VỊ PHẬT NỔI LOẠN
Dzogchen Ponlop Rinpoche
Việt dịch: Pema Jyana
Khi nghe thấy từ buddha [Phật], bạn thường nghĩ đến điều
gì? Một bức tượng bằng vàng? Một hoàng tử trẻ trung ngồi dưới gốc cây lớn? Hay
có thể là Keanu Reeves trong phim Vị Tiểu Phật? Các nhà sư mặc y áo, đầu trọc?
Bạn có thể có nhiều liên tưởng hay chẳng có gì. Phần lớn chúng ta không hề có
kết nối thực sự nào với từ này.
Tuy nhiên, từ buddha đơn
giản nghĩa là “tỉnh thức” hay “giác ngộ.” Nó không liên quan đến một nhân vật
lịch sử đặc biệt nào hay đến một triết học hoặc tôn giáo nào. Nó liên quan đến
tâm của chính bạn. Bạn biết rằng bạn có tâm, nhưng nó ra sao? Nó tỉnh thức. Tôi
không ám chỉ đến việc “không ngủ.” Tôi muốn nói tâm bạn thực sự tỉnh thức, vượt
khỏi mọi tưởng tượng của bạn. Tâm rõ ràng, rộng mở, khoáng đạt, và tràn đầy các
phẩm tính xuất sắc: tình yêu thương không điều kiện, từ bi và trí tuệ thấy được
mọi thứ như chúng thực sự là. Nói cách khác, tâm tỉnh thức của bạn luôn là một
tâm tốt đẹp; nó không bao giờ ngu dốt hay vô minh. Nó không bao giờ lo lắng vì
những hoài nghi, sợ hãi và cảm xúc thường dày vò chúng ta. Đó là con người thực
sự của bạn. Đó là bản tính chân thực của tâm bạn và tâm mọi người. Nhưng tâm
bạn không chỉ ngồi yên đó, hoàn hảo, không làm gì. Nó luôn trong một vở kịch,
không ngừng tạo ra thế giới của chúng ta.
Nếu điều đó đúng, vậy tại
sao cuộc đời bạn cũng như toàn bộ thế giới không hoàn hảo? Tại sao bạn không
hạnh phúc suốt đời? Làm sao bạn có thể cười lúc này và thất vọng lúc khác? Và
tại sao những con người “giác ngộ” như vậy lại cãi lộn, đánh nhau, lừa gạt,
trộm cắp và gây chiến? Điều đó là bởi, mặc dù trạng thái giác ngộ là bản tính
chân thực của tâm, phần lớn chúng ta không nhận thấy nó. Tại sao? Có thứ gì đó
đã chặn lối. Có thứ gì đó đang ngăn cản việc chúng ta thấy nó. Chắc chắn đôi
khi chúng ta thấy nó ở đâu đó. Nhưng ngay khi nhận ra nó, một thứ khác lại xuất
hiện trong tâm – “Mấy giờ rồi? Đã đến giờ trưa chưa? Ồ, nhìn con bướm kìa!” –
và sự thấu suốt của chúng ta biến mất.
Có vẻ rất châm biếm,
nhưng thứ ngăn cản việc bạn nhìn thấy bản tính chân thực của tâm – Phật tính –
lại chính là tâm bạn, phần tâm luôn bận rộn, không ngừng chạy theo dòng suy
nghĩ, cảm xúc và quan niệm. Tâm bận rộn này là con người mà bạn nghĩ bạn đang
là. Bạn dễ dàng nhìn thấy nó, giống như khuôn mặt của người đang đứng trước
mặt. Ví dụ, ý nghĩ của bạn ngay lúc này là rõ ràng với bạn hơn so với việc bạn
biết về ý nghĩ đó. Khi bạn nổi giận, bạn chú ý nhiều hơn tới điều mà bạn đang
tức giận thay vì nguồn gốc thực sự của cơn giận, nơi mà cơn giận thực sự bắt
nguồn. Nói cách khác, bạn chú ý tới điều mà tâm bạn đang làm, nhưng không thấy
chính tâm. Bạn đồng nhất bản thân với những nội dung của tâm bận rộn này – ý
nghĩ, cảm xúc hay ý tửng – và kết thúc bằng việc cho rằng tất cả đống hỗn độn
này là “tôi” và “tôi ra sao.”
Khi bạn làm điều đó, nó
giống như bạn đang ngủ và nằm mơ, tin tưởng rằng những hình ảnh trong mơ là
thật. Ví dụ, nếu bạn mơ thấy bạn bị một kẻ lạ mặt truy đuổi, nó sẽ rất đáng sợ
và chân thực. Tuy nhiên, khi bạn tỉnh dậy, cả kẻ lạ mặt và những cảm giác sợ
hãi đều biến mất, và bạn thấy thực sự nhẹ nhõm. Thêm nữa, nếu bạn biết rằng bạn
đang mơ ngày từ đầu, bạn sẽ không cảm thấy chút sợ hãi nào.
Giống như vậy, trong đời
sống thường ngày, chúng ta như những kẻ đang mơ, tin rằng giấc mơ là thật.
Chúng ta nghĩ rằng chúng ta thức, nhưng thực sự thì không. Chúng ta cho rằng tâm
bận rộn với các ý nghĩ và cảm xúc này là con người thực sự của chúng ta. Nhưng
khi chúng ta thực sự tỉnh dậy, mọi hiểu lầm về việc chúng ta là ai – và khổ đau
mà vô minh gây ra – biến mất.
KẺ NỔI LOẠN BÊN TRONG
Nếu có thể, có lẽ tất cả
chúng ta sẽ chìm vào giấc mơ này, thứ được chấp nhận là cuộc đời khi thức,
nhưng thứ gì đó đã kéo chúng ta ra khỏi giấc ngủ này. Dù bối rối hay lẫn lộn
thế nào, cái tôi uể oải của chúng ta vẫn nối liền với sự tỉnh thức trọn vẹn. Sự
tỉnh thức đó rất sắc bén. Trí thông minh và nhận thức rõ ràng của chúng ta có
khả năng vượt qua thứ ngăn cản chúng ta thấy cái tôi chân chính – bản tính chân
thực của tâm. Một mặt, chúng ta quen với giấc ngủ và hài lòng với giấc mơ; mặt
khác, cái tôi tỉnh thức không ngừng đánh thức chúng ta và thắp lên những ngọn
đèn chói sáng. Cái tôi tỉnh thức này, tâm tỉnh thức chân thực, muốn thoát khỏi
những trói buộc của giấc ngủ, vượt qua sự thực hư huyễn. Khi chúng ta bị khóa
chặt trong giấc mơ, nó nhìn thấy tiềm năng giải thoát. Bởi vậy, nó khích lệ, khuấy
động, thúc giục cho đến khi chúng ta muốn hành động. Bạn có thể nói rằng chúng
ta đang sống với một kẻ nổi loạn bên trong.
Khi chúng ta nghĩ về
những kẻ nổi loạn chính trị hay xã hội – trong lịch sử hay đương thời, nổi
tiếng hay bị lãng quên – những người đấu tranh và đang đấu tranh vì nguồn gốc
của giải phóng và công bằng, chúng ta nghĩ về họ như những anh hùng: từ những
vị sáng lập Cách mạng Mỹ đến Harriet Tubmanl Mohandas Gandhi; Martin Luther
King; Aung San Suu Kyi; và Nelson Mandela. Ngày nay, chúng ta kinh ngạc trước
lòng can đảm, từ bi và thành quả đáng khâm phục của họ. Tuy nhiên, những người
có lý tưởng như vậy và các nhà cải cách luôn được xem là kẻ gây rối bởi những
người mà họ thách đấu. Ý tưởng và dự định của họ, hay thậm chí bạn bè của họ thường
không được chào đón. Dường như, những kẻ nổi loạn là một điều may mắn hỗn hợp –
rất tốt cho ngành điện ảnh, nhưng trong đời sống thực, họ khiến người ta lo
lắng. Sẽ là rất khó để có thể gạt họ sang một bên. Họ không chấp nhận những sự
thật không trọn vẹn hay những cậu trả lời không chắc chắn. Họ từ chối làm theo
các quy tắc kiểm soát hay bó buộc họ và người dân trong xã hội của họ. Con
đường đến chiến thắng của họ trải qua nhiều sợ hãi ghê gớm. Nhưng tính cách nổi
loạn của họ không dễ bị khuất phục. Cam kết với một nguyên nhân – một viễn cảnh
vĩ đại hơn về điều có thể là – là nhân tố quyết định của một kẻ nổi loạn.
Trong hành trình tâm
linh, kẻ nổi loạn này là âm thanh từ tâm giác ngộ của chính bạn. Chính trí
thông minh sắc sảo, rõ ràng là thứ ngăn cản trạng thái vô minh và khổ đau của
bạn. Vậy, vị Phật nổi loạn này ra sao? Một kẻ gây rắc rối với vài phần anh
hùng. Vị Phật nổi loạn là kẻ phản bội khiến bạn bật công tắc cảnh giác từ trạng
thái ngủ sang thức. Điều này nghĩa là bạn có sức mạnh đánh thức cái tôi đang
mơ, kẻ đang mạo danh bạn. Bạn có phương pháp để cởi dây trói khổ đau và mở khóa
vô minh. Bạn là quán quân của tự do. Một cách tuyệt đối, nhiệm vụ của vị Phật
nổi loạn là thúc giục cuộc cách mạng trong tâm.
NHỮNG VỊ PHẬT BÌNH THƯỜNG
Cuốn sách này nói về hành
trình đến tự do, được miêu tả bởi vị Phật lịch sử, Ngài Thích Ca Mâu Ni, cách
đây hơn hai mươi sáu thế kỷ. Có nhiều câu chuyện đẹp đẽ và ý nghĩa về sự đản
sinh, cuộc đời và cách thức Ngài đạt tới giác ngộ. Một số coi Phật là một người
đàn ông bình thường, đã sống một cuộc đời phi thường. Số khác lại xem Ngài là
Siêu nhân về tâm linh, một bậc thánh, với hành động cho thấy cách thức mà những
người bình phàm có thể đạt đến tự do tối thượng mà Ngài đã tìm thấy.
Thực sự, các yếu tố cơ
bản trong thời trẻ của Đức Phật không khác biệt lắm với chúng ta, ngoại trừ sự
thật là Ngài đến từ gia đình hoàng gia giàu có trong khi phần lớn chúng ta thì
không. Tuy nhiên, về cơ bản, điều mà chúng ta có thể thấy khi nhìn vào thời trẻ
của Đức Phật Thích Ca – khi Ngài đơn giản được biết tới là Tất Đạt Đa
[Siddhartha] – là sự đấu tranh vì độc lập và tự do của một thanh niên trẻ chống
lại quyền hành của cha mẹ và cộng đồng. Ở một cấp độ nào đó, nó là câu chuyện
cổ tích điển hình về một cậu bé con nhà giàu, chạy trốn khỏi gia đình:
Thái tử Tất Đạt Đa, vị
Phật tương lai, sinh ra là con trai duy nhất của nhà vua và hoàng hậu bộ tộc
Shakya, một vương quốc ở miền bắc Ấn Độ. Cậu sống một cuộc đời xa hoa, được bảo
vệ và kiểm soát chặt chẽ bởi cha mẹ, những người mong đợi một ngày kia, hoàng
tử trẻ sẽ kế vị ngai vàng. Cậu tận hưởng những đặc quyền lớn lao và niềm vui vẻ
mà bạn có thể tưởng tượng ra – cung điện tuyệt vời, quần áo đẹp đẽ, người hầu
và các bữa tiệc linh đình với những người nổi tiếng. Nhưng cuối cùng, Tất Đạt
Đa không hài lòng với cuộc đời chỉ có tài sản vật chất, địa vị xã hội và quyền
lực chính trị như vậy. Cậu mong mỏi tìm thấy ý nghĩa và mục đích của cuộc sống
khi đối mặt với những điều đang chờ đợi tất cả chúng ta: bệnh tật, tuổi già và
cái chết. Cậu vật lộn với việc hoàn thành những mong ước của cha mẹ, nhưng cuối
cùng, đã quyết định phải sống theo cách riêng. Vào một đêm nọ, cậu rời bỏ cung
điện, để lại đằng sau những lạc thú và sự bảo vệ để đến một nơi xa lạ, một đích
đến mà cậu vẫn chưa tìm ra.
Nếu từ câu chuyện cổ này
trở về với thành phố New York hôm nay, chúng ta sẽ có một câu chuyện của nước
Mỹ hiện đại:
Một cặp vợ chồng giàu có
và quyền lực đang mong chờ đứa bé đầu tiên. Hiểu được những hiểm nguy và khó
khăn trong thế giới hiện đại, họ thề sẽ sử dụng tài sản và những mối quan hệ để
giúp cuộc đời cậu bé an bình và dễ dàng nhất có thể. Thậm chí trước khi cậu
chào đời, cậu đã được đăng ký vào vườn trẻ hạng nhất. Cậu được đặt một cái tên
mỹ miều, phản ánh sự vĩ đại của dòng họ, nhưng bạn bè đều gọi cậu là Sid. Cậu
lớn lên trong giới thượng lưu New York, tận hưởng mọi tiện nghi. Cha mẹ lên kế
hoạch trước những đích đến cho cậu và thậm chí, họ tưởng tượng việc cậu kết hôn
với con gái thượng nghĩ sĩ vùng …
Chúng ta sẽ chẳng ngạc
nhiên khi biết rằng, cuối cùng Sid quyết định tham gia vào một ban nhạc rock,
xách ba lô tới Alaska, hay chỉ ngón tay cái của cậu ra đường để xem cuộc đời sẽ
đưa cậu đến đâu. Điều tương tự cũng đúng với bất cứ người trẻ hay một trái tim
đầy nhiệt huyết nào. Bất cứ trong hoàn cảnh nào, bình thường hay khác lạ, chúng
ta đều muốn tìm ra con đường riêng. Chúng ta muốn tìm thấy ý nghĩa tối thượng
của cuộc đời.
Từ lịch sử, chúng ta biết
rằng Hoàng tử Tất Đạt Đa đã thành công trong hành trình tìm kiếm, nhưng chúng
ta không thực sự biết về người bạn hiện đại, cậu Sid. Chúng ta đều mong những
điều tốt nhất đến với cậu. Vấn đề ở đây là, vào lúc ra đi, không ai trong số họ
biết gì về tương lai. Cả hai đều rất mạo hiểm, từ bỏ sự an toàn và thế giới
quen thuộc để dấn thân vào một miền xa lạ. Nhưng việc Sid dám mạo hiểm như vậy
cũng rất tự nhiên như việc Tất Đạt Đa rời bỏ hàng rào cung điện. Sự thôi thúc
hướng về tự do là một phần quan trọng trong bản chất của chúng ta; nó không
phải là một khía cạnh riêng biệt của những con người đặc biệt hay những vị mang
y áo từ cách đây rất lâu hay ở vùng đất xa xôi. Rõ ràng, “yêu-tự do” là một cụm
từ phổ biến để miêu tả tính cách Mỹ – hay chí ít, đó là điều mà chúng ta thường
nghe trên đài báo – nhưng hãy đi dạo trên những con phố của bất kỳ thành phố
hiện đại nào, và bạn sẽ tìm thấy một tinh thần tương tự, đặc biệt là với giới
trẻ.
Giới trẻ Mỹ cũng nhiệt
thành đóng góp vào tính cách yêu-tự do này. Ngoài những người dân bản địa của
Bắc Mỹ, phần lớn người dân ở đây là người mới đến từ châu Âu, Á hay Phi. Rất
nhiều người trong số chúng ta đã mất đi gốc rễ đạo đức, và một số có lẽ đã quên
mất hoàn toàn (và đơn giản tin rằng “Tôi là một người Mỹ”), xét ở một khía cạnh
nào đó, điều tốt đẹp và độc đáo nhát về nước Mỹ chính là tổ tiên toàn cầu, tinh
thần tiên phong và tính cách độc lập mà cả thế giới đã đóng góp.
Nước Mỹ hỗn tạp này đã
trở thành nhà của những kẻ tiên phong, nhà phát minh, kẻ suy nghĩ tự do và
những người đầy mơ mộng, cũng như những kẻ giáo điều và đạo đức. Những họa sĩ
và nhạc sĩ hiện đại đi khắp các lối ngầm cùng với chủ nhà băng và công nhân.
Mọi người đều được chào đón. Các cuộc hội họp gia đình ở Mỹ chứa đầy những tia
lửa – từ những tia lửa trong nhà bạn đến những thứ diễn ra trên sân khấu quốc
gia và được ghi lại bởi CNN và Entertainment Weekly. Nhưng khi những tia lửa từ
sự cọ xát các thứ đối lập bùng cháy trong bầu không khí cởi mở, nó tạo ra một
sự khác biệt. Sau đó, thay vì những cọ xát bình thường, chúng ta nhảy múa, điều
tạo ra một năng lượng sáng tạo lớn lao. Bằng cách thách thức các giới hạn, đánh
mạnh vào vỏ bọc của những quan niệm cũ, điều trước kia là không thể tưởng
tượng, lại trở thành chuẩn mực mới. Ví dụ, không lâu trước đây, không ai nghĩ
tới việc gõ nhẹ vào công tắc và đèn được bật, chứ đừng nói gì việc xem những
hình ảnh xa xôi trên ti-vi hay lướt web. Thậm chí vào những năm 1960, chúng ta
rất ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông bước đi trên mặt trăng từ phòng khách
của chúng ta, điều bất ngờ dường như khá nhỏ bé.
ĐẾN ĐÍCH
Giống như những nhà khoa
học đang không ngừng nỗ lực để mở ra các bí mật của thế giới bên ngoài, nhằm
khám phá bản chất của sự thực, Tất Đạt Đa nghĩ đến việc mở ra những bí mật của
thế giới bên trong của tâm. Khi rời bỏ cung điện, cậu để lại đằng sau người vợ
trẻ, con trai và cuộc sống xa hoa. Cậu quyết tâm chế ngự sự ngu dốt và tìm ra
chân lý. Cậu đến khu rừng mà chẳng có mái che trên đầu, không thức ăn và không
ai bảo vệ.
Lúc đó, xã hội Ấn Độ đang
trong một thời điểm thú vị. Cấu trúc xã hội rất phức tạp. Hệ thống đẳng cấp
quyết định vị trí của bạn trong xã hội, trách nhiệm của bạn trong đời, nghề
nghiệp và vị trí tâm linh. Tất cả đều này được thiết lập bởi hoàn cảnh ra đời.
Mặt khác, nó cũng là thời đại rất thú vị. Học giả và các triết gia không ngừng
tham gia vào những cuộc tranh luận lớn, điều đã tạo ra rất nhiều truyền thống
tâm linh đầy ganh đua. Những nhóm thanh niên bắt đầu treo mình trong rừng, gia
nhập nhóm này hay nhóm khác, thứ tồn tại bên ngoài xã hội. Tất Đạt Đa cũng đến
và tu học với hai trong số những vị thánh nổi tiếng nhất trong rừng. Cậu nhanh
chóng vượt trội sự hiểu của thầy và sau đó gia nhập một nhóm năm hành giả khổ
tu. Quyết tâm đạt tới mục tiêu hơn bao giờ hết, cậu từ bỏ mọi lạc thú. Cậu trải
qua những thực hành đau đớn của pháp tu khổ hạnh, bao gồm nhịn đói, với ý định
sẽ vượt khỏi thân vật lý và làm cạn kiệt tham luyến của tâm. Sau sáu năm thực
hành như vậy, Tất Đạt Đa gần chết. Lúc đó, cậu rời bỏ niềm tin rằng con đường
bần cùng như vậy sẽ dẫn cậu đến tự do. Cậu quỵ ngã bên bờ một dòng sông.
Tất Đạt Đa đã rất gần mục
tiêu, nhưng cậu không biết điều này. Một cô gái trẻ mang theo bát sữa gạo đi
ngang qua đã cúng dường cậu món ăn này. Cậu chấp nhận, phá vỡ việc nhịn ăn sáu
năm. Thấy vậy, năm anh em đồng tu khổ hạnh nghĩ rằng Tất Đạt Đa đã từ bỏ giới
luật. Vô cùng giận dữ, họ thề sẽ không nói chuyện với cậu và bỏ đi. Tất Đạt Đa
quán chiếu về hoàn cảnh trong khi dần hồi phục sức khỏe. Cậu nhận ra rằng cuộc
đời với việc chìm đắm trong cung điện cũng như lối sống khổ hạnh trong rừng đều
không phải là con đường chân chính dẫn tới tự do. Chúng đều là con đường cực đoan,
và bám chấp với thái cực như vậy là một chướng ngại. Con đường thực sự nằm ở
giữa. Nhận ra điều này, cậu sẵn sàng cho nỗ lực cuối cùng. Cậu ngồi trên nệm cỏ
bên dưới tán lá của một cái cây và thề rằng sẽ ngồi đó cho tới khi nhận ra chân
lý về tâm và thế giới.
Tất Đạt Đa thiền định
trong bốn mươi chín ngày, và ba mươi lăm tuổi, cậu đạt được tự do đang tìm
kiếm. Tâm cậu trở nên rộng lớn và cởi mở. Cậu nhận thấy sự thật về khổ đau của
mọi chúng sinh và nguồn gốc của khổ đau đó. Cậu thấy tự do là điều mà mọi chúng
sinh có thể đạt tới, và cậu cũng biết cách thức để họ đạt được. Cậu trở thành
Đức Phật, Bậc Giác ngộ, và giảng dạy cho bất cứ ai đến gặp trong bốn mươi lăm
năm tiếp theo. Nhiều người nương theo chỉ dẫn của Phật. Họ đạt được tự do
riêng, và dòng truyền thừa giác ngộ bắt đầu.
Nhưng đó là quá khứ, và
bây giờ là hiện tại. Cậu Sid ra sao? Những giấc mơ của cậu thế nào? Nếu cậu
biết nơi cậu muốn đến, điều cậu cần là bản đồ và ai đó từng ở đó để có thể nói
chuyện. Rất nhiều con đường trông giống nhau và thật dễ dàng để lạc đường. Vài
con đường thay đổi hướng; số khác thì mất hút. Sid có thể hướng về Alaska và
kết thúc ở một câu lạc bộ blue ở Chicago hoặc ở vùng ngoại ô với một vợ và ba
đứa con. Cậu có thể trở thành một tiểu thuyết gia, một nhà khoa học hay tổng
thống Hoa Kỳ. Hoặc cậu có thể bắt đầu một biến chuyển mới, một cuộc cách mạng
về tâm, và truyền cảm hứng cho thế hệ mới. Có vô số khả năng cho mỗi người
trong số chúng ta.
Trích: Vị Phật nổi loạn,
Dzogchen Ponlop Rinpoche.
Việt
dịch: Pema Jyana.
Discussion about this post