THIỀN TÔNG
Lê Sỹ Minh Tùng
Từ xưa, Phật giáo Trung Hoa cho hệ thống những người
chuyên tâm tọa thiền là Thiền tông bao gồm cả hai hệ thống Thiên Thai và Tam
Luận chớ không nhất thiết chỉ có Đạt Ma tông. Nhưng từ đời Đường về sau, Đạt Ma
tông trở nên hưng thịnh vì thế từ ngữ Thiền tông liền chuyển sang để chỉ cho
Đạt Ma tông.
Lịch sử
Thiền tông đã trải qua hai giải đoạn trong quá trình truyền thừa:
1)Giai
đoạn đầu từ Tổ Đại Ca Diếp đến Tổ Bồ Đề Đạt Ma tức là Tổ thứ 28 thuộc Thiền
tông Ấn Độ. Rất khó mà xác định được khởi nguyên của lịch sử Thiền tông Ấn Độ
vì lịch sử Phật Giáo Ấn Độ không hề đề cập đến việc truyền thừa của 28 vị Tổ
Thiền tông. Đặc biệt hơn nữa là không tìm đâu ra được vị trí đặc biệt nào của
Tổ Đạt Ma trong Phật giáo Ấn Độ cả. Một lý do khác là những bài kệ truyền pháp
từ đức Phật Thích Ca đến Tổ thứ 28 không tìm thấy bản gốc bằng tiếng Pali hay
tiếng Phạn để đối chiếu. Đó là chưa kể văn khí của những bài kệ đó được sáng
tác theo phong cách thiền Trung Hoa và có lẽ sau thời Lục Tổ Huệ Năng. Một số
Ngữ Lục (là các bài Thuyết giảng do chư vị Thiền sư giảng, được các đệ tử ghi
chép lại) hay Truyền Ký có đề cập đến lịch sử Thiền Tông cổ nhất của người
Trung Hoa được biên soạn vào đời Đường khoảng trên 1200 năm sau ngày đức Phật
Niết-bàn, và mãi đến đời nhà Tống từ niên hiệu Cảnh Đức 1004 đến niên hiệu Gia
Thái 1204 trên dưới 1700 năm sau đức Phật Niết-bàn như Cảnh Đức Truyền Đăng Lục
do Đạo Nguyên soạn, Thiên Thánh Quảng Đăng Lục do Lý Tuân Húc soạn v.v…
thường là mượn các nhân vật danh Tăng thiền đức có thực để hư cấu thêm nhằm
chuyển tải thiền lý hơn là mô tả thực kiện diễn ra trong lịch sử.
Thí dụ
khi đức Phật sắp nhập diệt thì Ngài truyền y bát cho tôn giả Đại Ca Diếp và nói
một bài kệ truyền pháp như sau:
Câu
chuyện “niêm hoa vi tiếu” tuy chỉ là huyền thoại, nhưng ý nghĩa rất hay, rất
sâu sắc. Câu “Các pháp vốn không pháp” có nghĩa là các pháp vốn pháp
thực tánh chớ không phải là pháp khái niệm. Thí dụ trong thế gian chỉ có một
sắc pháp là tứ đại tức là đất, nước, gió, lửa, nhưng con người lại nhìn một sắc
pháp đó bằng tâm phân biệt nào là nhà cửa, xe cộ…Vì vậy chúng ta chỉ thấy các
pháp dựa theo quan niệm của mình chớ không thấy thật tánh của các pháp tức là “tự
nó thật sự là”. Một thí dụ khác là khi nhìn đóa hoa chúng ta cho rằng
mình đang nhìn đóa hoa, nhưng đóa hoa là tên do mình đặt cho nó chớ tự nó “không
phải là” đóa hoa “hay là” đóa hoa. Mà thật chất của nó là
sự tổng hợp của đất, nước, gió, lửa qua trùng trùng duyên khởi kết thành hình
tướng rồi chúng ta đặt tên hình tướng đó là đóa hoa. Nói vậy thì trong đóa hoa
có nước, nhưng chúng ta có thấy trời mưa hoa rơi xuống đâu? Trong hoa có ánh
sáng mặt trời, nhưng ngoài trời đâu có rơi hoa? Trong hoa có phân bón, nhưng
trong các thùng phân bón làm gì có hoa? Do đó thật tánh của hoa là không tánh
vì hoa là do sự kết hợp của trùng trùng duyên khởi chớ đóa hoa không tự nó có
hay tồn tại được.
Vì vậy
cái thấy của Thiền tông là thấy tất cả các pháp trên thế gian này vốn là không
vì chúng không có tự tánh tức là vô ngã. Vô Ngã của Phật giáo Đại thừa nói
chung và của Thiền tông nói riêng là cái biết bằng tri giác trong
khi đó Vô Ngã của thiền Tứ Niệm Xứ là sự thấy biết như thật trong trí tuệ
chánh niệm tỉnh giác nghĩa là sự thấy biết rốt ráo rõ ràng từ kinh nghiệm khắp
toàn thân, tâm.
Còn câu
“Nay truyền cái vô pháp, vô pháp nào có pháp” nói lên ý nghĩa của câu
chuyện “niêm hoa vi tiếu” bởi vì cành hoa trong tự tánh thì nó “đang là”
chớ không phải “đang bị nghĩ là” nghĩa là thấy biết trực tiếp
bằng tánh thấy chớ không phải qua ý thức suy nghĩ phân biệt. Truyền cái vô pháp nghĩa là truyền cái pháp
không. Pháp không có nghĩa là pháp chưa từng có trong khái niệm bởi vì một khi
hình thành khái niệm “pháp không” thì nó trở thành “pháp có”
rồi. Thế thì Thiền tông xiễn dương “tánh giác” là cái biết chân thật bằng trực
giác, không qua khái niệm, kiến giải mà thiền Nguyên Thủy gọi là “thấy
biết như thật” trong trí tuệ chánh niệm tỉnh giác.
2)Giai
đoạn thứ hai từ Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng.
Thiền
tông Trung Hoa từ Đạt Ma Tổ Sư truyền cho Huệ Khả, Huệ Khả truyền cho Tăng Xán,
Tăng Xán truyền cho Đạo Tín. Dưới Đạo Tín có hai người tài giỏi là Hoằng Nhẫn
và Pháp Dung. Dưới ngài Pháp Dung có ngài Trí Nghiễm, Huệ Phương, Pháp Trí.
Hoằng Nhẫn truyền lại cho Huệ Năng, nhưng bấy giờ Thiền tông Trung Hoa chia làm
hai nhánh: Nhánh Thiền tông ở phương Bắc do ngài Thần Tú, đệ tử xuất sắc nhất
của Hoằng Nhẫn, nên gọi là Bắc tông lấy Trường An, Lạc Dương làm trung tâm,
pháp vận được hưng thịnh khoảng 100 năm. Nhánh thứ hai ở phương Nam là Huệ Năng
trụ tại Tào Khê tỉnh Quảng Đông tức là Nam tông. Vì tông phong của 2 tông Nam,
Bắc khác nhau nên mới có câu: “Nam đốn, Bắc tiệm”.
Đệ tử
nói pháp của Huệ Năng có hơn 40 vị, nổi tiếng nhất là ngài Nam Nhạc Hoài
Nhượng, Thanh Nguyên Hành Tư, Nam Dương Huệ Trung, Vĩnh Gia Huyền Giác, Hà
Trạch Thần Hội… Ngài Thần Hội khai sáng “Hà Trạch tông” với chủ trương cực lực
đề xướng pháp môn đốn ngộ, lấy “một niệm “không khởi” làm TỌA và thấy rõ
“bản tánh” làm THIỀN”. Ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng được Lục Tổ truyền tâm ấn,
trụ trì chùa Bát Nhã, đệ tử nói pháp có 9 vị, đứng đầu là ngài Mã Tổ Đạo Nhất. Rồi sau đó sanh ra năm nhánh
khác là thiền sư Qui Sơn (Khai tổ tông Qui Ngưỡng),
Thiền sư Nghĩa Huyền (Khai Tổ Tông Lâm Tế), Thiền sư Văn Ích (Khai Tổ Tông Pháp
Nhãn), Thiền sư Văn Yễn (Khai Tổ Tông Vân Môn) và Thiền sư Lương Giới (Khai Tổ
Tông Tào Động). Mặc dầu Tổ sư thiền có nhiều tông
phái, có những lối hành thiền khác nhau, nhưng tựu trung vẫn có chung một cứu
cánh là “kiến tánh”.
Tuy
Thiền tông có tất cả 33 vị Tổ, nhưng người được đề cao nhiều nhất là Tổ Bồ Đề
Đạt Ma bởi vì chính ngài đã tạo cho thiền tông một sắc thái đặc biệt. Tuy nhiên
Lục Tổ Huệ Năng là người đưa thiền tông đến chỗ hưng thịnh và sau đó hệ thống
thiền đốn ngộ được truyền sang các nước lân bang như Đại Hàn, Nhật Bản và Việt
Nam.
Khi
thiền bắt đầu hưng thịnh ở Trung Hoa thì thiền tông được gọi là Tổ Sư thiền
nghĩa là dòng thiền phát xuất từ các Tổ Sư.
Tiến
trình hình thành Phật giáo Đại thừa đã trải qua nhiều giai đoạn và hấp thụ từ
nhiều luồng tư tưởng khác nhau của chư Tổ. Thí dụ trong giai đoạn Sơ kỳ Đại
thừa thì có tư tưởng “Giai hữu tánh không” rồi đến sự hình thành học phái Trung
Quán (Bát Nhã) của Long Thọ và đệ tử là Đề Bà. Đến khi giáo thuyết Trung đạo
ra đời, khái niệm về nhị đế đã trở thành tiêu chuẩn của rất nhiều học thuyết
Đại thừa khác nhau. Người Trung Hoa trước khi thu nhập hệ tư tưởng Trung
Quán của Long Thọ đã không biết nhiều về sự khác biệt
giữa hai hệ tư tưởng Nguyên thủy và Đại thừa. Chính Long Thọ đã đưa học thuyết Trung Quán vào Phật giáo Đại thừa và tạo ra một sự khác biệt khá rõ ràng giữa hai
giáo thuyết và có lẽ sự phân cách cũng bắt đầu nẫy nở trong cộng đồng Phật giáo
Trung Hoa từ đó. Kinh điển Đại thừa không ngần ngại chỉ trích nặng nề giáo lý Nguyên thủy và thậm chí còn dùng những danh từ
“tiêu nha bại chũng” tức là hạt giống khô, giống chết để ám chỉ cho những vị A
la hán định tánh tức là những vị Thánh tăng không chịu hướng về Đại thừa.Tư tưởng Long Thọ khai triển
trí tuệ Bát Nhã để đạt đến được nhận thức về Chân Không mà nơi đó sẽ không còn
tùy thuộc vào ngôn ngữ, văn tự mà chỉ trực nhận bằng bản tâm. Long Thọ cho rằng
mặc dù chân lý có hai cấp bậc (chân-tục), nhưng chỉ có thực thể mới là chân lý
tối thượng. Đó là cảnh giới bất sinh bất diệt, không bao giờ thay đổi, luôn
luôn là “cái tự bao giờ đã là” và dĩ nhiên trong đó không còn sự khác biệt giữa sanh tử và Niết bàn, hay phiền não
và Bồ-đề. Trong Trung Luận, chúng ta có thể thấy rõ rằng Chân lý Tánh Không của
Long Thọ được áp dụng rộng rãi qua biện chứng pháp về “Bát Không”. Đó là “không sinh, không diệt, không thường, không
đoạn, không đồng, không dị, không lai, không khứ”. Từ đó người tu theo
Đại thừa lầm lẫn cho rằng Chân lý thế tục
(Giáo lý Nguyên thủy) mà đức Phật truyền dạy lại cho chúng sinh là giáo lý nữa
chừng, không đầy đủ vì người tu theo Nguyên thủy chưa nhận thức được chân lý
siêu việt Bát Nhã mặc dù Long Thọ ra đời sau đức Phật
gần 800 năm.
Trên căn bản, học thuyết Bát Nhã đặt trong tâm vào hai chân
lý tục đế và chân đế. Nhắc lại, vua Lương Võ Đế từng đắp cà sa, tự giảng kinh
Phóng Quang Bát Nhã, cất chùa độ tăng và được người đời tôn là vị vua có tâm
Phật. Nhà vua cùng với pháp sư Lâu Ước luận bàn về chân đế, tục đế. Tục đế thì
biện minh cái “phi vô” tức là cái chẳng phải không, còn chân đế biện minh cái
“phi hữu” tức là cái chẳng phải có. Sau cùng chân-tục chẳng phải “Hai” tức là
thánh đế đệ nhất nghĩa đế. Theo nhà vua đây chính là chỗ cực diệu cùng huyền
của hàng giáo gia. Nhưng do
vọng mới có chơn cho nên “chơn, vọng” là hai phạm trù đối đãi vừa đối lập vừa
tồn tại bất khả phân ly, nhưng tự tánh thì thường hắng bất biến, biết mà không
thể nói được. Vì thế khi Tổ Bồ-đề Đạt Ma vào yết kiến, vua Lương Võ Đế bèn
tự đắc mà hỏi Tổ rằng:”Thế nào là thánh
đế đệ nhất nghĩa đế?”. Tổ đáp:”Quách nhiên vô thánh” nghĩa là tuyệt
nhiên rỗng rang không thánh. Chân lý
thì làm sao trả lời được mà nhà vua lại hỏi? Tổ trả lời nhát gường khiến nhà vua cảm thấy như bị Tổ tạt
vào mặt một thau nước lạnh tê tái cả lòng. Sau đó, Tổ lẳng lặng sang sông qua đất Ngụy, đi thẳng lên núi
Thiếu Thất không nói một lời.
Đến giai
đoạn Trung Kỳ, Phật giáo Đại thừa xuất hiện thuyết Như Lai Tạng Duyên Khởi rồi
phái Du Già Hành Tông (Duy Thức Luận) của Vô Trước và em là sư Thế Thân bắt đầu
hình thành. Trường phái này lấy Duy Tâm chủ nghĩa để luận giải thế giới tâm
linh trừu tượng, siêu hình.
Nói chung Phật giáo du nhập vào Trung Hoa rồi sau đó được
chia thành mười tông phái khác nhau. Trong mười tông phái đó thì Câu xá tông và
Thành thật tông thuộc về Nguyên thủy. Luật tông và Thiền tông thì cho cả Nguyên thủy lẫn Đại thừa. Còn lại Hoa Nghiêm tông, Mật tông,
Tịnh độ tông, Thiên thai tông, Tam luận tông và Pháp tướng tông thì thuộc hẳn
về Đại thừa.
1)Luật
tông, do ngài Đạo Tuyên (596-667) sáng lập.
Tông
phái này không có một giáo lý riêng biệt đáng kể, mục đích chính là thúc đẩy
việc tuân thủ giới luật một cách rất nhiêm minh, đặc biệt là việc thọ giới và
khất thực. Tông phái này nâng cao đức hạnh của người tu, nhưng chẳng bao lâu
trở nên mờ nhạt.
2)Tam
luận tông, do ngài Cát Tạng (549-623) sáng lập.
Tông này
là sự biến dạng theo kiểu Trung Hoa của trường phái Trung Quán do Long Thọ đề
ra của Ấn Độ. Chủ dích của tông này là loại bỏ tất cả mọi quan niệm để tánh
không có thể hiển hiện.
3)Pháp
tướng tông, do ngài Huyền Trang (596-664) sáng lập.
Khi ngài
Huyền Trang đem từ Ấn Độ về Trung Hoa mười cuốn chú giải bộ Duy thức tam thập
tụng của Thế Thân và sau đó kết hợp tất cả lại thành một cuốn dựa trên Duy thức
tông hay Du già hành tông với căn bản là Thành duy thức luận theo kiểu Trung
Hoa.
4)Mật
tông, do ngài Bất Không (705-774) sáng lập.
5)Hoa
nghiêm tông, do ngài Dỗ Thuận (557-640) sáng lập.
6)Thiên
thai tông, do ngài Trí Khải (538-597) sáng lập.
7)Tịnh
độ tông, do ngài Thiện Đạo (613-681) sáng lập.
8)Thiền
tông, do ngài Bồ-đề Đạt Ma sáng lập vào khoảng năm 520.
Do đó khi tư tưởng Đại thừa du nhập vào Trung
Quốc, người Trung Hoa chấp nhận tất cả những luồng tư tưởng đó như là lời
Phật dạy mà không hề tìm hiểu nguồn gốc phát xuất của nó cho nên càng
đi sâu vào triết lý, văn tự, kinh điển thì họ càng hoang mang, không biết đâu
là đạo, đâu là chân lý, đâu là phương tiện, đâu là cứu cánh nên phần lớn chấp
phương tiện là cứu cánh, ôm chặt lấy kinh điển. Đến lúc cùng đường, bí lối thì
Tổ Bồ Đề Đạt Ma xuất hiện như là vị cứu tinh với bốn câu “Giáo ngoại biệt
truyền, Bất lập văn tự, Trực chỉ nhân tâm, Kiến tánh thành Phật”. Từ đó
Thiền tông bắt đầu nổi tiếng với pháp môn đốn ngộ. Có thể nói rằng Phật giáo
Trung Hoa chuyển mình từ hệ thống chấp chặt kinh điển cứng ngắc nên tụng niệm
rình rang tức là chấp “Có” sang một thái cực không cần kinh điển tức là chấp
“Không”. Chấp “Có” cũng sai và chấp “Không” cũng không đúng vì dựa theo trung
đạo của Long Thọ thì Có và Không là bất tức bất ly bởi vì vạn pháp tuy Có nhưng
không phải là Có thật, còn Không nhưng không phải là không của cái trống không.
Trong khi đó, đức Phật đã giải thích con đường Trung đạo như sau:
-Từ bỏ hai cực đoan đó, Như Lai đã
chứng ngộ “Trung đạo” (Majjhima Patipada), là con đường đem lại nhãn quan
(cakkhu), tri kiến (nana) và đưa đến an tịnh (vupasamaya), trí tuệ cao siêu
(abhinnaya), giác ngộ (sambhodhaya) và Niết bàn.
Hai cựa
đoan mà đức Phật nói ở đây không phải là Có hay Không mà một bên là ép xác khổ
hạnh và bên kia sống theo dục lạc.
Trong
kinh Chuyển Pháp Luân, đức Phật xác định rằng con đường Trung đạo chính là Bát
Chánh đạo. Đức Phật lại dạy rằng:
–Hỡi
này các Tỳ kheo! Con đường Trung đạo mà Như Lai đã chứng ngộ, con đường đem lại
nhãn quan, tri kiến, trí tuệ cao siêu, giác ngộ, Niết bàn là gì?
-Đó chính là Bát Chánh đạo: Hỡi
này các Tỳ kheo! Đó là “trung đạo” mà Như Lai đã chứng ngộ.
Tám trăm
năm sau ngày đức Phật nhập diệt, tuy Long Thọ phát triển nền triết học khác dựa
vào tư tưởng “tánh không” và “Bát Nhã”, nhưng ngài vẫn dùng danh từ trung đạo
mà đức Phật đã xiễn dương và triết học của ngài là Trung Quán Luận (Madhyamaka
Sàstra) và Tứ Bách Luận (Catuh-Sataka) của Đề Bà, đệ tử của Long Thọ.
Long Thọ
là vị Tổ đã khai triển và hoàn thành học phái Trung Quán. Ngài ra đời vào thế
kỷ thứ hai sau công nguyên trong gia đình Bà là môn thuộc nước Andhradesa tức
là Vidarbha. Ngài đặc biệt nghiên cứu về giáo điển Vedas (Vệ Đà) và học hỏi rất
nhiều điều trọng yếu của Bà la môn trước khi ngài xuất gia đầu Phật. Ngài là
tác giả của trên 122 bộ sách, nhưng hiện nay chỉ còn có trên 15 bộ nguyên bản
đã được dịch sang tiếng Tây Tạng và tiếng Hán. Vì sự tiêu hoại những tu viện
lớn ở Ấn Độ bởi người Hồi giáo nên kinh điển Đại thừa bản gốc không còn dấu
tích ở Ấn Độ mà chỉ có các bản dịch ở Tây Tạng hay ở Trung Hoa.
Đó là:
1. Trung
Luận (Madhyamaka-Sàtra) tức là Bát Nhã.
2. Hồi
Chánh Luận (Vigrahavyvartanì).
3. Lục
Thập Chánh Lý Luận (Yuktisastikà)
4. Thập
Thất Tụng Không Tánh Luận (sunyatà-Sapsati) và chú giải.
5. Duyên
Khởi Tâm (Pratìyasamut-pàdahrdaya) và chú giải.
6. Tứ
Tụng (Catuhstava).
7. Tu
Tập Thứ Đệ (Bhàvanàkrama).
8. Bằng Hữu Thư (Suhrllekha).
9. Lưu Chuyển Chư Hữu (Bhàvasamkrànti).
10. Bảo
Hành Vương Chánh Luận (Ratnàvalì.)
11. Bát
Nhã Ba La Mật Đa Kinh Luận (Pràjnàpàramita-Sutra Sàstra).
12.
Thập Địa Giải Thuyết Luận (Dasabhaùmivibhàsà Sàstra).
13.
Nhất Kệ Luận (Eka – Sloka – Sàstra).
14. Năng
Đoạt Kinh (Vaidalya Sutra) và chú giải (Prakarana).
15. Ngôn
Ngữ Cứu Cánh (Vyavahara – Siddhi).
Trong 15
bộ luận đó thì bộ Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Luận (Pràjnàpàramita Sutra Sàstra)
và bộ Trung Luận (Madhyamaka Sàtra) nói về trí tuệ Bát Nhã và Thập Địa Giải
Thuyết Luận (Dasabhaùmivibhàsà Sàstra) nói về tiến trình mười địa tức là mười
giai đoạn của Bồ Tát phải thực hành trước khi thành Phật. Vì thế tư tưởng Bát
Nhã và Không tánh là do Long Thọ viết ra chớ không phải do đức Phật thuyết.
Long Thọ
của thế kỷ thứ hai là vị Tổ đời thứ 14 trong số 33 vị Tổ của Phật giáo Thiền
tông. Vị Tổ thứ 33 cũng là vị Tổ sau cùng là Lục Tổ Huệ Năng. Đến thế kỷ thứ 7
sau công nguyên ở Ấn Độ xuất hiện một vị Tổ của Mật tông là Dược sư Long Thọ
(đọc tiếp trong phần Mật tông).
Đức Phật
ngày xưa thuyết pháp ròng rã suốt 49 năm để giáo hóa chúng sinh mà Thiền tông
lại không cần kinh điển. Một điểm trớ triêu khác là chính đức Phật ngồi thiền
suốt 49 ngày đêm mới thành phật và sau khi thành Phật rồi Ngài vẫn thiền định
ngày cũng như đêm không ngừng nghĩ thế mà chư Tổ lại chủ trương cực lực bác bỏ
ngồi thiền mà lấy “một niệm “không khởi” làm TỌA và thấy rõ “bản
tánh” làm THIỀN”.
Đạo Nhất, một vị sa-môn, hàng ngày
thường tinh tấn ngồi tu thiền, Hoài Nhượng hỏi:
– Ông ngồi thiền để làm gì?
Đạo Nhất nói:
– Tôi ngồi thiền để làm Phật.
Hoài Nhượng nhặt một viên gạch đem
mài trên tấm đá trước am. Đạo Nhất ngạc nhiên hỏi:
– Ngài mài gạch để làm gì?
Hoài Nhượng đáp:
– Mài gạch để làm gương.
– Mài gạch sao thành gương được?
– Ngồi thiền cũng đâu thành Phật
được?
– Vậy làm thế nào mới đúng?
– Nếu trâu kéo xe, xe không chạy,
thì đánh xe hay đánh trâu mới đúng?
Đạo Nhất không nói được. Hoài
Nhượng nói tiếp:
– Ông học ngồi thiền hay ngồi Phật?
Nếu học ngồi thiền thì thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật thì Phật
không tướng, không trụ, không thủ xả. Nếu ngươi ngồi Phật tức giết Phật, nếu
chấp tướng ngồi thì không thể đạt.
Lý do là
vì Thiền tông chỉ muốn cảnh báo những người quá ham mê tọa thiền chỉ tịnh, rất
dễ rơi vào trầm không trệ tịch, làm mất tính linh động của tánh giác tự nhiên,
nên không khuyến khích tọa thiền quán tịnh.
Nhưng
chính đức Phật nhờ tọa thiền mà tìm ra chân lý dưới cội Bồ Đề và trước khi nhập
diệt Ngài cũng vào các tầng thiền định từ thấp đến cao và từ cao đến thấp rồi
mới an nhiên thị tịch.
Trong
Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya), phẩm 16 Kinh Đại Niết Bàn (Mahàparinibbàna
sutta) dạy rằng:
Và Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
– Này các Tỳ-kheo, nay Ta khuyên
dạy các ngươi: “Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng
dật”.
Đó là lời cuối cùng Như Lai.
-Rồi Thế Tôn nhập định Sơ thiền.
Xuất Sơ thiền, Ngài nhập Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, Ngài nhập Tam thiền. Xuất
Tam thiền, Ngài nhập Tứ thiền. Xuất Tứ thiền, Ngài nhập định Không vô biên xứ.
Xuất Không vô biên xứ, Ngài nhập định Thức vô biên xứ. Xuất Thức vô biên xứ,
Ngài nhập định Vô sở hữu xứ. Xuất Vô Sở hữu xứ, Ngài nhập định Phi tưởng phi
phi tưởng xứ. Xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài nhập Diệt thọ tưởng định.
Khi ấy tôn giả Ananda (A Nan) nói
với tôn giả Anuruddha (A Na Luật):
– Thưa Tôn giả, Thế Tôn đã diệt độ.
– Này Hiền giả Ananda, Thế Tôn chưa
diệt độ. Ngài mới nhập Diệt thọ tưởng định.(A Nan không biết vì lúc đó ngài chưa chứng Thánh quả).
-Rồi xuất Diệt thọ tưởng định, Ngài
nhập Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ngài
nhập Vô sở hữu xứ định. Xuất Vô sở hữu xứ, Ngài nhập Thức vô biên xứ định. Xuất
thức Vô biên xứ, Ngài nhập Hư không vô biên xứ định. Xuất Hư không vô biên xứ,
Ngài nhập định Tứ thiền. Xuất Tứ thiền, Ngài nhập định Tam thiền. Xuất Tam
thiền, Ngài nhập định Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, Ngài nhập định Sơ thiền. Xuất
Sơ thiền, Ngài nhập định Nhị thiền. Xuất Nhị thiền, Ngài nhập định Tam thiền.
Xuất Tam thiền, Ngài nhập định Tứ thiền. Xuất Tứ thiền, Ngài lập tức diệt độ.
Có vào
sâu trong thiền định thì trí tuệ sẽ phát sinh và từ đó hành giả mới có thể trừ
hết các lậu hoặc để thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Thiền định là năng
lượng, là sức mạnh và tuệ là chất xúc tác để mở con mắt tâm mà chứng ngộ Chân
lý. Thiếu trí tuệ hành giả chỉ có thể kinh nghiệm được những cái gì nông cạn,
hời hợt chợt đến chợt đi trong chốt lát, chẳng giúp ích được gì mà còn là những
chướng ngại nếu hành giả cứ bám vúi vào nó. Nhưng muốn xuất, nhập thiền định
thì hành giả phải có đủ “tứ thần túc” nếu không thì nhập được mà xuất không được
đưa đến bao cái chết oan uổn của nhiều thiền sư (Đại thừa). Muốn thành tựu Như
Lai thiền, hành giả phải thực hành ly dục và ly bất thiện pháp bằng cách tu tập
các pháp môn như Tứ Chánh Cần.
Kinh
Trung A Hàm tương đương với Trung Bộ Kinh dạy rằng:
“A-nan,
trước kia Ta đã nói cho ông nghe về bốn chánh đoạn, Tỳ-kheo đối với pháp ác bất
thiện đã sanh, vì để đoạn trừ chúng nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần,
dốc hết tâm, đoạn trừ. Đối với các pháp ác bất thiện chưa sanh, vì để chúng
không phát sanh nên khởi ước muốn, nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn
trừ. Đối với các pháp thiện chưa sanh, vì để cho phát sanh nên khởi ước muốn,
nỗ lực hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. Đối với các pháp thiện đã sanh,
vì để chúng kiên trụ, không bị quên lãng, không bị thoái hóa, được bồi bổ tăng
tiến, được phát triển rộng rãi, được viên mãn cụ túc, nên khởi ước muốn, nỗ lực
hành, tinh cần, dốc hết tâm, đoạn trừ. A-nan, bốn chánh đoạn này, ông hãy nói
để dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu. Nếu nói và dạy cho các Tỳ-kheo niên thiếu về
bốn chánh đoạn này, họ sẽ được an ổn, được sức lực, được an lạc, thân tâm không
phiền nhiệt, trọn đời tu hành phạm hạnh.”
Tu tập
pháp môn Tứ Chánh Cần giúp hành giả luôn luôn ngăn ác và diệt ác pháp nhờ đó
niệm thiện có cơ hội phát sinh. Khi ngăn được ác pháp và diệt hết ác pháp thì
tâm định trên thân. Một khi tâm định trên thân là tâm đang ở trên Tứ Niệm Xứ.
Nếu hành giả luôn sống trong Tứ Niệm Xứ một thời gian dài có thể là một tuần lễ
và tuệ tri từng sát na tất cả những biến hành của thân, thọ, tâm, pháp dựa theo
từng hơi thở ra vào thì tâm chứng đắc Chánh Niệm. Chỉ khi nào tâm chứng đắc
Chánh Niệm thì tâm mới có đủ “Tứ Thần Túc”. Sau cùng khi tâm có đủ Tứ Thần Túc
thì hành giả mới có đủ khả năng nhập Tứ Thánh Định và trở thành Thánh giả.
Ngay cả Lục Tổ cũng nói rằng “Có xuất, nhập
thì không phải là đại định” cho nên Tổ sư thiền không chủ trương ngồi thiền
và dĩ nhiên không có xuất, nhập. Lục Tổ chủ trương con người có thức tỉnh giác
ngộ được hay không là bởi nơi tự tâm chớ không nhất thiết do nơi ngồi thiền.
Thế thì khi các Thiền sư muốn thị tịch thì họ phải nhập bằng thứ thiền định gì?
Vì thế
pháp tu của Lục Tổ Huệ Năng được tóm gọn là:
“Vô
niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm gốc”.
Danh từ
Vô niệm chỉ đặc biệt xuất hiện trong Phật giáo Thiền tông bởi vì nếu hiểu Vô
niệm theo định nghĩa thông thường thì trên thế gian này không bao giờ có vô
niệm được bởi vì khi đạt đến chỗ vô niệm thì làm sao mình biết đó là vô niệm.
Nếu biết đó là vô niệm thì vô niệm thành ra ý niệm, bởi vì một khi hình thành
khái niệm “pháp không” thì nó trở thành “pháp có”
rồi.
Nhưng trong Pháp Bảo Đàn kinh, Lục
Tổ dạy rằng:
-Vô niệm là đối với niệm mà không niệm, đối trên các cảnh mà
tâm không nhiễm. Ý của Lục Tổ trong câu trên là khi đối diện với trần cấu thì
giữ tâm đừng cho dính mắc, đừng khởi ý niệm tham tức là thấy thì cái gì cũng
thấy mà như không thấy gì hết. Cái nghe, nếm, ngữi, biết…cũng vậy. Thế thì vô niệm mà Lục Tổ muốn nói ở đây chính là Chánh niệm rồi.
– Thế
nào là vô tướng làm thể?
Con
người vì mê lầm mà nghĩ rằng thân mình tức là ngũ uẩn là thật và vạn pháp sinh
diệt cũng là thật cho nên cuộc sống mới quay cuồng đau khổ. Bây giờ nếu chúng
sinh quay lại để thấy cái thật Tướng của con người cũng như vạn hữu là Vô tướng
thì sẽ không còn điên đảo nữa. Đây là pháp Vô Ngã tức là thân này không là Ta
và thế gian vạn vật không phải là của Ta mà Bát Nhã Tâm Kinh gọi là ngũ uẩn
giai không.
-Thế nào là Vô trụ làm gốc?
Vô trụ
là tâm không dính mắc ở nơi nào tức là sáu căn không dính mắc sáu trần. Đây là
quán vạn pháp là Vô Thường, Vô Ngã theo góc độ Chánh kiến, Chánh tư duy mà kinh Kim Cang gọi là “Ưng vô sở trụ nhi
sanh kỳ tâm, Nhược tâm hữu trụ tức vi phi trụ” nghĩa là tâm có chỗ trụ thì
không bao giờ thấy được chân lý.
Vì thế
toàn bộ pháp tu của Lục Tổ Huệ Năng dựa vào Chánh niệm, Chánh kiến, Chánh tư
duy, nhưng ngài không ngồi thiền, không vào các tầng thiền định nên không thực
hành Chánh định. Chính đức Phật và các đại đệ tử của Phật đã chứng minh rất rõ
ràng rằng phải vào sâu trong các tầng thiền định và vào Diệt Thọ Tưởng định thì
mới diệt hết lậu hoặc, đắc tam minh, trở thành A la hán và liễu sanh thoát tử.
Thế thì không một ai trong lịch sử nhân loại không áp dụng đúng công thức của
đức Phật mà thành A la hán hay thành Phật được. Các vị độc giác Phật tuy không
trực tiếp thọ giáo từ đức Phật, nhưng họ vẫn phải thực hành giáo lý Thập Nhị
Nhân Duyên (thuyết Duyên Khởi) rồi vào các tầng thiền định thì mới thành độc
giác Phật.
Tứ thần
túc là bốn tầng thiền định giúp hành giả thành tựu các tam-ma-địa (samadhi), là
thần lực cần thiết giúp hành giả xuất, nhập thiền định bất cứ lúc nào họ muốn.
1)Dục
thần túc: là tầng thiền định phát sinh do năng lực của ý muốn, tư tưởng mà
đạt được thần thông.
2)Cần
thần túc: còn gọi là tinh tấn thần túc, là thiền định phát sinh nhờ vào sức
tinh tấn nỗ lực tu tập. Đây là giai đoạn nối tiếp của Dục thần túc bởi vì hành
giả khi đã có mong cầu thì phải tinh tấn nỗ lực để tu tập làm thiện và đoạn trừ
việc ác.
3)Tâm
thần túc: là thiền định phát sinh nhờ sức mạnh của tâm niệm. Một lòng chuyên tâm nhất niệm trụ nương vào sức
mạnh của tâm nên định phát sinh. Khi tâm không còn bị dục lạc chi phối thì nó
có một sức mạnh phi thường.
4)Quán
thần túc: là thiền định phát sinh nhờ sức mạnh tư duy quán chiếu Phật lý.
Khi đã thấu giải giáo lý Vô Ngã thì tất cả sự dính mắc sẽ tan biến, dục vọng
tiêu tan giúp hành giả tăng thêm nội lực để vào thiền định.
Do đó
các vị A la hán hay đức Phật muốn xuất, nhập bất cứ tầng thiền định nào theo ý
muốn rất dễ dàng. Ngay cả họ vào trong Diệt thọ tưởng định thì họ bắt đầu diệt
khẩu hành, thân hành rồi đến ý hành. Họ diệt luôn hơi thở, nhưng không chết,
trong người vẫn còn nóng và sáu căn vẫn sáng tỏ.
Hãy lắng
nghe Tôn giả Kāmabhū diễn tả
sự khác nhau giữa người chết và người nhập Diệt thọ tưởng định:
–Đối với người đã chết, đã mệnh chung, thân hành người ấy
được đoạn diệt, được khinh an; khẩu hành được đoạn diệt, được khinh an; ý hành
được đoạn diệt, được khinh an, thọ mạng được đoạn tận; sức nóng được tịnh chỉ;
các căn bị hủy hoại. Còn Tỳ-kheo đã chứng đạt Diệt thọ tưởng định, thân hành
được đoạn diệt, khinh an; khẩu hành được đoạn diệt, khinh an; ý hành được đoạn
diệt, khinh an; thọ mạng không bị đoạn tận; sức nóng không bị tịnh chỉ; các căn
được trong sáng.
Khi hành giả dùng Chỉ (xam-ma-tha) (định) Quán (trí tuệ) để
chứng tứ thiền thì họ có thể đi thẳng vào Diệt Tận Định (Diệt
Thọ Tưởng Định) mà chứng được thanh tịnh Niết bàn và trở thành bậc A la hán. Ở
trong Diệt Tận Định, hành giả bắt đầu tịnh khẩu, tịnh thân, tịnh ý và sau cùng
là tịnh hơi thở. Người vào trong định này thì hơi thở không còn, nhưng sức nóng
trong người vẫn duy trì và dĩ nhiên tất cả các căn vẫn trong sáng. Khi xuất
Diệt Tận Định thì ý hành phát khởi trước nhất, rồi đến thân hành và sau cùng
khẩu hành mới tác động. Cái khác nhau giữa người đi vào Diệt Tận Định và người
chết là người đi vào định này cũng chấm dứt hơi thở, thân thể bất động, miệng
không còn nói, nhưng hơi ấm vẫn còn nên không chết.
Khi đắc
quả A-la-hán rồi thì tất cả phiền não, các lậu hoặc đều bị loại trừ và vị
A-la-hán hoàn toàn thoát khỏi mọi khổ đau. Khi đạt được trạng thái hoàn
toàn giải thoát, vị A-la-hán sẽ nhìn lại tâm mình và thấy rằng:
“Ta
không còn phải tái sinh nữa, ta đã hoàn thành xong Bát Chánh Đạo, những gì cần
làm ta đã làm rồi, và không có gì ta cần làm để giải thoát nữa”.
Vì thế
bất cứ lúc nào khi nhân duyên độ sanh hết, các vị A la hán chỉ nhập vào các
tầng thiền định từ thấp đến cao và từ cao đến thấp rồi an nhiên thị tịch.
Trong
kinh điển Đại thừa có vài mẫu chuyện nói về các Thiền sư an nhiên thị tịch,
nhưng họ không thực hành tứ thiền, tứ không định và Diệt Thọ Tưởng định thì họ
an nhiên thị tịch bằng lối thiền nào? Khi vào định họ có thể tịnh hơi thở được
chăng? Không đắc Tứ thần túc và không thực hành xuất, nhập nên khi nhập vào
thiền định thì làm sao xuất?
Hãy lắng
nghe Hòa thượng Hư Vân thuật lại trong cuốn “Đường Mây Trên Xứ Hoa” trang 51 rằng:
–Gần
cuối năm, núi non đều đóng tuyết, hang sâu khí lạnh, một mình ta đơn độc tu
trì, thân tâm rất thanh tịnh. Ngày nọ, sau khi bỏ khoai vào nồi, ngồi đợi khoai
chín, tự nhiên ta nhập định mà không biết thời gian cho đến qua năm mới. Trên
núi có thầy Phục hành lấy làm lạ vì sao đã lâu mà không thấy ta rời am, nên
nhân dịp năm mới rủ các thầy khác đến am chúc tết. Họ thấy ngoài am đầy dấu
chân hổ mà chẳng thấy dấu chân người. Họ đi vào thấy ta đang nhập định, liềnđánh khánh khiến xả định.
Như vậy,
nếu Hòa thượng Hư Vân không nhờ các thầy đánh khánh làm ngài chợt tỉnh thì ngài
có thể tịch luôn giống như các thiền sư khác. Vì thế chín cấp thiền định là con
đường duy nhất để có giải thoát giác ngộ và để an nhiên thị tịch.
Tại sao
Tổ nói “Chẳng lập văn tự” có nghĩa là không lệ thuộc vào chữ nghĩa kinh
điển mà chính Tổ lại đem theo bộ Kinh Lăng Già gồm bốn quyển sang Trung Hoa
truyền lại cho đệ tử? Thật ra ý của Tổ là muốn phá kiến chấp sai lầm của những
người cho rằng thông kinh hiểu nghĩa là ngộ đạo thì chẳng khác nào cho ngón tay
là mặt trăng. Còn “truyền ngoài giáo lý” là để khai thị cho con người
hiểu rằng mặt trăng không phải là ngón tay. Đây chính là tư tưởng của Đại thừa
tức là văn tự kinh điển chỉ là chiếc bè. Mà con người còn chấp chiếc bè thì
biết đến bao giờ mới qua đến bờ bên kia tức là giác ngộ. Vì thế Tổ mới nói đừng
chấp vào kinh điển mà hãy nhìn thẳng vào tâm mình để thấy được cái thật Tánh
của mình thì sẽ được giác ngộ. Bởi vì nếu không quay vào tâm của mình thì không
biết đâu là vọng tưởng và thế nào là chơn tâm. Đây là phần đầu của kinh Thủ
Lăng Nghiêm khi Phật hỏi A Nan bảy lần về nơi thường trụ của tâm nghĩa là tâm
là vọng tưởng còn thật tánh mới chính là bản thể chơn như thanh tịnh sẵn có
trong mỗi con người. Thật tánh là phần sau của kinh Lăng Nghiêm khi Phật chỉ rõ
chơn tánh tức là Như Lai Tạng bản thể. Nếu thấy và sống với cái thật “Tánh” nầy
thì chúng sinh sẽ được kiến tánh tức là “sẽ thành” Phật. Nhưng kiến tánh
chỉ là Phật nhân còn đến Phật quả thì hành giả phải công phu tu hành cho đến
khi diệt hết Kiến Hoặc, Tư Hoặc, Vô Minh Hoặc thì mới thành Phật được. Vì thế
ngày xưa các Thiền sư đánh đập, la hét hay dùng mọi phương tiện để cho đệ tử
nhận ra tánh giác hay bản lai diện mục của mình tức là họ áp dụng phương thức
“chỉ thẳng tâm người”. Tuy nhiên nếu thấy tánh liền thành Phật thì 33 vị Tổ
Thiền tông đều đã là Phật cả rồi, nhưng đúng ra thì thấy tánh chỉ thành Tổ
thôi. Vì sao vậy? Bởi vì khi nhận ra
tánh giác rồi, người tu phải tiếp tục tinh tấn thực hành Chánh niệm
(Samma-Sati) để xả trừ vọng tưởng và thực hành Chánh định đến khi nào hoàn toàn
sống với tánh giác hằng sáng thì lúc đó mới được chứng ngộ. Đối với Phật giáo,
chỉ có chứng ngộ mới có thể thoát khỏi sinh tử luân hồi còn đốn ngộ của các
Thiền sư chỉ mới là Chánh kiến (Samma Ditthi) tức là phần đầu của Bát Chánh Đạo
(Ariya Mayya).
Tại sao Tổ Bồ-Đề lại bảo là “giáo
ngoại”? Phật giáo có hai phương pháp
là “giáo nội “ và “giáo ngoại”. Khi dùng ngôn ngữ để truyền đạo theo khuôn khổ
của Phật giáo Ấn Độ thì gọi là giáo nội pháp. Khi bỏ ngôn ngữ mà chỉ lấy Phật
tâm để in thẳng vào tâm người khác thì gọi là giáo ngoại pháp mà thiền gia gọi
là “truyền tâm ấn”. Vậy Thiền tông là giáo ngoại pháp.
Sau lần
yết kiến vua Lương Võ Đế với hy vọng sẽ được nhà vua tận lực giúp đỡ trong việc
truyền bá Phật giáo ở Trung Hoa, nhưng vì nhận thấy căn cơ của vua còn thấp và
sự tín ngưỡng của nhà vua chỉ có tánh cách hình thức bề ngoài nên Tổ Bồ-Đề đã
từ giã vua đến tu tại chùa Thiếu Lâm ở Trung Sơn. Ngài ngồi xoay mặt vào tường
tham thiền trong chín năm mới trao ấn
chứng cho Tổ thứ hai của Thiền tông ở Trung Hoa là ngài Huệ Khả. Huệ Khả truyền
cho Tam Tổ Tăng Xán. Rồi đến Tứ Tổ Đạo Tín và Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn và sau cùng
truyền lại cho Lục Tổ Huệ Năng.
Vì Tổ sư
thiền chủ trương không dùng ngôn ngữ mà chỉ thẳng tâm người tức là “truyền tâm
ấn” để dạy để tử nên dần theo thời gian phương pháp đánh đập, lên gối, thụt cùi
chỏ hay la hét bị thất truyền vì thế ngày nay thiền sinh muốn học
theo công án, thoại đầu, nghi tình hay tìm người đánh đập, la hét để cho mình
được ngộ thì gần như không còn nữa. Bởi vì công án, thoại đầu, đánh đấm, la hét
là những phương tiện thiện xảo mà các thiền sư ngày xưa tùy người áp
dụng, tùy bịnh cho thuốc vì thế trong Thiền tông có rất nhiều mẫu
chuyện nói về sự ngộ đạo của các thiền sư và dĩ nhiên không có mẫu chuyện nào
giống mẫu chuyện nào hết.
Tổ Lâm Tế có lần đã nói, “Người
không ngôi vị sống trên máu thịt các ông, ra vào các cửa trên mặt các ông
đấy. Ai không chứng kiến sự thật này,
hãy khám phá nó ngay đi!” Một ông tăng
đứng lên hỏi, “Ai là người không ngôi vị?” Lâm Tế liền bước xuống tòa, nắm cứng cổ áo ông tăng, hét, “Nói!
Nói!” Ông tăng đứng ngơ ngáo một lúc, vì
vậy Lâm Tế đánh ông ta một tát tai, “Người không ngôi vị này thật vô tích sự.”
Do đó
một phương pháp tuy huyền diệu cách mấy cũng không thể áp dụng cho tất cả mọi
người. Chư Tổ không để lại phương thức tu tập đặc biệt nào cả vì trái với “bất
lập văn tự” cho nên Thiền tông dần theo thời gian cũng theo chư Tổ biến mất.
Bây giờ
hãy lấy câu chuyện ngộ đạo của ngài Đức Sơn làm thí dụ:
Ngài Đức
Sơn là người tinh thông Kinh Luật nghe phương Nam Thiền tông rất hưng thịnh nên
bất bình nói rằng “Kẻ xuất gia muôn vạn kiếp họa oai nghi tế hạnh của Phật mà
chẳng được thành Phật. Thế mà những kẻ ma ở phương Nam dám nói “Trực chỉ nhân
tâm kiến tánh thành Phật”. Ta phải nhổ tận hanh ổ của chúng, diệt hết những
giống ấy để đền ơn Phật”. Sư khăn gói lên đường mang theo bộ Thanh Long Sớ Sao.
Trên đường đi gặp một bà bán bánh và bảo bà lấy ít bánh điểm tâm.
Trước khi lấy bánh, bà già hỏi:
-Thầy thường giảng kinh gì?
-Kinh Kim Cang.
Bà nói:
-Tôi xin hỏi một câu, nếu
thầy đáp được tôi xin cúng dường bánh điểm tâm. Bằng đáp chẳng được, mời thầy
đi nơi khác.
Sư thuận lời.
Bà già hỏi:
-Kinh Kim Cang nói: Quá khứ
tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc. Vậy Ngài
điểm tâm nào?
Sư đáp không được nên lên
đường đi tìm đến Long Đàm.
Đến Long Đàm, Sư nói:
-Lâu nay nghe danh Long
Đàm, nhưng đến nơi Đàm (đầm) chẳng thấy mà Long (rồng) cũng không hiện?
Sùng Tín bảo:
-Ngươi đã gần đến Long Đàm.
Sư không đáp được, liền
dừng ở lại đây.
Một đêm Sư đứng hầu, Sùng
Tín bảo:
-Đêm khuya sao chẳng xuống?
Sư kính chào bước ra rồi
lại trở vào thưa:
-Bên ngoài trời tối đen.
Sùng Tín thắp đèn cầy đưa
cho Sư. Sư toan tiếp lấy thì Sùng Tín liền thổi tắt.
Ngay lúc đó, Sư liền đại
ngộ, lễ lái.
Sùng Tín hỏi:
-Ngươi thấy cái gì?
Sư thưa:
-Từ nay về sau chẳng còn
nghi ngờ về thiền đốn ngộ nữa.
Vậy Sư Đức Sơn ngộ cái gì?
Sư nói
“Bên ngoài trời tối” là ngụ ý nói rằng tâm Sư đang mù mịt không biết làm sao
ngộ được bản tánh của mình. Sư than tối, Sùng Tín cho đèn, nhưng tại sao Sư vừa
cầm đèn thì Sùng Tín liền thổi tắt? Khi tâm người đã tối thì có cho đèn cũng
không làm cho tâm sáng tỏ cho nên Sùng Tín thổi đèn với dụng ý là nhắc nhở Sư
rằng đèn sáng tức là trí tuệ thì phải tự nơi mình phát ra chớ không thể
do người khác trao tặng được. Hiểu được ý ấy Sư liền đại ngộ. Vì thế
đại ngộ ở đây chỉ mới là Kiến ngộ tức là Văn, là bước đầu tiên trong tiến trình
Văn, Tư, Tu, là Phật nhân. Đến khi đốn sạch cái gốc tham sân si thì mới Liễu
ngộ, viên thành Phật quả tức là thành Phật.
Các
thiền sinh ngày nay cố học thuộc lòng những bài kệ, câu thơ của các Tổ chẳng
khác nào nhai đi, nhai lại những cặn bả của kẻ khác mà chẳng có kết quả gì vì
thâm ý của chư Tổ là tùy bệnh cho thuốc nên toa thuốc đó đâu phải ai cũng dùng
được; đó là chưa kể chính mình đi sai đường lối của Tổ sư thiền là “bất lập văn
tự” mà phải “chỉ thẳng tâm người”.
Một ông tăng hỏi Huyền Sa, “Khi các
sư xưa giảng Pháp không lời bằng cái chùy hay cây phất tử, thì các ngài có chỉ
bày đạo lý tối hậu của Thiền không?” Huyền Sa đáp, “Không.” Ông tăng hỏi tiếp, “Vậy lúc ấy các ngài chỉ
bày cái gì ?” Huyền Sa giơ cây phất tử
lên. Ông tăng hỏi, “Thế nào là đạo lý
tối hậu của Thiền?” Huyền Sa đáp, “Đợi đến khi ông ngộ đã.”
Do vậy,
ngày nay Tổ sư thiền gần như biệt tích mặc dầu có một vài thiền sư cũng cố gắng
phục hồi và phổ biến, nhưng không có người la hét, đánh đập mà mong có ngày
được đốn ngộ là một ảo tưởng. Tại sao? Vì thiền là phải thực hành, phải tự mình
chiêm nghiệm để biết rõ ràng rốt ráo những biến hành của tâm thức thì mới hy
vọng thấy được tự tánh. Nhưng tại sao lại phải la hét, đánh đập? Bởi vì chơn
tâm, tự tánh là chân lý tuyệt đối, bất khả thuyết, bất khả tư nghì cho nên hành
giả phải tự mình quay về trong để nhận biết (chỉ thẳng) cái bổn tánh.
Tể tướng Vu Địch hỏi sư Đạo Thông,
“Thế nào là Phật?” Sư gọi đột ngột, “Đại
nhân!” “Dạ,” vị tể tướng đáp một cách
ngây thơ. Rồi sư nói, “Ngài còn tìm gì khác?”
Trong
khi đó ngôn ngữ, văn tự thuộc về ý thức tức là thế giới tương đối cho nên càng
nói nhiều thì càng đi xa chân lý. Lý luận là dành cho học giả để thỏa mãn khả
năng phân tích lý giải của họ thuộc thế giới trí thức sinh diệt. Ngày nay thiền
sư thì có mà người ngộ đạo thì không cho nên tìm người ngộ đạo để la hét hay
đánh đấm cho mình đốn ngộ theo họ là chuyện mò kim đáy biển.
Một ông tăng hỏi Hoa Nghiêm, “Người
giác ngộ trở lại thế gian mê hoặc như thế nào?” Sư đáp, “Gương vỡ không phản
chiếu, hoa rơi chẳng về cành.”
Do đó,
ngày nay nếu chính mình không ngộ đạo, không biết con đường đốn ngộ, cho dù có
đánh đệ tử đến u đầu bể trán thì cũng không thể nào làm cho nó đốn ngộ được.
Thế thì ngộ
đạo hay giải ngộ tức là kiến tánh dựa theo Thiền tông chỉ là
bước đầu trong tiến trình tu Phật. Do đó, kinh Pháp Hoa xác định rằng “Khai,
thị, ngộ, nhập Tri Kiến Phật” nghĩa là “ngộ” rồi mới tinh tấn
tiếp tục tiến tu đến khi “nhập” mới thôi. Vì thế “đốn ngộ” hay “kiến
tánh” đã là rất khó, nhưng nó mới chỉ là Chánh kiến trong Bát
Chánh Đạo mà “thâm nhập” tức là “thực hànhChánh niệm, Chánh
định cho đến khi liễu ngộ tức là chứng ngộ thì mới được hoàn toàn giải
thoát sinh tử luân hồi.
Vậy cái gốc Thiền tông phát xuất từ đâu?
Thiền
tông là do chư Tổ sáng lập và truyền xuống nên gọi là Tổ sư thiền tức là thiền
đốn ngộ và phương thức xây dựng Thiền tông của chư Tổ là dựa theo tư tưởng và
nếp sinh hoạt của chính người dân Trung Hoa mà sáng tạo nên. Danh từ “thiền đốn
ngộ” làm cho mọi người dễ hiểu lầm là nếu tu theo pháp thiền này thì sẽ mau
giác ngộ bởi vì tu nhất kiếp, ngộ nhất thời hay tu vạn kiếp ngộ nhất thời.
Trong
khi đó thiền Tứ Niệm Xứ là do chính đức Phật Thích Ca khai sáng để chỉ bày dạy
cho đệ tử cách nay trên 2500 năm nên gọi là Như Lai thiền, là dòng thiền cổ xưa
nhất của Phật giáo. Pháp hành này lấy thân, thọ, tâm, pháp làm đối tượng quán
chiếu. Hành giả nhận ra tất cả những cảm thọ và chuyển động trên thân cũng như
tâm, giữ tâm quân bình và tỉnh thức để đoạn trừ hết tham, sân, si và đạt đến
giải thoát giác ngộ. Tứ Niệm Xứ là một pháp quán hành thiền mà chính đức Phật
đã thực hành để thành Phật và tất cả các đệ tử Phật đều phải thực hành theo đó
mà đắc quả A la hán (quả vô sanh). Từ những thăng trầm của Phật giáo tại Ấn Độ,
dòng thiền này đã được truyền bá sang nhiều quốc gia lân cận mà Miến Điện được
xem là quốc gia giữ gìn pháp tu này một cách cẩn mật nhất với những vị thiền sư
nhiều đời tiếp nối.
Trong kinh Niệm Xứ (Satipatthnasutta) đức Phật dạy rằng:
–Này các Tỳ kheo! Đây là con đường độc nhất đưa đến
thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh
tri, chứng ngộ Niết bàn. Đó là Tứ Niệm
Xứ.
Tuy
thiền Tứ Niệm Xứ là “con đường duy nhất” đưa người tu đến chỗ giải thoát giác
ngộ, nhưng sau khi đức Phật nhập diệt, pháp quán thiền này dần dần bị lãng quên
nên dần theo thời gian người chứng đạo (không phải đốn ngộ mà là liễu ngộ) gần
như không có. Từ ngày Thiền tông xuất hiện ở Trung Hoa, Việt Nam và Nhật Bản
thì thiền Tứ Niệm Xứ càng bị lãng quên, nhưng ngày nay người đệ tử Phật có
nhiều phương tiện để nghiên cứu, truy tầm tận gốc nên phương pháp thiền này bắt
đầu hưng thịnh trở lại và không còn quá xa lạ đối với Phật tử Việt Nam nữa.
Tổ sư
thiền thật ra chẳng có gì mới lạ bởi vì chư Tổ chỉ biến hóa và áp dụng Như Lai
thiền tức là thiền Tứ Niệm Xứ theo một đường hướng, một góc độ khác thế thôi
nếu không thì Tổ sư thiền là thiền ngoại đạo rồi. Nhưng thật ra không thực hành
đúng mà biến chế thì cũng là thiền ngoại đạo chớ đâu phải thiền nguyên chất do
chính đức Phật chế ra. Đó là quán chiếu sự biến hành của bốn niệm xứ là niệm
thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.
Thí dụ
các thiền sư thường nói nấu cơm, gánh củi là thiền nghĩa là trong mỗi cử động
của thân thể như đi, đứng, nằm, ngồi đều giữ theo chánh niệm nghĩa là không cho
tâm chạy theo vọng tưởng thì đó chính là niệm pháp. Các thiền sư đánh đấm, lên
gối, la hét đệ tử để đánh thức họ quay về bên trong tức là niệm thọ. Khi Tổ Bồ
Đề Đạt Ma bảo Huệ Khả đem tâm ra ta an cho thì Huệ Khả mới chịu trở về tìm tâm
thì đây là niệm tâm. Khi nghe tiếng nước reo, suối chảy hay nhìn thấy hoa nở mà
nhận ra bổn tánh thì đây là niệm pháp. Tuy các thiền sư nói rằng “Đói thì ăn,
mệt thì ngủ” nhưng đối với họ đói ăn, mệt ngủ mà không có tính toán, đòi hỏi
nghĩa là họ không chạy theo vọng tưởng thì họ đang niệm thân vậy. Các Thiền sư
thực hành “đói ăn, mệt ngủ” có vẽ rất tự tại, nhưng thật ra họ vẫn còn làm nô
lệ cho bản Ngã vì phải thỏa mãn những dục vọng của thân nghĩa là thân đòi ăn
thì phải cho nó ăn, thân muốn đi ngủ thì phải cho nó đi ngủ. Ngày xưa đức Phật
ngày chỉ ăn một bửa chớ đâu có đói thì ăn. Ăn như vậy là phá giới rồi. Sự an
vui tự tại chỉ thực sự có khi nào hành giả hoàn toàn làm chủ thân, tâm của
mình.
Câu
chuyện “Đói ăn, mệt ngủ” là dựa theo cuộc đàm luận của gia đình
cư sĩ Bàng Uẩn ở Trung Quốc.
Trong
cuộc bàn luận về tiến trình tu học và chứng diệu pháp giữa ông, bà vợ và cô con
gái thì ông nói rằng: “Nan! Nan! Nan! Thập hộc chi ma thụ thượng than!”
nghĩa là Khó! Khó! Khó! Như mười hộc mè rải đều lên cây. Nghe ông chồng than
khó, bà vợ bèn nói: ““Dị! Dị! Dị! Bách thảo đầu thượng tổ sư ý. Niêm lai vô
bất thị, thúy trúc hoàng hoa, vô phi Bát Nhã” nghĩa là Dễ! Dễ! Dễ! Như ý tổ
sư trên đầu trăm ngọn cỏ, cứ nhón lấy, không chỗ nào là chẳng phải. Trúc biếc,
hoa vàng, không gì chẳng phải là Bát Nhã. Ý bà nói: Những điều gì mắt mình
trông thấy, không thứ gì chẳng phải là ý tổ sư. Những vật mình thuận tay nắm
lấy, không gì chẳng phải là diệu pháp. Nghe xong cô con gái Linh Chiếu thốt lên
rằng: “dã bất nan, dã bất dị, cơ lai ngật phạn, bì lai thùy!” nghĩa là
cũng chẳng dễ, cũng chẳng khó, đói ăn cơm, mệt thì ngủ.
Xét cho
cùng thì Tồ sư thiền chỉ áp dụng một vài khía cạnh đặc biệt trong Tứ Niệm Xứ để
giúp hành giả đốn ngộ cho nên sự đốn ngộ này chưa được rốt ráo bởi vì ngày xưa
đức Phật và các đệ tử của Ngài quán biết tức là tuệ tri tất cả từ niệm
thọ, niệm thân, niệm pháp đến niệm tâm để biết rốt ráo, rõ ràng từng sát na
những biến hành của toàn thân chớ không phải chỉ tuệ tri niệm tâm hay niệm pháp
mà thôi. Khác với Tổ sư thiền là “bất lập văn tự mà phải chỉ thẳng tâm người”
nên phương pháp Tổ sư thiền là một cái gì quá bí mật cho nên người được đốn ngộ
rất ít nếu không muốn nói là không có bao nhiêu. Ngược lại Như Lai thiền tức là
thiền Tứ Niệm Xứ được đức Phật giảng giải rất tỉ mỉ, rõ ràng từng bước một
chẳng khác một tấm hải đồ hay chiếc máy GPS cho nên bất cứ ai cũng thực hành
được vì thế vào thời đức Phật còn tại thế có hàng ngàn, hàng vạn người chứng
đạo nhờ pháp thiền này một cách yên lặng tỉnh mặc mà không cần la hét, đánh
đấm, bể trán u đầu chi hết. Khác với Tổ sư thiền chỉ đạt đến “kiến tánh”
là tối đa mà kiến tánh chỉ là Phật nhân chớ chưa phải là Phật quả thì Như Lai
thiền đưa hành giả thẳng đến giải thoát giác ngộ ngay trong đời này nếu thực
hành đúng. Nói ngay trong đời này là nói một cách tổng quát chớ kinh Tứ Niệm Xứ
xác định rằng nếu hành giả thực hành đứng đắn quán thân trên thân, quán thọ
trên thọ, quán pháp trên pháp, quán tâm trên tâm để thấy như thật thì họ có thể
chứng ngộ ngay trong một sát na. Nên nhớ A la hán là quả vị tối cao trong Phật
giáo vì chính đức Phật cũng là vị A la hán, nhưng vì Ngài là người chứng ngộ
đầu tiên và là thầy của tất cả các vị A
la hán khác nên danh vị Phật chỉ dành riêng cho Ngài mà thôi. Vì thế dựa theo
tinh thần Phật giáo Nguyên thủy thì không có Hóa thành hay Bảo sở vì chứng Thánh quả A la hán là bảo sở tức là
đến chỗ trân quý nhất rồi.
Chánh
niệm là biết rất rõ mọi biến hành của thân và tâm. Ngược lại người không sống
trong tỉnh thức chánh niệm thì ăn không biết mình ăn, mặc không biết mình đang
mặc, thở không biết mình đang thở. Thiền tông nói giác ngộ là nhận ra ông
chủ hay bản lai diện mục, nhưng dựa theo tinh thần Tứ Niệm Xứ thì giác ngộ là
nhận biết được bản chất thực tại, vô thường, vô ngã mà muốn đạt đến chỗ này thì
phải thực hành Chánh niệm. Chánh niệm là trạng thái trước khi biểu
tượng hình thành và nó vượt ra ngoài mọi lý luận của ý thức. Chánh niệm phản
chiếu những gì đang xảy ra ngay trong sát na hiện tại và không có chút thiên vị
vì vượt ra ngoài tầng ý thức phân biệt. Chánh niệm là sự quan sát không có phán
đoán, là sự theo dõi vô tư, không bị mê đắm bởi những trạng thái tâm tốt và
không cố gắng lẫn tránh những trạng thái tâm không tốt và nó cũng không bám theo theo sự dễ chịu hay
trốn chạy cảm giác khó chịu. Vì thế Chánh niệm không phải là ý thức suông việc
làm của mình mà phải thấu biết rõ ràng tức là tuệ tri những biến hành
từng sát na cho nên Chánh niệm phải được thực hiện rất tỉ mỉ từng giây, từng
phút, từng sát na theo từng hơi thở ra vô cho nên nó đòi hỏi hành giả thực hành
tính nhẫn nhục, kiên trì một cách rốt ráo. Nói chung Phật dạy chánh niệm
để đối trị với những tâm hành sinh diệt, nhưng cốt tủy vẫn đưa chúng sinh đến
một cứu cánh tột đỉnh là thức tỉnh tức là “BIẾT”. Vậy biết cái gì? Khi tâm tham
phát khởi là biết có tham, không tham thì cũng biết trong tâm không có tham.
Sân và si cũng vậy. Do đó khi lục căn tiếp xúc với sắc
thanh hương vị xúc pháp thì vọng tâm dấy khởi. Ở đây đức Phật dạy chúng sinh thực hành chánh niệm để biết
rốt ráo tận cùng những biến đổi của tâm mà không cần phải tiêu diệt chúng. Thí
dụ thấy tiền nhiều tâm tham liền nổi dậy, nhưng nếu có chánh niệm thì biết ngay
sự hiện hữu hình thành trạng thái tham của tâm cho nên tâm tham bây giờ không
còn tác động hoành hành được nữa. Vì thế bất cứ một ý niệm vừa khởi lên, chánh niệm cho ta
“biết” đó là vọng tưởng. Khi đã biết bộ mặt thật của ý thức thì con người chỉ
cần không theo vọng thì vọng tự mất mà không cần phải tiêu diệt chúng nghĩa là không theo vọng, vọng tự tiêu tan tức là mê biến thì
thời điểm đó giác tự hiển bày.
Thế thì
Thiền tông nghiêng về “Lý” (nói) mặc dù chư Tổ nói “Bất lập văn tự” trong khi đó thiền Tứ Niệm Xứ không nói lý
thuyết cao siêu mà có một kết quả siêu việt vì nó nghiêng về thực hành. Có thực
hành mới có thực chứng để thoát khỏi sinh tử luân hồi chớ đức Phật đâu có muốn
chúng sinh thành Tổ. Kiến tánh chưa ra khỏi sinh tử luân hồi vì chưa diệt được
Tư Hoặc tức là vẫn còn lậu hoặc. Vì thế mà Tứ Niệm Xứ được đức Phật xác định là
con đường duy nhất để có giải thoát giác ngộ.
Mục đích
tu thiền là diệt vọng tưởng, nhưng muốn diệt vọng tưởng thì hành giả phải có chánh
niệm. Mà thực hành Chánh niệm (Samma-Sati) tức là thực hành Tứ Niệm Xứ vì thế
Tứ Niệm Xứ là pháp thực hành căn bản của thiền. Mà Chánh niệm là chi thứ bảy
của Bát Chánh Đạo.
Dựa theo
Kinh Trung Bộ (bài kinh số 10) thì Pháp Tứ Niệm Xứ thường được hiểu là “Con
đường duy nhất “ để tiến đến giải thoát giác ngộ, nhưng thật ra “Con đường duy
nhất” đã được đức Phật nhắc đến không phải là Tứ Niệm Xứ mà chính là Bát Chánh
Đạo. Trong kinh Pháp Cú (273-274), đức Phật dạy rằng:
Trong tất cả các con đường
Con Đường Tám Chánh là thù thắng nhất
Đây là con đường duy nhất
Không có con đường nào khác
Để đi đến tri kiến thanh tịnh
Vì thế
con đường duy nhất để đi đến giải thoát giác ngộ là Bát Chánh Đạo mà Tứ Niệm Xứ
với bốn nền tảng của Chánh niệm chỉ là một phần của con đường đó. Bát Chánh Đạo
gồm có:
Chánh
kiến, Chánh tư duy, Chánh tinh tấn,
Ba chi
của Chánh giới là Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng,
Chánh
niệm (Tứ Niệm Xứ) và Chánh định.
Mỗi chi
là một điều kiện tối quan trọng để đạt đến chỗ giải thoát cho nên hành giả phải
nghiêm túc thực hành mỗi chi cho đến chỗ hoàn hảo, trọn vẹn như là “một con
đường duy nhất”. Vì thế muốn thực hành pháp Tứ Niệm Xứ để có kết quả nhanh
chóng đưa đến chỗ giải thoát giác ngộ dựa theo phương pháp của đức Phật thì
hành giả phải hành trì trọn vẹn bảy chi kia của Bát Chánh Đạo. Đức Phật đưa ra
con đường tám nhánh là muốn nhấn mạnh rằng mỗi nhánh liên hệ mật thiết đến bảy
nhánh kia và ngược lại cho đến khi hành giả thực hành trọn vẹn thì tám nhánh
trở thành Thánh đạo.
Trong
Bát Thánh Đạo, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, hình thành con đường đạo
đức căn bản cho người cần thực hành Giới (Sīla). Để có thể thực hành Giới
(Sīla), người đó phải hiểu rõ ba Thánh đạo được đề cập ở trên. Chỉ khi nào
người đó biết rõ về Giới, thì mới có thể giữ gìn Giới đức cẩn thận và trong
sạch. Không có tri thức thiết yếu này về con đường Giới hạnh, thì hành giả
không thể nào thực hành Giới đức trong sạch và trọn vẹn được.
Có được
sự thiết lập vững chắc về Giới và thực hành đầy đủ, hảnh giả cần phải tiến
hành thực hành con đường thiền Định (Samādhi), là phần cuối cùng của Bát Thánh Đạo. Thực hành
Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định tạo ra các chi đạo về Định (Samādhi)
và con đường dẫn tới phát triển Định.
Bước
tiếp theo, là phải được thực hành để phát triển hai chi đạo về Tuệ (Paññā) là
Chánh kiến và Chánh tư duy để có thể phát triển được Tuệ minh sát. Chỉ có
những người đại thiện như vậy mới có thể đạt được một nội tâm tĩnh lặng và phát
triển được Tuệ minh sát.
Thêm
nữa, muốn thực hành thiền Tứ Niệm Xứ để đạt đến kết quả mỹ mãn, hành giả phải
tuân giữ chặt chẽ ngũ giới và đoạn diệt ngũ triền cái là tham lam, sân hận, hôn
trầm, trạo hối và nghi ngờ. Rồi sau đó mới hành thiền Quán Niệm. Đây là bước
đầu tiên để tận diệt phiền não vì một khi giới đã trong sạch, hành giả có thể
bắt đầu thực tập thiền Định hay thiền Trí tuệ. Khi tâm đã an trú trong chánh
niệm để biết rốt ráo những biến hành của thân, thọ, tâm, pháp thì hành giả có
thể quán chiếu rất sâu thẳm trong tâm thức để nhận biết tính chất vô thường của
cái “Tự Ngã” mà con người thường bám vúi vào đó. Kiến tánh hay đốn ngộ chưa
diệt được Tư Hoặc nghĩa là thập triền, thập sử vẫn còn nên chưa đạt được Ngã
không. Vì Ái dục và Niết Bàn là kẻ thù của nhau cho nên còn ái dục thì không
bao giờ có Niết Bàn, có giải thoát.
Khi hành
giả có tâm định và chánh niệm vững chắc thì sẽ thấy các hiện tượng vật chất và
tâm sinh diệt từng sát na một. Hành giả sẽ thấy rất rõ ràng tất cả những
hiện tượng vật chất và tâm này không kéo dài liên tục mà chúng chỉ tạm thời khởi
sinh rồi hoại diệt. Thật vậy, các hiện tượng vật chất và tâm khởi sinh một
cách đơn độc rồi mất tức khắc một cách đơn độc. Hành giả sẽ thấy một cách
rõ ràng chúng không độc lập, chúng bị đàn áp bởi sinh diệt, không toại nguyện
và không có linh hồn, tự ngã và không cốt lõi. Hành giả không thể kiểm soát sự
sinh diệt của chúng bởi vì chúng diễn ra theo những duyên liên hệ của
chúng.
Thế thì
tất cả ngũ uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, đều mang đặc tính là vô thường, khổ, và vô ngã mà Bát Nhã Tâm Kinh gọi là ngũ uẩn giai
không. Khi thấy được ba đặc tính đó, hành giả hãy tiếp tục quán sát cho đến khi
chín mùi. Nhờ quán sát các hiện tượng vật chất và tâm, cuối cùng ngũ uẩn
sẽ bị loại trừ.
Mục đích
tối thượng của thiền Tứ Niệm Xứ là đưa hành giả dần dần vào các tầng thiền định
và thiền na để sau cùng trí tuệ bừng sáng mà nhận chân rằng:
–Thân
thể này không phải là tôi, là của tôi.
-Những cảm thọ sướng khổ cũng chẳng liên quan gì đến cái tôi.
-Cái tâm đang quán sát cũng không phải là linh hồn của tôi.
-Và tất cả những đối tượng của tâm như ý thức và hành thức
cũng không phải là của tôi.
Chính
đức Phật dạy rằng:
-Này các Tỳ kheo, đối với bất cứ những gì là thân xác, là cảm giác, thuộc
về nhận thức, thói quen thường nhật, là tri thức dù thuộc vào quá khứ, tương lai hay hiện tại, thuộc nội
tâm hay bên ngoài, thô thiển hay tinh tế, tầm thường hay tuyệt diệu, cách xa
hay bên cạnh, thì phải nhìn chúng đúng như thế bằng cái trí tuệ
không sai lầm để tự nhủ rằng : “Đấy không phải là của tôi, tôi
không phải là các thứ ấy, chúng không phải là cái Ngã của tôi”.
–Này các Tỳ kheo, nếu biết nhìn mọi sự vật bằng cách như thế thì
một người đệ tử hiểu biết sẽ không còn bám víu vào thân xác, không còn bám víu vào giác cảm, không còn bám víu vào sự nhận thức, không còn bám
víu vào thói quen thường nhật, không còn bám víu vào tri thức. Khi loại bỏ được chúng thì sẽ không còn tham vọng nữa.
Khi nào không còn bám víu nữa thì người đệ tử ấy cũng sẽ tự giải thoát cho mình
khỏi mọi dục vọng. Khi đã tự giải thoát khỏi mọi dục vọng thì người đệ tử ấy
cũng sẽ chợt nhận ra rằng : “[Thế ra] sự giải thoát cũng
chính là như thế đấy !”, và người đệ tử ấy cũng sẽ hiểu được
là : “Tất cả mọi sự tái sinh đã bị hủy diệt, chỉ có Con đường Đạo hạnh
tinh khiết là tồn tại, những gì phải chấm dứt đã chấm dứt, không còn bất cứ gì
lưu lại để chờ đợi được thực hiện, không còn lại gì nữa để mà hình thành”.
Vì thế
một khi đã thực sự nhận biết rốt ráo rõ ràng rằng trong ta không hề có “Cái
Ta” hay “Cái của Ta” thì lúc đó hành giả sẽ khám phá một chân lý
tuyệt vời độc nhất vô nhị, là tinh hoa cốt tủy của Phật giáo mà ngày xưa chính
đức Phật đã chứng dưới cội Bồ Đề là Chân lý Vô Ngã.
Tuy căn
bản của phiền não là Kiến hoặc và Tư hoặc, nhưng cái gốc để tạo ra những phiền
não đó chính là chấp Ngã. Chấp Ngã đã phá thì chấp pháp cũng theo đó mà diệt
bởi vì trong thì Ngã Không và ngoài thì Pháp Không, trong ngoài tự tại tức là
có giải thoát. Vì thế nếu diệt được chấp Ngã (Vô Ngã) thì tất cả những vô minh
phiền não cũng tan biến theo.
Sau khi
tâm đã an trú trong Tứ Niệm Xứ (Chánh niệm) bây giờ hành giả có thể đem tâm an
trú vào các tầng thiền na tức là Chánh định (chi thứ tám của Bát Chánh Đạo). Từ
đó hành giả có thể vào thiền Chỉ (an định) và sau cùng vào thiền Minh Sát (trí
tuệ) để chứng ngộ chân lý. Nên nhớ thiền an định (Chỉ) và thiền Minh Sát (Quán)
phải đi đôi với nhau, không thể tách rời được, bất khả phân ly vì có định thì
trí tuệ mới phát sinh và ngược lại. Ngày nay rất nhiều người tu thiền Minh Sát
mà không lo dẹp vọng tưởng, chấp trước thì không bao giờ có trí tuệ được. Do đó
nếu hành giả thực hành giới luật trang nghiêm, chuyên tu Chỉ-Quán
(Samatha-Vipassana) thì sẽ chứng nghiệm Chân lý. Thiền định (Chỉ) (Samatha) chỉ
có thể đưa hành giả đến những cơn định (Samàdhi) mà trong đó hành giả hưởng sự
an lạc nhất thời. Vì tâm định nên hành giả không tạo thêm nghiệp mới, nhưng trí
tuệ không phát triển nên những gốc của vô minh phiền não chưa diệt được. Trong
khi đó, thiền Tứ Niệm Xứ thuộc về thiền tuệ giúp hành giả phát sinh trí tuệ,
thấy rõ được thật tướng của vạn hữu và diệt trừ tận gốc vô minh phiền não đưa
người tu thẳng đến giải thoát giác ngộ. Đây là liễu ngộ, chứng ngộ chớ không
phải đốn ngộ của Tổ sư thiền.
Như vậy,
thiền Tứ Niệm Xứ đưa hành giả thành tựu tri kiến thật (tuệ tri) bằng cách quán
thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm và quán pháp trên pháp để
thấy như thật thân, như thật thọ, như thật tâm, như thật pháp. Nếu hành giả
chuyên cần vào đó cả ngày lẫn đêm không ngừng nghĩ, không vướng vào tham tâm,
sân tâm, si tâm thì người đó sẽ có tâm thật thanh tịnh an lạc và có giải thoát
giác ngộ. Đến đây hành giả thấu triệt thật tướng của vạn pháp, hoàn toàn nhận
thức bản chất thật sự của ngũ uẩn nên không còn dính mắc, bám vúi vào bất cứ
thứ gì trên thế gian.
Ngày xưa
đức Phật không để ý đến lý luận, không chạy theo ý thức, không cần nói chuyện
siêu hình mà hoài bảo của Ngài là tìm con đường giải thoát vì thế toàn bộ giáo
lý Phật Đà diễn tả lại những pháp hội rất đơn giản, rất dễ hiểu, nhưng đi thẳng
vào vấn đề để giúp đệ tử Ngài dễ thực hành mà có thực chứng. Cốt lũy của giáo
lý Phật Đà là Tứ Diệu Đế mà Bát Chánh Đạo là tám nhánh đưa hành giả từ phàm đến
Thánh thì Tứ Niệm Xứ là chi thứ bảy tức là Chánh Niệm. Thông thường con người
có thói quen thấy biết vạn pháp bằng tưởng tri hoặc thức tri, nghĩa là thấy
biết qua ký ức hay kiến thức mà phần lớn là thủ đắc từ vay mượn bên ngoài, nên
chỉ thấy được nghĩa khái niệm hay danh tự khái niệm mà phần lớn chỉ là ảo tưởng
không thật, chứ không thấy được thực tánh hay chân diện mục của pháp. Trong khi
đối tượng của trí tuệ thiền tuệ dưới hình thức tuệ tri trong chánh niệm tỉnh
giác thì đó chính là “thực tánh pháp” .
Do đó không có một hành giả nào trên thế gian này từ ngày đức
Phật thành đạo cho đến nay mà muốn đạt đến cứu cánh tối thượng giải thoát giác
ngộ mà không thực hành Tứ Niệm Xứ.
l
Discussion about this post