TIẾNG KHUYA, TIẾNG KHUA
Thánh Tân
Viết từ địa hạt hoa dầu vẫn bay,
dáng xưa đã về cõi Phật.
Đêm, thời gian để nghỉ ngơi sau một ngày bận rộn với trăm mối lo toan, ấy thế mà, từ góc sân thượng nhìn xuống đường, vẫn còn bao người mưu sinh. Những xe máy đi ngang tòa chung cư, có tiếng nổ chậm thật chậm như chút sức lực còn sót lại cuối ngày; lại có tiếng xe xé gió lao đi, như sợ sắp tàn canh. Tiếng rao đêm, “xôi cúc, bánh giò”; tiếng mõ lốc cốc khô khốc của hủ tíu gõ; tiếng người xì xầm nhỏ to nơi quán cà phê ven đường; tiếng nhạc từ chiếc loa di động của người bán kẹo kéo, tăm bông, kẹo cao su;… tất cả hòa quyện nhưng lại có phần rạch ròi, rõ ràng hơn ban ngày. Hẳn vì, khi mặt trời còn thức, người bận rộn với nhiều việc, tay làm, đầu nghĩ một lúc năm bảy chuyện; đêm, thân yên, chỉ nghe và nghĩ về những chuyện đã qua trong ngày, chuyện của ngày mai, nên khó lòng để sót dù một tiếng động nhỏ.
Khi mặt trời đem ánh sáng đến thì hẳn bóng đêm phải lùi đi, đó là định luật tất yếu. Màn đêm kéo đến, phủ lên bầu trời cũng bởi mặt trời lùi bước. Bởi cho nên, dân gian có câu: “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng – Trời tháng mười chưa cười đã tối,” là một cách bổ khuyết, lý giải hiện tượng tự nhiên về mặt thời gian, cũng là điều đáng cho người suy ngẫm.
Tiếng khuya là tiếng người còn khổ nhọc mưu sinh. Tiếng của lo âu thấp thỏm tiền trọ cho chủ nhà vào ngày mai của một ai đó. Tiếng cười lẫn nước mắt của người mượn men quên đời. Tiếng thở dài của người thừa tiền thiếu hạnh phúc. Tiếng trở mình. Tiếng nói mớ của một tâm hồn trẻ thơ trong thân thể người trưởng thành… Khuya, khi không còn bận rộn việc nọ việc kia, người sẽ dễ bắt gặp phải tiếng lòng của chính mình. Và như một lẽ tất dĩ ngẫu, không ít người phải đối diện với tiếng lòng, ấy là TIẾNG KHUA.
Tiếng Khua
“Ta về một cõi tâm không
Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn.”
(Tuệ Sỹ)
Ngày trở về đất cũ, khách trần mang theo hành trang là kỷ niệm hiếm hoi với Người; sân chùa vẫn vậy, tiếng xe máy ra vào, tiếng học sinh tíu tít sau giờ học; hoa dầu (rái dầu) vẫn bay trong gió, họa chăng khác là, trong ánh nắng vàng vọt cuối ngày, không còn dáng thiền hành, không còn tiếng “ôn lại” bài thơ của Trương Minh Ký – Nữ Nhi Ca… Hồn khách trần bãng lãng, giữa mộng thực, chợt nhớ câu kinh trong rương cũ: “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai” (Nếu dùng hình tướng mà cho đó là ta, nghe tiếng lại cho đó là ta, thì không khác gì người đi lạc đường, sẽ không bao giờ có thể gặp được Như Lai). Người là con gái Phật, học lời Phật, hành hạnh Phật, vậy phải chăng lữ khách đã học lại không hành, nhớ lời Phật lại tìm kiếm trong ký ức hỗn độn chút kỷ niệm về Người đã quãy dép về Tây?
Kẻ học đạo mươi năm, nhặt nhạnh ít “lá rừng xưa,” đựng trong đãy cũ, lại gom chút ít vào lòng làm hành trang xử sự khi đối cảnh. Ấy vậy, vì lẽ chút ít, nên trong cuộc sống hằng ngày, tiếng khua không ít. Mỗi lần như thế, mỗi chuyện như thế, cứ dần bào mòn tập khí thế gian, đem vào “sợi nga mi” tâm tính thuần hậu, kiệm lời, cẩn ngôn, biết phòng hộ và né tránh. Đôi khi, tự nghe lòng mình, thở dài, thầm nhủ: “Biết làm sao được!” Lắm lúc, ‘khép rèm,’ buộc sợi dây tâm, tự thủ thỉ: “Chắc họ chưa hiểu mình!” Vậy đó, thần chú thì nhiều lắm, học từ khi vô cửa không, nào là: Đại bi thần chú, Thập chú, Đại Phật đỉnh Thủ lăng nghiêm chú,… nhưng lại cứ phải tự chế thêm “thần chú” cho mình. Dường như, con đường nuôi dưỡng tâm từ bằng thần chú ấy lại hiệu quả, bởi người càng hiền tính ra.
“Đường về sinh tử, hồn ai nấy giữ,” một câu nói bâng quơ của người lạ lạ quen quen không khỏi khiến người khua lòng. Ý gì đây? Đúng thì đúng thật, mà nghĩ trong nhận thức thông thường trần tục thì thấy lòng khó chịu lắm. Lẽ dĩ nhiên, đến cuối cùng, người về bên cửa mãn kiếp chỉ còn lại nghiệp đã gây tạo, chẳng ai thay thế nhận lãnh hay chịu đựng giúp ai được, mình không giữ mình, ai giữ giúp mình đây.
Nhớ đêm thanh vắng xưa, vua Ajatashatru (A-xà-thế) trong tâm thế đầy bất an, trăn trở đến viếng Phật, cả khu rừng nơi Phật và Tăng đoàn cư ngụ chỉ còn ánh trăng chiếu rọi, cả trên ngàn người, ấy vậy lại im phăng phắc, không tiếng động, chính sự im lặng này khiến cho vua lòng đang bất an lại càng sợ hãi. Chỉ một duyên khởi kinh này, đã thấy có những sự im lặng thật đáng sợ. Im lặng của Phật, im lặng của Tăng đoàn là im lặng trong tĩnh lặng, bình an, không còn vương vấn chút việc trần. Còn người thường, im lặng vì bất lực, vì khổ đau không thể thốt nên lời, vì tâm bất xứng ý, sự bất dung thông, im lặng mà lòng khua hơn trống. Đó là sự “im lặng sấm sét” (ở nghĩa thông thường, không phải thiền ý Đông phương) đối với người xung quanh. Vậy thì, đừng để sự im lặng mà lòng khua, đừng để im lặng đến rạn vỡ, đừng để lặng im đến “vô ngôn” trong nghĩa thông thường. Nếu im lặng là lòng tĩnh tại, không tìm kiếm gì ngoài sự an đã có, thì “tự tâm sinh tướng,” mọi sự đều rõ, và sẽ trả tướng – tánh về đúng bản vị của nó.
Cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn nếu có sự tương thông. Bản nhạc hay thì lời và nhịp phách phải hòa điệu. Người người có thể nói chuyện và sống với nhau lâu dài vì kính–trọng như thuở ban sơ. Hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng yêu thương, bao dung, biết đủ, hy sinh, xả bỏ, cầu tiến, ham học hỏi và tử tế. Tiếng khua lòng hẳn sẽ vì thế mà vơi đi. Đêm nằm nghe tiếng tự đáy tâm, dù sâu hun hút hay cạn cợt thì không còn chút thẹn với chính mình. Nghe sột soạt từ cái duỗi chân, từ tiếng ho khan, từ tiếng nói ngủ mơ, từ tiếng mèo động mái tôn,… sẽ không còn chút động lòng khó chịu, thay vào đó là thương cảm, lắng nghe, biết chỉ để biết và để thương hơn.
Tiếng khuya một bóng trăng tàn
Hồn khua một dáng Niết-bàn như in.
T. T.
An cư Kết hạ PL: 2563, 17/05/ Kỷ Hợi
Discussion about this post