NGHĨ VỀ TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng
Chuyện làm tôi trăn trở nhất là kết quả và hiệu quả của khóa “Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin truyền thông Phật giáo toàn quốc” diễn ra hai ngày 23 và 24 tháng 4 tại thiền viện Quảng Đức, TP HCM do ban Thông tin Truyền thông, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức. Tôi may mắn được mời là 1 trong 4 chuyên gia tham gia giảng dạy trong khóa bồi dưỡng 2 ngày này nên cảm nhận rất rõ tâm huyết của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhất là ban Thông tin Truyền thông, đứng đầu là Hòa thượng Thích Gia Quang. Đứng trên bục giảng tôi quan sát sâu sắc và kỹ lưỡng hơn 200 học viên – toàn các quý Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, tăng, ni và cư sỹ – chăm học mà thấy vui vô cùng. Niềm vui không thể tă thành văn. Ai cũng chăm chú lắng nghe. Ai cũng muốn học để ứng dụng. Thật khó tin được!
Tôi cũng có may mắn ngồi nghe hầu như tất cả các chuyên đề của các giảng viên khác. Tiến sỹ Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông về “Kinh nghiệm trong công tác truyền thông”. Anh đã chia sẻ thật sâu sắc và chân thành các kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông Phật giáo, sự tương tác hoằng pháp và truyền thông Phật giáo, cách nâng cao hiệu quả sự liên kết, phối hợp trong công tác truyền thông Phật giáo.
Tôi cũng lắng nghe Tiến sĩ Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam giảng về “Xử lý khủng hoảng truyền thông và truyền thông Phật giáo” với các nội dung như thông tin về Phật giáo trên báo chí và trang mạng xã hội, người tu hành tham gia mạng xã hội, góc nhìn của dư luận, xử lý khủng hoảng truyền thông liên quan đến hình ảnh Phật giáo.
Tôi chăm chú lắng nghe Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam VTV, nguyên Tổng Giám đốc Truyền hình An Viên giảng về “Truyền thông và những tác động của truyền thông tới dư luận xã hội” với các nội dung chính như: các phương tiện truyền thông (báo hình, nói, mạng, báo giấy…), tác động của truyền thông đến dư luận xã hội, đặc biệt là tác động của truyền thông Phật giáo, các tác phẩm và thể loại truyền thông, tác động của truyền thông đối với dư luận xã hội trong và ngoài nước, phương pháp và kỹ năng cần có để nâng cao hiệu quả truyền thông và truyền thông Phật giáo.
Bản thân tôi được Giáo hội Phật giáo Việt Nam phân công giảng về chủ đề “Truyền thông và những đặc thù trong truyền thông Phật giáo”. Tôi đã cố gắng hết mình để nói về những nét chính của truyển thông, về đạo đức và tuân thủ luật pháp trong công tác truyền thông, đặc thù trong truyền thông Phật giáo, về thực trạng truyền thông Phật giáo, về các giải pháp cụ thể mà chúng ta có thể thực hành ngay sau khóa bồi dưỡng này.
Thấy được, cảm nhận được rất rõ tâm huyết của cả Ban tổ chức lẫn các học viên nên tôi càng trăn trở hơn về vai trò, nhiệm vụ và cách làm truyển thông của tất cả chúng ta, những người con Phật. Trăn trở lắm. Trăn trở và suy nghĩ từ khi nhận được lời mời. Những trăn trở vẫn đang bám theo tôi ngay tại giờ phút này, khi các học viên đã ai về nhà nấy, thầy cô nào cũng đã về chùa của mình.
Theo thống kê và số liệu từ cuộc tổng điều tra dân số năm 2009 do ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số công bố vào năm 2010, số lượng Phật tử Việt Nam là 6.802.318 người, chiếm 7,92% dân số. Con số này là 1/3 so với con số thấp nhất trước đây, tức khoảng 10 triệu. Tuy nhiên, ngay cả với con số khiêm tốn là gần 7 triệu Phật tử thì chúng ta đã có được 7 triệu tuyên truyền viên chưa, và liệu 7 triệu Phật tử đó có giúp Đạo Phật truyền thông và giới thiệu những tinh hóa và vi diệu của Phật Pháp đến 93 triệu dân Việt Nam chưa. Và nếu số lượng Phật tử giảm đáng kể trong thời gian qua có lỗi của những người làm truyền thông Phật giáo chúng ta hay không? Tôi trăn trở và mong mỗi Phật tử sớm thành 1 tuyên truyền viên. Sớm nhất có thể!
Một con số khác cũng làm tôi trăn trở rằng Việt Nam hiện có 14.775 ngôi chùa, chiếm 36% tổng số di tích của đất nước. Tất cả cùng hiểu một cách căn bản rằng chùa là cơ sở hoạt động và truyền bá Phật giáo. Tôi mong mỗi ngôi chùa sớm thành một trung tâm truyền thông Phật Giáo. Sớm nhất có thể!
Rồi một con số nữa cũng làm tôi suy nghĩ là Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay đang quản lý khoảng 60.000 nhà sư. Khoảng hơn 1.000 nhà sư đang tu hành nhưng không thuộc sự quản lý của Giáo hội. Số lượng ni là khoảng 25.000. Như vậy mỗi trong số quý thầy quý sư cô này đã thật sự đóng vai trò hoằng pháp và truyển thông những lời Phật dạy quý báu đến những ai có thể hay chưa? Tôi rất rất mong mỗi quý thầy, mỗi quý sư cô là một tổng biên tập, một tổng chỉ huy của một cơ quan truyền thông Phật Giáo. Sớm nhất có thể.
Đạo Phật chỉ phát triển và có thể phát triển rất mạnh nếu như cả 3 nhóm chuyên gia, tuyên truyền viên, công tác viên nêu trên đều hết mình và đoàn kết một lòng.
Thế kỷ 21 này là thời đại của công nghệ và truyền thông, thông tin. Không chỉ có báo, đài, tạp chí, pa nô, áp phích, tranh cổ động, băng rôn, biểu ngữ,… mà hiện nay các phương tiện mới như mạng và các kênh xã hội facebook, youtube, Twitter, Zalo, , Google+, … đang hoạt động rất hiệu quả. Truyền thông thời nay qua cả âm thanh, hình ảnh, ánh sáng, … để thông tin đến với người nhận thông qua cả 5 giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Thế giới ảo của truyền thông đã đi vào cuộc sống thường ngày và ảnh hưởng toàn diện đến toàn nhân loại. Phật giáo không thể đứng ngoài.
Mạng xã hội đã chính thức trở thành quyền lực số 5. Quan trọng đến mức mới đây tại châu Âu vừa diễn ra một hội nghị quốc tế rất lớn chỉ để bàn về mạng xã hội và quyền lực của nó. Các trang cá nhân giúp con người tự mở cửa nhìn vào xã hội và ngược lại xã hội cũng có thể nhìn vào sinh hoạt của từng cá nhân con người. Tất cả mọi tương tác này rất dễ dàng và hiệu quả.
Có một thông tin rằng giới trẻ Mỹ, tuổi từ 8 tới 18, vào các trang mạng xã hội từ 45 phút tới 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Một thông tin khác đưa ra rằng 64 % người sử dụng internet tại 32 quốc gia đang trỗi dậy và phát triển cho rằng trang mạng toàn cầu có ảnh hưởng tốt về mặt giáo dục. Ít nhất một nửa nói rằng rằng mạng xã hội có ảnh hưởng tốt về mặt quan hệ cá nhân (53%) và kinh tế (52%). Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, cũng theo nghiên cứu của PEW thì 42% số người cho biết các trang mạng toàn cầu có ảnh hưởng xấu về mặt đạo đức, chỉ có 29% cho là có ảnh hưởng tốt. Vậy mỗi chúng ta phải làm gì để những ảnh hưởng tiêu cực bớt đi và những gì tích cực, tốt đẹp lớn lên mỗi ngày, mỗi giờ.
Tôi muốn chúng ta nghĩ về các phương tiện để truyền thông và chọn ra những phương tiện hiệu quả nhất. Tôi nghĩ rằng các phương thức để truyền bá những lời dạy của Đức Phật cũng như các hoạt động Phật giáo hiện nay đã quá dễ dành thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội. Tuy nhiên, chúng ta đã ý thức được chưa, đã tận dụng tối đa chưa.
Khi quan sát sự hiếu học và tinh thần ham học của các quý thầy, quý sư cô và các vị cư sỹ tôi thấy một tương lai rất tuyệt vời. Hơn 200 thành viên đến từ 63 tỉnh thành tham gia khóa bồi dưỡng ra về mang thoeo kiến thức và tinh thần mới sẽ giúp rất nhiều cho các tỉnh thành để trí tuệ của Phật len lỏi dần đến mọi ngõ ngách của đất nước Việt Nam.
Tinh thần phụng sự rất quan trọng nhưng kiến thức chuyên môn cũng không kém phần quan trọng. Hai ngày tập huấn là thật tuyệt vời. Nếu chúng ta tổ chức thường niên, hàng năm thì kết quả có thể nhìn thấy được.
Đức Phật dạy rất rõ về 3 nghiệp: thân, khẩu và ý. Trong 3 nghiệp này thì quan trọng nhất vẫn là tâm. Tâm làm chủ. Tâm dẫn đầu các pháp. Tất cả bắt đầu từ tâm. Tâm nghĩ điều lành thì miệng sẽ nói điều lành và thân sẽ làm điều lành. Vì vậy tâm của những quý vị làm truyền thông Phật giáo đặc biệt quan trọng. Từ tâm lành các thông điệp được truyền tải qua các bài viết, qua những phóng sự sẽ đến với hàng triệu con người và gia đình.
Chúng ta, mỗi chúng ta cần dùng tâm lành của mình để làm truyền thông hiệu quả nhất. Chúng ta nên biết rằng truyền thông là sự trao đổi với nhau tư duy hoặc ý tưởng bằng lời (theo John Hober) hoặc truyền thông là quá trình qua đó, chúng ta hiểu người khác và làm cho người khác hiểu chúng ta. (theo Martin P Aldelsm). Chúng ta cũng cần nhớ rằng truyền thông nảy sinh từ nhu cầu giảm độ không rõ ràng để có hành động hiệu quả, để bảo vệ hoăc tăng cường (Dean Barnlund). Và rằng truyền thông là quá trình giao tiếp, chia sẻ thông tin, suy nghĩ, tình cảm… nhằm đạt được sự hiểu biết lẫn nhau, nâng cao nhận thức, hình thành thái độ và thay đổi hành vi của con người. Khi biết được truyền thông là gì, chúng ta sử dụng tâm lành để truyển thông tốt nhất.
Trong thời đại mà truyền thông chiếm ngự hết mọi sinh hoạt của từng cá nhân con người mỗi Phật tử, tăng, ni chúng ta cần ý thức rõ và sử dụng các phương tiện truyền thông để hỗ trợ cho công cuộc hoằng pháp và góp phần xây dựng và phát triển con người và xã hội để tất cả cùng sống tốt, sống thiện. Hiện nay có rất nhiều vấn đề trong xã hội: tham nhũng, tư duy tiêu cực, lợi ích nhóm, vô trách nhiệm, dành giật, tệ nạn,…, dân tộc đang rất cần sự bình an, rất cần đến từ bi hỷ xả. Không ai khác ngoài chúng ta có thể làm được điều này. Không đạo nào khác ngoài đạo Phật có thể giải quyết được những vấn đề này.
Truyền thông là một hoạt động mang tính quá trình. Đó không phải là hoạt động nhất thời, gián đoạn mà mang tính liên tục. Đó là quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các thực thể tham gia truyền thông. Chúng ta cần làm cho quá trình truyền thông diễn ra liên tục và thường xuyên. Truyền thông Phật giáo không phải là phong trào nhay chiến dịch.
Truyền thông phải đạt tới mục đích hiểu biết lẫn nhau, từ đó đem lại sự thay đổi trong nhận thức, thái độ và hành vi của đối tượng. Truyền thông Phật giáo và mỗi chúng ta nên ý thức rõ chuyện này để hiểu nhau, thương nhau, đoàn kết tạo nên sự thay đổi của toàn xã hội.
Chúng ta cũng nên nhớ đến các đặc tính căn bản của truyền thông đại chúng như tính công khai, tính mục đích, tính phong phú và đa dạng, tính dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo, tính nhanh nhạy, kịp thời, tính tương tác và hiệu quả. Biết rõ những đặc tính này, với tâm thanh tịnh của mình, mỗi chúng ta sẽ nghĩ ra cách truyền thông đại chúng tốt nhất để mang giáo lý Phật dạy đến với đại chúng.
Mỗi chúng ta nên sử dụng mọi phương tiện kỹ thuật như sách báo, phát thanh, truyền hình, băng đĩa hình, CD Room, internet, phim ảnh… để truyền thông. Các phương tiện trực quan như pano, áp phích, tranh cổ động, biểu ngữ, khẩu hiệu, tờ rơi, tờ gấp, truyền đơn… cũng rất quan trọng. Báo chí, các loại hình báo chí là rất rất cần thiết. tất cả là quyền lực thứ tư mà.
Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước nên và cần vận dụng đúng mức vai trò và chức năng của truyền thông của mình để công cuộc hoằng pháp có hiệu quả cao nhất, rộng khắp đến với toàn xã hội. Chúng ta có thể truyền thông các giáo lý nhà Phật, các thông điệp của Đức Phật, những hiểu biết chung và những câu chuyện về Phật giáo… để cách truyền thông được đa dạng, phong phú và hiệu quả. Các thông điệp và nội dung ướng thiện, từ bi hỉ xả, luân hồi, nhân quả… vốn đã được quan tâm nếu chúng ta quyết tâm và biết cách truyển thông sâu rộng thì kết quả lớn lắm.
Đạo Phật là đạo Thiết thực hiện tại; Đến để mà thấy; Vượt thời gian; Hướng thượng; Dành cho người trí tự mình giác ngộ. Chúng ta tập trung truyền thông sâu sắc 5 đặc tính này để Phật tử biết, tránh bị lừa vào tà đạo, tà giáo, mất cả kiếp người. Truyền thông đúng là rất quan trọng. Chúng ta nên chọn tất cả các kênh truyền thông để có thể tác động vào con người thuộc tất cả các đối tượng.
Đã 1 ngày trôi qua từ khóa bồi dưỡng nghiệp truyền thông Phật Giáo cho hơn 200 thành viên tích cực đến từ 63 tỉnh thành trên cả nước tôi lại thêm trăn trở về vai trò mà truyền thông Phật giáo đang gánh vác trên vai. Một sứ mệnh lớn, quan trọng, cấp bách, rất ý nghĩa nhưng cũng đầy khó khăn. Người nản chí rất dễ bỏ cuộc. Chúng ta cần giữ liên lạc thường xuyên để nhắc nhau, giúp nhau, sách tấn nhau sử dụng mọi chức năng truyền thông hiện đại, bắt kịp những tiến bộ khoa học và công nghệ để truyền thông cho Phật Pháp.
Khóa học 2 ngày nhằm nâng cao năng lực, kinh nghiệm cho đội ngũ làm công tác truyền thông Phật giáo trên toàn quốc thật ấn tượng với tôi. Thật vinh dự được đứng trên bục giảng của một chương trình quan trọng như thế này. Tôi như thấy rất rõ hơn 200 tăng, ni, cư sĩ, phật từ là Ủy viên, Cộng tác viên của Ban Thông tin Truyền thông, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên toàn quốc đã mang theo một hành trang lớn để lên đường. Đường còn dài nhưng thật tuyệt vời.
Nếu bạn hỏi tôi ấn tượng nhất với học viên nào, tôi không ngần ngại mà nói rằng, đó là Đại đức Thích Trúc Thái Minh – trụ trì chùa Ba Vàng tỉnh Quảng Ninh. Nếu bạn hỏi tôi ấn tượng nhất với đoàn học viên nào, tôi xin nói ngay rằng, đó là đoàn phóng viên phật giáo cư sỹ của tỉnh cao nguyên Đắc Lắc. Thật ấn tượng và khó quên.
Tôi kết thúc bài này với một giấc mơ. Mơ đến một Phật giáo Việt Nam thế kỷ 21 mạnh như thời Lý Trần. Có ai cấm mình mơ đâu. Kể cả khi mình là Phật tử. Nếu chúng ta đồng tâm, đồng lòng, chung sức thì đó không phải là giấc mơ. Mà là hiện thực. Chúng ta, mỗi chúng ta tự thắp đuốc lên và cả 1 rừng đuốc sẽ sáng rực Việt Nam. Sáng đến cả muôn nơi, khắp 5 châu nữa chứ!
TS Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty sách Thái Hà
Bài đọc thêm:
Truyền thông và truyền thống (Minh Mẫn)
Discussion about this post