Nhiếp ảnh gia Petr Ganaj đã chụp hình con châu chấu
này ở một nơi nào đó trên thế giới, không phải
con ở cạnh garage nhà tôi, nhưng mà cũng
giống y chang, chắc anh em sinh đôi? (Pexels)
Con châu chấu xuất hiện trong đời tôi vào đâu khoảng cuối tháng Bảy, đầu tháng Tám. Cạnh garage nhà tôi có lối đi tráng xi-măng, nơi đặt năm thùng rác lớn, nhỏ, xanh, đen ba màu. Mỗi buổi trưa nắng chói chang ở Nam California đây, bước ra lối đi đó thì thấy quang cảnh trần trụi quá, một bên là dãy thùng rác nhựa xếp hàng chờ mấy thứ phế thải, một bên là tường gạch “trơ gan cùng tuế nguyệt,” ở giữa là lối đi xi-măng phẳng láng, thiếu bóng dáng của thiên nhiên. Tôi yêu quí thiên nhiên, có dịp là tìm về chốn thôn quê hay rừng núi, chỉ để ngắm cây xanh, còn không được đi xa thì ra các công viên ở gần phố Bolsa đây. Nay giữa thời đại dịch, sự di chuyển bị giới hạn, nên tôi chỉ còn quanh quẩn ngắm cây cối trong sân nhà.
Cũng may nhà còn có chút đất để trồng cây này, cây kia cho có thiên nhiên trong tầm mắt, chỉ mỏi tay vun trồng, đào đắp, tưới tẩm. Riêng lối đi cạnh garage thì hoàn toàn tráng xi-măng với tường bê-tông hai bên, nên không có đất để gieo chút mầm xanh nào. Mấy năm trước tôi đặt ở lối đi đó một chậu gỗ lớn để trồng cây thông “thuộc bài,” loại cây ít cần chăm sóc để có chút màu xanh giữa khoảng xi-măng xam xám. Cây thông này sống nhưng không sung sức cho lắm, cao cỡ đầu tôi, lưa thưa cành lá.
Cách chậu thông chừng hai thước, tôi bày thêm một chậu nhựa màu hồng gạch khá lớn, lớn bằng một vòng tay ôm, chứa đầy đất nâu. Mà lạ là trồng thứ gì ở chậu nhựa này cũng đều thất bại, có lẽ vì cây bị hâm nóng bởi nắng dội giữa nền xi-măng và tường gạch hắt vào cây, nhất là vào những buổi trưa khi nhiệt độ lên tới 90 hay cả 100 độ F, bước ra lối đi này nghe nóng như trong lò nướng. Ngay cả bọn bông phấn dại mọc đầy sau vườn khỏe như vâm, chỉ cần có chút hơi nước là đủ xanh tươi, đươm đầy bông màu đỏ, hồng hay cam rực một góc vườn, vậy mà khi cấy xuống chậu nhựa này thì chúng cũng bị khô héo, chịu không nổi khí khô nóng. Cuối cùng thì có một loại cây sống được, đó là cúc.
Cúc vàng tràn ngập phố Little Saigon trong mấy ngày Tết âm lịch. Mình mua biếu người thân mấy chậu, người khác mua biếu lại mình, biếu qua biếu lại nên nhà Việt Nam nào ở đây cũng có mấy chậu cúc vàng tươi, thắm thiết mỗi dịp xuân về. Hết Tết, người ta thảy mấy chậu cúc vào thùng rác, như thải cây thông sau mùa lễ Giáng Sinh. Thấy cúc còn sống xanh tươi mà bị vất đi thì tôi cảm thương cúc lắm, cho dù nó không còn cái bông vàng nào. Chúng còn sống chứ đâu có chết, sao lại bỏ đi? Thương thật cho một kiếp sống, dù chỉ là cây.
Nghĩ (cải lương) như vậy nên tôi thường trồng lại mấy chậu cúc chung quanh nhà, đứa nào sống thì tốt, mình tưới nước thêm cho nó sống, còn không sống nổi thì đành chịu vậy, chứ vất cây khi nó còn khỏe thì tội quá. Đến đầu tháng Tám vừa rồi, bên tường hướng tây trong vườn còn hai bụi cúc, loe ngoe mấy cành dài dưới gốc cây râm bụt, và bên tường hướng đông cạnh garage có một bụi xanh nhợt trong chậu nhựa hồng trên nền xi-măng. Có lẽ biết thân phận mình đáng lý bị vất đi sau mùa Tết, mà được trồng lại trong chậu này cách thùng rác chỉ có hơn một thước, nên bụi cúc đã cố sức sống, có lúc nở hoa vàng tươi rói, chào đón người trong nhà qua lại trên lối đi.
Ở bụi cúc ấy một hôm tôi tình cờ phát giác có một con châu chấu màu xanh mạ non nhỏ xíu, thon dẹp, dài bằng hai đốt ngón tay út. Theo thông lệ tưới cây mỗi tuần, sáng thứ Bảy hôm ấy tôi xịt nước vào bụi cúc, bỗng giật mình khi thấy có một con gì xanh xanh nhảy ra khỏi chậu và đậu trên bức tường trắng cạnh đó. Nhận ra một châu chấu con, tôi ngưng xịt nước, nói lời xin lỗi vì đã làm phiền nó, rồi đứng ngắm sinh vật lạ thêm vài giây trước khi qua tưới các chậu khác.
Chiều hôm đó, ngỡ rằng châu chấu đã bỏ đi sau khi bị quấy rầy như hầu hết những con côn trùng khác, hoặc một chú mèo tinh ranh, một anh cắc kè liến thoắng, hay một con chồn túi mặt trắng (opossum) khù khờ từng gặp trong sân nhà, tôi trở lại lối đi xi-măng tính tưới chậu cúc bằng một lon nước thì gặp lại con châu chấu. Nó đang bám chặt vào một nhánh cúc, gặm nhấm một chiếc lá cho bữa ăn chiều hay tối gì đó của nó. Tôi ngồi cách chậu vừa đủ xa để không làm nó sợ, vừa đủ gần để thấy rõ hai con mắt đen như dấu chấm mực trên đầu của con châu chấu.
Tôi là dân thành thị, ít biết về nỗi khổ của nông dân khi bị hàng triệu triệu con châu chấu, cào cào từ đâu bay tới như những đám mây thời tận thế, ăn hại mùa màng của họ. Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc được những bản tin như thế trên báo, nói về nạn châu chấu tàn phá đồng lúa, ăn hại cây cối quá khốc liệt, đến nỗi người ta phải gọi đó là dịch. Dịch châu chấu. Locust plague. Tôi cũng từng đọc những bản tin nói về việc người ta chiên hay nướng châu chấu để ăn ngon lành, tiêu thụ nó như một nguồn chất đạm thay cho thịt cá.
Ở đây, mỗi ngày khi tôi ra thăm con châu chấu, thấy nó lột xác và lớn dần, tôi mừng cho nó, và cho chính tôi, vì chúng tôi không phải cạnh tranh với nhau để giành giật sự sống cho riêng mình. Tôi không phải xem sinh vật này là một nạn dịch, không khởi lòng thù ghét, và nó cũng không sợ bị tôi tiêu thụ như một nguồn chất đạm. Và cũng như nó, vợ chồng chúng tôi ăn rau, trái, đậu, những thứ gì không dính tới máu. Ăn để duy trì mạng sống và dùng thân mạng để làm những việc lành.
Chỉ có bụi cúc là phải hy sinh mấy chiếc lá. Trong suốt thời gian sống trong chậu cúc này, con châu chấu đã ăn lai rai vài cái lá, tôi đoán vậy, vì thấy nhánh cúc mà nó thường bám vào có vài lá bị khoét dần, tất cả những nhánh còn lại vẫn đầy lá xanh tươi. Từ khi biết chậu cúc có thêm con châu chấu, mỗi ngày tôi len lén tưới chút nước cho cúc được sống mạnh hơn giữa thời tiết quá nóng của mùa hè. Cúc có sống thì châu chấu mới sống. Mà cũng lạ, chung quanh nhà và khu phố của chúng tôi có cả trăm thứ cây xanh tươi khác, nhưng sao nó không bay đi mà ở luôn trong bụi cúc suốt hơn một tháng trời?
Có những lúc tôi tưởng châu chấu đã rời đi, vì không thấy nó ở nhánh cây quen thuộc. Nhưng khi nhìn lại lần thứ nhì, thứ ba, có khi thứ tư thì nhận ra nó đã hóa trang quá khéo léo, vẫn ở nhánh cây ấy nhưng như tàng hình, tôi phải quay đi nơi khác rồi nhìn lại kỹ hơn thì mới thấy ra khi nó cử động, thân hình và màu sắc gần giống như một chiếc lá. Mỗi lần thấy nó là tôi reo lên, thầm nói câu “Hello” cho nó nghe. Tôi hỏi thăm nó bằng tiếng Anh, đoán rằng châu chấu ở Mỹ chắc không hiểu tiếng Việt. Cũng may nó không xa lánh tôi dù tôi nói tiếng Anh với giọng Bolsa.
Con châu chấu lớn dần, vẫn ở y trong chậu cúc, nên tôi xem nó như một người bạn dù không thể trao đổi bằng lời nói, ngày ngày vẫn ghé chậu để “Hello” nó mà không cho ai hay biết, kể cả vợ. Mỗi lần được hội ngộ con châu chấu, ngồi cạnh chậu nhìn ngắm nó trên thân cây cúc, tôi nghe tâm tư mình vừa thư thái, nhẹ nhõm, vừa biết trân quý sự sống. Trong công việc kiếm cơm hàng ngày, tôi phải lăn lóc trong khối tin tức thế sự, tin chính trị, nơi người ta sát hại nhau bằng súng đạn, mưu mô, và ngay cả bằng chữ nghĩa, kiến thức với lòng đầy hận thù. Trong cuộc sống riêng tư, vợ tôi đã lâm bệnh – ít nhất là một chứng bệnh – mà tôi chỉ có thể mô tả là không nhẹ. Ngay chính bản thân tôi đây, vài phần cơ thể đã bắt đầu nhuốm bệnh, đớn đau suốt ngày đêm, khi nhiều khi ít, không khi nào hết. Rồi thêm trận đại dịch của thế giới, nó tung hoành càng lâu càng làm cho tôi yêu thương mạng sống mãnh liệt hơn nữa.
“… Ai biết chết ngày mai / Không ai điều đình được / Với đại quân thần chết…” lời dặn dò của Đức Phật Thích Ca trong Kinh Nhất Dạ Hiền Giả do Thầy Thích Minh Châu diễn dịch mà tôi đã ghi khắc trong lòng.
Thế nên trong những giây phút được ngồi yên lặng bên chậu cúc, dù giữa nắng nóng bỏng rát của một buổi trưa, tôi vẫn thấy mát rượi khi thấy ra con châu chấu đang ẩn mình sống an nhiên dưới chiếc lá xanh. Mỗi lần thăm nó là mỗi lần tôi biết ơn cho sự sống của chính mình. Nào ai biết được ngày mai có còn hiện hữu ở nơi đây để thăm nhau.
Sự việc con châu chấu sống cạnh garage thay vì ở một nơi khác trong khuôn viên nhà cũng siết chặt hơn mối thân tình giữa nó với tôi.
Căn garage thường dùng để đậu xe được sửa thành nơi thờ Phật của gia đình chúng tôi. Mỗi sáng sớm tôi xuống đó để niệm Phật, ngồi thiền trước khi bắt đầu một ngày làm việc. Mỗi ngày vợ tôi dành nhiều giờ hơn để tụng kinh, niệm Phật, đi thiền hành từ sáng đến tối, ở phòng Phật đó. Mẹ tôi cũng tụng kinh trong nơi ấy mỗi buổi sáng theo thời khóa riêng của bà.
Từ thói quen học được trong những lần viếng chùa tu theo Phật Giáo Nguyên Thủy, tôi rải tâm từ vào mỗi sáng tụng kinh. Nói rải tâm từ cho chúng sanh, cho mọi người, cho thế giới chung chung không thôi thì chưa đủ tạo năng lực từ bi, phải có những đối tượng thực tế hơn thì tâm từ mới có hiệu quả, tôi nghiệm ra điều đó qua lời chỉ dẫn của quý sư, quý thầy. Vì vậy mỗi lần rải tâm từ tôi thường nhắc đến những ai đang bị bệnh, đang sống trong khó khăn, thiếu thốn, cầu nguyện cho từng người thân trong gia đình được bình an, và cho cả con Kiwi được khỏe mạnh.
Kiwi là con chó bẹc-giê lai của chúng tôi, mang về nuôi từ trung tâm nhốt thú vật vô chủ. Khi rải tâm từ đến Kiwi thì tôi nhắc đến hết những con vật đang sống chung quanh đây, chim chóc, côn trùng, chó mèo, cắc kè, dế, và ngay cả mấy con nhện, cầu cho chúng không bị đói, không bị giết, không sát hại lẫn nhau, không gây oan trái cho nhau.
Trong những tháng ngày cuối đời, Kiwi nằm ngủ ngay bên ngoài phòng Phật, quen với chuyện tụng kinh, niệm Phật của chúng tôi. Điều kỳ lạ là mỗi khi tôi chuẩn bị hồi hướng mọi công đức của buổi tụng kinh cho chúng sanh qua hình thức rải tâm từ thì lại nghe con Kiwi phát ra những tiếng kêu ư ử nho nhỏ, như muốn nói điều gì đó với tôi. Ban đầu tôi cho là Kiwi biết “tài” tụng kinh ê a không mấy hấp dẫn của ông chủ, nên đến phần hồi hướng ở cuối buổi thì nó phát ra những tiếng nói như muốn bày tỏ sự vui mừng vì biết tôi tụng kinh sắp xong, hết làm phiền lỗ tai của nó. Nói thì nói vậy, nhưng sau tôi đoán Kiwi cảm nhận được những lời cầu nguyện dành cho nó và cho mọi người ở phần rải tâm từ đó. Thấy tôi ra thì Kiwi ngoắc đuôi, ánh mắt lộ vẻ vui mừng, làm tôi càng thương nó hơn khi ngồi xuống vuốt ve, nựng nịu, nói chuyện với nó cả buổi, có khi giảng pháp cho nó nghe. Hết ý luôn.
Từ ngày Kiwi từ giã cõi trần để về cõi Phật gần hai năm trước, tôi không còn một đối tượng động vật thực tế đang sống để hướng lời cầu nguyện. Thế nên tôi đã vui khi biết có một chúng sanh khác đang sống ở chậu cúc bên ngoài bức tường garage. Mỗi lần đến phần hồi hướng, tôi rải tâm từ cho con châu chấu, cầu cho nó được bình an, không bị đói, không bị sát hại, không gây oan trái cho các chúng sanh khác.
Sau gần bốn tuần thì con châu chấu lột xác lần thứ nhì, phồng lớn bằng ngón tay giữa và không còn màu xanh như màu lá cúc. Nó đổi dạng sang màu nâu đậm với thân lốm đốm chấm trắng, trông khí thế, gai góc hơn. Sau vài ngày tôi mới nhận ra màu nâu và đốm trắng của nó đã phù hợp với màu đất có trộn những hạt thuốc bổ màu trắng trong chậu cây. Tuy đã đổi màu sang nâu, nó vẫn có thể tàng hình trong bụi cúc màu xanh, khiến tôi vẫn phải nhìn khá lâu mới nhận ra nó. Có lúc tôi tin rằng nó có tài ẩn hiện, biến hóa ngay trước mắt mình.
Ngày ngày tôi vẫn tưới nước cho cây cúc, sẵn dịp thăm con châu chấu. Đến một ngày kia vào đầu tháng Chín, một buổi sáng ra thăm thì không thấy nó trong chậu, nhìn hoài chờ nó ẩn hiện mà không thấy bóng dáng nó đâu, lòng hơi buồn thì chợt thấy con châu chấu đang đậu trên cổng sắt hướng ra ngoài đường cách chậu chừng bốn thước. Cổng màu nâu, con châu chấu cũng màu nâu, đang đậu ở bìa trên của cánh cổng. Tôi nhẹ chân đi đến gần, dừng lại cách khoảng một thước. Trong hơn một tháng sống trong chậu cúc, thỉnh thoảng nó vẫn bay lên tường khi tôi tưới nước, một hồi sau trở lại chậu, không bỏ đi luôn như tôi tưởng. Ở cánh cổng nâu, nghe tôi hỏi thăm, nó co một bắp chân sau lên như đáp lời, tôi đoán. Đứng thêm vài giây, thấy nó tiếp tục co đôi bắp chân sau, tôi lùi lại vì không muốn làm cho nó sợ. Rồi tôi quay lưng đi vào nhà, không hề nghĩ rằng đó là lần cuối cùng tôi được thấy con châu chấu.
Trưa hôm đó, và thêm những buổi trưa kế tiếp, tôi ra chậu thăm châu chấu thì không thấy nó nữa. Có lúc tôi mạnh dạn khều tay vào những nhánh cúc, hy vọng sự khuấy động sẽ khiến nó hiện hình. Nhưng không, con châu chấu ấy đã thật sự đi đâu mất rồi. Tôi chưa hề tìm hiểu nó là con trống hay con mái. Cũng sau ngày con châu chấu dừng chân ở cánh cửa sắt trước khi từ giã để bay đến một chân trời mới, tro bụi từ những đám cháy rừng lớn đã bao phủ khắp California, từ vùng Sierra ở ranh giới phía đông đến tận bờ biển ở phía tây. Không gian có lúc tối sầm với mây tro bụi bao phủ giữa ban ngày. Mặt trời có lúc đỏ ửng màu máu sau lớp mây mù. Một đại họa chưa từng có ở tiểu bang này.
Dù nó không còn ở đây nữa, tôi vẫn hồi hướng cho con châu chấu sau mỗi lần tụng kinh, như tôi vẫn làm cho con Kiwi, mong cho chúng được sống bình yên ở cõi Phật, luôn tu tập để được giải thoát viên mãn.
Tôi không tính viết xuống câu chuyện (bá vơ) này, muốn giữ nó cho riêng mình, không muốn kể lại (để làm phiền) cho bất cứ ai, kể cả vợ. Nhưng rồi một chuyện xảy ra sáng nay khiến tôi đổi ý. Đó là khi tưới cây chung quanh nhà như mỗi sáng thứ Bảy, tôi khám phá ở bụi cúc bên tường hướng tây có hai con châu chấu nhỏ xíu nhảy ra, có lẽ còn nhỏ hơn con tôi từng thấy lúc ban đầu ở chậu bên tường hướng đông. Chúng là hậu duệ của con châu chấu mà tôi từng kết bạn chăng?
Bên tường hướng tây có nhiều cây xanh, không khô khan với nền xi-măng, nên hai châu chấu con tha hồ tìm bóng mát để trú ngụ trong mấy tuần sắp tới. Lần này tôi không tính kết bạn với hai con mới đến, chỉ làm quen và chào xã giao mỗi khi nhận ra nhau, như tôi đã làm quen với mấy con thú sống chung quanh đây. Chào cô chim buổi sáng. Chào anh cắc kè buổi trưa. Chào ông chồn khù khờ mặt trắng buổi tối.
Tôi kể lại chuyện này vì nhận ra con châu chấu từng sống trong chậu cúc chính là hiện thân của một vị Bồ Tát. Sao vậy? Đầu tôi có bị mát dây không đây? thần kinh hệ đã bị đứt mấy sợi? có vấn đề gì chăng?
Tôi nhớ ra là mỗi lần thăm con châu chấu, tôi cảm nhận được một sự an lành lạ thường, có lẽ xuất phát từ một luồng năng lượng từ bi từ trong tôi đến với nó, và từ nó phản quang lại đến với tôi, giúp cho cả hai chúng tôi được bao bọc trong một môi trường lành, được bảo vệ trong năng lượng từ bi giữa một thế gian đang có quá nhiều điềm hung hiểm, ác độc. Nhắc đến con châu chấu là nhớ đến những câu chuyện lành vẫn có ở thế gian dù nhỏ nhoi, từ xưa đến nay và trong muôn vạn kiếp sắp tới.
Tôi chia sẻ câu chuyện này với lòng từ bi đến với bạn, mong mọi điều lành sẽ đến với bạn. Dù ở nơi đâu hoặc trong hoàn cảnh nào, bạn và tôi đều là những con châu chấu cho nhau, che chở nhau với tâm từ được rải rắc từ trái tim mình đến với muôn phương.
(Tinh Tấn Magazine)
.
Discussion about this post