PHẬT Ở TRONG MỖI CHÚNG TA
Bài giảng pháp của Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII trong lễ quán đỉnh Shithro 100 bản tôn hiền hòa và phẫn nộ
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa ban quán đỉnh cộng đồng pháp
tu Shithro hay quán đỉnh 100 Bản tôn hiền hòa và phẫn nộ vào hai ngày 23
và ngày 24/7/2011 tại Nyoma. Ngày đầu tiên, ngài bắt đầu lễ quán đỉnh
bằng khóa lễ cầu nguyện giúp tịnh hóa cho những người thọ nhận quán
đỉnh trước khi thực sự đón nhận quán đỉnh vào ngày hôm sau. Nếu một chiếc
bình dùng để chứa đựng nước cam lồ giáo Pháp không thanh tịnh, nước trong
bình sẽ bị nhiễm ô, bởi thế, khóa lễ cầu nguyện chuẩn bị trước mỗi đàn lễ
quán đỉnh rất quan trọng.
Như thường lệ, Đức Pháp Vương đã có một bài giảng pháp ngắn
trong khoảng giữa các thời khóa cầu nguyện để chúng ta có thể hiểu được ý
nghĩa của giáo Pháp, giúp tâm chúng ta chín muồi và sẵn sàng đón nhận quán
đỉnh. Dưới đây là phần trình bày tóm lược những huấn từ của đức Pháp Vương
trên vùng đất Ladakh thuần tịnh:
“Phật”
không phải là một bức tượng. “Phật” có nghĩa là “giác ngộ”. Chư Phật và chư Bồ
tát có thể hiện thân trên thế gian trong hình tướng nam hay nữ với các trạng
thái hiền hòa hay phẫn nộ khác nhau. Thông thường hình ảnh của chư Phật và chư
Bồ tát có hình thái hiền hòa và rất hiếm khi chúng ta gặp chư Phật và chư Bồ
tát hiện tướng phẫn nộ. Tuy nhiên, dù hiền hòa hay phẫn nộ các ngài đều
giác ngộ như nhau.
Chư
Phật dù hiện thân trong hình tướng hiền hòa hay phẫn nộ đều không phải ở
ngoài mà ở trong chính bạn. Hầu như tất cả mọi lúc, chúng ta đều tìm kiếm Phật
hay giác ngộ ở bên ngoài nhưng thực sự thì chúng ta nên quay về tìm kiếm trong
chính chúng ta.
Ngay
khi tam độc hay ngũ độc (tham, sân, si, ganh tỵ, kiêu mạn) được tịnh hóa và bản
chất tự nhiên của chúng được nhận ra, chúng thực ra chính là những phẩm tính
giác ngộ. Có một sự khác biệt nhỏ giữa giác ngộ và luân hồi, giống như 2 mặt
của một đồng xu. Nếu bạn nhận ra và thấu rõ ngũ độc, bạn đạt tới giác ngộ. Nếu
không, chẳng hạn, nếu bạn vẫn còn coi trọng những cảm xúc tiêu cực phát khởi
trong tâm mình như sân giận …, bạn sẽ vẫn còn trầm chìm trong luân hồi.
Có
rất nhiều kinh văn, luận giảng, cách giải thích khác nhau của các bậc
thầy; một số bài pháp ngắn hơn, một số bài pháp khác lại dài hơn,
nhưng rốt ráo thì Shithro đều giống nhau. Phật ở trong chính bạn.
Việc
Phật hay sự giác ngộ ở gần hay xa bạn, tất cả đều phụ thuộc vào bạn. Nếu bạn
không nhận ra thì Phật tính sẽ ở rất xa, còn nếu bạn nhận ra thì nó ở rất gần.
Hôm
nay chúng ta bắt đầu lễ quán đỉnh Shithro. “Quán đỉnh” hay “wang” trong tiếng
Tạng mang ý nghĩa là sự cho phép được thực hành. Bởi vậy, ngay khi bạn nhận
được sự cho phép, bạn nên thực hành Pháp ngay lập tức. Đôi khi, ngay cả khi
bạn hiểu rằng “wang” nghĩa là sự cho phép được thực hành, nhưng hàng tháng hay
hàng năm sau khi nhận quán đỉnh, bạn vẫn không thực hành Pháp. Bạn thấy rằng
bạn có thể đợi tới khi mình già hơn để thực hành Pháp. Đó là kế hoạch của bạn.
Điều đó có nghĩa rằng bạn tự tin rằng mình sẽ sống lâu tới mức đó. Sự thật là,
bạn có thể chỉ sống thêm được 1 hay 2 ngày nữa. Bởi vậy, thời điểm sau khi bạn
thọ nhận quán đỉnh, bạn nên thực hành ngay lập tức. Nếu bạn thực hành pháp khi
đã về già, sẽ khó có cơ hội để bạn thay đổi và cải thiện.
Sau
khi thọ nhận giáo Pháp, một vài người luôn nghĩ rằng “Tôi sẽ cố gắng thực
hành”. Họ nghĩ như vậy trong vòng 20 năm mà không thực hành gì cả và 20 năm
tiếp theo, họ vẫn tiếp tục không thực hành Pháp. Cuối cùng thì, vào thời điểm
cuối của 20 năm tiếp theo, với 60 năm chờ đợi, họ đã quá già để thực hành Pháp.
Bởi vậy, bạn thậm chí không nên chờ thậm chí là một giây để thực hành tâm linh hay thực hành Phật pháp.
Chúng
ta nghĩ rằng chúng ta có thể nhìn thấy tương lai: Trong 5 năm, con của tôi sẽ
lớn và tôi sẽ có thời gian để thực hành Pháp. Đó là kế hoạch của chúng ta.
Nhưng hầu như các kế hoạch của chúng ta không bao giờ đúng như những gì ta mong
đợi cả. Tốt hơn là không nên tin vào những kế hoạch mà bạn đang vạch ra vì hầu
hết cuộc sống của chúng ta đều không bao giờ diễn ra như chúng ta dự định.
Khi
bạn 60, 70 hay 80 tuổi, lúc đó thì đã quá muộn cho bạn để nhận ra rằng mình cần
thực hành Pháp. Thậm chí nếu bạn thử, bạn cũng không thể làm được. Bạn chỉ có
thể hối hận rằng mình đã không tận dụng cơ hội để thực hành khi bạn có. Và sau
đó, với sự hối hận ấy, dù bạn có thích hay không, bạn vẫn phải chết. Vào thời
điểm bạn chết, tất cả của cải, danh vọng, tài sản, gia đình, họ hàng và những
người bạn yêu thương sẽ thoảng qua tâm trí bạn như một ánh chớp nhưng sẽ chả có
ích gì, thứ duy nhất hữu ích mà bạn có thể mang theo mình là Pháp, thứ mà bạn
đã không thực hành khi mình đang còn sống. Như vậy, bạn sẽ rời bỏ cuộc sống này
với bàn tay trắng.
Đó
là lý do chúng ta cần phải thực hành Pháp. Ngay khi bạn hiểu được điều gì
đó, bạn nên thực hành ngay. Việc những hiểu biết của bạn dựa trên nền tảng
của Mật giáo hay Hiển giáo không quan trọng, điều quan trọng là bạn phải đưa
hiểu biết về Pháp của mình vào thực hành. Việc thực hành chính trong Phật pháp
là thay đổi và điều phục những tư tưởng hoang dã và không ngừng nghỉ của chính
bạn. Tất cả những lời dạy khác nhau trong Tiểu thừa, Đại thừa và Kim cương thừa
đều chỉ cho chúng ta những phương pháp khác nhau để phát triển, chuyển hóa và
cải thiện tâm bạn.
Trong
tiếng Tạng, Pháp được được hiểu là Chos, tu có nghĩa là “sửa”. Trong tiếng
Tây Tạng cổ, người ta thường ám chỉ Chos với hàm ý “sửa” được áp dụng thậm
chí cho cả những điều trong cuộc sống thế tục. Ngày nay, Chos là từ thông
dụng để chỉ cho Pháp, với ý nghĩa là tu sửa hay rèn luyện tâm.
Ví
dụ như, nếu bạn có một chiếc ô tô hay một ngôi nhà rất đẹp và mới khi bạn mua
nó, nhưng nếu bạn tiếp tục sử dụng chiếc xe mà không bảo dưỡng, nó sẽ càng ngày
càng yếu đi. Để nó hoạt động tốt, bạn cần thỉnh thoảng cần kiểm tra phanh, dầu
và máy của xe. Tâm chúng ta cũng vậy. Chúng ta cần soi chiếu tâm mình hàng
ngày.
Thông
thường, chúng ta quan tâm rất nhiều tới thân thể vật lý của chúng ta. Chúng ta
cho nó mặc nhiều loại quần áo mỗi ngày, dù là ban ngày hay ban đêm. Nhưng
chúng ta lại không quan tâm gì đến tâm chúng ta cả.
Chắc
bạn hẳn biết về “xưởng sửa chữa”. Rất nhiều người trong số các bạn có xe ô
tô. Tất nhiên là bạn biết xưởng sửa chữa của mình ở đâu, vì khi xe của bạn
hỏng, bạn cần biết chỗ sửa chữa để đưa xe mình đến sửa chữa và bảo dưỡng. Tương
tự vậy, để sửa chữa hay bảo dưỡng tâm mình, bạn cần tiếp tục thực hành Pháp.
Nếu bạn không nỗ lực để bảo dưỡng xe, thì kể cả khi nhìn nó có vẻ đẹp đẽ và đắt
tiền, nó cũng sẽ không hoạt động được. Điều này cũng như tâm thức chúng ta.
Nếu chúng ta không sửa chữa hay soi chiếu tâm mình liên tục, nó sẽ trở nên ngày
càng tệ hơn cho tới khi chúng ta không thể kiểm soát nổi nó nữa.
Việc
thực hành pháp cũng giống như xưởng sửa chữa, nó giúp chúng ta giảm thiểu tam
độc hay ngũ độc. Thực hành Pháp không chỉ là đến chùa và tụng niệm. Đó chỉ là
một phần của thực hành Phật pháp.
Thông
thường, khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta quy y Tam bảo (Phật, Pháp,Tăng) và
nguyện cầu cho chúng ta thoát khỏi khổ đau. Chúng ta có thể đến các chùa khác
nhau và tham gia vào các nghi thức khác nhau. Nhưng điều cốt yếu vẫn là quán
sát tâm mình.
Đức
Phật dạy rằng: “Không làm những điều ác, làm hết những việc lành” (Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành). Thực
hiện hai điều này sẽ giúp bạn điều phục được tâm. Dần dần, bạn sẽ thấy tâm
mình được cải thiện. Điều này có nghĩa là việc thực hành Pháp đang mang lại kết
quả tích cực.
Quán
đỉnh Shithro là pháp tu của Đại thừa. Có rất nhiều thừa khác nhau như Tiểu
thừa, Đại thừa và Kim cương thừa, nhưng thông thường chúng ta chia làm hai
thừa chính là Tiểu thừa và Đại thừa. ‘Yana’ tiếng Phạn hay ‘thedpa’
trong tiếng Tạng có nghĩa là “thừa”, phương tiện hay cỗ xe chuyên chở.
Một số cỗ xe to hơn, một số khác thì nhỏ hơn. Nhưng điều đó không liên quan
đến kích thước vật lý của nó, mà liên quan đến tâm của chúng ta lớn như thế
nào. Một số người có thể đưa tất cả chúng sinh hữu tình trong cả vũ trụ vào
trong sự thực hành của mình; khi đó, họ đang thực hành Đại thừa. Maha – Đại có
nghĩa là lớn và yana có nghĩa là “cỗ xe”. Một số người khác chỉ có thể thực
hành cho bản thân mình, có nghĩa là họ đang thực hành Tiểu thừa hay đi trên cỗ
xe nhỏ hơn.
Ví
dụ, có một người rất giàu nhưng anh ta lại rất keo kiệt. Anh ta chỉ muốn ăn 2
bữa một ngày, điều này không có nghĩa là anh ta đang theo lời dạy của Đức Phật
không ăn phi thời (ăn quá trưa), anh ta chỉ đơn giản là quá keo kiệt và hay
tính toán. Trong nhà của mình, anh ta có đủ các loại đĩa vàng, các đồ trang
hoàng bằng vàng, mọi thứ đều bằng vàng, nhưng chiếc tủ lạnh của anh ta thì lại
rỗng không. Nếu chiếc tủ lạnh trống không thì giàu có mang lại lợi ích gì. Tài
bảo cần được dùng để làm những việc tốt và tích lũy các thiện nghiệp.
Hôm nay là sự chuẩn bị cho ngày mai. Sau buổi thực hành tịnh
hóa ngày hôm nay, bạn sẽ sẵn sàng để đón nhận giáo Pháp và quán đỉnh vào ngày
mai.
Discussion about this post