CỘNG NGHIỆP
Nguyên tác: Collective Karma, Francis Story
Phạm Chánh Cần dịch
Thỉnh thoảng, một câu hỏi vẫn được nêu ra về việc phải chăng có cộng nghiệp. Phải chăng có thể có một nhóm người – cả một dân tộc hay cả một thế hệ – cùng chia sẻ với nhau một nghiệp? Hay phải chăng nghiệp là một sự kiện hết sức cá nhân và riêng tư?
Thực ra, ở mọi nơi và lúc nào cũng vậy, Đức Phật đã đề cập nghiệp như là của thừa tự của một cá nhân. Trong kinh Tiểu nghiệp phân biệt thuộc tuyển tập Trung Bộ, Đức Phật dạy, “… các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu”.
Không một ai có thể phải chịu đau khổ từ nghiệp của một người khác, cũng chẳng ai được hưởng lợi từ nghiệp của một người khác. Nhưng điều có thể xảy ra là một nhóm đông người do phạm cùng một lỗi lầm đáng trách – chẳng hạn như tham gia vào việc ngược đãi, hành hạ hoặc giết chóc nhiều người vì những lý do chủng tộc hay tôn giáo – đến nỗi tự tạo cho họ một nghiệp hầu như giống hệt nhau. Phải chăng như vậy thì ta có thể gọi đó là “cộng nghiệp”?
Trong một ý nghĩa nào đó thì đúng là có thể như vậy; nhưng cách gọi như vậy cũng dễ gây hiểu lầm. Cái được gọi là “cộng nghiệp” ấy được tạo thành bởi những nghiệp cá nhân, mà mỗi một nghiệp cá nhân ấy lại phải có một sự thành tựu riêng. Chẳng một ai phải chia sẻ nghiệp của những người khác thuộc cùng dân tộc hay cùng thế hệ chỉ vì người này là thành viên của nhóm người ấy. Một người chỉ phải chịu trách nhiệm về phần của mình trong cái hành động chung có gây nghiệp. Và như vậy, nếu người này không phải chia sẻ nghiệp với người khác thuộc cùng một nhóm, khi ấy nghiệp riêng của người này cũng sẽ mang lại những thành tựu hoàn toàn riêng khác.
Hầu hết sự nhầm lẫn trong suy nghĩ về nghiệp xảy ra bởi việc lạm dụng cụm từ “định luật về nghiệp lực”; và việc phát biểu về nghiệp lực đã làm sai lạc ý nghĩa nguyên thủy của từ “nghiệp”, vốn có gốc Pali là “kamma”.
Thực ra, trong ngôn ngữ Pali, từ kamma chỉ có nghĩa đơn giản là hành động – một hành vi nào đó được biểu hiện bằng hành động của thân, của khẩu hay của ý. Kết quả của hành động đó được gọi trong tiếng Pali là vipaka. Có một luật gọi là luật nhân quả; và chính vì luật này mà nghiệp, tức là nhân, luôn luôn dẫn theo một kết quả, tức là quả. Cụm từ “định luật về nghiệp lực” mang một âm hưởng huyền bí, và gợi nghĩ đến một quan điểm về thuyết định mệnh. Những người thường nói với một tính cách cam chịu rằng, “Đấy là nghiệp của tôi” thực ra đã sử dụng từ nghiệp một cách lầm lạc. Đúng ra, họ nên nói rằng “Đấy là quả [do nghiệp mà tôi đã gây tạo]”. Điều này sẽ nhắc nhở cho họ về một điều vô cùng quan trọng, rằng thực ra nghiệp luôn luôn nằm dưới quyền kiểm soát của họ: chính họ đang tạo thành nghiệp ấy từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Khi nghiệp của họ vào lúc này là như thế này thì quả mà họ sẽ phải gặp sẽ là như thế kia trong tương lai. Ở đây chúng ta nên chú ý để đừng nhầm lẫn giữa nhân và quả.
Nghiệp mang tính cách cá nhân vì đó là sự tác ý (cetana) – một hành động dẫn xuất từ ý chí trong tâm thức của một cá nhân. Trong tuyển tập kinh Tăng Chi, chương 6 pháp, Đức Phật dạy: “Tác ý, này các Tỳ-kheo, là điều Ta nói về hành động; vì thông qua ý chí mà một người thực hiện những hành động của thân, khẩu, ý”.
Một người có thể bị chi phối và bị điều khiển bởi ý chí của người khác đến mức độ nào? Phải nhìn nhận rằng đôi khi đến những mức độ rất nguy hiểm, nhưng chỉ khi có một sự đầu hàng của ý chí trước những ảnh hưởng bên ngoài. Tự thân điều đó đòi hỏi một sự tác ý, một sự tự nguyện phục tùng trước ý chí của người khác. Một sự phục tùng như vậy thường chỉ được thể hiện trước một bậc thầy về tâm linh; và ngay cả khi ấy thì khuynh hướng đạo đức cũng không thể bị coi thường. Trường hợp của viên tướng cướp Angulimala là một sự cảnh báo chống lại việc tùng phục vô điều kiện trước sự sai sử của một vị thầy không xứng đáng. Angulimala quả thật là sau đó còn may mắn khi ông gặp được bậc Đạo sư vĩ đại nhất của mọi thời đại, Đức Phật Thích-ca, người đã cứu vớt ông. Con người ngày nay cẩn phải biết tự bảo vệ mình chống lại mọi kẻ khoác lác về phương diện tâm linh; một điều không phải lúc nào cũng dễ biện biệt.
Bên cạnh đó, cũng còn có vấn đề về sự nhồi sọ, một đại họa của thế giới hiện đại. Chúng ta đã chứng kiến những hiện tượng chưa từng thấy trong lịch sử về việc cả một dân tộc hành xử theo một sự cưỡng bức từ bên ngoài áp đặt lên nhận thức của họ. Chúng ta cũng đã chứng kiến sự phát triển những kỹ thuật nhằm sản xuất ý kiến số đông có khả năng gây nên những sự độc ác không thể tưởng tượng nổi. Sự tuyên tuyền, việc tẩy não, sự khơi gợi quần chúng để dẫn đến những cơn điên loạn của quần chúng – tất cả những điều đó đều là những đặc điểm của kỹ thuật mới của quyền lực. Phải chăng những điều đó có thể tạo nên cộng nghiệp? Câu trả lời là chắc chắn rằng những điều đó có thể tạo nên những nghiệp cá nhân hầu như hoàn toàn giống hệt nhau; nhưng những nghiệp giống hệt nhau đó vẫn chỉ là những nghiệp cá nhân, kể cả cho dù chúng là kết quả của những sự xúi giục. Bất kể một người phải bị khuất phục trước những ảnh hưởng gì đi nữa thì phản ứng của ông ta trước những ảnh hưởng ấy cùng với những kết quả mang lại cho ông ta cũng hoàn toàn thuộc về ông ta.
Nhưng, giả định (than ôi, ngày nay, điều giả định này chẳng phải là một sự cường điệu) rằng một người bị cưỡng bức phải chịu đau đớn của sự tra tấn hoặc bị đe dọa có thể bị chết để phải tham gia vào các hành động tội ác tập thể thì sao?
Trước hết, hẳn là nghiệp quá khứ của ông ta đã đặt ông ta vào một hoàn cảnh khủng khiếp như vậy; đó chính là quả dẫn xuất từ những hành động cực kỳ xấu trước đó của ông ta. Trước mặt ông ta, có hai chọn lựa; hoặc ông ta có thể đầu hàng, và để bảo vệ mạng sống của mình, ông ta tự mình quyết định tiếp tục tham gia vào những hành động xấu; hoặc ông ta có thể từ khước việc thực hiện hành động xấu và mặc cho những kẻ gây áp lực với ông ta làm gì với đời sống của ông ta thì làm. Nếu ông ta chọn lựa giải pháp sau, có thể ông ta sẽ tẩy sạch mọi quả xấu của mình trong sự đau khổ, ngay trong đời sống hiện tại của mình. Hành động hy sinh của ông ta, việc ông ta từ khước tham gia vào những hành động bạo lực và tàn ác, sẽ là một điều tốt mang tính tích cực. Ông ta sẽ hoàn thiện giới đức của mình, sự thánh thiện về mặt đạo đức của mình. Trong cả hai trường hợp, nghiệp của ông ta – cho dù là nghiệp tốt hay nghiệp xấu – vẫn sẽ thuộc về ông ta.
Thế còn việc chia sẻ công đức thì sao?
Một lần nữa, vấn đề cũng thuộc về sự tác ý, một hành động thuộc ý chí. Khi có một hành vi thiện được thành tựu và công đức của việc thành tựu hành vi thiện ấy được chia sẻ cho những người khác, chắc chắn phải có ý muốn chia sẻ công đức ấy về phần những người được chia sẻ. Bằng cách tán thành một hành vi tốt, những người được chia sẻ công đức cũng đã tạo ra một sự tác ý tốt về phần mình. Những người ấy phải được thu hút sự chú tâm của mình vào hành vi tốt, khiến họ có thể vui theo trong việc ấy và làm sinh khởi một sự thôi thúc hướng thượng có liên hệ với hành vi tốt, cho dù hành vi ấy là bố thí hay bất kỳ một hành vi tạo công đức nào khác. Một lần nữa, những người được chia sẻ công đức cũng đã tạo ra một nghiệp cho chính mình. Chúng ta không thể chia sẻ những lầm lỗi hay khuyết điểm, bởi vì chẳng ai sẵn lòng chia sẻ điều lầm lỗi với chúng ta.
Những điều rắc rối mà chúng ta thừa hưởng từ những lỗi lầm của cha mẹ chúng ta không thể được coi là những đau khổ gây nên từ nghiệp của các bậc cha mẹ. Giả sử một đứa trẻ sinh ra trong một xứ sở bị tàn phá bởi chiến tranh; nếu nó đau khổ thì đó là sự đau khổ bởi vì hoàn cảnh nơi nó được sinh ra có thể là do nghiệp xấu lúc trước của chính đứa trẻ đang trổ quả. Luôn luôn phải có nhiều hơn một nguyên nhân để tạo ra một kết quả được nhìn thấy. Một đứa trẻ khác, trong cùng một hoàn cảnh, nhưng cha mẹ của nó còn có trách nhiệm trực tiếp hơn về những lỗi lầm đã dẫn đến sự tàn phá của xứ sở ấy, vẫn có thể có một địa vị khả quan hơn về phương diện vật chất. Cha mẹ của đứa trẻ này có thể đã tạo dựng được cả một cơ nghiệp trong cuộc chiến vốn đã dìm những người khác vào cảnh cơ cực. Như vậy, đứa trẻ này đang trải nghiệm những kết quả của nghiệp của chính nó, chứ không phải nghiệp của cha mẹ nó. Về phần cha mẹ nó, về sau, họ sẽ phải đau khổ do nghiệp của chính họ.
Có nhiều loại nguyên nhân khác nhau và cũng có nhiều loại kết quả khác nhau. Nghiệp là một loại nguyên nhân; quả của nghiệp là kết quả tương ứng. Điều quan trọng là phải biết phân biệt rõ ràng giữa nguyên nhân cá nhân và kết quả cá nhân được mang theo từ đời này qua đời khác – nghiệp riêng và quả của nghiệp – và những chuỗi nhân quả khác vận hành tùy theo các hoàn cảnh trong thế giới bên ngoài.
Nguyên tác: Collective Karma, Francis Story.
Nguồn: Kamma and Its Fruit, trích trong Selected Essays, do Trưởng lão Nyanaponika Thera chủ biên, Buddhist Publication Society xuất bản tại Kandy, Sri Lanka, 2003. Tác giả: Francis Story (1910-1972) là người Anh, sớm biết đến Phật giáo và chính thức trở thành Phật tử từ năm 16 tuổi. Năm 1958, ông đến Ấn Độ rồi thọ giới tại chùa MahaBodhi ở Bồ-đề Đạo tràng, được nhận pháp hiệu là Anagarika Sugatananda. Ông từng diễn thuyết nhiều nơi trên thế giới về Phật giáo, đặc biệt là về thuyết luân hồi. Ông là tác giả nhiều bài viết và tác phẩm có giá trị về Phật giáo.
Bài đọc thêm:
Luật Nghiệp Quả, Biệt Nghiệp và Cộng Nghiệp (Lê Sỹ Minh Tùng)
Discussion about this post