QUỐC
LỄ CẦU AN CHÚC THỌ ĐẦU NĂM
TRIỀU ĐẠI
NHÀ LÝ
Thích
Phước Đạt
Kể
từ khi đất nước ta bước sang thời kỳ độc lập tự chủ
hoàn toàn, đến triều đại nhà Lý thì Phật giáo đã tự
khẳng định vai trò của mình không chỉ trên lĩnh vực
chính trị, tư tưởng mà còn tham gia tích cực trong việc phục
hưng mọi giá trị văn hóa của dân tộc.
Ta
thấy, một trong những việc làm có ý nghĩa và giá trị thiết
thực đối với dân chúng là tổ chức các lễ hội cầu an
mang tính quốc gia vào các dịp đầu năm do Phật giáo tổ
chức dưới sự bảo trợ của triều đình.
Một
mặt Nhà nước kết hợp với Phật giáo tổng kết các thành
tựu của quốc gia trên mọi lĩnh vực, tuyên dương công đức
của cá nhân và tập thể đã đóng góp cho nước nhà, cho
dân tộc.
Mặt
khác, Nhà nước cũng muốn phô diễn và thị uy với các sứ
giả lân bang biết về sức mạnh của Đại Việt. Qua đó,
nhà vua cũng tuyên cáo những chủ trương và đường hướng
hoạt động của nước nhà như là lời ước nguyện của
dân tộc trước thời khắc trọng điểm của một năm mới.
Theo
sử sách ghi nhận, trong vòng gần 200 năm trị vì, nhà Lý đã
tổ chức rất nhiều lễ hội kỳ an đầu năm cho toàn thể
dân chúng Đại Việt. Nhưng nổi bật hơn cả, vào thời kỳ
vua Lý Nhân Tông, mà chính sử Đại Việt sử ký toàn thư,
Đại Việt sử lược ghi về lễ kỳ an – hội đèn Quảng
Chiếu.
Cụ
thể Đại Việt sử lược 2 tờ 20b8 và 22a4-5 ghi vào năm Canh
Dần (1110): “Mùa Xuân tháng Giêng, tổ chức hội đèn Quảng
Chiếu ở ngoài cửa Đại Hưng” và vào năm Bính Thân (1116)
lại ghi “Mùa Xuân tháng Giêng tổ chức hội đèn Quảng Chiếu
ở ngoài cửa Đại Hưng, chế tạo nhà sư bằng gỗ cột vào
đánh chuông”.
Còn
Đại Việt sử ký toàn thư 3 tờ 20b5 và tờ 24a9-b1 ghi vào
năm Canh Tý (1120) “Mùa Xuân, tháng Hai, mở hội đèn Quảng
Chiếu” và vào năm Bính Ngọ (1126) “Mùa Xuân tháng Giêng,
mở hội đèn Quảng Chiếu bảy ngày đêm. Tha người có tội
ở phủ Đô Hộ, xuống chiếu cho sứ thần của Chiêm Thành
xem”.
Chính
sử chỉ ghi như vậy thôi, chẳng có thêm thông tin gì cả.
Nhưng may mắn thay, tư liệu đương thời là bài Đại
Việt đương gia đệ tứ Sùng Thiện Diên Linh tháp bi của
Thượng thư Nguyễn Công Bật, (Thơ văn Lý Trần, tập 1, NXB
Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1977) thì lại mô tả khá chi tiết
về lễ kỳ an – hội đèn Quảng Chiếu để chúng ta nhận
định về quy mô tổ chức, tính hoành tráng và ý nghĩa sự
kiện trọng đại này trong đời sống văn hóa dân tộc.
Thực
tế, dưới triều đại vua Lý Nhân Tông, thì cả dân tộc
đang bước vào thời kỳ phục hưng mọi giá trị văn hóa
sau hơn 1.000 năm bị phong kiến Trung Hoa xâm lược. Phật giáo
trở thành quốc giáo, là hệ tư tưởng để thực thi các
nhiệm vụ trọng đại mà nhu cầu lịch sử dân tộc đặt
ra.
Thế
nên Lý Nhân Tông trong vai trò lãnh tụ tối cao của quốc gia,
một Phật tử thuần thành đã đề xuất với Thiền sư Mãn
Giác rằng “Bậc chí nhân thị hiện, tất lo việc cứu nước,
cứu người, không hạnh nào chẳng đủ, không việc gì chẳng
làm, không chỉ có sức định tuệ, mà cũng có công phò tá”.
Và
như thế, mọi người dân Phật tử Đại Việt không ngừng
tu tập giới định tuệ mà còn phải tích cực tham gia đóng
góp cho công cuộc tái thiết nước nhà, xây dựng quê hương.
Vào thời kỳ này, ta thấy việc xây chùa, dựng tượng, đúc
chuông được diễn ra khắp mọi nơi như biểu thị thành quả
của đất nước trên các lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh
tế. Lễ kỳ an chúc thọ hàng năm của triều đình trở thành
lễ kỳ nguyện cả dân tộc “trấn giữ kinh đô của nhà
vua” (trụ tích trấn vương kỳ), là nơi thể hiện khát vọng
của cả dân tộc mà sử sách ghi “cầu phúc thọ”.
Văn
bia Sùng Thiện Diên Linh mà Thượng thư Nguyễn Công Bật ghi
nhận mục đích của việc xây chùa “để mồng một hàng
tháng, để mùa Xuân hàng năm, nhà vua mình ngồi xe ngọc, đến
mở tiệc chay, hương hoa bày lễ cầu an, bồn chậu để tắm
Phật. Trang sức tinh thành cho năm chúng, hoặc hở vai tiến
thoái nhịp nhàng, tạo đội ngũ thiên vương ở bốn phương,
nâng khí cụ bồi hồi nhảy múa, tinh cần chẳng trễ, kính
phụng nào ngơi.
Vì
vậy mà huyền tạo linh thông đều phù hộ. Đó là bệ hạ
dựng chùa để cầu phúc thọ”. Rõ ràng việc kỳ an đầu
năm, đầu tháng mà nhà vua xuống chiếu tổ chức để thành
lệ hàng năm không còn ý nghĩa cho chỉ riêng mình vua và hoàng
tộc mà cả dân tộc, của trăm họ muôn dân đang sống trong
biên cương lãnh thổ Đại Việt bấy giờ.
Và
ta chẳng ngạc nhiên khi các thư tịch văn bia liên hệ đến
việc xây dựng chùa chiền đều xác định rõ quan điểm nhất
quán là, việc tạo dựng chùa chiền, tổ chức lễ hội kỳ
an là nhằm thiết lập, thực thi ý nguyện xây dựng và phát
triển dân tộc Đại Việt trở nên cường thịnh, đạo pháp
được trường tồn.
Cho
nên, trong bài “An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký” do Chu Văn
Thường viết vào khoảng năm 1100, đã không ngần ngại ghi
vào “Nhóm người dựng chùa là để mãi mãi giữ lấy nước
nhà” (mộ tu tượng pháp, vĩnh bảo bang gia).
Trong
ý nghĩa đó, sự chuẩn bị lễ kỳ an – hội đèn Quảng Chiếu
mà chính sử ghi nhận được tổ chức hoành tráng. Nếu không
có sự bảo trợ của nhà nước phong kiến thì giới Phật
giáo cũng không thể thực thi và hoàn thành được. Một đại
lễ kỳ an chúc thọ gắn liền lễ hội đèn Quảng Chiếu
7 ngày đêm, cả hoàng gia và dân chúng Đại Việt được sống
thế giới Phật quốc an lành. Tất cả đã nói lên tinh thần
đoàn kết dân tộc, không phân biệt mọi thành phần, tầng
lớp khác nhau trong xã hội, cùng nhau hướng nguyện xây dựng
cuộc sống thật thanh bình, quốc gia thật vững bền.
Văn
bia Sùng Thiện Diên Linh tả như sau: “Dựng đài cao Quảng
Chiếu, nhắm sân trước cửa Đoan Môn, trong nêu một cột,
ngoài đặt bảy tầng, uốn mình rồng hình cung hiện ra mà
đỡ lấy sen vàng, may lồng nhiễu mà che cho lửa nến, giấu
máy nhỏ dưới đất, xoay tròn như bánh xe, tỏa ánh sáng giữa
trời như mặt trời rực rỡ, lại có thánh báo nghiêm trang
rõ ràng. Đền vàng điện báu nhờ thành ý mà dựng nên, đặt
ngôi tượng Đức Phật cao vót, dáng vẻ văn thiên, hình thô
vẻ lạ.
Lại
có hai tòa lầu hoa trong treo chuông vàng, khắc hình nhà sư,
mình đắp y phước điền, vặn máy ngầm giơ vồ chuông lên
đánh… Lại có tháp thất bảo rực rỡ bày xếp một hàng,
chính giữa đặt một ngọn núi vàng, đặt tượng lành Đa
Bảo Như Lai, bảy chân hình xe pháp mấy tầng, mái hiên lấp
lánh ánh mặt trời buổi sáng, mái ngói lung linh vẻ mây biếc
ban chiều.
Thứ
đến là hai tòa Bạch Ngân. Bên trái đặt chân dung A Di Đà,
bên phải dựng tượng Đức Diệu Sắc Thân, chiều cao mở
ra thế khỏe, vẻ đẹp phô rõ mái cong, long lanh ngỡ tuyết
đang tan, rực rỡ át trăng thu vằng vặc.
Thứ
nữa là hai tòa Điểu Văn. Bên trái đặt từ nhang tướng
của Như Lai Quảng Bác Thân, bên phải thờ diệu tướng của
Như Lai Ly Bố Úy, gác lớn đã hoàn thành, độ cao lại xây
dựng, nóc che ngói quý, vách chạm hình rồng.
Lại
thứ nữa có hai tòa Tượng Xỉ. Bên tả đặt hình Đức Cam
Lồ Vương, bên hữu thờ tượng đẹp Đức Bảo Thắng Phật,
chất quý gọt mài, cột hiên cao dựng, các cạnh khám ngọc
đẹp…
Lại
tả chín tầng trời bằng năm sắc, khắc bốn cột bằng cặp
đối treo, hai bên nghìn đèn nhấp nháy, bốn mặt rực rỡ
vàng son. Dốc lòng vui của thiên hạ, đêm trở thành ngày,
thỏa lòng mắt của thế gian, già đổi nên trẻ. Ấy là công
lao xây dựng thắng duyên của bệ hạ”.
Với
cách mô tả như trên, ta thấy lễ kỳ an – hội đèn Quảng
Chiếu thật hoành tráng, nó được thực thi theo mô hình thiết
kế được rút ra từ trong các kinh điển nhà Phật mang một
giá trị tâm linh, với mục đích nguyện cầu âm siêu dương
thái.
Hay
nói cách khác đó là sự kết nối yêu thương của bao thế
hệ cha ông và con cháu Đại Việt xưa nay mà nhà sư thường
khấn nguyện trong các buổi lễ kỳ an với tâm thành mong muốn
“quốc thái dân an”.
Điểm
nhấn của mô hình lễ hội này là ngôi tháp 7 tầng hùng vĩ
với sự trang hoàng hết sức cầu kỳ bằng châu ngọc, được
thiết kế với các thiết bị đặt ngầm bên dưới để có
thể quay chiếc tháp 7 tầng. Điều đáng nói là bên trong ngôi
tháp tôn trí tượng Đa Bảo Như Lai trên ngọn núi vàng. Hai
bên tòa Bạch Ngân đặt tượng A Di Đà và Đức Diệu Sắc
Thân. Thứ nữa là hai tòa Điểu Văn đặt hai tượng Đức
Như Lai Quảng Bác Thân và Ly Bố Úy. Và cuối cùng là hai tòa
Tượng Xỉ thờ Đức Cam Lồ Vương và Bảo Thắng. Bảy vị
Như Lai này tuy thuộc hệ Mật giáo, nhưng lại được đề
cập tới rất giới hạn như một hệ thống bảy Đức Như
Lai.
Theo
các bản kinh như Du già tập yếu cứu A Nan nghi quỷ, Du già
tập yếu diệm khẩu thí thực nghi kinh và Cứu bạt diệm
khẩu ngạ quỷ Đà la ni thuộc Đại tạng kinh thì 7 vị Như
Lai này có chung một chức năng độ trì được thực thi trong
các nghi thức chẩn tế, bạt độ, cúng ngạ quỷ của Phật
giáo. Và trong một lễ kỳ an – hội đèn Quảng Chiếu vui như
lễ hội dân tộc nhằm “dốc hết hòa vui của thiên hạ,
để đêm trở thành ngày” không thể không có mô hình “thất
bảo Như Lai” vừa mang tính hoành tráng vừa mang giá trị
tâm linh kết nối yêu thương các loài, các thế hệ với quan
điểm đầy chất nhân văn “âm siêu dương thái”.
Rõ
ràng việc thờ tự và đỉnh lễ 7 vị Phật này trong lễ
hội kỳ an trọng đại đầu năm như thế này là có lý do
của nó. Bản kinh Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ đà la ni
kể rằng có một con quỷ đói hiện ra trước mặt A Nan và
báo rằng ba ngày nữa là chết. Trước cái cảnh bi thảm như
thế, A Nan đã hỏi ngạ quỷ ấy làm sao thì khỏi chết. Quỷ
bảo rằng phải bố thí cho nó. A Nan đến thỉnh cầu Phật
và được Ngài chỉ cho nghi thức cúng quỷ đói. Nhờ việc
bố thí đó mà A Nan đã không những thoát chết mà còn trường
thọ.
Đúng
như bản kinh chép “Ban thức ăn cho quỷ đói thì liền có
thể đầy đủ được vô lượng công đức, giống như công
đức cúng dường cho trăm ngàn ức Như Lai không sai khác. Được
thọ mạng lâu dài, tăng thêm sức lực và vẻ đẹp, căn lành
đầy đủ. Hết thảy A tu la, Dạ xoa, La sát, các ác quỷ thần
không dám xâm hại, lại thành tựu được vô lượng công
đức thọ mạng”.
Cho
nên, trong một thời khắc quan trọng của ngày đầu năm, hẳn
nhiên người ta càng mong muốn được Phật Thánh độ trì
cho mình và mọi người được sống lâu trường thọ, sắc
thân thêm tươi đẹp. Xem ra từ một nghi thức cúng cho quỷ
đói, nó đã được đưa vào trong nghi lễ cầu an, cũng như
trong các lễ hội dân tộc, phục vụ cho người còn sống.
Tại đây ta dễ dàng hiểu tại sao một lễ hội đèn Quảng
Chiếu rực sáng suốt đêm như ánh mặt trời chiếu ban ngày,
nhộn nhịp và tưng bừng như thế lại có thêm nghi thức cúng
quỷ đói của Mật giáo. Bởi vì có gì hạnh phúc hơn bằng
khi con người được Phật độ trì sống lâu, mạnh khỏe
và sắc đẹp thêm bội phần.
Cũng
vì lẽ này mà trong tâm thức người Việt Nam kể từ đó,
bất cứ sự kỳ nguyện nào, nghi thức cúng cấp nào phục
vụ cho người sống đều kèm theo nghi cúng cô hồn để nguyện
cầu tăng phước và tăng thọ.
Hơn
nữa, trong xu hướng đất nước phát triển thịnh vượng
thì đời sống văn hóa nước Đại Việt càng có nhiều cơ
hội để thăng hoa từ văn hóa vật chất cho đến văn hóa
tinh thần. Những lễ hội văn hóa dân tộc như lễ cầu an
– hội đèn Quảng Chiếu mang âm hưởng màu sắc chủ đạo
Phật giáo thường được tổ chức trọng thể dưới sự
bảo trợ của chính quyền nhà Lý là một dịp dân chúng nước
Đại Việt tiếp xúc và thông cảm hòa hợp giữa các thành
phần trong xã hội.
Bởi
vì, dù là ai, hoàng tộc hay bần nông khi vào cửa Phật đều
là con nhà Phật cả, nghĩa là con một nước theo nghĩa “đất
vua – chùa làng – phong cảnh Bụt”. Trên hết, là sự biểu
đạt tinh thần đoàn kết toàn dân, sự yêu thương, độ lượng
khoan dung từ triết lý từ bi hỷ xả của đạo Phật được
vận dụng trong chính sách chủ trương của Nhà nước.
Do
đó, cứ vào dịp lễ hội nào, nhất là lễ kỳ an đầu năm
theo thông lệ thì vua đều xuống chiếu phóng thích tha tội
chết hoặc tha cho những tội phạm trong nước như Đại Việt
sử ký toàn thư từng ghi. Nó được thực thi bởi những vị
vua Phật tử đời Lý, lấy nhân từ làm gốc, đến nỗi sau
này sử thần Lê Văn Hưu dưới cái nhìn Nho học mà phê bình
khá gay gắt trong Đại Việt sử ký toàn thư về chính sách
khoan dung độ lượng nhà Lý: “Nhân Tông thường nhân việc
mở hội Phật mà tha cho người có tội, là không phải lẽ,
nhưng mà còn mượn tiếng hội Phật. Còn như vua Thần Tông
thì không có việc gì mà cũng tha bổng. Phàm người có tội
phạm pháp, có kẻ nặng người nhẹ, năm bậc hình phạt,
có trên có dưới, sao lại tha bổng được? Nếu nhất loạt
tha cả thì kẻ tiểu nhân may mà được khỏi tội, đó không
phải là phúc của người quân tử. Cho nên thời xưa nói về
đạo trị nước, tuy nói rằng không thể không xá tội, nhưng
cũng cho rằng xá tội là có hại. Tha lỗi thì được, tha
tội thì không được. Kinh Dịch nói ‘Tha lỗi, giảm tội’.
Kinh Thư nói ‘Lầm lỗi thì tha cho, cố phạm thì trị tội’.
Thế là phải”.
Chưa
dừng ở đó, lễ hội kỳ an -đèn Quảng Chiếu mà sử sách
và văn bia Sùng Thiện Diên Linh ghi nhận là một dịp không
chỉ dân ta vui vẻ mừng năm mới đến mà còn là dịp để
biểu dương sức mạnh cả dân tộc đối với các nước lân
bang. Điều đó chứng tỏ Phật giáo không chỉ tham gia vai
trò cố vấn chính trị mà còn có tham gia phò tá đóng góp
công sức trên các lĩnh vực khác của đời sống dân chúng
Đại Việt.
Ta
thấy chính sử ghi có 4 lần vua Lý Nhân Tông tổ chức lễ
hội, trong đó có một lần xuống chiếu mời sứ thần Chiêm
Thành tham dự. Văn bia Sùng Thiện Diên Linh diễn tả lễ hội
Quảng Chiếu cực kỳ công phu để lại dấu ấn lớn trong
lòng dân Đại Việt. Nó như biểu dương sức mạnh cả dân
tộc đang vươn hình hài lớn dậy để bước sang thời kỳ
hoàng kim, thắp sáng hàng nghìn ngọn đèn như tỏ ý kinh Thăng
Long từ đây chấm dứt đêm dài thời trung cổ. Sự thật
lễ hội kỳ an – đèn Quảng Chiếu đã minh chứng tinh thần
sức sống Đại Việt “Khuynh thiên hạ chi ung hòa, dạ vi
trú thưởng” (dốc lòng hòa vui thiên hạ thì đêm mới trở
thành ngày) như tinh thần văn bia đề cập.
Hay
nói cách khác, dân tộc Đại Việt hằng nguyện tiếng kinh
cầu “Nguyện ngày an lành, đêm an lành. Đêm ngày sáu thời
đều an lành. Tất cả các thời đều an lành. Xin nguyện Từ
bi thường gia hộ” như kinh điển từng chỉ dạy. Đây là
một thái độ sống của người dân Đại Việt luôn yêu chuộng
hòa bình, đoàn kết, tương thân, tương ái. Cho nên trong 50
năm cầm quyền, vua Lý Nhân Tông đã hơn 18 lần làm chùa và
tổ chức lễ hội. Cứ mỗi lần xây xong, nhân dân cùng nhà
nước tự nguyện cùng nhau tổ chức lễ khánh tạ kỳ an,
dân chúng có thêm một trung tâm phục vụ tín ngưỡng, văn
hóa giáo dục đào tạo ra những mẫu người yêu nước thương
dân, giàu lòng phụng đạo hơn bao giờ hết.
Trên
hết, chùa là nơi là thực thi khát vọng bình an nội tâm,
là cơ sở toàn dân trấn giữ đế đô vương triều, bảo
vệ chủ quyền đất nước mà Phạm Sư Mạnh đã ca ngợi
trong văn bia tháp Báo Thiên ở Thăng Long:
“Trấn
áp Đông Tây giữ đế đô,
Ngang
nhiên ngọn tháp vút lên nhô
Non
sông vững chãi tay trời chống
Nay
xửa khôn tiêu đất cắm vồ”
Vì
thế, mỗi người dân ai cũng hưởng được trọn phúc lành
nhiệm mầu từ ánh sáng từ bi và trí tuệ của Phật. Sự
kỳ nguyện đầu xuân hàng năm của người con Phật, nó không
chỉ trở thành lễ hội tín ngưỡng nữa mà là lễ hội văn
hóa dân tộc tình người, trong ý nghĩa phát huy mọi giá trị
truyền thống văn hóa dân tộc, đúng như văn bia Sùng Thiện
Diên Linh ghi: “Hương trầm khói tỏa quanh, Gấm vóc khoe xuân
sắc, Phúc lành khắp chúng sinh, Gông cùm và tục ngục, Phá
bỏ, đời thanh bình”.
Thích
Phước Đạt
(Giác
Ngộ xuân Mậu Tý)
Discussion about this post