TÌM HIỂU PHẬT TÁNH
THEO KINH LUẬN
Nguyễn Thế Đăng
Ba truyền thống Phật giáo Ấn Độ, Trung Hoa và Tây Tạng đều cho rằng Phật tánh hay Như Lai tạng là lần thuyết pháp sau cùng và cũng là cực điểm của kinh điển.
Ngoài những kinh của lần chuyển pháp luân thứ ba nói về Phật tánh như kinh Thắng Man, kinh Lăng Già, kinh Pháp Hoa, kinh Đại Bát Niết Bàn… chúng ta có nhiều kinh luận nói về Phật tánh như Luận Đại Thừa Khởi Tín, Luận Phật Tánh (của Maitreya)…
Trong bài này chúng tôi sử dụng kinh Đại Bát Niết Bàn dựa trên các bản Việt dịch, một là bản dịch của Đoàn Trung Còn và Nguyễn Tiến Minh và một bản dịch của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh.
1. Phật tánh
Kinh Đại Bát Niết Bàn nói nhiều lần trong chương Như Lai tánh: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. “Sư tử rống gọi là lời nói quyết định: Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Như Lai thường trụ không
có biến đổi. Tất cả chúng sanh quyết định sẽ được thành Vô thượng Bồ đề. Do nghĩa này nên trong kinh Phật nói tất cả chúng sanh nhẫn đến kẻ tạo tội ngũ nghịch, phạm tứ trọng tội và nhất xiển đề đều có Phật tánh” (Chương Sư tử hống Bồ-tát).
Sự khẳng định này không chỉ là sự khẳng định tất cả chúng sanh đều sẽ
đạt đến Đại Niết-bàn, mà còn khẳng định tất cả các biểu hiện của đời sống đều có mục đích để đạt đến Phật tánh Niết-bàn. Phật tánh là bản đại
giao hưởng anh hùng ca hài hòa mọi kinh nghiệm sống, mọi kiếp sống, thành một vị Niết-bàn của chiến thắng tối hậu.
“Phật dạy: Y vào pháp tức là Như Lai Đại Bát Niết Bàn.Tất cả Phật pháp tức là Pháp tánh. Pháp tánh ấy tức là Như Lai. Thế nên Như Lai thường trụ bất biến. Nếu có người bảo: Như Lai vô thường, thì người đó không thấy không biết Pháp tánh” (chương Như Lai tánh, Tứ y).
“Phật tánh tức là Pháp thân Như Lai. Thân Như Lai là thân thường trụ,
bất sanh bất diệt, là thân kim cương vĩnh viễn bất hoại, đây tức là Pháp thân” (chương thân Kim Cương).
Phật tánh là Chân Không Diệu Hữu:
“Pháp thân là Thường, Lạc, Ngã,Tịnh lìa hẳn sanh già bệnh chết, chẳng
phải trắng đen, chẳng phải cao thấp, chẳng phải đây kia, chẳng phải học
vô học, Phật ra đời hoặc chẳng ra đời vẫn thường trụ, chẳng động, chẳng
biến đổi. Các đệ tử của Ta nghe lời này mà chẳng hiểu được ý, bèn cho rằng Như Lai nói thân Phật là pháp vô vi”.
“Ta từng nói Phật tánh có đủ sáu tính chât: Một là Thường, hai là Thật, ba là Chân, bốn là Thiện, năm là Tịnh, sáu là Có Thể Thấy. Các đệ tử của Ta nghe lời này chẳng hiểu được ý bèn cho rằng Như Lai nói Phật tánh của chúng sanh rời ngoài chúng sanh mà có”.
“Ta lại nói Phật tánh của chúng sanh như hư không. Hư không chẳng phải quá khứ, vị lai, hiện tại, chẳng phải trong ngoài, chẳng phải sắc thanh hương vị xúc, Phật tánh cũng như vậy. Các đệ tử của Ta nghe lời này chẳng hiểu được ý bèn cho rằng Như Lai nói Phật tánh của chúng sanh rời ngoài chúng sanh mà có”.
“Ta lại nói chúng sanh chính là Phật tánh, vì nếu rời chúng sanh thì chẳng được Vô thượng Bồ-đề” (chương Ca-Diếp Bồ-tát).
“Phật tánh của chúng sanh chẳng hư, chẳng hoại, chẳng bị lôi kéo, chẳng bị bắt, chẳng bị trói buộc” (chương Sư tử hống Bồ-tát).
Qua những câu kinh này, chúng ta thấy Phật tánh là thường trụ, không biến đổi, trùm khắp, không bị nhiễm ô dù bị trọng tội hay biến mất bởi kẻ không tin (nhất xiển đề). Phật tánh chẳng hề rời ngoài chúng sanh, dù
chúng sanh còn chưa biết nó.
Nghĩa chính yếu của Phật tánh là thường trụ, như Phật, Pháp, Tăng là thường trụ (chương Kim Cương Thân). Thường trụ có nghĩa là vẫn có ở đó, bất chấp chúng ta có biến đổi thế nào, bất chấp chúng ta có hiện hữu hay không.
Phật tánh nội tại trong ngã và pháp, nhưng siêu việt khỏi ngã và pháp. Kinh nói: “Tánh ngã và tánh Phật. Không hai không sai biệt” (chương Như Lai tánh). “Phật tánh của chúng sanh cũng như vậy, vôn không chỗ trụ. Dùng phương tiện khéo thì thấy được. Vì được thấy nên
được Vô thượng Bồ đề (chương Quang Minh Biến Chiếu).
Phật tánh thì đồng nhất ở cả ba thừa: “Thiện nam tử! Thanh Văn, Duyên
Giác, Bồ-tát đồng một Phật tánh như vậy…. Tại sao ba thừa không khác nhau? Sau này, các chúng sanh ấy mới tự hiểu rằng tất cả ba thừa là đồng
một Phật tánh” (chương Như Lai tánh).
Chính vì đồng một Phật tánh, nên Phật giáo rốt lại chỉ có Nhất thừa: “Ba là đồng một vị: Tất cả chúng sanh đồng có Phật tánh, đều đồng Nhất thừa, đồng một giải thoát, một nhân một quả, đồng một cam lộ. Tất cả đều
sẽ được thường, lạc, ngã, tịnh; đây gọi là đồng Một Vị” (chương Sư Tử Hống Bồ-tát)
Kinh ví Phật tánh như biển cả chung cho mọi làn sóng hiện tượng chúng
sanh: “Điều thứ tám là Phật tánh chẳng thêm chẳng bớt, vì không ngằn mé, vì không bắt đầu và chấm dứt, vì chẳng phải sắc, vì chẳng phải tạo tác, vì là thường trụ, vì chẳng sanh diệt, vì đều bình đẳng với tất cả chúng sanh, vì tất cả đồng một tánh là Phật tánh. Đây gọi là không thêm không bớt. Do đây nên kinh Đại Niết Bàn này có tám điều chẳng thể nghĩ bàn như biển cả kia” (chương Sư Tử Hống Bồ-tát).
2. Phật tánh trong các tông phái thực hành
Trong Thiền tông, Lục tổ Huệ Năng gọi Phật tánh này là tự tánh: “Các thiện tri thức! Tự tánh Bồ đề xưa nay vốn thanh tịnh, chỉ dùng tâm này bèn được thành Phật” (Phẩm Hành Do thứ nhất). “Thiện tri thức! Trong mỗi niệm mỗi niệm, thường tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo”.
Trong phẩm Hành Do thứ nhất, Lục tổ kể về cơ duyên ngộ tánh của mình: “Ngũ tổ giảng cho Lục tổ kinh Kim Cương,
khi nghe tới câu ‘Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm’, thì Huệ Năng ngay dưới lời nói đại ngộ, thấy rõ tất cả muôn pháp chẳng lìa tự tánh. Mới thưa với Tổ rằng:
Lục tổ có giảng về Phật tánh trong phẩm thứ nhất như sau: “Phật nói:
Thiện căn có hai: một là thường, hai là vô thường; mà Phật tánh chẳng phải thường chẳng phải vô thường, vậy nên chẳng dứt, ấy gọi là ‘chẳng hai’. Lại nữa, một là thiện hai là chẳng thiện, mà Phật tánh chẳng phải thiện chẳng phải chẳng thiện ấy gọi là pháp ‘chẳng hai’ Năm uẩn và mười tám giới từ nơi phàm phu thấy thành hai, con người trí thì rõ suốt tánh nó ‘không hai’, cái tánh ‘không hai’ ấy tức là Phật tánh”.
Lục tổ còn nói về Phật tánh khá nhiều như nói với Phương Biện rằng “Ngươi khéo về tánh đắp mà chẳng rõ tánh Phật”, giảng cho ni cô Vô Tận Tạng về kinh Đại Bát Niết Bàn, hay giải rõ cho Chí Triệt về Phật tánh trong kinh Đại Bát Niết Bàn…
Đại sư Padmasambhava, sơ tổ dòng Nyingma, người đã đem hệ thống Mật giáo Ấn Độ vào Tây Tạng, trong đó pháp Đại Toàn Thiện Dzogchen là pháp cao nhất thì luôn luôn đưa đệ tử vào Phật tánh để đệ tử thấy Phật tánh và thường trực an trụ trong đó:
Hãy nghe đây, Dorje Dudjom họ Nanam! Cái gọi là ‘tâm sáng tỏ của giác ngộ’ Là vốn sắn bên trong, bổn nhiên tự hữu và không tâm điểm cũng chẳng chu vi. Chớ sửa chữa, chỉnh trang nó, mà ngay trong trạng thái vốn tự giác và trong sáng tự nhiên Hãy không thay đổi, không làm biến chất, mà hãy an trụ, giải thoát trong tánh bổn nhiên! Ở yên như thế, tâm con thoát khỏi vọng niệm Chính nó là Phật!(Những lời Khai Thị của Đức Liên Hoa Sanh về Con Đường Đại Toàn Thiện, Thiện Tri Thức, Nxb VHPG, 2009, trg 105).
Đại sư Milarepa, vị tổ thứ tư của dòng Kagyu Tây Tạng(mà chót đỉnh là Đại Ấn Mahamudra) nói về Phật tánh:
Thức nền tảng, vĩnh cửu và không biến dịch Là người dẫn đường để thoát khỏi sanh tử luân hồi Hạnh phúc thay cho người nào biết sanh tử và niết-bàn là không hai; Kỳ diệu thay, sự gieo trồng cho vụ mùa này! Sự tu hành định thanh tịnh không phóng dật này Là người dẫn đường cho tánh Giác tinh khiết. Hạnh phúc thay cho người nào biết cái hiện tiền là không hai Kỳ diệu thay tánh Giác thanh tịnh như hư không này!(Uống Dòng Suối Núi, Milarepa, Thiện Tri Thức 2002)
Như thế, Thiền, Dzogchen và Mahamudra đều giống nhau ở Nền tảng là Phật tánh, Con đường đi đến Phật tánh trọn vẹn, và Quả là Phật quả.
3. Phật tánh trong Phật giáo Việt Nam
Thế kỷ thứ VI, Đại sư Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi đem Thiền tông vào Việt Nam. Cái ngài trao truyền, khai thị gọi là Tâm Ấn. Cái tâm ấn này chính là Phật tánh:
Tâm ân chư Phật Tất không lừa dối Tròn đồng thái hư Không thiếu không dư Không đi không đến Không được không mất Chẳng thường chẳng đoạn Vốn không chỗ sanh Cũng không chỗ diệt … Bởi thế chư Phật ba đời Cũng dùng như thế mà được Tổ sư nhiều đời Cũng dùng như thế mà được Ta cũng dùng như thế mà được Ngươi cũng dùng như thế mà được Cho nên hữu tình vô tình Cũng dùng như thế mà được…Dòng Thiền thứ hai, do Đại sư Vô Ngôn Thông truyền vào đầu thế kỷ thứ IX. Cái ngài truyền cũng là Phật tánh bất sanh bất diệt:
…
Truyền pháp nhãn tạng Gọi đấy Thiền … Tâm tông đều gọi Thanh tịnh bản nhiên Tây Thiên cõi này Cõi này Tây Thiên Xưa nay nhật nguyệt Xưa nay sơn xuyên Chạm đến thành trệ Phật Tổ thành oan Sai Nó mảy may Mất nó trăm ngàn. Ngươi khéo quan sát Chớ lừa cháu con Có hỏi người ta Ta vốn Vô Ngôn.Nhà vua thiền sư Trần Thái Tông (thế kỷ XIII) nói:
“Nào biết tánh Giác Bồ-đề, ai nấy đều vốn viên thành, có biết đâu thiện căn trí huệ, người người nguyên đều sẳn đủ. Chẳng kể đại ẩn hay tiểu ẩn, đâu có phân gì tại gia xuất gia. Chẳng nề tăng hay tục, chỉ cốt
rõ tâm, nào kể gái trai, cớ sao vướng mắc hình tướng? Người chưa hiểu chia bừa thành Tam giáo, kẻ rõ rồi cùng ngộ một chữ Tâm. Nếu có thể hồi quang phản chiếu, đều được rõ tánh thành Phật. Huống gì thân người dễ mất, Phật pháp khó gặp. Muốn vượt vòng luân hồi sáu nẻo, chỉ có con đường tắt Nhất thừa”.
Tác phẩm Nam Hải Quan Âm mở đầu bằng các câu:
Chân Như đạo Phật rất mầu Tâm trung chữ hiếu niệm đầu chữ nhân Hiếu là độ được đấng thân Nhân là cứu thoát trầm luân mọi loài Thần thông nghìn mắt nghìn tay Cùng trong Một Điểm Linh Đài hóa ra.Thiền sư Chân Nguyên (thế kỷ XVII) viết trong Thiền tông Bản Hạnh:
Thuở xưa trời đất chưa sanh Cha mẹ chưa có, thực mình Chân Không Chẳng có tướng mạo hình dung Tịch quang phổ chiếu viên đồng thái hư Thánh phàm vô khiếm vô dư Bất sinh bất diệt như như Di Đà Liễu tri vạn pháp không hoa Văn tự ngôn ngữ ấy là vọng duyên Chân Như tánh vốn thiên nhiên Vô tạo vô tác căn duyên của nhà.Con đường Thiền Việt Nam là thấy Phật tánh, tin nhận Phật tánh rồi y vào đó mà tu, mà phát huy, mà tự khai mở trước Phật tánh vốn có từ “thuở
trời đất chưa sanh” đó là ‘khuôn mặt xưa nay’ thuở “cha mẹ chưa có thật
mình Chân Không”, đó là cái “vô tạo vô tác căn duyên của nhà”, cái “bất
sanh bất diệt như như Di Đà”, mà “thánh không dư phàm không thiếu”.
Con đường Thiền Việt Nam là con đường Nhất thừa “khai thị ngộ nhập” Phật tánh vậy.
(Văn Hóa Phật Giáo số 108)
Discussion about this post