TRUYỀN THÔNG
TRONG HỌAT ĐỘNG HOẰNG PHÁP
TT. Thích Thiện Bảo
Ngay
từ thời Đức Phật, dù tên gọi có khác, nhưng việc giữ gìn, truyền thông những lời dạy của Đức Phật luôn được chú trọng. Trùng tụng nhiều lần lời
dạy của Đức Phật được lưu giữ trong kinh điển; những trụ đá ghi lại những thông tin về Đức Phật của vua A Dục xưa kia… cho đến những sinh hoạt cụ thể trong đời sống tăng
già như bố cáo đại chúng, thỉnh Tăng làm pháp yết ma, cử Tăng đi thuyết
pháp, giáo giới… là những minh chứng rõ rệt của việc coi trọng vai trò của truyền thông.
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Truyền
thông ở một nghĩa gần gũi nhất là truyền đạt, chuyển giao thông tin từ một đối tượng, tổ chức này cho một đối tượng hay tổ chức khác. Truyền thông là sợi dây liên lạc nối kết mọi thành viên trong một tổ chức hay giữa những tổ chức với nhau. Trong mọi tổ chức, vấn đề truyền thông có một vai trò rất quan trọng, là yếu tố huyết mạch, trao truyền và chuyển tải mọi hoạt động của tổ chức đó. Một cách hình tượng hóa, nếu tổ chức được xem như một cơ thể sống thì cơ chế truyền thông trong tổ chức đó được xem như hệ thống dây thần kinh, dẫn dắt, chỉ đạo mọi hoạt động.
Ngay
từ thời Đức Phật, dù tên gọi có khác, nhưng việc giữ gìn, truyền thông những lời dạy của Đức Phật luôn được chú trọng. Trùng tụng nhiều lần lời
dạy của Đức Phật được lưu giữ trong kinh điển; những trụ đá ghi lại những thông tin về Đức Phật của vua A Dục xưa kia… cho đến những sinh hoạt cụ thể trong đời sống tăng
già như bố cáo đại chúng, thỉnh Tăng làm pháp yết ma, cử Tăng đi thuyết
pháp, giáo giới… là những minh chứng rõ rệt của việc coi trọng vai trò của truyền thông.
Do
đó, trong hoạt động của Phật giáo nói chung, nếu như vấn đề truyền thông được kiện toàn và đảm bảo, thì ở một chừng mực nào đó, có thể nói rằng, đó chính là một trong những phương tiện góp phần đem đến một cuộc sống hạnh phúc đích thực và hoàn thiện cho mọi người. Trong lãnh vực hoằng pháp; nếu như kiện toàn và tổ chức tốt công tác truyền thông, thì hoạt động hoằng pháp sẽ gặt hái những thành tựu khả quan.
2. NỘI DUNG
2.1.Vai trò truyền thông trong công tác hoằng pháp
Từ
thực tế cho thấy, nếu như có một sự phản ánh thông tin kịp thời nhu cầu
của địa phương trong công tác hoằng pháp, thì sự đáp ứng cho nhu cầu thính pháp của thính chúng sẽ rất lớn. Ví dụ, một tỉnh lỵ xa xôi nào đó,
giảng sư tại địa phương do vì kiêm nhiệm nhiều chức vụ hoặc bận nhiều Phật sự nên không thể cùng lúc đáp ứng được nhu cầu thính pháp của quần chúng Phật tử; nếu như có một sự nối kết với Ban Hoằng pháp các tỉnh thành gần nhất hoặc Ban Hoằng pháp trung ương, thì sự đáp ứng nhu cầu thính pháp của đại chúng có thể thực hiện được.
Mặt
khác, thông tin theo định nghĩa của truyền thông, về cơ bản đã bao hàm giá trị. Thông tin về hoằng pháp do vậy càng có một ý nghĩa cao quý và giá trị; nếu như những thông tin về hoằng pháp được phổ cập tất cả mọi tỉnh thành, đến được với quần chúng Phật tử, thì ở một chừng mực nào đó ý
nghĩa của lời phật dạy sẽ được thực thi trong cuộc đời. Nói cách khác, thông tin kịp thời về các vấn đề hoằng pháp trên một phương diện nào đó đã góp phần đem đến lợi lạc, hạnh phúc cho con người. Các chương trình đào tạo giảng sư, các
lớp tập huấn về công tác hoằng pháp, những chương trình hoằng pháp từ xa… làm nổi bật vai trò quan trọng của việc truyền tải thông tin, mang Chánh pháp đến với mọi người
2.2. Thực trạng vấn đề truyền thông
Về nguyên tắc, Phật giáo Việt nam
đã quy về một mối từ sau tháng 11 năm 1981, tuy nhiên, công tâm mà nhìn
nhận, vẫn còn có những khập khiễng, chưa đồng bộ trong công tác truyền thông giữa các tuyến, các đơn vị, các ban nghành chức năng của Phật giáo.
Cụ thể, trong hoạt động hoằng pháp; nhìn vào số lượng các thành viên trong ban hoằng
pháp T.Ư, số lượng giảng sinh tốt nghiệp trong các chương trình đào tạo
giảng sư của giáo hội, các lớp bồi dưỡng về công tác hoằng pháp, các Tăng Ni sinh tốt nghiệp tại các Học viện Phật giáo, Cao đẳng Phật học…
thì chúng ta có thể lạc quan về lực lượng nhân sự trong hoạt động hoằng
pháp. Thế nhưng, khi đi vào thực tế, nhất là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa… nhìn vào mặt bằng tri thức Phật học cũng như tâm trạng thao thức được nghe pháp của quần chúng Phật tử đã cho thấy một thực tế: giáo
pháp của đức Thế tôn vẫn chưa phổ cập đến những nơi này!
Vậy
đâu là nguyên nhân đưa đến tình trạng ấy? Phải chăng nhân sự hoằng pháp
được đào tạo không thỏa mãn những yêu cầu của thục tế? Phải chăng lớp trẻ Tăng sĩ thời nay ngại khó, ngại khổ? Phải chăng chưa có một sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành của Giáo hội để hỗ trợ cho hoạt động hoằng pháp? Phải chăng nhiều khu vực tỉnh thành trên cả nước vẫn còn nặng yếu tố “địa phương”? Tất cả những lý do trên theo chủ quan của người viết đều là những nguyên nhân góp phần dẫn đến sự ì ạch, làm cho công tác hoằng pháp dẫm chân tại chỗ, nếu có chăng chỉ là sự phát triển trong chừng mực ở một số khu vực gần thành thị, trung tâm. Thế thì, đâu là nguyên nhân cơ bản làm cho công tác hoằng pháp chưa thể hiện đúng với
chức năng và vai trò của nó? Lời xác quyết chân thành là: chưa có một sự phối hợp đồng bộ trong công tác truyền thông về lãnh vực hoằng pháp.
2.3. Những đề nghị bước đầu.
– Tập hợp được đội ngũ nhân sự, đủ tiêu chuẩn trong công tác hoằng pháp.
Đây là vấn đề then chốt. Vì lẽ, con người hoằng pháp là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong mọi giai đoạn phát triển của Phật giáo. Với những chương trình đào tạo được nêu trên, xét về cơ bản thì nhân lực hội đủ những tố chất cần thiết trong công tác hoằng pháp không phải là điều đáng quan ngại. Vấn đề được đặt ra ở đây là làm thế nào để chúng ta có thể tập hợp
được đội ngũ ấy, tạo cho mọi người có một “chỗ đứng”để góp phần vào sự nghiệp chung trong lãnh vực hoằng pháp của Phật giáo nước nhà. Vấn đề tập hợp nhân sự, chúng tôi xin đề nghị những giải pháp như sau:
a). Ban Trị sự các tỉnh,
Thành hội nên kết nối chặt chẽ số lượng Tăng Ni đang theo học các trường, các lớp đào tạo để điều động trong các Phật sự tại địa phương.
b). Trong quá trình đào tạo, các Ban trị sự Tỉnh, Thành hội cần phải động viên, quan tâm và khảo sát nhu cầu của Tăng ni sau khi tốt nghiệp ra trường.
c).
Phải tạo được một không gian thông thoáng, nếu như những nhân sự được đào tạo mong mỏi được góp sức trong hoạt động hoằng pháp. Tránh trình trạng phải bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian để tham gia các khóa đào tạo, nhưng sau đó không được vận dụng hoặc bổ nhiệm vào những vị trí thích hợp trong hoạt động hoằng pháp.
d).
Đối với những cá nhân xuất sắc trong lãnh vực hoằng pháp, nên có sự quan tâm hỗ trợ kịp thời cũng như cả mọi phương diện pháp lý cần thiết để những vị này có thể toàn tâm toàn ý trong lãnh vực hoằng pháp.
– Nối kết sợi dây truyền thông giữa các ban ngành hoằng pháp trung ương và địa phương.
Đây cũng là một tiêu chí quan trọng, vì nếu như thiết lập được truyền thông, trình độ Phật học của quần chúng Phật tử giữa những khu vực thành
thị và nông thôn sẽ giảm dần, và nói cách khác, ở các khu vực vùng sâu,
vùng xa, tuy còn nghèo đói về lương thực, thực phẩm, nhưng sẽ không còn
tình trạng “đói pháp” xảy ra. Muốn thực hiện tốt điều này, trong khuôn khổ có hạn, chúng tôi chỉ xin đề nghị những giải pháp gần gũi và cụ thể:
a.
Mỗi một Ban Hoằng pháp tại các Tỉnh, Thành hội phải cung cấp cho Văn phòng Đoàn giảng Sư BHPT.Ư hai số điện thoại, một cố định và một di động
để liên lạc khi cần.
b. Phải có một nhân viên văn phòng am hiểu về công nghệ thông tin và ít nhất phải có một địa chỉ thư điện tử (e.mail).
c.
Khi có nhu cầu cung thỉnh giảng sư thuyết pháp do nhân sự tại địa phương không đủ để đáp ứng, thì phải liên hệ cung thỉnh trước ít nhất 7 ngày, Văn phòng Ban Hoằng pháp Tỉnh, Thành hội có thể vừa gọi điện, vừa gởi văn bản lên các tuyến trên, mà ở đây là Văn phòng Đoàn giảng sư BHP T.Ư.
– Tăng cường công tác đào tạo giảng sinh, tập trung đầu tư vào quy trình đào tạo.
Thực tế cho thấy, tuy chúng ta đã mở được nhiều lớp đào tạo giảng sinh,
nhưng do trong quá trình mới hình thành, còn phải kiện toàn nhiều bộ phận. Do đó, tất nhiên vẫn có những bất cập trong quy chuẩn đào tạo giảng sinh, giảng sư. Phát xuất từ thực tế, trước đây, các vị giảng sư tiền bối trong lịch sử Phật giáo Việt Nam
đều phải trải qua quá trình “tự đào tạo”. Trong thời đại ngày nay, với sự hỗ trợ về nhiều mặt, các lớp chuyên khoa về đào tạo giảng sinh, bồi dưỡng giảng sư được hình thành. Thế nhưng, do chưa khái quát được tình hình thực tế, cho nên đã xảy ra trường hợp tuy mang “danh” là giảng sinh
nhưng do hạn chế về khả năng truyền thông, giao tiếp nên giảng sinh chưa gặt hái được thành công trong những buổi giảng bước đầu. Theo thiển
ý của người viết, nên chăng có những quan tâm cụ thể hơn trong quy trình đào tạo giảng sinh? Cụ thể là:
a.
Cần phải chuẩn hóa giáo trình đào tạo giảng sinh. Về giáo trình đào tạo, nên chăng cần có một cuộc tọa đàm mang tính khoáng đạt, rộng rãi để
đáp ứng được tình hình thực tế.
b.
Tiêu chuẩn nhân sự đào tạo. Ngoài tiêu chuẩn Phật học thông thường, nên
chăng có một cuộc “vấn đáp” mang tính sơ khảo, trực tiếp, đối với từng thí sinh. Vì lẽ, một vị giảng sư, ngoài lục căn đầy đủ, cần phải có một khả năng ứng đối nhanh nhẹn đối với mọi vấn đề. Nếu như càng ứng đối nhạy bén bao nhiêu thì vị giảng sinh đó càng dễ thành công trong công tác hoằng pháp bấy nhiêu. Cần phải thấy, trong guồng máy của xã hội, một
số ngành hoạt động đặc thù, ngoài kiến thức chuyên môn cần thiết, khả năng nhạy bén, ngoại hình …cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Hoằng pháp là một sứ mạng cao cả, sẽ thành công hơn nếu như ngay đầu vào, ta tuyển chọn kỹ những hạt giống, vấn đề đơm hoa kết trái chỉ còn là vấn đề thời gian.
c.
Nên có một chế độ đãi ngộ hợp lý đối với giảng sinh, giảng sư trong những buổi giảng được phân công. Thực tế cho thấy, theo sự điều động của
Ban Hoằng pháp, các vị giảng sư đã phát tâm đến giảng những khu vực vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, do tình hình đạo tràng còn nhiều thiếu thốn về vật chất, chùa cảnh còn nghèo. Cho nên, hỗ trợ về vật chất chuyến công tác của giảng sư, là một trong những yếu tố góp phần tạo nên
một sự ổn định trong công tác hoằng pháp.
3. KẾT LUẬN
Sự
thống nhất trong một tổ chức được khẳng định ở tính gắn kết giữa các bộ
phận trong tổ chức ấy. Vấn đề truyền thông là sợi dây nối kết để tạo nên một sự thành công trong hoạt động hoằng pháp nói chung. Nếu như có một sự tương thông, liên hệ giữa các bộ phận trong ngành hoằng pháp, nếu
như có một sự nối kết chặt chẽ giữa quy trình đào tạo và thực tế hoằng pháp, nếu như có một sự nối kết chặt chẽ giữa trung
ương và địa phương… thì sự nghiệp hoằng pháp nói riêng và sứ mệnh của một sứ giả Như Lai nói chung sẽ đạt hiệu quả cao nhất, và khi ấy giáo lý
của Đức Phật sẽ đến được với mọi người./.
Discussion about this post