PHẬT GIÁO
MỘT BẬC ĐẠO SƯ, NHIỀU TRUYỀN THỐNG
Đức Đạt Lai Lạt Ma 14th & Ni Sư Thubten Chodron
Ni Sư Thích Nữ Giới Hương & Tỳ Kheo Thích Đạo Tỉnh chuyển ngữ
Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác Thích Như Điển cố vấn, kiểm duyệt và hiệu đính
Prajna Upadesa Foundation Publication Gratis for the Vietnamese sangha and the community with granted permission from Wisdom Publications © Boston – Publication 2019
Vietnamese translation © Prajna Upadesa Foundation.
Bìa Trình Bày: Meghan Walsh. Hình bìa sau: Kinkakuji, Kyoto, Nhật
Xuất bản lần thứ nhất. Mùa an cư kiết hạ 2019
LỜI GIỚI THIỆU
của Tỳ Kheo Thích Đạo Tỉnh
Nguồn gốc của đạo Phật vốn không chia Nam tông hay Bắc Tông; sự phân chia bắt nguồn từ những diễn biến của lịch sử và sự truyền bá Phật pháp qua nhiều truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, và quốc độ khác nhau. Những lời dạy về đạo đức và trí tuệ của Ngài Đạt Lai Lạt Ma rất đặc sắc và thực tiễn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, loại bỏ các yếu tố thần quyền và huyền thoại. Đạo Phật khởi nguồi từ Ấn Độ, nhưng sự suy tàn Phật giáo trên đất Phật tại Ấn Độ cũng là mối quan tâm đáng kể của các Phật tử khắp năm Châu. Quyển sách này cố gắng tháo gỡ những nút thắt từ nhiều truyền thống của Đạo Phật không ngoài mục đích tạo nên một nhịp cầu kết nối những người con tinh thần của Đức Thế Tôn trên toàn thế giới xích lại gần nhau trong tinh thần lục hòa để chung sức gìn giữ và duy trì mạng mạch Phật pháp được trường tồn mãi ở thế gian.
Với niềm tin rằng quyển sách này sẽ cung cấp đến quý độc giả xa gần một cái nhìn tổng thể về lịch sử truyền bá của Đạo Phật. Những lời dạy của Đức Phật và chư vị Tổ sư trong cuốn sách nhỏ này có thể hữu ích cả cho những người mới bắt đầu tìm hiểu Phật giáo cũng như những hành giả đã dày kinh nghiệm tu tập. Nhằm giúp quý Phật tử Việt nam có một cái nhìn đúng với lẽ thật hơn về sự phát triển của Phật giáo trong thế giới ngày nay, và có thể đạt được một sự hiểu biết tận ngọn nguồn những truyền thống Phật giáo từ nhiều nước và văn hóa khác nhau mà chúng ta sẽ gặp trong cuộc sống của thế giới hiện đại.
Là những Phật tử thời nay, chúng ta cần thiết mở lòng học hỏi và tôn trọng những truyền thống đạo Phật này. Tất cả chúng ta là những người con của Đức Phật Thích Ca đồng nghĩa chúng ta là những anh em cùng một Người Cha khả kính; chính vì thế, mỗi người con Phật phải nên hiểu nhau hơn, đùm bọc lẫn nhau để cùng nhau xiển dương và thực hành những lời dạy cao quý của Đức Từ Phụ nhằm giúp chính bản thân mình và mọi người bớt khổ được an vui trong hiện đời này và nhiều đời sau.
Mùa Đông 2018
Tỳ Kheo Thích Đạo Tỉnh,
Thiền Viện Trúc Lâm Bảo Chí, Georgia U.S.A
LỜI CẢM TẠ
của ban biên tập Prajna Upadesa Foundation
PHẬT GIÁO, Một Bậc Đạo Sư, Nhiều Truyền Thống (ONE TEACHER, MANY TRADITIONS) được dịch bởi Ni Sư Giới Hương, trụ trì Chùa Hương Sen, California và Tỳ kheo Thích Đạo Tỉnh, trụ trì trì Thiền Viện Trúc Lâm Bảo Chí, Atlanta, GA.
Phần hiệu đính kiểm duyệt do Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác. Sách được tu bổ hiệu đính nhiều lần do Tỳ kheo Thích Đạo Tỉnh, trụ trì Thiền Viện Trúc Lâm Bảo Chí; tu bổ nghĩa từ Anh ngữ sang Việt ngữ do Suzan Đoàn. Trong thời gian hiệu đính đầu Hòa Thượng cho cố vấn, chỉ dạy để quyển sách được hoàn thiện.
Chúng con thành kính tri ơn Hòa Thượng đã giới thiệu Ni Sư Giới Hương, với khả năng Phạn ngữ (Sanskrit) và Pali, Ni Sư thật thích hợp để hợp tác hoàn tất cuốn sách: PHẬT GIÁO, Một Bậc Đạo Sư, Nhiều Truyền Thống này. Prajna Upadesa Foundation tri ân Hòa Thượng giúp chúng con hiệu đinh lời văn, và ý pháp để quyển sách “ Phật Giáo-Một Bậc Đạo Sư, Nhiều Truyền Thống” được xuất bản.
Xin thành kính tri ơn Ni Sư Giới Hương đã tận lực dịch nhanh để PHẬT GIÁO, Một Bậc Đạo Sư, Nhiều Truyền Thống được phát hành.
Kính xin cảm tạ Thầy Thích Đạo Tỉnh, đã tu chỉnh kỹ lưỡng những lỗi chính tả và lời văn mạch lạc để quyển sách này gần gũi với quý độc giả Việt Nam. Bản dịch này được hoàn hảo như hôm nay là nhờ sự lưu ý của Thầy.
Xin cảm tạ Thúy Đỗ, giúp nghiên cứu Sanskrit, Pali và hợp tác chung cho những chương đầu. Xin cảm tạ các Phật tử Thiền Viện Trúc Lâm Bảo Chí: Quách Cao Khánh pháp danh Tuệ Nhật – Melbourne, Australia; Diệp Cẩm Thu pháp danh
Chánh Hiếu Trung đã phụ giúp kiểm soát các lỗi chính tả và một vài thuật ngữ Phật học. Special thanks to Meghan Walsh for the design of the cover. Prajna Upadesa Foundation kính xin chia sẻ lời Đức Đalai Lama với cộng đồng người Việt. Xuất bản lần thứ nhất, 400 quyển, chúng con xin cúng dường đến tăng đoàn mùa an cư kiết hạ 2019, dưới sự hổ trợ và hướng dẫn của Hoà Thượng Thích Thái Siêu.
Quyển sách này cũng sẽ được lên những websites sau đây. www.quangduc.com www.thuvienhoasen.org www.prajnaupadesafoundation.net
Sau hết chúng con xin kính tạ ơn thánh Đức Đalai Lama đời thứ 14 đã đến với cộng đồng người Việt tại New York và Boston và cho chúng con cơ hội chia sẻ với cộng đồng lời giảng của Ngài qua bản dịch Việt ngữ này.
Xin hồi hướng đến tất cả chúng sinh, mong mọi chúng sanh sớm nhận ra Phật tánh của chính mình.
Suzan Doan,
Đại diện Prajna Upadesa Foundation
LỜI GIỚI THIỆU
“Xuất phát từ một nguồn phổ biến về lời dạy của Đức Phật lịch sử, truyền thống Nam tông, dựa trên các kinh điển tiếng Pāli, và các truyền thống Bắc tông ở Tây Tạng và Đông Á, chủ yếu dựa trên các kinh điển tiếng Phạn, tất cả đều phát triển có hệ thống các lý thuyết và thực hành đặc biệt theo tông phái của chính mình. Đây là những điểm ấn tượng trong nhận thức triết học về bản chất của thực tại và sự hiểu biết về những tiềm năng sâu xa trong tâm con người. Trong cuốn sách này, Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ni Sư Thubten Chodron, người Mỹ, cùng khám phá độc đáo những điểm chung và riêng giữa các truyền thống Phật giáo. Cuốn sách này sẽ vô cùng quý giá đối với những ai học Phật một cách cẩn thận với một sự hiểu biết sâu rộng về cách mà những truyền thống này đã mô tả những hướng đi tương ứng của họ về con đường giác ngộ. “
-Bhikkhu Bodhi, dịch giả của cuốn sách Lời Dạy của Đức Phật (In the Buddha’s Words)
“Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ni Sư Thubten Chodron đã hợp tác để tạo ra một tác phẩm hiện đại có giá trị để khám phá, minh họa và làm sáng tỏ các điểm chung đa dạng, tổng hợp, và phân kỳ trong những dòng lịch sử lớn của giáo lý, đặc biệt là giải thoát, sự phân tích này chưa được làm trước đó. Tác phẩm cũng cho thấy những giáo lý đạo đức sâu xa này có thể được sử dụng một cách uyển chuyển như thế nào trong kỷ nguyên hiện tại của chúng ta, để phục vụ nhân loại và lợi lạc chúng sinh trong cả cộng đồng Phật giáo và vượt xa hơn thế nữa. Đây là một sự dâng tặng đúng thời, đầy thích thú và sáng suốt. “
-Jon Kabat-Zinn, tác giả của Cuộc Sống đầy Thảm Họa (Full Catastrophe Living)
“Phật Giáo: Một Bậc Đạo Sư, Nhiều Truyền Thống giống như một chiếc cầu khéo xây trên một dòng sông sâu tuyệt đẹp. Nhiều người từ mọi truyền thống sẽ có thể tìm thấy quan điểm rõ ràng của Phật giáo và cảnh quan phong phú bao la mà những giáo lý đó đã nuôi dưỡng. Tinh thần tôn trọng và hòa hợp được thể hiện trong cuốn sách thâm sâu này thật là tuyệt vời. “
-Sharon Salzberg, tác giả của cuốn Hạnh Phúc Chân Thật (Real Happiness)
“Đây là một cuộc khảo sát vô giá về các nền văn minh Phật giáo với lịch sử lâu đời, nền tảng triết học, nguyên lý đạo đức, các bài tập thiền, và mục tiêu đạt được – tất cả đều được giải thích trong một tập sách. Một món quà quý giá cho tất cả những ai yêu Phật pháp. “
-Tulku Thondup, đồng tác giả của cuốn Độ sanh Vô biên (Boundless Healing)
“Giờ đây, mọi người trên khắp thế giới đều có khả năng truy cập tất cả các truyền thống của Phật giáo, một số lượng ngày càng tăng của các Phật tử cảm thấy như mình đang bị cuốn hút vào các lý thuyết và thực hành từ nhiều truyền thống khác nhau. Điều này khiển cho quyển sách trở nên có giá trị đặc biệt, vì cuốn sách so sánh chính xác và rõ ràng giữa các trường phái Phật giáo dựa trên tiếng Pāli và Phạn, cho thấy nền tảng chung và sự khác biệt đáng kể trong việc diễn giải các chủ đề chính của phương pháp giải thoát. Tôi rất muốn giới thiệu cuốn sách này cho những ai đang tìm hiểu toàn cầu hơn về các truyền thống Phật giáo, tất cả sẽ lấy được năng lực từ Một bậc Đạo sư, Thích Ca Mâu Ni Phật. “
-B. Alan Wallace, tác giả của cuốn Sự Tiến Hóa (The Attention Revolution)
MỤC LỤC
Lời giới thiệu của Tỳ kheo Thích Đạo Tỉnh 3
Lời cảm tạ của ban biên tập 5
Lời giới thiệu của Bhante Gunaratana 8
Lời tựa của Đức Đạt Lai Lạt Ma 21
Lời đầu của Ni sư Thubten Chodron 25
1. NGUỒN GỐC VÀ TRUYỀN BÁ GIÁO LÝ ĐỨC PHẬT
Cuộc đời của Đức Phật 30
Kinh Điển Phật Giáo và Sự Truyền Bá Giáo Pháp 31
Truyền thống Pāli 35
Phật giáo Trung Quốc 38
Phật Giáo Tây Tạng 45
Tương đồng và Khác biệt 50
2. QUY Y TAM BẢO
Tam Bảo 55
Đức Tánh của Như Lai 58
Tam Bảo: Truyền thống Pāli 64
Tam Bảo: Truyền thống Sanskrit 70
Giác ngộ, Niết bàn và Toàn tri 74
Quy y và Trì giữ Pháp Quy Y đúng cách 80
3. MƯỜI SÁU THUỘC TÍNH CỬA TỨ ĐẾ
Truyền thống Phạn ngữ 84
Truyền thống Pāli 99
4. GIỚI
Tầm quan trọng của Giới 116
Biệt giải thoát 118
Tại sao lại là sống độc thân 123
Các trường phái Luật 125
Giá trị của tăng già 132
Tu viện Tây Tạng và Truyền thống khác 140
Thử thách cho các Tăng sĩ Phương Tây 142
Người nữ được thọ Cụ túc giới 143
Lời khuyên cho Bậc xuất gia 146
Niềm vui trong Giới luật 148
Bồ Tát và các Giới Mật tông (Tantric) 150
5. ĐỊNH
Tầm quan trọng của thiền định 152
Các cảnh giới hiện hữu và các phạm vi thuộc ý thức 154
Truyền thống Pāli 155
Năm triền cái và năm thiền chi 160
Tứ Thiền 164
Tứ Không 172
Tám giải thoát 174
Thần thông 176
Truyền thống Phạn 183
Tư thế và đối tượng thiền 185
Năm lỗi lầm và Tám Hạnh Đoạn 190
Chín giai đoạn duy trì sự tác ý 194
Thiền chỉ và thiền chứng 197
Phật giáo Trung Quốc 201
6. TRÍ TUỆ: BA MƯƠI BẢY PHẨM TRỢ ĐẠO
Ba mươi bảy phẩm trợ đạo 204
Tứ Niệm Xứ 206
Quán Niệm Thân 209
Thọ 213 Tâm 216
Pháp 220
Tứ Niệm Xứ cho các bậc Bồ tát 223
Tứ Chánh Cần 224
Tứ Như Ý Túc 224
Năm Căn và Năm Lực 226
Thất Giác Chi 229
Bát Chánh Đạo 231
Tục đế và Chân đế của Ba mươi bảy Phẩm trợ đạo 232
7. NGÃ VÀ LÝ KHÔNG
Truyền thống Pāli: Tự Ngã và Các Uẩn 234
Trung Quán Luận: Đối tượng phủ định 235
Bảy điểm phủ định 240
Sáu Đại không phải là Tự Ngã 243
Phủ định bốn Cực đoan về Duyên Khởi 253
Vô Ngã và Không Thật 265
Lý Tánh Không 268
Cái gì tạo ra Nghiệp? 271
8. LÝ DUYÊN KHỞI
Mười hai nhân duyên 274
Dòng liên kết của các Khoen 284
Lợi ích của thiền quán về Mười hai Khoen Nhân duyên 292
Truyền thống Phạn: Lý Duyên Khởi 293
Lý Nhân Duyên 295
Mối Tương quan Tương duyên 296
Chỉ là Giả danh 298
Sự Tương Hợp của Tánh Không và Lý Duyên Khởi 300
Truyền thống Pāli: Thuật ngữ, Khái niệm và Quy ước 303
9. SỰ HÒA HỢP CỦA THIỀN CHỈ VÀ THIỀN QUÁN
Truyền Thống Pāli 307
Truyền Thống Phạn 310
Phật giáo Trung Quốc 314
10. TIẾN TU
Truyền thống Pāli: Thanh tịnh và Kiến tri 319
Truyền thống Phạn: Năm Đạo và Thập địa Bồ tát 325
Sự khác nhau giữa ba thừa 329
Truyền thống Phạn: Niết bàn 331
Truyền thống Pāli: Niết bàn 334
11. TỨ VÔ LƯỢNG TÂM
Truyền thống Pāli 339
Từ 342
Bi 350
Hỉ 351
Xả 352
Tứ vô lượng tâm và Trí quán 353
Những Chướng ngại gần và xa 355
Truyền thống Phạn 356
12. BỒ ĐỀ TÂM
Phật giáo Tây Tạng 361
Hạnh Buông xả 363
Bảy Nhân Quả 364
Bình đẳng giữa Ta và Người 366
Tự Lợi, Tự Tin, Tự Tôn và Tự Ngã 371
Phát Bồ đề tâm 374
Phật giáo Trung Quốc 375
Bốn Hoằng Thệ Nguyện 380
Phát Bồ đề tâm 383
Truyền thống Pāli: Bồ đề tâm và Bồ tát 385
13. BỒ TÁT TU TẬP CÁC BA-LA-MẬT
Truyền thống Phạn 394
Truyền thống Pali 397
Bố Thí Ba-La-Mật 402
Giới Ba-La-Mật 406
Nhẫn Nhục 409
Tinh Tấn 414
Thiền Định 417
Trí Tuệ 419
Nguyện Ba-La-Mật 422
Phương Tiện Thiện Xảo 424
Chân Thật, Từ Bi & Tâm 426
Tứ Nhiếp Pháp 427
14. KHẢ NĂNG GIÁC NGỘ VÀ PHẬT TÁNH
Có thể giải thoát được không? 431
Truyền thống Pāli: Tâm quang minh 435
Trường Phái Du Già: Phật Tánh 436
Trường phái Trung quán: Phật Tánh 437
Mật thừa: Phật tánh 441
Thiền: Phật tánh, Bồ đề tâm, và Như thị 442
Như Lai tạng 444
15. MẬT TÔNG Các vị Thần Mật Tông 451
Nhập Kim Cang Thừa 453
Diệu Dụng của Mật giáo Du Già cao nhất 454
16. KẾT LUẬN 458
LỜI GIỚI THIỆU
của Hòa Thượng Trụ Trì Henepola Gunaratana
Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi cùng hợp tác từ rất lâu. Ngài được xác định là nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng từ khi còn là một đứa trẻ mới biết đi, không lâu trước khi tôi ở tuổi mười hai đã trở thành một tăng sĩ theo truyền thống Phật giáo Nam Tông ở quê hương Tích Lan của tôi. Nhân duyên đến cho mỗi chúng tôi cùng khoảng thời gian giống nhau để bắt đầu cuộc hành trình để duy trì và chia sẻ tri tuệ của Đức Phật. Lần đầu tiên tôi gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Ấn Độ vào năm 1956 tại thánh địa Phật giáo Sanchi. Ngài đang thực hiện một trong những chuyến hành hương đầu tiên ở hải ngoại, ba năm trước khi bị buộc phải trốn khỏi Tây Tạng. Chúng tôi đã không gặp lại nhau cho đến khi Hội Nghị Tôn Giáo trên Thế giới năm 1993 ở Chicago. Mặc dù không thường gặp ngài, tôi vẫn cảm thấy có mối liên kết nội tâm với ngài bởi vì trí tuệ và bình đẳng chia sẻ Phật pháp của ngài. Vì vậy, với sự ngưỡng mộ trước trí tuệ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi hân hạnh góp vài lời đầu ở cuốn sách về Truyền thống Phật giáo của Đức Đạt Lai Lạt Ma và Ni Sư Thubten Chodron.
Con người ngày nay nói chung tâm mở rộng hơn những người sống trước đây. Mặc dù thế giới không phải là không có xung đột, nhưng có một xu hướng thống nhất đang nổi lên khi chúng ta muốn kết nối giữa kinh tế và văn hóa. Với xu hướng hiện nay, sự thống nhất Phật giáo đã không đề cập đến nhiều. Phật giáo Nam Tông đã có thời gian lâu dài gặp gỡ các Phật tử truyền thống khác, nhưng một khi cuộc gặp mặt kết thúc, chúng ta đi theo những truyền thống riêng của mình và không có gì xảy ra.
Những cuốn sách hay về các truyền thống khác nhau cho thấy những điểm chung của chúng ta, nhưng một cách lịch sự chỉ nói ít về sự khác biệt thôi. Chúng ta không cần phải coi đó là bất lịch sự khi chỉ ra sự khác nhau. Không chỉ có sự khác biệt về giáo lý giữa các truyền thống Phật giáo, mà ngay cả văn hoá thực tiễn giữa các quốc gia cũng khác nhau. Ngay cả trong một đất nước, thực tiễn Phật giáo có thể khác nhau giữa các khu vực hoặc giữa các nhóm. Trực tâm khảo sát một cách khoa học các truyền thống là một dấu hiệu lành mạnh về sức mạnh và chân thành của chúng ta. Không có gì ẩn giấu trong lời dạy của Đức Phật. Công việc hiện tại là kiểm tra một cách trung thực và có hệ thống về sự chồng chéo lớn giữa truyền thống Phật giáo Pāli và Phạn, đồng thời nên thảo luận nhiều cách về giáo lý đa dạng.
Tuy nhiên, mặc dù việc thảo luận công khai về sự khác biệt là đáng khen, nhưng nếu tập trung vào việc loại bỏ di sản chung của các truyền thống cũng là một sai lầm. Cả hai truyền thống Pāli và Sanskrit đã có những nỗ lực lớn để mang lại hòa bình cho thế giới thông qua việc bảo vệ chân thành các giáo lý của Đức Phật. Rất hiếm hoi, ở một trong hai truyền thống, để tìm ra bất kỳ lời kêu gọi bạo lực nào để dẫn dụ một truyền thống này sang truyền thống kia. Vì vậy, chính trị tôn giáo hoàn toàn xa lạ với lời dạy của Đức Phật, nhưng đáng buồn là một số Phật tử không thực hành những gì mà tôn giáo của họ đã dạy. Nhiệt tình “thật sự” ủng hộ Pháp đôi khi rất mạnh mẽ đến mức sự hướng dẫn rất cơ bản của Đức Phật về giảng Pháp bất bạo lực lại bị bỏ qua.
Về điểm này, Kinh Dụ Ngôn Người Bắt Rắn (MN 22) là khá thích hợp. Trong kinh này, việc hiểu sai Pháp được so sánh với việc bắt một con rắn độc bằng đuôi của nó. Rắn sẽ cắn và gây chết hoặc bệnh tật nếu bắt không đúng cách, nhưng nếu bắt đúng cách, nọc độc rắn có thể được chiết xuất làm thuốc và con rắn thả ra mà không gây hại. Cũng vậy, chúng ta phải nắm được ý nghĩa của Pháp một cách chính xác và không chấp thủ. Sử dụng Pháp sai có thể hại tâm như con rắn độc có thể hại cơ thể, và ngộ độc tâm là nguy hiểm hơn nhiều.
Nếu chúng ta nắm được ý nghĩa của Pháp, chúng ta có thể trải nghiệm những gì được gọi là phép lạ của giáo pháp. Bởi vì vô minh quá mạnh và sâu sắc, Đức Phật lúc đầu tiên đã tự hỏi liệu ngài có thể giúp chúng sanh hiểu chánh pháp để thoát khỏi đau khổ. Tuy nhiên, khi ngài mới bắt đầu giảng dạy, và dùng trí tuệ, ngài đã chuyển hóa những người xấu những vị thánh, và kẻ giết người thành những người tạo ra hòa bình. Tiềm năng của sự chuyển hóa này là sức mạnh kỳ diệu của giáo pháp.
Để trải nghiệm phép lạ của sự giáo dục cho chính mình, chúng ta phải nhìn vào bên trong. Sự thật trong chúng ta mà chúng ta có thể trải nghiệm mọi lúc được gọi là pháp. Chính pháp này muốn chúng ta nói rằng, “Nếu bạn muốn thoát khỏi rắc rối, hãy nhìn tôi. Hãy chăm sóc tôi “. Pháp trong chúng ta nói chuyện với chúng ta liên tục, ngay cả khi chúng ta không lắng nghe. Chư Phật không cần phải đến với thế giới này để Pháp mới tồn tại. Các ngài đã nhận thức và hiểu được điều này và sau khi đã nhận ra pháp, các ngài phổ biến và khiến pháp được biết đến; nhưng cho dù pháp được giải nghĩa hay không, thì pháp vẫn ở trong chúng ta để được nhìn thấy và nghe đến, chúng ta chỉ cần lau bụi ở mắt chúng ta là có thể nhìn thấy pháp.
Chúng ta “đến để thấy” sự trải nghiệm của hòa bình khi tâm tham ái đã loại bỏ. Chúng ta “đến để thấy” sự trải nghiệm của hòa bình khi tâm hận thù đã loại bỏ. Chúng ta phải xây dựng thói quen”đến để thấy” những gì thực sự xảy ra bên trong chúng ta mà không chỉ ngón tay của chúng ta vào người khác. Chúng ta không duy trì và hoằng pháp vì lợi ích riêng của mình. Thay vào đó, chúng ta giữ gìn những lời dạy của Đức Phật truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi vì những lời dạy này làm giảm đau khổ và phát khởi hạnh phúc.
Khi chúng ta khảo sát các truyền thống lớn của Phật giáo, như cuốn sách hiện tại, chúng ta có thể thấy rằng các truyền thống đã góp phần tạo cho thế giới một bức tranh phong phú về văn hoá, xã hội và kiến thức tâm linh. Kiến thức đó mang lại những hiểu biết sâu sắc về tâm lý học, triết học, và sức khoẻ tinh thần. Nhận thức rộng rãi về điều này sẽ nuôi dưỡng sự thức tỉnh toàn cầu ngày nay về tầm quan trọng của thiền định. Một người không phải là Phật tử sẽ hưởng những lợi ích để đến thực hành thiền định.
Phật giáo dưới mọi hình thức sẽ thu hút sự chú ý của thế giới vì sự hiện diện hòa bình của nó với các tôn giáo khác. Theo thông điệp thiết yếu của Đức Phật, mỗi người trong chúng ta nên là sứ giả của hòa bình. Đây là mối quan hệ chung của chúng ta. Tôi mơ ước rằng cuốn sách này có thể giúp các Phật tử ở khắp nơi buông xả sự chấp thủ tri kiến của mình mà tham gia vào cuộc đối thoại chân thành với sự tôn trọng lẫn nhau và có thể giúp tất cả chúng sinh được trải nghiệm chân lý Phật Pháp đang ẩn trong đó. Khi lòng nhiệt tâm của chúng ta đối với Pháp được hướng dẫn bởi từ, bi, hỉ và xả, chúng ta sẽ trân trọng sứ mệnh hòa bình của Đức Phật.
Hòa Thượng Trụ Trì Henepola Gunaratana.
Nhà sáng lập Hội Bhāvanā Society High View, West Virginia
LỜI TỰA
của Đức Đạt Lai Lạt Ma
Với lòng từ bi, Đức Phật đã dạy Pháp và thành lập tăng đoàn, con đường giải thoát được hướng dẫn cho tất cả chúng sinh tu tập. Khi Phật pháp được lan truyền khắp các tiểu lục địa Ấn Độ, sau đó vào các nước khác và các truyền thống Phật giáo khác cũng bắt đầu xuất hiện. Trong thời cổ đại, thậm chí vào kỷ nguyên hiện đại, phương tiện vận chuyển và giao tiếp giữa những người từ những truyền thống khác nhau còn hạn chế. Trong khi một số có thể đã nghe về các truyền thống khác, không có cơ hội kiểm tra sự chính xác của thông tin đó. Vì vậy những quan niệm sai lầm cứ nảy sinh và tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Do sự cải thiện vận chuyển và giao tiếp trong thế kỷ 21, các đệ tử của Đức Phật có cơ hội để trực tiếp gặp nhau. Nhờ các bản dịch thuật mới, bây giờ chúng ta có thể đọc kinh sách thuộc các truyền thống khác và chú giải của các bậc đại sư. Vì những bản dịch có sẵn chỉ là một phần của tổng số kinh điển, và phần chính tiềm năng của các kinh điển và các luận là khá rộng, chúng tôi soạn ra một cuốn sách nhỏ này như một cây cầu để bắt đầu học hỏi lẫn nhau.
Tất cả người con Phật chúng ta đều có cùng một vị thầy, đức Phật. Thật là lợi ích cho tất cả, nếu chúng ta có mối liên hệ gần gũi với nhau hơn. Tôi đã may mắn gặp được nhiều nhà lãnh đạo liên tôn như Kitô giáo, Hồi giáo, Do Thái, Hindu, đạo Lõa thể, và Sikh, nhưng tôi có ít cơ hội gặp gỡ các vị thầy, thiền sư và các nhà lãnh đạo Phật giáo thuộc các truyền thống khác nhau. Hầu hết các bậc xuât gia và tại gia cư sĩ Tây Tạng đều biết rất ít về các truyền thống Phật giáo khác và tôi tin rằng những người theo các truyền thống khác cũng ít biết về Phật giáo đã được tu tập thế nào trong cộng đồng Tây Tạng. Nếu bậc đạo sư của chúng ta, đức Phật, đã đến hành tinh chúng ta ngày hôm nay, liệu ngài có vui với điều này? Tất cả chúng ta, những đứa trẻ tinh thần của Đức Phật, tuyên bố tình thương đối với bậc “cha mẹ” giống nhau, nhưng chúng ta lại ít có giao tiếp với các huynh đệ tỷ muội của mình.
Trong những năm gần đây may mắn điều này đã bắt đầu có thay đổi. Nhiều Phật tử từ châu Á và phương Tây đã đến Dharamsala, Ấn Độ, trung tâm của cộng đồng Tây Tạng lưu vong; một số tăng ni Tây Tạng cũng đã đến thăm Châu Á và phương Tây. Giao tiếp với các huynh đệ Nam tông (Theravāda) của chúng ta đã được thực hiện tối thiểu, nhưng một số vết nứt giữa tăng già từ hàng thế kỷ cũng bắt đầu xuất hiện ở đó. Ví dụ, hai nhà sư Miến Điện đang học tại một trường đại học ở Ấn Độ đã đến thăm tôi. Họ liên đới học hỏi về Phật giáo Tây Tạng để có thể mở rộng kiến thức về thế giới Phật giáo trong khi tiếp tục thực hành theo truyền thống của họ. Tôi ngưỡng mộ động cơ của họ, và tôi muốn khuyến khích các vị từ mọi truyền thống đến để học cùng nhau, để hiểu sâu hơn về sự bao la thâm sâu của Phật pháp. Điều này có thể giúp chúng ta nhận ra giá trị cao quý của Đức Phật như một bậc đạo sư có trí tuệ, từ bi, và biết sử dụng các phương tiện khéo léo để dẫn dắt chúng ta trên đường giác ngộ.
Mục đích chính của cuốn sách này là giúp chúng ta tìm hiểu thêm lẫn nhau. Tất cả Phật tử quy y Tam Bảo; giáo lý của chúng ta dựa trên bốn chân lý của bậc thánh (khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế), tam vô lậu học (giới, định, tuệ), và tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỉ và xả). Tất cả chúng ta tìm kiếm sự giải thoát khỏi luân hồi (saṃsāra), vòng tái sinh bị thúc đẩy bởi vô minh và ái nhiễm. Tìm hiểu về những điểm tương đồng và khác biệt sẽ giúp chúng ta gần gũi với nhau hơn.
Một mục đích khác của cuốn sách này là để loại bỏ những khái niện sai lầm lẫn nhau từ hàng thế kỷ. Một số hành giả Nam tông rằng các tu sĩ Tây Tạng không tuân theo giới luật đức vì họ là những người thực hành tantra, họ có quan hệ tình dục và uống rượu. Trong khi đó các học viên Tây Tạng nghĩ rằng truyền thống Nam tông thiếu giáo lý từ bi và đặc trưng của Nam tông là ích kỷ, chỉ giải thoát cho riêng mình. Giới phật giáo Trung Quốc thường nghĩ người Tây Tạng thực hiện phép thuật, trong khi người Tây Tạng tin rằng giới Phật tử Trung Quốc chủ yếu tu thiền. Tất cả những sai sót này đều dựa trên sự thiếu hiểu biết. Chúng tôi cung cấp cuốn sách này như là một bước để giảm bớt những quan niệm sai lầm này.
Bây giờ trong thế kỷ 21, Đông, Tây, Nam và Bắc đang nhích gần hơn. Chúng ta, tứ hải đều là huynh đệ phải có cách tiếp cận chặt chẽ hơn và trau dồi sự hiểu biết lẫn nhau. Điều này sẽ đem lại lợi ích cho chúng ta với tư cách từng cá nhân, sẽ giúp bảo tồn và truyền bá Phật pháp, và sẽ là một biểu tượng đẹp cho sự hòa hợp tôn giáo trên toàn thế giới.
Ngày 13 tháng 6 năm 2014
Bhikṣu Tenzin Gyatso (Đạt Lai Lạt Ma thứ 14)
LỜI ĐẦU
của Bhikṣuṇī Thubten Chodron
Cuốn sách thể hiện những điểm tương đồng và độc đáo của nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau có thể được tiếp cận từ bất kỳ quan điểm nào. Là Phật tử, chúng ta kính lễ Đức Phật, cúng dường, và sám hối cho những lỗi lầm của chúng ta. Chúng ta ngồi thiền, tụng kinh, nghiên cứu và lắng nghe lời dạy. Tất cả các cộng đồng của chúng ta có chùa, tu viện, tịnh thất, và trung tâm. Giải thích các điểm tương đồng hay dị biệt giữa các hoạt động bên ngoài này chắc chắn sẽ giúp hiểu biết lẫn nhau.
Tuy nhiên, cuốn sách này tập trung vào các giáo lý – mà chúng ta gọi là “truyền thống Pāli” và “truyền thống Phạn”. Đó là những thuật từ hợp lý và không nên hiểu là cả hai truyền thống đồng nhất với nhau. Cả hai truyền thống có nguồn gốc từ chính Đức Phật. Truyền thống tiếng Pāli là hậu duệ từ kinh luận thuộc phương ngữ Prakrit, cổ ngữ Sinhala và Pāli. Kinh điển Pāli hiện nay được tìm thấy chủ yếu ở Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cam-bốt, Lào, và một phần của Việt Nam và Bangladesh. Truyền thống tiếng Phạn là hậu duệ của các kinh luận bằng ngôn ngữ Prakrit, Sanskrit, Trung Á, Trung Quốc và Tây Tạng. Kinh điển tiếng Phạn hiện nay được tìm thấy chủ yếu ở Tây Tạng, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Nepal, vùng Hi-mã-lạp-sơn, Việt Nam, và một phần của Nga. Cả hai truyền thống đều có ở Malaysia, Singapore, Ấn Độ và ở các nước phương Tây và châu Phi.
Xuất phát từ một vị Thầy, Đức Phật, truyền thống Pāli và tiếng Phạn (Sanskrit) từng có những đặc điểm, những đóng góp và những điểm nhấn khác nhau. Ngoài ra, không có truyền thống nào là riêng rẽ. Chẳng hạn, Phật giáo Đông Á và Tây Tạng rất khác nhau, nhưng vì cả hai xuất phát từ một bản văn Phạn ngữ tương tự nhau và chia sẻ nhiều giáo lý giống nhau, nên chúng được bao gồm trong thuật từ: “truyền thống Phạn ngữ”.Các chủ đề trong cuốn sách này phần lớn mô tả từ một quan điểm phổ biến trong mỗi truyền thống.
Điều này có thể khác với cách thức một chi nhánh hoặc một vị thầy cá nhân tiếp cận một chủ đề. Trong một số trường hợp, chúng tôi phải chọn một tượng trưng trong nhiều chủ đề để đưa ra trong cuốn sách này. Ví dụ, trong chương về vô ngã (không có cái tôi), giữa tất cả các quan điểm trong truyền thống tiếng Phạn, chúng tôi đã giải thích quan điểm triết lý Trung quán cụ duyên (Prāsaṅgika Madhyamaka) như Đức Tông Khách Ba (Tsongkhapa) đã trình bày. Trong các trường hợp khác, chúng tôi đã giải thích một chủ đề – ví dụ như bồ đề tâm (bodhicitta) – theo cách trình bày của Tây Tạng và sau đó đưa ra các đặc điểm riêng biệt từ diễn giải của Trung Quốc.
Trong cả hai truyền thống, văn học Phật giáo rất phong phú và quyết định chọn đề tài nào bao gồm trong cuốn sách này là không dễ dàng. Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi có thể muốn đưa vào hoặc giải thích thêm về nhiều điểm nữa, nhưng cuốn sách đã trở nên quá dài. Chúng tôi xin lỗi vì không thể thảo luận quá rộng các quan điễm, các diễn dịch và tính thực tiễn trong mỗi truyền thống và xin bạn đọc kiên nhẫn nếu không có các chủ đề nào đó mà bạn xem là quan trọng. Những câu trích dẫn từ kinh điển, tựa đề và thuật ngữ mà chúng tôi muốn bao gồm cũng bị bỏ qua vì sách đã quá dày.
Nhiều độc giả của cuốn sách này chắc chắn đã học truyền thống Phật giáo của mình, cho nên khi đọc các luận mô tả, hoặc thậm chí các bản dịch từ các truyền thống khác thì một tư tưởng có thể nảy sinh, “Bản này là không chính xác.” Vào lúc này, xin nhớ rằng các truyền thống khác có thể sử dụng những thuật từ khác nhau để diễn đạt ý nghĩa giống như truyền thống của mình. Quán niệm những lợi ích phát sinh từ kiến thức đa dạng của Phật pháp.
Tập sách này được Đức Đạt Lai Lạt Ma biên soạn để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa các Phật tử trên toàn thế giới. Tôi cảm thấy rất may mắn vì ngài đã tin tưởng cho phép tôi thực hiện công việc lợi lạc nhất này. Đức Đạt Lai Lạt Ma đóng góp hầu hết cho các giáo lý truyền thống tiếng Phạn. Tôi đã biên soạn chúng lại từ các bài giảng cho quần chúng của ngài và các cuộc phỏng vấn cá nhân của ngài mà tôi biết trong nhiều năm. Những bản dịch này của ngài Geshe Lhakdor, Geshe Dorji Damdul và Geshe Thupten Jinpa và được ngài Geshe Dorji Damdul và Geshe Dadul Namgyal đã hiệu đính. Một số nguồn tài liệu của Phật giáo Trung Quốc là các bài viết của các bậc đạo sư Trung Hoa như Đại sư Hiền Thủ (Zongmi), Đại Sư Ấn Thuận (Yinshun), Hàn Sơn Đức Thanh (Hanshan Deqing), Thích Nhàn (Shixian), KiếtTạng(Jizang), Thái Hư (Taixu), và Mãn Ích Trí Húc (Ouyi Zhixu) và các cuộc phỏng vấn Bhikṣu Hậu Quảng (Houkuan), Bhikṣu Huệ Phương (Huifeng), Bhikṣu Đàm Ma Mật Đa (Dharmamitra), Bhikṣu Thiên Hồ (Jian-hu), Dr. Lưu Chân Quá (Lin Chen-kuo), và Tiến sĩ Vương Thành Trường (Wan Jing-chuang). Vì tôi đã được thọ giới tỳ kheo ni tại Đài Loan, tôi quen thuộc với truyền thống tiếng Hoa đó.
Đọc các bài kinh Pāli, các luận của Đại Sư Phật Âm (Buddhaghosa) và Đại sư Hộ Pháp (Dhammapāla), và các chú giải của các tác giả đương đại như Ledi Sayadaw, Ñāmamoli Thera, Nyanaponika Thera, Soma Thera, Tỳ Kheo Bồ Đề, và Tỳ Khưu Anālayo giúp tôi thấy được giá trị của truyền thống tiếng Pāli. Tôi đã nghiên cứu một loạt 123 bài giảng về Trung Bộ (Majjhima Nikāya) của Tỳ kheo Bồ Đề và ngài đã giúp tôi sáng tỏ rất nhiều thông tin.
Ngài cũng hiệu đính các phần tiếng Pāli của cuốn sách này. Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng khuyên tôi đến thăm và tu học ở Thái Lan và tôi đến trải nghiệm hai tuần tại một tu viện Thái Lan. Tiếng Pāli và Phạn có cùng ngôn ngữ nhưng không giống nhau. Bởi vì một số thuật ngữ, chẳng hạn như thiền định (meditative stabilization), thuật ngữ Pāli là jhāna, tiếng Phạn là dhyāna – đôi khi được sử dụng thay thế. Trong một số chương, tiêu đề của truyền thống tiếng Pāli và Phạn (Sanskrit) được trình bày riêng biệt, trong khi các chương khác chúng được trình bày trong song song. Bất cứ khi nào quan điểm của Pāli được đưa ra, sự đánh vần các thuật ngữ sẽ có trong Pāli, còn thuật ngữ Phạn ngữ sẽ bao gồm các cách viết dấu của tiếng Phạn. Khi hai từ trong dấu ngoặc đơn thì chữ thứ nhất là Pāli, kế tiếp là tiếng Phạn. Có khi chỉ có một thuật ngữ, hoặc từ này giống nhau trong cả hai ngôn ngữ, hoặc nó tương ứng với truyền thống của đoạn văn đang đề cập đó. Các thuật ngữ Pāli và Phạn thường được đưa ra trong dấu ngoặc đơn chỉ cho việc sử dụng từ này đầu tiên.
Khi các thuật ngữ Pāli và Sanskrit không được dịch ra, chỉ những từ dùng đầu tiên được in nghiêng. Tiếng Anh “bốn chân lý cao quý” đã được thay thế bằng một bản dịch chính xác hơn – “bốn chân lý của bậc thánh (āryas, ariyas)”, thường được viết tắt là “tứ đế”. Có nhiều thuật ngữ tiếng Anh mà các học giả theo truyền thống Pāli có thể thấy khác với những gì họ quen dùng. Vào lần xuất hiện đầu tiên của các thuật ngữ như vậy, tôi đã cố gắng dùng từ tiếng Anh quen thuộc hơn. Cũng có sự lựa chọn bản dịch của tiếng Phạn mà có thể chưa quen thuộc với một số độc giả. Điều này là không thể tránh khỏi, và tôi yêu cầu khoan dung của bạn.
Tất cả các sai sót, mâu thuẫn, và bất kỳ điểm nào có thể không phù hợp là do sự thiếu hiểu biết của một mình tôi, đây không phải là thiếu sót của Đức Đạt Lai Lạt Ma và xin hoan hỉ thứ lỗi cho tôi.
TRI ÂN
Con tôn kính Đức Phật, bậc đạo sư, ngài đã hướng dẫn cho chúng con những bài Pháp quý giá làm cho cuộc sống có ý nghĩa và đưa chúng con giải thoát khỏi khổ (duḥkha). Con cũng tỏ lòng tôn kính các bậc thầy thuộc nhiều truyền thống Phật giáo, vì nhờ các ngài mà Phật pháp còn được lưu truyền đến ngày nay. Ngoài ra, con cũng rất biết ơn sự trợ giúp của ngài Samdhong Rinpoche, Geshe Sonam Rinchen, Tiến sĩ Alexander Berzin, Traci Thrasher, các nhân viên trong văn phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, cộng đồng Tu Viện Sravasti, Tim McNeill và David Kittelstrom ở nhà in Wisdom Publications. Tất cả sự hiểu biết đều là nhân duyên, và các bậc trí tuệ cùng nhiều thiện hữu tri thức (kalyānamitras) khác đã từ bi làm cho tác phẩm hiện tại trở nên hoàn hảo hơn. Cuối cùng, con cũng xin kính ngưỡng mang ơn Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Bhikṣuṇī Thubten Chodron. Tu viện Sravasti, ngày 13 tháng 6 năm 2013
Phật Giáo Một Vị Đạo Sư Nhiều Truyền Thống
Discussion about this post