Mục đích sau cùng của công phu tu tập theo Phật giáo là chứng ngộ giải
thoát. Đạo Phật không đặt nặng vấn đề về thần thông. Nếu trong tiến trình tu trì
có đôi lúc Phật, Bồ Tát phải thi triển thần thông cũng là vì bất đắc dĩ phải làm.
Tại sao vậy?
Bởi chư Phật không muốn chúng sanh chấp vào thần thông rồi mê luyến không
rứt ra được sự ham muốn thần thông để rồi đi lạc con đường tu, mãi mãi luẩn quẩn
trong vòng sinh tử luân hồi. Có thần thông cũng như có một thứ phương tiện xảo
diệu, nhưng vẫn còn nằm trong các pháp thế gian. Con đường Thế tôn chỉ cho chúng
sanh là con đường giải thoát rốt ráo, ra ngoài tất cả các pháp thế gian. Còn luẩn
quẩn trong cõi ta bà là vẫn còn ở trong ngôi nhà lửa. Khổ vẫn còn nguyên.
Người tu chứng, đạt được thần thông, ví như
kẻ có quyền lực trong tay, dễ sa vào lạm quyền bất chấp pháp luật. Người có thần
thông nếu lạm dụng thần thông có thể xâm phạm luật nhân quả, tạo nghiệp mà phải
nối tiếp dòng sinh tử luân hồi.
Câu chuyện sau đây chứng minh Phật xem thần
thông chỉ là một phương tiện xảo diệu, không phải mục đích của người tu giải
thoát. (Xin chỉ lược thuật ý truyện, không chấp vào câu chữ):
Một lần ở một bến đò, có tu sĩ ngoại đạo hỏi
Đức Phật: “Này ông Cồ Đàm. Ta nghe nói ông tu hành đắc đạo, vậy chớ ông đạt được
thần thông gì? Có thể đi trên nước mà sang sông hay không?”
Phật không trả lời. Tu sĩ ngoại đạo bảo Phật
và chúng đệ tử của ngài hãy nhìn xem ông thi triển thần thông bằng cách bẻ một
cành lá, thả xuống nước rồi đứng trên đó mà sang sông.
Phật và chúng đệ tử dùng đò để qua sông như
mọi người. Đến bờ bên kia, Phật mới hỏi đạo sĩ: “Này, ông đạo sĩ, để đạt được công
năng như vậy, ông phải tu luyện bao lâu?”
Đạo sĩ trả lời: “Tôi đã phải tu luyện ba mươi
năm để đạt được thần thông như vậy.”
Phật bảo: “Này ông đạo sĩ. Ông phải tốn đến
ba mươi năm công phu tu tập chỉ để qua được con sông như thế này, trong khi những
người khác chỉ cần bỏ ra mấy xu để trả tiền đò cũng qua được. Ông thấy thế nào?”
Tuy rằng thần thông không phải mục đích tu
hành của chư Phật, nhưng công đức hành trì tu tập cũng tự nhiên đưa đến kết quả
đạt được thần thông. Như Đức Phật khi chứng ngộ chân lý thành Phật, ngài đạt lục
thông.
Trong kho tàng kinh sách do Phật
và chư thánh tăng thuyết, để lại, chúng ta rất ít khi gặp những trường hợp Phật
thi triển thần thông. Sau này trải qua thời gian đến nay các trước tác của các
bậc thiện tri thức để lại nếu có nói đến thần thông thì cũng chỉ là nói đến một
phương tiện xảo diệu, trợ duyên trong việc hoằng pháp mà thôi. Thần thông không
phải cứu cánh của người tu Phật.
Thế nhưng, đọc trong kinh sách nhà Phật
chúng ta lại thường bắt gặp câu “Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn”.
Đạo
cảm thông là gì?
Là một kẻ sơ cơ học Phật người viết muốn
trình những kiến giải sau đây đến chư vị thiện tri thức để mong được những lời
chỉ giáo. Tuyệt nhiên không có tham vọng “giảng thuyết” điều gì. Bởi người viết
cũng hiểu kẻ học tu chưa chứng mà nghĩ rằng đã chứng. Chưa hiểu rõ đạo mà đã ngông
cuồng muốn thuyết đạo là mắc tội vọng ngôn rất nặng.
Cho nên những trình bày sau đây của người viết chỉ có mục đích giải bày
những suy nghĩ của mình qua quá trình “văn, tư, tu” để mong cầu sự giúp đỡ chỉ
dạy của các bậc thiện tri thức, nhất là các vị thày đã dày công tu học. Được như
vậy thật là may mắn cho tác giả, người đang mò mẫm trên con đường tu học. Biển
học mênh mông, Phật pháp nhiệm màu. Biết hỏi ai? Nếu tự mình nói lên những suy
nghĩ của mình để may ra có người thương xót mà chỉ cho những cái đúng, cái sai thì
đó cũng là sở nguyện của người viết.
Trở lại với đề tài. Xin lược qua những bối
cảnh từ thời Đức Thế tôn còn tại thế. Sau khi đắc quả Phật dưới cội cây bồ đề
Phật đã bốn mươi chín năm ròng rã, di chuyển hàng ngàn cây số, đến rất nhiều địa
phương để giảng pháp, độ sinh.
Thời ấy, cách đây hai lăm thế kỷ,
nước Ấn độ so với ngày nay thế nào?
Ai cũng có thể hình dung ra một đất nước Ấn độ vào thời đó mà không sai
lắm: núi rừng hoang vắng, thú dữ đầy dẫy. Cọp beo rắn độc nơi nào cũng có. Đường
xá làng mạc đâu có phải như bây giờ. Đa phần là rừng hoang, xóm vắng. Làm gì có
đô thị sáng đèn, đường xá phẳng phiu như ngày nay.
Đức Phật và chúng đệ tử di chuyển hết chỗ
này đến nơi khác chỉ với đôi bàn chân trần, không giày dép. Không xe cộ, áo mũ,
trừ một mảnh y đơn sơ đắp trên người và chiếc bát để nhận của bố thí cúng dường.
Cuộc sống của Phật cực kỳ đơn giản và có thể nói hoàn toàn không được bảo vệ tránh
các rủi ro trước bao nhiêu loại thú dữ rắn rết.
Nhưng Đức Phật vẫn thọ đến 80 tuổi với hơn
50 năm sống trong rừng. Trong các kinh sách ghi lại cũng không thấy nói đến có
người nào trong đám đệ tử đầu tiên của Phật bị thú dữ ăn thịt hay rắn độc cắn (thiện
tri thức nào có tài liệu chứng minh qua kinh sách, người viết xin thọ nhận và
biết ơn.)
Điều gì đã khiến các loài thú dữ rắn độc không
xâm phạm đến báo thân các ngài? Liệu có phải các ngài đã dùng thần thông để xua
đuổi các loài thú dữ, hay tạo ra các phương tiện để tự vệ? Kinh sách không thấy
đề cập đến.
Vậy phải chăng có sự “cảm thông không thể
nghĩ bàn” giữa Phật và chúng đệ tử của Ngài với các loài ác thú khiến bản năng
của chúng không thể phát sinh trước sự hiện diện của Ngài và tăng chúng? Do tâm
từ bi của Phật và chúng tăng luôn luôn rải khắp trong không gian, nên tập khí sát
sinh của các loài thú đã bị chìm lắng, ngủ yên khi gần cận các ngài?
Dưới nhãn quan và sự hiểu biết của con người
với kiến thức khoa học ngày nay, các loài thú nói chung, chúng không có tri thức.
Hoạt động của chúng theo bản năng. Đói thì đi kiếm ăn, tìm mồi. Chúng chỉ sát hại
các loài khác khi bản năng thúc dục.
Không phải chỉ thời Đức Phật, ngay cả thời
cận đại, nếu quan tâm tìm hiểu người ta vẫn có thể thấy có những trường hợp nếu
lấy khoa học ra lý giải thì rất khó giải thích. Đó là những trường hợp của các
vị sư lên núi ẩn tu. Ai ở vùng Thất sơn, VN chắc ít nhiều đều nghe chuyện về những
dị nhân lên núi ẩn tu.
Cách đây khoảng 100 năm, Thất Sơn vẫn còn là
một vùng rừng núi thâm u, bí hiểm, ít ai dám lên (cho nên mới có ngọn Núi Cấm).
Nhưng lại vẫn có những dị sĩ ẩn tu. Họ một thân một mình lên núi cất am tranh
tu luyện. Có không ít những câu chuyện truyền khẩu trong dân gian về hành trạng
các ngài. Có những truyện cọp đến trước sân chùa trên núi nằm nghe kinh. Những
con rắn hổ tu hành dài cả chục thước đến chùa nghe kinh. Chúng không hại ai cả.
Dĩ nhiên một khi không thể dùng khoa học để
chứng minh hay giải thích, người ta có thể kết luận đó chỉ là những truyền thuyết
mang tính dị đoan, không thể có thật.
Thế nhưng đâu có phải hễ cứ điều gì khoa học
không chứng minh được đều là không có thật cả đâu. Ở đây không khéo lại rơi vào
một thứ mê tín khác; đó là “mê tín khoa học”. Có biết bao nhiêu điều trước khi
khoa học khám phá ra đều bị cho là hoang đường.
Ngày xưa, thiên lý nhãn, thiên lý nhĩ là thần
thông. Ngày nay, người ở cách xa nhau vạn dặm vẫn có thể nhìn thấy nhau và nói
chuyện với nhau với chiếc iPhone, hay Webcam là chuyện bình thường.
Trong
kinh sách nói đến công năng cứu khổ của Đức Tầm Thanh Cứu Khổ Quan Thế Âm Bồ Tát.
Về khả năng tiếp dẫn của Đức Phật A Di Đà đối với những ai thành tâm trì niệm
danh hiệu ngài đến “nhất tâm bất loạn” về Tây phương cực lạc vào giây phút lâm
chung.
Một khi điều đó xảy ra phải chăng là do sức
“cảm thông không thể nghĩ bàn” giữa Đức Phật và chúng sinh trì niệm?
Đã nói không thể nghĩ bàn thì tất nhiên không
thể đòi hỏi một giải thích bằng khoa học. Nếu khoa học giải thích và giải quyết
được hết mọi sự thì đã không có tôn giáo. Chính tôn giáo mà điều kiện của nó là
Đức Tin sẽ giải quyết một số vấn đề mà khoa học bó tay. Mà sự giải quyết chỉ có
chính người trong cuộc mới có thể cảm nhận biết được.
Sự chứng ngộ là một kinh nghiệm hoàn toàn
cá nhân. Ai chứng người ấy biết, cũng như ai ăn người ấy no. Không thể nói cho
người khác biết ta ăn ngon như thế nào, ta vui như thế nào. Cho nên người ta mới
hay dùng cách nói “Ngon không thể tả, vui không thể tả, buồn không thể tả…”
Nhưng để có được sự “cảm thông” cần có một
số điều kiện như một lòng tin mạnh mẽ, và một sự trì niệm (hay cầu nguyện) không
mệt mỏi. Đến một lúc nào đó (vào lúc nhất tâm bất loạn chẳng hạn), sự cảm thông
xuất hiện và sự nhiệm màu xảy ra.
Đó là trường hợp những người vãng sanh.
Hay gần đây nhất là những trường hợp người vượt biển bị bão tố hay cướp biển. Có
những trường hợp niệm danh hiệu Phật bà nhưng không ứng nghiệm. Nhưng nhiều người
kể lại về những trường hợp họ cầu xin và chứng nghiệm, được cứu thoát rất nhiệm
màu. Đó chính là những trường hợp mà giữa Phật và chúng sinh đã đạt được sự cảm
thông.
Xin được tạm dùng một hình ảnh thế gian để
minh họa điều này cho dễ hiểu. Sự cảm thông (không thể nghĩ bàn) giữa chư Phật,
Bồ Tát với chúng sanh có thể ví như sự liên lạc qua máy điện thoại giữa hai bên.
Trước hết ta phải tin rằng có một ai đó có thể cứu giúp chúng ta khi ta gặp khó
khăn (tin có Phật A Di Đà, có Bồ tát…) Sau đó chúng ta phải thường xuyên mở máy
liên lạc với người đó trên một tần số nào đó nhất định (hàng ngày trì danh, trì
niệm, cầu nguyện). Khi cần, ta gọi mới có thể liên lạc được (có sự cảm thông)
Người cầu nguyện không linh ứng ví như bình
thường không bao giờ mở máy rà tần số liên lạc, đến khi hữu sự lòng bối rối biết
tần số nào mà liên lạc. Hơn nữa máy của ta bị nhiễu (tâm còn nhiều tạp niệm, không
nhất tâm), tín hiệu phát ra không rõ, bên kia có nhận được cũng không hiểu, hoặc
có trả lời, nhưng ta không nhận được.
Sự cảm thông như vậy nó nằm ngoài các pháp
thế gian, nằm ngoài tất cả sự suy luận duy lý. Đó là cái biết trực tiếp (bằng
trực giác). Kẻ nào đạt được kẻ ấy biết. Không thể nói năng giải thích cho người
khác hiểu được. Cho nên nói “không thể nghĩ bàn”.
Xin mở ngoặc để nói thêm về cái biết do
tri giác, lý luận so với cái biết trực tiếp do trực giác để làm rõ thêm vấn đề.
Thí dụ một, trong ca dao tục ngữ, có những
câu như: “Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy/ Cơn đằng Nam vừa làm vừa chơi” cho thấy người
nông dân do kinh nghiệm mà có thể dự đoán trước vài giờ thời tiết trong khu vực
để họ giải quyết công việc nhà nông.
Thí dụ hai, hiện nay các đài truyền hình ở
các nước văn minh với sự trợ giúp của máy móc tinh vi, có thể dự báo thời tiết
trong một vùng chính xác đến 7 ngày (với xác xuất đến 90%).
Thí dụ ba, một tác giả định cư ở Pháp
(xin lỗi không nhớ tên) thuật lại câu chuyện khi ông cuốc đất làm vườn vào một
ngày mùa thu. Có người hàng xóm đi qua hỏi ông rằng khi cuốc có thấy những con
giun đất không. Ông bảo không thấy. Ông Tây hàng xóm bảo, như vậy là năm nay trời
sẽ lạnh lắm đây. Giun nó đào hang xuống sâu để tránh lạnh.
Hai thí dụ trên thuộc pháp thế gian, có thể
nghĩ bàn.
Với thí dụ ba, ta thấy những con giun không
có trí tuệ để lý luận suy diễn, nó cũng không có máy móc để theo giõi bầu khí
quyển, nhưng chúng dự đoán trước và thường rất đúng thời tiết đến ba tháng trước
đó. Vì sao những con giun đó biết được sự diễn biến thời tiết như thế? Khoa học
đến nay không giải thích. Chỉ cho là do bản năng của loài giun đất.
Cái biết của loài giun là một cái biết trực
tiếp, không lý luận. Đó là một sự kỳ diệu lý thú của thiên nhiên, không thể nghĩ
bàn. Cái biết của con giun không thuộc lý trí. Nó biết nhờ trực giác. Vậy phải
chăng cái biết ấy là một phần của Phật tánh? (Phật nói, tất cả chúng sanh đều có
Phật tánh, chỉ vì vô minh làm cho mê mờ.)
Nếu chỉ tuyệt đối tin ở khoa học, người ta
giải thích sao về những loài chim thiên di. Những hiện tượng muông thú biết trước
khi những thiên tai sắp xảy ra?
Tóm lại, dù không chứng minh được (cho đến
giờ này), nhưng chúng ta vẫn thừa nhận, dựa trên đức tin và những chứng nghiệm
trực tiếp về những sự mầu nhiệm được mô tả trong các kinh sách.
Có học giả phát biểu rằng: “Cứ cầu nguyện đi,
rồi anh sẽ có đức tin.” Người tin Phật, nếu tinh tấn tu hành, trì niệm hồng
danh chư Phật, chư Bồ tát, đến một lúc nào đó sự mầu nhiệm sẽ xảy ra. Đó chính
là sự thật của “Đạo cảm thông, không thể nghĩ bàn.”
Và đó cũng là cơ sở và hành trang
chúng ta mang theo để vững bước trên con đường tu học và hành đạo./.
Thành Văn
Sept., 2012
Discussion about this post