QUÍ HỒ TINH BẤT QUÍ HỒ ĐA
Lệ Thọ
Gần đây, có khá nhiều thông
tin miệng và mạng internet râm rang về chuyện một số Phật tử cải đạo. Vì lý do
đó có một số tu sĩ và Phật tử thảo luận với nhau “làm sao để gìn giữ phật tử”,
như là tìm cách ngăn bờ sông không cho nước xoáy mòn lở sụp đất! Qua tìm hiểu
thì có kế hoạch “NGÀY TÀN CỦA PHẬT GIÁO” Allen Carr được phổ biến trên LankaWeb.com (Planning the demise of Buddhism) đặc biệt là tổ
chức Asia Harvest (Mùa gặt Á châu) có trụ sở tại Mỹ, đang tìm
cách “cải đạo” Phật tử ở các nước Á
châu và Việt Nam.
Chúng
tôi rất trân trọng những ý kiến đóng góp của một số quí tăng ni và chư vị Phật
tử bởi những lời chỉ trích của Allen
Carr qua 4 vấn đề:
– Hoằng pháp: Không thu hút giới trẻ, chùa
chiền thưa thớt xuống cấp, tu sĩ quá ít, Phật sự tẻ nhạt đìu hiu.
– Tác phong tu sĩ: Trên tay phì phèo điếu
thuốc, quá thân mật với nữ Phật tử, phát ngôn linh tinh, xuyên tạc chính trị.
– Hình ảnh ngôi chùa: Nhà chùa là cơ sở kinh
doanh, nơi buôn thần bán thánh mê tín dị đoan.
– Gia đình Phật tử: Quá yếu về số lượng và
chất lượng. Cả miền Bắc không có nỗi một đơn vị.
Qua một số ít lo toan của
giới Phật giáo trên mạng và sự tự đắc của tác giả đã thấy bề nổi một số hiện
tượng “tự nhiên” trong cuộc sống, rồi lấy đó như một cửa thành trì, hể vào được
là phá tan đất nước. Qua ý tưởng đó tôi mượn một câu trong binh pháp của Tôn Tử: “Muốn thắng trận không phải là nhờ có nhiều
quân, mà phải có tinh quân và
tướng giỏi”. Có lẽ tác
giả Allen Carr thích quân ô hợp?
Người Phật tử chúng ta ai mà không nằm
lòng câu: “văn như tư, tư như tu” Tức là khi nghe một vấn đề gì phải suy nghĩ
xem có đúng đạo lý, có phù hợp bản thân, có lợi ích cho số đông hay không? Rồi
sau đó mới làm theo lời khuyên, kể cả lời đức Phật!
Chính vì cách dạy học trò nhận thức cao
siêu như vậy, nên cả thế gian này tôn xưng đức Phật: “Thầy dạy khắp trời người, cha lành chung bốn loài”. Không phải cho
đến bây giờ mới có người bỏ đi mà trong thời ngài còn trụ thế, vẫn có 500 người
đứng dậy bỏ đi. Ngài cho số đó là cành lá hạt lép.
Điều đó cho thấy chủ trương của Phật
giáo là tinh thần tự giác, chứ không dùng bất cứ một thủ thuật nào để lôi kéo
tín đồ, nên bất cứ người Phật tử nào cũng tự hào, triết lý mình đang theo suốt
mấy nghìn năm chưa từng làm tổn thương hay đổ một giọt máu của chúng sinh.
Một nền đạo lý đầy tính nhân sinh như
vậy, tồn tại qua chừng đó thời gian thì quá đủ để trả lời cho mọi câu hỏi, và
ai đó đã lo lắng “Ngày tàn của Phật giáo”
vì những lý do tác giả Allen Carr đã nêu thì suy nghĩ có phần hời hợt với chính
đạo lý mình đang tu học. Bởi chính đức Phật đã từ chối lối tu đỉnh cao của các
đạo sĩ Ấn giáo vì cho rằng không đưa đến giải thoát khổ đau của sinh tử, vì
ngài đản sinh là từ cõi trời Đao Lợi, ngài nhận thấy cho dù thời gian có dài
bao lâu đi nữa thì cũng phải có hồi kết thúc nếu trong mỗi cá thể đó chưa đoạn
tận cội gốc tham sân và si.
Không phải vô cớ mà Albert
Einstein đã
phát biểu: “…đến với Phật giáo là để nắm bắt chứ không phải để chiêm ngưỡng” ý
tưởng đó đã trùng khớp với bài kinh mà đức Phật đã dạy: “…ví như một người muốn được lõi
cây, tìm cầu lõi cây. Trong khi đi tìm lõi cây, trước một cây lớn, đứng thẳng,
có lõi cây, người ấy bỏ qua lõi cây, bỏ qua giác cây, bỏ qua vỏ trong, chặt vỏ
ngoài, lấy chúng mang đi, tưởng đó là lõi cây (Đại kinh thí dụ lõi cây-Trung Bộ
I, H.T Minh Châu)
Một nền tảng triết lý uyên thâm
như vậy làm sao có thể một sớm một chiều mà có thể lãnh hội hết được, huống hồ
những người lâu lâu mới đến Tam bảo thắp vài cây nhang, xin Phật ban cho phúc
lành thì làm sao mà không bị chao đảo trước những thủ thuật lôi kéo số đông
bằng vật chất và những người chạy đến vì cái bao tử? Đứng góc độ của nho học đã
khó chấp nhận những người như vậy qua quan điểm sống: “Bần tiện bất nan di, uy
vũ bất nan khuất”
Cho nên người Phật tử chân chánh
hà tất phải bận lòng trước sự đến đi của thế sự, vì đó là bản chất của phiền
não. Đức Phật đã từng dạy: “Nghèo túng
do thiếu cơm ăn áo mặc chưa phải là khổ, mà người đó thiếu trí tuệ mới là khổ”.
Bởi không phải chỉ khổ có đời này mà còn nhiều kiếp sống ở tương lai.
Lời nhắn nhũ đó đáng để chúng ta
suy gẫm về cách hành xử, qua một bài viết với cái nhìn thiển cận chưa theo nỗi
tư tưởng đạo Nho, và triết lý của Tôn Tử mà đã dao động! Trong khi đối tượng
giải thoát của đạo Phật đâu phải chỉ có giới hạn ở 7 tỷ người trên một hành
tinh nhỏ bé này? Mỗi ngày chúng ta phát nguyện độ khắp pháp giới chúng sinh. Cho
nên bất cứ nơi đâu trong chốn thiền môn cũng nêu khẩu hiểu: “lấy trí tuệ làm sự nghiệp” chứ đâu có
lấy giáo hội hay tín đồ làm sự nghiệp! Không khéo chúng ta bỏ chánh đạo để tạp
tểnh làm chánh trị thì chết dở, bởi cái này Phật hoàng Trần Nhân Tông đã xem
như một đôi dép rách! Đừng cho rằng số đông mới là hay là giỏi. Người xưa từng
chủ trương: “quí hồ tinh, bất quí hồ đa” cho nên hậu đại học bao giờ cũng ít
hơn trung học là điều tất yếu trong hệ thống giáo dục!
Discussion about this post