VÀI NÉT CHÍNH CỦA
BA TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO
Hoang Phong dịch
A.G. : Để có thể nắm vững hơn về Phật giáo trong tình trạng hiện
nay, có thể chúng ta cần nói thêm về lịch sử Phật giáo và ba truyền thống chính
là Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa và Kim cương thừa. Ông có thể giải thích
thêm vài nét chính về các truyền thống ấy hay chăng ? Ta hãy bắt đầu với Phật
giáo Nguyên thủy ?
O.GT : Phần cốt lõi phát xuất từ nước Ấn, nhưng sau đó chính khả năng
thích ứng tuyệt vời của Phật giáo đã giúp Phật giáo hội nhập với các nền văn
hoá khác. Thật ra, những dị biệt giữa các học phái, hay là giữa các thừa Phật
giáo khác nhau, chỉ vỏn vẹn liên quan đến hai điểm : thứ nhất là truyền thống
văn hoá của quốc gia mà Phật giáo phát triển, thứ hai là các văn bản mà các vị
thầy đã sử dụng. Đối với trường hợp Phật giáo Nguyên thủy, các vị thầy căn cứ
vào các văn bản tiếng Pa-li. Đối với Phật giáo Đại thừa, các văn bản sử dụng là
tiếng Phạn. Và đối với Phật giáo Tan-tra, các văn bản lúc đầu là tiếng Phạn,
nhưng ngày nay là tiếng Tây tạng. Nói như thế để hiểu rằng khi du hành trong
các xứ đó, nếu có hai vị thầy gặp nhau, và khi họ gạt ra ngoài những tập quán
văn hoá, thì cả hai đều nhận ra rằng họ đã cùng xuất phát từ một cội nguồn
chung, đây quả thật là những gì hết sức tuyệt vời (4). Tuy thế, người ta vẫn
phải thừa nhận trong thừa Tan-tra có nhiều điều thần bí, trong khi đó, thiền
tông Zen chẳng hạn, lại tượng trưng cho những gì đơn giản nhất. Nhưng khi đã tu
tập bằng thiền định, người ta cũng có thể hình dung bên trong mỗi người chúng
ta những gì hiển hiện lên đều rất gần với nhau.
A.G. : Ông Christophe Boisvieux, ông cũng biết khá nhiều về Phật
giáo Nguyên thủy, vậy ông có gì để trình bày thêm hay không ?
C.B. : Theo tôi thấy những gì lý thú và gây nhiều ấn tượng nhất trong
Phật giáo Nguyên thủy, chính là sự kết hợp giữa tăng lữ và thế tục : tăng lữ
không thể tồn tại nếu không có thế tục, toàn thể xã hội thế tục phục vụ cho
tăng lữ, nhất là các phật tử cúng dường hàng ngày cho các nhà sư, đây là một
giới hạnh được ghi chép từ những lời giảng huấn của Phật : một nhà sư, hay một
tỳ kheo, phải tự mình khất thực. Giới hạnh này không thấy khuyến khích trong
các truyền thống khác. Tôi nghĩ đến trường hợp của Kim cương thừa, đến Phật
giáo Tây tạng chẳng hạn. Nhất định là có việc cúng dường cho tăng lữ, nhưng
không phải dưới hình thức như trên đây. Cách cúng dường trên đây là một tập
quán đã ăn sâu vào đời sống thường nhật, quả là những cử chỉ tuyệt đẹp. Thật
hết sức xúc động khi nhìn thấy, vào buổi sớm tinh sương, các tín đồ đi chân đất
để tỏ sự cung kính, đứng đợi trước ngưỡng cửa, chờ những nhà sư đi ngang để
cúng dường thực phẩm.
A.G. : O.GT : Ông có thể cho chúng tôi biết các điểm đặc
thù của Đại thừa hay chăng và nếu có thể, cả về Kim cương thừa nữa, Kim cương
thừa có vẻ như là sự tiếp nối của Đại thừa ?
O.GT. : Điểm mới mẻ và nổi bật nhất của Đại thừa là sự xuất hiện của
các vị Bồ-tát, đó là những sinh linh đã, hoặc có đủ khả năng để đạt được Phật
tính, có nghĩa là thể dạng của Phật, nhưng họ lưu lại làm người để hướng dẫn kẻ
khác trên đường đưa đến Giác ngộ và chấm dứt khổ đau. Vì thế, so với Phật giáo
Nguyên thủy, đây là một hình ảnh mới được xuất hiện thêm. Nói như thế, nhưng
người Phật giáo Đại thừa sẽ giải thích ngay cho chúng ta biết là chính Đức Phật
đã thuyết giảng về Đại thừa trên đỉnh Linh Thứu, nhưng những lời thuyết giảng ấy
được giữ bí mật (5), vì lẽ những người Phật giáo Đại thừa sẽ không chịu nhận là
Phật giáo Tiểu thừa có trước. Đây chỉ là những tranh luận giữa các học phái có
thể bỏ qua dễ dàng. Dù sao chăng nữa, trên bình diện tổng quát, người ta có thể
bảo rằng hầu hết những biểu tượng trung gian là các thần linh, lần lượt được
xuất hiện khi bước vào Đại thừa, và nhất là khi bước vào Kim cương thừa. Tuy
nhiên, trong Đại thừa vẫn có những đường hướng tu tập hết sức đơn giản : đó là
Thiền học. Thiền học xuất phát từ cách tu thiền trong Phật giáo gọi là định
(dyana), từ đó phát sinh Thiền tông ở Trung quốc và học phái Zen ở Nhật bản, và
cũng chính trong Thiền tông các biểu tượng trung gian trở nên kém quan trọng
hơn, bởi vì phần chính yếu là đi tìm thực tính bên trong của mỗi người. Như quý
vị thấy, tất cả những thứ này khá phức tạp, nhưng phần cốt yếu như đã nói trên
đây, là những gì truyền thụ từ thầy đến đồ đệ, đó là những gì hệ trọng hơn tất
cả những biểu tượng bên ngoài.
Chữ viết tắt:
– Cô A. Godefroy, nữ
ký giả phụ trách chương trình
– Ông O.
Germain-Thomas (1943…), nhà văn, đã xuất bản nhiều sách về Phật giáo, đồng
thời cũng là ký giả và phụ trách thiết kế nội dung các chương trình phát thanh
của đài Văn Hoá Nước Pháp (France Culture)
– Ông C. Boivieux
(1960…), ký giả và nhiếp ảnh gia, từng chu du khắp thế giới, nhất là các nước Á
châu, kể cả Việt Nam, đã xuất bản nhiều sách và hình ảnh về các chuyến du hành
của ông, tác phẩm mới nhất là « Bénarès-Kyoto » cũng vừa trúng
giải Renaudot năm 200
Trích từ sách:
NHÌN LẠI BẢN CHẤT
CON NGƯỜI
Hoang Phong biên soạn và dịch
Nhà xuất bản Phương Đông 2012
Discussion about this post