
TRÁI TIM
KHÔNG NÓI HẬN THÙ
Thích
Nguyên Hùng
Khoa
học càng phát triển, con người càng có cơ hội hiểu thêm nhiều điều Đức Phật dạy. Giới khoa học bắt
đầu tìm cách giải thích những hiện tượng, những triết
lý, tâm lý… được Đức Phật nói đến trong kinh điển,
như họ đã từng nghiên cứu, lý giải về các hiện tượng
trong thiên nhiên, trong vũ trụ và con người. Thế nhưng, khi
bắt tay vào công việc đó, họ đã gặp không ít những khó
khăn, trở ngại. Có những khó khăn đi đến bế tắc. Như
chuyện về xá lợi chẳng hạn.
Trước
đây, người ta không tin là có xá lợi Phật. Mãi đến năm
1997, ông W.C. Peppé, người Pháp, đã tiến hành khảo cổ tại
vùng Pìpràvà, phía Nam Népal. Kết quả khảo cổ đã tìm thấy
một cái hộp bằng đá khá lớn, trong đó có chứa hai cái
bình bằng đá và vài dụng cụ bằng đá khác như tách trà…
Hai bình đá một lớn một nhỏ đều có chứa những viên
xá lợi. Bình đá nhỏ dạng hình cầu, chia thành hai phần
thượng hạ. Nửa phần trên có hình tay cầm, khắc niên đại
của vua A Dục bằng lối văn tự Brahmì, và người ta đã
đọc được nội dung của nó như sau: “Đây là xá lợi của
Đức Phật. Phần xá lợi này do bộ tộc Sakya, nước Savatthi
phụng thờ” (Theo Phật Quang từ điển). Sự khám phá này đã
chứng minh những gì được ghi lại trong kinh Trường A Hàm
và rải rác ở những kinh khác về việc phân chia xá lợi
thành tám phần cho tám quốc gia cổ đại khi Phật nhập Niết
bàn là hoàn toàn sự thật. Kinh ghi: “Như vậy, xá lợi Phật
được chia thờ ở tám tháp, tháp thứ chín là cái bình, tháp
thứ mười là tháp tro, tháp thứ mười một là tháp tóc,
thờ tóc Phật khi còn tại thế” (Đại chính tạng, Trường
A Hàm I, Du hành kinh).
Trải
qua hơn hai mươi lăm thế kỷ, xá lợi Phật vẫn còn nguyên
vẹn, lấp lánh sắc màu. Xương cốt con người sao mầu nhiệm
đến thế?
Trong
cõi giới mong manh tạm bợ vô thường này, tất cả mọi thứ
đều bị hủy diệt hết. Có cái tàn hoại nhanh chóng, có
cái biến hoại từ từ, bởi thời gian, bởi sự tàn phá của
con người, của thiên nhiên. Không mất, nhưng không còn nguyên
vẹn nguyên thủy. Nó phải chuyển sang dạng khác, cái khác,
rất khác với nó trước kia, đến nỗi nhìn không ra. “Sông
kia giờ đã nên đồng, chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai”.
Vậy mà xá lợi, chẳng phải kim loại, chẳng phải phi kim,
chẳng phải kim cương, là tro cốt còn lại của người tu
sau khi hỏa táng, đốt hoài không cháy (toái thân xá lợi),
mà người tu là con người do cha mẹ sinh ra, bằng xương bằng
thịt, lại còn mãi, thậm chí còn nguyên vẹn cả thân hình
(toàn thân xá lợi), thách thức với thời gian, trơ gan cùng
tuế nguyệt, chẳng mảy may hư hao, lại còn lấp lánh sắc
màu. Làm sao giải thích?
Đối
với Phật giáo, một tôn giáo vốn được khai sinh từ sự
giác ngộ của Đức Phật về nguyên lý Duyên khởi, thì không
có một hiện tượng nào hiện hữu vô lý mà không có nguyên
do của nó, kể cả sự kiện lưu xá lợi. Khi Đức Phật tuyên
thuyết kinh Pháp Hoa, từ dưới đất bỗng vọt lên một tòa
tháp lộng lẫy, trong đó lại vang lên âm thanh vi diệu tán
thán Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thể tuyên thuyết cho đại
hội các chúng về bản kinh của tuệ giác bình đẳng vĩ đại,
chứng thật cho những điều Đức Thích Ca nói đều là chân
thật. Sự kiện này đã khiến cho đại chúng ngơ ngác không
hiểu vì sao. Đức Phật giải thích: “Khi còn đi trên đường
đi của Bồ tát, Đức Đa Bảo Phật Đà có phát lời nguyện
trọng đại, nguyện rằng nếu được trở thành Phật Đà
thì sau khi nhập diệt, trong mười phương quốc độ, chỗ
nào có Phật nói kinh Pháp Hoa, bảo tháp của Như Lai cũng sẽ
xuất hiện trước chỗ ấy để nghe kinh ấy, và làm chứng
cho kinh ấy bằng cách tán dương rằng tốt lắm”. (Kinh Pháp
Hoa, phẩm Bảo tháp xuất hiện, HT. Trí Quang dịch).
Như
vậy, việc lưu xá lợi là do bi nguyện của chư Phật và Bồ
tát. Ở đây, chúng ta tìm thấy lời phát nguyện của đức
Phật Đa Bảo khi còn hành Bồ tát đạo, muốn làm chứng cho
những Đức Thế Tôn nào tuyên thuyết kinh Pháp Hoa mà lưu
lại toàn thân xá lợi. Chúng ta có thể nói, lưu lại xá lợi
là nguyện lực của chư Phật và Bồ tát, như là một chứng
cứ bất hoại của Chánh pháp.
Cưu
Ma La Thập (Kumarajiva, 344-413), người Tây Trúc, đến Trường
An vào khoảng năm 401, nhằm niên hiệu Long An thứ 5, đời
Đông Tấn. Diêu Hưng bái ngài làm thầy và mời ở trong vườn
Tiêu Dao, cùng với hai học trò là Tăng Triệu và Tăng Nghiêm,
làm công tác dịch kinh. Ở Trung Hoa, trước sau có rất nhiều
người dịch kinh, nhưng không ai có thể so sánh được với
“ông vua giới phiên dịch” này (từ dùng của Lương Khải Siêu).
Trước lúc viên tịch, La Thập đã phát lời thệ nguyện:
“Hôm nay trước mặt đại chúng, tôi phát lời thề nguyện
rằng, nếu như những kinh sách tôi dịch không sai với ý Phật,
thì sau khi hỏa thiêu thân này cái lưỡi vẫn còn”. (Đại
chính 50/2059, [0330a11]). Quả nhiên, ngày 10 tháng 2 năm Quý Sửu
(413), La Thập viên tịch. Nhục thân của ngài được tiến
hành hỏa thiêu theo nghi thức của người Tây Trúc tại vườn
Tiêu Dao; sau khi hỏa táng, bao nhiêu xương cốt đều thiêu
rụi, duy chiếc lưỡi vẫn còn. (Đại chính 50/2059, [0330a11]).
Đến
đây, chúng ta có thể tin tưởng rằng, việc lưu lại xá lợi
là do thệ nguyện của chư Phật và Bồ tát. Quý ngài vì muốn
chứng thực và bảo vệ Chánh pháp là chân thật nên đã phát
lời thệ nguyện lưu lại xá lợi để gìn giữ Chánh pháp
bất hoại.
Bằng
sự đại dũng mãnh, phát ra sự đại thệ nguyện và tăng
cường tâm mình bằng sự đại từ bi, Bồ tát lưu lại cho
dân gian TRÁI TIM BẤT DIỆT. Hãy đọc lại lời phát nguyện
của Bồ tát Quảng Đức: “Nhận thấy Phật giáo nước nhà
đương lúc ngửa nghiêng, tôi là một tu sĩ, mệnh danh là trưởng
tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị
để Phật pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu
thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng
công đức bảo tồn Phật giáo… Cầu nguyện cho đất nước
thanh bình, quốc dân an lạc”. (Lời nguyện tâm quyết, Tỳ
kheo Thích Quảng Đức).
Đọc
lời nguyện của Bồ tát Quảng Đức với lời nguyện của
Bồ tát Tát Đỏa, chúng ta mới thấy hành động của chư
Bồ tát luôn luôn xứng hợp với nhau. Quý ngài luôn vận dụng
tâm từ bi để cứu vớt chúng sinh, nhìn chúng sinh như con
một, mạnh mẽ hoan hỷ, lòng không nuối tiếc. Những ai đã
đi qua đoạn đường lịch sử nước nhà năm 1963 mới thấy
được hành động xả thân cứu khổ, một hành động khó
làm, mới chân thường siêu việt làm sao! Cũng như Bồ tát
Tát Đỏa, xả thân cho cọp đói, sự tự thiêu của Bồ tát
Quảng Đức là khổ hạnh, theo kinh Pháp Hoa và Bồ Tát giới
Phạm Võng. Khổ hạnh như vậy là vì xót thương chúng sanh
đau khổ và xót xa Phật pháp điêu đứng. Nó xuất phát từ
ý thức và tâm nguyện. Và trái tim bất diệt được kết
thành từ đó.
Trong
lúc mà người coi mình là kẻ thù, người ta muốn mình phải
chết, mình vẫn thiết tha cầu nguyện cho họ “sáng suốt”
và khuyên họ nên “lấy lòng bác ái, từ bi đối với quốc
dân”, và mình sẵn sàng hy sinh để cho lời cầu nguyện ấy
trở thành sự thật. Trái tim được làm bằng chất liệu
đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, đại hùng lực như
vậy, nên “Thiêu rồi lấy ra, trong đống tro tàn còn một khối
thịt mà vị trí cho biết đó là quả tim. Thầy Thiện Hòa
cho vào lò thiêu lại cũng vẫn không cháy. Lại thiêu nữa
nhưng xăng hết. Bấy giờ rất đông ký giả hiện diện. Họ
chạy kiếm xăng giúp. Bấy giờ chỉ họ mới đi lại được
dễ dàng. Họ kiếm được mấy can xăng super, đem thiêu kỹ,
nhưng lấy ra vẫn không cháy. Việc này làm cho tôi tin, xưa,
ngài La Thập sau khi hỏa thiêu cái lưỡi vẫn còn. Nhưng ở
đây mọi thắc mắc dị nghị hoàn toàn không còn nữa. Vì
đây là việc mà trên dưới 50 ký giả, đa số là ký giả
quốc tế, không những cùng chứng kiến mà còn dự vào”. (Trích
Hồi ký Tỳ kheo Thích Trí Quang).
Đó
là kết quả của cuộc vận động năm 1963. “Đối với lịch
sử, lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, 1963 là năm
bùng lên ngọn lửa, một sự kiện phi thường làm chấn động
lương tri. Đối với Phật giáo, 1963 là trái tim, trái tim còn
nguyên, không cháy, khi nhục thân Quảng Đức thành tro. Trái
tim đó không nói hận thù”.
Discussion about this post