VĂN HÓA THIỀN TÔNG
TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VIỆT NAM HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC
DƯƠNG THỊ THU HÀ
MỤC LỤC
1 Danh Mục Chữ Cái Chữ Viết Tắt
2 Danh Mục Các Bảng
3 Danh Mục Các Biểu Đồ
4 Mở Đầu
Chương 1. Tổng Quan Tình Hình Nghiên Cứu Và Cơ Sở Lý Thuyết Của Luận Án
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.2. Cơ sở lý thuyết và một số khái niệm, thuật ngữ
Tiểu kết
Chương 2. Thiền Tông Việt Nam Và Văn Hóa Thiền Tông Việt Nam
2.1. Thiền tông Việt Nam
2.2. Văn hóa Thiền tông Việt Nam
Tiểu kết
Chương 3. Ảnh Hưởng Của Văn Hóa Thiền Tông Trong Đời Sống Xã Hội Việt Nam Hiện Nay
3.1. Văn hóa Thiền tông đối với chính trị
3.2. Văn hóa Thiền tông đối với kinh tế
3.3. Văn hóa Thiền tông trong văn hóa
3.4. Văn hóa Thiền tông đối với xã hội
Tiểu kết
Chương 4. Xu Hướng Phát Triển Của Văn Hóa Thiền Tông Ở Việt Nam Hiện Nay Và Những Vấn Đề Đặt Ra
4.1. Những tiền đề để văn hóa Thiền tông Việt Nam phát triển
4.2. Xu hướng phát triển cơ bản của văn hóa Thiền tông Việt Nam hiện nay
4.3. Những vấn đề chủ yếu đặt ra với văn hóa Thiền tông Việt Nam hiện nay
Tiểu kết
Kết Luận
Danh Mục Các Công Trình Công Bố Kết Quả Nghiên Cứu Của Đề Tài Luận Án
Danh Mục Tài Liệu Tham Khảo
Phụ Lục
1. Tính cấp thiết của đề tài
1.1. Văn hóa Phật giáo là bộ phận hữu cơ của văn hóa dân tộc; trong đó, văn hóa Thiền tông nổi lên như một biểu tượng của văn hóa Phật giáo Việt Nam, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài những đóng góp về tư tưởng, văn hóa Thiền tông còn ảnh hưởng đến văn học, nghệ thuật, kiến trúc, lối sống của người Việt Nam… Những giá trị văn hóa và đóng góp của Thiền tông Việt Nam vào văn hóa dân tộc chính là văn hóa Thiền tông Việt Nam.
1.2. Những công trình nghiên cứu về Thiền tông nói chung, Thiền tông Việt Nam nói riêng chiếm số lượng khá đồ sộ. Các nghiên cứu này tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau như tôn giáo học, lịch sử, văn học, triết học, tâm lý học… Tuy vậy, những nghiên cứu tiếp cận Thiền tông dưới góc độ văn hóa học vẫn khiêm tốn về số lượng và mờ nhạt về hệ thống lý luận, trong khi giá trị văn hóa mà Thiền tông Việt Nam đóng góp vào nền văn hóa dân tộc lại không hề nhỏ bé. Những giá trị văn hóa của Thiền tông Việt Nam đã kết tinh thành di sản văn hóa dân tộc từ trong quá khứ như tư tưởng, thơ thiền, di tích, đạo đức, lối sống, các danh nhân… Cho đến nay, những giá trị đó tiếp tục đóng góp tích cực vào đời sống xã hội và đang phát triển, hoàn thiện hơn trong điều kiện thực tế.
1.3. Việc nghiên cứu Thiền tông Việt Nam với nhãn quan văn hóa học chính là nghiên cứu về văn hóa Thiền tông Việt Nam. Văn hóa Thiền tông Việt Nam được nhìn nhận ở những chiều kích cụ thể sau:
Thứ nhất, Thiền tông Việt Nam với dòng chủ đạo là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là dòng thiền của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng lập, đóng góp tích cực vào văn hóa dân tộc kể từ khi ra đời cho đến nay. Dòng thiền này góp phần thể hiện bản sắc văn hóa, đặc biệt là văn hóa Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, Thiền tông Việt Nam cần được nghiên cứu, bảo tồn và phát triển như một di sản văn hóa tinh thần do cha ông để lại cho chúng ta.
Thứ hai, Thiền tông Việt Nam mà cụ thể là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử từng gắn với triều đại nhà Trần nhưng qua thời gian, khi nhà Trần mất dần vai trò của mình trên chính trường chính trị, Thiền tông Việt Nam cũng dần mờ nhạt. Tuy nhiên gần đây, Thiền tông Việt Nam có xu hướng hồi sinh và trở thành hiện tượng văn hóa đáng quan tâm trong xã hội hiện đại. Sự hồi sinh đó được biểu hiện thông qua sinh hoạt văn hóa và đóng góp cụ thể của Thiền tông Việt Nam trong một số lĩnh vực đời sống xã hội. Điều này khiến cho Thiền tông Việt Nam trở thành đối tượng nghiên cứu của văn hóa Việt Nam hiện nay.
Thứ ba, sự hồi sinh và phát triển của Thiền tông Việt Nam phù hợp với xu hướng coi trọng sinh hoạt thiền trên thế giới hiện nay. Khi con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ của cuộc sống, người ta chọn thiền như một phương thức giúp cân bằng cuộc sống, lấy lại những giá trị nhân bản tích cực. Thiền thu hút nhiều người tham gia, thông qua sinh hoạt văn hóa mang đậm chất thiền (thiền định, cắm hoa, thưởng trà, tranh thiền, công viên thiền, du lịch thiền, ẩm thực thiền, vườn thiền, điêu khắc thiền, âm nhạc thiền, thơ văn thiền, zenspa…). Thiền tông Việt Nam là một bộ phận của thiền trên thế giới. Các sinh hoạt văn hóa của Thiền tông Việt Nam không chỉ thu hút nhiều người trong nước mà cả người nước ngoài. Trên thế giới có “Giải thưởng Trần Nhân Tông về hòa bình và hòa giải” (Trần Nhân Tông là người sáng lập thiền phái Trúc Lâm trước đây, tiền thân của Thiền tông Việt Nam hiện nay). Giải thưởng này do một số giáo sư Trường Đại học Havớt – Mỹ đề xướng, có sự tham gia của không ít giáo sư, học giả, cựu chính trị gia ở nhiều quốc gia khác nhau trong đó có Việt Nam. Hệ thống thiền viện và các khóa tu thiền của Thiền tông Việt Nam được tạo dựng không chỉ trong nước mà cả ở một số quốc gia trên thế giới. Như vậy, ảnh hưởng của văn hóa Thiền tông Việt Nam không dừng lại ở trong nước mà nó đã lan rộng ra quốc tế. Thiền tông Việt Nam trở thành gạch nối văn hóa Việt Nam với thế giới. Quan tâm, nghiên cứu và tạo cơ hội để văn hóa Thiền tông Việt Nam phát triển là cách để giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam với thế giới và để thế giới hiểu Việt Nam hơn. Điều này góp phần tạo dựng thương hiệu cho văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Thứ tư, những giá trị của Thiền tông dưới lăng kính văn hóa chính là giá trị văn hóa của Thiền tông hay văn hóa Thiền tông. Văn hóa Thiền tông Việt Nam hiện nay cần được nghiên cứu thấu đáo. Biểu hiện của văn hóa Thiền tông Việt Nam ra sao, ảnh hưởng của nó trong đời sống xã hội, xu hướng phát triển như thế nào cũng là những vấn đề cần quan tâm của đời sống xã hội hiện nay. Đây cũng là vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa về văn hóa, khi mà bản sắc dân tộc và hiện đại hóa văn hóa là điều kiện tồn tại và phát triển của dân tộc.
Với những lý do trên, tác giả chọn đề tài Văn hóa Thiền tông trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay làm đề tài Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa học.
Discussion about this post