhất, tán thán pháp sư Thánh Nhất,
pháp sư giỏi, có tu có học. Thứ hai, tán thán đạo tràng thanh tịnh trang
nghiêm, thành tựu đạo nghiệp của mọi người. Thứ ba, tán thán đại chúng, tán
thán pháp môn của họ. Bản thân tôi tu Tịnh Độ nhưng lúc đó, một chữ về Tịnh Độ
tôi cũng không nhắc đến. Tôi tán thán thiền.
Đến
khi rời khỏi đạo tràng, trên đường về, một số người đi theo liền hỏi tôi: “Pháp
sư Tịnh Không, vừa rồi ông luôn miệng tán thán thiền hay. Vậy tại sao ông không
tu thiền? Vì sao ông lại niệm Phật?”. Bạn thấy đấy, người đi theo tôi mới
nghe tôi tán thán về thiền một chút liền khởi nghi hoặc, vậy làm sao được? Tôi
liền nói với họ, thiền là người thượng thượng căn mới có tư cách tham thiền.
Tôi là người hạ căn rất muốn tham thiền nhưng không đủ tư cách nên quay đầu lại
thành thật niệm A Di Đà Phật. Lời tôi nói đều là thật, không phải giả. Cho nên
tôi tán thán họ đến tột đỉnh, tăng thêm đại chúng, làm cho họ càng có lòng tin
với pháp sư Thánh Nhất. Tương tự, các vị cũng thấy đó, người từ bên ngoài đến đều
tán thán Hoà Thượng của chúng ta. Pháp sư Thánh Nhất có tu hành nên hiểu được,
nếu ông đến đạo tràng của tôi, nhất định ông sẽ tán thán niệm Phật, tuyệt đối
sẽ không giảng thiền tông. Đó chính là chân thật biết hộ pháp. Người xưa thường
nói “Thà làm động nước trăm sông, không động tâm người tu niệm”, người
ta đã tu pháp môn này thì bạn làm sao có thể tuỳ tiện dao động họ, đó là một
việc không nên làm.
Khi
tôi vừa học Phật, lúc đó vẫn chưa xuất gia, tôi thường nghe pháp sư Diễn Bồi
giảng kinh. Tôi rất thân với ông vì mỗi lần ông giảng kinh, tôi luôn ngồi hàng
đầu, mặt đối mặt ngày ngày đều thấy nhau. Sau khi xuất gia, ông rất ái hộ tôi.
Tôi tôn trọng và gọi ông là lão sư, còn ông cũng xem tôi như bạn. Khoảng vài
năm đầu đến Singapore, ông đều đến phi trường đón tôi, khi tôi rời khỏi, ông
cũng tiễn tôi tại phi trường. Sau này ông đến Đài Loan, ông rất vui ở tại Cơ
Kim Hội chỗ tôi, ông mời tôi đến giảng kết duyên với tín đồ của ông tại đạo tràng.
Tôi biết rõ ông tu Di Lặc Tịnh Độ, muốn sanh về cung trời Đâu Suất, tức là
không đi chung đường với chúng ta, cho nên khi đến chỗ ông giảng khai thị, tôi
đặc biệt tán thán Pháp Tướng Duy Thức Tông, tán thán Di Lặc Tịnh Độ mà không hề
nhắc đến một chữ Di Đà Tịnh Độ của chúng ta. Do đây có thể biết qui tắc, bạn
đến bất cứ đạo tràng nào, họ đều hoan hỉ mời bạn giảng khai thị, nếu bạn không
hiểu qui tắc này thì mọi người sẽ sợ bạn nói chuyện, sợ bạn làm nhiễu loạn lòng
người, phá hoại tín ngưỡng của mọi người, làm cho người ta hoài nghi.
Cho
nên bất cứ nơi nào mời chúng ta, chúng ta phải hỏi thăm dự liệu trước, họ tu
pháp môn gì? Tu được bao lâu? Do ai hướng dẫn? Nếu đạo tràng đó không phải
chuyên tu pháp môn thì bạn có thể tùy tiện giảng. Một đạo tràng thường thỉnh
mời nhiều pháp sư thuộc nhiều pháp môn thì chúng ta không có gì ngăn ngại.
Những đạo tràng như thế lộn xộn rối rắm, họ không biết pháp môn nào là đúng.
Hoặc một số đạo tràng không tìm được pháp sư hoằng dương Phật pháp, nên phàm hễ
pháp sư nào đi ngang qua họ thảy đều mời thỉnh giảng kinh, giảng khai thị. Pháp
sư thích giảng cái gì thì cứ giảng thứ đó, pháp nào họ cũng muốn nghe, pháp nào
cũng đều muốn học, sau cùng không có gì thành tựu. Do đây có thể biết, hoằng
pháp có hiệu quả hay không then chốt ở hộ pháp.
Một
ví dụ khác, trước đây, đầu mỗi năm tôi đều đến Hongkong giảng kinh. HongKong
cách Đài Loan một giờ máy bay. Năm xưa ở HongKong chỉ có một bà Lôi hộ trì, mỗi
lần đều do bà mời tôi đến giảng kinh. Sau khi bà Lôi qua đời thì không có người
mời nữa. Gần chục năm, đến năm vừa rồi trở lại HongKong giảng kinh, tôi gặp
được một số lão đồng tu, những lão đồng tu này nói: “Pháp sư à! Đã bảy năm
rồi ông không trở lại”. Quả thật, nhẩm lại đúng là bảy năm tôi không đến.
Nhưng không phải tôi không đến mà không có người mời tôi đến. Tôi không thể tự
mình đi vì mọi người cự tuyệt tôi thì tôi đến để làm gì. Cần phải có người tìm
tôi. Không có người mời thỉnh thì chúng ta không có cách nào. Muốn đến nơi đó
để kết duyên với mọi người nhưng duyên không đầy đủ.
Ở
Singapore cũng vậy, chỉ có một mình cư sĩ Lý Mộc Nguyên, đó là vào năm 1987 lần
đầu tiên tôi đến. Tôi đã giảng qua một buổi ở Cư Sĩ Lâm, hai buổi ở đoàn hoằng
pháp thanh niên. Lúc đó đoàn trưởng của đoàn hoằng pháp thanh niên là Lý Mộc
Nguyên. Qua ba lần gặp ông, tôi được kết duyên phận này. Tôi nhớ lần đầu đến
giảng ở chùa Song Lâm hai buổi, sau đó ông sắp xếp cho tôi giảng nhiều nơi, về
sau mỗi năm Lý Mộc Nguyên đều đến mời tôi. Các vị thử nghĩ xem, nếu không có
ông thì Singapore ai sẽ mời tôi, trong khi tôi chỉ quen biết vài người. Hiện
tại ở Singapore có rất nhiều người đọc kinh Vô Lượng Thọ, người niệm Phật cũng
nhiều. Hơn nữa, Tịnh Tông còn ảnh hưởng cả Đông Nam Á. Mỗi năm Lý cư sĩ nhiều
lần phải đến Trung Quốc, đối với Phật giáo Trung Quốc cũng có ảnh hưởng rất
lớn. Cho nên tôi không có công đức, công đức hoàn toàn là của ông ấy.
Nếu
các vị muốn tu tích công đức thù thắng nhất thì nên làm hộ pháp. Hà tất phải
lên đài làm giáo viên, giáo viên phước báu thấp nhất, còn gọi là giáo viên
nghèo, trong khi đó ông chủ có phước báu lớn, trí tuệ lớn. Trí tuệ lớn vì ông
có thể mời giáo viên, có thể đề ra chính sách giáo học tốt, có thể chân thật
đem Phật pháp thúc đẩy mở rộng, là người có nhân lực, tài lực. Nhất định phải
có đại phước đức, đại trí tuệ mới có thể làm đại hộ pháp. Còn không có phước
báu, có chút ít trí tuệ thì đành phải học giảng kinh. Cho nên hoằng hộ, chúng
ta cần phải phân định rõ ràng. Các vị pháp sư trẻ tuổi tương lai có phước báu
lớn được làm trụ trì một phương hoặc lãnh đạo Phật giáo một phương, bạn phải có
trí tuệ, mời thỉnh những vị pháp sư có thể giảng kinh, pháp sư tu trì, giúp đỡ
các vị giáo hoá một phương, thì lúc đó bạn có công đức chân thật.
Giữ
gìn chánh pháp là vô cùng quan trọng, chánh pháp có cửu trụ thế gian hay không,
có lợi ích chúng sanh hay không đều phụ thuộc ở sự khéo hộ trì. Khéo hộ trì
chính là có phước đức, có trí tuệ. Trí tuệ để phán đoán chân vọng, phân biệt tà
chánh, phải quấy; có phước báu thì họ có năng lực thúc đẩy, sức ảnh hưởng mới
phát huy được. Đương nhiên việc hộ pháp không phải người nào cũng có thể làm
được, nhưng chỉ cần phát tâm, phước báu trí tuệ kém một chút vẫn có thể làm
được. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói rất hay, chúng ta không có phước báu nhưng Phật A
Di Đà có phước báu, chúng ta không có trí tuệ thì Phật A Di Đà có đại trí tuệ.
Cả đời chúng ta chỉ cần dựa vào Phật A Di Đà thì không có trí tuệ cũng biến
thành có trí tuệ, không có phước báu cũng biến thành có phước báu. Lý Mộc
Nguyên tìm được ngọn núi tốt để dựa vì vậy mười năm qua, công việc Phật sự của
ông thuận buồm xuôi gió. Cách dựa núi này thật hay, khiến người cảm động.
Mười
năm trước, Lý Mộc Nguyên đã mắc bệnh ung thư. Lần đầu tiên khi tôi gặp ông, ông
rất mập, giống như Bồ tát Di Lặc vậy, cái bụng to, người tráng kiện. Đến năm
thứ hai, thứ ba, ông bỗng ốm xuống rất nhiều. Lúc đó tôi vẫn chưa chú ý lắm,
ông nói với tôi rằng bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh ung thư, thọ mạng cao nhất
cũng chỉ được sáu tháng nữa. Hiện nay vẫn còn những báo cáo chẩn đoán và phim
chụp X quang của ông vào thời điểm đó, nội tạng bên trong không còn chỗ nào
tốt. Ông là một tín đồ Phật giáo chân thành, khi biết mình bị bệnh không thể
cứu, ông đem tất cả việc buôn bán giao cho vợ, tài sản cũng đều giao hết, trên
người không còn bất cứ thứ gì. Ông làm công quả ở cư sĩ Lâm, sống một ngày làm
một ngày, cứ thế đợi vãng sanh. Đến nay đã mười mấy năm, sức khoẻ của ông càng
ngày càng tốt. Hiện tại đi kiểm tra lại thì không thấy có thứ bệnh nào. Giới y
ở Singapore cho đây là một kỳ tích, bởi vì ông không khám bệnh, không hề tìm
bác sĩ, không uống thuốc, tất cả ông đều buông bỏ. Người ta giới thiệu bác sĩ
giỏi, ông cũng không đi, chỉ một lòng niệm Phật, đợi Phật đến tiếp dẫn vãng
sanh. Thế nhưng thật kỳ lạ, tế bào ung thư toàn thân ông quả nhiên tiêu mất,
hiện tại thân thể khoẻ mạnh vượt qua người thông thường. Ông nói, năm trước
thăm viếng Trung Quốc đại lục, đến phương bắc âm 2 độ, ông cũng chỉ mặc một
chiếc áo sơ mi mà không cảm thấy lạnh. Mùa đông thân thể ông phát nhiệt ra bên
ngoài, còn mùa hạ thì trong thân ông mát, thân thể đông ấm hạ mát, thật không
thể nghĩ bàn.
Tôi
ở đây giảng đạo của Phật pháp cho các vị nghe, các vị có thể bán tín bán nghi,
chưa chắc thật tin, nhưng cư sĩ Lý Mộc Nguyên đã hiện thân nói pháp, ông làm
cho bạn xem nên bạn có thể có tín tâm kiên định, chí nguyện kiên định. Ông đem
tất cả buông bỏ, ngay một đời này hy sinh phụng hiến triệt để vì Phật pháp, vì
xã hội, và vì chúng sanh. Ông cùng với Phật A Di Đà đồng tâm, đồng nguyện, đồng
hiểu, đồng làm, cho nên thân của ông chuyển đổi. Mười năm trước bị bệnh phải
chết, đó là nghiệp báo thân của ông. Hiện tại ông đem nghiệp báo thân chuyển
thành thân nguyện lực, kinh Hoa Nghiêm nói “lực trì thân, nguyện thân”,
nguyện thân chính là thừa nguyện trở lại. Phước báu ngày nay của ông là do chư
Phật Như Lai gia trì, do tất cả chúng sanh có phước, ông liền có phước. Đó là
hiện thân nói pháp ngay trước mắt chúng ta.
Mỗi
lần đến Trung Quốc đại lục, ông dẫn theo đoàn mấy mươi người, lần này ông đi
tám ngày cũng dẫn theo hơn một trăm người cả già lẫn trẻ, có người già đến hơn
tám mươi tuổi. Bạn thấy có ai gan lớn như vậy, dám dẫn theo một số người già,
nếu nhỡ người già bị bệnh hay xảy ra việc gì ở đại lục thì làm sao gánh vác
nổi. Lễ xưa của Trung Quốc có nói “Bảy mươi không giữ lại đêm, tám mươi
không giữ lại ăn cơm”, người già bảy mươi tuổi không nên giữ lại trong nhà,
vì nếu nhỡ bỗng nhiên qua đời, người ta sẽ nghi bạn mưu hại, bạn cũng không thể
thanh minh được với quan tòa, cho nên không nên giữ người bảy mươi tuổi lại
trong nhà. Nếu tám mươi tuổi, tuổi tác càng lớn thì càng không nên giữ lại ăn
cơm, nếu nhỡ họ ăn cơm bị làm sao cũng sẽ xảy ra chuyện. Ấy thế mà, ông Lý Mộc
Nguyên to gan dẫn theo người già bảy tám mươi tuổi đi du lịch. Đây chính là Tam
Bảo gia trì. Nhiều năm đến Trung Quốc đại lục, nhiều lần dẫn theo người già
tham quan du lịch nhưng ông không hề gặp việc gì trắc trở, đi và về rất bình
an. Không phải lực gia trì của Tam Bảo thì nhất định không thể làm được. Cho
nên tôi nói với mọi người, Lý Mộc Nguyên là một Bồ tát sống, nếu các vị muốn đi
du lịch thì hãy đi theo ông, nhất định không có vấn đề. Còn bạn đi với người
khác thì tôi không dám bảo đảm.
Lý
Mộc Nguyên nói với tôi, ông bằng lòng dẫn hai loại người, già và trẻ nhỏ, với
điều kiện hai loại người này chịu nghe lời. Ông không dẫn người trẻ tuổi không
biết nghe lời. Tham quan du lịch, nếu không dẫn người già thì ông dẫn trẻ nhỏ.
Một lần ông dẫn theo hơn một trăm em nhỏ du lịch đến Phúc Kiến, đời sống của
ông, ăn uống rất đơn giản. Người ta tặng ông thức gì ngon, bổ dưỡng, ông liền
chuyền tay tặng ngay cho người khác, bản thân không cần đến. Chúng ta đọc kinh
Phật, nghe tôi diễn giảng ở đây, lại được thấy xem cư sĩ Lý Mộc Nguyên thì phải
sanh khởi tín tâm, chăm chỉ nỗ lực tu học, đó mới là phước báu chân thật, mới
là an vui chân thật. Lý Mộc Nguyên đã toàn tâm toàn lực giúp đỡ Phật giáo Trung
Quốc hưng vượng. Trung Quốc an định nghĩa là cả thế giới an định, vì Trung Quốc
đất rộng người đông, một tỉ ba dân số, là trung tâm của thế giới. Nếu chúng ta
muốn toàn thế giới an định, người trên toàn thế giới đều được hạnh phúc mỹ mãn
thì nhất định phải giúp đỡ Trung Quốc. Lý Mộc Nguyên toàn tâm toàn lực như vậy,
nên được Phật Bồ Tát phù hộ, gia trì, không phải không có đạo lý. Việc ông làm
hôm nay là việc công đức hy hữu, sức mạnh đó của ông từ đâu mà có? Từ tất cả
quí vị ở phía sau giúp đỡ ông. Nếu quí vị không bỏ tiền bỏ sức giúp ông thì ông
cũng không thể làm được việc gì cả. Những liên hữu ở Singapore, liên hữu ở cư
sĩ Lâm là hậu thuẫn của ông. Những điều ông làm chính là của tất cả bạn đồng tu
ở cư sĩ Lâm cùng Tịnh Tông Học Hội. Ông chỉ là đại diện cho sự đồng tâm hiệp
lực của mọi người, vì Tam Bảo, vì xã hội, vì chúng sanh, mà làm nên những việc
tốt này. Ông có phước báu, và mỗi người các bạn đây cũng đều có phước báu.
(Còn tiếp …)
KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH
ĐẲNG GIÁC
Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG
Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên tập: PT. Giác Minh Duyên
Discussion about this post