SƯ CÔ KIÊM NGHỀ BÁC SĨ
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Chuyện
kể rằng cách đây hơn 40 năm về trước, một sư cô đi hành khất, trong lúc di tản
dưới làn mưa đạn nơi một vùng chiến tranh ác liệt của miền Trung bèn ghé vào
trú tại một ngôi miếu hoang ở Quảng Trị. Chợt có tiếng khóc của một em bé từ xa
vọng lại. Sư cô đã đến cứu em bé mới vài tháng tuổi. Dứt bom đạn, vị sư cô bồng
theo em bé đi hỏi khắp nơi mong tìm được người thân thích, thế nhưng giữa
thời loạn lạc chiến tranh, ai nấy đều lắc đầu không biết.
Em bé được mang về chùa để chăm sóc đồng
thời đặt tên là NGUYỄN THỊ KIM ANH. Thế là từ đó, lưu lạc ở đâu, sư cô cũng
bồng theo em bé và nuôi dưỡng em bằng những lẽ sống đạo đức và tấm lòng bao
dung rộng mở với cuộc đời. Sư cô đã giảng về đạo, về đời, về thế nào là bể khổ,
bi ai cùng hành thiện và nhiều triết lý nhà Phật sâu xa khác vào tâm hồn em bé
Kim Anh. Em bé Kim Anh đó sau này trở thành một sư cô, tức sư cô THÍCH NỮ LIÊN
THANH ngày nay. Sư cô thông minh, học thành tài và rồi sau đó trở thành một bác
sĩ.
Năm 2010 sư cô vào khoảng 43 tuổi. Đến bây
giờ sư cô cũng không hề biết rõ họ tên, ngày tháng năm sinh thật của mình. Còn về
quê quán thì cũng chỉ nhớ mang máng là Thái Bình.
Sư cô tâm sự là bà học được nhiều điều nhân ái trong
đạo và nhiều triết lý nhà Phật sâu xa đã khắc sâu vào tâm hồn bà. Bà tự nhủ sẽ làm điều gì đó
thật có ý nghĩa để không phụ lòng những người đã cứu mạng bà và nuôi dưỡng, cho
bà cuộc sống. Bởi thế, trong những ngày ấu thơ, dù theo chân thầy hành đạo khắp
nơi, việc học hành gặp nhiều cản trở, nhưng bà vẫn gắng học và mơ ước trở thành
bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo khổ và bệnh tật, những người lang thang không nhà, không cửa và không
có tiền chạy chữa. Bà đã vượt qua bể khổ, học được cả nghìn thứ trên đời, để rồi tự suy ngẫm và rút ra chân lý rằng nếu bà không có kiến thức thì sẽ không thể giúp được họ.
Sư cô nói việc
học hành chủ yếu là học lỏm những người đi trước. Hồi bà thi đậu vào lớp 10
cũng là lúc sư thầy của bà nhận trụ trì chùa Trụ Yên ở một huyện ngoại thành
TP. HCM nên bà có cơ hội được theo học chính quy. Để đến trường, bà phải đi xe
đạp 30km, mang theo mấy cuốn sách cũ, ít cơm nguội cùng muối vừng… Cực khổ là
thế, nhưng năm nào bà cũng đạt danh vị học sinh giỏi. Sau khi tốt nghiệp lớp
12, bà thi đậu vào Khoa Tim mạch, Trường Đại học Y khoa TP. HCM với số điểm rất
cao. Sau 7 năm trời bà tốt nghiệp đại học và được nhận về công tác ở Khoa Tim
mạch, bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM.
Cùng thời
điểm đó, bà tốt nghiệp Khoa Sử học Phật giáo, Trường Cao cấp Phật học TP. HCM.
Bên cạnh đó bà lấy thêm hai bằng thạc sĩ (Master) là thạc sĩ xã hội học và thạc
sĩ sử học Phật giáo.
Là một trong những sinh viên xuất sắc nhất
của Đại học Y dược TP. HCM nên bà vinh dự được nhận học bổng sang Nhật Bản
du học. Thế nhưng, cô sinh viên trẻ đã khiến cho thầy cô, bạn bè không khỏi
thán phục bởi lối suy nghĩ rất tiến bộ lúc bấy giờ. Bà đã quyết định từ chối đi
du học, ở lại và học tập tại Việt Nam. Dẫu đã gần 20 năm trôi qua, dường như,
bà vẫn không thay đổi suy nghĩ: “Nếu sang Nhật Bản học và làm việc thì tất
cả chất xám, kiến thức mình học được đều chỉ để phục vụ cho nước bạn. Khi đó,
sẽ không còn cơ hội để trở về xây dựng quê hương, mang kiến thức và tâm đức để
giúp đời”.
Không phụ lòng mong mỏi của thầy cô, bạn
bè, khi đang tiếp tục theo học tại Đại học Y dược TP. HCM, bà là 1 trong 5 sinh
viên xuất sắc được nhận học bổng của Nhật Bản. Với tư chất thông minh, bà đã
tận dụng số tiền học bổng để mua một đồn điền cà phê tại địa bàn tỉnh Đắk Nông
với niềm tin: “Những cây cà phê sau một thời gian được chăm bón sẽ đơm hoa, kết
trái. Thành quả đó có thể chuyển hoá được thành những viên thuốc quý để giúp đỡ
những bệnh nhân nghèo không có tiền chữa bệnh sau này.”
Có trong
tay nhiều bằng cấp như thế, nhiều người nghĩ bà sẽ có vị trí
làm việc cao trong xã hội nhưng bà lại xin chính quyền lên vùng sâu, vùng xa
lập nghiệp. Duy chỉ có thầy trụ trì chùa Trụ Yên là không nói gì, có lẽ thầy
trụ trì đã hiểu tâm ý sâu xa của bà là một người ngộ đạo.
Vào đúng
thời điểm đó, tỉnh Bình Dương có chính sách kêu gọi nhân tài khắp nơi về phục
vụ tỉnh. Sư cô Liên Thanh tâm sự là nếu
vẫn làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì sẽ chỉ phục vụ được một số đối
tượng nhất định đến bệnh viện mà thôi. Chính vì vậy, sư cô đã “bỏ
phố lên rừng”, làm đơn xin về chùa Long Bửu, một ngôi chùa nằm hẻo lánh bên
những cánh rừng cao su hun hút gió. Chùa được xây dựng khá lâu, thiếu người
trông coi nên bị xuống cấp nghiêm trọng, hoang vắng và rêu phong dột nát.
Với quyết
tâm, sư cô Liên Thanh đã thành lập một Phòng khám bệnh đa khoa từ thiện trên khuôn viên chùa
Long Bửu để chữa bệnh miễn phí. Bước đầu gặp vô vàn khó khăn, thiếu tiền bạc,
thuốc men, nhưng người dân cảm mến nên đã cùng bà gây dựng một phòng khám dành
cho người nghèo trong chùa. Sau đó cơ sở gồm 5 khu vực: Tây y (gồm các khoa
nội, ngoại, tổng quát, tim mạch, sản, tai – mũi – họng, vật lý trị liệu…);
Xét nghiệm (chẩn đoán); Đông y; Dinh dưỡng (bếp ăn tình thương) và An dưỡng
(dành cho chư tôn đức tăng ni.)
Với gương mặt phúc hậu, ban ngày thì khoác
áo blouse trắng, ban đêm lại khoác áo cà sa của vị chân tu đắc đạo, nhưng, dù
mặc áo gì chăng nữa thì “cô tiên” ấy chỉ làm việc nhân nghĩa ở đời
tại một bệnh viện, mà nói đúng hơn là ngôi chùa mới phải… Sư cô tâm sự là có hạnh nguyện đem
sở học của mình để chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, làm một chiến sĩ từ thiện
xã hội, chữa trị tâm bệnh và thân bệnh cho chúng sinh. Bà nhận thấy, y phương
minh (trong ngũ minh) là phương thức thực hành công tác xã hội rất thích hợp
với lòng từ bi, là phương cách thể hiện tinh thần cứu thế tích cực của đạo Phật
vì chủ trương của đạo Phật là “từ bi hỉ xả.”
Cuối năm
1999, bà trở thành trụ trì chùa Long Bửu và cũng là giám đốc Bệnh viện nhân đạo
Long Bửu từ
đó. Người dân
trong vùng quen gọi bà là bác sĩ, sư cô, “cô tiên” của người nghèo. Sư
Cô nói: “Tôi đã chọn nghề bác sĩ để thiết thực xoa dịu nỗi khổ của
những người nghèo khi đau yếu và những người già neo đơn khi bệnh tật. Chính
giai đoạn người bệnh ở bờ vực “sinh tử”, ánh mắt nhân ái, cử chỉ ân
cần cùng tấm lòng từ bi của người bác sĩ mà cũng là nhà tu hành sẽ dễ dàng cảm hoá, đem đến sự bình an cho người bệnh”.
Cũng
thời gian đó, nhiều khu công nghiệp được quy hoạch xây dựng gần chùa nên nhiều người đổ về làm công nhân. Sư cô treo
bảng khám bệnh miễn phí cho công nhân. Vào những ngày nghỉ, bà con nghèo và công
nhân đến khám rất đông. Một mình làm không xuể, bà lại nhờ các đồng nghiệp ở bệnh
viện Chợ Rẫy lên tiếp sức. Ban giám đốc bệnh viện 175 (TP. HCM) cũng ủng hộ và luân
phiên cử bác sĩ xuống chùa giúp đỡ vật chất, thuốc men và hỗ trợ kiến thức y
học để nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh. Điều vui mừng nữa là phòng khám được
Sở Y tế Bình Dương cấp giấy phép hoạt động.
Nhiều người
đồng cảm, các mạnh thường quân khắp nơi tìm đến chùa giúp sức. Từ việc khám
bệnh miễn phí cho bà con nghèo, phòng khám phát luôn cả thuốc chữa trị và cho họ cả những bữa ăn miễn phí. Tổ
chức nhân đạo Agape Foundation của Thụy Điển hay tin, đã cử người sang tìm
hiểu. Khi trở về nước, họ đã gửi trang thiết bị hiện đại như máy scan,
x-quang… trị giá hàng triệu USD cho phòng khám. Sư cô Liên Thanh đã chia sẻ
một phần thiết bị y tế cho các bệnh viện nghèo ở Long An, Bến Tre, Bạc Liêu, Đồng
Nai… Đến thời điểm này, Phòng khám Đa khoa từ thiện Long Bửu có hơn 20 phòng
khám và điều trị bệnh, trang thiết bị không thua gì những cơ sở y tế khác, chỉ
khác một điều là khám, chữa bệnh không lấy tiền. Mỗi ngày có khoảng 20 y, bác
sĩ, hộ lý ở các bệnh viện lớn khác tình nguyện đến phục vụ bệnh nhân nghèo. Bên
cạnh đó, sư cô Liên Thanh còn tổ chức phòng khám cổ truyền để châm cứu, chữa
trị vật lý trị liệu cho những bệnh nhân già, đó là cách kết hợp phương pháp y
học cổ truyền và y học hiện đại, một cách điều trị có hiệu quả với người dân
nghèo.
Từ năm 2002 đến 2009, sư cô Liên Thanh
cùng các y sĩ, bác sĩ ở đây đã khám, phát thuốc miễn phí cho 200.000 bệnh nhân
không chỉ trong tỉnh Bình Dương mà còn ở nhiều tỉnh thành trong nước. Đặc biệt,
Phòng khám còn là chiếc cầu nối với nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế như Apape
Foundation (Thụy Điển), Long Bửu Charity Foundation (Úc), American Club (Hoa
Kỳ) … và nhận được sự giúp đỡ về kiến thức chuyên môn, thuốc men, trang thiết
bị hiện đại. Cũng từ sự hỗ trợ của các tổ chức này, phòng khám đã tiếp nhận xe
lăn, xe đẩy, xe trợ đi, giường inox… để trao tặng người khuyết tật ở 15 tỉnh,
thành trong nước. Trong Đại hội nữ giới Phật giáo thế giới (Sakyadhita) lần thứ
11 tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo – Thành hội Phật giáo TP. HCM từ
ngày 28/12/2009 đến ngày 3/1/2010, sư cô Thích Nữ Liên Thanh được đề cử phụ
trách Tiểu ban Y tế. Bằng kinh nghiệm chuyên môn, Ni sư đã xuất sắc hoàn thành
nhiệm vụ tạo nên sự thành tựu viên mãn cho hội nghị.
Sư cô còn tổ chức những đoàn từ
thiện đi thăm và phát quà cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ mồ côi, người già
neo đơn, gia đình chính sách. Được biết, tính riêng trong năm 2009, số tiền làm
từ thiện của phòng khám lên đến gần 2 tỷ đồng (VN). Ngoài tấm lòng từ bi của sư
cô Liên Thanh, các y sĩ, bác sĩ ở đây đều làm việc bằng sự tự nguyện. Nếu ai
không có cái tâm thì không thể trụ lại lâu ở đây, vì họ làm việc không lương,
chùa có bồi dưỡng nhưng không đáng kể. Đã làm từ thiện thì phải dẹp bỏ tính
toán về danh lợi, phải có tấm lòng và tinh thần phục vụ bệnh nhân.
(Ni sư Thích Nữ Liên Thanh cùng các
bác sỹ tại phòng khám.)
Sư cô Liên Thanh đang xúc tiến làm
thủ tục nâng cấp từ phòng khám lên bệnh viện nhân đạo có sức chứa khoảng 500
giường bệnh. Được biết, từ đầu năm 2010 đến nay, sư cô Liên Thanh đã tổ chức
4-5 đợt tặng quà, xe lăn, khám bệnh từ thiện cho người nghèo, trẻ em mồ côi,
khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa. Trong 5 năm qua, Phòng khám đa khoa từ thiện
Long Bửu đã khám, điều trị, cấp thuốc miễn phí, tặng quà, tặng trang thiết bị y
tế cho các cơ sở y tế với tổng trị giá trên 8,5 tỷ đồng (VN). Mong sao, ý tưởng
xây dựng bệnh viện nhân đạo sớm trở thành hiện thực.
Nhằm góp phần để nhiều người nghèo được
đón Tết Quý Tỵ an vui, ấm cúng, ngày 27.1 2013, Phòng khám Đa khoa từ thiện
Long Bửu và các Mạnh Thường Quân phối hợp cùng Báo NTNN tổ chức trao quà Tết,
khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em tàn tật… Sư cô cho biết, có
hơn 800 phần quà trao tận tay cho bà con, mỗi phần trị giá hơn 800.000 đồng
(VN), gồm tiền lì xì, mì gói, gạo, đường, sữa, bánh mứt… Đặc biệt là các bác sĩ
đang công tác ở nhiều bệnh viện lớn từ TP. HCM về tận nơi khám chữa bệnh và
phát thuốc miễn phí cho bà con. Tổng kinh phí cho chương trình từ thiện này là
gần 700 triệu đồng (VN).
Một cụ bà gần 80 tuổi nói: “Các bác sĩ
khám bệnh rất tận tâm. Nghe các bác sĩ chỉ cách phòng bệnh tuổi già, tui cảm thấy
nhẹ cả người, khỏe hẳn ra…” Ôm phần quà tết, một bác khác vui mừng nói: “Hôm nay lên đây, được các bác
sĩ khám bệnh, phát thuốc, rồi được các cô chú tặng quà, tiền đầy đủ như thế
này, tui cảm động lắm…” Các Mạnh Thường Quân tiếp tay đều có chung một tâm sự: “Ngay sau khi nghe sư cô Liên
Thanh kêu gọi ủng hộ Tết cho người nghèo, lập tức chúng tôi lên kế hoạch tiết
kiệm chi tiêu và kêu gọi nhiều bạn bè ủng hộ. Chúng tôi rất vui vì được tận tay
trao cho bà con những món quà nhỏ nhưng hết sức ý nghĩa này…” Một bác sĩ cho
biết: “Mệt thì có mệt nhưng niềm vui lại nhân đôi bởi góp sức cho người nghèo
an tâm đón Tết. Sang năm, tôi sẽ tiếp tục đồng hành với chương trình hết sức ý
nghĩa này…”
Sư cô THÍCH
NỮ LIÊN THANH (tức là bác sĩ NGUYỄN THỊ KIM ANH) là một người giàu từ tâm, có
lòng bao dung với sự khả kính đã và đang cống hiến một cách hết sức hiệu quả
những kiến thức cũng như chính sức lực của mình để góp phần mang lại hạnh phúc
cho nhân loại. Có người làm thơ ca ngợi tâm nguyện cao cả của vị bác sĩ mặc áo cà sa này như
sau:
sáng lửa từ bi.”
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
(2-2013)
tham khảo: 1. Chuyện
về sư cô khoác áo blouse trắng (Thanh
Văn – Kinh Tế Nông thôn)
2. Bác sĩ sư cô Thích Nữ Liên Thanh một lương y tận tụy (Nguyễn
Minh).
3. “Cô tiên” mặc áo blouse trắng!
(Lý Thành Tâm).
4. Giúp người nghèo đón tết an vui (Bùi Phụ).
5. Bác sỹ mặc
áo cà sa và phòng khám từ thiện (Lưu Vinh –
Nguyễn Hương) 6. Tỳ kheo ni đầu tiên đưa y phương minh Phật giáo vào xã hội hóa y tế
cộng đồng. 7. Lời ngỏ của sư cô Thích Nữ
Liên Thanh (Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Anh) (Youtube).
Discussion about this post