NHÂN QUẢ TRONG QUẢN TRỊ QUỐC GIA
Thích Nhật Từ
Đây là phần liên hệ nhân quả với luật pháp.
Pháp luật là nhân quả tương đối
Bồ-tát Hiền Nhân dạy: “Trong nước thì có vua, vua phải sống tùy thuận theo luật pháp, ủy nhiệm các công tác cho những người hiền, phó thác việc làm cho những bậc tài trí, ban thưởng cho người lành và có công, trừng phạt những kẻ gian ác”.
Lời nhận xét đó rất gọn nhưng rất có chiều sâu. Thời phong kiến, vua là cán cân của luật pháp. Nhưng ở đây, Hiền Nhân khẳng định một cách dứt khoát, rằng vua cũng phải sống tùy thuận theo luật pháp. Nếu vua không sống tùy thuận luật phát thì vua không xứng đáng là vua, vì vua tự chà đạp lên những quy tắc đưa tới lợi ích chung của quốc gia. Có thể nói, nếu nhà vua ở đây không phải là một Phật tử, thì câu nói của Hiền Nhân có thể khiến cho ngài phạm vào tội khi quân, một trọng tội có thể đưa tới việc mất mạng. Nhiều chính thể trong lịch sử nhân loại đã đặt mình lên trên luật pháp, giám sát luật pháp, xoay sở luật pháp theo khuynh hướng mình muốn. Phật giáo không đồng tình chuyện đó, sự tiến bộ của con người trong xã hội hiện đại cũng không chấp nhận chuyện đó.
Ở đây, câu nói vua phải tùy thuận theo pháp luật có thể được hiểu mở rộng theo ngôn ngữ hiện đại là, nếu nơi nào luật pháp có thể “sờ gáy”, “nắm đầu” được những người lãnh đạo cao cấp nhất của một quốc gia trong trường hợp họ phạm pháp, thì tại đó công bằng xã hội được công nhận, được thực thi ở mức độ tốt nhất. Còn nơi nào những mặc định về việc thanh tra, hay đánh giá các hành động phi pháp ở cá nhân hay bộ máy lãnh đạo dừng lại ở một điểm nhất định, không đủ sức đưa tới việc thực thi quy phạm pháp luật đối với họ, thì nơi đó công bằng xã hội chỉ là trò đùa. Ngày nay, người ta thường gọi đó công bằng giả hiệu chứ không phải công bằng thật sự.
Hành pháp, tư pháp, lập pháp theo quan điểm kinh Hiền Nhân là phải độc lập với nhau. Mặc dù thời điểm của Đức Phật, các quyền này nằm trong tay vua, nhưng bằng trí tuệ và tâm quyết của một người luôn hướng tới việc đem lợi ích đến cho số đông, Hiền Nhân vẫn can đảm nhắc nhở vua rằng làm vua phải sống tùy thuận theo pháp luật. Điều này càng khẳng định Hiền Nhân là một bậc trí đầy bản lĩnh, không sợ hãi trước bất kỳ thế lực nào, dù thế lực đó là vua hay những nhà lãnh đạo cao nhất của một quốc gia.
Tùy thuận pháp luật là một lối sống đúng mà bất kỳ ai cũng phải tuân thủ. Đối với vua hay nhà lãnh đạo của một quốc gia lối sống này càng phải được xem là chuẩn mực đạo đức hàng đầu. Tuy nhiên, về phương diện quản lý đất nước, việc tùy thuận pháp luật của vua chỉ là điều kiện cần mà chưa phải là điều kiện đủ để thiết lập một xã hội công bằng, quốc gia phát triển. Ngoài việc tuân thủ, tùy thuận pháp luật, vua hay nhà lãnh đạo quốc gia còn phải thuần thục trong nghệ thuật sử dụng người. Phải biết chọn lựa nhân tài, ban thưởng những người lành và có công, trừng phạt những kẻ gian ác phá hoại tổ chức.
Thật ra thì luật pháp của quốc gia nào, thời đại nào cũng nhắm đến điều đó. Tuy nhiên, giữa việc biết và thực thi điều đó là một khoảng cách mà không phải bất kỳ quốc gia, thời đại nào cũng có thể làm được. Nhà vua Ty-tiên-nặc trong câu chuyện này là một người theo đạo Phật, ít nhiều có hiểu biết, nhưng do nghe những lời sàm tấu mà dẫn đến tình trạng nội loạn, nhân dân đau khổ, đất nước lâm nguy, xã hội khốn đốn và bất công diễn ra khắp mọi. Hiểu biết là con đường tốt để hạn chế các tệ nạn và tệ đoan, nhưng biết mà không làm thì tệ nạn và tệ đoan vẫn xảy ra như thường. Do đó, lời nhắc nhở của Bồ-tát Hiền Nhân trong trường hợp này rất cần thiết, nó giúp cho nhà vua thức tỉnh, kịp thời thay đổi cách ứng xử của mình đối hoạt động quản lý đất nước.
2. Giao một nhiệm vụ cho nhiều người thì hư việc
Đây là quan điểm rất mới. Bồ-tát Hiền Nhân dạy: “Thuở xưa, có một ông vua tên là Cẩu Lạp, vua có một cái ao trong thành, nuôi nhiều cá ngon ngọt. Nhà vua cử một quan giám ngư giữ gìn ao cá. Mỗi ngày giám ngư dâng vua tám con để vua thưởng thức, nhưng đằng sau lại ăn cắp tám con khác. Biết cá bị mất, nên vua cử thêm tám giám ngư nữa để giữ gìn ao cá. Song tám vị giám ngư mới cấu kết với quan giám ngư cũ, mỗi ngày ăn cắp thêm nhiều cá nữa. Sự thật là người giữ cá càng nhiều, cá bị mất càng lắm. Giao nhiệm vụ cho nhiều người thì nước nhà chỉ thêm rối loạn”.
Đây là một câu chuyện ẩn dụ rất sâu sắc. Cùng một công việc mà giao cho nhiều người sẽ dẫn đến tình trạng giẫm đạp lên công việc của nhau. Kẻ giẫm đạp sẽ bắt đầu nảy sinh các ý định lấn lướt người còn lại để khẳng định vai trò độc tôn và công lao của mình đối với cấp trên. Điều đó, thường dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, thậm chí sẵn sàng dùng bất kỳ thủ đoạn nào để hãm hại hay loại trừ nhau. Cho nên, công việc giao cho người nào rồi thì hãy tin tưởng để họ phát huy vai trò của họ trong công việc. Công việc của người quản lý, giao việc là giám sát, theo dõi, đôn đốc, góp ý nếu cần để cho kết quả của công việc mình giao ngày càng tốt hơn. Nho gia có câu: “Nghi nhơn bất dụng, dụng nhơn bất nghi”. Trong việc dùng người, nếu còn nghi ngờ thì tốt nhất không nên sử dụng họ, vì sử dụng thì trước sau gì cũng dẫn đến tình trạng rắc rối giữa hai bên. Còn nếu đã quyết định dùng người thì không nên nghi ngờ họ, vì làm như thế họ sẽ không thể nào có động lực để đầu tư công sức, thời gian, tâm huyết cho công việc được. Đó là chủ trương rất đúng, rất dứt khoát, rất có giá trị.
Ở đây, nhà vua đã giao ao cá cho kẻ có lòng tham, tức là giao việc không đúng người. Khi đã phát hiện ra vị quan này lén lút ăn trộm cá, thay vì trừng phạt và thay đổi người, nhà vua lại tiếp tục sử dụng người này và đồng thời giao trách nhiệm giữ ao cá cho tám người khác. Điều này tạo nên tình trạng chồng chéo, giẫm đạp công việc của nhau, do đó chắc chắn không mang tới hiệu quả mong muốn. Điều trớ triêu hơn là cả tám người vừa được tuyển đó cũng là những tham quan, do đó hậu quả mất cá ngày càng tăng thêm nhiều lần. Kẻ chống trộm mà ăn trộm thì thủ đoạn sẽ tinh vi hơn, mức độ thất thoát tài sản vì thế cũng to lớn hơn. Cũng giống như cơ quan chống tham nhũng mà lại là đầu mối tham nhũng thì sự tham nhũng đó thật kinh khủng.
Bộ phim Con bạch tuộc nói về hệ thống Mafia của Ý hơn hai mươi năm trước là bài học điển hình về kẻ đầu não chống tội phạm lại là nơi bao che và nuôi dưỡng tội phạm. Mafia đó có thể có mặt khắp các Bộ, Sở, Phòng hoặc các cơ quan tương đương, thậm chí trong Chính phủ cấp cao ở nhiều quốc gia. Cho nên, khi có chính sách trấn áp và tiêu diệt tội phạm, thông qua vai trò của Mafia, những tên tội phạm đã biết trước và tránh được một cách an toàn. Đất nước nào lâm vào hoàn cảnh như thế thì khó phát triển được, vì sự tham nhũng và các hành động trái pháp luật rất tinh vi, có mạng lưới, có hệ thống từ vi mô cho đến vĩ mô. Chặt đầu này nảy sinh ra đầu khác, bịt lỗ này thì xuất hiện ở lỗ kia.
Do đó, giao trách nhiệm hay công việc phải giao đúng người và tin tưởng để người đó có thể đóng góp toàn bộ tâm huyết và năng lực của mình cho công việc. Tránh tình trạng giao một việc cho quá nhiều người, vì như thế chỉ tạo ra tình trạng chồng chéo, giẫm đạp công việc của nhau mà thôi. Không cần phải dùng dao trâu để cắt cổ gà.
Những kẻ vẽ vời thường quan trọng quá vấn đề để trục lợi. Khi vi rút cúm A/H1N1 có mặt, tổ chức W.H.O (World Health Organization – Tổ chức Y tế Thế giới) đã bị lừa bởi một số công ty dược. Họ khuếch đại tác hại của bệnh, khiến cho W.H.O tin tưởng và thông báo, rằng vi rút cúm A/H1N1 có thể truyền nhiễm và gây nguy hại dẫn đến cái chết cho con người. Khi nỗi sợ hãi đó được gieo rắc bởi Tổ chức sức khỏe Thế giới, nhiều quốc gia phải tốn hàng trăm, hàng tỷ đô la cho việc phòng chống nhằm bảo vệ tính mạng của người dân mình như là một trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm luật pháp. Trong khi đó, trên thực tế, tác hại của loại vi rút này không đến mức độ như W.H.H đã cảnh báo.
Sau này, các bác sĩ người Đức đã mạnh dạn tố cáo W.H.O và những công ty dược tạo ra những chất kháng thể chống lại bệnh này. Họ cho rằng, W.H.O và những công ty dược này đã cố tình khuếch đại tác hại của loại vi rút A/H1N1 nhằm mục đích làm giàu. Đó là một sự làm giàu vô đạo đức. Làm giàu trên nỗi đau và sợ hãi của con người.
Một tổ chức của Liên hiệp quốc mà còn bị lũng đoạn và bị đánh lừa thì huống chi là những tổ chức của các quốc gia nhỏ. Tình trạng đó sẽ xảy ra bất cứ lúc nào nếu chúng ta thiếu cẩn trọng và tin một cách mù quáng vào những người vẽ vời làm cho vấn đề trở nên rắc rối hơn để hưởng lợi.
Hàng ngàn các công trình mới được công bố, đóng góp cho ngành y về các chứng bệnh ung thư, nhưng bệnh ung thư vẫn tiếp tục gia tăng. Cái chết do bệnh ung thư vẫn diễn ra, thậm chí diễn ra trong tình trạng ngày càng tăng trưởng. Nhiều quốc gia phải tốn biết bao nhiêu ngân sách để phục vụ cho các nghiên cứu nhằm tìm kiếm phương pháp chống lại bệnh tật này, nhưng rốt cuộc, vấn đề vẫn chưa được giải quyết như người ta công bố.
Các tổ chức bảo hiểm y tế, sức khỏe, nhân mạng, chống cháy, chống trộm… đều cường điệu hóa cái vai trò bảo hiểm, nhưng thực chất là họ đang gieo các con chíp sợ hãi vào trong vô thức và ý thức của con người. Rất nhiều người ở phương Tây, trải qua mấy chục năm, từ lúc lập nghiệp cho đến lúc qua đời, nuôi cái bảo hiểm sợ hãi đó mà chưa từng một lần sử dụng. Nhưng nếu không mua thì họ sợ, họ lo lắng, không an tâm. Cứ như thế, các tổ chức bảo hiểm thế giới làm giàu trên nỗi sợ hãi và đau khổ của con người. Hiện tại, mua bảo hiểm đã trở thành luật. Ở phương Tây ai cũng có bảo hiểm, không có bảo hiểm thì khó sống được.
Do đó, phải có trí tuệ để chúng ta giải phóng các nỗi sợ hãi và phải biết lựa chọn những giải pháp đúng đắn cho các vấn đề trong cuộc sống. Đừng như nhà vua trong câu chuyện trên, thiếu trí tuệ, thiếu niềm tin và phương pháp đã giao cho chín người trông coi một ao cá và cả chín người đó đều là những kẻ trộm cá.
3. Sử dụng hiền tài
Bồ-tát Hiền Nhân dạy: “Cũng như kẻ hái trái non, ăn đã không có mùi vị lại còn mất giống. Vua trị nước mà không dùng kẻ hiền thì nguy khốn cho đất nước, thiệt hại cho dân, tiếng tăm mất dần, phước phần tổn giảm. Trị nước không nghiêm, trái với luật pháp, làm cho thiên hạ có tâm tranh đoạt, bất ổn xã hội, khác nào kẻ muốn giàu sang mà không dụng trí thì của cải đó mỗi ngày tổn giảm”.
Không phải thời cận hiện đại mới có kỹ thuật vú trái cây. Hơn 2.600 năm trước tại Ấn Độ người ta đã biết đến và áp dụng kỹ thuật này. Ở đây, Hiền Nhân nói đến một hiện tượng mà ai cũng phải thừa nhận, đó là ăn trái non, trái chín vú thì mùi vị không ngon, không đủ chất bổ như trái chín trên cành. Ẩn dụ đó sánh ví cho việc nhà vua tính già hóa non, tin dùng những kẻ sàm tấu, bất tài, bất nhân, thất đức với suy nghĩ họ là những người hiền đức. Kết quả, đất nước lâm vào cảnh bất ổn, đời sống quần chúng nhân dân đói khổ, lầm than.
Làm vua mà không dùng người hiền đức thì không thể phát triển đất nước. Đó là sự thật mà không phải ai cũng dám nói ra. Ở đây, Hiền Nhân đã mạnh dạn nói với vua về hậu quả mà vua phải gánh chịu khi không sử dụng người hiền tài. Đó là việc mất phước báu và tiếng tăm trong tương lai. Ở vào thời đại của kinh, nói như vậy là một thách thức có thể đưa tới bất lợi cho Hiền Nhân. Bởi vì, trong chế độ quân chủ, việc dùng lời ngay thẳng can thiệp vào nội bộ quốc gia là vô cùng nguy hiểm. Người ta chỉ thích nghe những lời siểm nịnh, tâng bốc mang tính giả dối chứ không thích nghe những lời góp ý chân thành hay những phê bình mang tính xây dựng.
Dân gian Việt Nam có câu: “Tốt khoe xấu che”. Đó là một tâm lý, một hành động, một lối sống tiêu cực. Khi ta dám khoe cái tốt thì cái xấu ta phải thừa nhận để khắc phục nó. Đạo Phật dạy chúng ta cách tự nhìn nhận lỗi và mời gọi người khác đánh giá lỗi của mình. Điều đó giúp ta có cơ hội sửa chữa lỗi lầm và trở thành một người hoàn thiện hơn. Thái độ che giấu tội lỗi là một thái độ tiêu cực, nó không giúp chúng ta đi đến việc nhận diện lỗi lầm để khắc phục nó trong tương lai.
Làm vua thì phải chăm lo đời sống cho dân. Làm vua mà dân trong nước rơi vào cảnh lầm than, xã hội bất ổn thì trước hết là lỗi của vua, của các nhà lãnh đạo. Do đó, hành vi biện hộ, đổ thừa hay quy trách nhiệm của nhà vua hay người lãnh đạo cho người khác trong trường hợp này là không phù hợp và rất đáng hổ thẹn. Mặc dù, các quan đại thần và hoàng hậu là người trực tiếp gây ra hậu quả, nhưng với tư cách là người đứng đầu bộ máy quản trị quốc gia, nhà vua phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Nhìn nhận lại việc làm của mình, tìm cách khắc phục là thái độ cần có của mỗi người, nhất là đối với một nhà quản trị quốc gia. Chỉ khi nào hiểu rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạnh bất ổn, nguy hại đến xã hội, thì lúc đó chúng ta mới có thể khắc phục tốt hậu quả. Tuy nhiên, để hiểu và phân tích rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân của các vấn đề xã hội mang tính vĩ mô thì không hề đơn giản. Do đó, vai trò của các người hiền tài trong trường hợp này là rất lớn. Họ có thể giúp vua hay các nhà lãnh đạo tìm ra giải pháp giải quyết các vấn nạn của quốc gia. Do đó, việc chọn lựa, sử dụng nhân tài trong việc quản trị quốc gia là một nghệ thuật đòi hỏi vua hay các nhà lãnh đạo phải thật sự sáng suốt và nhạy bén. Cần phải tránh trường hợp cục bộ địa phương, vùng miền, sắc tộc, màu da, huyết thống… trong việc trưng dụng người hiền tài. Nếu không, rất có thể, vua hay nhà lãnh đạo sẽ tuyển chọn và sử dụng sai người, sai chức năng, gây ra hậu quả khôn lường đối với sự tồn tại của một đất nước, như trường hợp của vị vua trong kinh này.
4. Khi đất nước suy vong
Hiền Nhân dạy: “Nước có tướng giỏi, binh nhiều mà không chịu tập chiến trận, không lo lắng kiến thiết nước nhà thì nước ấy dần già sẽ bị hèn yếu”.
Khi vấn đề biển Đông trong khu vực dấy lên, Việt Nam đã bắt đầu có quyết sách. Học kỳ quân đội được đưa vào giảng dạy trong các trường, ngay cả trường tôn giáo. Các tu sĩ Tăng, Ni đều phải học học kỳ quân đội như bao nhiêu sinh viên ở thế học. Đó là trách nhiệm chung của mỗi công dân trong một quốc gia đang có nguy cơ bị các thế lực bên ngoài uy hiếp. Phải chuẩn bị tất cả những gì cần thiết cho tình hình bất ổn của quốc gia. Đó là việc làm đúng đắn và kịp thời. Chờ đến đất nước lâm nguy mới bắt đầu luyện binh tướng thì chẳng khác nào khát đến nơi mới bắt đầu đào giếng. Nuôi binh hàng trăm năm đôi lúc chỉ phục vụ cho vài ngày, chứa kho thóc vài chục năm chỉ để trị những cơn đói khát trong một khoảnh khắc, hay một thời điểm nào đó. Cho nên, mới nhìn có vẻ như là một sự phí phạm nhưng thực chất đó là điều cần thiết.
Các quốc gia nghèo bán sạch sành sanh các tài sản thiên nhiên, các quặng mỏ dưới lòng đất…, tức ăn sạch sành sanh những thứ mình có. Trong khi đó, các quốc gia giàu có tầm nhìn xa như Hoa Kỳ, họ không khai thác các quặng mỏ ở đất nước họ mà dự trữ chúng để dành đến thời điểm khó khăn nhất họ mới khai thác. Chính vì vậy, họ không lâm vào hoàn cảnh cộng nghiệp xấu như những quốc gia nghèo thiếu tầm nhìn.
Muốn thi đỗ đạt cao phải học bài mỗi ngày. Mỗi giờ học trên lớp phải có hai giờ học ở thư viện hoặc tự học ở nhà.
Giáo dục đại học theo hệ thống tín chỉ đã khích lệ chúng ta điều đó và đó là phương pháp học rất hay. Các sinh viên và học sinh học theo mô hình này sẽ không phải đi học thêm ở thầy cô giáo ngoài giờ, vừa tốn tiền, vừa mất thời gian mà hiệu quả chưa chắc đã cao. Cứ tập trung học ở lớp trong các giờ chính quy, những gì không hiểu thì hỏi trực tiếp thầy cô tại lớp, hoặc có thể học lại từ bạn bè, hoặc đọc thêm sách vở trong thư viện. Cách học đó sẽ giúp cho hiệu quả học tập của chúng ta cao hơn nhiều so với cách học thụ động truyền thống trước đây.
Bồ-tát Hiền Nhân dạy: “Làm vua một nước mà không kính đạo đức, không tôn thờ các bậc hiền trí, thánh nhân, không sử dụng hiền tài thì hiện tại không người giúp đỡ và tương lai không thể hạnh phúc. Hằng ngày giết hại, muôn họ kêu ca thì tai nạn thường xảy ra tới tấp, chết đi để lại tiếng xấu muôn đời. Theo chánh pháp trị dân thì được lòng người, kính thờ bậc tôn trưởng, yêu mến trẻ thơ, hiếu thuận cha mẹ, vâng làm việc lành thì hiện tại an ổn và kiếp sau được hưởng phúc”.
Vấn đề Bồ-tát Hiền Nhân dạy ở đây dựa trên nền tảng song hành của luật pháp và đạo đức. Luật pháp tạo công bằng xã hội nhưng không thể ngăn chặn một cách hiệu quả các tội phạm. Đạo đức là giáo dục nhân cách và giúp con người tình nguyện sống đúng với các tiêu chuẩn của luật pháp. Nhà nước có thể truyền dạy luật pháp, bảo hộ luật pháp nhưng khó có thể làm tốt công việc giữ gìn đạo đức của xã hội và cộng đồng. Đó là thực tế của nhiều quốc gia trên thế giới.
Làm vua gương mẫu về đạo đức và thực thi pháp luật mới có cơ hội phục vụ tốt cho dân chúng. Ở đây cần thấy rằng, gương mẫu về đạo đức và thực thi pháp luật của nhà vua hay nhà lãnh đạo không xuất phát từ mưu cầu danh thơm tiếng tốt, dù danh thơm tiếng tốt là cái cần thiết, mà vì mục đích phát triển đất nước, mang lại hạnh phúc cho dân. Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, mở cửa và tạo cơ hội cho giáo dục đạo đức có mặt trong nhà trường, nhất là ở cấp tiểu học là việc làm đúng đắn mang tới hiệu quả cao. Bởi vì, lứa tuổi trẻ thơ như mảnh đất tốt, các hạt giống đạo đức khi được gieo rắc vào mảnh đất ấy sẽ đơm hoa kết trái trong tương lai. Thế hệ mầm non của đất nước đã có nền tảng đạo đức vững chắc thì không lo đất nước không phát triển.
Pháp trị không thôi thì chưa đủ để đất nước yên bình, quốc gia phát triển. Bồ-tát Hiền Nhân đề nghị, ngoài pháp trị tức là điều chỉnh lối sống bằng luật pháp thì cần phải sử dụng đức trị. Đức trị ở đây chính là chánh pháp, tức đạo đức và chân lý. Đạo đức và chân lý đã trở thành lối sống trong nhân gian thì mọi thành phần trong xã hội sẽ tuân thủ luật pháp một cách rất tự nhiên. Lúc đó, đạo đức và chân lý đóng vai trò hộ pháp bảo hộ luật pháp. Ngược lại, khi luật pháp đóng vai trò hộ pháp bảo hộ thì đạo đức và chân lý sẽ bám rễ sâu hơn trong đời sống xã hội.
Lịch sử cho thấy, khi chánh pháp được ủng hộ bởi một nhà vua thì chánh pháp không ngừng phát triển, xã hội được bình ổn lâu dài, tội phạm sẽ giảm đi, nhà tù không cần phải mọc lên mà đất nước vẫn thịnh trị và phát triển. Ngược lại, khi chánh pháp bị các nhà lãnh đạo công kích, triệt tiêu thì chánh pháp suy tàn, xã hội lâm vào tình hình bất ổn.
Giai đoạn hiện nay, Nhà nước đang tạo cơ hội cho Phật giáo phục hưng, đó là sự nỗ lực đáng khích lệ và tán dương. Quá khứ cần phải khép lại, các sai lầm về chính sách, những bế tắc trong chủ trương đã là quá khứ, không cần phải bới móc lại nữa. Vấn đề là chúng ta hãy tận dụng các cơ hội và điều kiện thuận lợi hiện có để phục hưng và làm mới lại các giá trị Phật pháp. Vì các giá trị đó thực sự đã, đang và sẽ góp phần đưa tới một quốc gia phát triển ổn định và bền vững lâu dài.
Trích từ sách Nghệ Thuật Ứng Xử – Ứng Dụng Kinh Hiền Nhân trong Giao Tiếp & Quản Trị
Discussion about this post