BÚT KÝ…
THẦY TU LÀM RUỘNG
Nguyễn Xuân Chiến
Mới sáu giờ sáng, khi đi qua khỏi cầu An Cựu một quãng, tôi đã nhìn thấy bác Quẹo đang đứng chờ tại ngã ba Ngoẹo Dàn Xay. Tôi vội dừng xe lại, hỏi:
– Thưa bác. Chúng ta đi đâu hôm nay? Mà bác hẹn với tôi có vẻ quan trọng rứa?
Bác cười:
–
Chùa mình không chủ trương đi cúng ăn tiền như các chùa khác, mặc dù thỉnh thoảng vì nể nang những bổn đạo thân tín, cho nên các thầy cũng thực hiện các việc cầu siêu cầu an vân vân. Các vị thầy ở chùa mình, luôn luôn gìn giữ mục tiêu chính yếu của người xuất gia: hoằng pháp là việc nhà, cho nên, làm ruộng là việc bất đắc dĩ mà thôi, nhưng đã làm thì phải làm thiệt lòng thiệt dạ, cho ra ngô ra khoai, chứ không thể đùa chơi được!
Tôi gật đầu:
– Vâng. Bác dạy rất phải, thấu đạo lý. Nhân dịp buổi đi chơi này, tôi sẽ thâm nhập thực tế nhà chùa sao cho sâu sát, đầy đủ, kẻo hiểu sai lạc về nếp sống của nhà chùa và các sinh hoạt của chư tăng…
Bác Quẹo leo lên ngồi phía sau xe honda, cười tươi:
–
…
…
Làng Thanh Thủy Chánh là một ngôi làng cổ, cách trung tâm Thành Phố Huế khoảng 8km về phía đông nam, từ lâu đã nổi tiếng là nơi có nhiều công trình kiến trúc cổ, không gian văn hóa mang đậm nét quê hương.
Vào thế kỷ 16, những người dân gốc Thanh Hoá trên đường theo chúa Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) vào vùng Thuận Hoá khai hoang lập nghiệp, đã dừng lại tại khu vực làng Thanh Thủy Chánh bây giờ để dựng làng và đặt tên là Thanh Toàn. Đến thời Vua Thiệu Trị (1841-1847), tên Thanh Toàn đã được đổi thành Thanh Thuỷ. Sau đó, làng được đặt tên chính thức là Thanh Thủy Chánh nhưng người dân địa phương vẫn quen gọi là Thanh Toàn.
Làng Thanh Thủy Chánh hiện có khoảng ba ngàn hộ dân, phần đông sinh sống bằng nghề trồng lúa nước và các nghề phụ như chằm nón, làm bánh, rèn các đồ nông cụ… Đây có một di tích quan trọng mà ai cũng biết, đó là Cầu ngói Thanh Toàn.
Cầu ngói Thanh Toàn do bà Trần Thị Đạo cúng tiền để xây dựng vào năm 1776. Bà Trần Thị Đạo là vợ một vị quan cao cấp dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786) nhưng không có con. Để cầu tự, bà đã làm phước bằng cách cho xây dựng chiếc cầu gỗ để dân làng qua lại thuận tiện, cũng là nơi để lữ khách tạm dừng chân nghỉ ngơi. Để ghi nhớ công ơn của bà, dân làng đã lập bàn thờ bà trên cầu. Cầu được kiến trúc kiểu “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) theo hình dáng chiếc cầu vồng với chiều dài 17m, rộng hơn 4m, chia làm 3 gian. Cầu có mái che được lợp ngói ống tráng men. Hai bên thân cầu có 2 dãy bục gỗ và lan can để du khách tựa lưng ngồi nghỉ ngơi và ngắm ruộng!
Ruộng của nhà chùa là một khuôn viên chừng tám sào ta, gần cầu ngói Thanh Toàn, nằm xung quanh một cây đa hàng mấy trăm năm tuổi, có bóng râm phủ mát bốn mùa, cho nên rất tiện việc nghỉ ngơi cho các nông dân vào các ngày mùa và các cặp trai gái hẹn hò vào đêm trăng.
Muốn làm một thửa ruộng theo đúng bài bản, trước nhất phải cày xới mặt đất. Xưa, người ta nhờ sức trâu, bây giờ thì cậy sức máy cày. Xong, phải bừa và cho nước vào ruộng. Kế đến gieo mạ, chờ mạ non lớn bằng một gang tay, liền nhổ lên, để cấy xuống ruộng nước. Bỏ phân chuồng hoặc phân hữu cơ. Nếu lúa bị sâu rầy thì xịt thuốc. Chờ đợi ba tháng rưỡi sau là thu hoạch. Mỗi công đoạn đều hao tốn không biết bao nhiêu là công sức mới làm nên hạt thóc. Khi tôi đến thăm ruộng chùa thì gặp công đoạn cuối cùng nghĩa là gặt lúa và đem về chùa.
Tất cả thành viên của nhà chùa kể cả thầy trụ trì đều xuống ruộng để làm việc y như một nông dân chính hiệu. Bác Quẹo thay bộ áo lam, mặc vô áo quần nhà nông và tức khắc nhảy xuống ruộng khô để gặt lúa. Còn tôi, ngồi một mình dưới gốc cổ thụ để… ngắm nghía lai rai. Hình như bác Quẹo rất thành thạo mấy việc này vì bác ở chùa rất lâu năm. Còn tôi, chỉ là khách nhàn du mà bác Quẹo thường trêu tôi là “công tử mọt sách” – vì là kẻ “rong chơi tạm thời và cầu vãng sanh vĩnh viễn”, nên chẳng biết làm việc gì cho phù hợp.
Nhìn quanh bốn phía tám phương, cầu ngói Thanh Toàn phía sau lưng cách khoảng chừng một cây số. Êm đềm với khung cảnh tuyệt đẹp của một miền thôn dã gần gũi như câu hò ru con của mạ, của tiếng hát ngày mùa. Đây đó, khoảng hai chục nhà sư và mấy chục nông dân đang dang mình dưới cái nắng 35 độ C để gặt lúa. Những vị nông dân này đều là bổn đạo của chùa, họ đến để gặt giúp vì lẽ: “Thấy quý thầy làm việc cực nhọc quá, nên tụi tui phải ra tay gặt lúa giúp cho đỡ phần nào.”
Họ cúi khom người, tay cầm lưỡi vằng nhanh nhẹn cắt từng mớ lúa trên tay, và bỏ lại phía sau lưng. Những người khác thì đi nhanh, thu lượm từng mớ lúa và gom lại, đưa đến tập trung tại một chiếc xe công nông để chở về chùa.
Đằng xa, hàng trăm dân làng cùng nhau gặt lúa, những tiếng gọi ơi ới, tiếng máy đập lúa, tiếng xe gầm rú… tạo thành quang cảnh nhộn nhịp, vui mắt. Khi mà công việc “ngắm nhìn” tương đối đã vừa con mắt, tôi trở nên thất nghiệp. Chẳng có công việc gì làm, tôi lấy một cái chén nhỏ, múc nước chè trong vại do chùa nấu để cho mọi người giải khát và… lấy thuốc ra hút, chờ bữa cơm chay.
Ồ, nước chè sản xuất từ làng Truồi hay sao, mà ngon và ngọt quá! Hồi tôi còn bé dại, làm chi mà có những sẳn phẩm văn minh như coca-cola, bia lon, đồ hộp… Đi học trường xa trở về nhà, mạ bưng một bát nước chè nóng, uống vào cảm thấy khỏe khoắn không chi bằng! Mạ nói: Nước chè Truồi đó!
Nay thời đại công nghiệp, nước máy và các món giải khát đều làm bằng hóa chất, cho nên tôi và dân thành phố từ lâu lắm đã quên hẳn Chè Truồi và cái hương vị quê hương của một thời. Thời nào vậy? Thời mà ánh đạo vàng rải khắp xứ sở trầm hương, trẻ con cũng như người lớn mỗi khi gặp nhau đều thì thầm
Thầy trụ trì thấy mặt trời đã đứng bóng, ra hiệu cho các thầy, các chú dừng tay:
– Nghỉ trưa cái đã!
Nhân bữa ăn trưa tại gốc cây, bác Cửu Dọp vui miệng hỏi các chú:
– Năm nay chùa mình làm được bao nhiêu sào ruộng?
Chú Bòng lễ phép nói:
– Thưa bác, năm nay chùa mình chỉ làm được tám sào ruộng mà thôi.
Bác Cửu Dọp kinh ngạc:
– Ủa, chùa đông người lại thêm khách lui tới thường xuyên, làm ít thế sao đủ ăn quanh năm được? Chính mắt tui thấy có ông thầy tu nọ ở một mình một chùa, mà làm tới hai mẫu ruộng luôn. Ghê chưa? Thiệt là quá giỏi!
Chú Bòng cười toe:
– Ồ, hai mẫu ruộng mà nhằm nhò chi? Chính mắt tôi chứng kiến nhiều vị tỳ-kheo đã từng canh tác tới hai mươi lăm mẫu ruộng!
– Thiệt hả? Chú chỉ cho tui coi?
Chú Bòng bỗng nghiêm nét mặt:
– Tại vì bác chưa hiểu đấy thôi! Bất cứ vị tu sỹ nào cũng đều là ruộng phước của tất cả chúng sanh. Chiếc y hậu của vị tỳ-kheo là một tấm vải gồm hai mươi lăm mảnh được tượng trưng cho hai mươi lăm mẫu ruộng, thường được gọi là Vô Thượng Phước Điền Y… Thứ ruộng tâm linh này mới đáng kể chứ? Nơi đó, hạt giống của chúng sanh nếu gieo vào thì không bao giờ hư mất, hoặc bị sâu rầy, dịch bệnh… Và mùa màng bội thu gấp năm, gấp mười!
Ông Cửu Dọp trề môi dài thượt:
– Ố dào! Chú chỉ nói chuyện đâu đâu, còn khó tin hơn là chuyện khoa học viễn tưởng nữa! Tui thấy nhiều ông thầy, bà ni cô, cũng tu hành đàng hoàng nhưng… sợ đói, lo đói trối chết, nên chạy chọt mần ăn quanh năm, kinh doanh đủ thứ. Chứ nào có ai chịu chăm sóc cái thứ Vô Thượng Phước Điền của chú đâu?
Chú Bòng vẫn điềm tĩnh:
– Dạ. Họ chạy chọt mần ăn quanh năm, kinh doanh đủ thứ, bởi vì họ thiếu niềm tin tâm linh: Cho nên họ mới thấy hạt lúa hạt gạo là quan trọng, vì thế họ suốt ngày cứ đau đáu miếng cơm manh áo, hết cả thì giờ tu tập giới định tuệ…
Bác Cửu Dọp vẫn hếch mũi:
– Tui nghe người ta nói: Có thực mới vực được đạo, chú nghĩ sao?
Chú Bòng lắc đầu:
– Vậy bác chưa nghe người Ấn-độ nói: “Nếu có tâm linh thì sẽ có tất cả!” hay sao?
Bác Quẹo bây giờ mới lên tiếng:
–
Tâm linh là gì? Tâm linh là niềm tin vào những giá trị siêu hình. Đó gọi là tôn giáo thực sự. Nếu các bạn chỉ thuần túy tin vào các giá trị vật chất, đồng tiền, những cái cụ thể trước mắt, thì xin thưa: các bạn hãy từ bỏ một cái gọi là tôn giáo đi cho tôi nhờ…
Mọi người bắt đầu thấy câu chuyện càng hào hứng, đua nhau góp ý làm bữa ăn gần tàn nhưng bỗng dưng trở nên sôi nổi hơn lúc nào hết. Thầy trụ trì dùng cơm trưa vừa xong, lấy chiếc nón làm quạt, vừa phe phẩy vừa nói:
– Thật ra, công việc chính yếu của chúng tôi, những tu sĩ Phật giáo, là “Hoằng pháp” và mục tiêu là ích lợi cho tất cả chúng sanh. Cho nên sách vở kinh điển thường gọi tắt là “Hoằng pháp lợi sanh”. Ngoài ra, tất cả các việc khác đều là công việc phụ.
Nhưng, chúng ta phải đi làm ruộng chỉ vì mình có ruộng mà tại sao không làm?
Chùa mà có ruộng? Ruộng ở đâu vậy?
Trong quá khứ, thời phong kiến, các quan lại và các bà chúa, công nương… muốn bòn mót chút công đức, nên mua một số ruộng và hiến cúng cho các nhà chùa. Do vậy đã mấy đời, chùa ta có một số sào ruộng khiến các thầy các chú phải ra sức canh tác các sào ruộng như là nhất tâm công phu trên điện Phật vậy.
Ngày xưa, chư vị tổ sư cứ nhìn thẳng vào cung cách sống của từng người, từ việc ăn uống, trò chuyện, canh tác ruộng trưa, ngủ nghỉ… mà biết người ấy có thực sự tu hành hay không? Trần thân đứng giữa nắng gió, hay mưa dầm rát mặt, để cày thẳng từng luống. Rồi bừa, xới, rồi gieo mạ, trồng lúa: Tất cả phải làm trong tỉnh thức, làm trong Bi Nguyện – chứ không phải là làm cho xong, miễn sao có được hạt lúa thì thôi.
Ngài Bách Trượng nói: Bất tác bất thực. Đối với ngài, khi làm ruộng vẫn giữ tâm thái như là công phu hành trì trước mặt đức Phật vậy. Phải đặt Bi Nguyện trước mắt và trước mặt mình. Làm chi vậy? Bởi vì chúng ta là người xuất gia, lập chí ra khỏi luân hồi sanh tử và dẫn dắt các chúng sanh giải thoát như mình!
Cho nên, nếu chúng ta không làm ruộng vẫn sống như thường – miễn là phải tu hành nghiêm chỉnh, không được chây lười…
Những người thích đi cúng kiếm tiền, phần đông đều là những kẻ biếng tu và ưa nhìn thấy cái quả trước mắt. Chúng ta không cần phải mặt dày để hành nghề đi cúng ăn tiền. Không thể vừa thực hiện các thời kinh mà đức Phật thuyết dạy với mục tiêu giải thoát, vừa chìa tay nhận những phong bì đựng đầy tiền bằng cử chỉ cung kính (đôi khi với tiếng rủa thầm!)
Chú Bòng góp ý:
– Thưa thầy, nay là thời đại mạt pháp cho nên luôn có những hiện tượng tệ hại như vậy, phải thế không?
Thầy trụ trì cười nhẹ:
– Nếu chúng ta không chịu tu hành, thì tất cả các thời đại đều là mạt pháp. Còn nếu chúng ta y theo lời di giáo của Đức Bổn Sư, luôn luôn nghiêm chỉnh hành trì như cứu đầu cháy, thì có thời nào gọi là mạt và thời nào không mạt?
Discussion about this post