Nguyên Minh
Nhà xuất bản Thời Đại 2015
ĐỜI LÀ BỂ KHỔ
Ngay sau khi thành đạo và quyết định hoằng truyền giáo pháp, đức Phật đã đi đến vườn Lộc Uyển và thuyết pháp lần đầu tiên cho 5 anh em ông Kiều-trần-như, những người trước đây đã từng cùng ngài tu khổ hạnh nhưng không đạt được sự giải thoát như mong muốn.
Trong lần Chuyển pháp luân đầu tiên này, đức Phật thuyết giảng về Tứ diệu đế, những sự thật mà bất cứ ai cũng có thể nhận biết được bằng cách quán xét bản chất đời sống của chính mình, trong đó việc nhận biết bản chất khổ đau của đời sống được xem là sự thật thứ nhất: Khổ đế.
Điều thú vị ở đây là, tuy những gì đức Phật thuyết dạy là sự thật hết sức hiển nhiên, không thể phủ nhận, nhưng tất cả các bậc thầy tâm linh đương thời với ngài cũng như trước đó lại chưa từng có ai đề cập đến. Vì thế, giáo pháp Tứ diệu đế đã trở thành một nét đặc thù trong Phật giáo kể từ khi ấy, và về sau trở thành điểm cốt lõi, nền tảng trong mọi giáo pháp do đức Thế Tôn truyền dạy.
Ngày nay, khi nói đến những nỗi khổ trong cuộc đời, chúng ta chỉ thấy đó như một sự thật hiển nhiên mà bất cứ ai cũng có thể nhận biết. Cách gọi tên những nỗi khổ như “sinh, lão, bệnh, tử” đã trở thành quá quen thuộc với đại đa số quần chúng, đến nỗi không ít người quên hẳn rằng chúng được xuất phát từ bài pháp đầu tiên của đức Phật. Thật khó có thể nói chắc được rằng, nếu như không có đức Phật từng chỉ ra bản chất khổ đau của đời sống một cách có hệ thống trong giáo pháp của ngài, thì liệu chúng ta có thể tự mình nhận biết cùng những sự thật như thế hay chăng?
Dường như đến nay tôi vẫn chưa thấy có ai đề cập đến tính đột phá trong bài pháp đầu tiên của đức Phật. Thật ra, cho dù khổ đau vốn là một sự thật hiển nhiên từ bao đời, nhưng trước đức Phật thì chưa từng có ai xem đó như một bản chất căn bản của đời sống. Con người cảm nhận được khổ đau nhưng cũng đồng thời được trải nghiệm nhiều niềm vui thích, khoái lạc và hạnh phúc. Vì thế, nếu không có những phân tích chỉ bày rốt ráo của đức Phật thì có lẽ hầu hết chúng ta cũng chỉ xem khổ đau như một phần trong cuộc sống thay vì nhận diện nó như một bản chất tất yếu không thể né tránh. Việc chỉ rõ bản chất khổ đau của đời sống chính là một bước đột phá vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, bởi nó đặt nền móng căn bản cho mọi pháp môn tu tập hướng thượng, bởi vì xét cho cùng thì tất cả đều không thể đi ngoài mục đích chấm dứt khổ đau.
Lần đầu tiên được biết đến giáo pháp Tứ diệu đế và tính chất hiển nhiên của khổ đau được đức Phật chỉ rõ, tôi bỗng có sự liên tưởng đến việc Kha Luân Bố tìm ra châu Mỹ. Chuyện kể rằng, trong một bữa tiệc có rất đông người để chúc mừng thành công của ông khi trở về, Kha Luân Bố nghe được những lời bàn tán cho rằng việc ông tìm ra vùng đất mới là chẳng có gì khó khăn, và nếu như không có ông thì rồi cũng sẽ có người khác tìm ra thôi…
Lặng yên không tranh cãi, Kha Luân Bố yêu cầu mang đến cho ông một quả trứng luộc và trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông thách thức bất cứ ai trong số quan khách có thể đặt quả trứng đứng yên giữa một cái đĩa. Ông nói rõ, có thể dùng mọi phương cách nhưng không được dùng thêm bất kỳ vật hỗ trợ nào khác. Rất nhiều người tiến lên để thử và họ loay hoay rất lâu nhưng không cách nào giữ cho quả trứng đứng yên được. Chỉ cần buông tay ra là nó sẽ ngã xuống đĩa.
Sau khi mọi người đều thừa nhận là yêu cầu của Kha Luân Bố không thể thực hiện được, ông lặng lẽ đến bên chiếc đĩa, cầm lấy quả trứng đập nhẹ một đầu xuống bàn cho vỡ móp đi và sau đó đặt nó đứng yên một cách dễ dàng giữa chiếc đĩa. Mọi người ồ lên thú vị nhưng phải thừa nhận cách làm của ông không hề phạm quy, bởi trước đó ông đã nói rõ là có thể dùng bất kỳ phương cách nào…
Một việc làm hết sức dễ dàng, nhưng trước khi Kha Luân Bố thực hiện nó thì trong cả đám đông không một ai nghĩ ra được cả!
Cũng vậy, ngày nay chúng ta có thể dễ dàng nói về bản chất khổ đau của đời sống, là bởi trước ta đã có bậc Đạo sư chỉ rõ ra những điều ấy. Bài pháp đầu tiên của đức Phật đã khai phá con đường giúp chúng ta ngày nay dễ dàng nhận ra được sự thật hiển nhiên ấy.
Quả thật, khổ đau hiện diện trong đời sống như một sự thật hết sức hiển nhiên! Chúng có mặt trong cuộc sống của bất kỳ ai, kể cả những người được xem là may mắn, hạnh phúc nhất. Tuy nhiên, việc nhận hiểu một cách sâu xa và trọn vẹn về thực trạng hiển nhiên này cũng không hẳn là việc dễ dàng. Khi mô tả về bản chất khổ đau của đời sống, các kinh văn Phạn ngữ đã dùng chữ dukkha, vốn mang một phạm trù ý nghĩa rộng hơn nhiều so với ý nghĩa thường được nhận hiểu trong hai chữ “khổ đau”.
Trong tiếng Việt, chúng ta hiểu về “khổ đau” như là một trạng thái làm ta khó chịu về thể chất hoặc tinh thần, như khi ta có bệnh, bị thương tích, hoặc rơi vào một hoàn cảnh thiếu thốn về vật chất, hay khó chịu vì bị xúc phạm, tổn thương về tinh thần… Và trong ý nghĩa đó thì không phải lúc nào chúng ta cũng đau khổ. Có những lúc cuộc sống ta tràn ngập niềm vui, hạnh phúc hay sự thỏa mãn, và khi ấy ta không thấy cuộc đời có gì là khổ cả. Do đó, cảm nhận tự nhiên của chúng ta về cuộc sống chẳng qua là có lúc này, lúc khác… thế thôi. Và việc nhận thức về khổ đau như một tính chất cơ bản nhất của đời sống, trong một chừng mực nào đó thì đối với phần lớn chúng ta lại có vẻ như quá bi quan.
Kinh điển Phật giáo có nhiều đoạn mô tả nhận thức sai lầm như thế của hầu hết chúng ta qua hình ảnh so sánh rất sinh động. Một người tử tù vừa trốn thoát và bị đuổi bắt rất gấp. Trong lúc đang cố hết sức trốn chạy, anh ta rơi xuống một vực sâu nhưng may mắn bám được một sợi dây leo ven bờ vực và treo lơ lửng ở đó. Thật không may, anh ta chợt nhận ra là có hai con chuột, một đen và một trắng, đang thay nhau cố gặm đứt sợi dây. Trên bờ vực, quân lính đã đuổi tới vây quanh chờ bắt anh, và nhìn xuống bên dưới vực sâu thăm thẳm, có một con rắn độc đang ngóc đầu chờ…
Với những yếu tố cực kỳ nguy cấp như thế, người tử tù rơi vào hoàn cảnh hầu như không thể tìm đâu ra con đường sống. Rồi anh ngước nhìn lên một nhánh cây gie ra trên bờ vực và chợt thấy một tổ ong, từ đó rơi xuống đúng vào miệng anh mấy giọt mật ngọt. Bỗng nhiên, anh như quên hẳn đi hoàn cảnh hiện tại của mình, chỉ còn cảm nhận vị ngọt lịm của mấy giọt mật đang tan dần trong miệng…
Thực trạng của tất cả chúng ta cũng không khác gì người tử tù trong hoàn cảnh nguy khốn kia! Cuộc sống chúng ta từ lúc sinh ra đã ngập chìm trong sự mong manh biến đổi vô thường của đời sống, trong tiến trình hoại diệt không ngừng của từng tế bào cơ thể cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, cũng như trong những rủi ro bất trắc có thể xảy đến cho bất kỳ ai với bất kỳ mức độ nào. Chúng ta không thể dựa vào đâu để đảm bảo rằng cuộc sống ta sẽ luôn được an ổn, hạnh phúc, mà ngược lại thì khả năng xảy ra bất ổn lại gần như có thể đến với ta bất cứ lúc nào. Hai con chuột, một trắng một đen, tượng trưng cho ngày và đêm đang trôi qua, rút ngắn dần thời gian còn được sống của mỗi chúng ta. Ta không thể làm được gì để thay đổi điều đó. Cái chết sẽ đến là điều tất yếu cho tất cả mọi người, giống như sợi dây leo kia rồi sẽ đứt bởi sự gặm nhấm của hai con chuột.
Thế nhưng, trong một thực trạng như vậy mà chỉ cần có được “vài giọt mật” của những niềm vui thích giả tạm là ta lập tức quên đi tất cả và chỉ nhìn thấy một màu hồng tươi sáng bao phủ khắp quanh ta.
Sự lạc quan như thế tự nó không phải sai lầm mà chỉ là một kiểu phản ứng rất tự nhiên. Chính cái nhận thức đã làm khởi sinh sự lạc quan ấy mới sai lầm. Bởi nhận thức sai lầm, không đúng thật và không toàn diện nên mới làm khởi sinh sự lạc quan như thế, và do đó ta không thể dựa vào đâu để đảm bảo sẽ duy trì được sự lạc quan vốn là giả tạm đó. Rồi khi ánh sáng tươi hồng kia bất ngờ tan biến trở thành ảm đạm, mức độ khổ đau của đời sống càng tăng thêm gấp bội. Và tai hại hơn nữa là do ảnh hưởng của sự lạc quan giả tạm đó, ta không thể nhận biết được một cách đúng thật những nguyên nhân làm sinh khởi khổ đau, cũng như không thể dấn bước vào con đường hướng đến sự dứt trừ đau khổ.
Đó là lý do tại sao đức Phật đã giảng dạy Khổ đế trước tiên. Nếu không nhận hiểu một cách đúng thật và đầy đủ về bản chất khổ đau của đời sống thì không thể có những bước đi đúng đắn tiếp theo sau.
Như đã nói, Kinh điển bằng Phạn ngữ dùng chữ dukkha để mô tả về bản chất khổ đau của đời sống. Dukkha không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa là “khổ đau” trong phạm vi như ta thường hiểu, nó hàm ý một thực trạng gây ra sự không thỏa mãn, không hài lòng và phải cố chịu đựng. Đó là tâm trạng luôn cảm thấy không hài lòng với những gì đang xảy ra, luôn dằn vặt với ý tưởng rằng lẽ ra mọi thứ đã có thể xảy ra với ta một cách tốt đẹp hơn… Trong một số bản luận cổ xưa, trạng thái này được ví như người đánh xe ngồi trên chiếc xe với bánh xe bằng gỗ có một chỗ khuyết. Bánh xe lăn đều và cứ mỗi lần chỗ khuyết ấy chạm xuống mặt đường thì xe lại bị xóc lên, gây ra một sự khó chịu thường xuyên và tất yếu không sao tránh khỏi.
Khi hiểu ý nghĩa của dukkha theo cách như thế, ta sẽ thấy nó không những bao gồm toàn bộ các trạng thái khổ đau mà chúng ta đã và đang trải qua, nhưng đồng thời cũng bao gồm cả những trạng thái mà thông thường ta vẫn tưởng chừng như là vắng mặt khổ đau. Như vậy, có thể thấy khổ đau quả thật là một tính chất cơ bản nhất của đời sống, cho dù tính chất ấy có đôi khi bộc lộ rõ ràng và cũng có những lúc ẩn tàng sâu trong tâm thức. Đó là một thực trạng mà chúng ta thật ra chưa bao giờ thoát ra khỏi được. Ngay cả khi được ở trên đỉnh cao danh vọng, ta vẫn cảm thấy như còn có điều gì đó tốt hơn mà ta chưa đạt được. Những khi được hưởng một niềm vui, một sự thỏa mãn nhất thời, thì thật ra trong sâu thẳm lòng ta vẫn luôn tiềm tàng sự khao khát, thôi thúc mong mỏi một điều hơn thế nữa… Mặt khác, đi kèm theo với những cảm giác vui thích giả tạm luôn là một nỗi lo lắng âm ỉ vì biết rằng sự vui thích ấy sẽ không được lâu dài như ta mong muốn.
Thật ra, trong những phần giáo pháp giảng rộng về sau, đức Phật còn phân biệt rõ ba loại, hay ba mức độ của khổ đau. Đó là: khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.
Khổ khổ là mức độ khổ đau (hay dukkha) rõ rệt, dễ nhận biết nhất. Đó là những trạng thái khó chịu về thể xác hoặc tinh thần, từ sự đau nhói như khi ta bị một vết đứt ở ngón tay cho đến những cơn đau dữ dội khiến ta lăn lộn trên giường bệnh; hoặc tâm trạng buồn bã như khi nhớ nhung một ai đó cho đến nỗi đớn đau khôn cùng khi một người thân qua đời… Dạng khổ đau này cũng bao gồm cả những nỗi khổ vì đói, khát, rét, nóng v.v…mà mỗi chúng ta đều thỉnh thoảng phải gánh chịu. Tất cả những trạng thái khó chịu như thế đều được gọi chung là khổ khổ, hiểu một cách đơn giản là ta đang khổ vì phải chịu đựng những nỗi khổ.
Hoại khổ là mức độ khổ đau tinh tế hơn và nghiêng nhiều hơn về phần tinh thần. Những khổ đau thuộc loại này liên quan trực tiếp đến tính chất giả tạm và hoại diệt của mọi sự vật. Từ sâu thẳm trong tâm thức, chúng ta không hài lòng với sự hoại diệt này, và vì thế mà ta đau khổ. Những vật sở hữu yêu thích của ta ngày một cũ kỹ đi rồi hư hoại, kể cả những con người mà ta yêu thương gắn bó rồi cũng phải hư hoại, mất đi như thế.
Sở dĩ những khổ đau này gắn chặt với tinh thần là vì chúng khởi sinh từ sự tham ái, luyến mến của ta đối với những người và vật mà ta yêu thích, sở hữu. Ta ngấm ngầm khao khát chống lại hoặc muốn đảo ngược tiến trình hoại diệt; ta cũng khao khát duy trì mãi mãi những trạng thái hài lòng thích ý khi có được những gì ta muốn, những hạnh phúc ngập tràn khi được sống với người ta thương yêu v.v… Nhưng tất cả những sự khát khao kỳ vọng đó đều không thể đạt được, bởi chúng xuất phát từ nhận thức sai lầm, hoàn toàn không hiểu đúng về bản chất của sự vật. Khi chúng ta mong muốn những điều đi ngược với bản chất sự vật, những mong muốn đó tất nhiên sẽ không bao giờ đạt được, và vì thế mà ta đau khổ.
Mức độ tinh tế và khó nhận biết nhất của khổ đau được gọi là hành khổ. Đây là mức độ khổ đau cơ bản nhất. Chính nó đã tạo thành bản chất khổ đau ngay từ nền tảng của cuộc sống. Nếu như ở mức độ khổ khổ ta luôn cảm nhận khổ đau một cách cụ thể với những cảm giác, cảm xúc rõ rệt, còn ở mức độ hoại khổ ta đau khổ vì sự hư hoại của sự vật, không thường hằng theo ý muốn của ta, thì ở mức độ hành khổ, ta lại chịu đựng một nỗi khổ đau âm ỉ vì sự chuyển dịch vô thường của hết thảy mọi sự vật. Và sự chuyển dịch vô thường đó lại “rất thường”, trong ý nghĩa là nó chẳng bao giờ dừng lại hay thay đổi cả. Sự vô thường này liên tục diễn ra trong dòng thời gian, từ khi ta sinh ra cho đến lúc lìa đời, mỗi một phút giây trôi qua ta đều chứng kiến những chuyển biến vô thường quanh ta.
Vì thế, chúng ta thường chỉ chịu đựng mức độ khổ khổ vào những quãng thời gian nào đó trong đời, không phải thường xuyên lúc nào cũng có. Nếu là người may mắn với cuộc sống hạnh phúc, cũng có thể ta sẽ rất hiếm khi phải chịu đựng những khổ đau loại này. Với hoại khổ thì tính chất thường xuyên đã tăng thêm rất nhiều. Phần lớn thời gian trong cuộc sống, chúng ta luôn có những mối lo toan nhất định để có được món này, món khác, hoặc những buồn bực khó chịu vì mất đi món nọ, món kia… đa phần chỉ vì ta không mong muốn những điều ấy xảy ra. Và ta khổ đau vì phải chấp nhận những điều không mong muốn đó. Tuy vậy, cho dù phải đối mặt khá thường xuyên, hoại khổ cũng không phải là nỗi khổ ngự trị liên tục trong suốt cuộc đời của mỗi chúng ta.
Nhưng hành khổ thì khác. Nó âm ỉ ngấm ngầm nhưng lại không một phút giây nào dừng lại. Nếu không có sự tu tập tỉnh thức thường xuyên trong đời sống, rất nhiều khi ta không hề nhận biết được nó, nhưng không phải vì thế mà nó không hiện hữu. Hành khổ âm thầm chi phối trọn cuộc đời ta, làm hạt nhân thúc đẩy mọi hành vi tạo nghiệp của ta, và cũng đồng thời bắt ta phải chịu đựng một trạng thái trói buộc, bất toại nguyện gần như trong suốt cả cuộc đời. Vì thế, chính nó là mức độ khổ đau căn bản nhất mà không ai tránh khỏi.
Với cả ba mức độ khổ đau (hay dukkha) như vừa kể, rõ ràng bản chất của đời sống này là khổ đau, cho dù những khổ đau ấy ở dạng tiềm ẩn hay hiển lộ, âm ỉ hay bộc phát. Vì thế, trong kinh Pháp hoa đức Phật từng dạy rằng: “Ba cõi đều như căn nhà đang cháy.” (Tam giới như hỏa trạch.)
Ba cõi được nói đến ở đây bao gồm cả những cảnh giới của chư thiên, những cõi trời đầy khoái lạc mà trong hình dung của con người trần thế luôn là những thiên đường mong ước. Thế nhưng, đức Phật dạy rằng mọi khoái lạc của chư thiên đều hữu hạn và sẽ có lúc chấm dứt, cũng như các vị ấy thật ra chưa hề thoát khỏi sự chi phối của dukkha. Tuy hiện trạng của họ có khác biệt tốt đẹp hơn so với con người trần thế, nhưng tâm thức họ vẫn còn chưa giải thoát, vẫn đang bị che mờ bởi “vài giọt mật”, và đó là nguyên nhân khiến họ chưa thể chấm dứt hoàn toàn đau khổ.
Bằng cách nhận thức đúng thật, khách quan và toàn diện về bản chất của khổ đau, đức Phật đã chỉ ra được những nguyên nhân làm sinh khởi chúng. Trong một quan hệ nhân quả tất yếu, khổ đau luôn khởi sinh từ những nguyên nhân. Và cũng trong quan hệ nhân quả tất yếu như thế, khi dứt trừ được những nguyên nhân gây khổ đau thì mọi khổ đau tự chúng sẽ không còn tồn tại. Những điều này được trình bày rõ ràng trong hai phạm trù tiếp theo của Tứ diệu đế là Tập khổ đế (nguyên nhân sinh khởi khổ đau) và Diệt khổ đế (sự chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau).
Việc nhận biết nguyên nhân khổ đau tất nhiên là điều kiện tiên quyết để dứt trừ đau khổ. Tuy nhiên, nếu không có sự soi sáng của Phật pháp, chúng ta quả thật cũng rất khó có thể nhận biết đến tận cội nguồn của những nguyên nhân ấy. Trong khi những nguyên nhân rõ rệt và gần gũi có vẻ như đã trực tiếp gây khổ đau cho ta, thì thật ra chúng lại chỉ là một mắt xích trong chuỗi dây chuyền vốn được khởi động từ trước đó. Chẳng hạn, khi ta đau khổ vì mất mát một tài sản lớn, có vẻ như chỉ cần thu hồi lại được tài sản ấy thì nỗi khổ kia sẽ không còn nữa. Tuy nhiên, nếu xét đến nguồn cội của vấn đề thì không phải thế. Khổ đau có thể lắng dịu khi ta được thỏa mãn nhất thời, nhưng cội rễ của nó vẫn còn nguyên đó, và việc mất mát món này hay món khác trong số những tài sản sở hữu của ta là điều có thể xảy ra bất cứ lúc nào, hay nói khác đi là nỗi khổ đau vì mất mát vẫn còn nguyên đó, chỉ đợi dịp để sinh khởi mà thôi.
Bằng sự quán chiếu sâu xa hơn theo lời Phật dạy, ta sẽ thấy rằng nỗi khổ của ta không khởi sinh từ sự mất mát mà chính từ sự tham luyến, khao khát sở hữu những tài sản mất mát ấy. Không có tham luyến sẽ không có đau khổ vì tham luyến, bởi ta không có sự quan tâm hay tiếc nuối vì sự mất mát.
Nhưng tham luyến vẫn chưa phải là cội nguồn sâu xa nhất, bởi nó lại được khởi sinh từ một nguyên nhân sâu xa hơn nữa. Đó chính là sự si mê, không có trí tuệ nhận biết đúng thật về bản chất của sự vật. Chẳng hạn, bản chất của sự vật là vô thường, nhưng ta lại khao khát, mong muốn những vật sở hữu của ta được thường tồn. Bản chất của sự vật là luôn thay đổi, biến dịch, nhưng ta lại khao khát mong muốn những gì ta sở hữu sẽ luôn bền chắc, mới nguyên…
Xuất phát từ những khao khát, mong muốn sai lầm do không nhận biết đúng thật về bản chất của sự vật như thế, chúng ta không thể không rơi vào tâm trạng bất toại nguyện, nghĩa là không cảm thấy hài lòng.
Lại có những khổ đau tưởng như xuất phát từ sự hận thù, lòng căm ghét… nhưng khi quán xét kỹ thì đó cũng chỉ là nguyên nhân gần, bởi sâu xa hơn vẫn chính là do những nhận thức sai lầm về con người hay sự việc mới làm ta khởi sinh sân hận. Khi tu tập nhẫn nhục và nhìn sự việc với một tâm thức an nhiên sáng suốt, ta sẽ thấy những gì khiến ta giận dữ không còn ảnh hưởng đến ta theo cách như trước đó. Vì thế, xét đến cùng thì sự si mê hay nhận thức sai lầm vẫn là nguyên nhân sâu xa nhất.
Khi quán xét hầu hết các nguyên nhân khổ đau khác nữa, ta luôn thấy rằng, rốt cùng thì những nhận thức sai lầm luôn đóng một vai trò quyết định và sâu xa nhất.
Và những nhận thức sai lầm cũng có nguồn gốc, nguyên nhân của nó. Nguồn gốc của những nhận thức sai lầm về bản chất hiện tượng như thế được đức Phật gọi là vô minh – không có sự sáng suốt, nghĩa là si mê, thiếu trí tuệ chân chánh như thật. Thuật ngữ này thường dùng để chỉ đến sự si mê căn bản nhất là không nhận hiểu được bản chất hiện tượng đúng thật như chúng đang tồn tại. Sự ngu si, tối tăm hoặc kém khả năng phán đoán trong những phạm trù ứng xử hoặc tri thức thông thường không được gọi là vô minh – hay nói đúng hơn đây chỉ là một phần rất nhỏ của vô minh – và cũng không phải là nguyên nhân chính của nhận thức sai lầm. Vì thế, nếu chúng ta phát triển những tri thức thế tục thì dù ta có trở thành một học giả uyên thâm với kiến thức thông kim bác cổ, ta vẫn không động được đến thành trì căn bản của vô minh, do đó cũng không thể thay đổi nhận thức sai lầm về bản chất của thực tại. Chính vì thế mà chúng ta dễ dàng nhận thấy có rất nhiều người học thức sâu rộng, uyên bác nhưng vẫn mê lầm tin theo tà kiến sai lệch hoặc hành xử xấu ác. Đó chính là biểu hiện rõ nét nhất của sự vô minh nơi họ.
Từ nơi vô minh là nguyên nhân căn bản mà khởi sinh vô số những phiền não khác nhau, chính là những nguyên nhân trực tiếp làm ta đau khổ. Khi lớp vỏ bọc vô minh bị phá vỡ dần, những cảm xúc phiền não cũng sẽ dần dần giảm thiểu và ta có thể bắt đầu nếm trải được mùi vị của một cuộc sống an vui chân thật.
Khi chỉ ra tiến trình sinh khởi và diệt mất của khổ đau, đức Phật cũng đồng thời chỉ dạy những phương cách giúp ta thực hiện tiến trình đó. Những phương cách này được ngài trình bày một cách đầy đủ và hệ thống trong phần giáo pháp được gọi là Bát chánh đạo, là những phương thức tu dưỡng toàn diện các khía cạnh của thân, khẩu và ý, tạo điều kiện hướng đến một cuộc sống an lạc, giải thoát. Bát chánh đạo cũng là nội dung chính của chân lý thứ tư trong Tứ diệu đế, được gọi là Đạo đế.
Với giáo pháp Tứ diệu đế, đức Phật đã trao cho chúng ta một bản đồ hoàn chỉnh để nhận dạng khổ đau và từng bước tu tập đi đến sự dứt trừ hoàn toàn mọi khổ đau, đạt được sự an lạc, giải thoát.
Chúng ta đã từng có dịp đề cập đến Tứ diệu đế nói chung và Bát chánh đạo nói riêng trong một tập sách trước đây. Vì thế, trong sách này chúng ta sẽ không bàn sâu vào chi tiết của phần giáo pháp này mà chỉ đề cập một cách khái quát để chỉ ra tầm quan trọng của việc phá trừ vô minh như yêu cầu tất yếu và cơ bản nhất trong tiến trình tu tập hướng đến giải thoát. Khi nhận thức sai lầm thì ngay cả hành vi cao quý nhất như việc xuất gia tu tập cũng có thể bị nhận hiểu một cách lệch lạc. Đã từng có không ít người xem việc xuất gia như một phương cách để trốn chạy những khổ đau tuyệt vọng, những hoàn cảnh không toại nguyện, thay vì là sự dũng cảm đối mặt, đối trị và dứt trừ. Chính từ những nhận thức sai lệch này mà chúng ta thường nghe có những lý giải rất “cải lương” như kiểu “tu là cội phúc, tình là dây oan…”
Những diễn đạt theo kiểu như thế cũng không sai, nhưng chúng dễ gợi lên sự hiểu lầm về con đường tu tập như một giải pháp ủy mị, trốn tránh “sợi dây tình ái”. Trong khi việc xuất gia cầu tìm chân lý được mô tả trong văn cảnh sách của ngài Quy Sơn như là “cất bước vượt lên cao xa; tâm tánh, cốt cách khác người thế tục… nhiếp phục hết thảy những thói hư tật xấu… báo đáp bốn ơn, bạt khổ cứu nguy khắp trong ba cõi…” thì những cách hiểu như trên chỉ dẫn đến hình ảnh người xuất gia như kẻ trốn chạy ái tình, tìm kiếm một chỗ dung thân khi tuyệt vọng…
Phật pháp vô biên, phương tiện nhiệm mầu không giới hạn, nên cho dù có những kẻ ban đầu tìm đến việc xuất gia với động lực sai lệch như thế, cuối cùng thì họ cũng sẽ được chuyển hóa trên con đường tu tập và nhận được lợi lạc an vui trong cuộc sống. Nhưng hệ quả tất nhiên là khi đó nhận thức của họ về việc xuất gia cũng sẽ hoàn toàn thay đổi theo hướng đúng đắn hơn. Vì thế, dù có đi theo đường vòng hay đường thẳng, cuối cùng thì mục tiêu nhắm đến vẫn là phải đạt được một nhận thức chân thật, đúng đắn về thực tại.
Và nhận thức ấy chỉ có thể đạt đến một cách trọn vẹn khi ta phá trừ được lớp vỏ bọc vô minh, nguyên nhân căn bản nhất của mọi vấn đề như đã nói.
Phá trừ vô minh cũng chính là đạt đến chân lý tuyệt đối, và phương pháp tu tập để phá trừ không gì khác hơn là làm an định tâm thức, hay thiền chỉ – và quán chiếu soi xét ngay chính tâm thức ấy, hay thiền quán. Hai phương pháp chỉ và quán khi được vận dụng song hành sẽ mang đến cho hành giả định và tuệ, chính là đôi cánh nhiệm mầu để bay cao lên khung trời giải thoát. Có được định và tuệ rồi thì người tu tập mới có đủ khả năng để thực hiện đúng theo lời Phật dạy: “Không làm các việc ác, nguyện làm mọi việc lành.” (Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành.) Bởi không có định thì không thể có sự chuyên tâm để thành tựu việc làm lành lánh dữ, và không có tuệ thì không thể phân biệt rõ ràng giữa thiện và ác, tốt và xấu, nên không thể bỏ ác làm lành một cách thật chân chánh.
Vì thế, trong thực tế chúng ta không thể truy tìm chân lý ở bất kỳ nơi nào khác hơn là quay về làm an định tự tâm và quán chiếu, tu dưỡng tâm thức của chính mình. Đây cũng chính là điểm quan trọng nhất trong giáo pháp của đức Phật: Mọi bất ổn của chúng ta đều khởi sinh từ tâm thức, và việc giải quyết triệt để các bất ổn này chỉ có thể bắt đầu từ tâm thức, dựa vào năng lực của tâm thức.
Một tâm thức si mê che lấp bởi vô minh sẽ không ngừng tạo ra đau khổ. Đó là một tiến trình hoàn toàn tự nhiên của nó, trong quan hệ nhân quả tất yếu lấy vô minh làm cội gốc.Ngược lại, một tâm thức sáng suốt đã phá trừ vô minh sẽ không có sự hiện diện của khổ đau, cũng trong quan hệ nhân quả tất yếu, bởi cội gốc đã dứt trừ thì không còn dựa vào đâu để các nguyên nhân gây đau khổ có thể khởi sinh.
Khi chúng ta chìm ngập trong những tâm trạng phiền não như tham lam, sân hận, ganh ghét, đố kỵ… những thứ ấy không phải từ bên ngoài được đưa vào trong ta. Chính năng lực vô hạn tiềm ẩn trong tâm thức ta đã tạo nên những tâm thái ấy. Do vô minh làm khởi sinh các nhận thức sai lầm về đối tượng nên ta luôn cảm thấy những tâm trạng phiền não như thế là điều đương nhiên, hợp lý và cần thiết. “Làm sao tôi có thể không tức giận… làm sao tôi có thể không bực dọc… trong những hoàn cảnh như thế, như thế…” Chúng ta nhìn mọi thứ qua lớp sương mù che lấp của vô minh nên không thấy được bản chất thực sự của chúng.
Tuy nhiên, điểm thú vị ở đây là, những trạng thái tâm thức tham lam, sân hận… như thế lại chính là biểu hiện rất rõ rệt cho thấy tâm thức ta có năng lực tạo thành các tâm thái ấy. Và chính vì tâm thức có khả năng khởi sinh phiền não nên cũng chính tâm thức ấy mới có khả năng đạt đến sự giải thoát, giác ngộ. Do đó, suy cho cùng thì tiến trình tu tập không phải là sự phủ nhận, cưỡng lại những tâm thái phiền não đang hiện hành, mà là sự nỗ lực chuyển hóa tâm thức sao cho chính nguồn năng lực đã khởi sinh mọi phiền não sẽ trở thành động lực giúp ta đạt đến cuộc sống an vui, hạnh phúc.
Trong kinh điển có nói: “Phiền não tức Bồ-đề.” Đó chính là muốn chỉ rõ mối quan hệ tương tức giữa hai khái niệm này. Thật ra, chúng chỉ là hai mặt khác nhau của cùng một thực thể. Nếu không có những phiền não như tham lam, sân hận, si mê, ganh ghét, đố kỵ… thì cũng không thể có giải thoát an vui như là kết quả của con đường tu tập. Vì thế, những gì đã khiến cho chúng ta giận dữ, căm tức, bực dọc, tham luyến… lại cũng chính là những hạt nhân giúp mọc lên hoa quả Bồ-đề. Và nguồn năng lượng mạnh mẽ thiêu đốt cuộc sống an lành của chúng ta trong những lúc khởi sinh phiền não lại cũng chính là nguồn lực bất tận có thể đưa ta đến bến bờ giải thoát.
Hiểu được điều đó ta mới có thể lý giải được những hiện tượng hết sức thông thường nhưng lại có vẻ như nghịch lý. Chính những người ta thương yêu nhất lại thường là những người gánh chịu nhiều nhất và nặng nề nhất những cơn giận dữ, những lần bực tức của ta. Hay nói một cách nôm na theo ngôn ngữ dân gian là “thương nhau lắm, cắn nhau đau”.
Tại sao vậy? Vì chính nguồn năng lượng thương yêu ta dành cho ai đó cũng sẽ biến thành sự thôi thúc giận dữ, ghét bỏ với sức mạnh tương đương một khi nhận thức hay cái nhìn của ta dành cho người ấy thay đổi theo hướng xấu đi. Đây là một tiến trình hoàn toàn tự nhiên và dường như cũng tương tự với định luật “bảo toàn năng lượng” mà chúng ta đã được học từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Nguồn năng lượng của tâm thức không bao giờ mất đi, nó cần có một hình thức nào đó để hiển lộ. Khi tâm thức bị vô minh che lấp, năng lượng ấy hiển lộ thành tham lam, sân hận, si mê… và vô số phiền não khác. Khi chúng ta hướng về con đường tu tập, năng lực ấy hiển lộ thành tâm từ ái, bi mẫn, tinh tấn tu tập… Và khi chúng ta phá trừ được lớp vỏ bọc vô minh, năng lực ấy hiển lộ thành tuệ giác Bồ-đề hay trí tuệ giác ngộ viên mãn.
Khi xét từ góc độ này, chúng ta sẽ thấy rằng bản chất khổ đau của đời sống không hẳn đã là một thực trạng hoàn toàn bi quan. Bởi những biểu hiện khác nhau của khổ đau tuy có thể vây phủ làm cho cuộc sống của ta trở nên u ám tối tăm, nhưng đồng thời chúng cũng là những nguồn lực bất tận thúc đẩy ta tiến lên trên con đường tu tập. Chúng ta đã được nghe kể về rất nhiều trường hợp có những người đạt đến sự chứng ngộ sâu xa ngay trong những hoàn cảnh bi đát, đau thương nhất, như khi có người thân qua đời hoặc bản thân hành giả rơi vào hoàn cảnh hoàn toàn tuyệt vọng…
Đại sư Tông Bổn trong sách Quy nguyên trực chỉ kể lại nguyên nhân xuất gia cầu đạo của ngài là cái chết của một người anh. Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn cầu đạo ở Tổ Quy Sơn Linh Hựu, bị Tổ sư cật vấn một câu mịt mờ tâm trí không đáp được, khẩn cầu Tổ sư khai thị. Tổ sư nói: “Nếu ta nói ra sẽ là việc của ta, đâu liên hệ gì đến ông?” Ngài quá tuyệt vọng, liền đốt hết sách vở quyết không cầu học nữa, từ biệt Tổ Quy Sơn đi về Nam Dương tìm chỗ hoang vắng ở ẩn. Bỗng một hôm trong lúc cuốc cỏ trên núi làm văng hòn sỏi chạm vào thân cây trúc vang lên tiếng kêu, ngài nghe qua liền bừng tỉnh, chứng ngộ. Việc Tổ sư đẩy ngài vào tâm trạng tuyệt vọng hóa ra chính là để khơi dậy khả năng giác ngộ cho ngài.
Vì thế, việc chấp nhận bản chất khổ đau hay những bế tắc của đời sống là một bước khởi đầu thiết yếu, không phải để đắm chìm trong tâm trạng bi quan, mà chính là để khơi dậy nguồn lực bất tận của tâm thức hướng đến sự giải thoát.
Nhận biết bản chất khổ đau của đời sống cũng như tính chất giả tạm vô thường của vạn pháp, chúng ta sẽ không còn chạy đuổi theo những mong cầu khát khao không hợp lý, không tự huyễn hoặc mình bằng những ước vọng tương lai mà thật ra có thể sẽ không bao giờ đạt được, và cũng không rơi vào khổ đau tuyệt vọng khi mọi sự việc diễn ra không như ta mong muốn. Ta chấp nhận mọi sự vật đúng thật như chúng đang hiện hữu trong thực tại và nỗ lực quán chiếu để có thể nhận biết rõ ràng về những nguyên nhân làm khởi sinh mỗi một phiền não trong tâm ta. Đó chính là bước khởi đầu quan trọng nhất trên con đường hướng đến nguồn chân lẽ thật.
(Trích từ sách: NGUỒN CHÂN LẼ THẬT tác giả Nguyên Minh, Nhà xuất bản Thời Đại 2015)
Discussion about this post