VÀO CỬA KHÔNG
HT. Thích Thanh Từ
Hôm nay là thời giảng thứ hai của chúng tôi tại chùa Xá Lợi. Trong bài giảng thứ nhất chúng tôi đã nói về “Vào Cổng Nhà Thiền”. Đến bài giảng thứ hai này, chúng tôi hướng dẫn quí vị “Vào Cửa Không”.
Tại sao dùng hai chữ “Cửa Không”? Đó là chúng tôi dịch nghĩa danh từ “Không môn” trong nhà thiền. Trong đạo Phật, khi nói đến cửa không, chúng ta biết là cửa thiền. Tại sao cửa thiền được gọi là cửa không?
Ở bài giảng trước, chúng tôi đã chỉ cho quí vị thấy rõ bệnh chấp ngã về thân, chấp ngã về tâm, gọi là vô minh hay là ngu si. Tuy nói về thân về tâm, nhưng chủ yếu nói về sắc thân.
Hôm nay chúng tôi nói “vào cửa Không” tức là đi sâu vào phần nội tâm. Trong nhà Phật, chúng ta thường nghe nói: “Kẻ phàm phu thì chấp thân, đạo sĩ thì chấp tâm”. Người đạo sĩ biết tu có thể sống hết sức đạm bạc và kham khổ, không quan trọng đến thân, nhưng họ lại rất quý cái tâm. Nếu chúng ta không chấp thân mà còn chấp tâm thì cũng là bệnh.
Để thấy rõ hai chữ “Cửa Không” được xuất xứ từ trong nhà thiền, chúng tôi xin đọc lại hai bài kệ của hai vị Thiền sư .
Bài kệ thứ nhất của thiền sư Thần Tán, đệ tử Tổ Bá Trượng. Sau khi ngộ đạo ở Tổ Bá Trượng rồi, Ngài còn bổn sư chưa hiểu đạo nên Ngài định về chùa tìm phương tiện để cảnh tỉnh bổn sư của mình. Nhưng vị bổn sư xem thường Ngài, vì cho Ngài là đệ tử không hiểu hơn thầy được. Một hôm vị bổn sư ngồi xem kinh bên cửa sổ, vì trời lạnh ông lấy giấy dán bít cửa sổ lại. Ngài Thần Tán đi ngang qua thấy một con ong cứ bay đập vào tờ giấy trắng tìm lối ra, mà chui ra không được. Ngài Thần Tán đứng ngoài cửa sổ ngâm một bài kệ:
Không môn bất khẳng xuất
Đầu song dã thái si
Bách niên táng cố chỉ
Hà nhật xuất đầu thì?
Cửa không chẳng chịu ra
Vùi đầu quá si đà
Bao lâu vùi giấy cũ
Cũng không ngày được ra.
Cửa trống rỗng mà không chịu ra, lại gieo mình vào cửa sổ bít lại, thật là quá ngu si. Cả trăm năm cứ vùi đầu trong giấy cũ, đến bao giờ mới trồi đầu ra được? Trong bài kệ người đệ tử tả chuyện con ong muốn bay ra ngoài mà bay lầm vào cửa sổ bị dán giấy bít lại. Đây là để chúng ta thấy rõ ý nghĩa của hai chữ “Không môn”. Bài kệ có hàm nghĩa gì khác, ở đây chúng tôi không giải thích thêm.
Bài kệ thứ hai của Thiền sư Động Sơn, đệ tử Vân Nham Đàm Thạnh:
Không môn hữu lộ nhân giai đáo
Đáo giả phương tri chỉ thú trường
Tâm địa nhược vô nhàn thảo mộc
Tự nhiên thân thượng phóng hào quang.
Cửa không ngã ấy người nào đến
Đến đó mới hay chỉ thú trường
Tâm địa nếu không đồ cỏ rác
Tự nhiên thân phóng hào quang thường.
Cửa Không có một con đường mọi người đều đến được. Người người đến rồi mới biết chỉ thú của nó là đặc biệt, là cao siêu. Đất tâm nếu không có cỏ cây vô ích mọc lên, thì ngay nơi thân này đã phát ra hào quang sáng.
Qua bài kệ trên, chúng tôi đã dẫn chứng cho quí vị thấy cửa thiền là cửa Không. Vào được cửa Không tức là vào nhà thiền. Nhưng “Không” cái gì và làm sao để nó “Không”? Đó là chúng ta đi thẳng vào chi tiết trong bài giảng hôm nay, đi thẳng từng chi tiết từ cạn đến sâu.
Như tất cả chúng ta đã biết, sở dĩ luân hồi sanh tử là tại nghiệp. Do nghiệp nên chúng ta bị dẫn đi trong lục đạo, nghiệp là động cơ đã lôi chúng sanh vào vòng luân hồi. Nhưng nghiệp đó phát xuất từ đâu, cái gì tạo thành nghiệp? Chắc không ai nghi ngờ, nghiệp gồm có thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Như vậy ai dẫn chúng ta đi trong luân hồi? Chính chúng ta chủ động trong việc luân hồi do thân, khẩu, ý của mình. Do thân khẩu ý tạo nghiệp, nghiệp chi phối lại chúng ta, lôi chúng ta đi trong vòng luân hồi. Như vậy chúng ta là người tạo nghiệp, chúng ta lại bị nghiệp dẫn đi. Nhưng trong ba nghiệp thân miệng và ý, cái nào là chủ? Ai cũng biết ý là chủ, vì ý nghĩ thiện thì miệng mới nói điều lành, thân mới làm điều lành, ý nghĩ ác thì miệng nói lời ác, thân làm việc ác. Thế thì ý là chủ động của nghiệp. Đó là chúng ta từ ngọn phăng đến gốc. Ngọn là nghiệp dẫn đi trong luân hồi, nghiệp là do thân miệng ý tạo nên. Trong thân miệng ý, ý là chủ, ý là động cơ thúc đẩy thân và miệng tạo lành hay tạo dữ. Nếu chúng ta tu ba nghiệp, chắc ai cũng biết nghiệp ý là tối quan trọng.
Do đó khi chúng ta tụng kinh, muốn đầy đủ công đức thì phải làm sao? Tức ý phải định, phải chú tâm, phải lặng vọng tưởng thì lời kinh mới đầy đủ công đức. Chúng ta muốn trì chú cho được linh thiêng thì phải làm sao? Miệng tụng chú mà tâm nghĩ việc đông tây được không? Dĩ nhiên muốn trì chú cho có hiệu quả thì khi miệng tụng chú, tâm cũng phải trụ lại, như vậy chú mới có hiệu nghiệm. Chúng ta niệm Phật lần chuỗi, miệng niệm mà ý cứ chạy nơi này nơi kia có được không? Niệm Phật như vậy có được vãng sanh không? Cũng không được. Khi niệm Phật thì miệng niệm tâm phải nhiếp, tức là nhiếp tâm theo câu niệm Phật. Như vậy mới gọi là niệm Phật được nhất niệm, hoặc là nhất tâm.
Chúng ta thấy rõ rằng tụng kinh, trì chú, niệm Phật là những hành động của khẩu nghiệp lành. Nhưng muốn khẩu nghiệp được viên mãn công đức lành thì phải định tâm. Khi tụng kinh chúng ta phải đứng hoặc ngồi rất là nghiêm chỉnh, đó là thân nghiệp; khi tịnh tọa niệm Phật cũng vậy, miệng niệm tay lần chuỗi cũng là thân nghiệp. Thân nghiệp và khẩu nghiệp đều gom lại cùng làm một việc thiện, nhưng thành công hay không là gốc ở cái gì? Gốc ở tâm có nhiếp, có định hay không. Chủ yếu trong các môn tu là để nhiếp tâm an định.
Nói về tu thiền, tu thiền để làm gì? Chúng ta thường nghe nói danh từ Thiền định, tức là một phương pháp để cho tâm mình an định. Tâm an định tức là nhiếp tâm. Thế thì ba bốn pháp tu chúng
tôi vừa nêu ra đó, chỗ trọng tâm có khác nhau không? Nhưng chúng ta niệm Phật, trì chú, tụng kinh, có khi nào ngồi tụng một thời kinh một tiếng đồng hồ mà nhiếp được tâm không chạy đi đâu hay không? Hay chúng ta vừa tụng kinh vừa đi chợ Sài Gòn? Như chúng ta tay gõ mõ, miệng tụng kinh, thân đứng ngay ngắn mà ý chạy đầu trên xóm dưới, thăm người này viếng người kia. Thế là chúng ta chỉ dứt được hai thứ thân và miệng, mà chưa dứt được ý. Trì chú, niệm Phật cũng vậy, tay thì lần chuỗi, miệng niệm Phật, thân ngồi một chỗ mà ý có ở đó hay không? Y Ù nhớ chuyện hôm qua, hôm kia, rồi tính việc ngày mai, ngày mốt. Như thế chúng ta chỉ nhiếp được thân và miệng, còn ý nhiếp không được. Cho đến người ngồi thiền, ngồi kiết già rất là trang nghiêm ngay thẳng mắt nhìn xuống nghiêm chỉnh, nhưng ý có trang nghiêm như vậy không? Tuy thân ngồi đó mà ý cứ chạy ngược chạy xuôi không chịu dừng. Do đó chúng ta thấy nhiếp thân nhiếp miệng dễ, mà nhiếp tâm thật là cay đắng, không phải dễ. Chính cái cay đắng đó mới thấy giá trị của người tu. Nếu chúng ta không nhiếp được tâm, chỉ nhiếp được thân và miệng thôi, có phước chỉ có phước ngoài da. Vì trong tâm mình chưa yên làm sao có phước tột ở trong được. Vì vậy muốn phước đức được viên mãn, cốt phải nhiếp tâm.
Từ đây chúng tôi bắt đầu đi sâu vào vấn đề: Làm sao nhiếp được tâm? Nói về nhiếp tâm, trong nhà Phật có vô lượng phương pháp kể không hết. Ở đây chúng tôi chỉ nói về phương pháp tu thiền. Nhiếp tâm bằng cách nào để được “vào cửa Không”? Ngày xưa dưới Tổ Huệ Năng có một cao đệ tên là Nam Nhạc Hoài Nhượng tức là Tổ Hoài Nhượng ở núi Nam Nhạc. Một hôm, nhân đi dạo Tổ Hoài Nhượng thấy một vị tăng ngồi thiền hết sức nghiêm chỉnh, ngồi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, ngày nào đi ngang qua Ngài cũng thấy như vậy. Ngài chú ý và một hôm Ngài lên tiếng. Vị tăng đang tọa thiền nhìn thấy Ngài, Ngài liền hỏi: ” Ông ngồi thiền mong làm gì?” Vị tăng thưa: “Con ngồi thiền mong làm Phật.” Ngài trở về không nói gì. Đến hôm sau cũng vào giờ đó, thấy vị tăng ngồi thiền, Tổ đem một hòn gạch đến tảng đá gần bên và mài. Ngài mài sột soạt hoài. Vị tăng thấy lạ, hỏi: “Hòa thượng mài gạch để làm gì?” Ngài trả lời: “Ta
mài gạch để làm gương.” Vị tăng lắc đầu: “Vô lý làm sao! Gạch làm sao mài thành gương được?” Ngài trả lời: “Nếu gạch mà không làm gương được thì ngươi ngồi thiền làm sao thành Phật được. Nếu ngươi nói ngồi là thiền thì ngươi đã hại thiền, ngồi là Phật là ngươi đã giết Phật…”
Chúng tôi xin giải thích tại sao Tổ Hoài Nhượng trả lời như vậy. Thiền là một danh từ, theo tiếng Phạn nói đủ là Thiền-na Trung Hoa dịch là “định tuệ đẳng trì”, tức là một phương pháp gìn giữ bình đẳng giữa định và tuệ. Tại sao? Bởi vì trước có danh từ chuyên môn xa-ma-tha Trung Hoa dịch là Chỉ, Tam-ma-bát-đề Trung Hoa dịch là Quán. Rồi tới danh từ thứ ba là thiền-na tức là định tuệ đẳng trì, là Chỉ và Quán đồng tu. Thế nên nói Thiền tức là nói một phương pháp tu gồm cả Chỉ và Quán. Chỉ là định, Quán là tuệ, tức là định tuệ đồng tu.
Thường thường chúng ta nghe nói Giới Định Tuệ, thì tuệ sau định. Nhưng trong Thiền tông trái lại tuệ rồi mới định. Tại sao vậy? Bởi vì trong nhà thiền chủ trương rằng “Kiến tánh mới khởi tu”, kiến tánh tức là trí tuệ, mới khởi tu tức là an định. Song đây cũng là một lối nói, sự thật thiền là một phương pháp gìn giữ cả định và tuệ đồng thời. Như vậy nếu chờ ngồi mới gọi là định tuệ thì khi đi đứng không có định tuệ sao? Nếu chờ đến ngồi mới có định tuệ thì lối tu ấy quá sơ sót, quá lơi lỏng. Đúng ra tu thì mọi hành động trong mọi thời gian đều là tu, đi đứng nằm ngồi đều sống với định tuệ. Cho nên trong nhà thiền thường nói: đốn củi, hái rau, thổi cơm, gánh nước cũng là thiền, như vậy mới là biết tu thiền. Đợi tới ngồi ngay thẳng mới là tu thiền thì một ngày chỉ tu một giờ hai giờ, còn mười giờ kia làm gì? Nếu một ngày tu có hai tiếng thì thấm vào đâu? Cho nên nếu biết tu thiền thì suốt mười hai giờ đều là giờ của mình tu. Đợi ngồi mới thiền tức là giết thiền rồi. Phật cũng vậy, quí vị thấy Phật ngồi hoài hay là Phật có khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm. Nếu ngồi mới là Phật thì đứng là ai, nằm là ai? Nếu nói ngồi là Phật thì đứng không phải là Phật, và nằm không phải là Phật. Nhưng Phật có lúc nào không phải là Phật đâu? Nếu chấp ngồi mới là Phật thì đã giết Phật. Vì vậy chấp ngồi là Phật là chấp sai lầm.
Trở lại câu chuyện trên, vị tăng ngồi thiền đó là ngài Đạo Nhất, sau này gọi là Mã Tổ Đạo Nhất, một Thiền sư nổi tiếng ở Trung Hoa. Ngài thắc mắc câu trả lời của Tổ Hoài Nhượng nên hỏi: “Thưa Ngài, thế thì làm sao mới đúng?” Tổ trả lời: “Ví như con trâu kéo xe, nếu chiếc xe không đi, đánh trâu là phải hay đánh xe là phải?” Thưa quí vị, xe không đi thì đánh cái gì? Không ai dại gì mà đánh xe cho xe đi. Một ví dụ gần hơn, như hiện giờ chúng ta ngồi trên chiếc xe ô tô đang đậu, chúng ta muốn chiếc xe chạy thì phải làm sao? Thúc ông tài xế hay là thúc chiếc xe? Tức nhiên phải thúc ông tài xế xe mới chạy, nếu thúc chiếc xe thì nó không bao giờ chạy. Như vậy ông tài xế là chủ động của chiếc xe, con trâu là chủ động của chiếc xe. Muốn chiếc xe đi thì phải nhắm vào cái chủ động mà thúc, chớ không ai nhắm vào cái bị động mà thúc. Trong ba nghiệp thân, khẩu, ý thì ý là chủ động. Chúng ta muốn tu thì phải tu cái ý. Nếu ngồi ngay thẳng, nhiếp phục thân mà ý cứ chạy đông tây thì đâu phải là đúng phương pháp nhiếp phục. Cho nên muốn điều phục được ba nghiệp thì phải nhắm thẳng vào ý nghiệp. Ý nghiệp dừng rồi thì thân, miệng tự nhiên tốt. Nếu ý nghiệp không dừng thì dù cho kềm thân, miệng đến đâu cũng sanh ra những việc lôi thôi. Vì vậy tất cả pháp tu của nhà Phật đều nhắm thẳng vào việc dừng ý nghiệp. Cho nên làm cái gì cũng bảo đừng vọng tưởng, tụng kinh đừng vọng tưởng, trì chú đừng vọng tưởng, niệm Phật đừng vọng tưởng, tọa thiền cũng đừng vọng tưởng. Chung qui đều nhắm thẳng vào cái chủ động để dẹp nó.
Làm sao dẹp cái chủ động đó? Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Quốc chín năm ngồi quay mặt vào vách ở Thiếu Lâm. Sau này có ngài Thần Quang đến hỏi đạo, được thu nhận làm đồ đệ, và được đổi tên là Huệ Khả. Một hôm Huệ Khả bạch với Tổ Bồ-đề- đạt-ma: “Bạch Hòa thượng, tâm con không an, nhờ Hòa thượng dạy con phương pháp an tâm.” Đây là chúng tôi muốn nói thẳng vào đạo sĩ chấp tâm. Tất cả chúng ta nếu biết tu thì người nào cũng khổ sở về chỗ tâm không an. Tụng kinh, niệm Phật, trì chú gì tâm cũng bất an. Giờ đây làm sao mà an tâm? Khi xưa chính Tổ Huệ Khả ngồi thiền quên ăn quên ngủ mà tâm vẫn không an. Vì vậy khi được thu làm đồ đệ, câu hỏi đầu tiên và có thể là quan trọng nhất của đời Ngài là cầu xin “Phương pháp an tâm”. Làm sao học được phương pháp an tâm, đó mới là an ổn, đó mới là cái chủ yếu của Ngài nhắm. Ngài hỏi với một lòng thiết tha như vậy, mà Tổ Bồ-đề- đạt-ma chỉ trả lời: “Đem tâm ra ta an cho”. Nhưng ngài Huệ Khả đâu dám xem thường. Lâu nay mình nói tâm không an, hiện nay tìm lại xem nó ở đâu. Tìm tới tìm lui, tìm hoài nó mất tăm mất dạng, Ngài đành trả lời: “Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được.” Tổ Bồ-đề-đạt-ma chỉ nói một câu nhẹ: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.” Liền đó Tổ Huệ Khả ngộ được phương pháp an tâm.
Như vậy ai đọc lịch sử Thiền tông đến chỗ này, thấy nó lạ lùng bí mật làm sao! Tại sao tâm ngài Huệ Khả đang bị xao xuyến loạn động, Ngài thành thật thiết tha cầu Tổ dạy cho phương pháp an tâm, Tổ không chịu dạy, chỉ bảo: “Đem tâm ra ta an cho”. Ngài tìm mãi không được, nói: “Con tìm tâm không được”, thì Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.” Ngài Huệ Khả liền ngộ. Vậy ngộ tại chỗ nào? Hiện nay nghe như vậy chúng ta có ngộ chưa? Chúng ta nghe thì ngẩn ngơ không biết Tổ nói cái gì. Thế thì câu nói: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi” là câu nói đùa hay là câu nói thật? Ngài đã nói tìm tâm không được, tại sao Tổ bảo “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”? Thật tình ai nghe câu nói này, đều không hiểu chi hết. Nhưng từ ngày Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền Thiền tông vào Trung Hoa đến nay gần hai ngàn năm rồi, câu nói đó vẫn là câu nói bất hủ. Nhưng người thường đọc thì thấy lạ đời, như là câu nói vô nghĩa. Trước khi giải thích, chúng tôi dẫn một câu chuyện khác ở trong kinh để quí vị khám phá từ từ về câu nói đó.
Trong kinh Lăng Nghiêm có một đoạn đức Phật dùng ví dụ: Một sáng nọ có anh chàng Diễn-nhãđạt- đa đứng trước mặt gương nhìn vào, thấy đầu mặt của anh hiện rõ trong gương; một lát úp mặt gương lại anh thấy đầu mặt mất, hốt hoảng điên lên ôm đầu chạy la: Tôi mất đầu, tôi mất đầu! Chúng ta nghe Phật thuật câu chuyện đó có lý hay vô lý, chúng ta có điên như anh chàng đó hay không? Ví dụ này mới nghe qua dường như ngớ ngẩn, không gần với thực tế, nhưng thật sự là thực tế một trăm phần trăm. Tại sao vậy? Tất cả chúng ta hiện giờ đều là hiện thân của chàng Diễn-nhã-đạt-đa ôm đầu chạy la mình mất đầu. Tại sao? Sở dĩ Diễn nhã- đạt-đa điên là vì nhận lầm cái bóng đầu và mặt trong gương là thật đầu mặt của chính mình. Bởi nhận lầm như vậy nên khi mất cái bóng ấy thì hoảng hốt điên lên, la mình mất đầu. Nếu anh chàng đó biết rõ bóng trong gương chỉ là bóng thôi thì anh có điên không? Cũng như tất cả chúng ta khi nhìn vào gương thấy đầu mặt mình trong gương, biết cái đó là bóng thì khi bóng mất mình có điên bao giờ đâu? Sở dĩ anh chàng Diễn-nhã-đạtđa điên lên là vì cho đầu mặt trong gương là thật, bởi tưởng là thật cho nên khi mất hoảng la lên thành điên.
Cũng như vậy, giả sử chúng tôi hỏi cái gì là tâm của quí vị, quí vị sẽ trả lời làm sao? Quí vị thường nói tâm tôi suy nghĩ, tâm tôi phán đoán. Vậy có phải cái suy nghĩ, cái phán đoán, cái tính toán v.v… là tâm của mình hay không? Ở đây chúng tôi hỏi, quí vị có thể lắc đầu. Nhưng khi ra về nói chuyện với nhau, quí vị sẽ bảo tâm tôi nghĩ thế này, tâm tôi nghĩ thế kia. Quí vị chấp nhận cái nghĩ đó là tâm của mình một trăm phần trăm. Nó là tâm mình, nó phải thật vì mình là thật. Nhưng tại sao khi tìm lại thì không thấy nó? Nếu nó không thật thì làm sao nói nó là mình được? Trong bài giảng hôm nay, chính chỗ này khó thật là khó, nếu quí vị chịu khó nghe thì sẽ có giá trị vô cùng. Đây là một vấn đề hết sức là khó, không phải thật bản chất nó khó, mà vì cái mê lầm của mình quá sâu dày cho nên chúng ta nghe không thâu vào được. Như vậy cái mà chúng ta chấp nhận là tâm mình hoàn toàn là cái suy nghĩ phân biệt. Trong kinh Lăng Nghiêm, chính ngài A-nan thuở xưa cũng nói như vậy. Phật hỏi: “Cái gì là tâm của ngươi?” Ngài thưa: “Chính cái hay suy nghĩ là tâm của con.” Ngài bị Phật quở, Phật bác luôn bảy chỗ chỉ tâm của Ngài.
Chúng ta hiện nay cũng như thế. Ngay chính Tổ Huệ Khả cũng cho cái suy nghĩ là tâm của mình. Vì vậy Tổ Bồ-đề-đạt-ma không cần dạy, chỉ bảo “Đem tâm ra, ta an cho”. Nếu thật là tâm ông thì ông cứ đưa ra đây. Nhưng khi tìm nó, thì mất tiêu không bóng không hình. Đã không bóng không hình thì làm sao đưa ra được . Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.” Ngài Huệ Khả liền ngộ. Quí vị có thấy con đường của Tổ Huệ Khả ngộ pháp an tâm chưa? Vì cho bóng là mình, cho nên chúng ta mới điên cuồng, nếu biết bóng là bóng, không thật, thì điên cuồng tự hết. Nếu chúng ta chấp nhận vọng tưởng là tâm của mình thật, nó dẫn chúng ta chạy từ nơi này đến nơi khác. Nếu biết rõ vọng tưởng không phải là tâm của mình thật, chỉ là bóng dáng của sáu
trần thì nó hết khả năng lôi cuốn mình. Như vậy không phải an tâm là gì? Nói là phương pháp an tâm mà thật không phương pháp chi hết, chỉ là nhìn đúng lẽ thật, biết đúng lẽ thật thì chúng ta đã an tâm rồi.
Lâu nay chúng ta nhận lầm kẻ giặc làm con, nên nó phá hết sự nghiệp khiến chúng ta đau khổ. Giờ đây chúng ta biết nó là giặc, không lầm nữa thì nó còn hại gì mình được đâu. Vọng tưởng vừa dấy lên, chúng ta biết nó là hư giả, không thật thì nó tự an liền, không cần phải đè dẹp. Như vậy an tâm mà không có phương pháp chi hết. Sở dĩ lâu nay chúng ta dùng phương pháp này đè, dùng phương pháp kia dẹp, mà vọng tưởng cứ bừng dậy hoài tại vì chúng ta thấy nó là thật. Cũng như đứa giặc, đứa trộm mà chúng ta tưởng nó là con ruột của mình, cho nên hôm nay chúng ta mất vật này, ngày mai mất vật khác, rồi chúng ta rầy nó. Nghĩa là ngày nào còn chứa kẻ trộm ở trong nhà là ngày đó chúng ta còn bị mất đồ, bị khổ sở. Chỉ cần biết nó là kẻ trộm, đuổi ra khỏi nhà thì tự nhiên hết mất đồ, hết khổ sở. Chỉ chừng ấy việc quí vị thấy tu có khó không? Chỉ cần nhận đúng lẽ thật, biết rõ mặt thật của vọng tưởng, chúng ta đã biết tu rồi.
Theo Duy Thức Học, những vọng tưởng dấy lên chỉ là bóng dáng của sáu trần. Ví như chúng ta đang ở nhà, có một người khách đến thăm. Sau câu chuyện khoảng nửa tiếng đồng hồ, người khách ra về, chúng ta hoàn toàn không có một ý nghĩ nào dính dấp đến người đó hay không? Hay là hình ảnh ngôn từ của người khách vẫn còn vãng lai trong tâm mình? Cái vãng lai đó là gì? Tức là bóng dáng của sáu trần, mình thấy nghe khi nãy, còn rơi rớt lại trong tâm mình. Cho nên danh từ chuyên môn trong Duy Thức Học gọi đó là “lạc tạ ảnh tử”, tức là bóng dáng của sáu trần rơi rớt lại trong tàng thức của mình.
Cũng vậy, chúng ta học các lý thuyết cho thật nhiều, nhồi chúng lại thành khối, liền bảo chúng tôi có kiến thức này. Thật sự đó chỉ là vay mượn bên ngoài đem vào, tự cho rằng chúng tôi khôn, chúng tôi hay, mà không có can đảm loại bỏ nó ra. Chứa chấp những cái bên ngoài như vậy, nói là mình, tức là nhận giặc làm con, để rồi nó lôi dẫn mình chạy không bao giờ ngừng được. Nếu biết rõ những vọng tưởng là giặc, không phải là mình thì khi chúng vừa dấy lên, chúng ta nhất quyết từ chối không theo, các vọng tưởng ấy tự nó hết. Đó là một lối tu hết sức đơn giản không khổ nhọc gì, chỉ cần nhận đúng như vậy là đã biết tu thiền rồi. Khi chúng ta quét sân hay rửa chén, một ý nghĩ vừa dấy lên, biết nó là bóng dáng, bỏ ngay không theo nó, đó là tu thiền ngay khi quét sân rửa chén, không đợi tới giờ ngồi thiền mới gọi là tu thiền. Thế nên tu thiền lúc nào cũng được, không đợi tới thời khóa tụng kinh, niệm Phật mới tu. Giờ phút nào, ở nơi nào cũng gọi là tu, nếu chúng ta luôn nhận đúng lẽ thật, đừng bị lầm lẫn; lầm lẫn là vô minh, biết được lẽ thật là trí tuệ. Dùng trí tuệ Bát-nhã, thấy các vọng tưởng không thật, thấy chúng là không, tìm lại không được, thấy vọng tưởng là không thì tự nhiên vọng tưởng lặng, như vậy không phải “vào cửa Không” là gì? Tổ Huệ Khả nhân đó tỉnh ngộ nên Ngài được vào cửa. Chúng ta hiện nay cứ chấp vọng tưởng là mình nên đứng ở ngoài, vào “cửa Không” chưa được.
Giờ đây chúng tôi xin nói đến Tổ Huệ Năng. Chắc chúng ta không ai quên bài kệ của ngài Thần Tú và bài kệ của Tổ Huệ Năng. Ngũ Tổ thấy cần có người thay mình để hóa đạo nên tuyên bố trong chúng “Mỗi người phải làm bài kệ trình kiến giải, người nào xứng đáng thì sẽ được truyền y bát để làm Tổ thứ sáu thay ta hoằng hóa”. Khi ấy ở trong hội của Ngũ Tổ có ngài Thần Tú là giáo thọ sư của năm trăm tăng chúng, và có một vị cư sĩ là Tổ Huệ Năng đang làm việc nặng ở nhà sau, ít người để ý tới. Toàn chúng đồng ý chỉ có ngài Thần Tú là đủ khả năng làm kệ trình để làm Tổ thứ sáu, không nghi ngờ gì nữa, chuyện này hết sức là hợp lý. Ngài Thần Tú gặp hoàn cảnh bất khả kháng, không thể nào trốn tránh được, nên buộc lòng Ngài phải cố gắng làm kệ. Thao thức mấy đêm mới làm xong bài kệ, nhưng Ngài chưa tin mình nên không dám trực tiếp trình kệ với Ngũ Tổ. Ngài nghĩ: “Ngoài hành lang có một khoảng tường trống, ta nên đem kệ ra viết ở đó. Ngũ Tổ thấy bài kệ thì Ngài đọc, nếu khen bài kệ hay ta sẽ ra đảnh lễ Ngài, nếu bài kệ không ra gì ta tránh luôn để khỏi mất mặt với tăng chúng.” Suy nghĩ xong, đang đêm Thần Tú đem bài kệ viết lên tường. Sáng ngày, Ngũ Tổ đi ra, mời ông thợ vẽ đến khoảng tường trống để vẽ họa đồ của chư Tổ. Ngài nhìn thấy bài kệ, biết là của Thần Tú. Bài kệ như sau:
Thân thị bồ-đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai.
Thật là hay vô cùng, có phải không? Vì nghĩa của bài kệ là:
Thân là cây bồ-đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn siêng lau chùi
Chớ để dính bụi bặm.
Bài kệ như vậy không ai chê được. Nhưng Ngũ Tổ xem rồi Ngài biết chưa vào cửa. Ngài đã ngầm biết người nào sẽ được vào cửa, nhưng Ngài chưa dám nói vì sợ chúng nghi ngờ ganh tị. Muốn đánh lạc hướng đồ đệ, Ngài khen: “Bài kệ này hay quá, nên thắp hương đảnh lễ và học thuộc bài kệ sẽ có phước vô cùng.” Chúng đồng thắp hương đảnh lễ và học thuộc bài kệ. Ngài Thần Tú rất hài lòng. Ngũ Tổ hỏi: “Phải ông làm bài kệ đó không?” – “Dạ thưa con, nhưng con làm kệ mà không dám mong làm Tổ, chỉ mong Hòa thượng chứng minh cho.” Ngũ Tổ nói riêng: “Ông chưa vào cửa được, ông trở về làm bài kệ khác trình ta xem.” Ngài Thần Tú ngẩn ngơ toát mồ hôi, làm bài kệ mấy đêm mà bị chê là chưa vào cửa được thì Ngài còn lòng dạ nào làm
bài kệ khác nữa. Thật là đau khổ, Ngài làm thầy dạy chúng mà không vào cửa nổi. Nhưng vì Ngũ Tổ đánh lạc hướng cho nên cả chúng ai cũng thuộc lòng bài kệ. Một ông điệu nhỏ cũng học thuộc lòng và đi đâu cũng lẩm nhẩm đọc bài kệ đó. Khi đi ngang qua ngài Huệ Năng, lúc bấy giờ Ngài đang giã gạo, ông điệu đọc lại bài kệ, ngài Huệ Năng hỏi: “Sư huynh đọc cái gì đó?” – “Ông không biết sao? Thượng tọa Thần Tú trình kệ với Ngũ Tổ, bài kệ hay lắm” – “Xin Sư huynh đọc lại cho tôi nghe.” Ông điệu đọc lại. Ngài Huệ Năng nói tiếp: “Thôi nhờ huynh dẫn tôi lên chỗ bài kệ để tôi xem.” Lúc lên đến nơi, Ngài nói không biết chữ, nhờ đọc lại cho Ngài nghe. Khi ấy có ông quan Biệt Giá cũng xem bài kệ đó, ông lớn tiếng đọc cho ngài Huệ Năng nghe. Nghe xong, Ngài nói: “Tôi cũng có một bài kệ.” Tất cả đều ngạc nhiên mà chính ông Biệt Giá cũng ngạc nhiên, vì người quê dốt thì làm sao có kệ được. Nhưng ông cũng bằng lòng nghe và nhận viết dùm bài kệ lên vách. Ngài Huệ Năng không có bài kệ nào khác hơn, chỉ đổi lại bài kệ của ngài Thần Tú như sau:
Bồ-đề bổn vô thọ
Minh cảnh diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai?
Bồ-đề vốn không cây,
Gương sáng cũng chẳng đài.
Xưa nay không một vật,
Chỗ nào dính bụi bặm?
Nghĩa như vầy: Bồ-đề là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Giác. Tánh giác không có hình tướng cho nên nó vốn không cây. Gương sáng không cần ở cái đài vì tự bản chất nó sáng rỡ rồi, đó là dẹp luôn cái đài. Tánh bồ-đề xưa nay không hình tướng, vốn không một vật thì chỗ nào dính bụi bặm mà phải lau chùi ?
Chúng tôi sẽ giải thích hai bài kệ trên, người đứng ngoài cửa và người vào cửa khác nhau ở chỗ nào? Trong bài kệ của ngài Thần Tú, câu đầu Thân thị bồ-đề thọ: Thân là cây bồ-đề; Ngài cụ thể hóa tánh bồ-đề là thân, là một hình tướng, cây bồ-đề là một hình tướng, văn thì hay thật mà toàn là hình thức. Tâm như minh cảnh đài: Tâm là đài gương sáng; tâm nguyên nó là tri giác mà nói là đài gương tức cũng là hình thức, và cái đài cũng là hình thức. Thời thời cần phất thức: Luôn luôn phải lau chùi; muốn lau chùi thì phải vừa có gương vừa có khăn lau, đó cũng là hình thức. Vật sử nhạ trần ai: Chớ để dính bụi bặm; bụi và gương lại là hình thức nữa. Như vậy toàn là tu trên hình thức, chưa vào được cửa Không. Công phu thì khá nhiều mà chưa vào được đạo. Nếu căn cứ trên hình thức thì tu trên tướng sanh diệt, làm sao đến được chỗ vô sanh? Vì vậy nghe bài kệ đó, ngài Huệ Năng biết chưa vào cửa, cho nên mới làm bài kệ dẹp hết bao nhiêu hình tướng để đối chiếu lại.
Bồ-đề bổn vô thọ: Tánh giác đâu phải là hình thức thì đâu phải là cây. Minh cảnh diệc phi đài: Tâm ví như gương sáng không cần ở cái đài, tức là hình thức cái đài cũng bị dẹp. Đối lại với câu: “Thời thời cần phất thức”, Ngài nói: “Bản lai vô nhất vật”, thể không tướng mạo là vật gì, cái gì dính mà lau chùi? Hà xứ nhạ trần ai: chỗ nào dính bụi bặm. Như vậy ngài Huệ Năng thấy rõ bản tâm vô tướng, hằng giác bản tâm vô tướng tức là bồ-đề. Ngài đã thấy rõ như vậy, không vào cửa được là gì? Cho nên khi Ngũ Tổ thấy bài kệ ấy, Ngài biết rõ người vào cửa được. Nhưng muốn đánh lạc hướng chúng, Ngài lấy dép xóa bài kệ bảo: “Bài kệ này cũng chưa được” để mọi người khỏi xôn xao. Nhưng đến tối, Ngũ Tổ gọi ngài Huệ Năng vào thất đóng kín cửa lại và giảng kinh Kim Cang cho Ngài nghe, Ngài ngộ đạo và được truyền y bát.
Như vậy bồ-đề là tánh giác, tâm là cái liễu liễu thường tri của chính mình, cái ấy không tướng mạo. Tổ Huệ Khả tìm tâm không thấy hình ảnh, đó là an tâm. Lục Tổ cũng thấy rõ tất cả vọng tưởng đều không thật, không tướng mạo, thể nó là không. Vì thể là không nên không bị dính, bị nhiễm. Nếu được thể tánh không thì vào được cửa Thiền. Như vậy vào cửa Thiền tức là vào cửa Không. Từ Tổ Huệ Khả đến Tổ Huệ Năng cũng nhân nhận được lý Không đó mà vào cửa thiền. Cho nên nói đến thiền là nói đến lý Không, và cái lý Không đó sâu sắc vô cùng, người đời khó mà thấy được.
Hiện giờ chúng ta tu, muốn cho tâm an chúng ta phải thấy tột cùng lý Không. Nếu chúng ta không thấy tột lý Không thì không bao giờ chúng ta an tâm được. Cần biết vọng tưởng là giả dối, không chấp nhận nó, tự nó mòn giảm dần, không còn lôi cuốn mình được, thế là chúng ta an tâm. Đó là lý Không của ngài Bồ-đề-đạt-ma truyền cho Tổ Huệ Khả, cũng chính là chỗ Ngũ Tổ dẫn Lục Tổ vào cửa thiền.
Để thấy rõ lý Không, chúng tôi xin dẫn một câu trong kinh Kim Cang “Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc”, tức là tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được. Thường thường chúng ta dấy niệm là duyên về quá khứ, nghĩ đến kỷ niệm những năm xưa, đó gọi là tâm quá khứ. Tâm hiện tại là suy nghĩ tính toán những việc trong hiện tại. Tâm vị lai là hướng những tưởng tượng vào ngày mai. Như vậy tâm luôn luôn dấy nghĩ về ba thời. Nhưng quá khứ tâm không thể được vì quá khứ là cái đã qua, hiện tại nghĩ lại là nghĩ những bóng dáng không thật. Cái nghĩ duyên theo các bóng dáng không thật đó cũng không thật, cho nên quá khứ tâm không thể được. Hiện tại chúng ta đang suy tính, ví như chúng ta tính phải làm gì trong ngày hôm nay. Chúng ta nghĩ phải làm việc này, phải làm việc kia, cái nghĩ không dừng ở một chỗ, mà cứ đổi thay luôn, nó không thật cho nên hiện tại tâm bất khả đắc. Vị lai tâm bất khả đắc, nghĩa là chúng ta tưởng tượng nghĩ ngợi những chuyện sắp đến. Sắp đến là chưa đến, chưa đến là không. Nghĩ trước những chuyện chưa đến, tức là những việc không có. Nghĩa là nghĩ về cái không thì cái nghĩ ấy cũng là không thật. Cho nên kinh nói ba cái tâm ở trong ba thời: tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai đều không thể được. Để chúng ta thấy rõ những cái chúng ta gọi là tâm mình, đều không có thật, nghĩa là tâm quá khứ không thật, tâm hiện tại không thật, tâm vị lai không thật. Như vậy không phải “Không” là gì?
Về pháp an tâm Tổ Bồ-đề-đạt-ma không cần giải thích nhiều, mà chỉ nói “Đem tâm ra ta an cho”. Nhưng khi tìm lại tâm thì nó mất dạng, nên biết tâm không thật. Như vậy Tổ nói có trái với kinh không? Ngài không cần giảng kinh, chỉ với một câu nói hết sức đơn giản mà thực tế vô cùng, Ngài bắt chúng ta phải dùng trí mà thấy, chớ không cho dùng sức tưởng tượng tầm thường.
Như thế chúng ta thấy khi học đạo, muốn vào cửa thiền phải thấy rõ tâm vọng tưởng không thật, ba thời đều không thật, chỉ là bóng dáng giả dối. Cái bóng dáng giả dối chợt có chợt không đó, là mình thật hay không? Nếu biết nó không là mình thật thì chúng ta đã nhận ra đứa nào là giặc, đứa nào là con rồi. Cái mê cái tỉnh khác nhau ở chỗ này. Ở đây ai ai cũng gật đầu chấp nhận cái suy nghĩ tính toán là kẻ giặc, nhưng khi về đến nhà thì ai cũng nhận là con, thương nó, không tách rời nó được. Đó là cái khó của người tu, khó hiểu, khó tu là ở chỗ đó. Nếu biết rõ nó là giặc, không bao giờ chấp nhận nó, một bề đuổi nó đi thì tự nhiên cái khó sẽ hết. Khi cái xấu biết nó là xấu thì không chấp nhận được rồi, nhưng khi điều tốt điều hay thì sao? Nhất là khi nhớ lại một câu kinh thật chí lý thì làm sao nỡ bỏ, chính cái đó mới thật là khó. Cho nên chúng ta phải hiểu cho thật tường tận, phải thấy rõ cái mà xưa nay chúng ta thừa nhận là tâm chúng ta chỉ là
bóng dáng không thật, không phải thật là mình. Nhận được cái giả đó, biết được cái giả đó chúng ta đã tiến tu một bước khá xa rồi. Biết như vậy tức là đã tỉnh giác, biết như vậy là biết bằng trí tuệ Bát nhã, là hằng sống với trí tuệ. Nếu quên đi là sống trong vô minh.
Hôm qua có đạo hữu hỏi tôi về ý nghĩa lễ sám hối. Như chúng tôi đã giảng về nghiệp, nghiệp là do thân miệng ý tạo nên, thân miệng chỉ là công cụ của ý và ý mới là chủ động. Như trong suốt buổi sám hối chúng ta lạy Phật, tụng kinh là giữ được thân và miệng, mà không dẹp được ý thì làm sao hết tội. Vì vậy trong bài sám hối có bốn câu:
Tội tánh bổn không do tâm tạo
Tâm nhược diệt thời tội diệt vong
Tội vong tâm diệt lưỡng câu không
Thị tắc danh vi chân sám hối.
Tánh tội vốn không do tâm tạo
Tâm nếu diệt rồi tội sạch trong
Tội trong tâm diệt thảy đều không
Thế mới thật là chân sám hối.
Nghĩa như sau: Tánh của tội là không, do tâm mình tạo, vì tâm là chủ động. Nếu tâm mình dứt rồi tức là gốc đã bị đốn thì ngọn tự nó ngã. Tội do tâm tạo, mà động cơ tâm đã lặng thì tội còn chỗ nào đứng vững được. Cho nên tâm nếu diệt rồi tội cũng theo đó mà mất. Tội và tâm đã lặng, cả hai đều không, ấy mới gọi là thật sám hối. Vì sám hối mà không còn chủ động tạo tội nữa, mới là chân thật sám hối. Nếu như chúng ta lạy Phật tụng kinh hoài mà chủ động tạo tội cứ được nuôi dưỡng mãi, làm sao thật hết tội được. Chúng tôi giảng như vậy là có chỉ quí vị sám hối chưa? Nếu quí vị biết rõ vọng tưởng thể nó là không thì chúng ta có chân sám hối trong đó rồi. Nhưng chắc quí vị sẽ còn hoang mang, như vậy tội không có sao? Ở trong nhà chùa thường nói câu này: “Thà chấp có bằng núi Tu-di, chớ nên chấp không bằng hạt cải”. Cho nên khi nói tới thiền, đại đa số đều dè dặt lắc đầu, vì nói thiền là nói tới cửa Không, học thiền coi chừng chấp không. Nhưng chúng tôi giảng như vậy là có chấp không chăng?
Chúng tôi đã giảng qua về lý tâm không, giờ chúng tôi nói về lý nghiệp không và sau đó sẽ nói đến cảnh không, để quí vị thấy rõ chữ “Không” trong đạo Phật. Hiện nay xin hỏi quí vị, tội có hay là không? Nếu tội từ tâm tạo, khi tâm dứt rồi thì tội cũng theo đó mà dứt. Còn phước cũng từ tâm tạo, khi tâm dứt rồi thì phước còn hay hết? Tội hết thì mình muốn mà phước hết thì mình không ưng. Tại sao lạ vậy? Nếu tội từ tâm tạo, tức động cơ gây tội là tâm, thì tâm là gốc. Nếu gốc hạ rồi thì ngọn phải ngã, dĩ nhiên tội cũng hết. Còn phước cũng từ tâm nghĩ lành tạo ra, nếu tâm nghĩ lành đó lặng thì phước cũng dứt luôn. Như vậy hết tội hết phước thì làm sao tu đây? Đó thật là khó, cho nên lý không này thật hết sức khó giảng. Ai ai cũng hoang mang về lý này. Nhưng tôi xin hỏi quí vị: Nghiệp từ đâu tạo nên? Chính là từ thân miệng ý. Như vậy nghiệp là những hành động, hành động lành gọi là nghiệp lành, hành động dữ gọi là nghiệp dữ. Hành động
lành tức thân hoặc miệng nói những lời lành, làm những việc lành, đó là tạo nghiệp lành. Thân và miệng nói lời dữ, làm việc dữ gọi là tạo nghiệp dữ. Lời chúng ta nói ra là thật chăng? Ngôn ngữ phát ra lời, lời hợp lại thành câu, những lời những câu đó nói qua rồi, tìm lại không còn. Nếu chúng thật có thì phải còn hoài, qua rồi không còn, làm sao nói chúng thật được. Hành động của chúng ta cũng vậy. Ví dụ chúng ta làm một động tác gì, động tác đó qua rồi, không dừng lại, không dừng thì làm sao là thật được.
Trong Chứng Đạo Ca Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác nói:
Liễu tức nghiệp chướng bản lai không
Vị liễu ưng tu hoàn túc trái.
Tỏ rồi nghiệp chướng hóa thành không
Chưa tỏ nợ xưa đành trang trải.
Liễu tức là liễu ngộ, người liễu ngộ rồi thì thấy nghiệp chướng xưa nay là không. Vị liễu tức là chưa liễu ngộ thì phải đền lại nợ trước. Hai câu này rất phù hợp với những lời tôi vừa giảng.
Nhưng Thiền sư Hạo Nguyệt nghi ngờ, hỏi Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm rằng: “Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói ‘Liễu tức nghiệp chướng bản lai không, vị liễu ưng tu hoàn túc trái’ là sao?” Trong lịch sử Thiền tông Tổ Sư Tử ngộ đạo rồi mà bị vua Kế Tân chặt đầu, Tổ Huệ Khả ngộ đạo rồi mà bị chết trong tù, như vậy hai vị đó có liễu hay không? Nếu liễu rồi thì sao lại phải đền nợ? Lẽ ra liễu thì nghiệp chướng bản lai không, mà sao lại bị cắt đầu, sao lại bị bắt giam trong khám rồi chết? Đó là một câu hỏi rất khó trả lời cho ổn được.
Ngài Trường Sa Cảnh Sầm trả lời: “Đại đức chưa hiểu nghiệp chướng.” Hạo Nguyệt hỏi: ” Thế nào là nghiệp chướng?” – “Bản lai không.” Nghe câu trả lời như vậy chúng ta có hài lòng chưa? Riêng tôi thì rất hài lòng. Tại sao vậy? Tôi ví dụ, nếu quí vị biết ngôn ngữ thể tánh là không, do duyên hợp tức là hơi và lưỡi mới phát ra thành lời. Như thế chúng ta vô tình phát ra lời gì khiến cho người nghe bất bình tức là chúng ta đã tạo nghiệp dữ rồi. Người nghe đã bất bình thì họ có tha mình đâu. Mình nói lỡ lời để người ta giận thì người ta cũng trả lại lời gì để mình tức. Nếu mình biết thể tánh của ngôn ngữ là không, do duyên hợp giả có, khi bị mắng lại mình đâu nên giận, đâu có phiền, chỉ cười thôi. Biết tánh của ngôn ngữ là không là đã liễu rồi. Như vậy là mình có trả nghiệp hay không? Tuy trả mà không trả, khó là ở chỗ đó. Nếu mình chưa liễu, lỡ nói mích lòng người, bị người mắng lại thì mình đau khổ, thở vắn thở dài. Cái đau khổ ấy là mình chưa liễu vậy.
Cho nên khi vua Kế Tân hỏi Tổ Sư Tử: “Ngài thấy ngũ uẩn đều không chăng?” Tổ đáp: “Tôi thấy ngũ uẩn đều không?” – “Ngài cho tôi cái đầu được chăng?” Tổ bảo: “Ngũ uẩn đã là không, sá gì cái đầu.” Ngài vui vẻ cho cái đầu mà không thấy trả nợ trước, vì Ngài đã liễu rồi. Khi chúng ta nghe nói cho cái đầu liền rùng mình sợ hãi, vì mình chưa liễu nên còn thấy trả nợ trước.
Tổ Huệ Khả cũng vậy, sau khi ngộ đạo, Ngài đi truyền bá chánh pháp. Thời bấy giờ ở Trung Hoa nhằm đời Tùy, Phật giáo đã có lâu rồi, nhưng người tu hành thường nghiên cứu kinh điển, chưa hiểu lý thiền. Đến khi Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa nói lý thiền thì nghe lạ tai, họ chấp nhận không nổi. Sau khi ngộ được yếu chỉ, Tổ Huệ Khả đi truyền bá lý thiền nhưng bị gièm siểm, kết tội là ngoại đạo và bị bắt cầm tù. Ngài bảo còn một chút nợ trước phải trả và vui vẻ vào tù, vì Ngài đã liễu ngộ nghiệp chướng bản lai không, nên trả nợ mà không trả vậy. Nghiệp lành nghiệp dữ có hay không là do chúng ta liễu hay không liễu. Chúng tôi xin dẫn hai câu chuyện sau đây:
Có cư sĩ hỏi Thiền sư Quốc Nhất ở Cảnh Sơn:
– Bạch Hòa thượng có thiên đường không?
Ngài đáp:
– Không.
– Bạch Hòa thượng có địa ngục không?
– Không.
– Bạch Hòa thượng có tội không?
– Không.
– Bạch Hòa thượng có phước không?
– Không.
Với câu hỏi nào Ngài cũng trả lời “không”. Sau này ông cư sĩ đến tìm ngài Trí Tạng Tây Đường, đệ tử của Mã Tổ, và cũng hỏi bao nhiêu câu hỏi đó:
– Bạch Hòa thượng có thiên đường không?
Ngài đáp:
– Có.
– Bạch Hòa thượng có địa ngục không?
– Có.
– Bạch Hòa thượng có tội không?
– Có.
– Bạch Hòa thượng có phước không?
– Có.
Với bao nhiêu câu hỏi đó, hai vị Thiền sư nổi tiếng, một vị bảo không, một vị bảo có, ông cư sĩ hoang mang nên hỏi tiếp ngài Tây Đường:
– Bạch Hòa thượng, Ngài nói như vậy có đúng chưa?
Tây Đường hỏi:
– Trước khi đến đây ông đã hỏi ai rồi?
– Dạ, con đã hỏi Hòa thượng Cảnh Sơn.
– Hòa thượng nói với ông thế nào?
– Con hỏi câu nào Hòa thượng cũng nói không. Tại sao con hỏi Ngài câu nào Ngài cũng nói có hết?
Ngài Tây Đường hỏi lại:
– Hòa thượng Cảnh Sơn có vợ không?
– Dạ không.
– Ông có vợ không?
– Dạ có.
– Hòa thượng Cảnh Sơn không vợ cho nên cái gì Ngài cũng nói không. Ông có vợ nên ta nói cái gì cũng có.
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy câu trả lời có hay không là tùy nơi người hỏi. Nếu một bề nói không, đó là chấp không. Còn nếu biết tùy người nói có, tùy người nói không, thì không phải là chấp không. Hòa thượng Cảnh Sơn liễu rồi nên Ngài nói tất cả là không, ông cư sĩ chưa liễu nên ngài Tây Đường phải nói với ông là có. Như vậy chúng ta thấy các Thiền sư nói chuyện khó hiểu là vì tùy nơi người chấp mà trả lời.
Câu chuyện thứ hai như sau: Có người đến hỏi ngài Triệu Châu Tùng Thẩm: “Bạch Hòa thượng, con chó có Phật tánh không?” Ngài đáp: “Không.” Ông hỏi tiếp: “Tại sao trong kinh nói ‘Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh’, mà riêng con chó không có Phật tánh?” Ngài trả lời đơn giản: “Vì bị nghiệp thức che đậy cho nên nói không.” Con chó không thấy, không biết Phật tánh, tuy có mà cũng như không. Có người khác đến hỏi: “Bạch Hòa thượng, con chó có Phật tánh không?” Ngài đáp: “Có” Ông ấy lại hỏi: “Đã có Phật tánh, vì sao chui vào đãy da nhơ nhớp như vậy?” Ngài trả lời: “Vì biết mà cố phạm.” Biết là trí tuệ, là Phật tánh, mà không tránh lỗi nên phải đọa làm thú chui vào đãy da. Giá trị của Thiền sư là tùy trình độ của người hỏi, biết trả lời thế nào cho hợp lý đừng để sai lầm.
Như vậy nghiệp đối với người liễu đạo không thật có, cho nên nói bản lai không. Thân là huyễn hóa, vọng tưởng là hư ảo thì nghiệp làm sao thật được, chỉ là duyên hợp giả có, có gì là quan trọng. Đối với người chưa liễu đạo thì thân thật, tâm cũng thật, thì nghiệp làm sao không thật được!
Đến trần cảnh bên ngoài là thật có hay là không? Ví như cái bàn ở trước mặt chúng ta là có hay là không? Với con mắt phàm tục thì cái bàn là thật có. Nhưng với con mắt trí tuệ Bát-nhã thì cái bàn thể tánh là không, do duyên hợp giả có. Như hiện nay chúng tôi đưa bàn tay lên, rồi co năm ngón lại thành nắm tay. Như vậy nắm tay này là có hay là không? Khi chưa co năm ngón lại thì nắm tay không có. Khi năm ngón tay co lại thì gọi đó là nắm tay. Trong nắm tay này phân tích mỗi ngón rời nhau cũng không có nắm tay. Thể của nắm tay là không, do duyên hợp giả có, khi đủ duyên thì hợp, khi thiếu duyên thì tan, không có gì là thật.
Các sự vật ở đời này là như vậy, thể tánh là không, duyên hợp giả có. Như cái bàn này do nhiều miếng gỗ rời rạc hợp lại, đóng đinh vào thành cái bàn. Đó là tướng duyên hợp, còn thể tánh nguyên là không. Như thế từ nắm tay, cái bàn đến tất cả sự vật hiện có hình tướng ở thế gian này, đều là tướng duyên hợp, thể tánh là không. Bởi tánh không, duyên hợp giả có, cho nên kinh Kim Cang nói “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai”. Phàm tất cả cái gì có hình tướng đều là hư giả, nếu ngay các tướng mà thấy không thật tức là thấy Phật. Nếu thấy rõ như vậy là chúng ta thấy bằng trí tuệ Bát-nhã. Trí tuệ Bát-nhã tức là giác, giác tức là Phật.
Từ sự vật cho đến thời gian không gian cũng không có cái gì là thật. Về thời gian chúng ta đã đặt ra thời quá khứ, thời hiện tại, thời vị lai. Khái niệm về thời gian được căn cứ trên sự quay của trái đất, rồi phân định ra ngày tháng năm, thời tiết v.v… Như vậy thời gian không có thật, huống nữa là trên thời gian không thật đó lại đặt ra ngày giờ tốt xấu v.v… Trên cái mê thêm một lớp mê khác, trên cái lầm thêm một lớp lầm nữa, thành tập quán quen thuộc ngàn đời không dám bỏ. Cho đến việc gầy dựng gia đình, xây cất nhà cửa cũng phải coi ngày tốt xấu. Nhất là các Phật tử, trước khi làm việc gì cũng đến chùa nhờ thầy cô xem lịch, lựa ngày tốt cho công việc được tốt đẹp. Nhưng thử hỏi có gia đình nào nhờ xem lịch mà được hạnh phúc suốt đời hay không? Có nhà cửa nào nhờ xem lịch mà suốt đời không bị hư hao hay không? Đó rõ ràng là chuyện vô thường ở thế gian. Chúng ta phải gan dạ thấy lẽ thật ấy, dùng trí tuệ mà tìm ra lẽ thật, không nên tin tưởng một cách mù quáng, vì đạo Phật là đạo giác ngộ.
Nói về không gian, như quả địa cầu chúng ta đang ở, có thật hay không? Chúng ta chỉ cần xác định lại: Phàm cái gì có tướng là hư vọng giả dối, do nhân duyên hòa hợp, thể tánh là không. Quả địa cầu này tuy tuổi thọ quá dài, so với tám chín mươi năm tuổi thọ của chúng ta, nhưng có ngày cũng tan hoại. Khi đủ duyên thì hợp lại thành quả địa cầu quay vùn vụt trong hư không, khi hết duyên thì nó tan ra, lúc bấy giờ chúng ta sẽ ở đâu? Biết như vậy rồi chúng ta không còn tham lam giành giựt với nhau từng mảnh đất, để gây khổ cho nhau. Khi biết tâm không thật,
thân không thật, thời gian không thật, không gian không thật thì chúng ta tranh giành hơn thua nhau để làm gì? Biết như vậy rồi thì tu hành tâm dễ an. Khi tâm vừa duyên cảnh vật, dù xinh đẹp quý báu đến đâu, chúng ta đều biết đó là giả tướng duyên hợp không thật, thì tâm liền thôi dứt, buông xả. Như thế việc tu hành đòi hỏi chúng ta phải có trí tuệ nhận định đúng lẽ thật, thì sẽ không bị trần cảnh lôi cuốn và sai sử.
Trong bài Bát-nhã Tâm Kinh chúng ta tụng hằng ngày, có câu “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bátnhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Nghĩa là Bồ-tát Quán Tự Tại khi thực hành sâu trí tuệ Bát-nhã, Ngài soi thấy thân năm uẩn này tự tánh là không thì qua hết khổ nạn. Nếu thấy thân năm uẩn là thật thì khi bị nhục mạ, chúng ta sẽ đau khổ. Nếu thấy thân năm uẩn là không thật, thì còn gì khổ nạn. Như vậy tụng Bát-nhã để chiếu soi đúng lẽ thật, chúng ta sẽ vượt qua hết khổ nạn. Ứng dụng trí tuệ Bát-nhã vào việc tu hành mới độ được mình, độ được người và tất cả chúng sanh. Thế nên trí tuệ Bát-nhã rất là cần thiết để vào cửa thiền, vào nhà đạo.
Trong kinh Pháp Hoa đức Phật nói “Vào nhà từ bi, mặc áo nhẫn nhục, ngồi tòa nhất thiết pháp không”. Tòa nhất thiết pháp không là chỗ ngồi vững chắc nhất của đức Phật.
Trong kinh Kim Cang Bát-nhã, khi Bồ-tát làm việc bố thí ba-la-mật, tức là bố thí cứu kính, thì phải tam luân không tịch, nghĩa là ba phần rỗng lặng. Người bố thí, kẻ thọ thí và vật bố thí, cả ba thể tánh đều là không. Người bố thí, năm uẩn là không. Vật bố thí, do tứ đại duyên hợp, tánh là không. Hằng xét nét nhận định như vậy là bố thí ba-la-mật. Vì thế khi hành Lục độ Ba-la-mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ, đều phải có trí tuệ Bát-nhã mới đến cứu kính, sự tu hành mới tiến lên dễ dàng được.
Lý Bát-nhã là một thứ thuốc hiệu nghiệm vô cùng, mà cũng là mối họa to vô kể. Người hiểu lý Bát-nhã không đến nơi thì rơi vào địa ngục nhanh như tên bắn. Như người tu hành vào quán ăn thịt uống rượu, rồi lấy lý Không biện minh cho việc làm của mình, người ấy sẽ đọa vào địa ngục nhanh như tên bắn. Nếu hiểu lý Không một cách thấu đáo để buông xả vọng tưởng, không chấp vào sự vật, phá được ngã và ngã sở thì lý Bát-nhã là một thần dược lợi ích không lường.
Cùng một đề tài về lý Không. Người biết dùng nó là thuốc, người không biết dùng nó là bệnh. Ngày xưa Tổ Bá Trượng giảng dạy chư tăng, sau buổi giảng chư tăng đi tản mát hết, chỉ còn một ông già ngồi lại. Tổ hỏi: “Ông còn chuyện gì nghi ngờ mà không chịu đi?” Ông già thưa: “Bạch Hòa thượng, con không phải là người, con là kiếp hồ ly (chồn). Thuở xưa con làm vị tăng ở núi này, có Phật tử đến hỏi: ‘Người đại tu hành còn rơi vào nhân quả không?’ Con đáp: ‘Không rơi vào nhân quả.’ Do con trả lời Không nên đọa làm thân chồn năm trăm đời. Nay xin Hòa thượng nói cho con một câu để chuyển kiếp chồn này.” Tổ bảo: “Ông hỏi lại ta đi.” Ông già hỏi: ‘Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không?’ Tổ đáp: “Không lầm nhân quả.” Ngay câu nói này ông già đại ngộ, chuyển được kiếp hồ ly.
Tại sao nói “không rơi vào nhân quả” thì đọa làm thân chồn, mà nói “không lầm nhân quả” thì chuyển được kiếp hồ ly? Đối với người thế gian còn mê muội, luật nhân quả là một lẽ thật, không có cái gì có hình tướng mà không từ nhân thành quả. Cho nên nói “không rơi vào nhân quả” là phủ nhận lý nhân quả, tức là phỉ báng Phật, nên đọa làm thân chồn. Đối với người đạt đạo, thấy rõ lý nhân quả, biết thể tánh là không, nhưng duyên hợp giả có. Do đó khi nói “không lầm nhân quả” là thoát được kiếp hồ ly.
Đức Phật chủ trương nhân quả là căn cứ trên sự tướng của vạn vật. Vật có hình tướng cũng do nhân và quả, nghiệp thiện ác cũng do nhân và quả. Nếu chúng ta còn tâm mê thì không thể phủ nhận luật nhân quả được. Chỉ có người ngộ đạo mới không lầm nhân quả. Chúng ta phải đạt được lý Không đó mà không rơi vào chấp không. Vì vậy ngài Qui Sơn, đệ tử Tổ Bá Trượng, nói “Thật tế lý địa bất thọ nhất trần, vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp”. Chỗ lý thật tế không dính một mảy bụi, đó là chúng ta dùng trí tuệ thấy rõ tánh không của tất cả các pháp, các pháp đã không tướng mạo thì chỗ nào mà dính bụi bặm. Nhưng trong cửa muôn hạnh không bỏ một pháp. Vẫn tiếp tục độ chúng sanh mà không thấy có chúng sanh nào được độ, vẫn hành hạnh bố thí mà tam luân không tịch, vẫn lạy Phật, tụng kinh mà “Năng lễ sở lễ tánh không tịch”. Người năng lễ và đức Phật sở lễ tánh là không lặng, nhưng con đường cảm ứng thì không thể nghĩ lường, nên gọi là chân không mà diệu hữu.
Dùng trí Bát-nhã chiếu soi ngay nơi hình tướng của sự vật, biết thể tánh là không, nên kinh Bát-nhã nói “Sắc tức là không”. Ngay nơi tánh không, nhờ duyên hợp giả có sự vật, nên kinh nói “Không tức là sắc”. Đó là lý chữ “Không” trong Bát-nhã, không phải cái không trống rỗng.
Hình tướng của sự vật có to có nhỏ, nhưng thể tánh của chúng là không, không to không nhỏ. Cho nên căn cứ vào lý tánh, sự vật không chướng ngại nhau. Vì vậy có câu:
Càn khôn tận thị mao đầu thượng
Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung.
Nghĩa là “Cả càn khôn này rút lại bằng mảy lông. Mặt trăng, mặt trời nằm trong lòng hột cải”. Trên tánh không của cái thật to như càn khôn vũ trụ và tánh không của cái thật nhỏ như sợi lông, chúng không có ngại nhau mà dung thông nhau. To như mặt trời mặt trăng và nhỏ như hạt cải, vì thể tánh là không, nên nói sự vật to nhỏ hàm nhiếp lẫn nhau, không trở ngại. Cho nên người tu thiền phải dùng trí tuệ Bát-nhã biết lẽ thật cho đến nơi đến chốn.
Thiền sư Duy Tín đời Tống nói rằng “Trước ba mươi năm tôi thấy núi sông là núi sông, sau gặp thiện tri thức chỉ dạy, tôi thấy núi sông không phải núi sông, và sau ba mươi năm tôi thấy núi sông là núi sông”. Trước khi đến đây nghe giảng, quí vị thấy nhà là nhà, đường là đường, người là người, cái gì cũng thật hết. Đến khi nghe giảng giải, khéo dùng trí tuệ Bát-nhã thấy thân ngũ uẩn tánh là không, sự vật tánh là không, thì núi không thật là núi, sông không thật là sông. Đến ba mươi năm sau, mới thấy núi sông là núi sông. Bởi vì rõ biết sự vật tánh là không, nên tâm không còn chạy theo cảnh, không còn dùng trí tuệ Bát-nhã quán chiếu nữa, nên cuối cùng đến chỗ tâm như, cảnh như, thì thấy núi sông là núi sông.
Tổ Lâm Tế nói Tứ Liệu Giản, trong đó có: Thứ nhất là “Đoạt nhân bất đoạt cảnh”. Chỉ buông xả tâm vọng tưởng bên trong, không cần chiếu phá cảnh bên ngoài.
Thứ hai là “Đoạt cảnh bất đoạt nhân”. Nhìn ra ngoài thấy cảnh vật có tướng mạo đều là hư giả, thể tánh là không nên tâm không nhiễm cảnh.
Thứ ba là “Nhân cảnh lưỡng câu đoạt”. Cả trong và ngoài thể tánh là không, tướng duyên hợp hư giả nên tâm cảnh đều dẹp hết.
Thứ tư là “Nhân cảnh câu bất đoạt”. Đến chỗ tâm cảnh như như, không còn dụng tâm quán chiếu để dẹp nữa, thì núi sông là núi sông.
Đó là con đường tu thiền, Tổ đã dạy rõ ràng, mong quí vị hiểu cho thấu đáo để áp dụng vào việc tu hành.
Để kết luận bài giảng hôm nay, chúng tôi đọc bốn câu kệ của ông cư sĩ Bàng Long Uẩn:
Thập phương đồng tụ hội
Cá cá học vô vi
Thử thị tuyển Phật trường
Tâm không cập đệ qui.
Mười phương đồng tụ hội
Mỗi mỗi học vô vi
Đây là trường thi Phật
Tâm không thi đậu về.
Nghĩa là: Mười phương cùng nhóm họp. Mỗi người mỗi người đều học về lý bất sanh bất diệt. Đây là chỗ trường thi làm Phật. Người nào được tâm không là thi đậu, trở về quê hương vinh qui bái Tổ. Như vậy chúng tôi đã nhiệt tình dẫn quí vị “Vào Cửa Không” rồi, và chúng tôi sẽ chỉ cho quí vị “Ông Chủ Nhà” hay là “Bản Lai Diện Mục” trong bài giảng thứ ba sắp tới.
Hòa thượng Thích Thanh Từ
(Thiền viện Thường Chiếu)
Discussion about this post