TỨ THÁNH ĐẾ
Lê Sỹ Minh Tùng
Ngày xưa, sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ-đề, đức
Phật Thích Ca đã tìm ra con đường giải thoát, có được thanh tịnh Niết bàn và
giác ngộ viên mãn. Sau khi thành đạo, Ngài đến vườn nai ở xứ Ba-la-nại để thuyết
giảng chân lý Tứ Diệu Đế cho nhóm ông Kiều Trần Như để chuyển bánh xe pháp và
năm vị đệ tử đầu tiên này đều trở thành A la hán. Kinh Chuyển Pháp Luân được
xem như là bài thuyết pháp đầu tiên của đức Phật sau khi Ngài đắc đạo dưới cội
Bồ đề. Từ đó Tứ Diệu Đế được xem là chân lý, là sự thật chắc chắn toàn hảo nhất.
Tứ Đế đối với Phật giáo Nguyên thủy là con đường
duy nhất để có giải thoát giác ngộ chứng đắc Thánh quả A la hán. Trong khi đó,
Phật giáo Đại thừa xem nó chỉ là giáo lý cơ bản Phật dạy trong lúc ban sơ mà giáo lý
Bát Nhã nói về Tánh Không, Phật tánh mới là cứu cánh tối thượng.
Vậy thế nào là Tứ Diệu Đế?
Sự sinh tồn cũng như xoay vần của tất cả các loài trên thế gian và vũ trụ
đều nằm trong một quy luật thiên nhiên cho nên khi đức Phật đoạn trừ hết các lậu
hoặc, tâm bừng sáng thì Ngài nghiệm chứng và thấy biết rõ ràng những chân lý
thiên nhiên đó. Ngài chỉ dạy cho chúng sinh con đường sống hạnh phúc tùy thuận
theo chân lý mà có được an vui tự tại trong cái cõi đời có tan có hợp này.
1)Khổ đế: Khổ là chỉ chung cho trạng thái thân
tâm bị bức bách khổ não. Đức Phật đã đưa ra tam khổ, bát khổ là những biểu tượng
căn bản khiến con người không bao giờ được toại ý vừa lòng.
2)Tập đế: Nói về sự sinh khởi và chứa nhóm và là
nguồn gốc của tất cả các khổ mà con người ở thế gian phải gánh chịu. Ở phần
này, đức Phật giới thiệu Kiến Hoặc và Tư Hoặc là những căn bản phiền não khiến
cho con người gánh chịu
biết bao điên đảo hằng ngày.
3)Diệt đế: Diệt là tịch diệt. Nếu chúng sinh đoạn
trừ cội gốc những nỗi khổ thì chứng nhập vào cảnh giới tịch diệt thanh tịnh Niết
bàn.
4)Đạo đế: Đạo là thông suốt. Vì thế Diệt đế là sự
thật về con đường diệt khổ, chính là Bát Chánh đạo.
Chân lý Tứ đế được chia làm 3 giai đoạn và mỗi giai đoạn
có 4 hành tướng nên gọi là Tam chuyển thập nhị hành tướng. Đó là Thị chuyển,
khuyến chuyển và chứng chuyển.
1)Thị chuyển là Phật chỉ bày rõ ràng bốn lẽ thật
có tánh cách khách quan. Phật dạy: Đây là khổ đế, đây là tập đế, đây là diệt đế
và đây là đạo đế.
2)Khuyến chuyển là Phật khuyên nhủ và khuyến
khích 5 vị Tỳ kheo bây giờ hãy chánh tư duy để phát sinh trí tuệ. Đây là khổ đế
các ông phải biết. Đây là tập đế các ông phải đoạn. Đây là diệt đế các ông phải
chứng. Đây là đạo đế các ông phải tu.
3)Chứng chuyển là Phật nói đối với các pháp Tứ Đế
các ông đã biết, đã tu, đã đoạn và đã chứng. Đây là khổ ta đã biết, đây là khổ
tập ta đã đoạn. Đây là khổ diệt ta đã chứng và đây là khổ đạo ta đã tu.
Những gì đức Phật dạy phát xuất từ đời sống kinh nghiệm
và chứng đắc của bản thân vì thế Ngài dạy chúng sinh những ý chí sắt đá, trí tuệ
cao siêu, đức sống vị tha, sự thoát ly và đặc biệt là sống đời gương mẫu làm lợi
ích cho mình, cho người. Con người vĩ đại đó, tấm lòng đại từ đại bi đại trí tuệ
đó, phương pháp giáo dục siêu việt đó của đức Phật đã làm cho thế giới kính phục
Ngài như một đạo sư siêu việt nhất trong lịch sử nhân loại. Đạo Phật là đạo thực
hành nên đức Phật không dạy chúng sinh những giáo lý ảo tưởng, hoang đường mà
Ngài dạy những phương trình, những công thức rất thực dụng để chúng sinh tùy
theo căn cơ, sở nguyện của mỗi người mà áp dụng để có thực chứng.
Vì thế phương pháp “tam chuyển thập nhị hành tướng” phản
ảnh rất trung thực đường lối giáo hóa của đức Phật. Trước hết đức Phật giảng giải
cho biết giáo lý Ngài muốn nói cho đến khi đệ tử thấu hiểu rõ ràng. Lần thứ hai
hiểu rồi thì phải cố gắng tu. Lần thứ ba tu rốt ráo thì sẽ chứng đắc, tự mình
nghiệm chứng được chân lý.
Do đó nếu người tu
Phật dậm chân tại chỗ ở giai đoạn thứ nhất thì không bao giờ hưởng được hương vị
giải thoát cũng như nói ăn mà không ăn thì không bao giờ no được.
Về sau, Đại sư Trí Khải của Thiên Thai tông dựa theo
thuyết của kinh Thắng Man, kinh Niết Bàn mà lập ra 4 loại Tứ đế sâu cạn khác
nhau, được phối hợp với Tứ giáo: Tạng, Thông, Biệt, Viên.
1)Sinh diệt Tứ đế: Do Tạng giáo chủ
trương, dựa vào sự sinh diệt của các pháp hữu vi mà quán nhân quả của Tứ đế là
thật có sinh diệt.
2)Vô sinh Tứ đế: Do Thông giáo chủ
trương, dựa vào các pháp do nhân duyên sinh là “Không” tức là vô sinh mà quán
nhân quả mê ngộ của Tứ đế đều là Không (Vô) và Vô sinh diệt.
3)Vô lượng Tứ đế: Do Biệt giáo chủ
trương. Họ dựa vào hằng sa vô lượng sự sai biệt của giới nội, giới ngoại mà
quán tất cả hiện tượng đều do nhân duyên sinh, có vô lượng sự sai biệt cho nên
Tứ đế cũng có vô lượng tướng.
4)Vô tác Tứ đế: Do Viên giáo chủ
trương, dựa vào đương thể của mê ngộ tức thật tướng mà quán sự mâu thuẫn đối lập
giữa mê và ngộ. Sự hình
thành của tất cả các pháp thật ra không có ai là tác giả cả mà chẳng qua là do
sự duyên khởi tác tạo mà thành.
Tại sao tư
tưởng Đại thừa quan niệm 37 phẩm trong phần Đạo đếlà trợ đạo? Đây là điểm khác biệt giữa
hai tư tưởng Đại thừa và Nguyên thủy. Nguyên thủy cho rằng Đạo đế là con đường vững chắc đưa hành giả
đoạn trừ hết vô minh phiền não, tận diệt từ Kiến Hoặc, Tư Hoặc đến Vô Minh Hoặc,
tâm trí bừng sáng, đạt Lục thông, đắc Tam Minh trở thành Thánh giả. Chính đức
Phật cũng từ con đường này mà thành tựu đạo quả Bổ Đề và có biết bao các Tỳ
kheo khác cũng theo con đương này mà trở thành A la hán. Vì thế dựa theo Phật giáo Nguyên
thủy, đức Phật là vị A la hán đầu tiên trong số hàng ngàn vị A la hán khác cho nên A la hán là quả vị tối thượng
ngang hàng với Phật. Sở dĩ đức Phật Thích Ca là Phật duy nhất trong thế gian bởi
vì Ngài là người chứng đạo đầu tiên, là người khai sáng ra đạo Phật và cũng là
vị đạo sư cho những vị A la hán sau này. Trong kinh Bộ Tương Ưng, đức Phật
tuyên bố chính Tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputa) đã chứng ngộ và thâm hiểu giáo lý
Duyên Khởi (Pratiyasamutpada) rất sâu thẳm như chính Thế Tôn vậy. Ngoài ra, còn
có những bậc Thánh giả khác như các Tôn giả Đại Ca Diếp (Mahkassapa), Mục Kiền
Liên(Maggallana), Phú Lâu Na…cũng chứng đắc một số khả năng về những lãnh vực
như giảng giải thuyết pháp, xuất nhập các cấp độ thiền, thi thố thần thông
ngang bằng đức Phật. Đức Phật trong ngũ bộ kinh Nikayas không hề phát biểu lời
tuyên bố nào để phân biệt sự khác nhau giữa Ngài và các vị A la hán ngoại trừ lời
nói sau đây trong kinh Tương Ưng:
Này các Tỳ kheo! Như
Lai là vị A la hán, bậc chứng ngộ hoàn toàn. Như Lai là người đã khiến cho con
đường trước kia chưa sinh khởi nay sinh khởi, đưa ra con đường trước kia chưa
được đưa ra, làm hiển lộ con đường trước kia chưa từng hiển lộ, là vị nhận biết
con đường, hiểu rõ con đường và là vị thiện xảo trong con đường. Và giờ đây,
này các Tỳ kheo, hàng đệ tử là người đi theo con đường của Như Lai. Này các Tỳ
kheo! Đó là nét đặc biệt, sự đặc thù để phân biệt Như Lai, bậc A la hán, vị chứng
ngộ hoàn toàn với các Tỳ kheo đã giải thoát.
Trong khi đó,Phật giáo Đại thừa cho rằng 37 phần trợ duyên
chỉ là những điều kiện phụ thuộc, phải làm nó mới có, nhưng nó không phải là Bồ
Đề Niết bàn. Có thể ví trợ duyên giống
như những máy móc tân kỳ của dàn khoan dầu hỏa ở ngoài biển khơi. Nhờ những máy
móc tân kỳ đó, những dàn khoan hiện đại đó mà tìm ra dầu hỏa, chớ dàn khoan
không phải là dầu hỏa được. Bởi vì dầu hỏa tự nó đã có rất lâu dưới lòng đại
dương mà mãi đến nay con người mới có đủ kỹ thuật tân tiến để tìm và lấy nó. Vì
thế Phật giáo Đại thừa lý luận rằng Phật tánh đã có sẵn trong tất cả mỗi chúng
sinh từ vô thỉ rồi chớ không phải tu hành mới có cho nên tu hành chỉ là trợ
duyên để tìm thấy Phật tánh vốn sẵn có của mình. Đó chính là tôn chỉ của kinh
Pháp Hoa vì ai ai cũng đều
có Tri Kiến Phật (Phật tánh) và từ đó đức Phật Thích Ca mới dám thọ
ký cho tất cả chúng sinh sẽ thành Phật. Vì lý luận như thế nên tư tưởng Đại thừa
không chú trọng vào Diệt đế, Đạo đế mà chủ yếu là Phật tánh, nhưng cái gốc tham sân
si không nhỗ sạch thì làm sao thành Thánh giả? Không lẽ nói “trong tâm có Phật” rồi thành Phật được
sao? Đây chẳng qua chỉ là “Lý tức Phật” trong “Lục tức Phật” do Trí Khải viết
ra, còn đến “Phần chứng tức Phật” thì phải phá cho hết 41 lớp vô minh dày đặc
trong tiến trình hoàn thành Thập địa. Trí
Khải còn giải thích thêm rằng Phật tánh là chân lý tối hậu mà chúng sinh có thể
đạt đến và Phật tánh cũng là “mục tiêu cứu rỗi“ sau cùng cho nên bất cứ
nơi đâu cũng không bỏ chúng sinh.
Quan
niệm của Phật giáo Nguyên thủy cho rằng con người phải cố gắng siêng năng làm
việc, càng siêng năng càng cần kiệm thì sẽ có nhiều tiền. Đó là phải diệt trừ
cho hết cái gốc của phiền não vô mình thì tâm sẽ bừng sáng, chứng đắc Thánh quả,
có được Niết bàn mà không cần phải tin vào sự hứa hẹn gì hết. Trong khi đó quan
điểm của Đại thừa cho rằng dù bạn có làm nhiều tiền hay ít thì vẫn không thành
vấn đề vì trước sau bạn sẽ trở thành triệu phú bởi vì trong bạn đã có sẵn một
gia tài to lớn. Chẳng khác nào anh chàng Cùng Tử trong kinh Pháp Hoa nghĩ mình
nghèo khổ trong khi người cha là đại phú gia sẵn sàng giao lại cho anh ta một
gia tài khổng lồ. Vì vậy, đối với Phật giáo Đại thừa không có vấn đề chứng đắc
vì chứng đắc chẳng qua là trở về với Bổn Phật của mình chớ không có thêm bớt được
gì. Nếu đứng về phương diện tích cực mà nói thì tư tưởng Tri Kiến Phật (Phật
tánh) trong kinh Pháp Hoa đem lại sự bình đẳng cho tất cả mọi người vì ai cũng
đều là Phật. Do đó không có nhân bản
nào hơn nhân bản kinh Pháp Hoa, không có dân chủ nào hơn dân chủ kinh Pháp Hoa
và không có bình đẳng nào hơn tinh thần bình đẳng của kinh Pháp Hoa. Đó là
trong tất cả mọi người cho dù là bạc địa phàm phu, tội lỗi tràn ngập cũng đều
có sẵn Tri Kiến Phật giống y như Phật và tất cả mọi người là Phật, tất cả mọi
người đã thành Phật và tất cả mọi người sẽ thành Phật. Bây giờ nếu đứng về
phương diện tiêu cực mà nói thì Bổn Phậtlà đức Phật đã thành Phật từ vô lượng kiếp trước chớ không
phải mới thành Phật tại thế giới này nhờ công phu tu thiền định. Nói cách khác
Bổn Phật không phải là đức Phật lịch sử, mà là một thực thể siêu việt, vượt
hiện thế, vĩnh hằng và vô hạn tức là “Pháp thân Tỳ lô Giá Na”. Cho nên
đức Phật Thích Ca chỉ là nhân vật được “đức Bồn Phật” gởi đến với thế
gian để tạo thành một nhân vật có hình thể là một con người, có một đời sống
sinh hoạt giống hệt như một con người thường tục để thuyết giảng Chánh Pháp cho
nhân thế. Giải thích như vậy thì giáo pháp này đâu có
khác gì Thiên Chúa giáo vì thế trong kinh Pháp Hoa mới có phẩm Tín Giải tức là do
giải ngộ mà có đức tin sâu xa không thoái chuyển.Nói thế thì người đệ tử Phậtthật
sự có vấn đề, bởi vì những gì Phật làm thì chỉ có Phật mới làm được vì Ngài là
Superman, còn chúng sinh là phàm phu tục tử thì đừng hoài công, vô ích. Mà
không tự mình làm được thì sinh ra cầu nguyện, van xin, (lập ban hộ niệm)?
Bồ Tát
Mã Minh ra đời vào cao điểm của thời kỳ phân hóa giữa các bộ phái Phật giáo và
cũng là thời điểm thịnh hành của Bà la môn giáo, đã thần thánh hóa đức Phật là
con người vũ trụ trong bộ Đại Thừa Khởi Tín Luận. Ngược lại giáo lý Nguyên thủy
xác định đức Phật Thích Ca là một con người bình thườngnhư trăm vạn
chúng sinh khác trong thế gian này chớ Ngài không phải là thần linh hay
Superman gì cả.Trong Trường Bộ Kinh Tập 1, Kinh Đại Bổn 14 có câu:”Này các
Tỳ kheo! Pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, chư thiên đỡ
lấy Ngài trước, sau mới đến loài người. Pháp nhĩ là như vậy”. Như thế theo
kinh tạng Nguyên thủy, sự đản sanh của đức Phật là một con người bình thường,
Hoàng hậu Ma-da cũng hoài thai như muôn ngàn thiếu phụ khác. Đến ngày khai hoa
nở nhụy, Thái tử Tất Đạt Đa cũng chào đời qua lòng mẹ như mọi đứa trẻ khác trên
thế gian này. Đức Phật sinh ra và lớn
lên trong
cung vàng điện ngọc,nhưng Ngài thấy rằng những nỗi khổ
lúc nào cũng tiềm ẩn phía sau tuổi trẻ, sức khỏe và đời sống của tất cả mọi
chúng sinh.Vì nhận thức như thế Ngài từ bỏ cung vàng điện
ngọc cốt là để đi tìm chân lý cứu khổ, một con đường giải thoát trước tiên là
cho chính Ngài chớ không phải mang một tâm tư hoài bảo vĩ đại muốn cứu rỗi cho
tất cả mọi chúng sinh. Ngài đã ra đi, bỏ lại tất cả, viễn ly mọi ràng buộc thế
tình, trở thành một nhà tu khổ hạnh và phải tranh đấu với những hoàn cảnh khắc
nghiệt để mong tìm thấy được ánh sánh
chân lý. Sau 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ-đề, Ngài đã tìm ra con đường giải
thoát, có được thanh tịnh Niết bàn và giác ngộ viên mãn. Ban đầu Ngài có khuynh
hướng giữ im lặng, không muốn đem giáo pháp Ngài vừa thực chứng dưới cội Bồ-đề
giảng giải lại cho thế gian. Có lẽ lúc đó Ngài muốn theo đuổi con đường của một
vị Độc giác Phật. Sau khi vị Phạm thiên Sahampati năn nỉ, đức Phật mới nhận lời sẽ truyền dạy lại những gì Ngài
thật chứng cho chúng sinh để cùng có giải thoát Niết bàn và thoát ra khỏi sinh
tử trầm luân. Vì thế đạo Phật mới gọi là
đạo giải thoát. Giải là cởi mở nghĩa là cởi mở những trói buộc để thoát ra khỏi
mọi hình thức đau khổ của đời sống.Ở đây, đức Phật xiễn dương tình thần khách
quan bình đẳng với tư
tưởng rất thực tế là ai ai cũng đều có máu đỏ và nước mắt cùng mặn như nhau.
Trong
khi Phật giáo Đại thừa chú trọng vào đức tin, ở đây giáo lý Nguyên thủy lấy trí
tuệ làm nền tảng chớ không phải đức tin. Trong kinh Kalama (Tăng Chi III.65) đức Phật dạy rằng:
–Này quý vị Kalama, đương nhiên quý vị có những nghi ngờ,
phân vân! Khi có điều đáng nghi ngờ, đương nhiên phân vân khởi lên.
-Này quý vị
Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin
vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận,
đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa
theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì
nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình.
-Nhưng này quý
vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp
này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được
thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng.
-Nhưng này quý
vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này
là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực
hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc’, quý vị hãy đạt đến và an trú.
Theo Nguyên thủy thì không thể có 2
đức Phật cùng xuất hiện nên chủ trương thuyết “Nhất Phật”, đó là chỉ có duy nhất
Phật Thích Ca trong thế giới này mà không hề có Phật A Di Đà, Phật Dược Sư và
dĩ nhiên không có Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù hay Phổ Hiền trong hệ
Nguyên thủy. Nhưng Phật giáo Đại thừa thì cho rằng có nhiều vị Phật xuất hiện
cùng lúc, phía Tây có Phật A Di Đà, phía Đông có Phật A Súc và vô số Phật tồn tại
mà kinh điển gọi là “Thập phương hằng sa chư Phật”. Chẳng những thế, tam thế
chư Phật có 1000 vị Phật trong quá khứ, 1000 vị Phật ở hiện tại và 1000 vị Phật
ở vị lai. Tổng cộng 3 kiếp là 3000 vị Phật.
Về sau, các vị thần của Ấn Độ giáo
được đưa vào trong Phật giáo Đại thừa dưới dạng các vị Bồ Tát, các cõi trời
cũng được đưa thêm vào mà Phạm Thiên là một bằng chứng cụ thể. Do đó khi có sự
xuất hiện của các vị Bồ Tát trong Phật giáo Đại thừa, Ấn Độ giáo liền thần thánh hóa đức Phật, cho rằng đức Phật là vị tái sinh thứ 9 của vị thần
Vishnu (hiện thân của thần sáng tạo ra thế gian) và Bồ Tát Quán Thế Âm là thần Shiva. Chẳng những thế, tư
tưởng Bất nhị của Phật giáo Đại thừa và Ấn Độ giáo gần giống hệt như nhau. Chính điều này đã xóa tan sự khác biệt giữa hai tôn giáo và họ
chứng minh rằng Phật giáo chỉ là một tông phái của Ấn Độ giáo.
Ngay cả tiến sĩ Radhakrishnan cũng phải thốt lên rằng:
– Một tiến trình thâm nhập và sửa đổi từ từ đã phát
triển, như việc ủng hộ thuyết cho rằng Đại Thừa Giáo chỉ là một giai đoạn phân
phái trong trào lưu lớn những người thờ thần Vishnu, Tiểu Thừa Giáo, với tính
chất khổ hạnh nhiều hơn, được coi như một phái của người thờ thần Shiva. Khi
tín ngưỡng Bà La Môn khắc sâu tình thương mọi loài và sùng bái thần linh và
tuyên bố rằng Đức Phật là hóa thân của Vishnu, hồi chuông báo tử của Phật Giáo ở
Ấn Độ đã vang lên.
Cũng nên nói thêm, Bà la môn (Ấn Độ giáo) là một tôn
giáo lớn ở Ấn Độ có trên 1000 năm trước khi đạo Phật ra đời và đã trải qua ba
thời kỳ: Vệ Đà Thiên Thư (Veda), Phạm Thiên Thư (Brahmana) và Áo Nghĩa Thư
(Upanishad). Thời kỳ Vệ Đà chú trọng về nghi thức cúng tế thờ phượng nên sang đến
thời kỳ Áo Nghĩa Thư thì Bà la môn chuyển mình sang triết học. Đó là giai đoạn
khoảng năm 800-600 trước công nguyên. Đây cũng chính là thời kỳ đức Phật Thích
Ca ra đời. Ấn Độ giáo chủ trương như thế nào?
1)Con đường giải thoát phải tìm ở tự nơi mình, không
phải là tìm ở bên ngoài cho nên nhân của giải thoát là tự giác, nhân của luân hồi
là bất giác.
2)Muốn thoát khỏi luân hồi cần phải an trụ cái Bản
Tánh và bồi dưỡng phần trí tuệ.
3)Đây là phần phát minh trực quán trí, tức là tu Du
già (Yoga). Cứ thế mà tu dần dần chân ngã sẽ toàn diện. Đến lúc ấy thì Tiểu ngã
(Atman) trở thành Đại ngã (Brahman) tức là có giải thoát, chấm dứt luân hồi.
Kinh Vệ Đà chú trọng về nghi thức cúng tế thờ phượng,
Áo Nghĩa Thư chủ trương khai triển nền giáo lý Vệ Đà trên phương diện triết học.
Tư tưởng Áo Nghĩa Thư cho rằng con người có một linh hồn gọi là tiểu ngã
(Atman), là một trong số 25 đế do học phái Số Luận lập ra. Học phái Số Luận tin
rằng linh hồn là tinh thần thuần túy thật có chính là Thần ngã thường trụ, độc
tồn trong mỗi chúng sinh. Khi tự ngã của chúng sinh chưa hòa nhập với Bản Thể
tuyệt đối của đấng Phạm Thiên, gọi là Đại ngã, thì họ vẫn còn phải luân hồi
trong vòng sinh tử. Vì thế cứu cánh tối thượng là phải hòa đồng Tiểu ngã với Đại
ngã vào bản thể của vũ trụ, vô lượng vô biên trong một trạng thái hằng hữu vĩnh
cửu.
Trong khi Ấn Độ giáo tuyệt đối tin vào một linh hồn, một
tiểu ngã thường hằng bất biến thì thuyết Duyên Khởi của đức Phật đưa ra chân lý
“Vô Ngã” là một trong ba pháp ấn (Vô thường, Vô ngã, Khổ) của giáo lý Phật Đà để
phủ định cái Ngã trong Ta của Bà la môn giáo. Ấn Độ giáo càng phát triển vun bồi
cho Tiểu ngã bao nhiêu thì giáo lý đạo Phật chủ trương càng xa lìa, đánh đổ nó
để trở về với trạng thái không dính mắc mà có thanh tịnh tự tại Niết bàn. Vì thế
con đường giải thoát của đạo Phật là phải phá chấp, trong thì phá chấp ngã,
ngoài thì phá chấp tướng, trong ngoài tự tại là có được thanh tịnh Niết bàn.
Phật giáo Nguyên thủy tìm sự giải thoát bằng cách hóa
giải hết Kiến Hoặc, Tư Hoặc và Vô Minh Hoặc, tâm dần thanh tịnh, lậu hoặc tiêu
tan, chứng đắc giải thoát Niết bàn trở
thành A la hán.
Đối với Phật giáo Đại thừa, tam pháp ấn bây giờ là Vô
thường, Vô ngã và Niết bàn. Con đường giải thoát của Phật giáo Nguyên thủy là
đoạn trừ hết các lậu hoặc, tiêu trừ hết mầm mống tham sân si trong khi đó Phật
giáo Đại thừa chủ trương giải thoát bằng cách Chân Không hóa tất cả mọi ý niệm,
mọi tư tưởng chấp ngã, đam mê. Ta là không, vạn vật là không, duyên sanh cũng
là không để đạt đến Chân Không mà trong đó khái niệm về những phạm trù đối đãi
nhị nguyên biến mất. Đến đây, ý thức cũng không, vô ý thức cũng không, hữu hay
vô hữu cũng không. Trong thế giới bản thểtuyệt đối Chân Không Diệu Hữu này, con
người sẽ sống rất thanh tịnh với chơn tâm, Phật tánh thanh tịnh của chính mình
vì thế tư tưởng Đại thừa không có chứng đắc là ở chỗ này. Đại thừa dùng chữ
“VÔ” để quét sạch mọi kiến chấp. Tiểu ngã cũng quét, Đại ngã cũng quét ngay cả
phương tiện để quét cũng bị quét luôn. Giáo lý Phật Đà chỉ là phương tiện, như
con đò, nhưng khi sang được sông rồi thì phải bỏ đò lại và ngay cả người đưa đò
tức là đức Phật cũng phải bỏ luôn. Ngay cả ý niệm về bến đò cũng phải bỏ, không
còn bên này là bờ khổ đau, bên kia là bờ giải thoát, thì mới đạt đến cứu cánh tối
thượng là Niết bàn Chơn Như.
Nói chung, giáo lý Đại thừa rất hay, rất cao siêu nghiêng về thế giới siêu
hình vì được trước tác và biên soạn bởi những triết gia, luận sư nổi tiếng xuất
sắc nhất của Phật giáo khoảng từ 600 năm đến gần 1000 năm sau ngày đức Phật nhập
diệt là Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước và Thế Thânđể đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của
giới tín đồ nhằm duy trì sức sống của Phật giáo trong khi phải đương đầu với sự
đàn áp của các tôn giáo hữu thần, đặc biệt là đạo Bà la môn.Tư tưởng
Du Già đã bắt đầu hình thành vào thời Long Thọ, nhưng mãi đến mấy thế kỷ sau
triết lý này mới được phát huy đến mức cao độ bởi Vô Trước và người em là sư Thế
Thân. Họ lấy tư tưởng “Ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết do tâm tạo”
trong kinh Hoa Nghiêm, một tuyệt táccủa Long Thọ làm tiêu chuẩn để luận giải, đặc
biệt là phẩm Thập địa để giới thiệu tư tưởng Pháp Thân, Ứng Thân và Báo Thân. Phái
Du Già tin vào chủ nghĩa “duy tâm siêu hình” mà theo đó tâm thức sáng tạo
ra đối tượng của nó nhờ vào những năng lực tiềm ẩn nội tại. Thế Thân lý luận rằng
tất cả vạn hữu trong thế giới hữu vi này mà con người biết được, trong thực tế
đều chỉ là cấu trúc của tâm thức bởi vì những vật thể đó cũng chỉ là sự thông
giải do tâm trí của con người đặt ra. Dưới mắt các học giả Tây phương, Du Già
là một triết học mang tính duy tâm chủ nghĩa (idealism) vì nó lấy sự thông giải
tâm thần các kinh nghiệm của con người làm điểm phát xuất. Phái Du Già chú trọng
về mặt tâm lý và tin rằng cái tuyệt đối nếu đứng về phương diện thực dụng thì
có thể được diễn tả như là tâm, ý hay thức. Do đó, lý thuyết của Du Già là một
thứ chủ nghĩa duy tâm siêu hình. Hai trường phái Trung quán (Long Thọ) và Du
già (Vô Trước) rõ ràng là hoàn toàn khác biệt nhau về con đường cũng như cứu
cánh giải thoát cho nên sự tranh cải giữa hai tư tưởng thường hay xảy ra. Đối với
những người tin theo phái Trung luận thì cho rằng giáo lý của phái Du Già có vẽ
như là một sự sai lầm, quá ảo tưởng nên không thể hiểu được. Trong khi đó, phái
Du Già xem giáo lý Trung luận chỉ là điểm khởi đầu, nhưng đã đi chênh lệch đường
hướng chân lý và cốt tủy bí truyền của Phật giáo. Long Thọ phát triển những
giáo lý thâm diệu, đặc biệt là “Tánh Không” theo chiều hướng Bát Nhã củaĐại trí
Văn Thù, trong khi đó Vô Trước và Thế Thân đi theo con đường “Duy thức” của Bồ
Tát Di Lặc. Khi ngài Huyền Trang đem từ Ấn Độ về Trung Hoa mười cuốn chú giải bộ
Duy thức tam thập tụng của Thế Thân và sau đó kết hợp tất cả lại thành một cuốn
dựa trên Duy thức tông hay Du già hành tông với căn bản là Thành duy thức luận
theo kiểu Trung Hoa.
Với những danh tự mới, bối cảnh mới và lối giải thích mới, kinh điển Đại
thừa đã thổi một luồng sinh khí tươi mát và sống động vào trong thế giới Phật
giáo lúc bấy giờ, nhưng thật chất con đường trở về với Phật tánh đâu có dễ như
lý thuyết vì có bao người thành tựu được như Lục Tổđâu? Tư tưởng siêu hình nghiêng
về biện thuyết đưa con người xa dần với tôn chỉ của đạo Phật là diệt khổ tức là
đạo thực hành. Giáo lý diệt khổ là những chân lý rất căn bản, rất thực tế. Nếu
không là Thánh giả thì tâmcòn dính mắc thế trần. Lậu Hoặc chưa diệt thì lòng si
mê, tham đắm vẫn còn cho nên ngày nay đạo Phật chao đảo chông chênh khiến cho đạo
không ra đạo, đời không ra đời là vậy. Cửa chùa dựa theo tinh thần Bát Nhã phải
là cửa Không mà thật sự có là cửa Không chăng?Đạo Phật là đạo thực hành vì có
thực hành mới cảm nghiệm sự thực chứng vì thế vào thời đức Phật còn tại thế,
Ngài dạy cho biết bao vị Tỳ kheo những giáo pháp rất cơ bảnchớ không nói những
triết lý siêu hình ảo tưởng, như quán về sự vô thường của tạo hóa, họ quán đến
khi lậu hoặc tiêu tan, tâm trí bừng sáng, trở thành Thánh giả. Vì thế cứu cánh
của giáo lý Phật Đà là dùng Chỉ, Quán để tiêu trừ lậu hoặc. Ngày nay, học giả
thì nhiều, lý luận rất hay nhưng hành giả có rất ít bởi vì con người nghiêng về
lý thuyết nhiều hơn cho nên tốn công rất nhiều mà kết quả thật sự chẳng có bao
nhiêu. Lý luận thì cao siêu lên vút tận trời xanh, nào là Bát Nhã, nào là Tánh
Không, nào là Duy Thức, nhưng cái căn bản ở dưới đất lại quên đi cho nên nói
thì hay mà tánh tham không bỏ, tật đố không chừa, không lìa tranh chấp thì
chính mình chẳng được lợi ích gì chỉ là
lý thuyết suông.
Tóm lại Tứ Đế là chân lý thoát khổ, giúp chúng sinh lìa khổ được
vui, tâm hằng thanh tịnh an vui tự tại, chứng đắc giải thoát Niết bàn.
THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
Sau đó Phật nói pháp “Thập Nhị Nhân Duyên” , đó là mối
quan hệ “nương nhau, đợi nhau” của tất cả các pháp. Kinh Tạp A Hàm 12
cho rằng pháp Duyên Khởi là chân lý vĩnh hằng bất biến, chính đức Phật nhờ quán
sát chân lý này mà được khai ngộ. Pháp Duyên Khởi chỉ cho sự khổ não của loài người được
hình thành như thế nào (Lưu chuyển môn) và việc diệt trừ khổ não như thế nào để
đạt đến chứng ngộ (Hoàn diệt môn).
1)Chiều lưu chuyển: Nguyên nhân của tất cả mọi sự khổ
não và sinh tử trầm luân bắt đầu từ vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức
duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ
duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh và sau cùng sanh duyên
lão tử. Đây là con đường sinh ra ưu bi khổ não.
2)Chiều hoàn diệt: là con đường dứt khổ để chứng đạt
thanh tịnh Niết bàn. Cũng bắt đầu từ vô minh, nhưng bây giờ nếu vô minh diệt
thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt…cho tới sanh diệt thì lão tử diệt cho
nên ưu bi khổ não tiêu tan biến mất.
Con người từ trong vô thỉ chạy theo Vô Minh si mê tăm tối
mà tạo ra những việc thiện, ác tức là Hành (nghiệp) tích tụ trong Tàng
thức. Do đó đời quá khứ thì có Vô Minh sinh ra Hành để chuyển qua đời hiện tại.
Vậy nó chuyển như thế nào? Nếu chúng sinh còn tạo nghiệp cho dù là thiện hay ác
thì bắt buộc phải thọ báo vào đời hiện tại để thọ nhận quả báo lành hay dữ. Khi
con người chết đi của đời quá khứ thì thân vật lý tan vở không còn, nhưng Thức
(A lại da thức) tiếp tục tồn tại dưới dạng thần thức trong Thân Trung Ấm
(thân tư tưởng chớ không có xác thịt). Do tập khí ái nhiễm nên thần thức nhất định
phải tìm một cảnh để yêu cho dù xa xôi ngàn dặm, nhưng do chiêu cảm nên thấy rất
gần cho nên thấy sáng thì sắc phát hiện. Khi chiêu cảm cảnh ái ân, thần thức liền
chạy đến chỗ đó và “tưởng” bắt đầu
hình thành. Ngay trong lúc nam nữ đang giao cấu thì “tưởng” trong thân trung ấm
phát hiện. Nếu thân trung ấm là nam thì ghét cha thương mẹ, nếu thân trung ấm
là nữ thì ghét mẹ thương cha. Đó là “dị
kiến thành ghét, đồng tưởng thành yêu” và thân trung ấm hấp thụ dòng ái đó
mà lưu vào thai mẹ rồi thành chủng tử thọ hình. Khi đã thành chủng tử thọ hình
nghĩa là có Danh Sắc tức là mới tượng hình nhưng chưa đủ sáu căn. Do
nghiệp ái làm nhân, cảnh ái làm duyên mà ở trong thai cho đến 35 ngày thì lục
căn mới đầy đủ và có hình dáng của con người. Thời điểm này gọi là Lục Nhập
nghĩa là một cái bào thai tượng hình đã có đủ sáu căn. Khi đứa bé ra đời thì nó
biết cảm giác nóng, lạnh, mềm, cứng…thì gọi là Xúc. Dần theo thời gian đứa
bé biết cảm nhận buồn vui, thương ghét, phải quấy, tốt xấu … tức là biết Thọ.
Khi đến tuổi trưởng thành, tình yêu nam nữ phát triển, biết thương, biết yêu,
biết thích món này, chạy theo vật nọ, mở tung cánh cửa cho tham đắm dục tình tức
là Ái. Khi biết thương yêu thì phải đến lúc dựng vợ gã chồng, xây nhà
mua xe, tạo dựng tài sản, sinh con đẻ cháu và bảo vệ những cái này thì gọi là Thủ.
Một khi có tài sản, có gia đình, có sự nghiệp, có danh vọng thì con người luôn
bám víu vào đó, không
muốn buông ra bởi vì nó là của “Ta” nên chết sống vì nó thì gọi là Hữu.
Con người cũng vì mù quáng mà tin rằng thân họ là chắc thật, tài sản vật chất họ
có cũng là chắc thật, tiền tài danh vọng chung quanh họ cũng là chắc thật nên
càng bám chặt, ôm giữ vào lòng. Nhưng xét cho cùng thì trên thế gian đâu có cái
gì là chắc thật, bền vững muôn đời? Phật dạy vạn pháp giai không nghĩa là thế
gian vũ trụ là giả huyễn vì không có cái gì có tự tánh nên nay có mai không,
không bền không chắc. Ngày nào mình còn là thanh niên tuấn tú mà bây giờ lưng mỏi
gối mềm, da nhăn má hóp, nhớ trước quên sau, ăn không ngon ngủ không yên giấc.
Vì vậy trong đời hiện tại chính Ái, Thủ, Hữu là những động lực (nhân) khiến con
người tác tạo thêm tội nhiệp để phải chịu tái Sinh cho đời sau để thọ nhận
cái vui cái buồn chính mình đã tạo dựng. Cuộc đời là vô thường, sinh, trụ, dị, diệt cho nên
có sinh thì phải chịu già (Lão), chịu bệnh và sau cùng là chết (Tử).
Tóm lại, từVô minh dẫn đến Hành (nghiệp) rồi
Thức chuyển đi thọ sanh
…và cứ như vậy tạo nghiệp rồi trở lại sanh, không cùng không tận. Do đó muốn dứt
luân hồi thì phải diệt vô minh. Mà muốn tiêu diệt vô minh thì phải phát triển
trí tuệ cho tâm bừng sáng để thấy biết rốt ráo tận cùng thì hết tạo nghiệp.
Nghiệp dừng thì sinh tử cũng theo đó mà dừng lại tức là có giải thoát. Nhưng
chúng ta đang sống trong hiện tại mà vô minh gốc thuộc về quá khứ nên không thể
diệt được. Vì vậy chỉ có một con đường là diệt vô minh của hiện tại là Ái, Thủ, Hữu
thì gốc vô minh cũng không còn.
Vậy làm thế nào để diệt Ái, Thủ, Hữu?
Trong bộ Trường bộ kinh (Dĩgha Nikàya) đức Phật dạy rằng:
–Ái dục bắt nguồn từ đâu và phát sanh ở đâu? Nơi nào
có thỏa thích và dục lạc, nơi đó có ái dục bắt nguồn và phát sanh. Sắc, thanh,
hương, vị, xúc, pháp có thỏa thích và dục lạc. Vậy ái dục bắt nguồn từ đó và
phát sanh ở đó.
Vì thế dựa theo Phật giáo Nguyên thủy thì nguồn gốc phát
sinh ra ái dục phát xuất từ lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) cho nên
nếu bít kín lục trần thì ái dục biến mất. Đó là lý do tại sao các vị tu sĩ theo
phái Nam tông tuyệt đối tránh xa những cảnh ồn áo náo nhiệt, nhà cao cửa rộng,
ăn ngon mặt đẹp…mắt không muốn thấy sắc, tai không muốn nghe nhiều mà chỉ muốn
tịnh tu, ai cho món ăn gì cũng trộn lẫn vào nhau trước khi ăn để không còn phân
biệt chạy theo mùi vị…Ngày xưa các vị đại đệ tử Phật sống đời độc cư tại những
nơi hẻo lánh, hang động, khất thực ăn mỗi ngày một bửa, nỗ lực tinh tấn tu
hành, đi sâu vào thiền định, chứng tứ thiền, đắc tam minh, trở thành A
la hán.
Vào thời đức Phật còn tại thế, ngoài những phương pháp
tu ở trên còn có những đệ tử thực hành pháp môn khổ hạnh, đặc biệt là Tôn giả Đại
Ca Diếp, gọi là Thập Nhất Khổ Pháp gồm có:
1)Ở chốn A-lan-nhã tức là nơi vắng vẻ không có tiếng
tranh cãi rất thích hợp cho sự thanh tu.
2)Khất thực.
3)Ngồi một nơi.
4)Ăn một bửa.
5)Ăn đúng giờ ngọ.
6)Khất thực không chọn nhà.
7)Chỉ giữ 3 y.
8)Ngồi nơi gốc cây.
9)Ngồi nơi trống vắng.
10)Mặc y bá nạp tức là vải rách lượm giặt sạch rồi may
vá thành y.
11)Ở nơi gò mả.
Tuy ngày nay không có ai áp dụng hoàn toàn lối tu này,
nhưng tùy theo hoàn cảnh hay sởnguyện, người tu Phật có thể chọn một vài
món nào thích hợp nhất cho mình để làm căn bản cho sự buông xả thì dần dần con
người có thể buông xả hết để thành tựu cứu cánh giải thoát cho mình. Như thế tu
dựa theo Phật giáo Nguyên thủy là buông xả, lìa ác pháp ly ái dục, đoạn diệt tận
gốc tham sân si và các căn bản phiền não vô minh thì chắc chắn sẽ có giải thoát
giác ngộ, chứng đắc Thánh quả A la hán.
Con người có khổ, có nhiều tham vọng, có sống chết bảo vệ
những cái có của họ cũng vì họ chấp thế gian là thật, nhà cửa là thật, xe cộ là
thật, thân này là thật ngay cả vọng tưởng cũng cho là thật. Bây giờhãy quán rằng “vạn
pháp giai không” nghĩa là thân này là do duyên giả hợp tạm có, thế gian vũ trụ
cũng là tướng duyên hợp không thật ngay cả vọng tưởng cũng là tướng duyên hợp
chợt hiện chợt mất. Có người nói rằng thế gian, nhà cửa, xe cộ, nam thanh nữ tú
sờ sờ ở đó màcho là không thì làm sao nghe được? Cái không của nhà Phật là tất cả vật thể đều do duyên khởi tác tạo mà
thành chớ không vật nào tự nó sinh khởi hay tồn tại được cho nên vật thể là vô
ngã, không có tự thể nên tuy là có, là thấy sờ sờ ở đó nhưng một ngày nào đó nó
sẽ bị biến hóa, tiêu hoại nên gọi là không. Do đó cái có bây giờ chỉ là tướng
giả có. Vì vậy khi biết thân này không thật, cảnh vật không thật, vọng tưởng
không thật, tiền tài danh vọng như giấc
mộng, như huyễn hóa, như bọt nước, như bong bóng trời mưa, như làn sương buổi
sáng, như ánh điện chóp nhanh, có đó rồi mất đó, rốt cuộc chẳng có gì thì Ái,
Thủ, Hữu theo đó mà dứt. Như vậy cái gốc của vô minh trong đời hiện tại bị
diệt thì tất cả những Hành (nghiệp) cũng theo đó mà dứt ngay trong đời
này tức là có giải thoát.
Pháp Thập Nhị Nhân Duyên có
thể tóm gọn lại như sau:
1)Nhân đời quá khứ là Vô
Minh duyên Hành để tạo ra quả của đời hiện tại là:Thức duyên Danh Sắc, Danh Sắc duyên Lục Nhập,
Lục Nhập duyên Xúc và Xúc duyên Thọ.
2)Nhân đời hiện tại là:Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu dẫn đến quả cho
kiếp tương lai là Sanh và sau cùng đến Lão, Tử.
Chu kỳ này cứ tiếp diễn mãi
vô cùng vô tận, không có lối thoát cho nên con người cứ đắm chìm trong sinh tử
trầm luân, cứ lấy khổ làm vui mà không
biết.
Hành giả dùng trí tuệ phá vô
minh để thoát khỏi sinh tử luân hồi, nhưng con đường giải thoát duy nhất trong
Phật giáo là Giới, Định, Tuệ. Đó là giữ giới nghiêm minh, vào định tu thiền
quán thì trí tuệ sẽ phát sinh mà chứng nghiệm chân lý.
Học Phật trước tiên là học làm người nghĩa là phải vun
bồi đời sống đạo đức nhân bản thì thân tâm mới được tự tại cho nên Phật mới dạy
Bát Chánh đạo để chuyển hóa cuộc sống dần dần từ phàm đến thánh. Ngay cả Lục Tổ
Huệ Năng cũng nói rằng:”Phật Pháp tại thế gian, không lìa thế gian giác”
là như vậy. Còn lìa thế gian mà tìm Bồ Đề Niết bàn chẳng khác tìm lông rùa, sừng
thỏ thôi.
Khi nói về thiện ác, Lục Tổ dạy rằng:
Ngột ngột bất tu thiện nghĩa là đừng đặt vấn đề thiện vì
bất cứ việc gì không trái với chơn tánh thì con người gán cho nó cái tên là thiện,
chớ chẳng có gì thật là thiện ác cả.
Đằng đằng bất tạo ác nghĩa là chuyện ác ở đâu cũng có
chỉ có điều là mình không làm vì thế nếu không làm ác thì tự nó thành thiện chớ
chẳng có cái gì là thiện.
Tịch tịch bất kiến văn nghĩa là không còn chấp nơi thấy,
nghe, hay, biết thì có thanh tịnh nhẹ nhàng tức là thấy thì thấy tất cả mà như
không thấy gì hết. Nghe, ngửi, nếm, xúc, biết cũng thế. Nói thế thì người chứng
đạo cũng biết vui, biết đẹp, biết xấu, biết dở, biết tất cả đấy chứ, nhưng họ
không đưa cái biết ấy vào tâm (vô trước là không chấp)để rồi sanh ra tham luyến cho nên đối với họ cái gì
cũng biết nhưng xem như không biết gì hết.
Đản đản tâm vô trước nghĩa là tâm thênh thang mở rộng
như trời cao đất rộng, không còn dính mắc, chấp trước. Trời thì che chở bao
dung cho tất cả mà không có ý niệm che chở riêng cho bất cứ một chủng loại nào.
Đất thì bao dung tất cả cho dù con nguời có đổ lên đất những thứ hôi tanh nhơ bẩn
hay hương hoa thơm ngát thì đất cũng an nhiên, không giận, chẳng mừng.
Vì thế Phật giáo nhập thế là phải từ cái thế gian đầy
ô nhiễm này mà tự mình thanh lọc thân tâm, quán biết đời là giả tạm, cố gắng
buông bỏ mỗi ngày một chút thì hoa sen nơi chính mình sẽ vươn lên và nở rộ. Cho
dù đóa sen còn nằm trong bùn, sắp vọt ra khỏi bùn, vươn lên khỏi mặt nước hay
đã nở rộ thì tất cả đều mang theo bên trong mình một tiềm năng để trở thành những
đóa sen tươi đẹp, màu sắc rực rỡ và hương thắm dịu dàng.
Tóm lại, đức Phật khai mở một
tôn giáo lấy lý trí làm nền tảng, một tôn giáo khoa học, một tôn giáo dựa trên
tinh thần vô ngã vị tha, một tôn giáo vô tín
ngưỡng cho nên trước khi nhập diệt, đức Phật dạy rằng:
“Các con là những hải đảo,
những ngọn đuốc cho chính mình. Hãy nương tựa vào chính mình, không nương tựa
vào nơi nào khác”.
Trong kinh Pháp Cú, Phật lại
dạy thêm:
“Các con hãy tự thắp đuốc
lên mà đi! Các con hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tu giải
thoát! Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một
nơi nào khác, ngoài các con”.
Và sau cùng đức Phật dạy rằng:
“Các con hãy tự cố gắng,
Như Lai chỉ là kẻ dẫn đường”.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Lê Sỹ Minh Tùng
o
Discussion about this post