YÊU
KÍNH BẬC SINH THÀNH
Tâm chúng ta thêu dệt tạo tác nên mọi điều, nhiều khi
thật khó lường. Đôi khi nó cất chứa những thông tin vô nghĩa và vứt bỏ những
thông tin hữu ích. Tôi luôn nhắc nhở học trò và bạn bè rằng, đừng lưu lại trong
tâm những điều vô nghĩa, cuộc sống của bạn rất ngắn ngủi, và khả năng ghi nhớ của
tâm bạn cũng rất hữu hạn cho cuộc sống ngắn ngủi này mà thôi. Hãy để dành tâm
mình cho những điều hữu ích, đó là những điều giúp bạn trưởng dưỡng một tâm
thái lạc quan tích cực thay vì những ảnh hưởng tiêu cực khiến tâm bạn điên đảo,
mất cân bằng. Chúng ta không muốn phí phạm từng thời khắc quý báu của mình cho
sự chi phối của cảm xúc, dù là cho niềm vui sướng tột độ hay cho những sân giận
khổ đau, những chi phối này đều làm tiêu tốn thời gian và năng lượng của chúng
ta như nhau. Chúng ta cần luôn giữ trạng thái cân bằng. Nếu ta thấy mình, trong
một lúc nào đó, trở nên hưng phấn quá mức, chúng ta nên tĩnh tâm trở lại. Khi
chúng ta cảm giác sân hận dâng trào, chúng ta nên nhanh chóng làm nguội ngọn lửa
sân đang thiêu đốt tâm mình. Nếu ta cảm thấy chán nản, phiền muộn, ta cần làm
cho mình trở nên phấn chấn, lạc quan hơn. Bằng cách giữ tâm trong trạng thái tỉnh
giác để trọn hưởng cuộc sống thực tại, chúng ta sẽ luôn duy trì cho mình con đường
trung đạo, như vậy chắc chắn chúng ta sẽ không trở nên phóng túng, điên cuồng.
Những đợt sóng thăng trầm của ngoại cảnh sẽ không thể lay động tâm ta, Cuộc sống
sẽ luôn tươi đẹp một cách nhậm vận, tự nhiên.
Vì lẽ đó, chúng ta không nên khuyến khích con cái mình để chúng bị những
xúc tình phiền não chi phối hay làm tăng trưởng bản ngã trong chúng, việc
giáo dưỡng của bậc cha mẹ như chúng ta đối với con cái mình theo cách này là vô
cùng quan trọng. Cứ mỗi khi nghĩ về hàng loạt những vấn đề mà lớp thanh thiếu
niên gây ra cho cha mẹ, gia đình, nhà trường và xã hội ngày nay, tôi luôn cảm
thấy rằng điều đầu tiên chúng ta cần làm là kiểm điểm các bậc phụ huynh. Trẻ em
là tương lai của chúng ta, vì vậy chúng vô cùng quan trọng. Nhưng quan trọng
hơn là các bậc phụ huynh. Bậc làm cha làm mẹ cần chăm sóc dạy dỗ con cái bằng
tình yêu thương và sự quan tâm, chẳng khác gì một người làm vườn cần mẫn chăm
sóc, vun bồi những luống hoa của mình.
Đôi khi, vì làm cha mẹ, có thể chúng ta muốn chiều chuộng con cái bằng
nhiều cách khác nhau, khi đó, bạn nên lùi lại một chút để suy nghĩ cho thấu đáo
về những hậu quả mà việc này sẽ đem lại. Đáng buồn thay, rất nhiều bậc cha mẹ
ngày nay coi con cái như những vật phẩm để phô trương với người khác. Rốt cục,
những đứa con như vậy sẽ lớn lên với rất nhiều vấn đề về bản ngã. Cha mẹ có
trách nhiệm rất lớn, không chỉ là lo liệu một cuộc sống vật chất để nuôi nấng
con cái, mà cha mẹ còn cần nỗ lực dành rất nhiều công sức và tâm sức để đảm bảo
con cái mình khôn lớn thành người. Chăm sóc, dạy dỗ con cái thực sự không phải
là công việc của người giúp việc.
Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã được đem về nuôi dưỡng trong tự viện. Không
giống như hầu hết các bạn, vì vai trò mà tôi nắm giữ, tôi đã không có những cơ
hội quý báu để được hưởng sự chăm sóc, dưỡng dục của thân mẫu tôi. Thân mẫu tôi
cũng vô cùng bận rộn vì người luôn phải đi cùng và trợ giúp cho thân phụ tôi
trong những hoạt động Phật sự, hoạt động tâm linh phát triển rộng khắp và đạt
được rất nhiều thành tựu của người. Bất cứ khi nào có cơ hội ở bên cạnh tôi,
thân mẫu luôn cho tôi thấy một hình ảnh mẫu mực. Người không nói nhiều, người dạy
tôi qua hành động thiết thực. Tôi nhận thấy các bậc cha mẹ ngày nay rầy la,
trách móc con cái quá nhiều, và con cái thường trở nên quá mệt mỏi khi nghe cha
mẹ mắng mỏ, để giải tỏa việc này, chúng lại đi tìm những nơi khác và chú tâm
vào những việc khác. Vì vậy, thay vì la mắng, cha mẹ phải tìm cách hiểu con
cái và làm gương cho con. Nếu như cha mẹ luôn luôn thái quá, luôn to tiếng, và
luôn để cho xúc tình phiền não chi phối mình, con cái họ sẽ theo gương này và
trở nên giống cha mẹ một cách tự nhiên, vô thức. Đợi đến sau này, khi những đứa
trẻ đã trở thành một vấn đề đau đầu và nhức nhối, khi đó cha mẹ lại đổ lỗi cho
nhà trường, cho xã hội, cho người giúp việc, thậm chí cho tất cả mọi người. Bởi
vậy, bậc làm cha mẹ cần luôn luôn tỉnh giác, vì con cái họ sẽ luôn bắt chước những
thói quen của cha mẹ mình, dù cha mẹ không hề hay biết việc này.
Là con, chúng ta phải thường xuyên nhắc nhở mình về bao nhiêu ân đức mà
cha mẹ dành cho mình. Hẳn bạn còn nhớ ai đã ẵm bồng khi bạn khóc, khi bạn đói,
vấp ngã, hay bị đau? Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là vô điều kiện, đôi
khi, cha mẹ bày tỏ tình cảm đó đối với con cái có hơi khác lạ, tuy nhiên, hầu hết
thời gian, chúng ta luôn được lớn lên trong tình yêu thương và sự chăm sóc nâng
niu của cha mẹ. Lẽ dĩ nhiên, cũng có những bậc cha mẹ vô trách nhiệm hoặc lạm dụng
con cái mình. Nhưng hầu hết cha mẹ đều dành tình yêu thương, ân cần cho con
cái, dù tình yêu thương đó có sáng suốt hay không, điều đó không thành vấn đề,
điều thực sự quan trọng là cha mẹ yêu thương chúng ta vô điều kiện, vậy nhưng hầu
hết chúng ta, những đứa con, lại yêu kính cha mẹ với rất nhiều điều kiện.
Khi chúng ta già đi mỗi ngày, chúng ta phải nhớ rằng cha mẹ mình cũng
ngày một có tuổi, ngày thêm già yếu. Thời gian mà ta có với cha mẹ mình chỉ có
hạn, bởi vậy nên bất cứ khi nào có thời gian ở bên cạnh cha mẹ, ta hãy làm cho
họ hoan hỷ, hạnh phúc, hãy khiến cho họ mỉm cười. Không có công đức nào sánh với
công đức của việc đáp đền ân nghĩa của mẹ cha, đặc biệt là với mẹ ta. Chúng ta
thường cầu nguyện câu “hết thảy chúng sinh mẹ”. Điều này có nghĩa là, trong vô
vàn kiếp đời quá khứ, chúng ta đã nhận vô vàn chúng sinh là mẹ mình, một vài
trong số đó, vào kiếp đời này, có thể là bạn ta, là vật nuôi của ta, là đối tác
kinh doanh, thậm chí có thể là kẻ thù. Khi bạn quán chiếu một cách sâu sắc, nếu
bạn có thể nhớ được rằng, trong đời này mẹ đã yêu thương chăm lo cho mình như
thế nào, thì trong mỗi kiếp đời quá khứ, những chúng sinh mẹ đó cũng yêu thương
quan tâm đến bạn chừng ấy. Khi bạn có suy nghĩ và hiểu biết như vậy, bạn sẽ
không thể làm hại bất cứ ai, bạn sẽ không thể nghĩ đến việc ăn thịt bất cứ
chúng sinh nào, bạn sẽ không thể nghĩ đến việc lạm dụng, ngược đãi bất cứ chúng
sinh nào, bởi vì tất cả mọi chúng sinh đều là “chúng sinh mẹ”.
Hôm nay là Ngày của Mẹ. Tôi biết rất nhiều
học trò và bạn bè của mình đang hướng tình yêu thương và lòng kính trọng tới mẹ
– đấng sinh thành ra mình. Đó cũng là lý do tại sao tất cả chương trình quảng
cáo tivi, tất cả những biển hiệu đều đang nhắc ta mua quà cho mẹ. Đây chỉ là một
chiêu trong thương mại. Điều chúng ta cần làm là biến tất cả mọi ngày đều trở
thành Ngày của Mẹ, và luôn nhắc nhở bản thân rằng tất cả mọi chúng sinh trong một
kiếp nào đó đều đã là mẹ mình. Chúng ta hãy nghĩ về tình mẹ, về công ơn và ân đức
của mẹ. Chúng ta hãy trân trọng và tri ân tình cảm và ân đức của tất cả những
ai đã là mẹ ta trong vô lượng kiếp. Đây chính là bài thực hành tâm linh và thực
hành Bồ tát đạo đối với mỗi chúng ta. Xin được gửi lời chúc nguyện nhân dịp
lễ này để mỗi ngày đều là Ngày của Mẹ!
Nguồn:
Loving Our Parents, www.drukpa.org
Discussion about this post