Dưới đây là phần được trích từ khóa thiền trực tuyến của Tạp chí Tricycle với chủ đề: “Phá vỡ các thói quen”.
Chúng ta phải cẩn thận để không nghĩ rằng hành thiền là phải dẹp bỏ các suy tưởng. Trái lại, tôi cho rằng thiền giúp chúng ta tiếp nhận các suy nghĩ của mình một cách sáng tạo, chứ không bám chấp vào chúng. Khi ai đó nói rằng họ không thể tập trung, tôi sẽ nói, “Không, không, không phải vậy! Chính là bạn đang tập trung – quá nhiều trên một tưởng nào đó!”.
Điều thú vị trong hành thiền là ta ghi nhận tất cả những nơi khác nhau mà tâm dẫn dắt ta đến – những thứ làm ta xao lãng và những thứ chiếm lĩnh tâm ta. Quan trọng là ta cần để ý đến những điều này khi hành thiền vì cũng chính những thứ này sẽ làm chủ tâm ta trong cuộc sống hàng ngày. Khi chúng ta trở nên quen thuộc với các suy nghĩ của mình khi hành thiền, ta sẽ thấy các suy nghĩ của ta lặp đi, lặp lại như thế nào. Chúng ta thường xuyên suy nghĩ về những vấn đề giống nhau, nhưng ít khi có tư tưởng sáng tạo, độc đáo.
Tôi khuyên bạn hãy theo dõi hơi thở, hoặc để âm thanh làm đề mục chú tâm của bạn, hoặc thực hành thiền quán thân. Sau đó tự hỏi mình, khi bị phóng tâm, tôi đã đi đâu? Đã làm gì? Lúc đó bạn sẽ có thể thấy mình có rất nhiều loại ý nghĩ khác nhau, nhưng thường rơi vào ba trạng thái: nhẹ nhàng, căng thẳng và vô thưởng vô phạt.
Thường chúng ta chỉ để ý đến những suy nghĩ của mình khi chúng đạt đến đỉnh cao, đã căng thẳng. Nhưng tới lúc đó thì quá trễ, vì chúng đã trở nên quá mạnh đến nỗi khó mà làm được gì với chúng. Cách duy nhất mà chúng ta có thể làm khi bị rơi vào, mắc kẹt trong những suy nghĩ nặng nề, ám độn là nhận ra được nguyên nhân – có thể là việc gì đó xảy ra, khiến bạn bấn loạn. Cẩn thận đừng chế dầu thêm vào lửa. Lúc này đây việc hành thiền có thể giúp ta.
Thí dụ, khi thỉnh thoảng ta quay về với hơi thở, ta sẽ dần dần nhận ra mình đang bị cuốn hút. Cố gắng trở về với hơi thở dù chỉ một chút, chỉ vài giây. Rồi tiếp tục trở về với hơi thở. Có thể là ta không gạt bỏ hoàn toàn được các trạng thái căng thẳng, nhưng ít nhất mức độ căng thẳng cũng sẽ giảm nhẹ, và thường là chúng không kéo dài thêm.
Khi hành thiền, chúng ta trở nên ý thức hơn về bản chất quen thuộc, các suy nghĩ theo thói quen của chúng ta. Tôi nghĩ mức độ này bao gồm các tâm thức sáo mòn mà ta thường quen suy nghĩ theo. Hành thiền giúp ta thoát khỏi các khuôn mẫu quen thuộc và khai phóng năng lực sáng tạo, độc đáo của tư tưởng.
Mộng ban ngày (daydream) là một thói quen của tâm mà ta cần để ý đến. Mộng ban ngày có thể rất nguy hại. Nếu bạn có khuynh hướng hay mơ mộng trong ngày, thì bạn sẽ thường so sánh những gì bạn đang trải nghiệm trong cuộc sống của mình với những gì xảy ra trong giấc mơ ban ngày, nơi mọi thứ đều xảy ra theo ý bạn muốn.
Mộng trong ngày rất hấp dẫn. Nó giống như một cuộn phim mà ta là diễn viên, người viết tuồng, đạo diễn, nhà sản xuất phim. Mộng ban ngày có thể tuyệt vời, ta có thể chỉnh sửa nó theo ý ta và làm bất cứ gì ta muốn – nhưng sau đó ta phải quay về với thực tại, nơi không phải điều gì cũng xảy ra theo ý ta muốn. Tôi nghĩ là chúng ta cần biết khi nào ta đang mơ giữa ban ngày – không phải để phán xét mà để trở về với thực tại và nói, “Ồ, tôi đã lạc vào giấc mơ ban ngày”.
Tôi nhớ khi còn là một nữ tu, tôi có thể hành thiền đến mười tiếng một ngày. Tuy nhiên, thay vì hành thiền, tôi sẽ mộng mơ về điều đó. Tôi mộng mơ về việc đi đến một nơi tĩnh mịch, thực hành rất miên mật, trở nên tỉnh giác, và cứu giúp mọi người. Khi tôi nhận ra rằng đó không phải là hành thiền, tôi quay lại thực sự vun trồng sự thực hành.
Lúc đó tôi có thể hoàn trả lại năng lực tâm linh mà tôi đã tiêu hao trong giấc mộng ban ngày vào mục đích ban sơ của việc hành thiền: suy nghĩ sáng tạo. Khi viết sách, tôi không mơ mộng về việc viết sách. Tôi chỉ nghĩ: Thế này thì sao? Thế kia thì sao? Khi viết, tôi trở nên rất sáng tạo, đầy tưởng tượng. Tôi mang tất cả trở về với sự tưởng tượng đầy sáng tạo.
Kiểu tâm thần (mental patterning) nhẹ là tự nhiên, và là cấp độ đối phó dễ nhất. Một bộ óc còn sống thì sinh động, lúc nào cũng tìm kiếm, nghĩ ngợi về điều gì đó. Chúng ta luôn có những dòng tư tưởng vô định, các ý nghĩ liên hệ kỳ quặc, các danh mục mua sắm hay dự tính trong đầu. Các thứ này thú vị nhờ tính chất nhẹ nhàng của chúng. Chúng ta có thể chấp nhận chúng dễ dàng và có thể phớt lờ chúng khi ta nhận ra một vài ý tưởng vô ích đến chừng nào.
Thí dụ như sự chuẩn bị hành lý lòng vòng, lấy ra, bỏ vô món này, món kia. Khi nhận ra được cái thòng lọng này, tôi đã đắm mình trong đó cho tới gần giờ phải lên đường. Khi đã ý thức về điều đó, tôi thấy nó vô lý, vì tôi biết là mình hoàn toàn có thể chuẩn bị hành lý một cách nhanh chóng và hữu hiệu.
Chúng ta cần nhận biết các kiểu tâm thần nhẹ này, vì trong một số hoàn cảnh ta có thể nhanh chóng chuyển từ hình thái nhẹ nhàng đến thường trực, đến căng thẳng và cuối cùng tự thấy mình nằm trong gọng kềm của nỗi ám ảnh, mà mới đầu chỉ là một ý nghĩ thoáng qua đầu. Ta không cần phải kiêng dè tâm. Ta có thể đi trên một cuộc hành trình khám phá và trải nghiệm. Sau đó ta có thể đối mặt với quy trình tâm và phát triển khả năng tâm linh trong từ bi, trí tuệ.
Martine Batchelor/Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ
Discussion about this post