XÂU CHUỖI BẤT NGỜ
Nguyễn Xuân Chiến
NHữNG NGÔI CHÙA THẦM LẶNG
Khi thằng Tân và tôi bước vô nhà, thì mạ nôn nóng bước vội ra ngang ngạch cửa, hỏi:
– Thằng Long có quen con bé mô tên là Minh Huyền không?
Tân vội trả lời thay:
– Dạ, thưa có ạ!
Tôi ngẩn người:
– Mà chuyện chi rứa mạ?
– Như ri nì: Hồi chiều mạ đang sàng gạo bên hiên thì có tiếng ai hỏi lao xao ngoài xóm: Đây có phải nhà anh Long không? Mạ liền ba chân bốn cẳng chạy ra: Cô hỏi thằng Long con tui có chuyện chi không? Hắn đi cứu trợ trên Bình Điền chắc tối mới về.
Cô ta nói rằng: Thưa bác, đây là cuốn sách con mang tới cho anh Long mượn. Gởi bác cất giùm rồi đưa lại cho anh. Con là Minh Huyền. Thôi, kính chào bác!
– Con bé trông có vẻ đàng hoàng, dễ thương, nói năng lịch sự. Bạn gái của thằng Long phải không?
– Bậy nà. Hắn học cùng lớp với con và thằng Tân.
Tân nói:
– Tại răng hắn cho mi mượn sách?
– Như ri nì: Hôm ấy, gặp nhau ở sân trường, tau nói, Chà, bây giờ nhiều cuốn sách rất khó kiếm, muốn đọc cũng đành bó tay!
Cô Minh Huyền hỏi:
– Anh cần những sách chi, em sẽ tìm cho anh.
Mình nói:
– Những cuốn sách xuất bản trước 1975. nên rất khó tìm.
Cô ta bảo:
– Nhà em có tủ sách của ông anh để lại, hầu như sách chi cũng có, thiệt mà!
– Rứa thì cô cho tui mượn cuốn “Câu chuyện dòng sông”. Tác giả Hermann Hesse, do Phùng Khánh dịch. Được chứ?
Tưởng nói chơi cho vui, té cô ta thân hành đem tới tận nhà để cho mình mượn nữa chứ.
– Chắc cô ta thích mi rồi. Mới chịu khó đến như vậy!
Tôi nạt thằng Tân:
– Bậy nà!
– Lâu ni, tau thấy hắn ưa lại gần tụi mình với mục đích là nói chuyện với mi thôi. Tụi mình đứng trong sân thì hắn lân la tới. Tụi mình ra căn-tin thì hắn cũng giả bộ uống nước rồi cũng tiến tới hỏi cái này cái kia vân vân… Bộ mi tưởng tau không biết hả?
Tôi cự lại thằng Tân:
– Đoán mò, chẳng ra cái thể thống gì cả. Này, ông tướng, mi có biết tau mượn cuốn sách đó để mần chi không? Cuốn sách ấy hay tuyệt, tác giả đoạt Nobel năm 1949, tau đọc lâu rồi, từ hồi tụi mình chưa đi chùa, nhưng dạo nớ tau đọc mà chẳng thú vị và cảm xúc chi hết. Bây giờ phải xem lại vì trình độ Phật học của bọn mình đã tăng tiến hơn xưa! Nhất là để cho mi đọc và xem thử mi có lớn lên chút mô không?
– Này Long à! Tau sợ không có thì giờ?
– Tại mi chẳng mê sách chi lắm. Tau lỡ mê đọc sách rồi, dù quá bận bất cứ việc gì, thì buộc phải chong đèn thâu đêm suốt sáng mà “chiến đấu”. Ăn thua chi?
Và như thế, hai đứa bọn chúng tôi đọc xong cuốn này, vừa trả sách thì được mượn ngay liền một cuốn khác. Cuốn nào thằng Tân cũng ca ngợi là “siêu tuyệt” “hết chê” “trứ danh”… Trình độ thưởng thức và tư tưởng chúng tôi không biết có tiến bộ gì chăng, nhưng chắc chắn một điều rằng, độ thân mật giữa tôi và Minh Huyền càng ngày càng gắn bó!
Sau này tôi mới ngã ngửa ra, con gái có cách rất riêng để chinh phục con trai mà con trai không hề đoán được – khi con trai biết được bài bản và đoán ra đường đi nước bước của đối phương thì đối phương đã chễm chệ trong ngôi nhà của Ba Mạ mình!
Trường hợp những người dại gái như tôi, cũng như rứa – dù tôi có quân sư quạt mo rốt cuộc chẳng ăn nhằm chi! Phụ nữ vốn có những thủ thuật vô cùng cao cường.
Sau khi cho mượn gần một chục cuốn sách, thì Minh Huyền tiến đến chỗ thân tình. Một điều tức cười là, tôi vẫn là thằng cà ngơ cà ngáo khi đứng trước mặt Minh Huyền và chẳng biết nói năng chi nhiều. Nàng hỏi thì mình trả lời, nàng im lặng thì mình cũng như người câm điếc. Có lẽ thái độ lừng khừng ấy khiến nàng phải sáng tạo cách thức tiếp cận tôi sao cho có vẻ tự nhiên và hiệu quả cấp kỳ.
Minh Huyền bèn dẫn tôi đi khắp các chùa. Chùa mô? Xứ Huế có hàng trăm ngôi chùa, mà cô ta chỉ đưa tôi đến những chùa âm thầm, nghèo nàn, ít ai biết, nhưng có những chuyện truyền kỳ rất đặc biệt. Lỡ nghe qua thì dẫu muốn quên không quên nổi.
Như chùa Kim Sơn ở cách thành phố chừng sáu bảy cây số, đâu xa xôi gì. Theo những người dân quanh vùng, hồi giặc Tây trở lại với bọn lính Lê-dương hung tàn, lùng sục khắp nơi và sẵn sàng bắn bỏ những ai tình nghi yêu nước. Khi bọn Tây ngang qua làng Lựu Bảo, rà soát chùa Kim Sơn, tìm ra được một lá cờ Phật giáo, liền hỏi Ngài trụ trì Trí Uyên rằng: Lá cờ này là của ai? Ngài Trí Uyên như thật trả lời: “Của tôi, bởi vì tôi là người Phật tử”. Tức khắc, tên đầu sỏ chẳng thèm nói một câu, liền rút súng lục ra, bắn một phát xuyên màng tang qua thấu bên kia đầu, rồi dẫn bầy bộ hạ đi khỏi chùa. Các dân làng Lựu Bảo khóc ròng, vội đào huyệt, phủ lá cờ Phật giáo và chôn Ngài ngay trước sân chùa. Mấy mươi năm sau, giáo hội Phật giáo xây tháp nhỏ để kỷ niệm một người con Phật đã xả thân vì đạo pháp.
Như chùa Pháp Hải. Xưa, của Ngài Thích Đức Tâm. Ngài cực lực tranh đấu và phục vụ chúng sanh qua nhiều công tác giáo dục và văn hóa. Mới 60 tuổi, ngài mắc bệnh nặng, biết chắc chắc qua khỏi, nhưng trước khi từ giã trần thế, Ngài tay trái cầm xâu chuỗi hột, tay phải nắm lá cờ Phật giáo và ngẩng đầu ngước mặt lên bàn thơ đức Phật lớn tiếng phát nguyện rằng: “Con nguyện cho Phật giáo vượt qua được những tai ách, để trường tồn vĩnh kiếp. Lại nguyện rằng, trong muôn triệu kiếp lai sanh, luôn luôn chỉ sống và chết cho chánh đạo, không bao giờ lùi bước trước mọi nguy biến của kiếp người. Nam mô A di đà Phật…”. Rồi Ngài tiếp tục niệm Phật thanh thản ra đi.
Như chùa Đức Sơn của ni sư Minh Tú. Trọn một cuộc đời xả thân vì hạnh phúc của dân nghèo, của trẻ mồ côi, những người bị xã hội quên lãng, những đứa trẻ bị cha mẹ ruồng bỏ bất đắc dĩ…, mà không màng đến lợi ích bản thân. Thực hiện lòng thương yêu vô bờ bến của người con Phật, nêu cao lý tưởng giải thoát và cứu độ chúng sanh của một người xuất gia dù mang thân nữ. Biết bao đấng trượng phu cũng phải nghiêng mình cảm phục, trong dó có tôi.
Còn nữa, gần đây nhất, Minh Huyền dẫn tôi ghé một ngôi chùa nhỏ bé, gần như vô danh bởi vì ít kẻ lai vãng: Chùa An Hòa ẩn khuất bên cạnh thành phố Huế. Vị trụ trì tiền nhiệm là bác Nguyễn Dương. Dù đóng vai người cư sĩ nhưng bác Nguyễn Dương xả bỏ mọi ràng buộc gia đình mà nhiệt tình đóng góp rất nhiều cho chúng sanh vả cả cho Phật giáo. Trước khi mất, bác Nguyễn Dương nói với những người xung quanh rằng: “Tôi nguyện kiếp sau và cả muôn ngàn kiếp, đời đời chỉ biết làm người Phật tử, luôn luôn phục vụ chúng sanh và giáo hội Phật giáo không mệt mỏi. Nam mô A di đà Phật… ”
Còn nhiều lắm. Cứ mỗi lần ghé thăm chỉ một chùa thôi, lòng tôi cũng vô cùng rúng động, đau đớn mà hạnh phúc giữa những tấm gương uy dũng và bất khuất của những người con Phật.
Nhờ vào việc đi thăm các ngôi chùa thầm lặng, mà chuyện tình cảm giữa Nàng và tôi có nhích lên được vài phân.
HAI XÂU CHỖI HỘT
Hơn nữa, nàng vui vẻ đi theo hai thằng tui mà tụng kinh Pháp Hoa mỗi sáng chủ nhật, rồi sinh hoạt trong nhóm niệm Phật do Chú Quang hướng dẫn. Thật ra, Chú Quang không bao giờ tổ chức bất cứ một cái nhóm nào, bọn thanh niên chúng tôi thấy Chú Quang một mình đi các chùa niệm Phật thế là rủ nhau đi theo. Ai cảm thấy thích thú với pháp môn trì danh thì cứ sử dụng xe đạp, cùng chúng tôi ghé các chùa xa xôi, ít người thăm viếng để xin phép được niệm Phật. Rứa thôi.
Tôi chỉ nghĩ rằng, mình đang thực hiện công việc hoằng pháp cho một chúng sanh tên là Lưu Thị Minh Huyền mà thôi. Đối tượng là ai, nam hay nữ, giàu hay nghèo – mình không cần biết, chỉ biết rằng, nàng đã đến chùa, tụng kinh Pháp Hoa và niệm Phật là mình phơi phới buồng tim lá phổi, hả hê tấc ruột rồi.
Một hôm nàng dắt tôi lên phòng kinh sách chùa Từ Đàm mua hai xâu chuỗi hột. Tôi ngạc nhiên:
– Làm chi mà em mua tới hai xâu chuỗi?
– Một cái cho anh và một cái cho em!
Tôi gần giống như Từ Hải, chợt chết đứng giữa sân chùa. Nghèn nghẹn. Nín lặng. Tim đập phình phịch. Tôi cà lăm cà cặp:
– A… di… đà Phật! Cảm ơn… !
Minh Huyền bình tĩnh, nói nhỏ:
– Em nguyện sống chết cho chí nguyện của anh!
Câu nói ấy còn nặng ký hơn cả câu “Em yêu anh” hàng trăm triệu lần. Con trai thường cảm động như thế, huống là một thằng người như tôi! Vô cùng ngạc nhiên, tôi trang trọng hỏi:
– Răng mà cô Minh Huyền biết đặng chí nguyện của tui?
– À, em nghe từ Chú Quang. Lần nào tụng kinh Pháp Hoa xong, Chú Quang cũng tác bạch trước đức Phật và các vị thượng tọa ngay trước điện Phật lời nguyện như rứa. Rồi thỉnh thoảng gặp anh Tân, cũng kể nhiều về những buổi phát nguyện của Chú Quang và cả nhóm anh, tại chùa của ông thầy mù. Em ghi nhớ và thuộc nằm lòng. Anh không tin thì em đọc cho anh nghe: “Đệ tử chúng con, xin đối trước mười phương Tam Bảo, thề nguyện rằng: Từ giờ phút này trở đi, đời đời kiếp kiếp, xin xả bỏ tánh mạng, tài sản và cả danh dự của mình để chấn hưng Phật Pháp. Quyết đem tất cả chúng sanh về với suối nguồn trí tuệ và tình yêu thương, làm cho ngọn đèn chánh pháp càng ngày càng tỏ rạng, quyết không để lu mờ…” Phải như vậy không?
Tôi bật ngữa. Biết nói chi đây! Hỡi Minh Huyền ơi! Em chính là nàng tiên thượng giới đã xuống đây để sánh đôi với tôi trên con đường hoằng pháp vô cùng khó nhọc và không có điểm dừng này.
Đường về nhà nàng cầu mong thật xa, xa lắc xa lơ, để hai chúng tôi mãi mãi cùng nhau đi hoài đi hủy cho đến vô tận.
Mà té ra, từ Huế về làng Kim Luông đâu đó chừng… hai cây số thôi!
* * *
ĐI CHÙA ĐẦU NĂM MỚI
Bữa mô đó, thằng Tân la oang oang trước cửa:
– Nè, tau biết nhà cô Minh Huyền rồi. Tài ghê chưa?
Đang làm bếp, Mạ nghe được “chuyện lạ bốn phương”, bèn bỏ cả soong đậu khuôn đang chiên, lên nhà trên vui vẻ bắt chuyện:
– Răng mà Tân ghé tới nhà Minh Huyền làm chi rứa?
– Dạ. Bữa qua, con đến nhà Minh Huyền để trả sách, và gặp Minh Huyền đang ngồi bên giếng giặt áo quần. Cô ta dẫn vào nhà chào ba mẹ. Khi đi ngang căn giữa, xem nơi thờ tự của gia đình như thế nào. Con thấy một cái ti-vi 20 inches ngồi chồm hổm trên chiếc bàn lớn ngay tại căn giữa. Cô Minh Huyền có vẻ mắc cỡ:
– Nhà em không có tôn giáo chi hết. Ba mẹ em chỉ lo làm ăn, nuôi con và chưa chấp nhận một đạo nào cả.
Mạ tò mò hỏi:
– Cậu Tân thấy ba mẹ hắn ra sao?
– Dạ, cũng khá giả, và đàng hoàng, có vẻ gia đình văn hóa, vậy thôi!
Tôi chen vào:
– Mạ thiệt là… chi lạ! Con với người ta đã đâu vào đâu, mà mạ đã quá lo xa như rứa?
* * *
Mùa xuân và tết năm ấy.
Những người hành trì tụng kinh Pháp Hoa và niệm Phật thì đón tết và vui xuân như thế nào?
Đầu năm mới, chúng tôi qua chùa Phú Lâu để niệm Phật dĩ nhiên Minh Huyền cũng tham dự với tư cách bạn của bọn tôi. Đầu năm, chúng tôi đến chùa không phải cầu xin đức Phật giúp mua may bán đắt, hoặc thân thể khỏe mạnh, gia đình thịnh vượng. Cũng cầu nhưng không bao giờ xin. Cầu chi? Cầu sao cho bồ đề tâm dõng mãnh, kiên trì để vượt qua mọi thử thách trên đường tu. Cầu cho lý tưởng giải thoát và chí nguyện độ sanh được sớm hoàn mãn, nghĩa là vài muôn triệu kiếp sẽ thành tựu!
Chúng tôi lễ Phật và cúng dường Tam Bảo xong, ngồi quây quần ở nhà ngang, cùng Chú Quang chuyện trò thân mật. Minh Huyền cũng biết giữ kẽ, ngồi về phía các bạn nữ. Chú Quang rót nước đun sôi để nguội mời khách trẻ tuổi:
– Đây mới thật là rượu hảo hạng của người tu Phật.
Anh Hưng, người lớn tuổi nhất, cười:
– Chúng ta cũng như các bậc tu hành thuở trước, lấy nước lã làm rượu!
– Đầu năm mới, không lẽ qua chùa Phú Lâu thăm Chú Quang mà chẳng có quà nào trao tặng các anh chị em thì… cũng kỳ kỳ. Tôi xin kể câu chuyện này, xem như món quà năm mới, với đề tài: Thiền sư uống rượu.
Anh Hưng và cả bọn chưa chi đã tán thán nhiệt liệt:
– Chắc là hấp dẫn. Thiền sư mà uống rượu có lẽ là đệ tử của Tế Điên tăng thì phải?
THIỀN Sư UỐNG RưỢU
Chú Quang không trả lời, bắt đầu kể:
– Nghe rằng: Thiền sư Khánh Huy và thiền sư Công Phúc cùng tu ở núi Sơn Đầu đã hai mươi mấy năm. Cả hai đều là đệ tử của Mã Tổ.
Trước khi xuất gia, hai vị thiền sư này là hai vị đại tướng của triều đại nhà Đường, dòng dõi Uất Trì, (hậu duệ của Ngài Pháp sư Khuy Cơ), nổi tiếng dũng cảm hơn người và lập nhiều công trạng oanh liệt. Mười sáu tuổi đã gia nhập đội Hổ Bôn của hoàng đế Đại Đường, từng xả thân vì triều đình dẹp loạn. Về sau, hơn ba mươi tuổi, nhân nghe ngài Mã Tổ giảng kinh Duy Ma, thâm ý tỏ ngộ bèn xin vua cho phép xuất gia. Thường trụ trì Sơn Đầu Am, khuya sớm hành trì công khóa rất nghiêm ngặt, cầu mong giác ngộ trong hiện đời. Ngoài việc tham cứu công án, hai vị thiền sư này còn chuyên trì tụng kinh Pháp Hoa nữa, đến nỗi họ thuộc lòng nên chẳng cần cuốn kinh. Mỗi lần trì tụng, thì hai vị cứ luân phiên nhau tụng từng câu nối tiếp nhau cho đến khi chấm dứt. Có lẽ hai vị thiền sư này là truyền nhân của Ngài Pháp Đạt, đệ tử của tổ sư Huệ Năng ngày xưa.
Nhưng, việc tu hành có vẻ chuyển biến rất chậm, dường như không có tiến bộ bao nhiêu. Đôi lúc, hai vị cảm thấy phiền muộn vô cùng nhưng không biết làm sao?
Thiền sư Khánh Huy và thiền sư Công Phúc cùng có một cố tật rất lớn: đó là uống rượu. Ngày xưa, hễ cất quân đi dẹp giặc thì đương nhiên trước khi xuất quân, các vị đại tướng uống từng vò rượu, vừa tăng nhuệ khí vừa tỏ oai phong của người cầm quân dũng cảm. Khi xuất gia, biết giới luật nhà Phật là cấm ngặt việc uống rượu, nên hai vị thiền sư phải tuân thủ bằng cách không hề để cho một giọt dính môi một lần nào! Nhưng, lòng cũng tiếc nhớ! Đôi khi, ngủ không ngon giấc chỉ vì mộng thấy trăm nghìn vò rượu nhởn nhơ bay giữa trời! Mà không biết làm sao!
Hai vị thiền sư nỗ lực giữ giới, thường xuyên hành trì – tham thiền và thọ tri kinh Pháp Hoa – nhưng thói quen từ thuở xa xưa ấy vẫn còn ám ảnh chưa dứt.
Hôm nọ, hai vị thiền sư này rủ nhau đi hành cước, vừa làm du tăng đi khắp các núi non, chùa chiền, am cốc để vấn đạo, vừa lãng du lấy phong cảnh thiên nhiên cốt khuây khỏa nỗi niềm.
Thế là họ ra đi. Ngày đi, đêm nghỉ. Tá túc ở chùa hoặc nhà dân chúng, đôi khi quấn chăn mền và qua đêm tại gốc cây.
Cho đến nửa năm sau. Hai vị thiền sư vẫn còn đi trên đường.
Một hôm, họ nghe nói trên núi Kiến Nhiễu gần đâu đó, có một vị thiền sư hình như đã chứng ngộ, rất phóng khoáng, thường không chịu gò bó, câu thúc bởi những giới luật lẻ tẻ, vụn vặt. Thiền sư Khánh Huy và thiền sư Công Phúc liền có ý định tham bái, kết duyên.
Sau mấy ngày lội bộ, họ đã tới chùa. Thiền sư núi Kiến Nhiễu đón hai vị du tăng này rất trọng hậu.
Sau khi viếng các cảnh quan tuyệt diệu, u nhàn của ngôi đại tự nổi tiếng này, thiền sư Công Phúc vui miệng hỏi:
– A di đà Phật. Ở đây, huynh trưởng có bao giờ dùng rượu không?
Thiền sư núi Kiến Nhiễu gật đầu:
– A di đà Phật. Có chút ít thôi! Nếu gặp tri âm tri kỷ thì… Ha ha… Luôn tiện, ông sư quê mùa này kính mới quý đồng đạo dùng thứ rượu mới này, xem sao?
Thế là các chú sa-di thị giả vội vàng ra đằng sau lấy rượu, bày tiệc chay, dĩ nhiên.
Giây lát, chủ và khách đã sẵn sàng.
Thị giả dâng một bình bằng đất nung, chứa đầy rượu.
Sư núi Kiến Nhiễu rót rượu.
Hương vị lạ lùng. Hai vị thiền sư Công Phúc lẫn Khánh Huy vừa mới ngửi qua đã cảm nhận mùi hương của trăm ngàn loại hoa đang phảng phất đâu đây. Vị cam, táo, bồ đào, trộn lẫn nhau, đằm thắm biết mấy…
– Mời! Uống rượu ngon cốt ở chỗ gặp bạn hiền. Ngàn chung còn ít. Người xưa nói rất hay.
Cả ba người bắt đầu. Những câu chuyện thiền. Những kỳ tích của những người chứng ngộ. Những tấm gương sáng của chư tổ, chư hiền.
Cuộc vui tiếp tục như niềm vui giải thoát vẫn tuôn chảy lách tách. Rượu vẫn rót đều. Chú sa-di thị giả thỉnh thoảng chạy ra sau núi để lấy thêm rượu.
Khách vui mà chủ cũng vui.
…
Đến khi tối mịt thì khách và chủ đều đã say mèm. Thị giả đưa vào hậu liêu, thắp ngọn đèn bạch lạp rồi lui ra.
…
Đêm ngắn qua mau.
Đúng canh tư, mọi người quen thói quen làm tu sỹ nên bỗng dưng thức dậy.
Hai vị thiền sư núi Sơn Đầu ngạc nhiên vì mình nằm trong thạch thất vắng lặng. Tiếng kêu của côn trùng miền núi lạnh, tiếng chim chích mừng nắng sắp lên… khiến họ vỡ òa những niềm vui lạ lẫm, kỳ diệu như thưởng thức một bài kinh mới. Họ ngồi kiết-dà theo thông lệ tham thiền. Rồi một người tụng đoạn Pháp Hoa, người kia tiếp tục đọc đoạn tiếp theo nối nhau.
Thoáng chốc, trời đã tờ mờ sáng.
Thiền sư núi Kiến Nhiễu mời hai vị khách cùng ra sau núi để dùng điểm tâm.
Một chiếc bàn đá và mấy cái ghế đá được dựng bên cạnh khe nước róc rách. Cảnh quan có vẻ u trầm, tịch liêu.
Sau những lời khách sáo theo lệ thường, thiền sư Công Phúc hỏi:
– A di đà Phật. Từ ngày rời bỏ quan nha quân tướng đã hơn ba mươi năm, Bữa nay tôi mới có dịp nếm mùi rượu ngon!
Thiền sư Kiến Nhiễu gật đầu:
– A di đà Phật. Thật là vạn hạnh cho chốn quê mùa này.
– Đại huynh đãi bọn tiểu đệ thứ rượu gì mà có vẻ đặc biệt thế?
Thiền sư núi Kiến Nhiễu dường như lãng tránh câu trả lời, vội quay sang chú sa-di thị giả nói:
– Các chú lo dọn dẹp chùa chiền, sắp đón khách thập phương nhân lễ Vía Đức A Di Đà rồi!
…
Và mãi khi hai vị thiền sư núi Sơn Đầu gạn hỏi nhiều lần, thiền sư Kiến Nhiễu mới gật gù:
– Chẳng có gì để giấu hai vị, thứ rượu đặc biệt dùng để đãi khách, thật ra, chỉ là nước tự nhiên của khe núi đằng sau lưng hai vị!
Đây, chúng tôi giữ “giới cấm rượu” rất nghiêm. Làm gì có thứ rượu “đắng cay” của thế gian xen vào chốn giải thoát này!
* * *
CÔNG ĐứC TRÌ TỤNG KINH PHÁP HOA
Hết chuyện. Các anh em nghe được không? Thâm nhập được không? Có ai bình luận thế nào?
Mọi người im lặng. Tuyệt nhiên không ai nói năng chi, chỉ nghe tiếng lao xao, tiếng còi xe ngoài đường vọng vào.
Một lát sau.
Tôi định nêu lên ý kiến của mình nhưng phải nhường cho bậc huynh trưởng là anh Huy. Anh Huy ậm à một lát, rồi nói:
– Thưa Chú, theo kiến giải của con, thì vị thiền sư núi Kiến Nhiễu đã sử dụng thần thông, hoặc công phu tu hành của mình, biến nước suối sau chùa thành rượu ngon để đãi khách. Phải rứa chăng, thưa Chú?
Chú Quang:
– Còn cậu Long, nghĩ sao cho anh chị em biết với?
– Từ đầu câu chuyện, khi giới thiệu hai vị thiền sư, cho chúng ta biết hai vị ấy đã thọ trì kinh Pháp Hoa miên mật như thế nào. Tụng kinh đến chỗ thuộc lòng ắt là phải chuyên tâm nhất ý mới thành tựu như thế. Và cái quả bất khả tư nghị phải xảy ra, mà không tự biết. Khi uống nước suối của núi Kiến Nhiễu, vô tình các công đức nơi lưỡi xuất hiện khiến họ dù uống nước suối hoặc cái chi chi cũng hóa ra vị cam lồ, như kinh Pháp Hoa đã nói. Phải rứa không? Thưa Chú?
Chú Quang vừa nghe tôi nói vừa gật đầu:
– Đúng là kiến giải sơ khởi của cậu Long. Được lắm. Để Chú nói lại ý của Long cho mọi người rõ.
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Pháp Sư Công Đức, có đoạn nói:
Lại nữa Thường-Tinh-Tấn! Nếu có thiện-nam-tử, cùng thiện-nữ-nhơn thọ trì kinh này, hoặc đọc, hoặc tụng, hoặc giải nói, hoặc biên chép, được một nghìn hai trăm công đức của Lưỡi. Cho nên những món hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc ngon, hoặc dở và các vật đắng chát, ở trên lưỡi của người đó, đềubiến thành vị ngon như vị cam-lồ trên trời không món nào là chẳng ngon.
Người đó lưỡi thanh tịnh
Trọn không thọ vị xấu
Người đó ăn uống chi
Đều biến thành cam-lồ.
Trở lại câu chuyện này, chúng ta thấy hai vị thiền sư chuyên thọ trì kinh Pháp Hoa rất lâu, nhưng không bao giờ để ý cái kết quả về tai, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý căn. Không ngờ, phải đến núi Kiến Nhiễu nhờ uống nước suối bỗng hóa thành ngon ngọt, thơm lựng, dìu dịu… mới hay mình thọ trì kinh Pháp Hoa đã đến chỗ huyền diệu. Các công đức của kinh được hiển lộ.
Nói thiệt cùng quý vị, trên con đường tìm cầu Chân lý Như Thật Đạo, Chú Quang đây chính là một kẻ sơ cơ. Vì trọng trách, phải đứng ra hướng dẫn quần chúng, nhưng xét về Phật học, vẫn còn thô lậu, yếu kém.
Câu chuyện này được truyền khẩu trong giới nhà Thiền. Hồi xưa, những lúc hầu trà cho các vị tôn túc, ngẫu nhiên nghe lóm được. Quý vị cứ giữ câu chuyện này trong trí nhớ, sau ni có cơ duyên hội ngộ các bậc cao minh, rồi sẽ đem ra tham vấn. Chắc chắn sẽ được giải minh, và thu được nhiều lợi ích. Nam mô A di đà Phật…
Cô Minh Huyền than thở:
– Con kém phước, bị sinh ra trong một gia đình không có đạo Phật, may nhờ anh Tân và anh Long mới tập tễnh làm quen Phật giáo nhưng rất muộn. Con thấy đạo Phật quá cao siêu, càng tìm hiểu càng đụng phải những vấn đề khó giải. Vậy, thưa Chú, con nên làm chi bây giờ?
Chú Quang đã đến “phút nói thật”:
– Ngoài nhiệm vụ tổ chức tụng kinh Pháp Hoa và khuyên người khác niệm Phật, thì… tui cũng như cô thôi. Chúng ta cùng học và cùng hành trì với nhau – làm Đồng Hành Thiện Tri Thức cho nhau. Bởi vì tui lớn tuổi hơn, các anh chị em gọi bằng Chú, Chú Quang. Rứa thôi!
NHÀ Sư VÀ BỆNH NGÃ CHẤP
Nghỉ một chút. Nhắp lã nước một chút, rồi Chú Quang trở nên hoan hỷ, nói:
– Đầu năm mới, mà thảo luận về kinh Pháp Hoa thì chẳng vui vẻ chi. Có thể hơi nhức đầu. Tui sẽ kể một câu chuyện khá vui về nhà Thiền, để giải tỏa căng thẳng.
Một nhà sư trụ trì ngôi chùa nọ thường có những biểu hiện nóng nảy, ích kỷ, keo bẩn. Bị thiên hạ phê phán bằng những lời lẽ chẳng mấy tốt đẹp nên sư cũng tỏ ra khá buồn phiền cho bản thân. Nhưng vốn là một người từng lập chí tu hành vững chắc, nên sư luôn luôn tự quán xét, biết mình mang đại bệnh “chấp ngã” rất nặng và quyết tâm trừ bỏ cho kỳ được mới thôi.
Hôm nọ, sư gọi chú tiểu hầu cận duy nhất trong chùa tới, bảo:
– Bắt đầu từ hôm nay, thầy nhập thất một thời hạn khoảng ba năm để tu tập, cốt để trừ diệt cái bệnh Ngã Chấp của thầy. Con chăm sóc ngày hai bữa ăn cho thầy và ráng trông nom mọi việc trong chùa để thầy yên tâm ẩn tu nhé?
Người đệ tử cúi đầu lãnh ý.
Sau ba năm miệt mài tu tập (theo phương pháp nào không rõ), hôm nọ sư vô cùng hân hoan mở cánh cửa thất, cười:
– Ta thành công rồi. Sau thời gian dày công tu tập vô cùng miên mật, bây giờ ta đã dứt trừ được cái Ngã Chấp rồi. Bất cứ điều gì xảy ra cũng không còn làm ta động tâm được! Con hãy mừng cho thầy!
Chú tiểu bỗng dưng trề môi ra dài thượt:
– Thầy mà trừ đặng ngã chấp thì cũng như… con chó mà chê phân người vậy!
Sư đỏ mặt tía tai, vừa quát vừa vung nắm đấm vào ngay mặt chú tiểu:
– Thằng này hỗn quá, tao phải cho mi biết tay!
Chú tiểu hét lớn lên:
– Con chỉ mới thử thách chút chơi, chưa chi mà thầy đã nổi cái Ngã lên rồi!
Vừa khi ấy, ông sư nhà ta cũng vừa tỉnh ngộ, nhưng chẳng còn kịp nữa! Sau dăm ba phút, ông ta đột nhiên quỳ xuống trước mặt chú tiểu vừa buông lời thử thách mình, thưa rằng:
– Con đã thấy rõ rằng, Ngài là bậc đại Bồ-tát đóng vai thị giả để thách đố con. Nhưng con không chịu nỗi cái thất bại đau đớn, chua cay này. Bây giờ, xin tiếp tục hành trì gắt gao hơn để mọi người và cả chính con sẽ thấy con thành công như thế nào!
Và ông sư tiếp tục nhập thất lần nữa. Chú tiểu vẫn sáng trưa lo cơm nước như trước, và chờ đợi thầy mình chiến đấu oanh liệt hơn.
Thời gian qua đi rất chậm, chú tiểu đã thọ giới Tỳ-kheo đã lâu, mà ông sư vẫn miệt mài thiền định. Một ngày kia, vị tân tỳ-kheo chợt khám phá ra rằng, cửa thất vẫn đóng, mà người xưa biến đâu mất. Bỗng nhìn trên vách, có hàng chữ rắn rỏi, nghuệc ngoạc:
“Không bao giờ xuất hiện cái Ta ở trên cõi đời này nữa!”
Hết chuyện.
Cô Minh Huyền thắc mắc:
– Thưa Chú, như vậy ông sư ấy đã diệt trừ căn bệnh Ngã Chấp chưa?
Chú Quang cười nhẹ:
– Tùy mỗi người muốn hiểu răng thì cứ hiểu như vậy. Hơn nữa, câu chuyện đã rõ ràng quá rồi!
Minh Huyền tiu nghỉu:
– Chú Quang mà không chịu giải thích thi chúng ta đành bó tay!
Gần trưa rồi, chúng tôi xin phép rút lui, để dành chùa cho quý bác và những người khác. Anh Hưng hỏi:
– Chừ tụi mình nên đi đâu? Hay là chúng ta lên thăm chùa Đức Sơn, chúc tết ni sư Minh Tú. Được không?
Ai nấy đều đồng thanh:
– A di đà Phật! Chúng ta lên chùa Đức Sơn! Ăn tết với ni sư Minh Tú và các trẻ em mồ côi. Các em cũng thèm khát “hơi người” lắm!
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật…
Discussion about this post