ĐỘ TA ĐỘ NÀNG ĐỘ KHẮP THẾ GIAN
Nhạc Hoa lời Việt: Lâm Ánh Ngọc – Võ Hạ Trâm
Bối cảnh bài hát: Nguyên Hải Thiền Nhân
Lời bài hát: Phật từ bi luôn soi sáng,
Dẫn lối cứu độ muôn loài,
Mà vì lòng ta thờ ơ,
Ái ố si mê phủ mờ.
Đường vàng chân lý đón chờ,
Còn mình cứ mãi mộng mơ,
Chọn con đường vương sầu nhớ,
Ngủ vùi thân tâm xác xơ,
Phật độ mà người không thấy,
Cứ mãi mê lầm đắm chìm,
Từng lời kinh thiêng dần xa,
Chẳng biết đâu là chánh tà,
Để rồi Phật đang rất gần,
Mà mình cứ ngỡ thật xa,
Để cho tình thương vụt qua vội vàng,
Ngày mình vui trong êm ấm,
Chẳng nghĩ ơn này do Phật,
Mà vì sao trong niềmđau,
Cứ khóc than kêu trách Phật,
Kìa hồi chuông vang tiếng dài,
Nguyện người tỉnh giấc mộng say,
Tìm quay về nơi bờ giác,
Một lòng đường tu bước đi,
Phật là bậc thầy cao quý,
Thế giới muôn loài tôn thờ,
Lòng thành ngợi ca ngày đêm,
Với trái tim không bến bờ,
Nguyện người xin chớ hững hờ,
Tìm về chánh pháp vẹn nguyên,
Cùng dâng đời bao lời ca thiện lành.
Bối cảnh bài hát: ĐỘ TA ĐỘ NÀNG ĐỘ KHẮP THẾ GIAN
Độ Ta, Độ Nàng, Độ khắp thế gian là một câu chuyện ngắn có bối cảnh: Đó là trước kia có một vị Quận Chúa xinh đẹp, nhà của nàng sống ở gần ngôi chùa, lúc nhỏ theo cha đến chùa lễ Phật, nên cô đã quen biết với một Tiểu Hòa Thượng suốt ngày gõ mõ tụng kinh ở trong sân chùa.
Sau đó mỗi ngày Quận Chúa đều đến tìm cậu để chơi đùa và cho cậu món ăn ngon cho chàng. Tiểu Hòa Thượng tay cầm mõ, dáng vẻ rất ngại ngùng và cẩn thận dè dặt. Khi nàng cười nói vui vẻ, thì chàng mỉm cười lắng nghe.
Thứ mà Tiểu Hòa Thượng thích ăn nhất là kẹo hồ lô, tuy chàng chưa từng nói về điều đó, nhưng mỗi lần đến chơi với chàng, Quận Chúa đều mang cho chàng một xiên kẹo hồ lô.
Sáu năm trôi qua, Tiểu Hòa Thượng tu càng ngày càng cao, nàng cũng ngày càng xinh đẹp. Một ngày nọ, cha của nàng đến tìm Sư Phụ của Tiểu Hòa Thượng với nét mặt đầy lo lắng. Còn nàng thì tỏ vẻ phản đối, không cười, không gây sự.
Tiểu Hòa Thượng không hiểu rõ sự tình ra sao, nàng bèn hỏi: “Chàng có thích ta không?“. Tiểu Hòa Thượng không đáp lại nàng.
Nàng nói: “Ta hiểu rồi“. Lúc đó cha của nàng trở ra, dự định dẫn nàng đi. Nàng một mực không đi, nhất quyết ở lại bên Tiểu Hòa Thượng. Nàng hỏi lại: “Chàng có thích ta không?” Tiểu Hòa Thượng nói: “Ta thích nàng, thích mọi người, thích cả chúng sanh“. Rồi vị Tiểu Hòa Thượng đọc lên bài thơ nói về tình yêu bao la (lòng Từ Bi) của người tu sĩ Phật Giáo:
“Cứ ngỡ người Tu không biết yêu.
Sống không tình cảm, sống cô liêu.
Tháng ngày chỉ biết câu kinh kệ.
Chôn đời trong nếp sống quạnh hiu.
Vỡ lẽ người Tu cũng biết yêu.
Mà không yêu một, lại yêu nhiều.
Xấu đẹp, sang hèn đều yêu cả.
Tim này không biết rộng bao nhiêu“.
Nàng bèn hét lên với chàng rằng: “Ta thích chàng. Ta muốn kết hôn với chàng“. Tiểu Hòa Thượng nói: “Ta không biết, nàng muốn gì thì lên chùa hỏi Sư Phụ ta“. Nàng bèn theo cha lên hỏi Sư Phụ. Sư Phụ nhìn Quận Chúa và nói với cha của nàng: “Cô bé này rất đẹp, đẹp tuyệt vời, nghiêng nước nghiêng thành, lại thêm rất thông minh. Sống ở ngoài đời cô sẽ không vừa ý, vì cô rất thông minh, chỉ có tu hành theo đạo Phật, mới thỏa mãn được ý chí của cô“. Sư Phụ quay lại Quận Chúa và hỏi: “Con muốn gì?” Quận Chúa trả lời: “Con muốn kết hôn với Tiểu Hòa Thượng“. Sư Phụ trả lời: “Được, nhưng con phải đến chùa Sư Nữ, cắt tóc xuất gia tu một thời gian, hồi nào thấy được, ta sẽ cho con kết hôn. Ở các nước Nam Tông Phật Giáo, như Thái Lan, Miến Điện, v.v… những người xuất gia đi tu một thời gian, sau đó ra đời được rất nhiều người quý trọng hơn những người chưa xuất gia đi tu. Bởi vì họ nghĩ những người xuất gia đi tu đã thấm nhuần Phật Giáo, đã biết cách ăn ở lương thiện, tốt đẹp hơn những người chưa xuất gia đi tu. Ở các nước Nam Tông này, đi tu cũng giống như đi lính, càng sống nhiều năm trong lính, rồi khi xuất ngũ càng được rất nhiều người kính trọng“. Sư Phụ nói tiếp: “Con bằng lòng cắt tóc xuất gia không?” Quận Chúa trả lời: “Dạ, con bằng lòng“. Rồi Sư Phụ giới thiệu cho Quận Chúa chùa Sư Nữ để cô xuống tóc xuất gia đi tu. Trường hợp này Sư Phụ bắt chước Đức Phật đã cho Ma Đăng Già xuất gia đi tu, như trong Kinh Lăng Nghiêm diễn tả. Sư Phụ đưa cho Quận Chúa Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Kim Cang, những sách tập Thiền và bảo: “Ngoài những kinh sách của quý Ni Sư hướng dẫn, con nên đọc và thực tập những kinh sách này thật kỹ“. Quận Chúa đáp: “Dạ, con nghe lời Sư Phụ“. Ban đầu mới xuất gia ở chùa Sư Nữ, Quận Chúa chỉ nhớ đến hình ảnh vị Tiểu Hòa Thượng:
“Đêm đêm lật từng trang kinh,
Trang nào cũng thấy bóng hình của anh.
Đêm nay, đêm mai, đêm mai nữa.
Nhớ mãi một người không nhớ ta”.
Nhưng một thời gian sau, Quận Chúa thấy kinh Phật dạy hay quá. Quận Chúa quên mất hình ảnh vị Tiểu Hòa Thượng. Rồi Quận Chúa đọc Kinh Kim Cang và hiểu câu: “Thế nên Tu Bồ Đề! Các vị Bồ Tát lớn nên sanh tâm thanh tịnh như vầy: Không nên trụ sắc mà sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sanh tâm, phải nên không trụ nơi nào hết mà sanh tâm“. Và Quận Chúa cũng hiểu được câu: “Không có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả“.
Cũng nhờ ngồi Thiền thường xuyên, Quận Chúa hiểu được, Không giải thoát môn, Vô Tướng giải thoát môn, Vô Nguyện giải thoát môn. Quận Chúa luôn cảm thấy nàng rất hạnh phúc, do kết quả của tu hành và ngồi Thiền. Mấy năm sau, một hôm Quận Chúa quay lại chùa của vịTiểu Hòa Thượng. Lúc này vị Tiểu Hòa Thượng rất khôi ngô, tuấn tú, khi thấy Tiểu Hòa Thượng mọi người đều cảm mến. Tuy nhiên Quận Chúa không còn ham thích kết hôn với vị Tiểu Hòa Thượng nữa, vì Quận Chúa đã rất hạnh phúc do kết quả của sựtu hành. Quận Chúa hỏi thăm sức khỏe của vị Tiểu Hòa Thượng cùng Sư Phụ.
Quận Chúa gặp Sư Phụ, nàng lạy Ngài và nói: “Con cám ơn Sư Phụ rất nhiều. Sư Phụ đã hướng dẫn con đi đúng con đường của con và con cảm thấy rất hạnh phúc“. Sư Phụcười từ ái và hỏi: “Con còn muốn kết hôn với Tiểu Hòa Thượng của ta nữa không?” Quận Chúa trả lời: “Dạ, con cám ơn Sư Phụ, con tu hành cảm thấy rất hạnh phúc. Con hạnh phúc rất nhiều hơn khi còn ở nhà. Con không cần kết hôn với ai nữa“. Sau đó Quận Chúa hỏi thăm chùa mấy năm nay có gì lạ không? Tiểu Hòa Thượng trả lời, có vị Thái Tử mê sắc đẹp của Quận Chúa thường xuyên đến đây học đạo, bởi vì thấy Quận Chúa xuất gia học đạo, nên Thái Tử cũng bắt chước học đạo theo. Thái Tử đã đến chùa Sư Nữ để học đạo, nhưng các Ni Sư chỉ đường cho Thái Tử đến đây học đạo. Tiểu Hòa Thượng đã hướng dẫn cho Thái Tử cách thức học làm người tốt, giữ ba Quy Y và năm giới, sau đó mười giới, nên Thái Tử từ một người xấu xa, ham rượu thịt, ham săn bắn,.. bây giờ đã là người rất tốt. Tiểu Hòa Thượng còn hướng dẫn cho Thái Tử cách thức trở thành một vị minh quân, một vị Chuyển Luân Thánh Vương, một ông vua tốt, giúp đỡ dân chúng theo tiêu chuẩn Đức Phật dạy. Bây giờ Thái Tử đã lên ngôi vua, dân chúng đều khen là ông vua rất tốt, được mọi người trong nước và những nước lân bang đều mến phục, quý trọng. Quận Chúa cảm thấy rất hài lòng. Nàng hỏi vị Tiểu Hòa Thượng, “Ba Giải Thoát Môn: Không, Vô Tướng, Vô Nguyện là gì, kính nhờ Sư Huynh giải thích cho Muội rõ“. Tiểu Hòa Thượng trả lời: “À, cái này thì Huynh chỉ biết, nhưng chưa được rõ lắm. Sư Muội nên nhờ Sư Phụ giải thích, Ngài sẽ nói rõ cho Sư Muội nghe“. Quận Chúa hỏi: “Sư Huynh đạt đến Thiền thứ mấy rồi?” Tiểu Hòa Thượng trả lời: “Đạt đến Thiền thứ tư: Xả niệm thanh tịnh”. Quận Chúa nói: “Khi Sư Huynh đạt đến Thiền thứ bảy: Vô Sở Hữu Xứ, Sư Huynh sẽ hiểu biết nhiều về Ba Giải Thoát Môn“. Tiểu Hòa Thượng giật mình và vái chào Quận Chúa: “Chúc mừng Quận Chúa tu hành tiến bộ rất nhanh. Xin Chúc Mừng! Xin Chúc Mừng!” Quận Chúa cũng vái chào Tiểu Hòa Thượng và quay trở lại chùa Sư Nữ để tu tập tiếp.
Nguyên Hải Thiền Nhân.
Bài đọc thêm:
Giải pháp vượt qua những khủng hoảng thời đại
Độ ta, không độ nàng (Thích Nhật Từ)
Video Clip: Đời Ta Từ Nay Không Lụy Sầu (Lời Thích Nhật Từ)
…..Có thể khẳng định, “sự tự nỗ lực hay tự độ” là tư tưởng chủ đạo trong kinh Pháp hoa, bởi vì, theo tinh thần giáo lý cốt lõi của Pháp hoa: “Chư Phật, các bậc đáng tôn kính, xuất hiện ra trong đời là để giúp chúng sinh mở bày cánh cửa tri kiến Phật, và giúp cho chúng sinh tự thanh tịnh hóa mình…”. Nói khác đi, khái niệm cứu rỗi hay cứu độ chỉ có thể phù hợp với giáo điều của các tôn giáo hữu thần, mà không hề có bất cứ sự tương ứng nào với nội dung của giáo lý Phật giáo. Nó hoàn toàn xa lạ với Phật giáo, và giới học giả Phật học cần phải tránh dùng nó để chỉ đến các cấp độ giải thoát tâm linh của Phật giáo, vốn là thành quả của tự nỗ lực và tự chứng đắc…..
https://thuvienhoasen.org/a32140/giai-phap-vuot-qua-nhung-khung-hoang-thoi-dai
Discussion about this post