CON NGƯỜI THAM MUỐN DỤC VỌNG QUÁ LỪNG LẪY
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Nhân quả rất công bằng, hễ vật chất thịnh hành thì dục vọng của con người càng được củng cố và tăng trưởng mạnh mẽ. Chính tham muốn dục vọng quá đáng đã tạo cho con người dính mắc vào “cái ta” ích kỷ này. Nào tài sản sự nghiệp, tiền bạc của cải, khi có đầy đủ rồi lại tìm cách được điạ vị danh vọng, tiếng tăm để tô bồi bản ngã của mình.
Dĩ nhiên, khi có được hai điều kiện trên thì việc hưởng thụ sắc đẹp, ăn sung mặc sướng và ngủ nghỉ thoải mái đã làm cho tất cả chúng sinh thân tâm phải bị bức bách, khổ sở.
Con người vì si mê lầm chấp, không thấy đúng lẽ thật nên luyến ái thân mạng; chấp thân tứ đại giả hợp cho là ta, là của ta, con ta, tài sản ta, gia đình ta, đất nước ta và ta là trung tâm của vũ trụ nên từ đó ông trời ra đời để ban phước giáng họa. Chúng ta vì thấy thân này là thật nên lúc nào cũng muốn nó được ăn ngon mặc đẹp, ra sức sắm sửa nhà cao cửa rộng, tài sản tiện nghi, vật chất đầy đủ, xe cộ, tiền của, tôi tớ phục dịch để chứng tỏ đẳng cấp giàu sang. Muốn có được đời sống vật chất đầy đủ như thế chúng ta phải làm việc nhọc nhằn vất vả, phải tính toán công ăn việc làm để tích lũy tiền bạc, của cải vật chất cho nhiều. Sự tham muốn đó không phải chỉ riêng một ai mà tất cả chúng ta ai cũng muốn được lợi phần mình nên tranh đua, giành giật để được phần hơn. Không ai chịu thua ai mà lúc nào cũng muốn chiếm ưu thế về mình. Đã đi vào trường đời thì phải tranh đua, giành giật nên có kẻ được người mất, kẻ thắng người thua. Người được thì vui trên sự đau khổ của kẻ khác, còn người mất thì đau khổ vô cùng.
Lòng tham con người như giếng sâu không đáy không bao giờ biết chán, biết đủ, biết dừng. Người có quyền cao chức trọng thì lợi dụng chèn ép, bóc lột kẻ dưới. Người không được thì tìm cách trộm cướp, lường gạt của người khác. Kẻ bần cùng thì oán trời trách đất, oán ghét xã hội, bạn bè, người thân. Có nhiều gia đình cha mẹ vừa nằm xuống thì trong nhà anh em ruột thịt đã tranh nhau đòi chia gia tài, so bì với nhau từ lằn ranh bờ đất, chửi bới thưa kiện nhau ra tòa để giành của về mình. Anh em ruột thịt còn như thế thì huống chi là người dưng nước lã, làm sao có thể thương yêu giúp đỡ nhau bằng tình người trong cuộc sống. Người có tiền của còn tham như vậy thì nói gì đến người nghèo khổ, thiếu trước hụt sau. Trong cảnh túng quẫn có khi họ phải ăn trộm, cướp giật, lường gạt của người khác. Người Phật tử chân chính phải biết tạo dựng cho mình một đời sống trong sạch, miễn sao có miếng ăn thức uống vừa đủ mà trau dồi đạo đức tâm linh; biết nhường cơm xẻ áo, nhín ăn bớt mặc để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trên tinh thần của ít lòng nhiều.
Người thế gian trước tiên muốn thỏa mãn tiền bạc của cải rồi mới đến sự quyến rũ của sắc đẹp. Sắc đẹp cũng là vị ngọt mà cũng là vị đắng. Nó là một thứ men say tình ái khiến con người phải đam mê, thích thú, đắm say. Sự mến luyến khoái lạc cảm giác rồi mơn trớn, vuốt ve đã làm đa số anh hùng đều chết dưới lỗ chân trâu. Tai hại của lòng đam mê sắc dục làm biết bao người phải hao tài tốn của, tán gia bại sản. Hạnh phúc gia đình đổ vỡ cũng vì sự tham muốn quá đáng mà vợ chồng gây gỗ, đánh đập nhau vì ghen tuông, hờn mát. Tình chồng nghĩa vợ bấy lâu bị mất mát, đổ vỡ có thể làm con người ta đau khổ đến tột cùng. Lòng khát ái của con người không bao giờ biết đủ vì họ không bao giờ thấy thỏa mãn trong cuộc tìm kiếm, săn đuổi tình yêu; cũng giống như người khát nước mà uống nước muối nên càng uống lại càng khát. Họ cứ đi tìm những thụ hưởng cảm giác mới lạ có tính cách dị hợm, thậm chí có một số nước họ chơi trò đổi vợ qua lại để tạo thú vui thấp hèn, trụy lạc.
Vì thấy rõ tai hại của lòng đam mê sắc dục nên Phật chế giới “không tà dâm” để người Phật tử tại gia biết sống chung thủy một vợ một chồng, thương yêu nhau đến trọn đời, không được ngoại tình với kẻ khác để bảo vệ hạnh phúc cho nhau. Khi có được đầy đủ tiền bạc, của cải và sắc đẹp thì con người ta lại muốn củng cố quyền lực, danh vọng và địa vị. Danh vọng là một trong những nấc thang cuối cùng của đời người để thỏa mãn bản ngã được trở thành nhân vật quan trọng ăn trên ngồi trước, có kẻ hầu người hạ. Đó cũng là miếng mồi ngon béo bở mà người đời ai cũng thèm muốn được tận hưởng đầy đủ và vì sợ mất nên họ phải dùng tất cả thủ đoạn để bảo vệ nó. Cuối cùng thì đó cũng chỉ là mộng ảo phù hoa, cũng như những bong bóng nước khi rơi xuống chúng sẽ tự vỡ. Không ai có thể giữ mãi được danh vọng, địa vị hay quyền uy, thế lực. Người muốn ít biết đủ sẽ tùy duyên làm việc, không tranh đua danh lợi nên không sợ mất mát; không sợ ai tranh chấp, mưu hại nên cuộc sống lúc nào cũng được bình yên, hạnh phúc.
Ngay đến các thức ăn uống ngon miệng cũng chỉ có giá trị khi còn ở đầu lưỡi, chúng ta nuốt qua khỏi cổ rồi thì mọi thứ như nhau. Xét lại mới thấy việc ăn ngon chỉ có cảm giác nhất thời, vậy mà chúng ta phải hao tiền tốn của, vất vả cực khổ để có được món ngon vật lạ, sơn hào hải vị. Sự đam mê ngủ nghĩ cũng làm cho ta phải bận tâm không kém. Nhiều người suốt đời chỉ thích nhàn hạ, thảnh thơi, ăn không ngồi rồi, không muốn làm gì động đến chân tay. Họ sống chỉ biết thụ hưởng, vui chơi, bồi bổ tấm thân cho thỏa mãn, sung sướng nên cứ hết ăn rồi ngủ, hết ngủ rồi ăn, chẳng khác gì loài heo. Hạng người như thế chỉ biết lo cho thân này còn gia đình, người thân hay ngoài xã hội ai khổ đau mặc kệ.
Ngày xưa khi thế giới loài người mới hình thành, dòng họ nhà ma vì ghen ghét loài người nên cùng bàn bạc sẽ đem giấu đi thứ quý giá nhất của con người là hạnh phúc. Chúng tranh luận, bàn bạc với nhau nên đem giấu hạnh phúc của con người ở đâu. Trên núi cao, trong rừng thẳm, dưới biển sâu hay trong lòng đất? Cuối cùng, chúng thấy những nơi đó loài người có thể phát giác ra nên đã quyết định sau khi cân nhắc kỹ là đem hạnh phúc giấu ngay nơi thân con người. Cả lũ quỷ đều vui vẻ đắc thắng vì nghĩ đó là nơi con người khó có thể tìm ra mà có hạnh phúc thật sự.
Con người chúng ta thường cho rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp và có ý nghĩa hơn khi được ăn học đàng hoàng, lập gia đình rồi sinh con đẻ cái cùng sống hạnh phúc bên nhau. Đến khi thành lập gia thất và bắt đầu có con ta lại vỡ mộng vì con còn quá nhỏ nên tự an ủi mọi việc sẽ tốt đẹp hơn khi các con khôn lớn. Và đến lúc ấy ta lại thất vọng hơn nữa vì con đến tuổi đi học nên phải chăm sóc, lo lắng cho chúng vất vả hơn. Rồi ta lại tự an ủi mai này các con trưởng thành và có gia đình riêng thì chắc chắn ta sẽ được hạnh phúc. Cho đến khi ấy thì mình đã già và có khi chẳng còn sống được bao lâu để thụ hưởng hạnh phúc. Suốt một chặng đường từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến khi tốt nghiệp, cưới vợ lấy chồng, có con và nghỉ hưu; tất cả đều thoáng qua nhanh và từng giai đoạn là từng nỗi lo toan vất vả, bộn bề. Hạnh phúc thiết thực, thật ra là ở ngay trong giờ phút hiện tại. Cuộc sống vốn dĩ luôn bị vây quanh bởi các thứ lo toan quay cuồng cứ nối tiếp nhau không một phút giây ngừng nghỉ. Hiện tại nếu chúng ta biết trân quý thời gian thì đó là thời điểm hạnh phúc nhất dù cuộc sống lúc nào cũng khó khăn và nhiều phiền muộn, khổ đau.
Vì muốn tìm kiếm hạnh phúc nên chúng ta cứ phải làm lại từ đầu. Cứ như thế công việc này giải quyết chưa xong thì những việc kia lại tiếp nối, đôi khi ngồi mà tiếc nuối chuyện đã qua và công việc khác lại bắt đầu. Rốt cuộc, chúng ta cứ nằm trong vòng lẩn quẩn mà quên đi những giây phút sống ngay trong hiện tại, đây mới chính là điều ta đang tìm kiếm bấy lâu nay. Hạnh phúc chính là ta đang làm việc gì thì biết việc đó, ta phải sống với những gì trong hiện tại mà hiện tại chính là đây. Chúng ta hãy trân quý và tận hưởng những gì mình đang có ngay trong giờ phút hiện tại và đừng nên chờ đợi nữa. Ta đừng chờ cho tới khi tốt nghiệp ra trường, chờ khi có việc làm tương xứng, chờ được tăng lương, chờ có công việc mới, chờ một mẫu người lý tưởng để gá nghĩa vợ chồng, chờ đến ngày thứ bảy hay sáng chủ nhật để sum họp gia đình, chờ lãnh lương cuối tháng và chờ cho xuân-hạ-thu-đông bốn mùa thay đổi, chờ mãi chờ mãi cho đến ngày ta nhắm mắt lìa đời thì hạnh phúc thật sự có khi cũng chưa tìm đến. Chúng ta muốn được hạnh phúc nhưng ta phải hiểu hạnh phúc thật sự là gì? Hạnh phúc là sự biết cảm nhận giá trị sống trong mỗi hoàn cảnh ngay tại đây và bây giờ chứ hạnh phúc không phải là điểm đến mà ta đang mong đợi. Chúng ta hãy thường xuyên suy nghĩ về điều này, cuộc sống lúc nào cũng ngắn ngủi và thoáng qua nhanh, thở ra mà không thở vào thì ta còn gì nữa? Tại sao ta không biết trân quý những gì đang có ngay giờ phút hiện tại?
Và thật đúng như thế! Sức mạnh của loài người có thể chinh phục được vũ trụ nhưng lại không thể dễ dàng chiến thắng được thói hư tật xấu và vượt qua chính bản thân mình. Đúng là hạnh phúc nằm ngay trong bản thân con người nhưng con người lại không chịu thừa nhận, bởi hạnh phúc không có hình dáng, tướng mạo, không xúc chạm được nên khó thấy, khó biết. Cũng như sức mạnh tâm linh của mỗi người chính là nội tâm thanh tịnh, sáng suốt; nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng không lầm lẫn, tai-mũi-lưỡi-thân-ý cũng lại như thế. Chúng ta hãy kiểm lại ba điều. Một là mạng sống trong hơi thở. Hai là thân này hư dối tạm bợ, không có gì quan trọng. Ba là tâm là ông chủ nhân của bao điều họa phúc. Ta thường nhớ và thấy như vậy thì sẽ dễ dàng tập trung vào việc tu học để chuyển hoá, gạn lọc tâm buồn thương, giận ghét thành tâm thanh tịnh, sáng suốt. Làm chủ được thân tâm rồi thì các thứ hình thức vật chất trong cuộc sống không thể hấp dẫn và lôi kéo ta được nữa.
Người Phật tử chân chính tu học cho đến thấy được lẽ thật thì đời sống mới được bình yên, hạnh phúc. Lúc nào chúng ta cũng nhớ rằng từ si mê, tham đắm thân này nên sinh ra tham lam; từ tham không được rồi sinh ra nóng giận; nóng giận lâu ngày trở thành nội kết mà dẫn đến thù hằn, ghét bỏ. Ba thứ này là phiền não kiên cố chúng ta cần phải tìm cách chuyển hóa chứ không thể nuôi dưỡng, chất chứa chúng lâu dài. Chúng ta thử nhìn lại trên thế gian này từ người giàu cho tới kẻ nghèo có ai sống mà không có đau khổ hoặc vui vẻ hết. Mỗi người đều có nỗi khổ riêng; có người khổ vì thiếu thốn đói khát; có người khổ vì không cha không mẹ, không gia đình người thân; có người tuy giàu nhưng cũng khổ vì gia đình không hạnh phúc. Chúng ta phải dám nhìn vào sự thật và luôn nhớ mạng sống này chỉ trong hơi thở thì sẽ bớt tham lam, ích kỷ. Khi thấy thân này nhơ nhớp, không trong sạch thì bớt kiêu căng, ngã mạn; thấy rõ bản chất nó là vô thường nên dần hồi phá được chấp ngã về thân. Chúng ta muốn chuyển hoá, gạn lọc làm cho tinh thần được trong sáng, tốt đẹp thì phải biết xem xét lại chính mình từ những tâm niệm đang dấy khởi thầm kín. Hầu như ai cũng biết tham lam, nóng giận, si mê là xấu ác nhưng bỏ không được vì thói quen chất chứa nhiều đời. Con người thật là mâu thuẫn! Lúc nào cũng mong cho mình được sáng suốt, thanh tịnh mà những thói xấu không chịu bỏ. Người tham lam có 1 triệu thì muốn 2 triệu, có 2 triệu lại muốn 3 triệu, có 3 triệu thì lại muốn nhiều hơn mà không bao giờ biết dừng lại.
Nói đến việc tu để tâm được thanh tịnh, sáng suốt thì nhiều người bảo ăn chay, lạy Phật nhiều là tu. Ăn chay chỉ là bước đầu thể hiện lòng từ bi đối với các loài vật, lạy Phật cũng thuộc về phần thể xác nhưng biết cách lạy sẽ thực sự có nhiều lợi ích. Lạy Phật là cách thức tu trong hoạt động vì thân này luôn phải làm việc, ăn uống, tắm rửa, đi tiểu đi đại nên cách thức tu lạy Phật có giá trị thiết thực về hai mặt thể xác lẫn tinh thần. Toàn thân năm vóc lễ lạy, đứng lên quỳ xuống, thân tâm cung kính nhất như làm cho thân khoẻ, tâm an. Tu bằng hình thức tạo phước, tạo duyên, từ từ buông xả được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Hoặc ta tu bằng cách lọc bỏ các vọng tưởng cho tâm được trong sáng, thanh tịnh. Thân và tâm không tách rời nhau và luôn cùng nhau hoạt động, nếu tâm biết tỉnh giác thì thân miệng làm các việc tốt mà cảm nhận được niềm vui. Ta biết đóng góp vật chất thì có phước nhưng tâm còn phiền não, vọng động thì vẫn còn luân hồi sanh tử.
Vì lòng tham muốn của con người không bao giờ biết thỏa mãn nên tâm cứ luôn rong rủi tìm cầu, chạy theo ngũ dục không bao giờ biết chán, biết đủ. Người ta nói “ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn”, nhưng xét lại đời sống con người từ khi sinh ra thì tất cả mọi sinh hoạt trong xã hội đều do chạy theo ăn-uống-mặc-ở và các tiện nghi sinh sống khác… Người nghèo thì tìm cách tranh thủ làm lụng để có cái ăn cái mặc. Người đã dư ăn dư mặc thì muốn kiếm thêm để dành dụm cho con cháu mai sau. Khi đã có đầy đủ vật chất thì con người lại muốn tranh thủ để có danh vọng, địa vị, kẻ hầu người hạ, ăn trên ngồi trước, mọi người kính nể. Rốt cuộc, cả một đời lao đao, lận đận chạy theo ngũ dục rồi cuối cùng đi đến già-bệnh-chết và mang theo chỉ hai bàn tay trắng. Cha mẹ, vợ con, nhà cửa cũng không ai dám phát tâm đi theo. Quả thật, lòng tham con người không bao giờ biết chán, biết dừng và muốn ít biết đủ.
Từ si mê mới cho rằng đời sống dài cả trăm năm nên lo tạo dựng sự nghiệp, gia đình, công danh, tài sản, của cải để con cháu đời sau hưởng đến khi tắt thở cũng chưa mòn. Vì vậy mà cả một đời mấy chục năm ròng ta cứ lao vào hình thức vật chất mà không nghĩ đến tâm tư của mình trong sáng hay tối tăm; không màng đến việc trau dồi nhân cách, đạo đức mà chỉ đuổi theo những cái tạm bợ, phù phiếm bên ngoài. Đời này tạo lập, xây dựng mà nếu lỡ phải chết giữa chừng thì khi ra đi tâm tiếc nuối dấy khởi, ta không cam tâm nên mới phải tái sinh, có khi phải đọa làm chó giữ nhà để trông của. Thế cho nên, Phật nói si mê là gốc của luân hồi sống chết không có ngày cùng, chúng sanh phải thăng lên lộn xuống mãi trong ba cõi sáu đường gốc cũng từ si mê mà ra. Ta đam mê sự sống, danh vọng, sắc đẹp, quyền lực, tiền bạc, của cải. Ta thường sống với những ảo tưởng, nhớ nghĩ về quá khứ hoặc mơ mộng đến tương lai. Chính đó là gốc rễ của si mê. Cho nên, chúng ta phải thường xuyên quán chiếu mới có thể biết rõ mạng sống vô thường, thân này không thật có. Biết thân này không có giá trị chân thật thì chúng ta không còn tham ái, luyến mến nó nữa. Được như vậy ta sẽ biết cách làm chủ thân tâm.
Tuy nhiên, chúng sinh can cường với bản tánh tham lam, mới tu vài ba năm hoặc hai ba chục năm mà cứ đòi thành Phật; do đó, nghe ai nói tu ba tháng đến sáu tháng thành Phật liền thì ham quá mới bán hết nhà cửa mà dâng cúng cho người đó. Tu một thời gian không có kết quả mới té ngửa ra tại mình si mê, đần độn nên đã “giao trứng cho ác” mà không biết. Lời Phật dạy từ trước đến nay chính yếu tu là biết cách gạn lọc nội tâm; giống như một lu nước đục muốn nước được trong phải có thời gian gạn lọc, tuy thấy nước trong nhưng cặn bã vẫn còn dưới đáy lu, gặp duyên thì nước sẽ đục trở lại. Phiền não tham-sân-si là cặn cáu, tuy có định tĩnh đôi chút nhưng vẫn còn mờ tối. Muốn nước thật sự được trong ta phải đổ nước trong sang lu khác, khi cặn bả hết thì có quậy nước vẫn trong. Tâm ta trong sáng thì mọi thứ phiền não, khổ đau cũng tan hòa vào hư không.
Phật dạy phàm cái gì có hình tướng đều do duyên hợp giả có, vậy mà chúng ta chỉ thích sống với cái giả mà bỏ quên cái thật chính là tâm thường biết rõ ràng nương nơi mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý. Cả ngày chúng ta chỉ biết lo lắng, đem hết sức lực để gìn giữ cái thân sẽ già-bệnh-chết. Phần tâm thức thuộc về tinh thần ta cũng chỉ giữ những buồn thương, giận ghét, hơn thua, phải quấy, tốt xấu, được mất và cho đó là tâm mình; nên mới nói “tâm tôi suy nghĩ như thế này, tâm tôi muốn làm như thế kia”. Đủ thứ tâm thương ghét, buồn vui lẫn lộn mà ta cứ chấp chúng là tâm mình dù chúng chợt có chợt không, thay đổi liên tục. Chúng sinh do gây nghiệp thiện ác mà đi trong sanh tử luân hồi không có ngày thôi dứt. Khi ý nghĩ điều không tốt thì miệng nói xấu, thân làm bậy nên bị đọa vào ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Nếu ý nghĩ chân chính, miệng nói lời chân thật từ ái, thân làm điều lợi ích sẽ được đi trong ba đường lành, hưởng phước báu cõi trời, người, a-tu-la.
Như vậy, nguyên nhân dẫn chúng ta đi trong luân hồi sinh tử là ý thức, tức những ý nghĩ thiện-ác, tốt-xấu. Chính tâm là chủ tạo nghiệp, muốn thoát khỏi sanh tử khổ đau ta phải xa lìa hai ý nghĩ tốt-xấu và thiện-ác. Chúng ta có hai thứ tâm, tâm sanh diệt tùy duyên chạy theo tình cảm của thế gian và tâm thường biết rõ ràng hằng sáng suốt, lắng trong. Khi ta buồn, lúc ta thương, rồi lại giận, lát lại vui. Tâm luôn thay đổi theo hoàn cảnh là tâm sanh diệt tùy duyên. Duyên thuận thì tâm vui vẻ, thích thú, muốn bám giữ mãi. Duyên không vừa ý thì bực tức, phiền muộn. Tâm như vậy ta gọi là sáng nắng chiều mưa, thay đổi liên tục, mới khóc đó rồi cười nên nó không phải là tâm chân thật. Chúng ta nên nhớ, bước đầu tu là dẹp bớt những tâm niệm xấu-ác mà giữ những tâm niệm hiền lành, tốt đẹp. Bước thứ hai khi tâm không còn suy nghĩ việc xấu-ác nữa mà hay làm các việc thiện lành, tốt đẹp thì đến đây mỗi hành giả phải buông luôn tất cả niệm thiện dù đó là niệm Phật, niệm Bồ tát để thể nhập tính biết sáng suốt nương nơi mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý.
Chúng ta hiện nay có ai không thấy, không nghe, không biết không? Tại sao ta không thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe? Tại sao ta không chịu thừa nhận để mãi trôi lăn trong luân hồi sinh tử hoài? Người biết tu thì tìm cách sửa đổi sai lầm, luôn sống trong tỉnh giác và hay nhắc nhở mọi người cùng ý thức tin sâu nhân quả, tin chính mình và cố gắng chuyển hóa phiền não tham-sân-si thành vô lượng trí tuệ, từ bi. Tuy chúng ta học đạo nên biết thân này hư dối, giả tạm nhưng nếu biết lợi dụng nó để tu hành thì có ngày sẽ vượt khỏi sinh tử khổ đau. Người tu có hai trường hợp. Hạng người thứ nhất là nhớ biết cuộc đời vô thường nên tâm buồn rầu, chán nản, không muốn làm gì. Hạng người như vậy là đã vô tình phỉ báng lời Phật dạy. Hạng người thứ hai cũng biết thân tâm và hoàn cảnh đều vô thường nhưng vẫn vui vẻ, cố gắng tu tập chuyển hoá để vươn lên vượt qua biển khổ sông mê.
Tóm lại, chúng ta muốn sống được với con người tâm linh của chính mình thì phải biết buông xả bớt, việc gì đáng lo thì mình lo; như sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ, sống có trách nhiệm với gia đình; vợ chồng con cái sống thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau, quan tâm lo lắng cho nhau; nuôi dạy con cái biết tin sâu nhân quả, tin tâm mình là chủ nhân ông của bao điều hoạ phúc. Ngoài những trách nhiệm và bổn phận trên thì những việc không quan trọng khác ta nên buông xả dần. Người khéo tu lúc nào cũng nhớ quay lại chính mình, từng bước nhận ra và sống được với tâm hằng biết nương nơi mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý.
Discussion about this post