TRIẾT HỌC SINH THÁI PHẬT GIÁO
VÀ Ý THỨC SINH THÁI HIỆN ĐẠI
Tác Giả: Phương Lập Thiên – Thích Nhuận Đạt dịch
Tóm tắt
Phật giáo là một hệ thống văn hóa tôn giáo, vượt
qua địa vị nhân loại, tìm kiếm giá trị giải thoát tinh thần và chứa đựng tư tưởng triết học sinh thái rất phong phú. Học thuyết Duyên khởi (pratītya Samutpāda)
của Phật giáo đưa ra nền tảng triết học cùng nương tựa lẫn nhau, liên kết lẫn nhau cùng có lợi giữa con người và thiên nhiên. Vũ trụ đồ thức luận của Phật giáo cung cấp cho chúng ta sự tham chiếu về tư tưởng thể cộng đồng sinh thái (ecological community). Ngoài ra, thuyết Nhân quả báo ứng của Phật giáo phù hợp với yêu cầu căn bản của sự tuần hoàn sinh thái (ecological circle).
Quan điểm bình đẳng phổ biến của Phật giáo là luận chứng trực tiếp cho học thuyết cân bằng sinh thái. Cho đến, Đạo đức môi trường của Phật giáo
thực tiễn cho thấy rất có lợi trong việc xây dựng hệ sinh thái. Xiển dương và diễn dịch tư tưởng triết học sinh thái Phật giáo có thể giúp nâng cao ý thức sinh thái hiện tại của chúng ta, thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa sinh thái.
Thuật ngữ chính
Phật giáo (Buddhism), Triết học sinh thái (ecological philosophy), Ý thức sinh thái (ecological consciousness).
Tiểu dẫn
Từ thế kỷ 18 bước vào nền văn minh công nghiệp về sau, nhân loại đã phá hoại môi trường sinh thái ngày một nghiêm trọng hơn. Vào thập niên 70 của thế kỷ 19, nhà sinh vật học người Đức là Ernst Haeckel (1834
– 1919) đã đưa ra danh từ Sinh thái học (Ecology). Thập niên 60 của thế
kỷ 20 trở về sau, vấn đề môi trường sinh thái đã đưa đến sự quan tâm chung của chúng ta. Và dần dần chúng ta bắt đầu xét lại những phương diện như quan niệm, đạo đức, chế độ… Giữa sinh vật, giữa sinh vật và môi
trường của phi sinh vật rốt cuộc có mối quan hệ như thế nào? Đây chính là vấn đề cơ bản của thuyết sinh thái học. Sinh thái học chính là trả lời những vấn đề này từ góc độ của thế giới quan và nhân sinh quan. Bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh thái có liên quan đến vận mệnh của toàn thể địa cầu và nhân loại. Nỗ lực nắm bắt sự cân bằng trong
mối quan hệ giữa con người và thiên thiên, tìm kiếm sự phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên chính là nền tảng bảo chứng có thể tiếp tục phát triển. Lý luận chỉ đạo thực tiễn, tư tưởng chi phối hành vi. Nhân loại cần phải xử lý tốt đẹp vấn đề sinh thái, chính là phải chuyển biến và thiết lập ý tưởng sinh thái.
Phật giáo là một hệ thống văn hóa tôn giáo đưa ra phương pháp giải thoát cho tất cả chúng sinh. Trong đó, bao hàm tư tưởng triết học sinh thái rất phong phú. Nếu chúng ta từ góc nhìn của sinh thái học mà giải thích, diễn dịch tư tưởng triết học tương quan của Phật giáo thì không những giúp cho học thuyết sinh thái thêm phong phú mà còn giúp nâng cao ý thức sinh thái hiện đại của chúng ta, thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa sinh thái.
1. Duyên khởi luận của Phật giáo và sự cấu thành của sinh thái
Sự tu trì thực tiễn của Phật giáo là tìm kiếm sự giải thoát tinh thần làm mục đích. Cái gọi là giải thoát chính là thoát ra khỏi các phiền não, đạt được cảnh giới tự do tự tại về mặt tinh thần.
Phương pháp tu trì giải thoát này lấy vũ trụ nhân sinh chân thật được lý giải trong Phật giáo làm điểm y cứ. Nhưng, ý nghĩa chân thật của
vũ trụ nhân sinh lại là giá trị mang tính phán đoán được đưa ra trên hiện tượng Duyên khởi (pratītyasamutpāda). Khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni (śākyamuni)
sáng lập Phật giáo thì trong tư tưởng Ấn Độ đã lưu hành hai loại nhân quả luận. Một là, cho rằng vũ trụ là từ một nguyên nhân tổng hợp mà chuyển biến, biến hóa thành vạn tượng phức tạp. Đây là thuyết trong nhân
có quả. Hai là, cho rằng vạn vật do nhiều nguyên nhân tích lũy lại mà tạo thành. Đây là thuyết trong nhân không có quả. Phật giáo dựng riêng một tiêu chí, nêu ra Duyên khởi luận, chủ trương tất cả hiện tượng đều cùng nương tựa lẫn nhau, cùng tác dụng lẫn nhau, cũng chính là do nguyên
nhân hoặc điều kiện nhất định mà hình thành. Cũng có thể nói, vừa không
phải một nhân sinh nhiều quả, cũng không phải nhiều nhân sinh một quả, mà là cùng làm nhân quả. Duyên khởi là cách nhìn căn bản của Phật giáo về nhân sinh vũ trụ, là quan niệm căn bản của lý luận Phật giáo. Duyên khởi luận là nền móng triết học mang tính hệ thống của Phật giáo.
Trong Phật giáo, kinh Tạp a hàm (Saṃyuktāgama), quyển 10, thuyết minh điển hình tư tưởng Duyên khởi: “Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh… cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt.”[1]Đây
là duyên (điều kiện và nguyên nhân) của cái kia. Cái kia nương vào cái này mà sinh khởi, cái kia cũng nương vào cái này mà diệt. Đây chính là nói, bất kỳ sự vật nào cũng đều do điều kiện và nguyên nhân mà tồn tại, do mất đi điều kiện và nguyên nhân mà biến mất. Điều kiện hay là nguyên nhân có phần chủ và thứ. Sự phân biệt này gọi là “Nhân”, chỉ cho điều kiện hoặc là nguyên nhân chủ yếu trực tiếp và “Duyên” tương đối của “Nhân” chỉ cho điều kiện hoặc là nguyên nhân thứ yếu gián tiếp. Do đó trong kinh Tạp a hàm, quyển 2, Duyên khởi được mô tả: “Có nhân có duyên tập thành thế gian, có nhân có duyên thế gian tập thành; có nhân có duyên diệt thế gian, có nhân có duyên thế gian diệt.”[2]Có
nghĩa là, muôn pháp trong thế gian đều do nhân duyên tụ tập mà sinh khởi, cũng do nhân duyên li tán mà tiêu diệt. Duyên khởi được biểu hiện qua hai phương diện Thời và Không. Xét từ phương diện thời gian thì nó là một trạng thái có, không. Xét từ phương diện không gian thì nó là một
quá trình sinh, diệt.
Phái Trung quán (Mādhyamika) của Phật giáo Đại thừa cho rằng: Do vạn hữu trong thế giới là nương duyên mà sinh khởi, không thể quyết định độc lập sự tồn tại của tự thân, ắt phải được quyết định bởi nhân duyên. Vì lẽ này nên nó không có tự tính độc lập, cũng chính là bản
tính là không, tức là tính không (性空, śūnyatā). Trung luận (Madhyamaka – śāstra)[3]nói: “Các pháp do các nhân duyên sinh, ta nói tức là Vô (không)”[4]. Ở trên mô tả tư tưởng Duyên khởi của Phật giáo bao gồm hàm nghĩa nhiều tầng:
(1). Điều kiện cùng nương tựa nhau – Nhân quả quan hệ luận. Hiện tượng Duyên khởi được quyết định bởi các điều kiện, do điều kiện cùng nương tựa, tác dụng lẫn nhau mà sinh khởi, là kết quả cùng liên kết với nhau thuộc điều kiện cá biệt, là do mối quan hệ nhân quả cùng nương tựa nhau tồn tại, cùng không lìa xa nhau trong việc cấu thành của “này” và “kia”. Nói cách khác, tất cả sự vật đều tồn tại trong mối quan hệ, đều tồn tại trong quan hệ nhân quả. Nếu lìa mối quan hệ nhân quả thì sẽ không tồn tại bất cứ sự vật nào.
Trong kinh Hoa nghiêm (華嚴經, s: Avataṃsaka – sūtra)
sử dụng cách nói về “lưới Nhân đà”, cho rằng trong cung điện của trời Đế thích có trang hoàng một tấm lưới báu rất lớn. Phía trên tấm lưới có kết rất nhiều ngọc báu. Những viên ngọc báu này phát sinh ánh sáng lấp lánh, cùng phản chiếu lẫn nhau, tạo nên mối quan hệ phản ánh vô lượng. Người theo Hoa nghiêm tông[5]Trung Quốc tiến thêm một bước đưa ra pháp môn “Cảnh giới lưới Nhân đà”. Cảnh tượng lưới Nhân đà dụ cho giữa vạn hữu thuộc Duyên khởi có thể cùng bao hàm thâu nhiếp lẫn nhau, cho đến tương tức tương nhập trong trùng trùng vô tận nhưng không ngăn ngại lẫn nhau. Hành giả của Hoa nghiêm tông (華嚴宗, Kegon – shū) từ phương diện triết học, đem loại cảnh giới này quy kết thành “Sự sự vô ngại pháp giới”(事事无碍法界). Sự sự tức là các sự tướng, sự vật thuộc Duyên khởi. Sự sự vô ngại
tức là giữa một sự vật và tất cả sự vật khác cùng nhau giao nhiếp nhưng
không ngăn ngại nhau. Quan hệ giữa các sự vật là mối quan hệ Duyên khởi
cùng là duyên của nhau, là mối quan hệ hài hòa, sự vật đều không có tự tính (không), không bài trừ lẫn nhau, tương tức tương nhập.
(2). Sinh tử vô thường – luận về quá trình của sự vật. Duyên khởi luận Phật giáo vừa nói “cái này sinh nên cái kia sinh”, lại nói “cái này diệt nên cái kia diệt”
là nêu ra cả sinh và diệt. Tất cả hiện tượng Duyên khởi đều nương vào nhân gá vào duyên mà sinh khởi. Nhân duyên thường thường biến đổi. Quan hệ nhân quả thường thường biến đổi, có sinh có diệt, sinh sinh diệt diệt, không có tính thường trụ. Đây chính là ý nghĩa “Chư hành vô thường”
định đề trọng yếu của tư tưởng Phật giáo. Điều nhấn mạnh là, hiện tượng
Duyên khởi nương vào trạng huống của nhân duyên mà phát khởi, biến hóa không ngừng, thành trụ dị diệt, không có gián đoạn.
Sinh diệt vô thường là quá trình diễn biến phát triển tương quan với duyên, do sự biến động của duyên mà đưa đến. Có thể nói thêm rằng, hiện tượng Duyên khởi là một quá trình, tất cả sự vật đều là quá trình luôn thay đổi không ngừng.
(3). Duyên khởi tính không – Tương tức luận giữa hiện tượng và bản tính. Sự tồn tại của tất cả hiện tượng đều nương vào nhân duyên. Vì thế, nó trống rỗng không có chủ thể, không có tự ngã độc lập, không có tự tính bất biến, chính là “vô ngã” . Tư tưởng Phật giáo đưa ra định đề quan trọng “Chư pháp vô ngã”, chính là ý nghĩa này. Ngã (我, ātman) ở đây chỉ cho thực thể độc lập, tự tính bất biến. Vô ngã (無我, anātman) tức là không, tính không (性空, śūnyatā).
Từ đây có thể thấy, sự tồn tại của Duyên khởi có hai phương diện. Nói theo hiện tượng tồn tại thì “có”; nói theo bản tính tồn tại thì “không”.
Có và không thống nhất trong sự vật thuộc Duyên khởi,
tuyệt đối không xa lìa nhau. Đây chính là ý nghĩa mà Phật giáo đề xuất:
“Sắc (vật chất) chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc”.
Thuyết Duyên khởi tính không còn tuyên dương ý nghĩa “không” trở thành “có”.
Trung luận nói: “Vì có nghĩa không nên tất cả pháp thành tựu.”[6]
Điều này cho biết, không do duyên sinh mà có, không phủ định sự chấp trước đối với tự tính không thay đổi, thực thể cố định của sự vật thuộc Duyên khởi; bản thân của không
cũng không phải là thực thể. Do nó không có thực thể nên mới có thể biểu đạt ý nghĩa duyên sinh, hơn nữa nó mới có thể thành tựu tất cả sự vật thuộc Duyên khởi. Nếu sự vật có thực thể cố định, tự tính không thay
đổi, thì không phải là Duyên sinh, cũng không thể là Duyên khởi. Nói cách khác, nếu không có không thì không có Duyên sinh, cũng không có tất cả sự vật thuộc Duyên khởi. Nếu không có không thì cũng không có hữu. Thực thể, tự tính không tồn tại, tức là không
đưa ra khả năng Duyên sinh của vạn vật. Nhưng, tất cả sự vật thuộc Duyên khởi là biểu hiện sự thành tựu của loại khả năng này chính là hiện
thực.
Từ góc nhìn của sinh thái học mà giải thích tư tưởng Duyên khởi luận Phật giáo được đề cập ở phần trên, thì chúng ta có thể đưa ra những
tư tưởng gợi mở như thế này. Chẳng hạn như, luận điểm mà Duyên khởi luận đúc kết rằng sinh thái là một kết quả thuộc điều kiện nhất định, nguyên nhân cùng nương tựa lẫn nhau, tác dụng lẫn nhau. Từ đây còn cho chúng ta thấy được: cá nhân, nhân loại, xã hội đều không thể tồn tại độc
lập mà là tồn tại trong mối quan hệ tương quan chặt chẽ với thiên nhiên. Làm tổn hại thiên nhiên chính là làm tổn hại bản thân nhân loại; phá hoại thiên nhiên chính là phá hoại sự tồn tại của bản thân nhân loại. Từ luận điểm này còn cho chúng ta thấy rằng: làm sao ngăn ngừa sự phá hoại sinh thái do con người gây ra, làm sao duy trì, bảo vệ sự cân bằng sinh thái bình thường, làm sao hoàn thiện điều kiện tương quan, nhân tố có lợi nâng cao sinh thái, là trách nhiệm quan trọng nhất của con người, cũng chính là trách nhiệm quan trọng nhất để nhân loại bảo hộ
bản thân. Quá trình tư tưởng được bao hàm trong Duyên khởi luận cho chúng ta biết rằng, sinh thái là nương theo sự thay đổi của điều kiện nhân duyên nhưng không ngừng thay đổi. Nhân loại cũng phải dự kiến được sự thay đổi này và tham dự vào trong đó, dốc sức nhằm ngăn ngừa sự thay đổi xấu của sinh thái, dốc sức triển khai phát triển tính tốt của sinh thái. Cho đến, Duyên khởi luận bài xích tư tưởng bản tính thực hữu của các sự vật thuộc Duyên khởi. Người viết cho rằng, đây chính là sự đối lập giữa tương đối và tuyệt đối, giữa hiện tượng và bản thể, giữa điều kiện tính và chân thật tính của sự vật, là không thể đồng nhất. Nhưng, tư tưởng tính không khẳng định sự sai biệt giữa điều kiện tính và chân thật tính, giữa hiện tượng và bản thể, giữa tương đối và tuyệt đối, nhấn
mạnh điều kiện tính, tương đối tính, tạm thời tính của sự vật có một mặt hợp lý của nó. Bản tính của sự vật vừa có một mặt của thực hữu, cũng
vừa xác nhận một mặt không vô. Xét từ ý nghĩa thực tiễn, Vô ngã luận trực tiếp phủ nhận chủ nghĩa nhân loại trung tâm (Anthropocentric worldview).
Nó có thể phá trừ tính ưu tiên, tính ưu việt của con người, đề xướng dùng tâm thái rỗng rang, khoáng đạt để cư xử với vạn vật. Điều này có lợi trong việc khắc phục sự xa cách giữa con người và thiên nhiên, làm tăng lên sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
2. Vũ trụ đồ thức luận của Phật giáo và thể cộng đồng sinh thái
Phật giáo đề xướng từ thế giới khổ nạn hiện thực bước vào thế giới hạnh phúc bờ kia, và từ góc độ bình diện và lập thể miêu tả theo phương thức biểu đồ về kết cấu vũ trụ. Phật giáo có đủ nhãn quan và tầm nhìn độc đáo về vũ trụ. Thế giới này như thế nào? Căn cứ theo nội dung luận thuật của những trước tác có liên quan của học giả Phật giáo Trung Quốc như: kinh Luật dị tướng (经律异相), Pháp uyển châu lâm (法苑珠林)[7], Pháp giới an lập đồ (法界安立图)[8],
chúng ta có thể thấy phương pháp chủ yếu của Vũ trụ đồ thức luận (宇宙图式论) Phật giáo cho là: Trung Quốc → Nam Châu (Nam Thiệm Bộ Châu)→Đại địa → Tam giới → Đại thiên thế giới → Cõi Phật. Lãnh thổ Trung Quốc rộng
lớn có bốn biển, ngũ Nhạc nằm ở phía Đông của Nam Châu. Nam Châu là một
trong bốn đại châu, là thế giới do Phật Tổ Thích Ca giáo hóa. Bốn đại châu là một thế giới. Thế giới đại địa lấy núi Tu Di (須彌山, Sumeru) làm trung tâm, bên ngoài có rất nhiều tầng biển và núi. Đại địa do thủy luân
(水輪) nâng đỡ, thủy luân do phong luân (風輪) nâng đỡ, phong luân do không
luân (空輪) nâng đỡ. Thế giới chúng sinh cư trú có phân thành tầng bậc, gọi là Tam giới (三界, triloka): Dục giới (欲界) là chỗ ở của chúng sinh có sự dâm dục và tham dục. Sắc giới (色界) là nơi cư trú của chúng sinh tuy thoát khỏi dâm dục và tham dục nhưng vẫn còn có sinh hoạt vật chất. Vô sắc giới (无色界) là nơi cư trú của chúng sinh chán ghét, lìa xa sinh hoạt vật chất mà tu tập thiền định. Thế giới không có hạn lượng, một nghìn thế giới gọi là Tiểu thiên thế giới (小千世界), một nghìn Tiểu thiên thế giới là Trung thiên thế giới (中千世界), một nghìn Trung thiên thế giới là Đại thiên thế giới (大千世界). Đại thiên thế giới còn gọi là Phật sát (佛刹) hay Phật độ (佛土). Đại thiên thế giới không có hạn lượng, Phật độ cũng vô
biên vô lượng. Phật giáo còn mô tả thế giới mà Đức Phật cư trú như Thế giới Cực Lạc Tây Phương của Phật A Di Đà (Amitābha buddha), Thế giới Hoa Tạng của Phật Tỳ Lô Giá Na (Vairocana buddha),
đều là thế giới mà nơi đó tâm chúng sinh không có phiền não, hạnh phúc an lạc, môi trường tốt đẹp, sinh thái hài hòa. Trong đó còn nhấn mạnh môi trường thiên nhiên tốt đẹp, xanh tươi, không có ô nhiễm như: chất lượng của nước rất tuyệt vời, tài nguyên khoáng sản phong phú, rất nhiều
chim thú, rừng cây sum sê, hoa cỏ thơm ngát, không khí trong lành, là thuộc tính vật chất của thế giới cõi Phật..[9]
Vũ trụ đồ thức luận của Phật giáo tuy biểu hiện các loại hạn cuộc
của lịch sử và tôn giáo, nhưng trở thành di sản lịch sử của học thuyết Vũ trụ luận thời cổ đại. Trong đó cũng bao quát những tư tưởng hợp lý: Vũ trụ đồ thức luận của Phật giáo có liên quan đến khu vực địa lý, kết cấu không gian và nhiều tầng bậc của nó. Vật chất không giống nhau và sinh mệnh không giống nhau thì phân bố ở không gian không giống nhau, ảnh hưởng và tác dụng lẫn nhau của thế giới không giống nhau. Cho đến, miêu tả thế giới lý tưởng đều suy đoán quan trọng về tính chỉnh thể, tính vô hạn, tính có thứ tự. Đối với thế giới mà chúng ta nhận thức thì sinh thái có gợi mở ý nghĩa: Nhân loại và sinh vật khác cùng là một thể,
vật chất và sinh mệnh cùng tương quan liên hệ với nhau. Vũ trụ đồ thức luận của Phật giáo biểu hiện lập trường tư tưởng siêu việt hẳn nhân loại
và thế giới, sự tự giác và lòng nhiệt tình hướng thượng không ngừng theo đuổi của con người, phản ánh thâm tâm của nhân loại truy tìm nguyện
vọng cộng đồng về môi trường tồn tại lý tưởng. Đây chính là có tác dụng
khai mở đối với việc xây dựng thế giới sinh thái hài hòa giữa con người
và thiên nhiên.
3. Nhân quả báo ứng luận của Phật giáo và sự tuần hoàn sinh thái
Trên nền tảng Duyên khởi luận, Phật giáo còn tuyên dương Nhân quả
luận. Nhân là nguyên nhân, Quả là kết quả, quả báo. Du già sư địa luận (瑜伽師地論, yogācārabhūmi – śāstra)[10],quyển 38, chép: “Đã làm thì không mất, chưa làm thì không đạt được”.[11]Nhân
đã làm trước khi chưa lãnh thọ quả thì sẽ không tự biến mất. Nhân chưa làm thì cũng sẽ không lãnh thọ được quả. Học thuyết nhân quả này hẳn nhiên là không có rối loạn. Vạn vật trong vũ trụ đều chịu sự chi phối của quy luật nhân quả. Phật giáo tiến thêm một bước nữa nhấn mạnh, loại phương thức biểu hiện của luật nhân quả là nhân tốt nhất định sinh ra quả an vui. Nhân xấu nhất định sinh ra quả khổ đau.
Kinh Vô lượng thọ (無量壽經, Aparimitāyur – sūtra), quyển hạ, chép: “Trong trời đất năm đường hiện rõ, rộng lớn thâm u, mênh mông mờ mịt, báo ứng lành dữ, họa phúc nối nhau.”[12]Đây
cũng gọi là nhân quả báo ứng, là lý luận căn bản mà Phật giáo dùng để thuyết minh tất cả mối quan hệ và quy tắc chi phối vận mệnh chúng sinh trong thế giới. Nhân quả báo ứng còn gọi là nghiệp báo nhân quả. Nghiệp chỉ cho “nghiệp nhân”, Báo là quả báo. Mấu chốt của nhân quả báo ứng là
nghiệp, nghiệp quyết định tính chất của sự báo ứng. Quan điểm Nghiệp cảm duyên khởi (業感缘起) của Phật giáo trong thời kỳ đầu, tuyên dương sự luân chuyển của tất cả hiện tượng và chúng sinh hữu tình trong thế gian đều sinh khởi từ nghiệp nhân của chúng sinh. Nghiệp có nghĩa là hành vi (行爲), triển khai phân làm ba phương diện, tức là thân (hành vi), khẩu (lời nói), ý (ý thức), gọi chung là ba nghiệp. Tính chất của nghiệp có ba loại: thiện, ác và vô ký (trung tính, không thiện không ác, không sinh ra quả báo). Phật giáo nhấn mạnh nghiệp là sức chiêu cảm quả báo, cũng có thể nói là nghiệp lực (業力). Nghiệp lực là hành vi đã thực hiện trong thời gian trước hoặc kiếp trước, dẫn đến sức chiêu cảm của quả báo. Do đó mà tạo ra sự “xoay vần” trong sinh tử hoặc là giải thoát “hoàn diệt” (diệt). Nói cách khác, do tính chất của nghiệp lực không giống nhau mà chúng sinh hoặc là trôi lăn luân hồi trong sáu đường (lục phàm), hoặc là hoàn diệt, tức là tu đạo chứng niết bàn, đạt được sự giải
thoát. Điều này cho biết tính chất thiện ác không giống nhau của hành vi mà mang đến hai loại xu hướng, tiền đồ không giống nhau. Một loại là lưu chuyển, không nên tạo tác. Một loại là hoàn diệt, nên làm. Phật giáo
nhấn mạnh chúng sinh nên thay đổi những sinh hoạt đưa đến sự lưu chuyển, mở ra con đường tắt mới, hướng thượng tìm cầu thường, lạc, ngã, tịnh chân thật. Loại tự giác hướng thượng này là tư tưởng nhân quả báo ứng đáp ứng yêu cầu căn bản trong quá trình tu hành thực tiễn của chúng
sinh.
Để xiển dương quan điểm nhân quả báo ứng, Phật giáo sử dụng vạn sự vạn vật thuộc Duyên khởi bao quát thành ba phạm trù: uẩn (蕴), xứ (处) và giới (界), và dùng chúng để thuyết minh hiện tượng nhân sinh được đan xen mà tạo thành từ hai phương diện chủ quan và khách quan, đều chịu sự chi phối của nhân quả. Uẩn có nghĩa là chứa nhóm. Sự cấu thành sinh mệnh
chúng sinh và sự tập hợp của năm loại yếu tố như sắc, thọ, tưởng, hành,
thức của môi trường xung quanh, gọi là ngũ uẩn (五蕴). Xứ là cơ quan nhận
thức tác dụng đến nơi có liên quan của đối tượng được nhận thức, tức là
sáu căn như mắt… và sáu trần như sắc… gọi chung là mười hai xứ. Giới là
giới biệt. Sáu căn là sáu giới bên trong, sáu cảnh là sáu giới bên ngoài. Sáu thức như nhãn thức… là sáu thức giới, gọi chung là mười tám giới. Ngũ uẩn, mười hai xứ, mười tám giới đều thuyết minh chủ thể sinh mệnh của con người và hiện tượng khách quan.
Ở đây, chúng ta dùng ngũ uẩn làm thí dụ để thuyết minh Duyên khởi
của hiện tượng nhân sinh. Hai bên chủ quan và khách quan của ngũ uẩn lần lượt mở đầu là sắc và sau cùng là thức. Cái mà phát sinh tác dụng giao thoa của hai bên là thọ, tưởng, hành ở khoảng giữa. Thức trí phân biệt và sắc tiếp xúc sinh ra cảm giác, cảm thọ, cảm giác không giống nhau, cảm thọ quyết định tư tưởng, tư tưởng lại quyết định ý chí, ý hướng. Trong năm loại hiện tượng Duyên khởi này của nhân sinh thì, khách
quan ảnh hưởng chủ quan, hình thành ảnh hưởng tâm lý tốt hay xấu. Chủ quan cũng thâu nhiếp nguồn tư liệu của khách quan để làm phong phú cuộc sống của bản thân, và có tác dụng ngược lại với khách quan. Tâm lý tốt hay xấu chi phối hành vi, hành vi làm thay đổi đối tượng. Thọ, tưởng, hành của con người là kết quả khách quan ảnh hưởng chủ quan, nhưng khách
quan bị biến đổi là kết quả do hành vi con người mang đến.
Khách quan và chủ quan đan xen nhau hình thành mối quan hệ cùng làm nhân quả tương ứng. Loại quan hệ nhân quả này cấu thành nội dung cơ bản của hiện tượng nhân sinh, chi phối tiền đồ và vận mệnh của nhân sinh. Do đó, Phật giáo nhấn mạnh tư tưởng con người phải chân chính, xây
dựng trách nhiệm đạo đức, căn cứ theo nguyên lý nhân quả báo ứng, mà nhận thức khách quan, đối đãi khách quan, thay đổi khách quan. Hiện tượng nhân sinh do nguyên tố chủ quan và khách quan đan xen mà tạo thành, nhưng con người vừa là sự tồn tại cá thể, vừa lại là một thành viên trong quần thể xã hội. Nghiệp của con người cũng phân thành hai loại, tự nghiệp và cộng nghiệp. Tự nghiệp là nghiệp do chính bản thân tạo thành, bản thân nhận lấy quả báo, cũng gọi là Bất cộng nghiệp. Cộng nghiệp là nghiệp mà nhiều người cùng tạo ra, tức là nghiệp cộng đồng có ý
nghĩa xã hội. Cộng nghiệp chiêu cảm quả báo cộng đồng, cũng gọi là cộng
báo.
Quả báo do nhiều chúng sinh cùng chiêu cảm này chủ yếu là chỉ môi
trường sinh tồn cộng đồng của nhiều người, bao gồm cả môi trường xã hội
và môi trường thiên nhiên. Do vậy, loại báo này cũng được phân thành Y báo và Chánh báo. Chánh báo chỉ cho thân tâm chúng sinh do nghiệp chiêu cảm mà có được, tức là sự tồn tại của cá thể sinh mệnh. Y báo là cả môi
trường thế giới như quốc độ, núi sông… nơi mà chúng sinh nương tựa sinh
sống.
Đạo Thế (道世, ? – 683) trong Pháp uyển châu lâm (法苑珠林), thiên Tam Giới (三界篇), bộ Thuật Ý (述意部), nói: “Nương vào thế giới lập thể mà tứ đại thành tựu; nghiệp và duyên hòa hợp, tạo tác theo thời cơ.”[13]Thế
giới do tứ đại: đất, nước, gió, lửa mà thành tựu. Nhân duyên và nghiệp lực của chúng sinh cùng phối hợp nhau, tạo tác theo thời cơ. Y báo, chánh báo đều là quả báo do nghiệp lực chúng sinh mà có được. Trạm Nhiên
(湛然Tanzen)[14], Thiên thai tông, trong Thập bất nhị môn
(十不二门) đưa ra tư tưởng y chánh bất nhị, cho rằng nếu xét từ đức Phật thì, thân Phật là chánh báo và cõi Phật là y báo là không phải hai, đều quy nhiếp về một tâm. Điều này phản ánh sự tìm cầu hài hòa thống nhất giữa sinh mệnh chủ thể và môi trường khách quan.
Luận nhân quả báo ứng của Phật giáo không phải nằm trong sự phân li và đối lập giữa chủ thể và khách thể, mà trong sự cùng nương tựa và thống nhất của chúng mô tả sinh mệnh chúng sinh và môi trường sinh tồn của chúng. Nói cách khác, xét từ phương diện nhân loại thì, hành vi con người là kết quả tác dụng của nhân tố chủ quan và khách quan. Nhưng, hành vi lại chiêu cảm sự báo ứng trên cả hai phương diện chủ và khách. Điều này cho chúng ta thấy, chủ thể sinh mệnh và môi trường sinh tồn tuy
có sự sai biệt, nhưng cả hai là một thể thống nhất không thể chia cắt,
không ngừng vận động. Sinh mệnh là kết quả cùng ảnh hưởng, cùng tác dụng của chủ thể sinh mệnh và môi trường khách quan. Nhưng, môi trường khách quan cũng liên tục chịu sự ảnh hưởng của hành vi, tác dụng của con
người mà thay đổi diện mạo bản thân.
Giữa môi trường sinh vật và phi sinh vật thông qua năng lượng lưu
động và sự tuần hoàn vật chất cùng tác dụng lẫn nhau tạo thành hệ thống
sinh thái. Lý luận nhân quả báo ứng bao hàm tư tưởng môi trường và nhân
loại cùng làm nhân quả, con người là một thành viên trong hệ sinh thái,
thông qua hành vi tự thân mà dung hòa thành một thể với môi trường. Đây
là từ phương diện khách quan, tuyên bố mối quan hệ biện chứng giữa chủ thể sinh mệnh và môi trường sinh tồn, có ý nghĩa lý luận tham chiếu trên
bình diện sinh thái học.
Trong hệ thống sinh thái giữa sinh vật và phi sinh vật tồn tại nguyên lý điều chỉnh và nguyên lý vận hành nhất định, nhưng thông qua tự
ngã điều tiết (tự điều tiết) mà đạt được sự cân bằng sinh thái, tức là điều tiết quay ngược trở lại, là phương thức chủ yếu và yêu cầu căn bản để duy trì, bảo vệ hệ thống sinh thái.
Tư tưởng nhân quả báo ứng của Phật giáo yêu cầu chúng sinh làm những nghiệp thiện, yêu cầu con người giữ sự cân bằng đối với việc khai thác cần thiết thiên nhiên, báo đáp thiên nhiên, phản đối việc cướp đoạt
tài nguyên, phá hoại môi trường, yêu cầu điều tiết ngược lại phù hợp với hệ thống sinh thái. Tự điều tiết của hệ sinh thái có hạn độ nhất định của nó, vượt qua hạn độ này sẽ dẫn đến sinh thái mất đi sự điều tiết, thậm chí gây ra sự khủng hoảng sinh thái. Phật giáo khuyên con người không nên tạo nghiệp ác, xét từ vấn đề sinh thái thì quả thực nó có ý nghĩa cảnh báo nhân loại.
4. Quan điểm bình đẳng phổ biến của Phật giáo và sự cân bằng sinh thái
Phật giáo phân vạn vật trong vũ trụ thành hai loại lớn: Một loại là vật có sinh mệnh, sinh mệnh tức là chỉ cho loại có tình thức (cảm tình và ý thức), trước là chúng sinh, sau là hữu tình. Một loại khác nữa
là vật không có tình thức, giống như cỏ cây, gạch đá, núi sông, đất đai… Hai mệnh đề cùa Phật giáo là, “Chúng sinh bình đẳng” và “Vô tình hữu tính”, tập trung thể hiện quan điểm bình đẳng phổ biến của Phật giáo.
Chúng sinh bình đẳng, Phật giáo thường quy kết chúng sinh thành lục phàm tứ thánh (六凡四圣), thập pháp giới (十法界) hay thập giới (十界). Lục phàm là sáu thứ bậc của hàng phàm phu, từ thấp cho đến cao là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, nhân, thiên. Tứ thánh là bốn bậc Thánh đã chứng đắc, tức là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, và Phật. Mười loại chúng sinh này tuy có sự sai biệt giữa phàm thánh và mê muội. Trình độ mê hoặc ngộ cũng có chỗ khác nhau. Nhưng, kinhPháp hoa (法華經, Saddharapuṇḍarīka – sūtra),
quyển 1, phẩm Phương Tiện, tuyên dương tư tưởng “Mười giới đều thành tựu”, cho rằng chúng sinh trong mười giới đều có thể thành Phật. Thiên thai tông dùng kinh Pháp hoa làm kinh điển chính để lập tông, lại tuyên dương tư tưởng “thập giới hỗ cụ” (十界互具). Tư tưởng này cho rằng
mỗi cảnh giới từ cảnh giới địa ngục đến cảnh giới Phật đều có đủ cảnh giới khác. Bất kỳ cảnh giới nào trong mười cảnh giới đều có đủ mười cảnh
giới. Điều này cho thấy, chúng sinh tuy không giống nhau nhưng đều có Phật tính (buddhatā). Phật tính không có sự phân biệt. Do các cảnh giới đều có Phật tính, vì thế giữa các cảnh giới này có thể giao hòa lẫn nhau. Do chúng sinh không giống nhau đều có Phật tính, vì thế giữa các chúng sinh là bình đẳng. Chúng sinh bình đẳng bao gồm cả sự bình đẳng giữa người và người, giữa người và động vật bình thường, giữa người và a la hán cho đến Phật. Hàm nghĩa của sự bình đẳng rất là rộng lớn.
“Vô tình hữu tính”, Trạm Nhiên của Thiên thai tông, trong tác phẩm Kim Cang,
luận chứng một cách có hệ thống về thuyết vô tình hữu tính, tuyên dương
những thứ không có tình thức như cỏ cây, gạch đá, sông núi, đất đai… đều có Phật tính. Có hai luận cứ chính:
1. Căn cứ theo sắc tâm bất nhị (sắc và tâm không hai), tức là học
thuyết vật chất và tâm thức tương tức không lìa nhau, chỉ ra khi chúng sinh thành Phật thì quốc độ và môi trường sinh sống của chúng sinh cũng thành Phật.
2. Từ góc độ bản thể luận, dùng quan điểm vạn hữu trong vũ trụ đều có bản thể chân như giống nhau, coi bản thể của vạn hữu trong vũ trụ, tức là tâm tính của pháp tính và chúng sinh ngang bằng nhau, rồi đưa ra luận chứng cỏ cây, gạch đá… cũng có tính chân như, tức là Phật tính, nên cũng có thể thành Phật.
Trong Thiền tông cũng có những vị thiền sư chủ trương thuyết “Vô tình hữu tính”.
Cái gọi là “Xanh xanh trúc biếc đều là Pháp thân, lộng lẫy hoa vàng không gì mà chẳng phải là bát nhã”[15] ý nói trúc biếc là pháp thân của Phật, hoa vàng là trí huệ bát nhã, cũng gọi là trúc biếc hoa vàng đều là Phật tính. Tô Thức (??苏轼) ở chùa Đông Lâm, Lô Sơn, từng làm bài kệ rằng:“Tiếng suối chính là tướng lưỡi rộng dài, màu sắc của núi há chẳng phải là thân thanh tịnh hay sao?”[16]
Tiếng suốiở đây chỉ cho tiếng chảy róc rách của dòng Hổ Khê (虎溪) phía trước cửa núi chùa Đông Lâm. Màu sắc của núi chỉ cho cảnh đẹp làm say lòng người ở Lô Sơn. Ở đây, tướng lưỡi rộng dài và thân thanh tịnh
là hình tướng do Phật hiện ra. Ý của bài kệ muốn nói, tiếng của nước và
màu sắc của núi đều là sự hiển hiện của thân Phật, đều có Phật tính. Lại có vị thiền sư còn tuyên dương “vô tình thuyết pháp”. Chẳng hạn như thiền sư Dương Kỳ Phương Hội (杨岐方会) 18 nói: “Sương mù khóa không gian, gió sinh nơi đồng rộng, trăm hoa cỏ cây, rống tiếng sư tử, diễn nói Ma ha đại bát nhã, ba đời chư Phật chuyển đại pháp luân dưới chân các người. Nếu hiểu được như vậy thì công ban pháp không lãng phí.”[17] Điều này ý nói trăm loại cỏ cây, đất đai dưới chân, tất cả giới thiên nhiên đều là sự thể hiện của chư Phật, đều đang nói pháp. Cũng chính là nói, loài vô tình không chỉ có Phật tính mà loài vô tình cũng là thân Phật, cũng đang hoằng dương Phật pháp. Sự trình bày hai phương diện ở trên cho thấy Phật giáo chủ trương hữu tình và vô tình, tức là vũ trụ vạn vật đều có Phật tính, đều bình đẳng. Giải thích theo ngôn ngữ hiện đại thì thành phần sinh thái của thế giới là bình đẳng. Quan niệm bình đẳng ở đây có ý nghĩa ý thức hai tầng:
Một là, mỗi sinh vật và phi sinh vật đều có quyền tồn tại. Đây là
một loại quyền lợi của thiên nhiên, cũng là quyền lợi của sinh thái. Do
đây có thể đưa ra suy luận như thế này: Chỉ có loại quyền lợi này được duy trì, chỉ có giữa các thể có sinh mệnh, giữa thể sinh mệnh và thể không có sinh mệnh cùng nương tựa lẫn nhau, cùng tác dụng lẫn nhau, mới có thể bảo chứng, duy trì sự ổn định và sự cân bằng cho cả hệ thống sinh
thái.
Hai là, mỗi một sinh mệnh và phi sinh mệnh đều có giá trị bên trong— Phật tính. Phật giáo cho rằng, Phật tính là bản tính mà tất cả vạn vật trong vũ trụ đều có, là tính khả năng hướng thượng, thăng hoa, thành Phật. Đối với vạn vật mà nói thì Phật tính hoàn toàn không phải cái này có cái kia không, cũng không có phân cao hay thấp. Tuy nhiên, đối với thuyết Phật tính trong cỏ cây gạch đá thì chúng ta khó mà thừa nhận đồng nhất được. Nhưng, cách nói này về mặt khách quan cũng cho chúng ta thấy, vạn vật trong vũ trụ đều có cơ chế nội tại, tự ngã điều tiết, tự ngã cách tân, tự ngã thăng hoa. Điều này giúp chúng ta tôn trọng thiên nhiên, trân trọng thiên nhiên, ngăn ngừa con người chà đạp sinh thái, phá hoại sinh thái, rồi sau mới tiến đến tính ổn định về kết cấu và công năng của sinh thái.
Quan điểm bình đẳng phổ biến của Phật giáo giúp nâng cao ý thức sinh thái hiện đại của chúng ta. Chẳng hạn như về cơ bản, thừa nhận đồng
nhất quan niệm bình đẳng phổ biến trong vạn vật, chính là có thể từ tâm
bình đẳng rồi nảy sinh ra tâm đồng tình, tâm thương yêu bảo hộ, tâm từ bi. Liên quan đến chủ trương chúng sinh bình đẳng, vạn vật đều có Phật tính, Phật giáo cũng trực tiếp phủ nhận quan niệm nhân loại là cao nhất,
phủ nhận quan niệm nhân loại có quyền chinh phục thiên nhiên. Giải phóng chúng ta ra khỏi khuôn khổ tư duy nhị phân, chủ và khách đối lập tuyệt đối giữa con người và thiên nhiên. Giúp chúng ta xác lập nền tảng tâm lý tư tưởng hài hòa giữa con người và thiên nhiên, sự liên kết cùng có lợi giữa hiện đại hóa và môi trường thiên nhiên.
5. Đạo đức môi trường thực tiễn của Phật giáo và sự kiến thiết sinh thái
Phật giáo là tôn giáo rất coi trọng trách nhiệm đạo đức, có tư tưởng luân lí rất phong phú. Trong đó bao hàm cả nhân tố tư tưởng của đạo đức môi trường. Môi trường có sự khác biệt giữa môi trường xã hội và
môi trường thiên nhiên. Đạo đức môi trường của Phật giáo được đề cập ở đây chủ yếu là quy phạm hành vi và mô thức hành vi của con người đối với
môi trường thiên nhiên, đối với sinh vật khác và phi sinh vật trong giới tự nhiên.
Như phần trên đã trình bày, mối quan hệ đối với con người và thiên nhiên, Phật giáo xác định vị trí như sau: Con người là một bộ phận
của thiên nhiên, là một bộ phận tham dự vào sự phát triển, thay đổi của
thiên nhiên. Con người không phải là thực thể tồn tại tuyệt đối; con người và vạn vật trong thiên nhiên là bình đẳng, cần phải tôn trọng thiên nhiên; con người cần phải có tính tự giác tích cực hướng thượng, cần phải tuân thủ đạo đức, có sự cống hiến cho hệ sinh thái hoàn mỹ. Do đó, Phật giáo tiến thêm một bước đã hình thành mô thức thực tiễn đạo đức
môi trường độc đáo.
(1). Phá ngã chấp, đoạn tham dục: “ngã chấp” là chấp vào thực ngã. Phật giáo cho rằng chúng sinh vốn được hình thành từ sự chứa nhóm của ngũ uẩn, nếu vọng chấp sự tồn tại của “ngã” thực thể có tác dụng chủ
tể, mà chấp trước vào sự vật bên ngoài thân làm ngã sở hữu, thì sẽ tạo nên vọng tưởng phân biệt, tức là ngã chấp. Ngã chấp được coi là gốc của mọi điều ác, là căn nguyên của mọi sự sai lầm. Ngã chấp biểu hiện trên phương diện tâm lý là tâm tham trước và dục vọng chấp thủ. Ngã chấp biểu
hiện trên phương diện ý thức là sự vô minh (vô tri), tham trước và vô minh là nguyên nhân căn bản khiến cho chúng sinh không ngừng trôi lăn, lưu chuyển trong sự thống khổ. Tham dục sinh ra ý hướng bám lấy vật bên ngoài. Loại ý hướng này quyết định “nghiệp”, tức là tính chất của hành vi, là một hạnh xấu, một loại chấp thủ vật chất lấy lợi ích bản thân làm
trung tâm để cướp đoạt thiên nhiên.
Phật giáo chủ trương phá ngã chấp, đoạn tham dục là vì mục đích diệt trừ sự đau khổ khiến cho chúng sinh trôi lăn trong luân hồi sinh tử, đạt được sự giải thoát. Trên phương diện khách quan thì có lợi cho việc kiến lập hệ sinh thái.
Kinh Duy Ma Cật sở thuyết (維摩詰所說經, Vimalakīrti – nirdeśa – sūtra), quyển thượng, nói: “Tùy tâm thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh.”[18]Sự
thanh tịnh trong cõi Phật được quyết định từ tâm thanh tịnh. Sự ô nhiễm
hay thanh tịnh của tâm thức có liên quan trực tiếp với môi trường. Chúng ta cho rằng, dục vọng có tính chất và chủng loại không giống nhau.
Dục vọng chân chánh, tích cực, thanh cao là lực lượng khiến cho hành động tiến bộ. Dục vọng trái lại sự bình thường, tiêu cực, tham lam là một loại lực lượng phá hoại. Phật giáo đối với thái độ của dục vọng, làm
sao con người cư xử chính xác với thiên nhiên, đã đưa ra một tham chiếu
quan trọng, có lợi trong việc bài trừ dục vọng về chủ nghĩa nhân loại trung tâm của nhân loại và đơn phương chinh phục thiên nhiên, có lợi đối
với việc bài trừ dục vọng, tiết chế dục vọng, hơn nữa giúp duy trì bảo vệ một cách có lợi cho môi trường thiên nhiên.
(2). Không sát sinh, phóng sinh và hộ sinh: giới không sát sinh là giới đầu tiên trong Phật giáo, tức là chuẩn mực đạo đức quan trọng hàng đầu. Không sát sinh chỉ cho không giết người, cũng không giết chim thú, côn trùng, còn chỉ cho việc không nên chặt phá bừa bãi cây cỏ… Nói rộng ra, cũng chính là không được giết hại tất cả sinh mệnh. Đồng thời, không những tự mình không thể sát sinh, mà cũng không thể bảo người khác
sát sinh, thậm chí khởi ý sát sinh cũng là phạm giới. Giới không sát sinh không đơn giản chỉ cho hành vi, ý niệm cấm giết, mà còn không cho cất giữ khí cụ sát sinh.
Đại trí độ luận(大智度論, Mahāprajñāpāramitā – śāstra), quyển 13, nói: “Trong các tội, tội sát nặng nhất. Trong các công đức thì không sát đứng đầu. Trong thế gian, trân quí thân mạng nhất.”[19] Điều này cho thấy sát sinh là tội ác nặng nhất, không sát sinh là công đức đứng đầu. Tư tưởng căn cứ của giới không sát sinh trong Phật giáo, một là, vạn vật là duyên sinh cùng nương tựa nhau, cùng là một thể. Này kia đều bình đẳng, không thể sát hại nhau; hai là, quan niệm sinh tử luân hồi liên kết con người và sinh mệnh khác lại với nhau. Đây chính là
nguyên nhân không sát sinh ở một tầng bậc sâu hơn. Phật giáo cho rằng, chúng sinh khác là những người thân như cha mẹ trong đời quá khứ. Họ và mình có “quan hệ máu thịt”, làm sao có thể giết người thân? Cho nên, xét
theo Phật giáo thì giới sát cũng là một loại biểu hiện của sự hiếu thuận.
Theo Phật giáo, từ giới không sát sinh mà phát triển truyền thống
“phóng sinh”. Phóng sinh là dùng tiền mua những loài động vật bị bắt nhốt như chim thú, cá rùa… thả chúng về với núi rừng, ao hồ, khiến chúng
lại có được sinh mệnh tự do. Nhưng, trên phương diện xã hội cũng có những thành phần không tốt, lợi dụng cơ hội phóng sinh của tín đồ Phật giáo mà đánh bắt bừa bãi động vật hoang dã để bán kiếm lợi, phá hoại sinh thái của núi rừng, ao hồ.
Giới Phật giáo xét lại những ảnh hưởng tiêu cực do sự phóng sinh mang đến nên cùng với việc duy trì hành động phóng sinh thì đồng thời lại đề xướng “hộ sinh”, chủ trương vận dụng các phương pháp, cách thức có lợi đối với sự sinh tồn của động vật hoang dã, để tích cực bảo hộ động vật hoang dã. Một thiên nhiên tôn giáo lấy việc không sát làm giới đầu tiên, cũng là tôn giáo đề xướng hòa bình, phản đối chiến tranh. Chiến tranh không những mang đến sự giết hại lẫn nhau trong nhân loại, mà tất nhiên còn mang đến sự phá hoại nghiêm trọng cho hệ sinh thái. Phật giáo có truyền thống phản đối chiến tranh, ngay trong thời hiện nay, kêu gọi hòa bình, chấm dứt chiến tranh, chính là hoạt động thực tiễn quan trọng của Phật giáo. Xét từ xã hội giai cấp thì tác dụng xã hội của giới không sát sinh rất phức tạp. Giới này có tác dụng rất quan trọng đối với việc sản xuất nông nghiệp trong thời cổ đại. Nhưng, nếu xét từ tổng thể thì chủ trương của giới không sát sinh trong Phật giáo thể hiện quan điểm tự do và quan điểm bình đẳng của sinh mệnh. Đây là cảnh giới tinh thần cao thượng.
Tư tưởng tôn trọng sinh mệnh, tôn trọng thiên nhiên của Phật giáo
không những duy trì sự cân bằng cho hệ sinh thái mà còn có ích trong việc bồi dưỡng tâm bình đẳng, tâm từ bi của con người. Hơn nữa, nó cũng có lợi cho việc xây dựng xã hội hài hòa và thế giới hài hòa.
(3). Ăn chay: Trong Phật giáo, kinh Đại thừa nhập lăng già (大乘入楞伽經, Laṅkāvatāra – sūtra), quyển 6, nói: “Phàm
sát sinh phần lớn là do con người ăn. Nếu con người không ăn thì không có sự giết hại, cho nên ăn thịt và giết hại có tội ngang nhau.”[20]
Điều này nói, con người vì thỏa mãn sự thèm muốn của cái bụng và cái miệng mà ăn thịt là nguyên nhân cơ bản gây ra sát sinh. Điều cần thiết phải thực hành giới sát sinh, chính là thay đổi thói quen ăn thịt,
lấy động vật làm thực vật, đề xướng ăn chay lấy thực vật làm thức ăn chính.
Phương thức ăn uống này là một bảo chứng quan trọng để thực hành giới sát. Phật giáo đề xướng ăn chay, động cơ chủ quan chính là tôn trọng giới không sát sinh, bồi dưỡng tâm lý từ bi lương thiện của người tu hành, bảo vệ động vật. Nếu xét từ hiệu quả khách quan thì không chỉ bảo vệ nguồn động vật hoang dã khỏi bị phá hoại, mà còn có lợi trong việc phục hồi tính đa dạng của các chủng loại động vật. Việc nuôi dưỡng động vật ăn thịt cần có đất đai, thức ăn, nước uống… tương ứng, tiêu hao
lượng lớn nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nguồn tài nguyên thiên nhiên bị
tiêu hao trong việc trồng trọt thực vật dùng để ăn chay thì tương đối nhỏ, có lợi đối với việc sử dụng tiết kiệm và bảo hộ đất đai, nước…. Ngoài ra, ăn nhiều các loại thực phẩm như ngũ cốc, rau quả, các thực phẩm được chế xuất từ đậu, các loại măng… cũng có ích cho sức khỏe con người.
(4). Tích phước (惜福), báo ân (报恩): Phước chỉ cho phước phần, phước khí là thọ hưởng mệnh vận cuộc sống hạnh phúc. Phật giáo căn cứ lập trường không ngừng vươn lên, mong cầu giải thoát, cho rằng trân quý phước cũng là một loại hành vi để có được sự giải thoát, nhấn mạnh cần phải sử dụng đúng đắn phước phần của bản thân, chủ trương giả sử có mười
phần phước thì chỉ nên thọ hưởng hai ba phần, thậm chí chủ trương lấy việc tích phước để thay thế hạnh phúc. Tích phước chính là cần phải trân
quí phước, yêu cầu chúng ta sử dụng chính xác tất cả nguồn tài nguyên trong cuộc sống như sự chi tiêu, hưởng thụ, yêu cầu tiết chế y phục, thức ăn, nơi cư trú, việc đi lại… sử dụng hợp lý và tích cực bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, thiết lập quan điểm chi tiêu thích đáng, tiết kiệm.
Trên nền tảng tư tưởng vạn vật do Duyên khởi mà có và cùng nương tựa lẫn nhau, Phật giáo còn đưa ra chủ trương “tri ân báo ân”. Trong nhiều loại ân đức cần báo đáp thì hai loại có quan hệ lẫn nhau, là báo đáp “ân thiên hạ” và “ân quốc thổ”. Từ ngữ Thiên hạ tương đương với thế giới. Quốc thổ là đất đai của quốc gia. Thiên hạ và quốc thổ là cảnh giới sinh tồn, nơi cư ngụ của chúng sinh.
Chúng sinh do sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của thiên hạ, quốc thổ và nguồn tài nguyên của xã hội để sinh tồn. Chúng ta phải nhận thức được ân đức của thiên hạ và quốc thổ, phải biết tôn trọng, trân quý, cảm tạ ân đức trời đất, dốc sức báo ân. Phật giáo Trung Quốc đương đại đề xướng hàng tín đồ nên tích cực tham gia bảo vệ môi trường, trồng cây gây rừng, làm đẹp môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, cố gắng tránh sử dụng khai thác quá bừa bãi nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là thực tiễn cụ thể để báo đáp ân thiên hạ và ân quốc thổ.
Tiểu kết
1. Từ trước đến nay, cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta không ngừng tìm cầu, cướp đoạt, chà đạp thiên nhiên, khiến cho các nguồn tài nguyên cạn kiệt, diện tích rừng bị thu hẹp, diện tích sa mạc hóa mở rộng, loài giống sinh vật biến mất mau chóng, khí hậu toàn cầu trở nên nóng, cho đến thịnh hành các bệnh dịch như bệnh bò điên, cúm gia cầm (cúm gà)… trái đất ngày càng không chịu nổi gánh nặng của nhu cầu con người, càng ngày càng phải đối diện với khả năng hủy diệt do sự xấu đi của hệ sinh thái mang đến. Nhân loại cũng
đang đối diện với sự đe dọa của thần chết sau khi hệ sinh thái mất đi sự cân bằng.
Đứng trước hiện thực nghiêm trọng này, yêu cầu con người từ phương diện cơ bản, phải xét lại một cách thận trọng về cách sống, khuynh hướng giá trị, và thái độ cư xử với thiên nhiên, xác lập cấu trúc
vẹn toàn cả hai phương diện có ảnh hưởng tốt lẫn nhau, con người và thiên nhiên cùng chung sống hài hòa.
2. Phật giáo sử dụng khuynh hướng giá trị vượt hẳn lập trường nhân loại trung tâm và chú trọng giải thoát tinh thần, để quan sát và nghiên cứu bản chất chân thật của vũ trụ và nhân sinh, rồi từ góc nhìn độc đáo đưa ra quan điểm vũ trụ phát sinh, quan điểm kết cấu, cho đến quy luật của nhân sinh và trách nhiệm đạo đức. Phật giáo đưa ra một loại
hình ý niệm khác để con người giải quyết mối quan hệ với thiên nhiên. Để nhận thức ý nghĩa cuộc sống nhân loại, ý nghĩa của sinh mệnh nhân loại và sinh mệnh của sinh vật khác, Phật giáo đưa ra sự tham chiếu, giúp con người thay đổi quan niệm giá trị, điều chỉnh phương hướng sinh mệnh, thay đổi thái độ sống, làm giảm đi mối quan hệ căng thẳng giữa con
người và thiên nhiên, gia tăng sự liên kết cùng có lợi giữa hiện đại hóa và môi trường thiên nhiên, sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
3. Vì để giải quyết vấn đề sinh thái, triết học sinh thái Phật giáo đưa ra sự gợi mở và lối tư duy mới, nhưng muốn khiến cho nó có được
sự lợi ích thiết thực, quán triệt trong hành động, thì chúng ta nhất định phải tiến hành phân tích tỉ mỉ tư tưởng triết học sinh thái Phật giáo, chỉ ra nhân tố hợp lý, hữu hiệu, vận dụng ngôn ngữ hiện đại, kết hợp thực tiễn cụ thể để xiển dương tư tưởng hợp lý của triết học sinh thái Phật giáo, và phải tuyên truyền rộng rãi, động viên quần chúng, biến thành hành động tự giác và ý thức sinh thái của quần chúng. Công tác chuyển hóa này chính là điều mấu chốt của tư tưởng triết học sinh thái Phật giáo có thể phát sinh tác dụng thực tế hay không.
(Huyền Trang Phật học nghiên cứu, kỳ 2, Đài Loan, 2005, tr.135 – 172)
TNĐ
[1]. “Thử hữu cố bỉ hữu, thử sinh cố bỉ sinh… thử vô cố bỉ vô, thử diệt cố bỉ diệt.”此有故彼有,此生故彼生。⋯⋯此无故彼无,此灭故彼灭。(quyển 2, p.67)
[2]. “Hữu nhân hữu duyên tập thế gian, hữu nhân
hữu duyên thế gian tập; hữu nhân hữu duyên diệt thế gian, hữu nhân hữu duyên thế gian diệt.”. 有因有缘集世间,有因有缘世间集;有因有缘灭世间,有因有缘世间灭。(quyển 2, p.12)
[3]. Trung luận (中論, j: chūron, s: madhyamaka – śāstra) 4 quyển, được xem là một tác phẩm của Long Thụ. Trung quán luận tụng được nối tiếp bởi chú giải của Thanh Mục (青目, s: pingalanetra,
theo sự khảo chứng của các học giả cận đại thì Thanh Mục chính là tên khác của Đề Bà, Deva), được Cưu Ma La Thập dịch vào năm 409 và có bổ sung thêm vào phần luận giải của riêng mình. Đây là luận văn căn bản cho
việc nghiên cứu tư tưởng của trường phái Trung quán (中觀派). Luận giải này phản đối gay gắt phạm trù giả và không, đồng thời phủ nhận hai ý niệm cực đoan sinh và bất sinh.
[4]. “Chúng nhân duyên sinh pháp, ngã thuyết tức thị vô (không)”. 众因缘生法,我说即是无(空). (quyển 30, p.33)
[5]6. Hoa nghiêm tông (華嚴宗, Kegon – shū) Một tông quan trọng của đạo Phật Trung Quốc, lấy Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh (s: buddhāvataṃsaka – sūtra)
làm giáo lí căn bản. Tông này do Pháp sư Hiền Thủ Pháp Tạng (賢首法藏; 643 –
712) thành lập. Trước đó, hai vị Đế Tâm Đỗ Thuận (帝心杜順; 557 – 640) và Vân Hoa Trí Nghiễm (雲華智儼, 602 – 668) đã nghiên cứu thành lập tông chỉ nên được xem là Sơ tổ và Nhị tổ của tông này. Về sau có pháp sư Thanh Lương Trừng Quán (清涼澄觀; 737 – 820) phát triển mạnh phái này, được xem là
một hiện thân của Văn Thù (s: mañjuśrī). Tổ thứ năm của Hoa nghiêm là Khuê Phong Tông Mật (圭峰宗密; 780 – 841), một đại sư kiêm thiền sư xuất sắc. Năm 740, Hoa nghiêm tông được Thẩm Tường (審祥) truyền qua Nhật.
[6]. “Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành.”. 以有空义故,一切法得成。(quyển 30, p.33).
[7]. Hai tác phẩm này có thể xem Đại chánh tạng, quyển 53.
[8]. Xem Tục tạng kinh quyển 57, No 972.
[9]. Xem Xưng tán Phật tịnh độ nhiếp thọ kinh (稱讚淨土佛攝受經, s: Sukhāvati – vyūha Sūtra, e: Sutra In Praise of the Pure Land).
[10]. Du già sư địa luận(瑜伽師地論, yogācārabhūmi – śāstra). Tác phẩm cơ bản của Duy thức và Pháp tướng tông , tương truyền do Vô Trước (S: asaṅga) viết theo lời giáo hóa của bồ tát Di Lặc (s: maitreya), đức Phật tương lai. Có người cho rằng tác phẩm này của Mai – tre – ya – na – tha (s: maitreya – nātha),
một ứng thân của Di Lặc trong thế kỉ thứ 5. Đây là một bộ luận tầm cỡ nhất của đạo Phật, trình bày toàn bộ giáo lí của Duy thức tông.
[11]. “Dĩ tác bất thất, vị tác bất đắc.” 已作不失,未作不得(quyển 30, p.502).
[12]. “Thiên địa chi gian, ngũ đạo phân minh. Khôi khuếch yểu minh, hạo hạo mang mang, thiện ác báo ứng, họa phúc tương thừa.”天地之间,五道分明。恢廓窈冥,浩浩茫茫。善恶报应,祸福相承。(quyển 12, p.277)
[13]. “Tầm thế giới lập thể, tứ đại sở thành; nghiệp hòa duyên hợp, dữ thời nhi tác.”. 寻世界立体, 四大所成; 业和缘合, 与时而作. (quyển 2, p.32)
[14]. Trạm Nhiên (湛然,Tanzen, 711 – 782), Tổ thứ 6 của tông Thiên Thai Trung Hoa.
[15]. “Thanh thanh thúy trúc tận thị pháp thân, uất uất hoàng hoa vô phi bát nhã” 青青翠竹尽是法身,郁郁黄花无非般若(quyển 51, p.441).
[16]. “Khê thanh cánh thị quảng trường thiệt, sơn sắc khởi phi thanh tịnh thân? ” 溪声便是广长舌,山色岂非清净身?”(quyển 17, p.1146) .
[17]18. Dương Kỳ Phương Hội (杨岐方会, 992 – 1049) vị thiền sư sống vào đời nhà Tống Trung Quốc, là tông
sư của phái Dương Kỳ của Thiền tông. Vì Phương Hội trụ ở thiền viện Phổ
Minh (普明禅院), núi Dương Kỳ (杨岐), Viên Châu (袁州山, nay là chùa Phổ Thông 普通寺, núi Dương Kỳ 杨岐, huyện Thượng Lật 上栗, Bình Hương 萍乡, Giang Tây, 江西) cho nên có tên như vậy. Thiền sư Phương Hội, họ Lãnh (冷) xuất gia ở Cửu Phong 九峰, Quân Châu (筠州, nay là Cao An 高安, Giang Tây 江西), Sư thờ thiền sư Thạch Sương Sở Viên (石霜楚圆, 986 – 1039) là môn hạ của tông Lâm Tế, làm thầy. Tự sư lập nên phái Dương Kỳ, người đời gọi là thiền sư Dương Kỳ. Phái của sư khai sáng là một phái thuộc tông Lâm Tế. Niên hiệu
Khánh Nguyên thứ 5 (庆元, 1199) đời nhà Tống, vị tăng Tuấn Nhưng (俊芿1166 –
1227) ở chùa Tuyền Dõng (泉涌寺), Nhật Bản đến Kính Sơn (径山), Hàng Châu (杭州) Trung Quốc, thọ pháp với thiền sư Nguyên Thông, đời thứ 6 của phái Dương Kỳ. Sau đó, có Biện Viên (辨圆, 1202 – 1280) cũng vào đất Tống thọ pháp từ thiền sư Vô Chuẩn ở Kính Sơn, sau khi về nước năm 1241, sư khai
sơn chùa Đông Phước (东福寺), do đó mà phái Dương Kỳ liên tục được truyền vào Nhật Bản.
[18]19. “Vụ tỏa trường không, phong sinh đại dã, bách thảo thọ mộc, tác đại sư tử hống. Diễn thuyết Ma ha đại bát nhã, tam thế chư Phật tại nễ chư nhân cước cân hạ chuyển đại pháp luân. Nhược dã hội đắc, công bất lãng thí.” 雾锁长空,风生大野。百草树木,作大狮子吼。演说摩诃大般若,三世诸佛在你诸人脚跟下转大法轮。若也会得, 功不浪施。雾锁长空,风生大野。百草树木,作大狮子吼。演说摩诃大般若,三世诸佛在你诸人脚跟下转大法轮。若也会得, 功不浪施。
[19]. “Tùy kỳtâm tịnh tắc Phật độ tịnh”. 随其心净则佛土净。
[20]. “Chư dư tội trung, sát tội tối trọng. Chư
công đức trung, bất sát đệ nhất. Thế gian trung tích mạng vi đệ nhất.” 诸余罪中,杀罪最重。诸功德中, 不杀第一。世间中惜命为第一。
* Thư mục tham khảo
[Nhật] Takakusu Junjirō (高楠顺次郎), Đại chánh tạng, Tōkyō: TaishōIssaikyōKankōkai, 1979.
Thích Đạo Thế (释道世) soạn, Châu Thúc Ca (周叔迦), Tô Tấn Nhân (苏晋仁) hiệu chú, Pháp uyển châu lâm hiệu chú (法苑珠林校注). Bắc Kinh, Trung Hoa Thư Cục, 2003.
Phổ Tế (普济), Ngũ đăng hội nguyên (五灯会元), Bắc Kinh, Trung Hoa Thư Cục, 1984.
(Suối Nguồn-Trung Tâm Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang)
Discussion about this post