Dư luận đồng tình
Có thể thấy, sau khi nội dung trên được các báo đăng tải đã được chính nhà báo, dư luận ủng hộ. Nhiều bình luận thể hiện sự đồng tình, hoan hỷ vì sự quả quyết dẹp bỏ lễ hội nhuốm đầy máu tươi như chém lợn, giết trâu… đã diễn ra ở một số địa phương. Đức hiếu sinh – tôn trọng sự sống của mọi loài, ngay cả đối với một cái cây, ngọn cỏ chính là đức tính thể hiện lòng từ, niềm trắc ẩn rất cần được ngợi ca, khơi dậy thì không có lý do gì một lễ hội mang tính cộng đồng, có ảnh hưởng trong quần chúng rộng rãi, gây phản cảm, phản ứng không tốt từ dư luận lại cho tiếp tục tồn tại.
Hoan nghênh quyết định đó chính là ủng hộ cho một lối sống nhân văn với mọi loài, cũng là tránh những hình ảnh bạo lực, máu me bê bết gieo rắc vào tâm trí con người, nhất là những người tham gia trực tiếp. Xưa, thánh hiền dạy, nên tránh cho con ở gần lò mổ, nơi nghĩa trang và chốn chợ búa xô bồ, vì chắc chắn những hạt giống bi thương, thiếu nhân từ, giết chóc, thị phi sẽ “ám” vào “tờ giấy trắng” trẻ thơ, các cháu sẽ lớn lên trong nỗi sợ hãi, trong sự vô cảm, hay cãi cọ hơn thua với ngôn ngữ chợ búa…
Sự tác động từ môi trường sống vào con người, ảnh hưởng trực tiếp tới sự ứng xử, cách sống của con người là có thật, như ông bà mình nói “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Do vậy, những hoạt động văn hóa nếu không đưa tới giá trị nhân văn, khơi lên tình thương yêu và sự cao thượng, ngược lại còn nặng tính sát thương, hơn thua… thì cần chấn chỉnh, loại bỏ ngay, liền lập tức. Đó chính là trả lại bầu không khí trong lành cho sinh hoạt văn hóa-tín ngưỡng, nhất là trong thời hiện đại, con người hướng tới sự tôn trọng giá trị của nhau và của muôn loài xung quanh vì hiểu sự hỗ tương trong cuộc sống cũng như tác động có thật từ những sinh hoạt thành nếp của con người.
Trên thế giới, không những tôn trọng động vật mà nhiều quốc gia còn tôn trọng cây cối. Ví dụ, tại Đức, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc về “Ngày cây xanh”, ngày 25-4-1952 được chọn là “Ngày cây xanh” ở đất nước này. Một hội đồng quốc gia “Cây của năm” được thành lập. Hội đồng này trực thuộc Hiệp hội Cây xanh, họp một năm một lần vào tháng 10 để bình chọn ra một loài cây là biểu tượng cây của năm kế tiếp, cũng như lên kế hoạch các hoạt động trong năm tới theo tiêu chí: “Người vì cây, cây vì người”.
Bắt đầu từ năm 2014, người dân thành phố Melbourne (Úc) có thể viết thư cho cây. Ý tưởng này được tòa thị chính thành phố áp dụng cho hơn 70.000 cây xanh trên các đường phố tại Melbourne. Từng gốc cây được gắn số, có một địa chỉ email để người dân có thể kịp thời thông báo về những biến đổi bất thường của cây trước cửa nhà họ…
Tôn trọng sự sống – nguyên tắc đầu tiên
Trong kinh Tăng chi bộ – chương 4 pháp – phẩm Bánh xe có đoạn: “Bà-la-môn Ujjaya đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi thăm hỏi Thế Tôn và thân hữu thì ngồi xuống một bên. Bà-la-môn Ujjaya bạch Thế Tôn:
– Có phải Tôn giả Gotama không tán thán tế đàn?
– Này Bà-la-môn Ujjaya, Ta không phải không tán thán tất cả loại tế đàn. Các loại tế đàn nào bò bị giết, dê cừu bị giết, gia cầm, heo bị giết, các loài sinh vật khác bị giết hại, loại tế đàn ấy liên hệ đến sát sanh; Ta không tán thán loại tế đàn ấy. Vì sao? Tế đàn có sát sanh như vậy, các A-la-hán và những ai đã đi trên con đường hướng đến A-la-hán, không có đi đến. Tại tế đàn nào trong ấy không có bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gia cầm, heo bị giết, không có các sinh vật khác bị giết, Ta tán thán tế đàn không có sát sanh như vậy, tức là bố thí thường làm từ lâu, tế đàn cầu hạnh phúc cho gia đình. Vì sao? Tế đàn không có sát sanh như vậy, các A-la-hán và những ai đã đi trên con đường hướng đến A-la-hán có đi đến”.
Đoạn kinh ngắn nhưng quả thật rất từ bi mà Đức Phật dạy khi có một vị Bà-la-môn hỏi trên đi ngược lại phong tục, sinh hoạt tín ngưỡng của rất nhiều tôn giáo lúc bấy giờ – thường dùng tế đàn làm cứu cánh, trong đó vật tế là các loài động vật, thậm chí con người. Tuy nhiên, việc không tán thán những đàn tế, sinh hoạt tín ngưỡng gây đau thương cho loài khác có giá trị cho mọi thời đại, vì không thể có một sự thọ mạng dài lâu, may mắn nào có thể bén rễ từ nỗi đau khổ của người khác, loài khác cũng như không thể bắt đầu bằng sự đánh đổi sức khỏe cũng như thọ mạng của loài khác, người khác.
Đó chính là quy luật nhân-quả trong lời dạy mà người con Phật nằm lòng trong cuộc sống hàng ngày để rồi phát nguyện ăn chay, cứu người cứu vật trong những tình huống nguy cấp, phù hợp với khả năng có thể.
Đối với năm nguyên tắc của người học Phật, là Phật tử quy y, hẳn ai cũng phát nguyện giữ gìn, được gọi là năm giới bảo hộ cho chính mình, người thân và loài khác. Nguyên tắc đầu tiên là “không sát sanh”, tức là tôn trọng sự sống của người khác, loài khác, không vì miếng ăn, không vì sân-giận hay bất kỳ lý do nào mà cố giết để thỏa mãn bản thân. Từ đó, lòng từ được nuôi lớn, để ngoài việc dừng giết hại có thể cứu giúp, tương trợ, từng bước xóa hận thù vì vay trả sinh mạng, đồng thời cũng là cách kết duyên lành để “người với người sống để thương nhau”.
Do vậy, có thể thấy, việc thực tập lời Phật dạy, chính là việc sống có ý thức tôn trọng sự sống, ngoài việc trực tiếp không gây ra cảnh chết chóc tang thương thì hành động chung cùng tiếng nói ủng hộ, tán dương những quyết định nhân văn, giúp bảo hộ sự sống của loài khác như trâu, lợn… trong những lễ hội nhân-danh-truyền-thống cứ tồn tại lâu nay, gây nhiều bức xúc, sự phản ứng của công luận cũng chính là một sự nghĩa hiệp với những chúng sinh đau khổ, chịu cảnh chém giết phục vụ cho thiểu số người ham vui, cố chấp, không hiểu những tác động từ sự dã man do mình gây ra và cố duy trì nó.
Kêu gọi chấm dứt lễ hội dã man Tổ chức Động vật châu Á (Animals Asia) vào ngày 27-1-2015 đã phát đi thông điệp kêu gọi cộng đồng cùng ký tên kiến nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành luật chấm dứt lễ hội chém heo tại làng Ném Thượng (xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Lễ hội chém heo này được tổ chức vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm thu hút hàng nghìn người dân xung quanh đến tham dự và chứng kiến cảnh chém lợn hiến tế, sau đó lấy tiền quết máu heo với hy vọng mang đến nhiều may mắn trong năm mới. Tuy nhiên, Tổ chức Động vật châu Á cho rằng đây là hoạt động phản cảm, gây tác động tiêu cực về nhiều mặt, làm ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người chứng kiến và tác động tới ngành du lịch Việt Nam. “Việc chém những con heo còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người chứng kiến và thực hiện nhiều hành động tàn ác với động vật cũng có xu hướng đối xử tàn ác và thô bạo đối với người khác trong cùng cộng đồng” – tổ chức này nêu rõ. Thông điệp cũng giải thích lễ hội chém heo gây ra sự chịu đựng không cần thiết cho động vật vì động vật cũng cảm nhận được sự đau đớn. Vì vậy, liệu việc giết những con vật theo một cách thức dã man để khởi đầu cho một năm mới có nên được tiếp tục cho phép? V.V.T |
Lưu Đình Long (Giác Ngộ)
Discussion about this post