A. Dẫn Nhập
Trong bài trước, chúng ta đã lược qua các khái niệm cơ bản về Tam Đoạn Luận (TĐL) và đề cập đến Tứ Phân Phản Biện. Tứ phân phản biện được dùng nhiều trong các tác phẩm của Trung Quán, đặc biệt là Trung Quán Luận của Long Thụ và các chú giải của những hiền giả Trung Quán như Phật Hộ, Nguyệt Xứng, Tịch Thiên, Thanh Biện. Tuy vậy, về mặt logic thì Phần phân tích của bài 1 về Tứ Phân Phản Biện là tạm đủ.
Về TĐL, do mức độ quan trọng và sâu xa của nó, được dùng rất nhiều cho mọi trường phái, nên chúng tôi mạn phép mô tả sâu hơn một số đặc điểm để các học sinh, sinh viên, và các nhà nghiên cứu Việt Nam có thêm cái nhìn tường tận, cũng như có dịp so sánh sự khác biệt với TĐL toán học. Đồng thời qua đây, khi sau này có dịp nghiên cứu sâu rộng các tác phẩm liên quan đến Luận Lý Học, Biểu Lý học, chẳng hạn như các trước tác của Nguyệt Xứng, và Liên Hoa Giới, người đọc sẽ có thể nắm bắt các phép luận lý dùng TĐL một cách rõ ràng hơn.
Như bài trước, phần dưới đây cũng quy ước rằng nếu chỉ viết “TĐL” thì cần hiểu dòng văn đang đề cập đến phép Tam Đoạn Luận Phật giáo; khi cần thiết để phân biệt với khái niệm của toán học hay bộ môn khác, chúng sẽ được mô tả cụ thể hơn.
Về Lịch sử và nguồn gốc TĐL, xin xem lại bài đầu. Tuy vậy, để tiện theo dõi, xin tóm tắt vài nội dung quan trọng:
Định nghĩa 1:
Theo Biểu lý học (tib. རྟགས་རིགས།), TĐL được trình bày qua 3 mệnh đề như sau:
A. Chủ đề (tib. ཆོས་ཅན། hay རྩོད་གཞི།): là khuôn khổ đề cập của phép biện chứng.
B. Điều cần chứng minh (tib. སྒྲུབ་བྱའི་ཆོས། hay གསལ་བ།): là mệnh đề mà qua phép biện chứng đúng thì nó được xác lập.
C. Lý lẽ (hay biểu chứng / biểu lý / dấu chứng) (tib. རྟགས): là mệnh đề được dùng để biện minh.
Ví dụ 1: “Nói về âm thanh, âm thanh tồn tại, vì nó vô thường”.
Trong ví dụ này thì “âm thanh” là chủ đề, “âm thanh tồn tại” là điều muốn chứng minh, và “vì nó là vô thường” là lý lẽ.
Để có được một suy luận đúng thì các yêu cầu sau đây cần thỏa mãn:
1. Biểu chứng (tánh chất vô thường) phải là một đặc tính hay yếu tố sẵn có của chủ đề (âm thanh) và đặc tính này phải áp dụng được (tức là phải đúng cho mọi dạng âm thanh không có ngoại lệ) với tất cả đối tượng muốn chứng minh. Ta gọi đây là quan hệ giữa chủ đề và biểu chứng, tức là đặc tánh của chủ thể (tib. ཕྱོགས་ཆོས).
2. Điều cần chúng minh, đến lược nó phải là một thuộc tính luôn luôn hiện hữu của của biểu chứng và không có ngoại lệ (tính duy nhất). Ta gọi đây là quan hệ thuận chứng (hay quan hệ kéo theo) giữa biểu chứng và điều cần chứng minh (tib. རྗེས་ཁྱབ།).
Đến đây xác lập được lối chứng minh tương đương với TĐL toán học.
3. Phép TĐL còn đề cập đến mối quan hệ phản chứng. Tức là, Nghịch đảo logic của mệnh đề cần chứng minh (sự không tồn tại của âm thanh) đồng thời với mệnh đề biếu chứng (Âm thanh vô thường) sẽ lập thành một hệ thống mệnh đề vô nghĩa. Ở đây ta thấy tánh vô thường của âm thanh tương phản đồng thời với sự không tồn tại của nó. Tức là thay vì thuận chứng, ta chỉ cần phản chứng giả sử rằng âm thanh không tồn tại thì cùng lúc với sự kiện âm thanh vô thường sẽ là một điều mâu thuẫn. Do đó, phải kết luận ngược lại là âm thanh tồn tại. Đây được gọi là mối quan hệ phản chứng giữa biểu chứng và điều cần chứng minh (ལྡོག་ཁྱབ།).
Lưu ý: cả hai thuận chứng hay phản chứng đều hòi hỏi đặc tánh của chủ thể phải tồn tại.
Định nghĩa 2:
Một biểu chứng được gọi là biểu chứng đúng nếu nó thành lập được một suy luận đúng, thỏa mãn 3 mối quan hệ nêu trên.
B Phân Loại TĐL
B.1 Phân Loại Đơn giản
Trong bài trước cũng đã đề cập một cách phân loại đơn giản của các phép TĐL dựa trên nội hàm mở rộng hay thu hẹp của biểu chứng:
a) Biểu chứng có nội hàm lớn hơn hay bằng với nội hàm của chủ đề.
Ví dụ 2: Con người, họ là một dạng sinh giới, vì họ là chúng sinh.
b) Biểu chứng chỉ là một đặc tính hay thuộc tính phổ quát của chủ đề.
Ví dụ 3: Con người, họ biết thở, vì họ có lá phổi.
B.2 Phân Loại Chi tiết
Phần dưới đây đề cập đến các phân lớp chi tiết theo cách khác dựa trên đặc điểm của biểu chứng đúng . Các phép TĐL có thể phân thành 3 loại: Biểu Chứng Hậu Quả Đúng, Biểu Chứng Bản Tánh Đúng, và Biểu Chứng Phi Kiến Đúng. Chúng tôi cũng mạnh dạn thay vài ví dụ cổ điển bằng những ví dụ hiện đại cho dễ hiểu trong một số trường hợp.
I. Biểu Chứng Hậu Quả Đúng (tib. འབྲས་བུ་རྟགས་ཡང་དག): Là phép TĐL sử dụng hậu quả của hiện tượng làm biểu chứng để suy ra sự tất yếu của nguyên nhân tức là điều cần chứng minh. Ở đây, cần hiểu thêm rằng các phép TĐL này cũng hàm chứa phương tiện lý luận ngược lại, tức là sử dụng nguyên nhân để chứng minh một hậu quả tất yếu .
Loại TĐL này lại phân làm 5 phép suy luận:
I.1. Biểu Chứng Hậu Quả Đúng chứng minh một nguyên nhân (trực tiếp) thực tế (རྒྱུ་དངོས་སྒྲུབ་ཀྱི་འབྲས་རྟགས་ཡང་དག)
Ví dụ 4: Khói bốc nghi ngút trên núi, tại đó có lửa, vì có khói tại đó
1.2. Biểu Chứng Hậu Quả Đúng chứng minh một nguyên nhân (gián tiếp) trước đó (རྒྱུ་སྔོན་སོང་སྒྲུབ་ཀྱི་འབྲས་རྟགས་ཡང་དག)
Ví dụ 5: Trên bầu trời thấy nhiều khói đen, vậy trước trước đó đã có lửa cháy, vì có khói.
Ví dụ này có một sự khác biệt với ví dụ trên là vì người ta chỉ thấy khói trong không trung không thể nào kết luận về vị trí hay thời điểm của lửa mà chỉ có thể biết được trước đó lửa đã cháy.
1.3. Biểu Chứng Hậu Quả Đúng chứng minh một nguyên nhân đặc thù. (རྒྱུ་ཁྱེད་པར་སྒྲུབ་ཀྱི་འབྲས་རྟགས་ཡང་དག)
Ví dụ 6: Việc trực tiếp nhận biết hình ảnh (sắc), buộc phải có điều kiện nào khác hơn giác quan và trạng thái tâm nhận thức ngay trước khi thấy hình ảnh đó, vì nếu chỉ có giác quan và trạng thái tâm nhận thức này, thì hình ảnh đó không thể sinh khởi và hình ảnh sinh khởi một cách ngẫu nhiên.
Ở đây ví dụ nói lên vai trò của đối tượng được nhìn thấy không thể thiếu, ngoài tâm thức và giác quan ra.
1.4. Biểu Chứng Hậu Quả Đúng chứng minh nguyên nhân tự cô lập (རྒྱུ་རང་ལྡོག་སྒྲུབ་ཀྱི་འབྲས་རྟགས་ཡང་དག)
Ví dụ 7: Sự rơi xuống lặp đi lặp lại của một trái táo khi buông khỏi tay, sự rơi phải có nguyên nhân, vì tánh ngẫu nhiên của phương hướng chuyển động của quả táo.
Ở đây, nói lên nếu không có mặt của trọng trường, thì quả táo sẽ dịch chuyển ngẫu nhiên.
1.5. Biểu Chứng Hậu Quả Đúng chứng minh một thuộc tính nhân quả (རྒྱུ་ཆོས་རྗེས་དཔག་གི་འབྲས་རྟགས་ཡང་དག)
Ví dụ 8: Với chủ đề hiện hữu một mảnh đường mía trong miệng, thì tồn tại một khả năng vị giác trước đó của đường mía đã làm sinh khởi hình dạng sau đó của miếng đường mía, vì có sự tồn tại của vị giác về đường mía.
Ở đây chúng ta thấy có một nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến hình dáng miếng đường trong miệng đó là mùi vị ngọt của nó trước đó (khiến cho cơ thể tiết nước bọt làm tan chảy miếng đường và do đó là hình dáng của miếng đường bị chuyển hóa). Biện dẫn ở đây là trong miệng có cơ quan vị giác khiến cho việc này xảy ra. Cơ quan vị giác này cũng đóng vai trò một nguyên nhân.
II. Biểu Chứng Bản Tánh Đúng (tib. རང་བཞིན་གྱ་རྟགས་ཡང་དག): Là phép TĐL sử dụng các tính chất tự có của hiện tượng làm biểu chứng để suy ra sự tất yếu của điều cần chứng minh. Phép TĐL này phân làm 2 loại:
II.1 Biểu Chứng Bản Tánh Đúng khi chủ thể chứng minh một cách hiển hiện.
Ví dụ 9: Với chủ đề tiếng tù và (thổi bởi vỏ sò), âm thanh này vô thường, vì nó phát sinh bởi sự dụng công.
Ở đây chúng ta thấy nguyên nhân nguồn của âm thanh là sự dụng công có tánh vô thường (thay đổi theo từng thời điểm) dẫn đến hậu quả là âm thanh chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi nguyên nhân chính của nó là hơi thổi vốn vô thường.
II.2 Biểu Chứng Bản Tánh Đúng khi chủ thể chứng minh một cách hàm ý
Ví du 10: Dùng lại ví dụ 2 – Chủ đề con người, họ là một dạng sinh giới, vì họ là chúng sinh.
Ở đây mọi chúng sinh đều phải thuộc một dạng sinh giới nào đó trong các lớp động vật (Tuy vậy, có loại sinh giới là dạng thực vật). Con người vốn là một loại chúng sinh nên có kết luận họ là một dạng sinh giới. Biểu chứng ở đây (chúng sinh) đã hàm ý cho điều cần chứng minh (là một dạng sinh giới).
III. Biểu Chứng Phi Kiến Đúng (tib. མ་དམིགས་པའི་རྟགས་ཡང་དག): Sử dụng các đặc tính logic (như nhân–quả, Bản tánh, hay luận lý) để loại trừ một mệnh đề hay để chứng minh một pháp không hiện hữu. Có nhiều cách phân loại ở đây xin nêu một cách điển hình.
III.1. Biểu Chứng Phi Kiến Đúng, theo Nhân-quả (རྒྱུ་མི་སྣང་བ་མ་དམིགས་པའི་རྟགས་ཡང་དག): Tức là
Một người không thể nhận thức được một đối tượng trước mắt mình, nếu lúc đó, không có mặt các duyên (nguyên nhân) giúp nhận thức ra đối tượng.
Ví dụ 11: Tia hồng ngoại hiện hữu, vì người không có giác quan để cảm thụ chúng, nên không thể nhận diện được chúng. Ở đây nguyên nhân chính là con người thiếu cơ quan thụ cảm nào để nhận diện tia hồng ngoại.
III.2 Biểu Chứng Phi Kiến Đúng theo Luận lý (ཁྱབ་བྱེད་མི་སྣང་བ་མ་དམིགས་པའི་རྟགས་ཡང་དག):
Một người không thể kết luận rằng, có sự hiện hữu của một đối tượng tại đó, nếu tại thời điểm đó, đối tượng này là đối tượng bất khả tri (không thể nhận thức được) đối với người đó.
Ví dụ 12: Không thể kết kết luận có một con vi trùng Corona trên bàn hay không, vì đối với người đó Corona là bất khả tri.
III.3. Biểu Chứng Phi Kiến Đúng theo Bản Tánh (རང་བཞིན་མ་དམིགས་པའི་རྟགས་ཡང་དག):
Ví dụ 13: Trong nhiều thập niên, con người đã không nhận ra cách chữa bịnh SIDA, vì họ không thể nhận biết được vi khuẩn HIV và theo đó là các đặc tánh của nó.
Phần viết về Biểu Chứng Phi Kiến Đúng kết thúc ở điểm này. Tuy nhiên, nếu người đọc có một nền tảng khá vững về logic và tầm nhìn tương tự hóa thì có thể tự tìm ra các phương cách phân chia khác của biểu chứng phi kiến tương tự theo cách phân chia biểu chứng hậu quả đúng và biểu chứng dựa trên các bản tánh đúng.
Khoa Biểu lý học Phật giáo không chỉ dừng lại ở phương pháp luận, nó còn đào sâu vào các quan hệ logic của các đối tượng của nhận thức (như có nhắc một chi tiết trong bài quan hệ nhân quả, quan hệ luận lý, và quan hệ bản tánh) và quan hệ nghịch đảo của các mối quan hệ đó.
C. Tài Liệu Tham Khảo và Tri Ơn:
Ở đây xin ghi ơn sự đóng góp lớn của thầy Lobsang Choegyal Rinpoche và dịch giả Ben Shvart, cùng với thầy Gyaltsen Tsering trong các bài giảng liên quan đến bộ môn này cũng như là các bài giảng về Lượng Thích Luận. Nội dung bài viết không thể hoàn thành nếu không có sự hỗ trợ vô vụ lợi của vị kể trên.
Hầu hết các tài liệu tham khảo đã được liệt kê trong bài 1. Chúng tôi chỉ nêu lại hai tác phẩm chánh văn trong Tạng ngữ được dùng như tham khảo chính cho bài 2 này:
རིགས་ལམ་སློབ་དེབ། དཀོན་ནཆོག་དབང་འདུས། et. al. Sherig Parkhang. 2010
རིགས་ལམ་སྒོ་བརྒྱ་འབྱེད་པའི་འཕྲུལ་གྱི་ལྡེ་མིག་དང་པོ། Deprung Loseling Library Society. 2015
Bài đọc thêm:
Luận Lý Học Phật Giáo (Nguyên tác BUDDHIST LOGIC Của TH. Stcherbatsky – Thích Nhuận Châu dịch)
Luận lý học Phật Giáo Tập 1 và 2 (Nguyên tác BUDDHIST LOGIC Của TH. Stcherbatsky – Tỳ khưu Thiện Minh dịch)
Discussion about this post