THEO BƯỚC CHÂN PHẬT
Thích Nhật Hiếu
Ngược dòng thời gian cách đây trên 2.500 năm, trước bao cảnh
nghiệt ngã của cuộc đời, đã thôi thúc thái tử Tất Đạt Đa vượt thành đi tìm chân
lý tự cứu cho mình và giúp cho đời. Sau 5 năm tầm sư học đạo, 6 năm khổ hạnh
rừng già và 49 ngày trầm tư thiền định dưới cội Bồ đề, ngài đã thể nhập và
chứng ngộ chân lý tối thượng. Kể từ đó, bước chân của bậc Đại giác đã du hành
khắp lưu vực sông Hằng (Gange): qua các vương quốc Ấn cổ xưa như: Ba-la-nại
(Benares), Ma-kiệt-đà (Magadha), Vệ-xá-li (Vesāli), Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu),
Câu-thi-la (Kusinārā), Xá-vệ (Sāvatthi), Kosala, Cāmpa,v.v… điểm dừng chân cuối
cùng trong hành trình du hóa và nhập diệt tại rừng Sala ở Câu-thi-la. Ngài đã
thuyết pháp từ các hàng vương giả cho đến thứ dân, bất chấp giai cấp khắc
nghiệt của Ấn Độ giáo từ xa xưa. Ngài là bậc Đạo sư đã chỉ dạy cho Tứ chúng đệ
tử (Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di) lộ trình từ địa vị phàm phu khổ
đau hướng đến Niết bàn hạnh phúc.
Ngày nay, đạo Phật không những thịnh hành ở các nước Á Châu, mà
còn vượt đại dương truyền bá ngày càng sâu rộng khắp các Châu lục trên toàn
cầu. Thành tựu to lớn đó chính là suối nguồn của Chánh pháp đã trôi chảy bất
tuyệt trong lòng nhân loại bao đời. Đây được xem như bức thông điệp của tình
thương và an bình cho nhân loại.
“Không làm các điều ác, Thành
tựu mọi hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch, Là
lời chư Phật dạy.”[1]
Giáo lý Phật Đà giúp cho chúng ta hoàn bị cho chính mình một nhân
cách thánh thiện, qua các nghĩa cử cao đẹp của mình trong cộng đồng xã hội:
- Thân không làm việc ác: không
sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. - Miệng không nói lời ác: không
nói ác khẩu, không nói hai lưỡi, không nói lừa lọc, không nói thêu dệt. - Ý không nghĩ điều ác: không tham lam, không sân hận, không si mê.
Không dừng ở tại nơi “Không làm các việc
ác”, mà người tu Phật còn tích cực hơn trong việc “Thực hành mọi hạnh lành”.
Tuy nhiên, muốn việc làm đúng nghĩa phải luôn chánh niệm, tỉnh giác,… không
bị tác động lồng ghép bởi tự ngã quanh co, bóp méo,… đánh tráo bằng sự toan
tính, mưu đồ, vụ lợi,… mà phải bằng tấm lòng vô ngã, vô cầu.
Để việc hành thiện đúng nghĩa và thành công trọn vẹn cho người
Phật tử tại gia cũng như xuất gia, đức Phật đã dạy một cách tường tận trong
Kinh Bát nhã về hạnh tu “Lục ba-la-mật” (s:Sāphāramitā); nghĩa là Sáu hạnh tu
đến bờ giác ngộ và giải thoát:
1- Bố thí Ba-la-mật
(s:Dānapāramitā): Hiến tặng/ cúng dường cho cá nhân hay tập thể bằng cả tấm
lòng thịnh tình của mình.
Hiến tặng bằng tiền của gọi là “Tài thí”;
hiến tặng bằng sự giúp đỡ ý kiến, dạy dỗ gọi là “Pháp thí”; hiến tặng bằng sự
trấn an, vỗ về gọi là “Vô uý thí”. Sự hiến tặng đúng nghĩa phải phát xuất từ
tấm lòng từ bi, hiến tặng không phân biệt đối tượng, không vì lời khen, tiếng
chê, không mưu đồ trục lợi. Nếu không, việc hành thiện của mình trở nên vô
nghĩa. Hiến tặng cho người dưới mình với ý nghĩa thi ân là hành động quá lối,
với ý nghĩa người kia phải trả ơn là mưu đồ. Hiến tặng (cúng dường) Phật,
Pháp,Tăng với ý nghĩa cầu tài, cầu phúc là vụ lợi. Hiến tặng cho người trên
mình mong sự bao dung và che chở là hối lộ. Qui luật nhân quả cho chúng ta một
câu trả lời xác đáng: Nhân ác thì quả xấu, nhân lành quả phúc, nhân Vô ngã quả
Niết bàn. Làm chùa, cúng Phật,v.v… thì được phước, nhưng tham lam, gian ác thì
ác báo. Nhân quả phân minh, không thể lấy công mà đổ đồng lên tội.
Hơn nữa cũng cần lưu ý, giữa “người tặng” và “người nhận” còn có
sự đối lưu. Người nhận nhận được một món quà từ người tặng; ngược lại, người
tặng cũng nhận được niềm vui (món quà tinh thần) một cách thầm lặng, khi làm
được một việc làm đầy ý nghĩa cho bản thân. Như vậy, người cho đồng thời cũng
là người nhận. Để thực hiện những đức tính cao đẹp trên cần phải hội đủ các
điều kiện như sau:
- Từ tâm đối với tha nhân (Bi).
- Luôn luôn hành động sáng suốt
(Trí). - Lập trường tôn thờ lý tưởng
từ bi và trí tuệ phải vững vàng, bất chấp mọi trở lực khi thực thi hạnh tu này
(Dũng).
Tóm lại, Bố thí Ba-la-mật là hiến tặng vật
chất lẫn tinh thần cho người khác trong cảnh ngộ ngặt nghèo, là đem lại niềm
vui và an lạc cho tha nhân. Đây là một trong những chặng đường mà lộ trình lập
địa thành Phật của mọi người con Phật chúng ta cần kinh qua.
2- Trì giới Ba-la-mật (s:Śilapāramitā): Mục tiêu giá trị cần phải đạt được của tất cả mọi người con Phật
chúng ta là giải thoát tâm linh. Lộ trình đưa đến mục tiêu ấy là Trì giới
Ba-la-mật. Nó giúp chúng ta thanh lọc tâm hồn và thân chứng chân lý giải thoát.
Giới luật là hàng rào bảo vệ an toàn phẩm hạnh nhân cách, ngăn ngừa điều sai
trái, dứt trừ điều xấu xa (phòng phi chỉ ác). Đức Phật dạy: Phật tử tại gia
giữ 5 giới; Sa di, Sa di ni giữ 10 giới;
Tỳ kheo giữ 250 giới; Tỳ kheo ni giữ 348
giới,v.v…
Đó là lẽ sống thánh thiện mà người Phật tử tại gia cho đến xuất
gia đều phải giữ gìn cẩn thận, xem đó như con thuyền vượt bể khổ trần gian đầy
cuồng lưu dục vọng nhắm bờ an lạc giải thoát.
3- Nhẫn nhục
Ba-la-mật (s:Kṣāntipāramitā): Là khả năng chịu đựng mọi sự nhục nhã. Có
thể nói sự “Nhẫn nhục” là một đạo lý lập nghiệp cho muôn đời.
Một hiệp khách như Hàn Tín phải luồn trôn giữa chợ đông chỉ vị
nghiệp lớn chưa thành. Một quốc vương như Câu Tiển đã phải nằm gai nếm mật chỉ
vì thù nước chưa trả. Một đương kim thái tử Tất Đạt Đa tương lai sẽ trở thành
một vị hoàng đế uy danh, nhưng phải vào rừng sâu sống khổ hạnh chỉ vì tìm cho
ra chân lý cứu khổ cho cuộc đời. Còn nhiều bậc hiền triết danh nhân khác,v.v…
Những nghĩa cử nhẫn nhục thật vĩ đại!
Đức nhẫn nhục đã biến một kiếm sĩ cù bơ cù bất như Hàn Tìn, và một
ông vua yếu đuối như Câu Tiển trở thành những bậc kiêu hùng. Đức nhẫn nhục đã
biến một thái tử Tất Đạt Đa vương giả thành một bậc Chí tôn muôn đời.
Tuy vậy, sự nhẫn nhục đó cũng có nhiều cấp độ và ý nghĩa khác
nhau. Kẻ nhẫn nhục để rồi rửa hận, người nhẫn nhục để rồi thành danh. Không như
vậy, nhẫn nhục trong Phật giáo, không cưu mang sự manh tâm phục thù, không vụ
lợi tư kỷ cho cá nhân, mà nó hoàn bị cho người Phật tử có đầy đủ nghị lực đối
mặt với mọi sự khó khăn từ vật chất cho đến tinh thần, sống vui vẽ giữa cảnh
đời lao lung và khốn đốn để “Phụng đạo giúp đời.”
Sự nhẫn nhục Ba-la-mật là sức chịu đựng đến đỉnh cao độ trước mọi
nghịch cảnh thử thách: “Không còn thấy cảnh thử thách, không còn thấy mình bị
thử thách, và cùng không còn thấy khó khăn trong việc ra sức chịu đựng thử
thách.”
Trong cuộc sống xã hội đời thường, có những lúc người ta cắn răng
gắng sức chịu đựng những cảnh trái ý nghịch lòng, như những cuộc xung đột trong
gia đình, trong xã hội,v.v… nhưng đến lúc bức xúc không còn kềm chế nỗi, họ
hành động những điều không thể tưởng tượng nỗi, làm tan nát mọi quan hệ tốt đẹp
giữa mọi người mà trước đây họ đã dầy công vun vén (chặt củi ba năm đốt một
giờ). Để tỉnh giác mọi người Phật tử, đức Phật dạy: “Chỉ cần một đóm lửa nhỏ
sân hận cũng đủ thiêu rụi cả rừng công đức” (Nhất tinh chi hoả năng thiêu vạn
nhận công đức chi sơn).
Bao nhiêu đó cũng đủ hiểu sự quan trọng của Nhẫn nhục Ba-la-mật
đối với mọi người, nhất là đối với người Phật tử trong suốt hành trình hướng
tới đích an lạc và giải thoát.
4- Tinh tấn Ba-la-mật (s:Vīryapāramitā): Sự siêng năng, chuyên cần liên tục trong việc ích mình, lợi người.
Với hoài bảo trở thành kỷ sư, bác sĩ,… người học trò phải siêng
năng sớm hôm đèn sách. Muốn mùa vụ bội thu, bác nông dân phải chuyên cần cày
sâu, cuốc bẩm, dãi nắng, dầm mưa, đong đầy nước mắt mồ hôi. Cũng vậy, hành
trình về cõi Phật dịu vợi, xa xăm,… người Phật tử phải tấn tu liên tục, không
nghỉ ngơi, không thoái bước khi chưa tới đích, mà phải đến đích mới thôi.
Đức tinh tấn biểu hiện qua hình ảnh người
se gỗ lấy lửa, chưa có lửa đâu thể dừng tay. Người chèo thuyền chưa tới nơi thì
giữa dòng đâu thể gát mái ngơi nghỉ. Người tu Phật: “Công chưa thành, quả chưa
mãn” đâu thể lơi lỏng “tỉnh giác chánh niệm”. Mọi lời nói, mọi ý nghĩ, mọi hành
động luôn luôn hướng về thanh tịnh, từ bi và trí giác.
Tinh tấn quan trọng như vậy, nên đức Phật đã lập đi lập lại trong
37 Phẩm trợ đạo có tới 6 lần. Nó được xem là đầu máy đưa con tàu ước vọng đến
đích thành công. Cho dù năng lực và trí tuệ và nghị lực có thừa, nhưng thiếu
tinh tấn thì cũng không sao đạt được mục đích thành công.
5- Thiền định Ba-la-mật (s:Dhyānapāramitā): Là sự tập trung sâu lắng, hiểu rõ mọi hiện tượng và bản chất của
thân và tâm xuyên qua chánh kiến, chánh tư duy, và chánh niệm, làm cho tất cả
các vọng niệm được loại trừ khỏi tâm thức. Lúc đó, hành giả đạt đến trừ khổ,
tâm được thanh tịnh, đạt tuệ giải thoát.
Ngày nay, Thiền học rất có
duyên và được các giới trí thức Tây phương đón nhận một cách nồng nhiệt. Nhưng
cũng cần lưu ý Thiền có rất nhiều loại: Thế gian thiền, Ngoại đạo thiền, Tổ sư
thiền,v.v… Trong đó thế gian thiền và ngoại đạo thiền không phải là Thiền của
Phật giáo. Nó không đưa đến “Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát” để chấm dứt mọi
khổ đau trong cuộc đời.
Thiền của các kiếm sĩ, võ sĩ, các vận động viên thể thao, các nhà
dưỡng sinh,v.v… nhằm mục đích duy trì sức khoẻ hoặc đạt đến đỉnh cao của nghệ
thuật. Thiền của ngoại đạo nhằm mục đích đạt đến thần thông, chứng “Tứ không,
Tứ vô sắc định”. Thiền của tổ sư, thầy trò tâm truyền: “Bất lập văn tự, trực
chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Đặc biệt, Như lai thiền là truyền thống
khơi nguồn của Thiền học Phật giáo. Như đức Phật đã từng dạy: “Đây là con đường
độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, vượt khỏi sầu não, diệt khổ ưu,
thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn. Đó là Tứ niệm xứ.”[2]
- Quán thân bất tịnh (Hiện quán
về thân): “Khi đi, đứng, nằm, ngồi tôi tuệ tri: tôi đang đi,… đang ngồi; khi
ngó tới, ngó lui,…; khi ăn, uống,…; khi thức, ngủ, nói năng, im lặng,… đều biết
rõ việc mình đang làm.”[3] - Quán thọ là khổ (Hiện quán về
thọ): “Khi cảm giác khổ thọ/ lạc thọ/ bất khổ bất lạc thọ/…; khi những cảm giác
này thuộc về vật chất, hay không thuộc về vật chất đều phải tuệ tri như vậy.”[4] - Quán tâm vô thường (Hiện quán
về tâm): “Với tâm có tham, tôi tuệ tri: tâm có tham; với tâm không tham, tôi
tuệ tri: tâm không tham; (tương tự với sân và si,…)”[5] - Quán pháp vô ngã (Hiện quán
về pháp): “Sự thật của cuộc đời là khổ, vô thường vô ngã, và con đường đưa đến
hạnh phúc đích thực của cuộc đời là Thánh đạo tám ngành (Ariyatïtïhangika):
chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn,
chánh niệm và chánh định.”[6] Hoặc: “Ai thấy được pháp duyên sinh (khổ, vô thường và vô ngã) là
thấy được pháp, ai thấy được pháp là thấy được Ta (Phật).”[7]
Có thể nói đây là yếu tố quan trọng bậc nhất trong cuộc sống tu
tập cũng như cuộc sống đời thường, nếu tâm hồn chúng ta có an định thì mọi việc
mới có thể giải quyết thông suốt. Định trong cuộc sống giúp cho chúng ta có
nghị lực giải quyết mọi vấn đề một cách ổn thỏa; định trong tu tập giúp chúng
ta thanh lộc tâm hồn, bảo hòa năng lượng và phát huy sức mạnh nội lực, hướng
đến đích giác ngộ giải thoát; như đức Phật từng khẳng định: “Trụ tâm nhứt xứ,
vô sự bất biện.”[8]
6- Bát nhã Ba-la-mật (s:Prajñāpāramittà): Đây là sự hiểu biết của “Thắng tri” (Abhijānāti), “Tuệ tri và Liễu
tri” (Parijānāti) ưu việt hẳn mọi thấy biết xuyên qua tư duy, kinh nghiệm thông
thường của “Tưởng tri và thức tri” (Saññājānāti: tức sự thấy biết xuyên qua các
giác quan: “Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý). Ở đây muốn đề cập đến: “Thắng tri,
Liễu tri và Tuệ tri”.
a- Thắng tri: Sự hiểu biết xuyên qua đoạn trừ hoặc lậu (tham, sân,
si, mạn, nghi,…).
b- Tuệ tri: Sự hiểu biết một cách hoàn toàn về Tứ đế: “Thực trạng
của khổ, nguyên nhân của khổ, trạng thái của khổ diệt, và con đường đưa đến khổ
diệt.”[9]
c- Liễu tri: Sự hiểu biết một cách toàn triệt về lý Duyên khởi:
Như đức Phật dạy:
Vị ấy trầm tư về chuỗi duyên
sinh, theo trình tự thuận chuyển (luân chuyển) và nghịch chuyển (hoàn diệt):
“Do vô minh, hành sinh; do hành, thức sinh; do thức, danh sắc sinh; do danh
sắc, lục nhập sinh; do lục nhập (sáu giác quan), xúc sinh; do xúc, thọ sinh; do
thọ, khát ái (tham dục) sinh; do khát ái, chấp thủ sinh; do chấp thủ, hữu sinh;
do hữu, sanh sinh; do sanh sinh, nên lão-tử-sầu-bi-khổ-ưu-não sinh; Hay nguồn
gốc toàn bộ khổ uẩn sinh.”[10]
Ngược lại, “Bởi sự đoạn diệt của vô minh, dẫn
đến sự vắng mặt hoàn toàn của khát ái, nên hành diệt; bởi sự đoạn diệt của
hành, nên thức diệt; bởi sự đoạn diệt của thức;… nên
sanh-lão-tử-sầu-bi-khổ-ưu-não diệt. Hay toàn bộ Khổ uẩn diệt.”[11]
“Các thánh đệ tử liễu tri hoặc lậu như vậy,
tuệ tri hoặc lậu như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt hoặc lậu như
vậy,… diệt tận mọi khổ đau ngay trong hiện tại.”[12]
Trí tuệ giúp chúng ta định hướng đúng đắn không lầm đường lạc lối
si mê tội lỗi. Có trí tuệ, chúng ta sẽ hiểu làm những việc nên làm, nghĩ những
điều nên nghĩ, và nói những lời nên nói để “Ích mình lợi người”.
Trong cuộc sống đời thường, chúng ta bắt gặp những người học cao,
có nhiều bằng cấp, nhưng không những họ vận dụng sự hiểu biết của mình để ích
mình lợi người mà trái lại đặt nhiều điều mưu thần chước quỉ hãm hại mọi người
để thoả mãn những dục vọng tham lam của mình, để đến nỗi mắc phải Pháp luật gia
hình. Sự hiểu biết của những hạng người này không thể gọi là chân trí tuệ được.
Nó chỉ là trí hữu lậu, điêu ngoa, hẹp hòi ích kỷ,… và cộng thêm chút mù quáng
của kẻ “hữu học cực đoan sở đắc”, thao túng bất chấp hậu quả để rồi cuối cùng
chuốc họa vào thân. Theo nghĩa tuệ tri Tứ đế, thì trí tuệ chính là cội nguồn
Niết bàn, là dòng suối bất tuyệt của hạnh phúc chân thật trong ta khi loại trừ
mọi phiền trược khổ não.
Trí tuệ đối với sự nghiệp lý tưởng giải thoát của mọi người con
Phật quan trọng như ngọn đuốc thiêng đối với lữ khách trong đêm trường tăm tối,
như người hoa tiêu đối với thủy thủ đoàn lèo lái con thuyền vượt sóng ngàn trở
về bến cũ. “Duy tuệ thị nghiệp” mãi mãi là một biểu tượng thiêng liêng của Phật
giáo.
Lục độ Ba-la-mật không những là tính nhân bản đặc trưng đạo đức
học nhập thế của Phật giáo, mà còn là tinh thần xuyên suốt thoát tục của Phật
giáo. Lục độ luôn luôn nhắc nhỡ chúng ta mọi ý thức và hành động sống xả kỉ vị
tha, sống ích mình lợi người. Lục độ Ba-la-mật cho chúng ta một cách nhìn cuộc
đời bi mẫm hơn. Một lẽ sống tác động hài hoà giữa cá nhân này với cá nhân khác,
giữa sắc tộc này với sắc tộc khác,… trong tình thương yêu chung sống trong
lòng cộng đồng xã hội, xóa tan mọi ranh giới giai cấp, chủ nghĩa, tôn giáo,
quốc gia,…
Phật dạy: “Không có một giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, và nước
mắt cùng mặn.”[13]
Dưới nhãn quan của bậc giác ngộ, đức Phật tuyên bố: “Cuộc đời và
cả cuộc sinh tử cũng chỉ là khổ đau.” Cũng vậy, nhìn chúng sinh đang quay cuồng
trong cuồng lưu dục vọng mà cổ đức đã phải ngậm ngùi:
“Bể khổ mênh mong sóng ngập trời, Khách
trần chèo một chiếc thuyền trôi,
Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió, Xét
lại cũng trong bể khổ thôi.”
Thật vậy, lịch sử nhân loại là một “Câu
chuyện dài đầy tang thương”. Thời tiền sử, các bộ tộc đấu tranh tiêu diệt nhau
để tranh giành sự tồn tại. Thời kỳ chiếm hữu nô lệ, bọn tư sản Tây phương buôn
bán dân da màu để làm nô lệ không khác gì là súc vật. Rồi tới thời kỳ thuộc
địa, các nước đế quốc thực hiện những cuộc thôn tính những quốc gia nhược tiểu
bằng các cuộc xâm lược thảm sát. Ngay cả các cuộc xung đột giữa các sắc tộc,
các tôn giáo với nhau cũng đã gây bao tang thương điêu đứng, cảnh đầu rơi, máu
chảy, da thịt vung vãi, quyến thuộc chia lìa, gia đình tang nát trong cảnh tử
biệt sanh ly.
Ích kỷ, tham lam, sân hận, si mê đã biến con người thành dã thú
điên cuồng, không còn một chút nhân tính. Chiến tranh thảm khốc, chết chốc thê
lương, nghe bắt rợn người. Thế mà chiến tranh vẫn được tôn vinh một cách thiêng
liêng như: Thánh chiến Mahommed (cuối thế kỷ thứ V, đầu thế kỷ thứ VI), Thánh
chiến thập tự chinh (The Crusades: 1095–1291) do Giáo hoàng Pole Urban II phát
động đánh chiếm Jesusalem, không biết bao nhiêu sinh linh bị tàng sát trong các
cuộc chiến nhân danh Thiên chúa như thế. Nhất là bước sang qua thế kỉ 21, làn
sống đấu tranh khủng bố mang tính chiến tranh tôn giáo lại tiếp tục lan rộng,
gây nhiều cảnh chết chóc đầy khốc liệt. Nhân loại đang rơi vào hoàn cảnh sống
trong bất an chưa từng thấy xưa nay.
Đã qua rồi các cuộc thế chiến thảm khốc, nhưng vẫn còn đó đây các
cuộc nội chiến nóng bỏng xảy ra ở các quốc gia như: Afghanistan, Bosnia,
Palestin và Isarel,… nhất là các cuộc chiến tranh đã biến thái bằng nhiều
hình thức tinh vi như bọn khủng bố ngày nay sử dụng bất cứ mọi hành động man rợ
nào để chống lại loài người như: bắt cốc, ám sát, tập kích, ôm bom cảm tử, đánh
phá các công trình kinh tế, công cộng,v.v… mà đối tượng của chúng không nhất
thiết là đối thủ chính trị hay quân sự có quyền lực, mà phần nhiều là thường
dân vô tội. Bộ mặt thật man rợ của chúng hiện rõ sau các vụ khủng bố đầy chết
chóc như: sự kiện khủng bố tháng 4.1995, đánh bom tại Oklahoma (Mỹ), làm 168
người chết; đánh sập tháp đôi ở New York – Mỹ ngày 11/ 09/ 2001, làm gần 4 ngàn
thường dân thiệt mạng; đánh bom tuyến đường sắt Madrid ở Tây Ban Nha tháng 11/
3. 2004, cướp đi 191 sinh mạng; bắt cốc và giết hại con tin tại một nhà hát ở
Moscous ngày 26/10/ 2001; giết hại nhiều trẻ em học sinh vào một buổi khai
giảng tại một trường học Beslan, tại Bắc Ossetia ở Nga đầu 9/ 2004;v.v… Cuộc
chiến chống khủng bố ở Afghanistan,
Iraq, Chechnya,… vẫn còn nẩy lửa và đầy
chết chóc, gây nhiều cảnh tan thương và bế tắt không có lối thoát. Sự bất an
chung của cộng đồng thế giới ngày nay đã đe dọa đến sự sống hạnh phúc và yên
bình của con người. Điều đó đã nói lên sự tham lam, sân hận và si mê của con
người cứ gia tăng bao nhiêu thì hạnh phúc con người sẽ bị đe doạ đến bấy nhiêu.
Ngày nào con người chưa thức tỉnh cơn ác mộng vô minh đầy tham lam và sân hận
này thì khổ đau vẫn con đó, và đừng mong gì đến cuộc sống an lạc hạnh phúc.
Nhìn nhận về sự thật này, đức Phật đã thốt lên: “Biển cả có thể
vơi đi, núi non có thể sụp đổ, quả đất có thể băng hoại, nhưng khổ đau không
bao giờ chấm dứt đối với người còn vô minh và ái dục.”[14]
Ngài còn phê phán:
“Người
ngu làm điều ác, Không ý thức việc làm,
Do tự nghiệp, người ngu, Bị
nung nấu, như lửa.”[15]
Với lời tha thiết hơn nữa, ngài đã dạy:
“Mọi
người sợ hình phạt, Mọi người sợ tử vong,
Lấy mình làm ví dụ, Không
giết, không bảo giết.”[16]
Với lời tuyên quyết dứt khoát của đức Phật về cuộc đời sẽ tươi đẹp
và xán lạn khi con người không còn những cảnh vay trả của ác nghiệp oan khiên:
“Ai
dùng các hạnh lành Làm xoá mờ nghiệp
ác
Chói sáng rực đời này Như
trăng thoát mây che.”[17]
Trong lịch sử truyền bá Phật giáo, bước chân các bậc Tổ sư vân du
khắp từ Đông sang Tây chưa từng làm rơi một giọt máu. Không những Phật giáo rất
trân trọng về đức tính hiếu sinh, mà còn nâng cao giá trị con người và toàn
chúng sinh lên tột đỉnh: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính.”[18]
Tính nhân bản và tính thánh thiện của Phật giáo đã vượt ra ngoài
mọi tôn giáo và triết thuyết với các những định kiến đối lập ở thế gian. Nên
khi nhận xét về Phật giáo thì các nhà học giả và các triết gia khó có thể nhìn
nhận Phật giáo một cách trọn vẹn. Chừng mực nào đó, nếu có thể nhìn nhận thì:
“Nếu cho Phật giáo là tôn giáo thì tôn giáo này không đặt nặng về vai trò quyền
lực của thần linh mà được xem là tôn giáo của từ bi và cứu khổ; nếu cho rằng
Phật giáo là triết học thì nền triết học này không đặt nặng nơi lý luận siêu
hình, mà là nền triết học dấn thân; nếu cho rằng Phật giáo là một nền luân lý
đạo đức thì nền luân lý đạo đức này không mang tính áp đặt của mọi luận lệ hà
khắc mà là một nền luân lý đạo đức của sự chuyển hoá và thoát ly mọi hệ lụy của
cuộc đời.”
Trong cuộc hội thảo về đề tài “Phật giáo và hoà bình” Tiến sĩ K.N.
Jayatilleke đã phát biểu: “Phật giáo là một tôn giáo đầu tiên trong lịch sử
nhân loại với một thông điệp quốc tế là cứu độ tất cả nhân loại. Sau khi giác
ngộ, Đức Phật đã gởi 61 đệ tử đi mọi hướng với nhiệm vụ truyền đạt Giáo pháp
đem hạnh phúc và an lạc cho loài người”. (Buddhism is the first missionary
religion in the history of humanity with an universal message of salvation for
all mankind. The Buddha after his Enlightenment sent out sixty – one disciples
in different directions asking them to preach the doctrine for the weal and
welfare of mankind.)[19]
Như vậy, Phật giáo là một tôn giáo không
đặt trên nền tảng “Thần linh mặc khải” với những giáo điều xa vời, mà nó là một
diệu thuật sống, phát xuất từ “Nhân cách vĩ đại” uyển chuyển giữa dòng đời muôn
ngàn nhân duyên sinh diệt của vũ trụ & nhân sinh.
Tâm đắc với nguyên lý trên, nhà bác học Albert Einstein đã phát
biểu: “Tôn giáo tương lai sẽ là tôn giáo chung cho toàn cầu, vượt ra ngoài mọi
ý tưởng về thần linh thiêng liêng, giáo điều và lý thuyết. Tôn giáo đó bao trùm
cả phương diện thiên nhiên và tinh thần, căn cứ vào ý niệm đạo lý, phát sinh từ
kinh nghiệm tổng thể, bao gồm cả thiên nhiên và tinh thần như một sự thuần nhất đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng
được các điều kiện đó”. (The religion of the future will be a cosmic religion.
It should transcend a personnal God and avoid dogmas and theology coversing
both the natural and then spiritual, it should be based on a religious sence arising from the experience of
allthings, natural and spiritual, as a
meaningful unity. Buddhism answers this description.” (Albert Einstein, Cosmic
Religion)[20]
Theo dấu chân xưa của đức Thế tôn, Phật giáo đã có mặt trên đất
nước Việt Nam, đã hòa nhập vào đất nước và dân tộc Việt “đồng cam cộng khổ”
trong những ngày đầu lập quốc. Phật giáo Việt Nam đã cống hiến cho dân tộc Việt
nhiều Thiền sư kỳ tài lèo lái con thuyền dân tộc trong những ngày đầu gian nan
như: Khuông Việt quốc sư, Vạn Hạnh thiền sư,… dựng lên các triền đại một thời
huy hoàng như: Đinh–Lê–Lý–Trần; Lý Công Uẩn, Trần Thái Tông, Trần Nhân
Tông,v.v… là những ông Vua Phật tử nhân từ đức trị, tạo nên những trang sử
vàng sáng ngời cho dân tộc.
Đức tính từ bi, trí tuệ và dũng mãnh của Phật giáo luôn là tấm
lòng bao dung và san sẻ những vui buồn thăng trầm của tổ quốc trong các cuộc xâm
lược vũ trang đồng hoá và các cuộc xâm nhập truyền giáo bằng vũ lực của ngoại
bang. Tuy nhiên, Phật giáo vẫn giữ vai
trò lập trường gắn bó, và sống còn với dân tộc.
“Trang sử Phật cũng là
trang sử Việt
Trải bao độ hưng suy
Có nguy nhưng chẳng mất”. (Hồ Dzếnh)
Hơn nữa, Phật giáo còn đi sâu vào sinh hoạt trong lòng dân gian.
Chuông chùa, cửa Phật,… luôn là những biểu tượng, những hình ảnh đẹp, phong
phú mang tính truyền thống dân tộc qua thơ ca trong dòng văn học sử Việt Nam:
“Mái
chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tiên”. (Huyền Không)
Lần theo dấu chân xưa của chư Phật, chư
Tổ,… trở về với suối nguồn mát dịu bất tuyệt của Chánh pháp, để xoa dịu mọi
nghiệt ngã oan khiên cho cuộc đời, làm sống lại bao tâm hồn yếu đuối, chết lần
mòn dưới cơn nắng hạ oi ả của tham lam, cừu hận và si mê; cho cuộc đời nhiều
hoa thơm của đức hạnh và trái ngọt của tình thương.
“Theo chân người đại hạnh Thành công bước kinh hành
Y vàng nhòa sắc nắng Trăng lam uốn dòng xanh”. (Pháp cú)
[1] Pháp
cú số 183
[2] Majjhima
I, No. 10, Satipaṭṭhānasutta, The Pāli Text Society, 1954, P. 71
[3] Ibid
[4] Ibid
[5] Ibid
[6] Ibid
[7] Tương
ưng III, phẩm gia chủ V Thánh đệ tử X, bd. HT. Thích Minh Châu, 1993, tr. 146
[8] K.
Di giáo
[9] Trung
bộ III, Tâm kinh đế phân biệt (Saccavibhangacittasutta); Trung A-hàm số 31, K.
Phân biệt Thánh đế; Tiểu bộ, Trưởng lão tăng kệ (p:Aññakodañña); Tương ưng V,
Phẩm chuyển pháp luân (thực trạng khổ nên biết, nguyên nhân khổ nên đoạn, khổ
diệt lạc nên chứng, đường diệt khổ nên tu.)
[10] Vinaya
Texts, Translated from Pāli, by T.W. Rhys Davids, PP. 75-78
[11] Ibid
[12] Ibid
[13] K.
Pháp hoa
[14] Saṃyuttara-nikāya
III, chapter I, Part 5
[15] Pháp
cú số 136
[16] Pháp
cú số 129
[17] Pháp
cú số 173
[18] K.
Đại bát Niết-bàn (Mahāparinirvāṇasūtra)
[19] Dr.
K.N. Jayatilleke, “Buddhism and peace”
[20] Đại
cương triết học Tây phương, Hà Thúc Minh – Minh Chi, Đại Học Tổng Hợp TP. HCM,
1994, tr. 10
Discussion about this post