Tuyết Mai
Lâu
không gặp tôi ở mấy đám tiệc tùng, nhảy nhót, ca hát bạn
bè hỏi thăm tôi đi đâu mà vắng bóng lâu vậy? Tôi trả
lời: “Đi chùa, bây giờ tôi tu rồi!”.
Nghe tôi trả
lời như vậy bạn bè thất vọng kêu trời “Đời sống ba
vạn sáu ngàn ngày có là mấy, sao đang làm ăn thành công như
vậy mà lại bỏ ngang, lo tu?”. Mấy người trong bàn tiệc bắt
đầu xoay qua đề tài “Tu và Đạo Phật”. Người thì bàn bây
giờ còn trẻ để hưởng cho hết cuộc đời trước, khi nào
già rồi hãy tu. Người thì lý luận sống là tranh đấu, tu
là bi quan yếm thế. Có người tiếc rẻ cho mấy người tu,
được sống ở Mỹ có nhiều thịt cá không ăn cho khoái khẩu
mà ăn chay, kiếp sau sinh ra ở Ấn Độ hay Phi châu không có
thịt cá để ăn, sẽ hối tiếc! Hồi trước nếu nghe người
nào nói trái ý, xúc phạm đến tôn giáo của tôi là tôi nhào
vô cãi lẫy, hùng biện, tranh luận, phải trái hơn thua, có
khi nổi nóng tôi nói nặng làm mất bạn bè vì những chuyện
không đâu. Nay nhờ đi chùa và nghiền ngẫm kinh sách tôi không
phản ứng ngay, mà trầm tĩnh quan sát người ta thảo thuận.
Tôi thấy người nào cũng giành phần đúng về mình, người
nào không đồng ý với mình thì cho người đó dốt, không
hiểu vấn đề… Thấy mấy ông bạn bàn về triết lý cao
siêu của Đạo Phật tôi nghĩ đến chuyện những người mù
xem voi.
Không riêng
gì những người không đi chùa nên không hiểu đạo, mà ngay
cả người đi chùa thường xuyên cũng hiểu đạo sai lầm.
Phần đông người đi chùa là ngững người đàn bà lớn tuổi,
nhiều bà cầm nhang lạy tứ phương rất mềm dẻo, thiện
nghệ. Nhưng họ đi chùa không mong gì hơn là để “được
phước kiếp này và kiếp sau”. Kiếp này được Trời Phật
phù hộ cho có được đời sống an lành, con cái ăn học nên
người, gia đình yên vui hạnh phúc. Kiếp sau được sinh ra
ở cõi Trời, hay có làm người thì được sinh ra trong gia
đình khá giả hơn…
Rất nhiều
người đi chùa, cúng dường nhiều chỉ để cầu xin Trời
Phật phù hộ cho mình, cho gia đình mình (ngã) có đời sống
tốt đẹp hơn (tham). Đi chùa với tâm ý trao đổi tiền bạc
với phước đức như vậy thì chẳng khác nào bỏ tiền ra
“hối lộ” Trời Phật, bỏ tiền ra “mua” phước đức. Đi chùa
như vậy, có đi suốt đời cũng không giúp ích gì cho mình
và cho người bao nhiêu. Có người nói ” Bữa nay tôi ăn chay,
nếu không tôi cào nhà nó rồi”. Ca dao mình cũng có nhiều
câu châm biếm mấy người đi chùa mà tâm không tu là “Miệng
tụng Nam mô mà bụng chứa một bồ dao găm”.
Các bà chị
của tôi rất thích đi hành hương, nhất cử mà lưỡng tiện,
vừa du ngoạn cảnh lạ đường xa, vừa được thăm viếng,
lễ bái nhiều chùa được nhiều phước đức. Có lúc các
chị không thích đi hành hương nữa, tôi hỏi tại sao thì
các chị cho biết, không thích đi từ hồi nghe thầy Thanh Từ
giảng. Thầy nói các bà đi chùa cúng có mấy trái chuối,
mấy trái cam mà cầu xin Phật cho nhiều thứ , xin cho mình,
cho con mình rồi cho cháu mình nữa. Phật dạy tu thì không
tu mà chỉ muốn cầu xin, nếu ai xin cũng được Phật cho như
ý thì trên đời này đâu có ai khổ, ai nghèo? Các chị nghe
thầy Thanh Từ nói Phật không phải là thần linh, có bùa phép
ban cho Phật tử điều này điều nọ, các chị chán quá ở
nhà luôn.
Không riêng
gì người bình dân ít học mà đôi khi ngay cả người trí
thức phụ trách việc giảng dạy Phật pháp cũng có người
không hiểu đạo. Một cư sĩ kia có bằng cấp cao nên rất
được quý trọng, trọng dụng trong hàng lãnh đạo Phật giáo.
Ông được mời giảng dạy đạo pháp và hướng dẫn Phật
tử trong các lớp tu học. Một bữa kia một Phật tử có ý
kiến, theo tôi bài giảng của ông không đúng ở điểm này
, điểm nọ. Ông cư sĩ có vẻ khó chịu và từ đó giữ trong
lòng “ác cảm” lâu dài với Phật tử này.
Sự thật
là vậy, là ít người chịu khó suy ngẫm để thấu hiểu
được rằng Phật bỏ cung vàng điện ngọc, bỏ cả vợ con
chỉ vì thấy “Đời Là Bể Khổ”. Phật vào rừng sâu, sống
khổ hạnh chỉ để tìm cách Cứu Khổ. Và hầu hết kinh sách
Phật được lưu truyền lại ngày nay là để dẫn dắt chúng
ta con đường Thoát Khổ.
Đạo Phật
không phải là một Tôn Giáo huyền bí, không đặt niềm tin
ở Thượng Đế và Phật không tự cho mình là con của Ngọc
Hoàng, là Đấng Tạo Hóa toàn năng tạo ra vạn vật, có khả
năng ban phước hay giáng họa cho ai. Luật Nhân Quả không phải
do Ngài đặt ra, và Niết Bàn cũng không phải là nơi do Ngài
tạo nên, do Ngài kiểm soát cho phép ai ra, ai vào.
Đạo Phật
Là Một Con Đường Giải Thoát, Giác Ngộ. Phật là người
đã tìm ra chân lý, tìm ra Con Đường đi đến sự giải thoát,
an vui, tự tại (chấm dứt khổ đau). Con đường đó Phật
giảng giải, chỉ vẽ dựa theo kinh nghiệm “Ngộ” mà Ngài đã
chứng nghiệm được sau sáu năm khổ hạnh tu tập và 49 ngày
nhập định dưới cây bồ đề. Sau thời gian tu tập này Phật
là bậc giác ngộ hoàn toàn, đạt đến Niết Bàn và Phật
đã bình đẳng tuyên bố “Ta là Phật đã thàønh, các người
là Phật sẽ thành nếu các người tu theo con đường (đạo)
ta chỉ dạy “.
Theo Phật
con người khổ là vì Tham Sân Si, Chấp và Ngã…
Tham là muốn
chiếm đoạt vật gì làm của riêng của mình, có một muốn
hai, có hai muốn bốn. Lòng tham thúc đẩy con người hành động,
tạo nghiệp ác, gây khổ cho mình và cho người khác.
Sân là thù
hận, oán ghét. Nó cũng bao gồm trạng thái thụ động như
hờn mát, bất mãn, ác cảm, buồn phiền ngấm ngầm trong lòng.
Si là u mê,
tăm tối, chạy theo vạn vật hão huyền, là vô minh không nhận
ra chân tướng, bản chất chân thật của vạn vật.
Chấp là
vướng mắc vào những cảm thọ, như khen chê, được mất,
hơn thua…
Ngã là mình,
những gì thuộc về mình, cái Tôi vị kỷ, kiêu mạn…
Thôi thì
có trăm ngàn nguyên nhân làm mình khổ. Muốn chấm dứt khổ
đau, được an lạc, tự tại, kinh Phật dạy muôn ngàn pháp
môn. Đểà cho bớt rườm rà khó hiểu, tôi đơn giản hóa
vấn đề, muốn tu theo Phật cho thân tâm được an lạc, một
là chuyển hóa Tham Sân Si, hai là gạt bỏ Chấp và Ngã.
Con đường
tu của tôi ngắn và gọn như vậy. Khi có một điều bất
đắc ý xảy ra làm tôi buồn phiền đau khổ, bình tĩnh suy
xét tôi thấy đúng như lời Phật dạy, căn nguyên khổ đó
là do tham, sân, si, chấp và ngã đã huân tập, tiềm ẩn trong
tôi từ kiếp nào mà ra. Cái chủng tử hung dữ, nóng nảy
do cha mẹ di truyền lại đã sống khỏe mạnh trong tôi bấy
lâu nay. Nay biết tu tập, với thời gian tôi sẽ cố gắng
“bứng gốc” các chủng tử xấu đi, rồi tôi sẽ tưới tẩm
những “chủng tử tốt” (từ bi, hỷ xả, bao dung) bằng những
trận mưa Pháp, những chủng tử tốt này sẽ nảy mầm vươn
lên.
Làm việc
gì muốn có kết quả nhanh chóng mình cũng phải có phương
pháp, phân tích và có kế hoạch đàng hoàng. Sau khi phân tích
thấy được nguyên nhân nguồn cội khổ đau là tham sân si,
chấp và ngã, bây giờ làm sao diệt tham sân si, chấp và ngã?
Muốn diệt
Tam Độc tham sân si, thì phải giữ Thân Khẩu ý thanh tịnh,
trong sạch. Trên lý thuyết thì không khó, nhưng trên thực
tế tiêu diệt ba con rắn độc này là cả một cuộc chiến
gay go với nội tâm, mà chính Phật cũng phải nhìn nhận “thắng
một vạn quân dễ hơn chiến thắng chính mình”.
Bản tính
của người phàm phu là ăn miếng trả miếng, nhất định
không thua ai. Người “biết tu” gặp nghịch cảnh phải nhịn
nhục, nếu cứ chơi “xả láng” tới đâu hay tới đó, là tự
biết mình đã “thua” trên mặt trận “tu tập”. Nếu nhịn nhục
là thân không làm điều ác, miệng không nói lời ác thì tôi
cố gắng làm được, nhưng giữ tâm ý thanh tịnh, không giận
hờn, buồn phiền, bất mãn, điều này tôi thấy khó quá.
Làm sao vui vẻ chấp nhận sự thiệt thòi về phần mình, làm
sao chuyển hóa lấy khó khăn làm thú vị, lấy nghịch cảnh
làm thắng duyên để đo lường sự tu tập của mình?
Kinh sách
dạy, muốn tu chúng ta phải Học Kinh, và ứng dụng bát chính
đạo. Có chính kiến (nhìn thấy đúng), có tư duy ( suy xét
đúng), có tinh tấn (cố gắng trui luyện), nước chảy đá
sẽ mòn, rồi có ngày tâm ta sẽ không còn vướng mắc, chướng
ngại, phiền não.
Trong kinh
, Phật dạy…vạn vật Vô Thường. Với thời gian vận vật
đổi thay, không thường hằng bất biến, cho nên trong đời
sống, chúng ta “nay lên voi, mai xuống chó”, nay được yêu chiều,
mai bị ruồng rẫy nên coi là sự thường. Đã thấu đáo lý
Vô Thường thì dù cuộc đời có lúc lên hương như “diều
gặp gió” chúng ta cũng không nên hả hê vui mừng đắc thắng,
vì gió không bền lâu, lúc gió ngừng diều sẽ đâm đầu
xuống đất, càng cao danh vọng, càng dày gian nan. Khi thành
công cũng như lúc thất bại chúng ta phải cố giữ tâm thăng
bằng như người làm xiệc đi trên sợi dây nhỏ. Dù đời
nhiều cay đắng chúng ta cũng cố tự an ủi, đời người
như một dòng sông, “sông có khúc, đời người có lúc”, không
nên nao núng thất vọng trước cảnh vật đổi sao dời.
Vạn vật
đều Vô Ngã. Khi chấp nhận vạn vật vô ngã, không có tự
tính (sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắùc)
thì ý thức ích kỷ, vị kỷ, chấp ngã kiêu mạn, ý niệm
về “Cái Tôi” vô cùng quan trọng sẽ tan biến.
Phật cũng
dạy lý Duyên Sinh. Vạn vật do duyên họp mà thành. Đủ duyên
thì vạn vật tồn tại, mất duyên thì vạn vật tiêu tan.
Do nhân duyên tác hợp nên vạn vật chỉ là hư ảo (huyễn).
Khi thấu được lý nhân duyên thì tâm mình sẽ rộng mở,
dễ cảm thông, tha thứ, chấp nhận thế giới muôn sai, nghìn
khác. Từ “cảm thông” trong ta sẽ phát khởi lòng từ bi bao
la, dễ hỷ xả, tha thứ những lỗi lầm của người khác.
Tôi về thăm
Việt Nam, mấy đứa trẻ ăn xin hay đeo theo xin tiền. Được
tiền rồi chúng cũng không đi chỗ khác, cứ lẩn quẩn quanh
tôi. Chờ lúc tôi sơ hở là tụi nó “chôm” mấy thứ lặt
vặt như máy ảnh, kính đeo mắt, cây dù xếp…từ đó tôi
có ác cảm với đám trẻ ăn xin này, thấy tụi nó kéo tới
là tôi lo canh giữ cẩn thận, không còn tội nghiệp , thương
xót như trước . Đấy là phản ứng tự nhiên của người
mất của. Nhưng trầm tĩnh suy nghĩ kỹ tôi mới thấy tội
nghiệp những đứa trẻ thơ vô tội này. Chẳng may chúng nó
sinh ra trong một gia đình nghèo ở Việt Nam, thất học, đói
rách, phải ăn xin, ăn trộm để kiếm sống. Nếu chúng nó
được may mắn sinh ra trong một gia đình giàu có ở Mỹ, được
cha mẹ gởi tới các nhà giữ trẻ có nhiều trò giải trí,
dùng máy điện tử chơi game hứng thú thì chúng nó đâu thèm
ăn cắp máy chụp hình, kính đeo mắt, và cây dù xếp để
làm gì?
Cho nên trong
vấn đề tu tập, Thiền Định là một phương cách đưa con
người đến giải thoát. Những giây phút yên lặng, suy nghĩ
sâu sắc sẽ cho ta Thấy Được Cái Bản Chất Chân Thật Của
Mọi Việc.
Nhận thức
được bản thể chân thật đó, con người mới có thể phát
khởi đại trí, đại bi, trải rộng tình thương vô bờ tới
muôn người và muôn loài. Trong đời sống hằng ngày chúng
ta bận rộn làm ăn sinh sống, không có nhiều thì giờ để
ngồi thiền như những người xuấàt gia, nên Sư cô Thanh Lương
khuyên chúng ta cố gắng Dừng Lại, cố giữ phản ứng chậm
lại. Chỉ cần chậm lại một chút để có thì giờ suy nghĩ
kỹ chúng ta sẽ tránh được nhiều lỗi lầm đáng tiếc,
gây phiền phức cho mình và những người chung quanh, nhờ đó
cuộc sống của mình được tươi đẹp , thoải mái dễ chịu
hơn.
Đối với
đàn bà chuyện thường xảy ra là bà này nói xấu bà kia.
Phản ứng tự nhiên khi bị người khác đặt điều nói xấu
là mình nổi giận. Người “biết tu” sẽ không trả thù nói
xấu lại và người tu giỏi sẽ không giữ trong lòng ác cảm,
phiền muộn ai .
TU ĐỂ LÀM
GÌ mà xem ra người tu có vẻ thiệt thòi, chịu đựng nhiều
quá vậy?
Mục đích
tối thượng của người tu theo Phật là đạt đến Niết
Bàn.
Niết Bàn
không phải là một nơi tốt đẹp như Thiên đàng của các
tôn giáo khác, khi nào chết con người mới có thể tới Thiên
đàng được. Niết Bàn trong đạo Phật không chiếm không
gian, không là nơi chốn nào trong vũ trụ, mà là một đạo
quả, một trạng thái bình yên tối thượng.
Ở ngay trong
kiếp sống này nếu chúng ta không bị tham sân si, chấp và
ngã điều khiển, tâm ta sẽ có được thanh tịnh, an lạc,
đạt đến Niết Bàn.
Những danh
từ Duyên Sinh, Vô Thường, Vô Ngã hình như Phật tử nào cũng
hiểu vì nó là nền tảng giải thoát của Đạo Phật. Nhưng
hiểu là một chuyện mà có ứng dụng những điều hiểu biết
này vô đời sống của mình để có được đời sống an
lành yên vui hay không là chuyện khác.
Một bạn
đạo của tôi luôn chạy theo Sư cô Thanh Lương, cô giảng
ở đâu là có mặt chị ở đó. Chị đọc kinh nhiều đến
nỗi thuộc làu cả “Chú Đại Bi”. Chị đang vận động với
bạn bè mua cho Sư cô Thanh Lương một căn nhà làm chùa. Chị
mê nghe Sư cô giảng lắm. Tôi hỏi thăm, chị A còn trong hội
của chị không? Hỏi câu này là bắt trúng tần số. Tôi chỉ
hỏi một câu ngắn như vậy mà chị trả lời tôi tới nửa
đêm, tuông ra bao nỗi hằn học, oán hận, căm thù. Tôi an
ủi, thôi chị đi chùa nhiều, nên “hỷ xả”. Chị ấy trả
lời: “Cái hạng người đó không đáng cho tôi hỷ xả!”.
Một bà khác
đi chùa, công quả chuyên cần từ ngày qua Mỹ đến nay là
mấy chục năm, nên được giử chức Phó Hội trưởng trong
Ban Chấp hành của một chùa trong vùng. Bà mẹ chồng của
chị đang hấp hối ở VN, tha thiết mong mỏi tất cả con cháu
, dâu rể điện thọại về một lần chót trước khi nhắm
mắt ra đi. Măïc cho em chồng khóc lóc năn nỉ, chị này nhật
định không gọi về, nhất định trả thù bà mẹ chồng cho
đến giờ phút chót cuộc đời bà.
Đi chùa mà
giữ tâm địa ác như vầy thì đi để làm gì?
Tu không cần
đi chùa nhiều, đọc kinh nhiều, ăn chay giỏi, làm công quả
chuyên cần, xây chùa cất miếu…nếu làm được những điều
này thì tốt. Nhưng vấn đề chính yếu của tu là thấu hiểu
và “quyết tâm” ứng dụng những điều Phật dạy vô đời
sống hằng ngày của mình.
Nên Từ Bi
Hỷ Xả. Chỉ một chữ “xả” thôi , nếu thực hiện được
là chúng ta cũng đến gần Niết Bàn rồi. Đi chùa, tham gia
Phật sự là điều tốt, nhưng đó là bước đầu, nếu chúng
ta bước xuống thuyền rồi đứng đó, không tự chèo thuyền
đi , không ứng dụng những điều học hỏi ở kinh sách, ở
chùa vô đời sống hằng ngày thì mãi mãi không bao giờ có
thể đến được bến bờ giải thoát an lạc bên kia.
Thầy Thanh
Từ giảng, căn phòng dù tăm tối đến đâu, bật đèn lên
căn phòng cũng sáng. Chúng ta đứng ở cửa nhìn ra ngoài sẽ
thấy đen tối, xoay đầu vô thì thấy sáng. Giữa tối và
sáng chẳng cách nhau bao xa. Chỉ cần biết xoay đầu. Nhìn
ra ngoài là bến mê, xoay đầu lại là bờ giác. Mê và giác
chỉ có một cái xoay đầu. Tu dễ như vậy. Tu là hồi đầu,
là xoay đầu lại. Từ bao lâu chúng ta mê nên đi trong đau
khổ tử sanh, khi tỉnh chúng ta trở về sẽ hết khổ đau.
Nếu chúng ta thả trôi theo giòng tăm tối thì tối mãi, biết
xoay ngược lại tìm về ánh sáng thì sẽ được sáng. Một
đứa con đi hoang, càng đi xa nhà càng khổ, khi biết lỗi lầm
quay về với mẹ cha thì được sống trong gia đình hạnh phúc.
Hiểu như
vậy thì tu không khó khăn gì cả, không cần ép xác khổ hạnh,
tu luyện lâu dài hay học cao hiểu rộng, cũng không cần xuất
gia. Phật tức tâm, tâm tức Phật, tu tại gia cũng được.
Chỉ cần cố chuyển hóa tham sân si , chấp và ngã.
Vạn vật
đồng nhất ở bản thể, khi chúng ta dẹp được cái Tôi
vị kỷ, ranh giới giữa ta và người sẽ tan biến. Từ đó
lòng Từ Bi Hỷ Xả sẽ bừng nở dâng tràn, đưa ta đến bến
bờ giải thoát an lạc tự tại.
Tu là sửa
đổi cho được tốt hơn, là dừng lại, là chuyển hóa cái
tri thức sai lầm về thực tại. Vì tri thức sai lầm, chúng
ta phát sinh tham, sân, si rồi hành động tạo nghiệp. Có chính
kiến chúng ta sẽ thay đổi thái độ với vạn vật, nhờ
đó thế giới trở nên an lành, vui tươi , hạnh phúc hơn.
Khi tâm ta
không còn bị tham sân si điều khiển, khi tâm ta không còn
vướng mắc với những cảm thọ chấp, ngã, chúng ta sẽ đạt
đến Niết Bàn. Đó là một trạng thái yên bình tối thượng,
thanh tịnh, tự tại, giải thoát ở kiếp này, nhờ đó Nghiệp
Lực chấm dứt, không còn sức lôi dẫn chúng ta luân hồi
trong lục đạo ở kiếp sau.
Đây là mục
tiêu tối thượng của việc Tu Hành theo Phật.
Tuyết
Mai
Discussion about this post