THẦN A TU LA
Toàn Không
Một hôm, đức Phật dạy các Tỳ Kheo:
–
Thuở xưa, Chư Thiên đánh nhau với Thần A Tu la. Thích Đề Hòan Nhân (Vua trời Đế
Thích) ra lệnh cho Chư Thiên Đạo Lợi:
“-
Các Ông đánh nhau với Thần A Tu La, làm sao bắt được Vua Thần A Tu La, hãy dùng
5 sợi dây trói lại, đem về giảng đường Thiện Pháp, ta muốn thấy mặt nó.”
Lúc ấy Chư Thiên Đạo lợi vâng lệnh Đế
Thích, mỗi vị Trời đều trang bị sẵn sàng. Tỳ Ma Chất Đa La, Vua Thần A Tu La
cũng ra lệnh cho binh chúng Thần A Tu La nếu bắt được Vua Đế Thích hãy trói
bằng 5 dây, mang về giảng đường Thất Diệp nơi cung điện Thần A Tu La để coi
mặt. Mỗi Thần A Tu La đều chuẩn bị đầy đủ sẵn sàng.
Như vậy, hai bên đều mặc áo giáp, mang đủ
loại vũ khí như: dao gậy, đao kiếm, mâu giáo, cung tên, búa rìu, bánh xe lăn,
lưới dây, v.v… Rồi hai bên đối trận nhau, sẵn sàng khai chiến.
Lúc ấy trước mặt trận, Vua trời Đế Thích
nói:
“-
Các Ngươi cần gì phải trang bị vũ khí và ôm lòng sân hận, ham đánh nhau, nay ta
cùng Ông tranh biện về đạo lý xem ai thắng ai bại.”
Vua Thần Chất Đa La nói:
“-
Giả sử có bỏ vũ khí, có đình chỉ sự tranh đấu, để cùng nhau tranh luận đạo lý,
thì làm sao biết được ai thắng ai bại, ai là người biết được bên nào hơn bên
nào thua”
Vua Đế Thích nói:
“-
Khi bàn luận, trong chúng của ta và trong chúng của Ngươi tất có những vị có
trí tuệ, họ sẽ biết được ai thắng ai bại; Đó là bằng chứng ai sẽ thắng.”
Vua Thần A Tu La nghe rồi đồng ý, liền
nói:
“-
Ta đồng ý, vậy Ngươi hãy nói trước đi”
Vua Đế Thích nói:
“-
Ngươi nguyên trước kia là Trời, vậy Ngươi hãy nói trước”
Bấy giờ Vua Thần A Tu La vì Vua Trời nói
kệ:
“Nay không trị kẻ ngu,
E sau này khó nhịn,
Hãy trừng trị nó ngay,
Cho nó tự sửa lỗi.”
Khi Vua Tỳ Ma Chất Đa La nói kệ xong, tất
cả chúng Thần A Tu La đều vui mừng reo hò, còn chư Thiên im lặng. Vua Thần A Tu
La bảo Vua Đế Thích:
“-
Bây giờ đến phiên Ngươi nói đi.”
Khi đó, Vua Đế Thích vì Vua Thần A Tu La
nói kệ:
“Ta thường nói kẻ trí,
Không tranh với kẻ ngu,
Họ mắng, kẻ trí nhịn,
Kẻ trí thắng kẻ ngu.”
Thích Đề Hoàn Nhân nói kệ xong, Chư Thiên
vui mừng và lớn tiếng khen hay, chúng Thần A Tu La im lặng không phản ứng. Đế
Thích bảo:
“-
Bây giờ đến lượt Ngươi nói tiếp.”
Vua A Tu La lại nói:
“Sở dĩ Vương ta nhịn,
E tổn hạnh kẻ trí,
Nhưng kẻ ngu lẩn thẩn,
Cho là ta sợ hãi.
Kẻ ngu không tự xét,
Có thể chống với ta,
Liều lĩnh dám xúc phạm,
Muốn Ngươi như trâu thua.”
Khi nói xong, chúng Thần A Tu La khen,
chúng Thiên không nói. Vua Thần nói:
“-
Bây giờ đến lượt Ngươi nói tiếp.”
Vua Trời lại nói:
“Kẻ ngu không hiểu biết,
Nói là ta sợ hãi,
Ta quán đệ nhất nghĩa,
Nhẫn nhục là bậc nhất.
Nếu có kẻ tranh luân,
Không đáp là hơn hết,
Thấy ai không tranh biện,
Đừng cho là ngu ngốc.
Nếu ai có sức lớn,
Nhịn được kẻ không sức,
Sức ấy là bậc nhất,
Hơn hết trong sự nhẫn.
Kẻ ngu bảo có sức,
Sức ấy không phải sức,
Có sức nhẫn đúng pháp,
Sức ấy là vô địch.”
Khi Vua Đế Thích nói kệ xong, Chư Thiên
vui mừng hớn hở, lớn tiếng khen hay, chúng Thần A Tu La im lặng lùi bước và nói
với nhau: “Vua Thần chúng ta nói bài kệ có chỗ xúc phạm, sẽ sinh đao kiếm oán
thù, gây tranh đấu lẫn nhau và nuôi lòng oán hận không hay. Còn Vua Đế Thích
nói không có chỗ xúc phạm, không khởi đao kiếm, không sinh tranh đấu, không
nuôi oán hận; Đế Thích nói là thiện, Vua Thần chúng ta nói là không thiện; vì
vậy Chư Thiên thắng, chúng ta bại, nên rút về cung thôi; thế là chúng Thần A Tu
La cùng nhau lui binh, Vua Thần lúc ấy không làm sao được, bèn cùng rút về
cung.
— :: —
Một lần khác, Binh chúng Thần A Tu La tấn
công như vũ bão, chư Thiên thua chạy. Khi đó, Đế Thích ngồi trên xe báu sợ hãi
chạy dài, đến một chỗ nọ Vua nhìn từ xa thấy trên cây Điện Bà La có tổ chim
trong đó có hai con chim con. Vua vội nói kệ:
“Trên cây có đôi chim,
Ngươi hãy cho xe tránh,
Dù giặc có giết ta,
Cũng chớ làm hại chim.”
Rồi Vua bảo Thiên Thần đánh xe chạy qua
hướng khác để tránh làm hại chim. Lúc ấy Thiên Thần liền cho xe rẽ ngang chạy
qua hướng khác. Khi xe rẽ ngang, ba mặt đều có quân chúng Thần A Tu La đuổi
tới, quân chúng Thần thấy xe báu của Vua Trời quay về hướng của họ, nên nói với
nhau: “Nay Thiên Đế ngồi trong xe báu đang chạy về hướng chúng ta, chắc sẽ
chiến đấu lại, chúng ta chắc chống không nổi đâu.” Thế là binh chúng Thần A Tu
La cùng nhau rút lui chạy tán loạn. Do đó Thần A Tu La thua, chư Thiên thắng.
Khi ấy Đế Thích chiến thắng trở về, tạo
lập một Điện đường to lớn tên là Tối Thắng. Điện đường có chiều dài Đông Tây
100 do tuần (100 x 18 cây số = 1,800 cây số), Nam Bắc 60 do tuần (60 x 18 =
1,080 cây số). Điện đường có 100 gian, mỗi gian có 7 đài lộ thiên liên kết
nhau, trên mỗi đài có 7 Ngọc nữ, mỗi Ngọc nữ có 7 kẻ hầu. Vì chiến thắng Thần A
Tu La nên tâm vui vẻ mà lập Điện đường này, bao nhiêu cung điện trong một nghìn
thế giới, không có cái nào so sánh được với điện đường Tối Thắng này.
Đức Phật bảo các Tỳ Kheo:
–
Bấy giờ Đế Thích là ai khác, chớ nghĩ như thế, vì sao? Vì đấy chính là Ta, đối
với chúng sanh phát khởi lòng thương xót, từ bi; này các Tỳ Kheo, các Ông tu
đạo ở trong giáo pháp của Ta, phải khởi lòng từ bi, thương xót tất cả chúng
sinh.
— :: —
Một thời gian sau, Vua Thần A Tu La tự
nghĩ: “Ta có đại uy đức, có thần lực không phải ít, nhưng chư Thiên Đạo Lợi
thường ở trên đầu ta trên hư không một cách tự tại, ta không muốn như vậy.”
Nghĩ rồi Vua Thần Tỳ Ma Chất Đa La sân giận nổi lên, bèn nghĩ đến đánh nhau,
nghĩ đến các Thần chiến đấu (Tướng lãnh A Tu La), nghĩ đến Thần Xá Ma Lê (Lãnh
chúa), nghĩ đén các A Tu La đại Thần, nghĩ đến các tiểu Thần A Tu La (Tiểu
chúa).
Bấy giờ các vị vừa nêu đều nghĩ: “Nay Vua
Thần A Tu La đang nghĩ đến chúng ta, chúng ta nên mau chuẩn bị” Rồi các vị ấy
ra lệnh cho tả hữu quân binh của mình sửa soạn xe báu, mặc áo giáp, mang vũ khí
đủ loại, trước sau vô số vây quanh, đến trước Vua Thần A Tu La đợi lệnh chiến
đấu.
Lúc ấy, Vua Thần liền tự trang bị mặc áo
giáp báu, cầm kiếm báu, ngự trên xe báu, có vô số Tướng Tá, Lãnh Chúa, Đại
Thần, Tiểu Thần, cùng với vạn ức binh Thần A Tu La với đầy đủ vũ khí trong bầu
không khí nghiêm trang, đi ra khỏi cứ địa để đi giao chiến với chư Thiên.
Khi đó, Long Vương (Vua Rồng) Nan Đà, Long
Vương Bạt Nan Đà, dùng thân quấn quanh núi Tu Di 7 vòng làm chấn động cả núi
non, mây mỏng bủa giăng, làm mưa cùng khắp, nước biển dâng, sóng biển vọt lên
khủng khiếp.
Lúc ấy Chư Thiên Đạo Lợi liền nghĩ: “Nay
có mây mỏng bủa giăng, mưa rơi cùng khắp, nước dâng biển trào, hẳn là Thần dữ A
Tu La muốn sinh sự đánh nhau, nên mới có hiện tượng này.”
Trong khi đó, vô số binh chủng thuộc loại
Rồng ở trong biển đều mặc áo giáp, cầm vũ khí như cầm mâu giáo, cung tên, đao
kiếm; tất cả đều chiến đấu chống lại binh Thần A Tu La. Nếu Long chúng thắng,
sẽ đuổi binh chúng Thần về cung của họ, nếu thua Long chúng sẽ chạy rút lui đến
chỗ Quỷ Già Lâu La nói:
“-
Binh chúng Thần A Tu La muốn đánh chư Thiên, chúng tôi chiến đấu chống lại,
nhưng họ đang thắng; các Ông nên chuẩn bị cho mau cùng chúng tôi đánh nhau với
chúng.”
Các Quỷ Già Lâu La nghe nói liền cấp tốc
mặc giáp cầm vũ khí phối hợp với Long chúng cùng đánh chúng Thần A Tu La. Nếu
thắng, Binh Thần chạy rút về cung, nếu thua, Long binh chạy đến chỗ Quỷ Trì Hoa
yêu cầu trợ chiến.
Các Quỷ Trì Hoa liền cấp tốc trang bị và
cùng Long binh chiến đấu đánh binh Thần A Tu La. Nếu thắng, binh Thần phải chạy
về cung của họ, nếu thua Long binh chạy đến chỗ Quỷ Thường Lạc cũng nói như
thế, Quỷ Thường Lạc cũng phối hợp cùng đánh như thế. Nếu thắng binh Thần phải
rút về cung, nếu Long binh thua, không rút về cung Long Vương, nhưng đến chỗ Tứ
Thiên Vương báo việc binh Thần A Tu La tấn công không chống trả lại được.
Bốn Thiên Vương liền ra lệnh cho Quỷ Thần
vô số mặc áo giáp, cầm vũ khí, cùng Long binh đánh nhau với binh Thần A Tu La.
Nếu thắng đuổi chúng về cung, nếu thua Tứ Thiên Vương chạy đến giảng đường
Thiện Pháp báo cáo với Vua trời Đế Thích và chư Thiên Đạo Lợi sự việc binh Thần
A Tu La đang tấn công Long binh sắp tới nơi.
Vua Trời liền ra lệnh cho hầu cận:
“-
Ông hãy thay lời ta đi báo cho các Vua Trời: Diệm Ma, Đâu Suất, Hóa Tự Tại, Tha
Hóa Tự Tại biết và nói: “Vua Thần A Tu La cùng với vô số quân Thần bộ hạ đang
đến đánh; vậy quý Chư Thiên hãy trang bị đầy đủ giúp Vua Đế Thích chiến đấu”.”
Khi Vua trời Diệm Ma nghe nói như thế,
liền mặc áo giáp báu, cầm vũ khí, ngồi xe báu có vô số trăm nghìn Thiên chúng
vây quanh, đến phía Đông núi Tu Di trấn đóng ở đó nghênh binh địch Thần A Tu
La.
Vua trời Đâu Suất cũng liền trang bị y như
thế và kéo đến trấn đóng nghênh binh địch tại phía Nam núi Tu Di, Vua trời Hóa Tự tại
cùng Thiên chúng đến đóng ở phía Tây, và Vua trời Tha Hóa đến đóng ở phía Bắc
núi tu Di để cùng nghênh địch.
Đồng thời Vua Đế Thích nghĩ đến các Đại
Thiên, và Chư Thiên Đạo Lợi, nghĩ đến Quỷ Thần Diệu Tượng và Long Vương Thiện
Trụ.
Lúc ấy các Đại Thiên và Chư Thiên cõi Đạo
Lợi biết ngay: “Vua Đế Thích đang nghĩ đến ta” Vậy ta mau chuẩn bị vũ khí, ngồi
xe báu cùng vô số trăm nghìn Thiên chúng vây quanh trước sau đến trước Đế Thích
chờ lệnh.
Quỷ Thần Diệu Tượng cũng biết ngay, liền
tập trung vô số quỷ Thần trang bị đầy đủ, đến trước Đế Thích, Vua Rồng Thiện
Trụ cũng liền đến trước Đế Thích chờ lệnh.
Bấy giờ Vua trời Đế Thích thân mặc áo
giáp, ngồi trên đầu Vua Rồng Thiện Trụ chỗ bậc nhất, rồi lần lượt các Đại Thần
theo thứ lớp ngồi, có vô số chư Thiên, Quỷ Thần bao quanh trước sau; tất cả ra
khỏi Thiên cung đi giao chiến với binh Thần A Tu La.
Bấy giờ chư Thiên thắng, A Tu La bại bỏ
chạy tán loạn, Chư Thiên bắt được Vua Thần Tỳ Ma Chất Đa La, họ dùng 5 sợi dây
trói lại rồi đem về giảng đường Thiện Pháp.
Lúc đó Vua Thần A Tu La trông thấy cõi
Trời đẹp vui quá, nên sinh tâm vui thích, liền tự nghĩ: “Cõi này đẹp quá, ta có
thể sống ở đây, rồi sau này ta sẽ trở về cung của ta cũng được.” Khi ý nghĩ ấy
phát sinh, sợi dây đang buộc chặt, tự nhiên nới lỏng ra, đồng thời 5 thứ dục
lạc xuất hiện trước mặt; nếu Vua Thần muốn trở về cung, các sợi dây liền tự
nhiên siết chặt lại, và 5 thứ dục lạc đều biến mất hết, Vua Thần càng bị trói
chặt hơn; nhưng sự trói buộc của Ma còn chắc chắn hơn nữa. Chẳng hạn: chấp ngã
chấp nhân bị trói cột, chấp thọ chấp ái bị trói buộc, chấp ngã là có hay là
không đều bị trói buộc cả; các Ông hãy học điều này.
LỜI BÀN:
Trước hết, chúng ta nên tìm hiểu xem Thần
A Tu La là gì? A Tu La: dịch từ tiếng Phạn là Ãsura có nghĩa là Thần, phi Thiên
(Trời mà không phải Trời). Họ sống trong những cung điện ở lưng chừng núi Tu
Di, hoặc sống trong những lâu đài trong hư không, họ giống như các vị Trời,
nhưng hình thể không đẹp đẽ bằng Chư Thiên; có hai loại Thần:
–
Thần loại hiền: Đây là loại Tròi cấp thấp, loại này hạnh phúc hơn Người.
–
Thần loại đau khổ (Thần dữ): Loại này hay chống lại Chư Thiên, thường gây gỗ,
tranh cãi với đồng loại. Loại này kém hạnh phúc giống cõi Người hay không bằng
cõi Người. Loại này tương tự như những người hay vạch lá tìm sâu, sống không
yên, hay thù hằn, tìm cách trả thù bằng ý bằng lời, hoặc bằng hành động. Khi có
việc bé xé ra to, nên luôn có chuyện tranh cãi.
Đọc lược trích bài Kinh trên, chúng ta
thấy không chỉ có loài người mới có chiến đấu, mà cõi Thần cũng thường gây
chiến với cõi Trời; sở dĩ như thế là do cõi Thần cảm thấy thua cõi Trời, Chư
Thiên thường đi qua đi lại bên trên cõi Thần, ở trên đầu họ, nên họ cảm thấy
bực; khi nào họ không chịu được sự gai mắt ấy, chiến đấu lại bùng phát.
Bởi vậy, trong cuộc tranh biện, Vua Trời
đã dùng nhẫn nhục để dạy cho Vua Thần bài học “Nhẫn nhục”, nếu có nhẫn nhục thì
làm sao có đấu tranh; trong gia đình nào nếu mọi người đều nhẫn nhục, gia đình
ấy sẽ êm ấm, gia đình nào mà mọi người đều không nhẫn nhục, gia đình ấy dễ đi
đến tan vỡ. Trong một tổ chức, một đoàn thể, một đảng phái, một xã hội, nếu mọi
người đêu nhẫn nhục, tổ chức ấy, đoàn thể ấy, đảng phái ấy, xã hội ấy, sẽ đoàn
kết hòa thuận yên vui.
Câu
đức Phật nói: “Đối với chúng sanh phát
khởi lòng thương xót, từ bi. Này các Tỳ Kheo, các Ông tu đạo ở trong giáo pháp
của Ta, phải khởi lòng từ bi, thương xót tất cả chúng sinh.”
Câu này ý Phật muốn những người con Phật
khi tu theo giáo pháp của Ngài thì phải có lòng “Từ Bi” đối với tất cả chúng
sinh; nghĩa là không những cho vui cứu khổ đối với đồng loại con người, mà còn
phải có lòng thương xót cứu khổ tất cả các loài vật to nhỏ nữa.
Câu chót của bài Kinh, đức Phật nói: “Nhưng sự trói buộc của Ma còn chắc chắn hơn
nữa. Chẳng hạn chấp ngã chấp nhân bị trói cột, chấp thọ chấp ái bị trói buộc,
chấp ngã là có hay là không đều bị trói buộc cả.”
Tại sao chấp ngã bị trói cột?
Chấp ngã: là chấp cái “ta”, chấp cái
“tôi”, cho rằng thân ta là thật, nếu xúc chạm đến thân ta không thể chấp nhận
được; khi chấp cái ta thì tìm đủ cách để phục vụ cho cái ta, chấp ngã thì chấp
cái của ta là thật, không ai được quyền xâm phạm đến những cái của ta. Chấp ngã
như muốn ta có địa vị danh vọng nên phải tìm cách triệt hạ kẻ khác bằng mọi giá
dù có phải xuyên tạc sự thật, có nói không, không nói có vẫn làm, hoặc luồn cúi
nịnh hót hối lộ người trên, để có được địa vị danh vọng mong muốn. Tất cả những
hành vi ấy đều đưa đến sự trói cột, bởi vậy, đức Phật bảo “chấp ngã bị trói cột” là vậy.
Tại sao chấp nhân bị trói cột?
Chấp nhân là chấp có người, tức là có
người có ta, người khác ta khác, đã có sự phân biệt như thế thì có yêu có ghét,
có phải có trái, yêu thì thân thiện, ghét thì không ưa, nên sẽ có nhiều ràng
buộc khi yêu, và nhiều sự ngăn cách khi ghét, sự ngăn cách cũng là điều ràng
buộc, chỉ là ngược lại thôi; bởi vậy Phật nói “Chấp nhân bị trói cột” là vậy.
Nếu biết thân này (ta) hay thân khác
(nhân) đều do bốn đại đất nước gió lửa hợp lại mà tạm có thân, khi hết nhân hết
duyên, ta và người đều trở về với đất nước gió lửa, trở về với cát bụi, chứ
chẳng phải là thật ta. Như vậy, đời sống không bị kiểm tỏa, không bị ràng buộc,
không có một chút phiền muộn, mà sống một cách tự tại vậy.
Chấp thọ chấp ái bị trói cột là sao?
Thọ là thụ, là cảm giác, cảm giác có cảm
giác vui, cảm giác buồn, cảm giác không vui không buồn; Ái là ái ố, là yêu
ghét; nếu chúng ta chấp vào cảm giác vui hoặc buồn, khi vui thì ưa thích, khi
buồn thì ghét bỏ, chính sự ưa thích và ghét bỏ này đem lại sự ràng buộc chúng
ta, tại sao? Vì khi ưa thì cố tìm cách đạt cho được, khi ghét thì cố làm sao
gạt bỏ nó, và chính sự ưa ghét này đưa chúng ta vào trong sự ràng buộc để đạt
sự ưa ghét. Ví dụ khi ăn một món ăn ngon, ta cảm thấy thích, nên cứ muốn ăn
hoài, tìm cách này hay cách nọ để có ăn, đó là sự ràng buộc; bởi vậy đức Phật
bảo “Chấp thọ chấp ái bị trói cột” là
thế.
Nếu khi năm căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân
tiếp xúc năm trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, chúng ta biết cảnh đẹp xấu,
tiếng hay dở, mùi thơm thối, vị chua cay, thân nóng lạnh. Chúng ta biết nó là
như thế, xong rồi thôi, không khởi yêu ghét, khen chê, vui buồn, thì chúng ta
không bị ràng buộc bởi những thứ ấy, và lúc đó chúng ta được thảnh thơi tự tại
vậy.
Chấp ngã là có hay không đều bị trói
buộc cả là sao?
Chấp ngã là có cái ta như trên đã nói, bị
trói cột.
Chấp ngã là không cũng bị trói buộc là
sao?
Chấp ngã là không, tức cái ta chẳng có gì,
nó là không ngơ chẳng còn gì cả, ví như khi ta ăn một cái bánh, khi ăn xong là
hết bánh chẳng còn gì, đây là thuyết của những người “chấp đoạn”. Người có quan
điểm này cho rằng con người sinh ra là ngẫu nhiên, tự nhiên như thế, có hợp có
sinh, mọi việc ở đời chỉ là may rủi, gặp may có vui, gặp rủi phải buồn; khi già
bệnh phải chết là lẽ tự nhiên. Khi chết là hết chẳng còn gì nữa, sự may rủi
cũng theo cái chết mà không còn gì nữa, thân xác thành cát bụi, hư vô, không
còn một tí gì cả.
Theo quan điểm “chấp đoạn”, con người sống
chỉ nghĩ đến hưởng thụ cho mau, nên đưa đến tình trạng dành giật, không cần
biết tới bình đẳng, đạo đức, tôn ty, đây là quan điểm có tính cách buông xuôi,
không phải quan điểm của những người trí tuệ, mà giống như cách đối xử hạ đẳng
của các loài vật. Bởi vì con người ngoài phần thể xác, còn có phần tinh thần,
nên bảo rằng chết là hết thì không đúng, tại sao? Vì phần tinh thần nó vô hình
vô tướng, mắt người thường không thể thấy được, nên tưởng rằng không có gì cả,
nhưng đối với các bậc Giác ngộ, các vị biết thấy rõ phần tinh thần này.
Do đó đức Phật nói “chấp ngã là có hay không đều bị trói buộc” là vậy.
Toàn Không
Discussion about this post