SỰ THÀNH CÔNG CỦA MỘT NGƯỜI THẤT BẠI
TN Huệ Trân
Hơn một thế kỷ trước, một người quốc tịch Anh đã thất bại trong việc nghiên cứu về Giáo Lý Đạo Phật.
Đó là giáo sư Rhys Davids, con của một mục sư Cơ Đốc Giáo. Ông đã bỏ ra nhiều năm học tiếng Pali, kiên nhẫn tìm tòi, nghiên cứu các kinh điển Phật Giáo chỉ để mong đạt mục đích là chứng minh giáo lý Đạo Phật thua xa giáo lý Cơ Đốc.
Nhưng Rhys Davids đã thất bại với công việc này!
Sau nhiều năm miệt mài tìm hiểu Đạo Phật, ông đã trở thành một Phật tử thuần thành, hết lòng ca ngợi Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo là những gì ông áp dụng cho chính bản thân và đạt được suối nguồn an lạc đích thực, sâu sa, trong suốt quãng đời còn lại, cho tới ngày bình an lìa bỏ cõi nhân gian …
Là Phật tử, không mấy ai không nhớ Tứ Diệu Đế là những gì, vì đó là Bốn Sự Thật mà Đức Phật đã thấy rất rõ ràng, rất mầu nhiệm nhưng dường như không một giáo lý ngoại đạo nào từng chỉ dạy minh bạch cho tín đồ của mình để cùng thoát khổ.
Bốn Sự Thật đó là:
Khổ Đế: Sự có mặt của khổ đau
Tập Đế: Sự có mặt của những nguyên nhân gây ra khổ đau
Diệt Đế: Sự chấm dứt khổ đau
Đạo Đế: Con đường dẫn tới sự chấm dứt khổ đau.
Hiểu nghĩa đơn giản theo từ ngữ chỉ là thế, nhưng hành giả thực tâm cầu học phải nhẫn nại, siêng năng, từng bước tiến sâu vào từng lãnh vực, từng lời dạy, để nhận diện những gì là Tam khổ, Bát khổ trong Khổ Đế mà thấy ra nguyên nhân nơi Tập Đế là những sự tích tập, chứa nhóm từ tham, sận, si, mạn, nghi, ác, kiến …
Thấy được nguyên nhân gây ra khổ đau thì Tập Đế chính là Nhân và Khổ Đế là Qủa.
Thấy Nhân và Quả rồi, hành giả nào mà không muốn bước vào Diệt Đế là sự tịch tĩnh, an lạc khi đã diệt trừ mọi khổ đau.
Muốn tới được Diệt Đế cần phải biết và thực hành những phương pháp diệt khổ. Đó chính là sự thật thứ tư. Đó là Đạo Đế.
Trong tiến trình này, Đạo Đế là Nhân và Diệt Đế là Qủa.
Giáo lý đã minh bạch, sáng rỡ như trăng rằm, nhưng với lòng bi mẫn vô biên, Đức Phật còn ân cần thương xót mà chỉ dạy thêm về Tam Chuyển Pháp Luân Tứ Đế gồm Thị Chuyển, Khuyến Chuyển và Chứng Chuyển để chúng sanh vững tin mà vững bước.
Thị Chuyển: Là khởi đầu, Đức Phật chỉ bảo cho biết:
“Đây là Khổ, có tánh bức bách
Đây là Tập, có tánh chiêu cảm
Đây là Diệt, có tánh khả chứng
Đây là Đạo, có tánh khả tu”
Khuyến Chuyển: Là khi đã chỉ cho biết Bốn Sự Thật, Đức Phật khuyến tấn chúng sanh hãy tu học pháp này mới mong thoát khổ:
“Đây là Khổ, con nên biết
Đây là Tập, con nên dứt
Đây là Diệt, con nên chứng
Đây là Đạo, con nên tu”
Chứng Chuyển: Khuyến tấn chúng sanh tu tập rồi, Đức Phật lại chỉ bày cho thấy kết quả của sự tu tập:
“Đây là Khổ, ta đã biết
Đây là Tập, ta đã dứt
Đây là Diệt, ta đã chứng
Đây là Đạo, ta đã tu”
Đạo Đế – sự thật thứ tư – con đường dẫn tới sự chấm dứt khổ đau chính là Bát Chánh Đạo, là con đường Trung Đạo chân chánh, vi diệu đưa tới sự thánh thiện vẹn toàn.
Bát Chánh Đạo gồm:
Chánh Kiến: Thấy biết và nhận thức chân chánh, rõ ràng.
Chánh Tư Duy: Tư tưởng thiện lành, suy nghĩ và phán đoán chân chánh.
Chánh Ngữ: Nói lời chân thật, ngôn ngữ chân chánh.
Chánh Nghiệp: Làm những việc tốt đẹp, hành động ngay thẳng, tránh những nghề nghiệp dẫn tới hại mình, hại người.
Chánh Mạng: Thân tâm trong sạch, buông bỏ và lánh xa những gì có thể khiến tinh thần bị mê mờ, ám tối.
Chánh Tinh Tấn: Khi đã nhận định rõ tốt, xấu, chánh, tà, để có niềm tin chân chánh thì quyết tinh tấn thăng hoa, hướng thiện.
Chánh Niệm: Ghi nhớ những gì xứng đáng, chánh đáng.
Chánh Định: Giữ tâm thuần nhất, an tịnh để phát triển tuệ giác.
Với tám phương pháp để chấm dứt khổ đau, hành giả thực tâm tìm cầu học đạo thường nghiêm túc suy ngẫm sâu sa nội dung lời dạy từng phần, quán chiếu tác dụng tương quan giữa những lời dạy, để có thể áp dụng với căn cơ mình mà đạt được lợi ích.
Chẳng hạn như – theo chủ quan – có hành giả nắm vững sự liên hệ giữa Chánh Kiến và Chánh Tư Duy là cảm thấy những phần sau hiển lộ tự nhiên.
Hành giả đó thấy, trong Bát Chánh Đạo, Chánh Kiến đứng đầu và ngay sau đó là Chánh Tư Duy. Sự sắp xếp như vậy phải chăng Chánh Kiến và Chánh Tư Duy có liên hệ chặt chẽ với nhau.
Theo đạo lý Duyên Khởi thì cái nọ vì cái kia mà có, nên dù tên gọi có khác nhau nhưng thực chất thì mọi hiện tượng đều là Nhân và đồng thời là Quả. Không có cái gì thuần túy chỉ là Nhân hay Quả.
Khi được xếp đứng đầu, với tư cách là Nhân, Chánh Kiến nuôi dưỡng bẩy phần kia; nhưng nếu với tư cách là Quả thì Chánh Kiến lại được bẩy phần kia nuôi dưỡng lại.
Khi khởi niệm, Chánh Kiến chỉ là những kiến thức có tính cách khái niệm bên ngoài, nhưng khi có Chánh Tư Duy cùng làm việc thì Chánh Kiến bắt đầu có sự phát triển ở bên trong; tức là Chánh Tư Duy giúp Chánh Kiến có cái nhìn sâu hơn.
Hành giả dùng hình ảnh chiếc lá để hướng dẫn sự quan sát.
Khi nhìn chiếc lá, ta thường thấy lá là một phần nhỏ của cây, lá là con của cây (kiến thức lúc đầu của Chánh Kiến). Nhưng nếu nhìn sâu sắc hơn thì lá cũng là mẹ của cây vì ngay thời gian lá ở trên cây, lá đã góp phần biến những nhựa nguyên thành nhựa luyện để không chỉ nuôi lá mà còn trở về nuôi cây (Có Chánh Tư Duy làm phong phú thêm Chánh Kiến)
Chánh Tư Duy gồm 2 phần là Tầm và Từ.
Tầm là ghi lại, nhớ lại những gì đã nhận biết (chẳng hạn, biết lá là một phần của cây. Cái biết này là cái biết đúng, như Chánh Kiến).
Từ là sự quán sát sâu sa hơn (sau khi ghi nhận lá là con của cây, còn triển khai sự suy tưởng sâu sắc hơn để thấy lá cũng là mẹ của cây vì lá đã góp phần nuôi cây)
Nhưng khi Chánh Tư Duy đi vào phần Từ (phần quán chiếu sâu hơn) thì phải quán chiếu bằng sự từ bi, bằng tình thương rộng lớn mới được gọi là Chánh Tư Duy. Nếu chỉ suy tư tìm lợi ích và hạnh phúc cho riêng mình thì đây là phản ảnh của sự không có Chánh Tư Duy, là người đang suy tư cũng không có Chánh Kiến vì không biết điều mình tìm kiếm có gây tác hại cho ai không.
Khi Chánh Kiến và Chánh Tư Duy giữ được sự liên hệ chặt chẽ, phối hợp và hành động chính xác như thật thì Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định sẽ như những đoàn tầu đã được đặt bánh trên đường rầy, sẽ an lạc lăn bánh tới sân ga.
Hơn một thế kỷ trước, Rhys Davids đã ngộ ra những gì từ Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, mà từ mục đích nghiên cứu, cốt vạch lá tìm sâu để chê bai, lại thành công trong sự giác ngộ qua những giáo lý khổ công nghiên cứu đó.
Còn chúng ta là Phật tử, là những người con của Phật, thừa hưởng gia tài giáo pháp nhiệm mầu vi diệu từ kim khẩu Cha Lành, tin tưởng lời Cha dạy, tuân lời Cha “Hãy tự thắp đước lên mà đi!” thì lẽ nào chúng ta lại thất bại trên con đường tìm cầu Giác Ngộ!
Có phải vậy không, thưa quý hành giả gần xa, đang cùng dõng mãnh bước đi trong ánh đuốc tự lực và tha lực!
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát.
TN Huệ Trân
(Tào-Khê tịnh thất, những ngày lập đông)
Discussion about this post