QUAN NIỆM CỦA PHẬT GIÁO VỀ CẢI ĐẠO
Thích Trung Hữu
Cải đạo là sự thay đổi niềm tin, chuyển từ tôn giáo này qua tôn giáo khác khi người ta thấy tôn giáo mới thích hợp với họ hơn là tôn giáo mà họ đang theo. Và đây là hiện tượng bình thường trong đời sống tín ngưỡng của con người.
Có nhiều lý do để một người theo một tôn giáo và cũng có nhiều lý do để họ từ chối một niềm tin. Trong lịch sử tôn giáo, sự cải đạo xãy ra bởi nhiều nguyên nhân, như sau:
1) Cải đạo do bị trục xuất khỏi cộng đồng tôn giáo mà họ đang theo nên họ gia nhập vào một cộng đồng tôn giáo khác. Trong Ấn Độ giáo, nếu tín đồ phạm một trong mười hai điều sau đây sẽ bị loại khỏi cộng đồng Ấn giáo: Một là theo đạo Hồi hoặc đạo Cơ Đốc. Hai là đi châu Âu hoặc châu Mỹ. Ba là ăn thức ăn do người tôn giáo khác, người thuộc giai cấp hạ tiện làm. Bốn là ăn thịt bò, thịt heo và thịt gà nơi công cộng hoặc một cách công khai. Năm là đến nhà phụ nữ với mụch đích bất chính. Sáu là không chồng mà chửa. Bảy là tái giá. Tám là làm lễ cúng kiếng ở nhà giai cấp hạ tiện. Chín là quăng bỏ dấu hiệu cao quý của giai cấp một cách công khai. Mười là kết hôn với người khác giai cấp. Mười một là ăn chung với người khác giai cấp. Và mười hai là thay đổi nghề nghiệp được truyền từ tổ tiên (vốn gắn liền với giai cấp).[1]
2) Cải đạo do lợi ích vật chất. Một số tôn giáo dùng cách thức hỗ trợ vật chất để người ta theo đạo. Ví dụ như hồi nhỏ tôi nghe người ta đọc câu “Theo đạo Chúa có lúa ăn hoài, đạo Cao Đài ăn hoài hết gạo” mà không hiểu. Sau này mới được giải thích rằng hồi đó dân mình nghèo, một số tín đồ đạo Thiên Chúa đến cho gạo hay giúp đỡ này nọ rồi dần dần thuyết phục họ theo Đạo.
3) Cải đạo theo người lãnh đạo. Người đó có thể là vua, lãnh chúa, người lãnh đạo tinh thần hoặc có thể chỉ là sếp của một cơ quan. Họ theo đạo hay cải đạo không phải do có tín ngưỡng mà là để lấy lòng cấp trên. Ví dụ như thời Lý, Trần ở nước ta, do vua theo Phật giáo nên đa số quan lại cũng quy y Tam Bảo.
4) Cải đạo do bị ép buộc. Ví dụ như khi người Hồi giáo khi đánh chiếm Ấn Độ, họ ép người Ấn phải theo đạo Hồi. Ai không theo thì họ giết chết. Người ta không muốn chết nên phải theo.
5) Cải đạo một cách tự nguyện do nhận thức. Đó là sự chuyển đổi sang một tôn giáo khác do “giác ngộ”. Họ có sự tìm hiểu, nghiên cứu và so sánh đặc điểm của các tôn giáo nên thấy được tôn giáo nào tốt hơn và thích hợp với họ hơn.
6) Tín ngưỡng theo truyền thống tổ tiên. Trường hợp này không gọi là cải đạo. Họ theo một tôn giáo đơn giản chỉ vì đó là truyền thống của gia đình.
Đối với Phật giáo thì Đức Phật khuyến khích người ta theo một tôn giáo sau khi đã tìm hiểu rõ ràng về tôn giáo đó, bằng nhận thức và kinh nghiệm của người đó. Câu nói nổi tiếng của Ngài là “Tin ta mà không hiểu ta là hủy báng ta”. Ngài không hề khuyến khích sự cảo đạo nếu không thật sự cần thiết. Bởi vì mụch đích của Ngài là đem lại sự lợi ích và an lạc cho mọi người chứ không phải để quy tụ tín đồ cho đông.
Nếu Đức Phật muốn thu hút nhiều người theo mình thì Ngài đã sử dụng nhiều cách thức hấp dẫn như biểu diễn thần thông. Thế như bản thân Đức Phật rất hiếm sử dụng thần thông cũng như Ngài cấm hàng đệ tử sử dụng chúng, nhứt là trong việc giáo hóa. Một đệ tử nói với Ngài rằng nếu đức Phật không phô diễn thần thông cho anh ta xem thì anh ta sẽ hoàn tục không tu nữa. Đức Phật mới trả lời rằng khi anh ta xuất gia đức Phật không hề hứa với anh ta rằng nếu anh ta xuất gia Ngài sẽ cho anh ta xem thần thông của Ngài. Hay như trong kinh “Những điều Phạm Thiên không biết” (What Brahmā did not know) thuộc Trường Bộ kinh kể chuyện một cư sĩ gợi ý đức Phật rằng Ngài nên biểu diễn thần thông cho dân chúng thấy thì họ sẽ đua nhau mà theo Ngài. Đức Phật trả lời rằng Ngài có ba loại thần thông là thần túc thông, tha tâm thông và giáo hóa thông, trong đó Ngài chỉ sử dụng giáo hóa thông, tức là cải hóa mọi người bằng phương pháp giáo dục. Ngài giải thích rằng dùng thần thông để giáo hóa có thể rất hiệu quả trong việc thu hút tín đồ, nhưng nó không đưa đến đạo đức, thiền định, trí huệ cũng như đạt được giác ngộ và giải thoát. Đó là chưa kể đến những hệ quả tiêu cực do sự ưa chuộng thần thông đem lại.
Không phải ai theo đức Phật hay bỏ đạo khác mà theo đạo Phật thì đức Phật đều mừng. Ngài khuyên họ nên suy nghĩ chín chắn và có trường hợp Ngài bảo họ giữ nguyên niềm tin cũ. Trong Kinh “Ví dụ con rắn” thuộc Trung Bộ kinh thuật chuyện một tín đồ của đạo Kỳ Na là Upali Gahapati rất kính ngưỡng đạo đức và trí huệ của đức Phật, xin cải đạo sang Phật giáo. Đức Phật nói điều đó không cần thiết. Tuy nhiên, trước sự khẩn khoản của Upali, đức Phật chấp nhận ông ta làm đệ tử tại gia nhưng vẫn khuyên ông nên tiếp tục cung kính và cúng dường thầy cũ của ông ta cũng những những đạo sĩ đạo Kỳ Na khác như từ trước giờ ông vẫn làm.
Đức Phật không hề khuyến dụ tín đồ của đạo khác bỏ đạo họ mà theo Phật. Trong suốt những năm hành đạo của mình, đức Phật không hề dùng mánh khóe hay chiêu trò gì để làm cho người khác theo mình. Tuy nhiên vấn đề cải đạo là khó tránh khỏi. Trong bối cảnh thời bấy giờ, nhiều trí thức không tìm thấy sự thỏa mãn tâm linh đối với đạo Bà la môn nên đã cải đạo sang Phật giáo. Đức Phật chấp nhận họ vì thấy rằng điều đó lợi ích cho họ, chứ không phải đức Phật muốn chống lại Bà la môn giáo. Theo Sue Hamilton, “Đức Phật có khi chỉ trích một số lý thuyết của đạo Bà la môn. Điều này không có nghĩa là Ngài muốn tranh hơn với họ mà chỉ vì Ngài thấy rằng những tuyên bố của họ là cực đoan và có hại cho nhân sinh”.[2]
Sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, những đệ tử của Phật, dù là tại gia hay xuất gia, đều thể hiện tinh thần khoan dung và hòa hợp tôn giáo. Ví dụ như vua A Dục, dù nhà vua là một Phật tử, nhưng vẫn nâng đỡ các tôn giáo khác, ngoài Phật giáo. Ông nói rằng ông kính trọng tất cả các tôn giáo và kêu gọi các tôn giáo sống hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau trên lãnh thổ mà ông cai trị. Ông cũng khuyên tín đồ các tôn giáo nên học hỏi những cái hay của nhau để tất cả đều được lợi ích.
Đức Dalai Lama XIV nói rằng thật là đáng buồn nếu người ta nhân danh tôn giáo để đàn áp hay bốc lột người khác. Ngài nói rằng ngài tôn trọng tất cả các tín ngưỡng trên thế giới và tán thành một thế giới đa tôn giáo. Ngài quan niệm rằng mụch đích của tôn giáo là mang lại hạnh phúc và hòa bình cho nhân loại chứ không chỉ tìm cách lôi kéo người khác vào tôn giáo của mình.[3] Theo Ngài, cải đạo không có nghĩa là mình chạy trốn hay từ chối hoàn toàn niềm tin cũ. Người ta có thể đồng thời thực hành giáo pháp của nhiều tôn giáo khác nhau mà hề không chướng ngại gì nhau. Sở dĩ như vậy là vì tôn giáo cũng giống như chân lý, nó không có biên giới, dù là biên giới quốc gia hay biên giới của niềm tin.[4] Lời của đức Dalai Lama làm tôi nhớ tới một chuyện. Đó là có một tín hữu Cơ Đốc đến gặp một vị thầy Phật giáo, hỏi rằng anh ta vừa thờ Chúa vừa thực tập Phật pháp được không? Vị thầy trả lời là “được”, và nói với anh ta rằng anh có thể coi Chúa như cha và coi Phật như thầy.
Mỗi tôn giáo có đặc điểm riêng và đều có cái hay. Không tôn giáo nào thay thế tôn giáo nào được. Con người cũng vậy, không ai giống ai. Một tôn giáo không thể đáp ứng được nhu cầu tâm linh của tất mọi người, cho nên cần phải có nhiều tôn giáo để ai cũng có thể được lợi lạc. Một tôn giáo không phù hợp với mình không có nghĩa là nó vô ích, mà nó có thể đem lại lợi lạc cho rất nhiều người khác. Cho nên chúng ta cần phải tôn trọng tất cả các tín ngưỡng.
Có một điều chúng ta không thể phủ nhận là, ngoài khía cạnh lợi lạc, sự xung đột giữa các tôn giáo vẫn là vấn đề nhức nhói, gây ra không ít đau khổ cho con người từ xưa đến nay. Gần đây tôi thấy trên mạng có hiện tượng một số tín đồ của các tôn giáo tuyên bố mình từ Đạo này cải đạo sang Đạo khác, rồi dùng lời lẽ để xuyên tạc tôn giáo khác và ca ngợi, tuyên truyền cho tôn giáo của mình. Đây là việc làm rất ngây thơ (vì thật ra không ai tin) nhưng thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với tôn giáo bạn, gây tổn thương và mất hòa khí giữa các tôn giáo với nhau. Mụch đích ra đời của tôn giáo là đem lại hạnh phúc cho chúng sinh. Ngày nay đạo đức của con người ngày càng suy thoái, trong khi sân si, hận thù ngày càng gia tăng mãnh liệt. Các tôn giáo cần phải làm tấm gương tốt cho đời, cùng nhau xây dựng cuộc đời ngày càng tốt đẹp. Đó mới là ý nghĩa chân chính của tôn giáo. Tôi là một tu sĩ Phật giáo, nhưng tôi chưa bao giờ, dù là trong ý nghĩ, nói xấu hay muốn lôi kéo tín đồ của tôn giáo khác về đạo Phật. Bởi vì những lý do trên và vì tôi hiểu rằng không có ai muốn mất tín đồ. Tôi muốn Phật giáo phát triển nhưng tôi cũng sẽ rất đau buồn nếu thấy các tôn giáo bạn ngày càng có ít tín đồ. Vậy nên, thay vì chống báng nhau, chúng ta nên tôn trọng nhau, cũng như tôn trọng sự lựa chọn của cá nhân, miễn là mọi người đều biết làm thiện, đều được an lạc và hạnh phúc.
Để đóng lại bài viết này, tôi xin trích dẫn lời của bậc thầy tâm linh vĩ đại của Tây Tạng, đức Dalai Lama, rằng: “Tôn giáo thật sự chính là tôn giáo trong tâm con người, chứ không phải trong các đền thờ. Vì thế nếu người ta thực hành tôn giáo một cách đúng nghĩa, tức là tôn giáo trong trái tim thì sự xung đột giữa các tôn giáo sẽ không xãy ra. Nhưng nếu người ta giữ tôn giáo trong những đền thờ thì khi đó sự xung đột bắt đầu. Có lẽ đến một đến một lúc nào đó chúng ta sẽ phải phá bỏ đền thờ để mà bảo vệ tôn giáo”. [5]
[1] Naik, Ambedkar’s Perspective on Buddhism and other Religions, op. cit., p. 306.
[2] Mungekar, “Dr. Ambedkar’s Interpretation of Buddhism and Its Contemporary Relevance,” in Mungekar, Ambedkar’s Approach to Buddhism, Towards a Socio-Cultural and Democratic Revolution, New Delhi: Northern Book Centre, 2010, p. 62.
[3] Karunyakara, Lella, Modernization of Buddhism, Contributions of Ambedkar and Dalai Lama XIV, New Delhi: Gyan Publishing House, 2002.
[5] Tibetan Review, New Delhi January, 1972, p. 14
Discussion about this post