PHÁP ẤN PHẢI CÓ NIẾT BÀN
HT. Thích Nhất Hạnh
Điều thứ hai đại chúng được học là trong ba Pháp ấn của đạo Bụt
phải có Pháp ấn Niết bàn. Nhiều vị kinh sư của Thượng tọa bộ đã bị ám ảnh bởi ý
niệm về khổ cho nên đã thay thế Pháp ấn Niết bàn bằng Pháp ấn Khổ. Kinh Chiên Đà
(Channa), kinh 262 của bộ Tạp A Hàm, còn giữ lại được nguyên vẹn công thức của
ba Pháp ấn: chư hành vô thường, chư
pháp vô ngã, Niết bàn tịch tĩnh (anityāh
sarvasamskārāh, nirātmānah sarvadharmāh, santam nirvānam). Công thức này được lặp
lại tới năm lần trong kinh này. Kinh Channa của tạng Pāli cũng nói tới chuyện
thầy Channa đi cầu Pháp, nhưng đã bỏ mất Pháp ấn thứ ba là Niết bàn, tuy nhiên
không dám thêm vào pháp ấn Khổ, sợ nói nếu tất cả các pháp đều là Khổ thì như
thế là vơ đũa cả nắm, cho các pháp Tứ diệu đế, Bát chánh đạo v.v… của Bụt cũng
là Khổ. Đó là lời giải thích về sau của các tổ Thượng tọa bộ.
Tam Pháp ấn
là ba dấu ấn rất quan trọng trong Phật pháp. Thiếu Pháp ấn thứ ba là Niết bàn thì
giáo lý không thể đích thực là giáo lý của Bụt.
Trên bình diện
Tích môn ta thấy có sinh có diệt, có có có không,
có người tạo nghiệp có người thọ báo, có pháp hữu vi có pháp
vô vi, nhưng trên bình diện Bản môn thì ta phải thấy được tự tính
của các pháp là không sinh không diệt, không có, không không,
không tác giả không thọ giả, không hữu vi cũng không vô
vi. Đó là lời Bụt dạy trong các kinh Ưu Đà Na và Như Thị Ngữ: có cái vô
sinh, vô hữu, vô tác và vô hành. Thật tướng của các pháp là vô thường và
vô ngã nhưng thật tướng của các pháp
cũng là Niết bàn, do đó Niết bàn có thể tìm thấy trong sinh tử chứ không phải
ngoài sinh tử. Truyền thống Bắc tông còn giữ lại được ba pháp ấn nguyên vẹn, và
chính bộ Đại Trí Độ Luận của thầy Long Thọ cũng xác nhận ba pháp ấn là vô thường,
vô ngã và Niết bàn. Chính công phu quán chiếu về Vô thường và Vô ngã đưa tới sự
tiếp cận Niết bàn tức là thể tính bất sinh bất diệt của vạn pháp.
Vô thường
không làm ra khổ
Tứ diệu đế bắt
đầu bằng xác nhận sự có mặt của khổ đau, nhưng không phải Tứ diệu đế chỉ nói về
khổ đau. Sự thực (đế) thứ ba là Diệt, có nghĩa là sự vắng mặt của khổ đau
(nirodha) cũng có nghĩa là sự có mặt của sự lắng dịu và của hạnh phúc, kể cả hạnh
phúc của Niết bàn. Nhưng cái ám ảnh về Khổ đã làm khuất lấp sự thực ấy, cho đến
nỗi người ta có khuynh hướng cho tất cả là Khổ, quên mất trong cái tất cả ấy
có Bụt, có Pháp, có Tăng, có con đường đi về Niết bàn an lạc. Những cái ấy đâu
phải là khổ cho nên nói tất cả là vô thường vô ngã thì đúng mà nói tất cả là Khổ là không đúng.
Cái ám ảnh này do thái độ giáo điều cố chấp mà có. Nó đi cả vào trong kinh văn và
trong phép hành trì. “Đạo nhân thanh cố khởi” nghĩa là nếu thành đạo được cũng
do mình lặp đi lặp lại cái công thức “idam dukkhan ti”, “cái này là khổ, cái
này là khổ.” Phải than khổ như thế nhiều lần trong ngày thì mới mong thấy được
con đường Bát chánh đạo. Vì vậy khổ là thức ăn nuôi Bát chánh đạo (dukkhāhāro
maggangam maggapariyantanti).
Đoạn kinh
sau đây, được lặp lại cả mấy trăm lần trong các bộ Nikaya và A hàm, là một chứng
tích của cái ám ảnh đó được đưa vào trong kinh tạng, chỉ một vài trăm năm sau
khi Bụt nhập diệt:
– Này các thầy
Khất sĩ! Các thầy nghĩ sao? Sắc là thường hay vô thường?
– Bạch đức
Thế Tôn, vô thường.
– Thọ, tưởng,
hành và thức là thường hay vô thường?
– Bạch đức
Thế Tôn, vô thường.
– Vậy thì những
gì vô thường là khổ hay là lạc?
– Bạch đức
Thế Tôn, khổ.
– Vậy thì những
gì vô thường, khổ, luôn luôn biến dịch ấy, mình có thể nói rằng: cái này là của
tôi, tôi là cái này, cái này là cái ngã của tôi không?
– Bạch đức
Thế Tôn, không.
(Tương Ưng Bộ,
22.59)
Theo tinh thần
của đoạn kinh văn này, vô thường là nguyên do của khổ đau. Sự thực không phải
như vậy. Vô thường có thể là nguyên do của giải thoát, của an lạc, của hạnh phúc.
Thử hỏi: nếu không có vô thường thì hạt bắp làm sao trở thành được cây bắp cho
ta có trái ăn? Nếu không vô thường thì một người có bệnh không bao giờ được chữa
lành, một chế độ độc tài không bao giờ được trở nên dân chủ, một phiền não
không bao giờ được chuyển hóa để trở thành một bồ đề.
Nguyên do của
cái khổ không phải là vô thường mà là cái tri giác sai lầm của ta về sự vật: sự
vật vô thường mà ta cứ cho chúng là thường cho nên ta khổ. Uẩn, xứ và giới là
vô thường và vô ngã, nhưng vì chúng ta cho chúng là thường, vì chúng ta vướng mắc
vào chúng cho nên chúng ta khổ. Nói vô thường là nguyên do của khổ đau là vu oan
cho Bụt. Vô thường là một cái thấy giúp ta tiếp cận được với vô ngã, với duyên
sinh và sau đó với Niết bàn. Vô thường rất mầu nhiệm. Đó là một ngón tay chỉ
cho ta thấy mặt trăng. Nó là cứu tinh của ta.
Thấy được như
thế, ta có thể phục hồi được nguyên ý của Bụt, bằng đoạn kinh văn sau đây:
– Này các vị
khất sĩ! Các thầy nghĩ sao? Sắc là thường hay vô thường?
– Bạch đức
Thế Tôn, vô thường.
– Thọ, tưởng,
hành và thức là thường hay vô thường?
– Bạch đức
Thế Tôn, vô thường.
– Vậy thì những
gì vô thường ấy, luôn luôn biến diệt trong từng sát na ấy, ta có thể gọi
chúng là những cái ngã không? Ta có thể nói rằng: “cái này là của tôi, cái này
là tôi, cái này là cái tôi của tôi” không?
– Bạch đức
Thế Tôn, không.
– Này các vị
khất sĩ! Quán chiếu về vô thường, về vô ngã, người hành giả sẽ đạt tới
cái thấy duyên sinh, trung đạo, không sinh diệt, không có không, không tới đi, không
thường đoạn, đó là Niết bàn, là sự lắng dịu, là giải thoát mọi niềm đau,
là niềm vui cứu cánh.
Đọc đoạn
kinh văn tân tu này ta thấy mọi chữ mọi câu đều có tính liễu nghĩa, không đưa lại
cảm giác tiêu cực, bi quan và sự hiểu lầm như khi ta đọc đoạn trước. Vì vậy phục
hồi được tam Pháp ấn rất quan trọng. Với sàng lọc tam Pháp ấn ta có thể
tóm bắt được rất nhiều con sâu rọm từ bên ngoài đưa vào và từ sự bất cẩn trong
quá trình truyền thừa đưa xuống. Hễ trùng tụng sai lầm một lần là sự sai lầm trở
thành đồng bộ, giống như trong máy tính. Cho nên có không biết bao nhiêu là sai
lầm và mâu thuẫn trong đại tạng. Vì thế chư tổ đã căn dặn: y kinh giải nghĩa,
tam thế Phật oan. Bụt đã bị oan nhiều rồi, ta phải sử dụng những phương pháp
khoa học như khảo cổ học và văn bản học để minh oan bớt cho Ngài.
(Trích Lá
Thư Làng Mai 36- 2013)
Bài viết liên
quan đến chủ đề:
KINH PHÁP ẤN – Thích Nhất Hạnh
●
KINH PHÁP ẤN – Thích Thiện Trì
●
KINH PHÁP ẤN – Việt dịch: Tì-kheo Thích Nguyên Chơn ●
BA DẤU ẤN CỦA CHÁNH PHÁP (TAM PHÁP ẤN) – Nguyên Tuấn ●
BA PHÁP ẤN – Thích Đức Thắng ●
BA PHÁP ẤN – Thích Viên Duy dịch Việt ●
PHÁP ẤN Thích Nhất Hạnh ●
TAM PHÁP ẤN – Thích Nguyên Tạng ●
TAM PHÁP ẤN, GIÁO LÝ ĐẶC TRƯNG TRONG ĐẠO PHẬT – Thích Lệ Định ●
BA PHÁP ẤN – Ban Hoằng Pháp GHPGVN ●
BA PHÁP ẤN – Định Huệ dịch ●
BA PHÁP ẤN – Edward CONZE – Bản dịch Hạnh viên ●
BA PHÁP ẤN – HT. Thích Nhất Hạnh giảng ●
BA PHÁP ẤN – Thích Nguyên Tạng ●
BA PHÁP ẤN – TT. Thích Đức Thắng ●
BỐN DẤU ẤN PHẬT PHÁP – Đức Đạt Lai Lạt Ma – Hồng Như dịch ●
TỨ DIỆU ĐẾ (BỐN SỰ THẬT NHIỆM MẦU – TỨ THÁNH ĐẾ – BỐN CHÂN LÝ CAO CẢ) Nhiều tác giả
Ghi chú của BBT TVHS: (Để độc giả hiểu thêm về Thương Tọa Bộ)
Thượng tọa bộ (zh. shàngzuòbù 上座部, ja. jōzabu, sa. sthaviravāda, pi. theravāda, bo. gnas brtan sde pa གནས་བརྟན་སྡེ་པ་), còn gọi là Trưởng lão bộ hay Phật giáo Nguyên thủy, là một trường phái Phật giáo xuất phát từ Phân biệt bộ (sa. vibhajyavādin), do Mục-kiền-liên Tử-đế-tu (pi. moggaliputta tissa) thành lập (xem Kết tập). Phái này được Ma-hi-đà đưa về Tích Lan năm 250 trước Công nguyên và được các cao tăng tại Đại tự (pi. mahāvihāra)
gìn giữ. Về giới luật cũng có một số bất đồng trong nội bộ phái Thượng tọa bộ. Ngày nay Thượng tọa bộ được lưu hành tại các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia và Lào, nên còn được gọi là Nam tông Phật pháp hay Phật giáo Nam truyền.
Thượng tọa bộ là trường phái duy nhất còn lưu lại đến ngày nay được xem là dạng Phật giáo nguyên thủy nhất. Thượng tọa bộ cho rằng các kinh điển viết bằng văn hệ Pali của mình là ngữ thuyết của chính đức Phật (Tam tạng).
Thượng tọa bộ nhấn mạnh khả năng có thể từng người tự giải thoát bằng cách kiên trì giữ giới luật và sống một cuộc đời phạm hạnh.
Discussion about this post