TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ BÀI THUYẾT TRÌNH:
CHỖ ĐỨNG CỦA ĐẠO PHẬT
TRONG TRIẾT HỌC Ở HOA KỲ HIỆN NAY
Nguyễn Đức Sinh
Trong bài thuyết trình “Chỗ đứng của đạo Phật trong tiết học ở Hoa Kỳ hiện nay” Giáo sư đi sâu chuyên đề: “Chuyển luân thứ tư” tức vấn đề đổi mới đạo Phật theo xu thế phát triển của Phật giáo hiện nay. Bài thuyết trình nói trên của Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm được trình bày tại chùa Giác Ngộ, phường 3, quận 10, Tp.HCM và được tóm lược đăng tải trên trang Đạo Phật Ngày Nay, ngày 09/08/2017.
Theo trang Đạo Phật Ngày Nay, bài thuyết trình: “Chỗ đứng của đạo Phật trong triết học ở Hoa Kỳ hiện nay” của Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm là bài thuyết trình có nhiều nội dung đề cập đến thực trạng của đạo Phật hiện nay trên toàn cầu. Nhiều vấn đề được coi là mới và là lần đầu tiên nhiều phật tử, kể cả tu sĩ Phật giáo mới được nghe. Bởi từ trước đến nay, chưa một ai dám công khai nói thẳng thắn về những yếu kém của đạo Phật và cách làm của đạo Phật. Bài thuyết trình được video, nhưng muốn đến được đông đảo bạn đọc trong cả nước, nên bài thuyết trình đã được tóm lược trên trang điện tử Đạo Phật Ngay Nay.
So sánh về hai tôn giáo lớn là Thiên Chúa giáo và Phật giáo, Giáo sư cho rằng, “Văn minh Thiên Chúa giáo biểu tượng của họ là trong trái tim bừng sáng có Chúa Giesu. Trong khi Phật giáo là mở mang trí tuệ. Văn minh của người Thiên Chúa giáo là xúc động. Tất cả những biểu tượng giáo lý của họ đều là xúc động nên họ rất khó bỏ đạo qua hôn nhân. Còn người phật tử nặng về trí tuệ, ít về cảm xúc.”
Giáo sư cũng đề cập về sự hoán đạo hiện nay ở Hàn Quốc theo đạo Tin lành. Sự chuyển động này nó sẽ đến Việt Nam và Giáo sư đặt câu hỏi: “Tại sao Phật giáo hiện nay, đang rút lui nhường chỗ cho Tin lành. Khuyết điểm nào của Phật giáo tạo ra vậy?”
Lại nữa, “đạo Phật nhấn mạnh đến sự khai mở trí tuệ nhiều quá, mặc dù cũng có nhấn về trái tim, nhưng đạo Phật không nhấn mạnh ở đức tin nhiều, cho nên tính chất của tôn giáo trong Phật giáo dần dần nó tàn lụi… Phật giáo chinh phục con người không bằng con đường ép buộc, không bằng con đường dụ dỗ… chính vì vậy đó là sai lầm của Phật giáo.”
Đã đến lúc đạo Phật phải có một năng lực mới, đạo Phật cũng phải chấp nhận một sự tiến hóa vì mọi thứ đều phục vụ cho mục đích tiến hóa mà thôi. Văn minh Tây phương cho rằng, con người đã tiến hóa đến mức khá thể. Vậy trong bối cảnh khủng hoảng về tâm linh hiện nay Phật giáo chúng ta làm được gì và Triết học Phật giáo có thể cống hiến được gì?
Trong bài thuyết trình “Chỗ đứng của đạo Phật trong tiết học ở Hoa Kỳ hiện nay” Giáo sư đi sâu chuyên đề: “Chuyển luân thứ tư” tức vấn đề đổi mới đạo Phật theo xu thế phát triển của Phật giáo hiện nay. Những điều Giáo sư nêu ra trong bài thuyết trình có những vấn đề gọi là mới và thẳng thắn giúp cho đạo Phật nói chung cần suy ngẫm, nhưng có những vấn đề Giáo sư đưa ra thiếu cơ sở, bởi đánh giá theo chủ quan của mình thật sự chưa được thuyết phục. Đó là, khi đánh giá và nhận xét về tăng sĩ Việt Nam cũng như con người Việt Nam nói chung qua lăng kính Bát chánh đạo và giáo lý của đạo Phật. Với tinh thần cùng nhau hướng về chính pháp để càng làm đẹp thêm ngôi nhà Như Lai. Bài viết trao đổi này với mục đích xây dựng hơn là tranh biện lý luận. Dưới đây là những vấn đề mà Giáo sư đưa ra trong Bài thuyết trình nói trên (nguyên văn nội dung con chữ trong bài của Giáo sư được tóm lược in nghiêng trong ngoặc) theo đó là ý kiến trao đổi của người viết bài này.
1. Đề cập về vấn đề Chuyển luân (tức đổi mới Phật giáo) hiện nay để phù hợp với thời đại, Giáo sư nêu ra trong bài thuyết trình của mình (xin được trích nguyên văn).
“Đức Phật là người chuyển luân lần thứ nhất, khai sáng ra đạo Phật. Chuyển luân thứ hai là ngài Long Thọ – Trung quán luận, nói về sắc và không. Chuyển luân thứ ba là ngài Long Trước và Thế Thân – Bản thể luận nói về thuyết tàng thức. Giai đoạn chuyển luân thứ tư (Tantrisun) chuyển hóa năng lực về dục thức để chuyển hóa đi vào con đường giác ngộ.“Chuyển luân thứ tư”, đó là kết hợp giữa Phật giáo và thời đại, kết hợp được tất cả vấn đề năng lực của xã hội và đối diện với năng lực lớn nhất hiện nay không còn là cái dục nữa. Thời đại đức Phật đi tu khó nhất là cái dục (nạn Ma- đăng-già). Nhưng trong thời đại hiện nay, nạn Ma-đăng-già còn nhẹ mà nạn còn nặng nề và có nghiệp lực nặng hơn đó là nạn về đồng tiền. Vấn nạn đồng tiền là dòng máu chuyển hóa vào văn minh của con người hiện nay và Giáo sư đưa ra một định nghĩa: “Hãy nói cho tôi biết bạn đối xử với đồng tiền như thế nào, tôi sẽ nói cho bạn biết con người của bạn tiến hóa đến mức độ nào”. Việc đối xử với tiền bạc nó quyết định cái tầm mức tiến hóa tâm linh của con người. Đây là một trong những giai đoạn mà chúng ta cần phải có sự chuyển luân mới để đối diện chứ không cần phải lý thuyết như thời xưa… Thứ hai là vấn đề khoa học thực nghiệm kỹ thuật. Điều này Phật giáo 2500 năm trước không đối diện với vấn đề này, đây là một hiện tượng mới.
Chuyển luân thứ tư nó nhận thức một hiện tượng đó là Tây phương hóa của toàn thể năng lực toàn cầu mà nhân loại đi theo mô hình Tây phương. Mô hình Tây phương nó đại diện cho Modernity (hiện đại tính) phát xuất từ thế kỷ 15, 16.
Nhận định về văn minh của hai tôn giáo lớn là Thiên Chúa giáo và Phật giáo Giáo sư cũng cho rằng, Thiên chúa biểu tượng của họ là trong trái tim bừng sáng có Chúa Giesu, trong khi Phật giáo là mở mang trí tuệ. Văn minh của người Thiên Chúa giáo là xúc động. Tất cả biểu tượng giáo lý của họ đều là xúc động nên họ rất khó bỏ đạo qua hôn nhân. Còn người phật tử nặng về trí tuệ ít về cảm xúc.
Và GS cho rằng, “Đạo Tin lành phát triển, vậy Việt Nam có lo lắng chăng và Giáo sư dẫn số liệu: “Đại Hàn cách đây 50 năm Phật giáo là Quốc giáo, 60% dân số là phật tử. ở thời điểm này 60% đó đã trở thành Tin lành giáo và rất nhiều ngôi chùa ở Nam Hàn dần dần bị đập bỏ để xây dựng thành nhà thờ Tin lành. Sự chuyển động này hình như Phật tử Việt Nam it nhìn thấy. Sự chuyển động này nó sẽ đến Việt Nam, Và Giáo sư cũng đặt ra nhiều câu hỏi: tại sao thanh niên bây giờ đi theo Tin lành nhiều như thế? Tại sao cả một văn minh Đại Hàn lớn lao của Phật giáo như vậy, bây giờ đi theo Tin lành? Tại sao Tin lành nó chiếm được trái tim của Nam Hàn đến vậy? Đối diện với vấn đề này, nên cần một sự chuyển luân mới? Đề cập về trí tuệ của Phật giáo Giáo sư cũng cho rằng, “Đạo Phật nhấn mạnh đến sự khai mở trí tuệ nhiều quá, mặc dù cũng có nhấn mạnh về trái tim, nhưng đạo Phật không nhấn mạnh ở đức tin nhiều, cho nên tính chất của tôn giáo trong Phật giáo dần dần nó tàn lụi”. Trong bối cảnh khủng hoảng về tâm linh hiện nay Phật giáo chúng ta làm được gì và triết học Phật giáo có thể cống hiến được cái gì?
Kế thừa truyền thống Phật giáo trong lịch sử dân tộc, phép thử ý chí con người và dân tộc là các cuộc chiến tranh giữ nước. Đơn cử là thời Trần, khi đất nước yên bình thì pháp môn thiền phát triển, khi có giặc ngoại xâm bấn loạn thì sử dụng pháp môn Niệm Phật tức là không xa dời đạo (đọc Trần Thái Tông với pháp môn Tịnh độ ta sẽ thấy điều đó). Và đến thời kỳ Trần Nhân Tông lên ngôi, một vị vua anh hùng lãnh đạo toàn dân đánh tan hai cuộc xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông (1285-1288). Sau đó, Đức vua nhường ngôi cho con xuất gia (năm 1299) đến non thiêng Yên Tử tu hành, sáng lập nên thiền phái Trúc lâm Yên Tử.
Tác phẩm “Cư trần lạc đạo” phản ánh rất rõ sự “chuyển luân” đổi mới từ thiền (dụng công) sang giác ngộ “Thanh tịnh thiền”, tức lấy trí huệ để phá chấp giác ngộ yếu chỉ thiền tông. Đọc thiền Việt Nam chắc phật tử chúng ta không ai quên được sự phá chấp đến ngạc nhiên của Tuệ Trung Thượng sĩ đời Trần. Nói đến phái thiền Trúc Lâm là nói đến tính Nhập thế của dòng thiền này, mà người sáng lập là Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông một ông vua hóa Phật đã làm rạng danh dân tộc Việt và Phật giáo Việt Nam. Tấm gương sáng của Ngài luôn là ánh Điện Từ Quang soi chiếu phật tử Việt Nam đi đúng hướng. Đạo Phật là đạo Trí Tuệ và chỉ có trí tuệ thì đạo Phật mới khiến cả thế giới quan tâm như hiện nay.
Còn nói về tác dụng của giáo lý đạo Phật trong đời sống con người như thế nào? Chúng ta hãy nghe Rhys Danids Giáo sư Sử học phát biểu: “Là một phật tử hay không là phật tử tôi đã quan sát mọi hệ thống của các tôn giáo trên thế giới, tôi đã khám phá ra rằng không một tôn giáo nào có thể vượt qua được về phương diện vẻ đẹp và sự quán triệt của Bát chánh đạo và Tứ diệu đế của đức Phật. Tôi rất mãn nguyện đem ứng dụng cuộc đời tôi theo con đường đó”.
Thưa Giáo sư, tại sao người viết bài trao đổi này phải dẫn giải những vấn đề tưởng như nằm ngoài nội dung bài thuyết trình của Giáo sư. Nhưng xin thưa, bởi vì Giáo sư nhận xét và đánh giá về Phật giáo như thế này: “Đạo Phật nhấn mạnh đến sự khai mở trí tuệ nhiều quá, mặc dù cũng có nhấn về trái tim nhưng đạo Phật không nhấn mạnh ở đức tin nhiều, cho nên tính chất của tôn giáo trong Phật giáo dần dần nó tàn nụi. Phật giáo bây giờ chỉ có hai giới đi theo mà thôi đó là giới bình dân và giới trí thức (rất là trí thức). Sự chuyển luân mới đòi hỏi chúng ta phải nhận ra những khuyết điểm của Phật giáo và nhìn vào sự thật. Vì Phật giáo không sợ sự thật, ngay một vị Bồ tát nói: “Gặp Phật đánh Phật”, tức là đạo Phật không cố chấp, người phật tử rất dễ dãi đi theo Chúa hay Phật trong việc cải đạo, nhất là cải đạo qua hôn nhân rất nhẹ nhàng. Phật giáo chinh phục con người không bằng con đường ép buộc, không bằng con đường dụ dỗ, chính vì vậy đó là sai lầm của Phật giáo – Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm.”
Những vấn đề nói trên, khiến Giáo sư lo lắng cho Phật giáo. Nhưng xin thưa Giáo sư, những điều giáo sư nêu trên lại khiến cho Phật giáo đứng vững, tồn tại được và tỏa sáng. Và cũng nhờ có sự vô ngã ấy, mà các nhà khoa học, xã hội học, y học và tâm lý học nói chung trên thế giới đều khải thị tìm hiểu giáo lý đạo Phật, đồng thời ứng dụng giáo lý vào đời sống như Nhà sử học vừa nêu ở trên. Đạo Phật là đạo của trí tuệ. Chính vì có trí tuệ mới có chánh kiến,chánh tư duy, chánh ngữ (không dụ dỗ mua chuộc, không nói sai sự thật, sợ nhân quả nên không tán thành bạo động) đó là nét đặc trưng không hề giống tôn giáo nào của đạo Phật.
Trong bối cảnh khủng hoảng tâm linh như hiện nay, Phật giáo chúng ta làm được gì và Triết học Phật giáo có thể cống hiến gì? Xin thưa Giáo sư, Phật giáo cống hiến bằng công thức: Giới – Định – Tuệ như giáo sư vừa nêu. Đây là cái mới mà Phật giáo đem đến cho Tây phương và đem đến với tinh thần khoa học. Trong lịch sử, Tây phương đã vượt quá ta hằng mấy thế kỷ nhờ khám phá thế giới bên ngoài. Nhưng đến một lúc họ bỗng giật mình thấy rằng, khám phá thế giới bên ngoài không đủ đem lại hạnh phúc như họ tưởng, bởi vì con người còn có đời sống ở bên trong.
1. Vì pháp môn Thanh tịnh thiền hay gọi là Như Lai thiền, pháp môn này, trước đó Như Lai đã dạy, nhưng vì con người bị dính cứng vào 16 thứ của tính người đó là: thọ, tưởng, hành, thức, danh, sắc, tài, thực, thùy, tham, sân, si, mạn, nghi, ái, kiến che lấp, nên sự tu thiền Thanh tịnh ở thời kỳ này nhiều người tu mà ít người giác ngộ – giải thoát. Vì vậy khi con người có đầy đủ Trí Huệ hiểu được pháp môn “thiền Thanh tịnh” này, thì mới giác ngộ được “Yếu chỉ thiền tông” và “Bí mật thiền tông” thoát ra ngoài luân hồi (tức thoát khỏi sự cuốn hút của âm dương lục đạo) để trở về Phật giới quê hương của mình, và thoát khỏi cảnh sinh lão bệnh tử”.
Như vậy, thiền là pháp môn chữa bệnh “khá thể” cho loài người và chỉ có thiền Thanh tịnh mới đưa con người tới giác ngộ – giải thoát. Vậy để hiểu được Thanh tịnh thiền thì phải nắm được Duy thức tông của đức Phật dạy và muốn nhìn nhận Phật giáo dưới khía cạnh triết học thì nên hiểu theo nghĩa Triết học Hy Lạp cổ đại hơn là triết học ngày nay. Suy tư và nghiên cứu là những gì cần thiết cho triết học và cả Phật giáo, thế nhưng đối với Phật giáo thì những thứ ấy phải được xây dựng trên lòng từ bi và được phát huy bằng một kỹ thuật đặc thù đó là thiền định. Chữ triết học (philosophia) phát sinh từ nền văn hóa cổ đại Hy Lạp mang ý nghĩa “Yêu chuộng sự hiểu biết và khôn khéo” chứ không phải hiểu theo Lưu bố trước tưởng của duy lý đầy kiến chấp, có như vậy mới hiểu được Duy thức tông đạo Phật.
2. Đề cập về Phật giáo, con người và tính dân tộc của người Việt Nam Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm cho rằng, (xin được dẫn nguyên văn dưới đây lời tóm lược trên trang đạo phật ngày nay: “ Thực chất Phật giáo khởi thủy nhìn ra khổ là cái đế, đời là khổ và phật tử trung trung đến chùa, nhưng giới nhà giầu họ không đi chùa chính thức, họ chỉ đến chùa khi nào cha mẹ họ chết hoặc bị thất bại họ mới trở lại chùa. Chùa như là một chỗ để trốn. Phật giáo nếu là như vậy, Phật giáo là thất bại! Phật giáo phải là nơi đến của những thành phần năng động nhất, trẻ trung nhất, trí thức nhất đó mới là Phật giáo! Mà Đại thừa đang muốn làm cuộc cách mạng đó. Tăng sĩ Á đông và tăng sĩ Việt Nam (không phải chỉ có tăng sĩ) mà trí thức Việt Nam, con người trung lưu Việt Nam vẫn bị giới hạn này. Họ có thể học lên tiến sĩ, họ có thể có bằng cấp giáo sư, đại học ở cấp quốc tế hay những chuyên gia rất là nổi tiếng nhưng vì tính dân tộc vì chiều cao tiến hóa (Stafes) còn giới hạn, Cho nên, người Việt Nam trung trung thiếu trưởng thành (đây là nhận xét rút ra ở rất nhiều các tổ chức, hội đoàn giáo sư khi giáo sư có cơ hội tiếp xúc với nhiều thành phần xã hội). Tức là tính con nít vẫn còn rất là nhiều kể cả những thành phần xuất sắc nhất trong xã hội. Cái đó nó chi phối toàn bộ số phận của dân tộc. Trẻ con ở đây không có nghĩa là không đùa giỡn, hay đùa giỡn mà thiếu trưởng thành. Dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay giống như một đứa trẻ mới 15 tuổi…”
Nhận xét đánh giá nêu trên của Giáo sư hay là của những người nước ngoài, theo người viết bài trao đổi này, đây là một thái độ thiếu nhã nhặn. Nếu không phải là nhận xét đánh giá của Giáo sư, thì mong Giáo sư cũng nói với họ rằng: Lịch sử dân tộc Việt Nam chúng tôi hòa lẫn với lịch sử chiến tranh giữ nước trong các thời kỳ. Trong chiến tranh và xây dựng, con người và dân tộc Việt Nam, đứng trước thực tại nghiệt ngã của đời sống đã rèn luyện nên bản lĩnh kiên cường và lòng tự tôn dân tộc từ thủa cha ông chứ không phải là tính con nít như các ông bà nhận xét và nét hồn nhiên của người Việt nói chung, đó là tính bản lai “bình thường tâm thị đạo”. Hồn nhiên khác với ngây ngô. Do giới hạn bài viết xin được nêu ngắn gọn hai khía cạnh để chứng minh:
– Tại sao vậy? Về điều này đức Phật chỉ rõ: “Vì quốc gia bảo bọc cho toàn dân được yên ổn làm ăn, mưu cầu hạnh phúc, tu tập để được giác ngộ – giải thoát, nên Ân thứ nhất phải là biết ơn quốc gia”. Trên 25 thế kỷ, những điều chúng ta cảm niệm và suy ngẫm tưởng như không có gì cần phải nói thêm. Nhưng với đức Phật, việc sắp xếp trình tự trước sau trong Tứ ân lại liên quan đến cả quá trình vận hành của vũ trụ. Bởi sức hút âm dương ở cõi Ta bà nói riêng và điều này còn tác động đến cả Tam giới. Theo kinh điển chúng ta được biết, cha mẹ Ngài Phú Lâu Na theo đạo Bà la môn; đạo Bà La Môn dạy: Người tu hành đầu tiên phải mang ơn “Chư Thể Đại Thần Ngã tối cao”, tức người tự xưng là Đấng sáng lập thế giới và loài người. Kế đến mới cám ơn quốc gia. Nghe Ngài Phú Lâu Na trình thưa điều nói trên, đức Phật dạy:
Thưa Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm vì sao người viết bài trao đổi này dẫn giải vấn đề Tứ ân ở đây. Bởi lẽ vấn đề dân tộc nó còn liên quan tới nhiều mặt của đời sống trong cõi Ta bà và cõi dục giới thiên theo Huyền ký của đức Phật, chứ không phải ta cứ muốn làm gì thì làm. Thực tế, nhiều khi bấn loạn ta quên, nói lời sân hận đầy bản ngã, ta cứ ngỡ gió bay tan khuất. Nhưng bỗng ta sực nhớ câu kinh: Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức, lòng nhủ lòng chính niệm, ta cảm thấy bình an. Nhân nói về tính dân tộc, khiến ta nhớ tới hành động của Trần Nhân Tông một bậc vua hiền đức. Khi Toa Đô thua trận Tây kết, bị quân ta giết, đem đầu đến dâng vua, trông thấy đầu Toa Đô, vua thương hại nói: “Người làm tôi nên như thế này”, rồi cởi áo bào bọc đầu Toa Đô sai quân đem liệm chôn. Cử chỉ ấy vừa biểu lộ phong độ của bậc đế vương, lại vừa có tác dụng cổ vũ tinh thần quân sĩ. Hành động này, chưa hề thấy trong lịch sử chiến tranh đối với các tướng lĩnh trên thế giới. Cuộc chống giặc Nguyên Mông của quân dân Đại Việt và phái thiền Trúc Lâm Yên Tử một dòng thiền nhập thế riêng có ở Việt Nam đã khẳng định vai trò to lớn của vua Trần Nhân Tông, một ông vua hóa Phật viên dung cả đời và đạo đã thể hiện bản lĩnh Việt Nam từ thủa cha ông dựng nước và giữ nước.
Như vậy, từ thế kỷ XIII, Đệ nhất Tổ đã “Chuyển luân nhập thế” để thích ứng với hoàn cảnh dân tộc trong chiến tranh và xây dựng tái thiết đất nước. Đọc lại lịch sử dân tộc và nghe nhận xét đánh giá của các sử gia trong và ngoài nước nói về 3 cuộc chống Nguyên Mông, ta càng thấy kinh ngạc về sức mạnh không thể tưởng tượng được của quân dân Đại Việt và vai trò cá nhân to lớn của các vua Trần, trong đó có vua Trần Nhân Tông và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trong việc chống giặc giữ nước bảo vệ bờ cõi dân tộc.
Ta hãy nghe sử gia người Đức Edvin O.Reischauer viết trong cuốn “Đông Á truyền thống vĩ đại” nói về sức mạnh của giặc Nguyên Mông thời ấy, sử gia này viết: “Khi bộ máy quân sự Nguyên Mông bắt đầu khởi động, thời không có một lực lượng nào có thể chống cự nổi”. Ta điểm lại một vài sử liệu để khẳng định câu nói trên của sử gia người Đức. Về phía Tây vùng hành lang Trung Á quân Nguyên Mông chiếm Ba Tư năm 1231, tiếp đó chiếm các xứ Mesopotami (gọi là xứ Lưỡng Hà) rồi tiêu diệt Triều đại Ả Rập Bbbassid ở Bagdad năm 1258. Một bộ phận quân Nguyên Mông đánh sang châu Âu vượt sông Von Ga 1237, đốt Matsxcova, chiếm Kiep, vào Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungari… phía Đông, Trung Quốc, Triều Tiên, Ba Tư… Theo các nhà sử học thế giới, Quân Nguyên Mông là đội quân thiện chiến, đánh bộ giỏi, cưỡi ngựa hay, di chuyển quân vượt đường xa có thể ăn trên mình ngựa, đã từng đánh cả nửa châu Âu, được coi là đội quân bách chiến bách thắng. Thế mà ba lần xâm lược nước ta, cả ba lần đều chuốc lấy thất bại thảm hại (?).
Cuộc chiến tranh chống Nguyên Mông của Việt Nam, nếu theo cái nhìn duy lý điều này chưa giải thích được. Bởi theo các nhà sử học, dân số lúc đó ở Việt Nam có khoảng 30 vạn dân, vũ khí thô sơ, tại sao thắng được đội quân Nguyên Mông cuồng liệt và mạnh mẽ như nêu trên? Đây là câu hỏi bỏ ngỏ suốt hơn 7 thế kỷ đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Và xin được nói thêm (Quốc gia Đại Việt khi ấy 100% số người theo đạo Phật, quốc đạo là Phật giáo). Kế thừa Truyền thống cha ông, con người và đất nước Việt Nam nói chung, giới tăng sĩ và phật tử Việt Nam nói riêng luôn đồng hành cùng dân tộc trên mọi nẻo đường chống giặc giữ nước và xây dựng Tổ quốc.
Tấm gương vì pháp vong thân của Bồ tát Thích Quảng Đức năm 1963 gần đây, lại càng chứng minh thêm tấm lòng quả cảm của các tăng, ni vì đạo pháp. Ngọn lửa tự thiêu của Bồ Tát Thích Quảng Đức với tâm huệ chính pháp luôn luôn là ngọn hải đăng soi sáng trí tuệ những người con đất Việt nói chung và giới tăng sĩ Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Sao có thể như giáo sư nói: “con người Việt Nam trung trung thiếu trưởng thành. Tức là tính con nít vẫn còn rất nhiều kể cả những thành phần xuất sắc nhất trong xã hội. Còn đối với giới tăng sĩ Phật giáo, tu hành Giới, Định, Tuệ rất nghiêm chỉnh, họ tiến hóa rất nhanh, nhưng họ không có trưởng thành như một con người… Những cứ liệu lịch sử dân tộc nêu trên, và những nhận xét đánh giá của Giáo sư về con người và dân tộc Việt Nam, trong đó có giới tăng sĩ Phật giáo. Người viết bài trao đổi này, mong Giáo sư cùng bạn đọc suy ngẫm đánh giá và chia sẻ để tìm ra chỗ đứng của mình trong lòng dân tộc và thế giới với tinh thần của chính pháp và tấm lòng bi trí như đức Phật đã dạy ta với cách nhìn của Bát chánh đạo và giáo lý diệu giác của Ngài.
Clip Chỗ đứng đạo Phật trong triết học ở Hoa Kỳ hiện nay – GS.TS Nguyễn Hữu Liêm
Nguyễn Đức Sinh
Số 18, phố Quang Trung, phường Quang Trung, Tp.Uông Bí, Quảng Ninh.
Tài liệu tham khảo:
– Đức Phật dạy tu thiền tông – Soạn giả Nguyễn Nhân (Nxb TG ấn hành 2015)
– Bài: Đạo pháp của đức Phật có phải là triết học hay không – Hoàng Phong – Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 127 tháng 11- 2011.
– Bài: Phật giáo mô tả về vũ trụ thế nào? (P1) tháng 8.2017 (Báo Điện tử PGVN)
– Thiền học đời Trần (nhiều tác giả Nxb-TG tái bản năm 2003.
Discussion about this post