Tôi rất vui khi được chia sẻ những điều mà mình quan sát được, vì có thể ai đó sẽ tìm thấy những bài học quý giá cho bản thân mình ngay từ những kinh nghiệm của tôi.
Cho dù làm việc trong bất kỳ lĩnh vực nào thì các nhà lãnh đạo đều có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của mọi người và tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển của thế giới. Chúng ta nên nhớ rằng chúng ta là những du khách trên hành tinh này. Chúng ta ở đây cùng lắm là 90 hoặc 100 năm. Vì vậy, trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, chúng ta nên làm gì đó để khiến thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Thế thì một thế giới tốt đẹp hơn là như thế nào? Tôi tin rằng câu trả lời rất đơn giản: một thế giới tốt đẹp hơn là nơi mọi người sống hạnh phúc hơn. Tại sao? Bởi vì tất cả mọi người đều muốn hạnh phúc và chẳng ai muốn khổ đau. Chúng ta đều có một điểm chung là mong muốn được hạnh phúc.
Nhưng ngày nay, thế giới dường như đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng cảm xúc. Tỷ lệ căng thẳng, lo âu và trầm cảm tăng cao hơn bao giờ hết. Khoảng cách giữa giàu và nghèo, giữa CEO và nhân viên đang ở một mức khá cao đối với lịch sử nhân loại. Hơn nữa, sự tập trung vào việc tạo ra lợi nhuận quá lớn đến nỗi phớt lờ những cam kết về những giá trị đối với con người, môi trường và xã hội.
Tôi thiết nghĩ xu hướng phân biệt giữa “chúng ta” và “họ” xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về mối liên hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa người với người. Về một khía cạnh nào đó, chúng ta đều giống nhau về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Khi cùng tham gia và phát triển nền kinh tế toàn cầu, chúng ta đều gắn bó và phụ thuộc lẫn nhau, hơn nữa, những hậu quả về thay đổi khí hậu và môi trường toàn cầu có ảnh hưởng rất lớn đến tất cả chúng ta mà không hề có sự phân biệt.
Hãy quan sát những con ong bé nhỏ kia, chúng không có hiến pháp, cảnh sát hay trường lớp để đào tạo đạo đức, nhưng chúng vẫn cùng nhau làm việc chăm chỉ để tồn tại. Dĩ nhiên đôi khi chúng cũng có cãi vã, nhưng cả bầy vẫn sống và làm việc trên tinh thần hợp tác. Ngược lại, con người có hiến pháp, có hệ thống pháp luật tinh vi và phức tạp, có đội ngũ cảnh sát hùng hậu, hơn nữa, chúng ta có trí thông minh, khả năng yêu thương và những loại tình cảm tuyệt vời. Tuy vậy, mặc dù có nhiều phẩm chất đặc biệt nhưng chúng ta dường như có ít khả năng để hợp tác với nhau trong công việc hơn.
Trong các tổ chức, mọi người vẫn ngồi làm việc với nhau hà̀ng ngày. Nhưng cho dù có làm việc cùng nhau đi nữa thì nhiều người vẫn cảm thấy cô đơn và căng thẳng. Mặc dù chúng ta sống trong một tập thể, một xã hội và một cộng đồng nhưng lại thiếu trách nhiệm đối với nhau. Như vậy, chúng ta cần phải tự hỏi mình có gì không ổn ở đây?
Tôi cho rằng sự tập trung quá mức vào việc phát triển vật chất và tích lũy của cải đã khiến chúng ta quên mất những nhu cầu cơ bản của con người về sự tử tế và sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Vì vậy, chúng ta cần phải khơi dậy ý thức về sự đồng nhất của nhân loại và khôi phục cam kết về lòng vị tha đối với những người anh chị em của chúng ta để các tổ chức cũng như cá nhân có thể phát triển lâu dài và bền vững. Vậy một người lãnh đạo phải như thế nào?
Giữ chánh niệm
Hãy tu tập và trau giồi cho mình tâm bình an. Là con người, chúng ta có trí thông minh vượt trội cho phép chúng ta phân tích và lập kế hoạch cho tương lai; chúng ta có ngôn ngữ để biểu đạt những gì chúng ta hiểu cho người khác. Tuy nhiên, trí tuệ đặc biệt đó lại bị những cảm xúc tiêu cực như giận dữ và chấp trước làm mê mờ, vì vậy, chúng ta cần phải chuyển hóa và loại bỏ những cảm xúc đó ra khỏi tâm trí mình.
Bản thân sợ hãi và lo lắng thường sẽ kéo theo sự bực tức và bạo lực đối với những người xung quanh. Ngược lại, sự tin tưởng và những tình cảm ấm áp sẽ khiến chúng ta tự tin hơn. Tình yêu thương cũng có thể xoa dịu sự sợ hãi và thể hiện sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác. Đây mới chính là điều thu phục được mọi người chứ không phải tiền bạc hay uy quyền. Khi bị chi phối bởi giận dữ và chấp trước, tầm nhìn của chúng ta sẽ bị hạn hẹp, méo mó và lệch lạc. Khi tâm từ bi và tĩnh lặng, chúng ta có thể sử dụng trí tuệ của mình một cách thực tế và chuẩn xác cho mọi công việc.
Nghĩ cho người khác
Chúng ta vốn bị dẫn dắt bởi tư lợi, để tồn tại được thì điều đó là cần thiết. Nhưng chúng ta nên nghĩ về lợi ích của bản thân một cách trí tuệ hơn bằng cách hợp tác, rộng rãi và quan tâm đến lợi ích của những người khác nữa. Sự hợp tác xuất phát từ tình bạn, tình bạn đến từ sự tin tưởng và sự tin tưởng có được từ lòng tốt. Một khi bạn thực sự quan tâm đến người khác thì sẽ không có chỗ cho sự lừa gạt, bắt nạt hay bóc lột những người cấp dưới của mình. Thay vào đó, bạn sẽ trở nên chân thành, đáng tin cậy và minh bạch trong những việc mà bạn làm.
Đối đãi bằng tâm từ bi
Cội nguồn của một cuộc sống hạnh phúc chính là tâm từ bi hay tình thương ấm áp giữa người với người. Ngay cả động vật cũng có tình thương, tuy nhiên, khi nói đến con người, thì tâm từ bi lại song hành với trí tuệ. Khi kết hợp với trí tuệ thì lòng từ bi có thể mở rộng cho tất cả 7 tỷ người. Những cảm xúc tiêu cực mang tính hủy diệt thường gắn liền với vô minh, trong khi lòng từ bi mang tính xây dựng lại gắn liền với trí tuệ. Do đó, tâm từ bi có thể trau dồi bằng cách rèn luyện và tu tập.
Cuộc sống có hạnh phúc hay không đều tùy thuộc vào nội tâm của chúng ta. Có thể được giáo dục khá tốt nhưng nhiều người vẫn trở thành kẻ đem lại rối ren cho thế giới, vì vậy, không phải chỉ có giáo dục mới là điều chúng ta cần, mà quan trọng hơn hết là hãy chú ý đến những giá trị bên trong.
Sự phân biệt giữa bạo lực và bất bạo động không hẳn nằm ở bản chất của một hành động cụ thể nào đó, mà sâu xa hơn là động cơ đằng sau hành động đó. Những hành vi được thực hiện với tâm tham lam và sân hận thường có xu hướng bạo lực, trong khi những hành động được thúc đẩy bởi lòng từ bi và sự quan tâm đến người khác thường mang lại bình an và hòa bình. Nếu chỉ thông qua việc cầu nguyện thì chúng ta không thể mang lại hòa bình thiết thực cho thế giới. Những người lãnh đạo trên toàn cầu phải thực hiện các chính sách để giải quyết vấn đề bạo lực, tham nhũng cũng như những nguyên nhân đe dọa đến nền hòa bình thế giới. Chúng ta không thể mong chờ bất kỳ sự thay đổi nào nếu chúng ta không có những hành động cụ thể.
Trong Phật giáo, có ba mẫu người lãnh đạo với tâm từ bi: người dẫn đầu là người luôn đi tiên phong, gánh vác mọi rủi ro và là một tấm gương cho mọi người noi theo; người lái đò là người đồng hành và quan tâm đến những người cộng sự của mình cũng như quyết định những thăng trầm trong một cuộc vượt biển; cuối cùng, người chăn cừu là người dẫn dắt và chứng kiến từng người trong tập thể đến được nơi an toàn trước cả mình. Ba mẫu người lãnh đạo, ba cách tiếp cận khác nhau, nhưng điểm chung của họ là sự quan tâm đến lợi ích và hạnh phúc của những người mà họ lãnh đạo.
Discussion about this post