SỰ THẬT VỀ TRUYỀN THUYẾT
BỒ-ĐỀ ĐẠT-MA LÀ TỔ SƯ VÕ THIẾU LÂM
Nguyễn Anh Vũ
Hiện nay, hầu hết người ta đều nghĩ rằng võ học Trung Quốc là xuất phát từ chùa Thiếu Lâm, võ thuật Thiếu Lâm là do Bồ-đề Đạt- ma sáng tạo, và Dịch cân kinh là thánh điển của võ học Thiếu Lâm! Nhưng thực ra quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Võ học Trung Quốc đương nhiên không xuất phát từ chùa Thiếu Lâm, võ thuật Thiếu Lâm không phải do Bồ-đề Đạt-ma sáng lập, và Dịch cân kinh cũng không phải là công phu của Phật môn.
Truyền thuyết Bồ-đề Đạt-ma là Tổ sư của võ thuật Thiếu Lâm xuất hiện vốn không xưa lắm, mà xuất phát từ Dịch cân kinh.
Theo khảo chứng lịch sử thì suốt khoảng thời gian từ Thiên Khải năm thứ tư triều đại nhà Minh (năm 1624) đến Đạo Quang năm thứ hai triều đại nhà Thanh (năm 1822), Dịch cân kinh chỉ lưu truyền những bản chép tay. Đến Đạo Quang năm thứ ba mới có bản in rồi sau đó nhiều bản in khác nhau ùn ùn xuất hiện; nội dung của các bản cũng có nhiều chỗ sai biệt, nhưng đại để đều có hai bài tự, một bài đề tên Lý Tĩnh, là danh tướng đầu đời Đường, và một bài đề tên Ngưu Cao, là bộ hạ của danh tướng Nhạc Phi đời Nam Tống.
Bài tự ghi là của Lý Tĩnh viết: Đạt-ma diện bích chín năm ở chùa Thiếu Lâm Tung Sơn thì hóa, để lại một cái rương sắt, trong đó có hai bộ kinh thư, một là Dịch cân kinh, hai là Tẩy tủy kinh. Bộ Tẩy tủy kinh bị Tuệ Khả lấy đi, còn bộ Dịch cân kinh thì được các Tăng trong chùa phát dương quang đại. Nhưng các Tăng trong chùa “mỗi người đều diễn giải theo ý riêng mà luyện tập, biến thành bàng môn, rơi vào kỹ thuật, mất đi ý chỉ đúng đắn của việc tu chân.
Đến nay Tăng nhân Thiếu Lâm chỉ lấy kỹ thuật quyền cước để nổi danh, cũng là học được một phần nhỏ của kinh này”. Đây chính là chỗ y cứ của thuyết cho rằng võ thuật Thiếu Lâm bắt nguồn từ Đạt- ma, và võ thuật Thiếu Lâm của người đời sau đều phát xuất từ Dịch cân kinh; đây cũng là chủ đề gợi hứng cho tiểu thuyết võ hiệp và điện ảnh võ thuật sau này.
Nhưng thực ra bài tự đề Lý Tĩnh viết là ngụy tạo. Đời Thanh, Lăng Đình Kham trong Hiệu Lễ Đường văn tập đã khảo chứng: Đời Đường, ngoại trừ khoảng thời gian từ niên hiệu Thiên Bảo thứ ba đến Kiền Nguyên nguyên niên là đổi chữ“niên” 年 thành chữ“tải” 載 (đều có nghĩa là năm), còn lại đều không viết chữ “tải”. Bài tự này đề: Đường Trinh Quang nhị tải xuân tam nguyệt (Đời Đường, tháng ba mùa xuân, Trinh Quang năm thứ hai), rõ ràng bài tự này là ngụy tạo. Kế đến, câu chuyện Cầu Diên Khách cũng chỉ là tiểu thuyết, không phải là lịch sử thật. Năm 1928, Từ Chấn trong cuốn Dịch cân kinh Tẩy tủy kinh khảo chứng còn đưa ra thêm các chứng cứ chứng tỏ đây là bài tự ngụy tạo:
- Bài tự đề của Lý Tĩnh tự ký “Lý Tĩnh Dược Sư phủ tự” (李靖藥師甫序), căn cứ Cựu Đường thư ‧Lý Tĩnh truyện 舊唐書‧李靖傳, Lý Tĩnh vốn tên là Dược Sư, về sau mới đổi tên tự là Tĩnh, cho nên lúc viết bài tự không thể tự xưng là Lý Tĩnh Dược Sư phủ (phủ 甫 là tiếng tôn xưng người đàn ông).
- Trong bài tự nói kinh này do Tăng nhân Thiên Trúc Bát-lạt-mật-đế dịch. “Từ Hồng Khách gặp Bát-lạt- mật-đế ở hải ngoại, được ông tặng cho bản kinh này; sau đó Từ Hồng Khách lại tặng cho Cầu Diên Khách…” mà sự tích Cầu Diên Khách là do đạo sĩ Đỗ Quang Đình tạo ra vào cuối đời Đường.
- Bài tự viết rõ “Đường Trinh Quang nhị tải xuân tam nguyệt”, lúc này Lý Tĩnh đang nhậm chức Quan nội đạo hành quân đại tổng quản, với thân phận như vậy mà trong bài tự viết là“đây là lúc mình công thành thân thoái” thì không phù hợp.
- Trong bài tự nói Bát-lạt-mật-đế dịch hai bộ kinh văn này vào đời Tùy. Bát-lạt-mật-đế đúng là nhân vật có thực, nhưng ông từng dịch Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm kinh vào thời Võ Tắc Thiên, đời Đường. Nếu vị Tăng nhân này đúng là có dịch hai bộ Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh thì lúc ông dịch bộ Thủ Lăng Nghiêm kinh ít nhất cũng đã hơn 120 tuổi.
- Lời văn trong bài tự này không phải là ngôn ngữ của người đời Đường.
Những chứng cứ trên đều rất rõ ràng, đủ để phân biệt thật giả. Trên thực tế, đối với hai cuốn kinh này, muốn phân biệt thật giả không cần phải phí nhiều công sức để chứng minh như vậy. Bởi vì trong Phật điển, phàm gọi là “kinh”, ngoại trừ một số ít ngoại lệ như Duy-ma-cật kinh, Lục tổ đàn kinh, đại khái đều là lời Phật thuyết pháp. Những loại Phật điển gọi là “kinh”, kinh văn đều có hình thức cố định.
Riêng hai cuốn Dịch cân kinh và Tẩy tủy kinh lại hoàn toàn không phù hợp với thể lệ quen thuộc của kinh điển Phật giáo, cho nên hai cuốn sách này chắc chắn không phải do Đạt-ma truyền lại, cũng không phải do Bát-lạt-mật-đế dịch; bản Thủ Lăng Nghiêm kinh do Bát-lạt-mật-đế dịch hiện vẫn còn, so sánh một chút về lối hành văn thì biết đây là ngụy thư của người đời Minh thác danh cho cổ nhân. Theo nghiên cứu của Đường Hào 唐豪, viết trong Thiếu Lâm Võ Đương khảo 少林武 當考, Dịch cân kinh 易筋經là tác phẩm của Tử Ngưng đạo nhân 紫凝道人, người đời Minh.
Đến đời Thanh, trong dân gian lưu truyền rất nhiều bản Dịch cân kinh khác nhau; trong đó có bản còn gọi là Dịch cân kinh thập nhị thế, gồm các thế như Vi Đà Hiến Chử, Hoành Đảm Hàng Ma Chử, Chưởng Thác Thiên Môn, Trích Tinh Hoán Đẩu, Đảo Duệ Cửu Ngưu Vĩ, Xuất Trảo Lượng, Cửu Quỷ Bạt Mã Đao Thế, Tam Bàn Lạc Địa, Thanh Long Thám Trảo, Ngọa Hổ Phốc Thực, Đả Cung Kích Cổ, Điệu Vĩ Dao Đầu. Thực ra các thế này đều không phải là chiêu thức võ công, mà là các tư thế đạo dẫn.
Xem trọng “khí” là quan điểm của xu hướng võ thuật mới vào khoảng cuối đời Minh. Từ những động tác hình thể, kỹ thuật đòn thế, tốc độ và sức mạnh, các nhà võ thuật chuyển hướng sang chú trọng các kỹ thuật vận hành khí huyết bên trong, đây gọi là “Nội gia quyền”. Các công phu hướng vào bên trong (nội công) trở thành một xu thế quan trọng trong thời kỳ này.
Dịch cân kinh chính là ví dụ minh chứng tốt nhất cho xu thế này. Sách này nói phương pháp luyện công của nó có thể khiến người ta có “cánh tay, cổ tay, bàn tay, ngón tay khác hẳn bình thường; lấy ý vận nó, sẽ cứng như sắt đá; khép các ngón tay có thể đâm xuyên bụng trâu, mép bàn tay có thể chặt đứt cổ trâu”. Hiệu năng này không phải là sức mạnh thông thường, mà là dựa vào “khí”; cho nên không phải là công phu “ngoại tráng” (làm cho bên ngoài mạnh mẽ), mà là công phu “nội tráng”(làm cho bên trong mạnh mẽ). Đây chính là mục đích luyện tập của Dịch cân kinh. •
Tham khảo:
Đạt-ma Dịch cân kinh luận khảo – Cung Bằng Trình;http://blog.sina.com.cn/s/blog_60ca1b670100fi77.html.
Cung Bằng Trình là nhà giáo dục nổi tiếng người Đài Loan, là hiệu trưởng sáng lập các trường Phật Quang đại học và Nam Hoa đại học tại Đài Loan.
Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 192
(Nguồn: Bài do Kim Trần gửi)
Xem thêm:
Đạt Ma Dịch Cân Kinh (Mật Nghiêm)
Discussion about this post