TÂM TÌNH CÙNG CÁC EM TÔI
TRONG MÙA TRĂNG HIẾU HẠNH.
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
Tháng bảy lại về với những cơn mưa chợt đến chợt đi không buồn báo trước. Trên tầng lá của những hàng cây vẫn một màu xanh um của cỏ cây mùa hạ, nhưng trên đường đi đã lác đác những chiếc lá vàng rụng rơi. Trời mùa thu phương nam không có gió heo may, không có mưa ngâu tháng bảy, không có cái không gian buồn buồn ủ ê làm tê tái lòng người. Nhưng cùng với những cơn mưa, bầu trời không còn trong xanh màu hạ mà bầu trời như chùng xuống với những đám mây màu cánh vạc giăng kín tạo cho không gian một màu ảm đạm, tất cả dường như đều mang nặng một nỗi u hoài. Tháng bảy lại về bắt đầu mùa Vu Lan báo hiếu, mùa trăng hiếu hạnh, mùa của những người con hướng về công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha. Bởi vậy mùa trăng hiếu hạnh không phải chỉ dành riêng cho người phật tử mà cho tất cả mọi người, vì làm người ai cũng có tổ có tông, có cha có mẹ sinh ra ta và nuôi nấng ta nên người. Cho dù là giờ đây cha mẹ còn hay mất, cho dù mùa Vu Lan này các em có còn diễm phúc gắn lên ngực áo mình một đóa hoa hồng đỏ thắm để cảm nhận mình thật là diễn phúc khi còn cha, còn mẹ trên đời hay là ngậm ngùi, bâng khuâng nhìn lên ngực áo mình một cành hoa trắng đơn côi và tang tóc!. Đành rằng với một người con hiếu thảo thì trách nhiệm báo đáp thâm ân sanh thành dưỡng dục là cả suốt cuộc đời chứ không phải đợi đến mùa Vu Lan mới báo hiếu, nhưng mùa Vu Lan báo hiếu như là một lời nhắc nhở cho tất cả mọi người bổn phận làm con đối với cha mẹ để mà thể hiện sự tri ân và báo ân.
Nếu em còn cha, còn mẹ trên đời thì đó là một diễm phúc thật là lớn lao đó em ơi! Chúng ta thường không để ý đến những diễm phúc mà mình đang có, mà mình đang được hưởng cho đến khi mất đi mới cảm nhận được, lúc đó mới thấy hối tiếc. Cha mẹ cũng vậy, khi cha mẹ đang còn thì ta ít khi để ý tới niềm hạnh phúc vô biên đó mặc dù cùng sống chung trong một mái nhà, cùng ăn chung mâm cơm nhưng có khi nào ta nhận ra đây là một tài sản vô giá mà ta đang sở hữu.
Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ khiến cho các em bị cuốn theo dòng xoáy của lối sống ảo. Các phương tiện truyền thông hiện đại khiến cho sự giao tiếp giữa con người không còn biên giới, chỉ cần có cái điện thoại smartphone trên tay là ta có thể kết nối với bất kỳ ai mà ta muốn dù người đó cách xa ta ngàn dặm. Thế nhưng cũng vì phương tiện hiện đại đó mà sự giao tiếp với những người chung quanh ta ngày càng cách xa! Hệ lụy là giới trẻ bây giờ say mê với sống ảo mà đánh mất sự sống thực. Vì vậy kỹ năng giao tiếp của các em với những người chung quanh là rất kém, mà tệ hại nhất là sự kết nối, giao cảm giữa con cái với cha mẹ ngày càng lạnh nhạt, ngày càng cách xa. Các em có thể nói lời dịu ngọt, nói lời yêu thương với một ai đó đang ở rất xa, nhưng các em không có khả năng nói lời thương yêu, nói lời hòa ái với cha mẹ, anh chị em và với những người chung quanh. Có nhiều em đi học về là vào phòng đóng cửa ôm lấy cái điện thoại để tìm kiếm cái gì trên đó, hoặc để chát chít với một người nào đó qua màn hình, qua giọng nói, hoặc là trao đổi tâm tình với ai đó qua zalo, qua facebook… Trong khi đó thì mẹ đang tất bật làm bữa cơm cho cả nhà, trong khi đó thì cha đang miệt mài với công việc mưu sinh cho gia đình. Cho đến khi mâm cơm được mẹ dọn lên kêu con ra ăn, nếu thích thì ra còn nếu không thích thì kêu cha mẹ ăn trước, hoặc thậm chí ra xúc tô cơm vô phòng vừa ăn vừa lướt web, còn nếu ngồi trên bàn thì vừa ăn vừa chúi mũi vào chiếc điện thoại. Không biết em tìm thứ gì, có thứ gì đó quý giá trên chiếc điện thoại không mà em miệt mài như thế? Các em không còn cảm nhận được không khí ấm cúng của bữa cơm gia đình, hạnh phúc quý giá trời ban cho em đang hiện hữu chung quanh em là cha mẹ, là anh chị em, là thân quyến thì em xem như không có mặt, cho nên không biết tận hưởng. Em đâu biết rằng ngày qua ngày tóc cha thêm sợi bạc, do vất vả áo cơm mà những vết hằn năm tháng ngày càng cày sâu trên trán, trên khuôn mặt khắc khổ của cha, em đâu có để ý nhìn sâu vào mắt mẹ để thấy những vết quầng thâm trên mắt mẹ, em đâu có cảm nhận được nét đẹp của mẹ ngày càng tàn phai khi tuổi đời ngày càng chồng chất và vì phải tất bật suốt đời vất vả lo toan cho con cái. Em đâu có biết rằng cha mẹ là một gia tài quý giá mà em đang có được ngày hôm nay đâu phải mãi mãi bên em đâu nhé, theo luật vô thường thì tài sản vô giá đó có thể mất đi bất kỳ lúc nào. Vậy thì sao em không biết trân quý gia tài quý báu đó ngay từ bây giờ, đừng để khi mất đi thì thấy xót xa hối tiếc, thì thấy ân hận vì bao năm tháng mình đang tắm gội trong tình thương bao la không bờ bến của cha mẹ mà mình không ý thức được, để rồi từ đây sẽ vĩnh viễn mất đi bầu trời bao la tình mẹ, tình cha. Em phải nhận thức được rằng thờ ơ với nỗi khổ của cha mẹ cũng là một thứ tội ác đấy em ạ!. Thơ văn nói về nỗi niềm ân hận của những người con vì những lỗi lầm đó thì vô số nhưng có lẽ chúng ta nghe để mà nghe, chứ nghe để thao thức, nghe để giật mình tỉnh thức nhìn lại mình để kịp thời điều chỉnh lối sống, không để đi theo lỗi lầm của người trước thì không có mấy ai. Cho nên nhà thơ Đổ Trung Quân có bài thơ về mẹ thật nhiều cảm xúc chen lẫn nỗi niềm ân hận
Con không đợi một ngày kia
Khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
…………………………………………..
Con không đợi một ngày kia
Có người cài cho con lên áo một bông hông hồng
Mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ!
Và đây mới là một lỗi lầm lớn nhất trong đời không chỉ nhà thơ gặp phải mà có lẽ cũng rất nhiều người trong đó có tôi, trong đó có các em
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?!
Hay là nỗi niềm xót xa của một nhà thơ khác
Ta lớn lên thắp triệu ngọn lửa hồng
Sưởi ấm trái tim bao người tình băng giá
Thì khi ấy mẹ còng lưng quét lá
Khi đốt lên không đủ ấm bàn tay
(Lê Minh Quốc – Giấc ngủ của mẹ)
Em ơi, em phải biết là em đang diễm phúc đang bơi lội trong tình thương bao la của mẹ, của cha chứ không phải đợi khi mùa Vu Lan đến cài lên áo mình một bông hoa trắng mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ và lúc đó mới cảm nhận được mình đã mất cả bầu trời tình thương.
Vào năm 1962 khi mà chưa có công nghệ thông tin, chưa có cuộc sống ảo, lúc đó sự giao tiếp giửa những người thân vẫn còn đậm đà lắm, nhưng mà thực tế trong cuộc sống hằng ngày chúng ta có thể quan tâm để rồi nói lời thương yêu với bao nhiêu người khác, nhưng có lẽ chưa bao giờ nói lời thương yêu với mẹ với cha, cũng như các nhà thơ đã thú nhận đã làm thơ tặng cho đời, cho bao người con gái nhưng chưa một lần làm thơ tặng mẹ, nên thầy Nhất Hạnh khi viết quyển Bông hồng cài áo đã khuyên chúng ta:
“Rồi một chiều nào đó anh về nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu rồi nói với mẹ rằng
-Mẹ ơi, mẹ có biết không
-Biết gì?
-Biết là con yêu mẹ không?”
Một lời nói thương yêu quá đơn giản như thế nhưng mà chúng ta có mấy ai đã nói với mẹ với cha?! Hãy biết trân quý gia tài vô giá mà em đang được hưởng đó là hai đấng sinh thành, để rồi từ đó sống sao cho trọn hiếu đạo làm con như lời thầy Nhất Hạnh đã khuyên: “Con mà không có hiếu là thứ con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương thì hiếu cũng chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi, cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên, như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ “phải” đây không phải là luân lý, là bổn phận mà “phải” đây là lý đương nhiên. Con đương nhiên thương mẹ, cũng như khát đương nhiên sẽ tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. Con cần mẹ, mẹ cần con…”.
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
(Mùa Vu Lan báo hiếu 2019)
Discussion about this post