SINH TỬ LUÂN HỒI
Toàn
Không
Luân Hồi dịch từ chữ Samera của chữ Phạn. Chữ Hán, Luân là bánh xe, Hồi là
xoay lại, trở về, trở lại; Sinh Tử Luân Hồi là sinh ra già bệnh chết rồi lại
sinh ra già bệnh chết, tái diễn nhiều lần. Theo Phật giáo, con người sinh ra từ
vô thủy (thỉ) đến giờ đã trải qua vô lượng đời, và sẽ còn tiếp nối vô số đời
nữa ở tương lai cho đến vô chung. Con người sinh ra chết đi cứ triền miên như
thế, nhưng không phải chỉ sinh trong loài người mà tùy nghiệp đã tạo ra trong
suốt thời gian sống theo đó mà sinh vào một trong sáu cảnh giới, gọi là sáu
cõi.
I). Các quan điểm về sinh tử:
Có bốn quan điểm:
1). Quan điểm chấp đoạn:
Người
có quan điểm này cho rằng con người sinh ra là ngẫu nhiên, tự nhiên như thế, có
hợp có sinh, mọi việc ở đời chỉ là may rủi, gặp may có vui, gặp rủi phải buồn.
Khi già bệnh phải chết là lẽ tự nhiên, khi chết là hết chẳng còn gì nữa, sự may
rủi cũng theo cái chết mà không còn gì nữa; thân xác thành cát bụi, hư vô,
không còn một tí gì cả.
Theo quan điểm “chấp đoạn”, con người sống chỉ nghĩ đến hưởng thụ cho
mau, nên đưa đến tình trạng dành giật, không cần biết tới bình đẳng, đạo đức,
tôn ty; đây là quan điểm có tính cách buông xuôi, không phải quan điểm của
những người trí tuệ, mà giống như cách đối xử hạ đẳng của các loài vật. Bởi vì
con người ngoài phần thể xác, còn có phần tinh thần, nên bảo rằng chết là hết
thì không đúng, tại sao? Vì phần tinh thần nó vô hình vô tướng, mắt người
thường không thể thấy được, nên tưởng rằng không có gì cả, nhưng đối với các
bậc Giác ngộ, các vị biết thấy rõ phần tinh thần này.
2)- Quan điểm chấp thường:
Người
có quan điểm này cho rằng khi con người chết rồi, phần thể xác tan rã, còn có
phần tinh thần bất hoại, tinh thần này là vĩnh cửu trường tồn không bao giờ mất
được. Họ quan niệm phần tinh thần này là một “linh hồn” bất diệt trường tồn
vĩnh viễn, và có một trong hai nơi họ được đến hay phải đến; đó là lên Thiên
đàng hưởng thọ khoái lạc vĩnh viễn, hay xuống Hỏa ngục chịu thiêu đốt đời đời
không có ngày ra.
Theo quan điểm “chấp thường”, có người nói:
“Quan điểm này quá thô sơ, qúa đơn giản, không ăn khớp với những gì diễn biến
trong vũ trụ; vì hết thảy vũ trụ vạn vật không có cái gì là vĩnh cửu trường tồn
được, không có một nơi nào trong vũ trụ không thay đổi, mọi sự đều đổi thay, kể
cả cái chúng ta tạm gọi là linh hồn. Hơn nữa, con người chỉ sống một thời gian
ngắn ngủi dù là 100 năm, khi chết đi lại được ở trên Thiên đường hưởng lạc thú
đời đời, hoặc xuống hỏa ngục chịu cực hình khổ não vĩnh viễn không có ngày ra;
thật là bất công phi lý giữa hai sự sống ấy, chỉ bởi một điều nhỏ là tin hay
không tin mà như vậy!” Nên họ còn nói: “Đây là sự đặt ra một phần thưởng quá to
lớn và một hình phạt khủng khiếp để con người ham khoái hưởng lạc và sợ hãi khổ
sở mà phải tin theo vì tưởng rằng có
lợi, chứ sự thực không đúng như thế”.
3)- Quan điểm có tính cách khoa học:
a)- Về
vật chất: Theo
quan điểm này có nhiều sự việc khoa học đã nhìn thấy tính cách luân hồi của nó,
sau đây là một vài thí dụ:
1- Nước
luân hồi:
Nước luân hồi rất dễ nhận ra, đó là nước sông, hồ, biển dưới sức nóng của mặt
trời làm nước bốc hơi bay lên thành mây, mây có nhiều hơi nước gặp lạnh tụ lại
thành nước, nước nặng rơi xuống thành mưa. Nếu khí hậu lạnh dưới 0 độ bách phân
(Centigrade) hay dưới 32 độ Farenheit, nước mưa đông thành cục gọi là mưa nước
đá. Ở vùng Bắc cực hoặc Nam cực, mặt trời ít chiếu tới nên nước thường đông
thành băng; còn những vùng khác, khi mưa nước từ đồi núi chảy xuống suối, rạch,
hồ, sông rồi ra biển, từ các chỗ này nước lại bốc hơi thành mây, mây thành mưa,
cứ thế nước luân hồi mãi.
2- Khí
hậu luân hồi:
Qủa đất mỗi ngày tự quay như con quay một vòng, nên chúng ta có ban ngày khi
chúng ta hướng về phiá mặt trời, và có ban đêm khi trái đất quay phiá bên kia
của quả đất hướng về phiá mặt trời, như vùng Đông Á châu ban ngày thì vùng châu
Mỹ ban đêm và ngược lại vùng châu Mỹ buổi trưa thì vùng Đông Á châu nửa đêm.
Qủa đất còn chạy chung quanh mặt trời trong 365 ngày hết một vòng, đó là một
năm. Sự quay chạy của trái đất theo qũy đạo của nó, làm thành bốn mùa Xuân, Hạ,
Thu, Đông ở vùng xa Xích đạo, và hai mùa Nắng Mưa ở nơi gần Xích đạo, xoay vần
không dứt, luân hồi mỗi năm một lần. Tất cả muôn vật trên qủa đại cầu này đều
bị ảnh hưởng bởi khí hậu bốn mùa hay hai mùa thay đổi, đây là luân hồi của khí
hậu.
3- Luân
hồi của hệ thống tuần hoàn: Trong cơ thể con người, qủa tim ví như đầu tầu xe lửa
kéo cả đoàn tầu, trái tim cũng vậy, nếu tim ngừng đập bóp, con người sẽ chết.
Qủa tim có bốn ngăn, hai ngăn trên gọi là tâm nhĩ (atrium), hai ngăn dưới gọi
là tâm thất (ventricle). Do sức bóp của tim, máu trong tâm thất bên trái (left
ventricle) bơm vào động mạch (aorta) dẫn đi khắp toàn thân vào các mạch máu nhỏ
đến các bộ phận, cơ quan của thân thể để
nuôi các tế bào. Rồi máu từ đó theo hệ thống tĩnh mạch (veins) trở về tim vào
tâm nhĩ bên phải (right atrium). Máu từ tâm nhĩ bên phải đi qua một cái van
(valve) xuống tâm thất bên phải (right ventricle), rồi ra động mạch phổi
(pulmonary artery) vào phổi để lấy dưỡng khí (oxygen). Máu từ phổi trở lại tim
bằng tĩnh mạch phổi (pulmonary vein) vào tâm nhĩ bên trái (left atrium), xong
máu từ đây qua một cái van xuống tâm thất bên trái (left ventricle), và từ đây,
tâm thất bóp để đấy máu đi nuôi cơ thể; máu đi đi, về về liên tục không ngưng
nghỉ như thế, đây gọi là luân hồi của máu.
b)- Về
tinh thần: Như
trên, khoa học đã nhìn thấy nhiều sự vật có tính cách luân hồi, chứng minh một
cách cụ thể hiển nhiên, nhưng về vấn đề tinh thần , khoa học còn đang trên
đường tìm kiếm. Thường mỗi khi có người nhớ được tiền kiếp, các nhà khoa học
lại có dịp truy cứu; đây cũng chỉ là những góp nhặt vụn vặt, nên các nhà khoa
học chưa dám khẳng định một cách tích cực toàn diện, vì về tâm linh vô hình vô
tướng nên không thấy cụ thể bằng con mắt phàm phu được. Tuy nhiên, chúng ta có
thể nêu ra một số phát biểu nổi tiếng của một số danh nhân Tây phương về vấn
này như sau:
1-
Pythagore
(hơn 550 năm trước Dương lịch): Nhà toán học kiêm triết học người Hy Lạp
(Greece) nói rằng: “Tất cả mọi người đều có linh hồn, quanh quẩn trong thế gian
hữu cơ và diễn biến theo định luật trường cửu”.
2-
Platon
(427 – 347 BC): Nhà triết học Hy Lạp nói: “Linh hồn thọ hơn thể xác, linh hồn
liên tục sinh ra rồi tái sinh trở lại thế gian”.
3- Ovid (43 BC – 17 AD): Nhà
thơ người tại thành Rome (Ý) nói: “Cái gọi là chết, chỉ gọi là vật chất cũ, còn
linh hồn bị đẩy đưa từ nơi này đến nơi khác, linh hồn chỉ là một, chỉ có hình
thể mới, như ta thay áo mới. Cũng như loại sáp mềm người ta đổ vào khuôn, mặt
sáp sẽ ghi nhận cái khuôn, lúc ấy hình ảnh cũ bị xóa bỏ, chỉ có hình thức bị
biến đổi, sáp vẫn là sáp; như vậy, được sinh ra là bắt đầu trở thành một cái gì
mới, khác cái trước, và những hình thức mới ấy cũng biến đổi nữa, không có cái
gì giữ nguyên vẹn hình thể mà không thay đổi hình dạng”.
4-
Wordsworth
(William) (1770 – 1850): Nhà thơ người Anh quốc nói: “Cái sinh của chúng ta chỉ
là một giấc chiêm bao và một sự lãng quên. Linh hồn, vì tinh tú của đời sống,
xuất hiện với ta hôm nay, đã có cơ sở ở một nơi nào và đến từ phương xa: Không
phải trọn vẹn trong sự lãng quên, cũng không phải trơ trọi”.
5-
Disraeli
(Benjamin) (1804 – 1881): Thủ tướng Anh Quốc nổi tiếng một thời nói: “Không có
hệ thống nào vừa giản dị, vừa ít va chạm sự hiểu biết của ta bằng thuyết luân
hồi. Thuyết ấy xem những đau khổ và khoái lạc trong kiếp sống này như sự thưởng
hay phạt các hành động của ta trong một trạng thái khác”.
6-
Emerson
(Ralph Waldo) (1803 – 1882): Triết gia kiêm nhà thơ người Hoa Kỳ nói: “Cái định
mạng mà chúng ta phải lãnh là do chính ta đã chuẩn bị một cách hồn nhiên, vô ý
thức, trong rất nhiều kinh nghiệm mà ta không thấy nổi giá trị; có lẽ chúng ta
còn tiếp tục nhận lãnh định mạng ấy trong nhiều kiếp nữa, trước khi hoàn tất
công việc trả qủa”.
7-
Huxley
(Thomas Henry) (1825 – 1895): Nhà sinh vật học (Biology) kiêm nhà văn người Anh
Quốc nói: “. . . Bên trong đứa trẻ sơ sinh đã có ngủ ngầm đặc điểm truyền
thống, và cái “ta” chỉ là một khối năng lực tiềm tàng, thêm vào chút gì khác;
những tiềm năng ấy rất sớm nổi lên mặt và trở thành sức mạnh thật sự, một thực
lực, từ tuổi trẻ trở lên, biểu hiện lúc lu mờ lúc sáng tỏ, lúc yếu lúc mạnh,
lúc đúng đắn lúc sai lầm. Và mỗi lần đổi sang từ thể xác này đến một xác thân
khác, thì tâm tánh riêng biệt ấy lại bị một tâm tính khác biến đổi.
Những triết học gia Ấn Độ gọi cái “Tánh” đồng nghĩa với nghiệp (Karma),
chính cái nghiệp chuyển từ đời này đến đời khác và nối liền các kiếp sống trong
một chuỗi dài những kiếp chuyển sinh; các triết gia ấy chủ trương trong mỗi
kiếp sống, cái nghiệp bị biến đổi, không những do truyền thống mà còn do chính
hành động của mình”.
4). Quan điểm của Phật giáo:
Đúng lý ra, sinh tử luân hồi gắn liền với nghiệp báo nhân qủa, vì con
người từ khi sinh ra đến lúc chết đều có tạo nghiệp, do đó mỗi người đều mang
theo cái nghiệp của mình. Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta lần lượt phân tích:
Con
người gồm hai phần thể chất và tinh thần, từ khi bắt đầu có sự phối hợp giữa
tinh cha trứng mẹ hợp lại về phần vật chất, cộng với phần tinh thần gọi là thần
thức hay nghiệp thức. Bào thai phải có đủ phần vật chất (sắc) và tinh thần
(thức) mới đủ điều kiện để thành hình và lớn mạnh được. Ở trong bào thai lớn
dần phát triển đủ các bộ phận, trong đó có các bộ phận: mắt, tai, mũi, lưỡi,
thân, ý, gọi là sáu căn. Khi đủ ngày tháng được “sinh” ra, lớn dần lên, sáu căn
tiếp “xúc” sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; khi tiếp xúc với ngoại
cảnh nếu yêu thích sinh thọ vui, nếu không thích sinh thọ buồn, hoặc tiếp xúc
với cái không yêu không ghét có thọ không vui không buồn. Sự yêu ghét gọi là
“ái ố”, vì có ái ố nên cố giữ cái yêu thích, tìm cách để có cái yêu thích,
quyết dẹp bỏ tránh né cái không ưa, đó gọi là “thủ, bỏ”. Vì hành động cố giữ và
cố dẹp bỏ ấy mà tạo nghiệp, khi chết thần thức phải mang theo để thọ sinh một
đời sống khác kế tiếp. Cứ thế sinh ra sống tạo nghiệp già bệnh chết, rồi lại
như thế mãi mãi, không có ngày chấm dứt; ngoại trừ người có tu hành đắc đạo mới
thoát ra ngoài vòng sinh tử luân hồi, vì nghiệp thức dẫn đi đầu thai, nên tùy
nghiệp lành hay nghiệp dữ mà phải vào một trong sáu cõi. Do đó, chúng ta cũng
nên tìm hiểu sơ qua để biết thêm tạo nghiệp gì sinh vào cõi nào như sau:
1- Sinh
cõi Trời:
Người nào làm mười điều thiện gồm ba điều về thân: Không sát sinh, không trộm
cắp, không tà dâm; bốn điều về miệng: Không nói dối, không nói hai lưỡi, không
nói đâm thọc, không nói ác; và ba điều về ý: Không tham lam, không sân giận,
không si mê tà kiến. Sinh lên ở cõi Trời có đời sống vô cùng sung sướng, không
phải làm việc, lại có đời sống rất lâu dài.
2- Sinh
lại cõi Người:
Người nào làm được năm giới (Ngũ giới) không sát sinh, không trộm cắp, không tà
dâm, không nói dối, và không uống rượu. Muốn sinh lại cõi Người, ráng thực hành
như thế. Khi tái sinh lại làm người được ở chỗ giàu sang quyền qúy sung sướng,
manh khỏe, sống lâu.
3 –
Sinh cõi Thần
(A Tu La): Người có lòng tốt, có thực thi mười điều thiện, tạo nhiều phúc đức,
nhưng tính sân hận giận thù chưa bỏ được, nên khi chết đi vào cõi Thần, có đời
sống dài, khá sung sướng, nhưng có sự tranh cãi, gây bất hòa, đấu tranh nên
cũng có phiền toái.
4- Sinh
cõi Ngạ qủy:
Người bỏn sẻn, đố kỵ, ghen tỵ, mưu mô cướp đoạt của người, trộm cắp v.v… Khi
chết sinh vào Ngạ qủy, có nhiều loại Ma qủy khác nhau, có loại phụ với các vị
Thần để làm việc cho chư Thiên, có loại phải canh cổng thành cõi Trời v.v…,
loài Ngạ qủy thường bị đói và sống luẩn quẩn cùng với loài người và súc sinh,
nhưng vô hình nên ta không thấy.
5- Sinh
Súc sanh:
Người dâm dục ngang trái, người quỵt nợ, giật hụi, lừa đảo, biển thủ tiền của,
người đánh đập hành hạ giết hại súc vật, người sớm tối say sưa rượu hoặc ma
túy, người tăng thượng mạn v.v.. Khi chết sinh vào loài Súc sinh bị khổ sở trăm
bề mà ai cũng thấy.
6- Sinh
Địa ngục:
Người giết cha giết mẹ, người làm mười điều ác chắc chắn đọa điạ ngục nhanh như
liệng mũi kiếm thẳng xuống nước ngay sau khi chết, ở địa ngục thời gian lâu dài
chịu cực hình khốn khổ trăm bề; khi ra khỏi địa ngục, lại phải vào Ngạ qủy hoặc
Súc sinh, khi trở lại làm người có đời sống nghèo hèn khổ sở.
II). Kết luận về sinh tử luân hồi.
Trong các Kinh đức Phật nói rất nhiều về các kiếp của Ngài và nhiều
người khác, nếu chúng ta đọc Kinh sách của Phật giáo sẽ thấy chuyện tái sinh
rất nhiều; Bác Sĩ Edgar Casey tại
Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ thứ 20 mà nhiều người đã biết. Ông chuyên bắt mạch định
bệnh bằng thiền định và dùng mắt thần để nhìn các kiếp trước của bệnh nhân, mà
người ta gọi là dùng “thôi miên” để nhìn xem người bệnh đã trải qua các kiếp
trước như thế nào để định bệnh cho bệnh nhân và chữa trị trong mấy chục nghìn
trường hợp, mà hiện hồ sơ còn được lưu giữ.
Theo dõi báo chí thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy nêu lên chuyện có người
nhớ được tiền kiếp của mình, chuyện các vị Lạt
Ma Tây Tạng tái sinh nhớ được đời trước cả đến các vật dụng của mình; thiết
tưởng chuyện tái sinh hầu như trên thế giới ngày nay coi như chuyện bình
thường, không còn mấy người thắc mắc nữa.
Schopenhauer (Arthur) (1788–1860): Nhà
toán học kiêm triết học người Đức nói về luân hồi như sau: “Ta thấy rằng lý
thuyết luân hồi khởi xuất từ thuở sơ khai, trong thời kỳ vàng son của nhân
loại, luôn luôn lan rộng trong nhân gian, được coi là tín ngưỡng của phần lớn
mà cũng là giáo lý của tất cả tôn giáo; ngoại trừ tín ngưỡng của người Do Thái
và hai tôn giáo xuất xứ từ hình thức thật tế nhị của tín ngưỡng ấy ( Hồi giáo
và Cơ Đốc giáo). Các thuyết luân hồi đã biến chuyển đến rất gần chân lý mà Phật
giáo đề cập, như vậy, trong lúc Cơ Đốc giáo tự an ủi với ý tưởng sẽ tự gặp trở
lại trong một thế gian khác, trong thế gian ấy sẽ tìm lại trọn vẹn nhân cách
của mình, và cũng sẽ tự nhận ra tức khắc, thì theo các tôn giáo khác, sự gặp gỡ
trở lại đã diễn tiến nhiều lần, nhưng ta không nhận thức được. Trong những kiếp
tái sinh liên tục tái diễn, những người đã có liên quan mật thiết hoặc có tiếp
xúc ngay với nhau sẽ gặp lại trong một kiếp sống vị lai, cũng lại có sự liên hệ
với nhau hoặc y hệt, hoặc tương tự, và những tình cảm, thiện hay ác, đối với
nhau như trong kiếp sống nàỵ . . .
Cũng như đã ghi chú trong Kinh Phệ Đà (Ấn Độ giáo) và tất cả các kinh
sách khác ở Ấn Độ, thuyết luân hồi được xem là nền tảng Bà La Môn giáo và Phật
giáo; cho đến nay, phần lớn các dân tộc Á Đông không phải Hồi giáo, hơn phân
nửa nhân loại, vẫn tin tưởng chắc chắn thuyết luân hồi và đời sống thực tế hàng
ngày vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc của thuyết này. Đó cũng là tín ngưỡng của người
Ai Cập và từ Ai Cập, Orphée, Pythgore và Platon đã nhiệt liệt nhận lãnh.Theo
như trên, sự tin tưởng nơi thuyết luân hồi tự nó là niềm tin qủa quyết tự nhiên
của con người mỗi khi nghĩ đến vấn đề này mà không bị ám ảnh trước . .”. (Trích
trong “The World As Will And Idea”)., .
Discussion about this post