MẬT TÔNG
Lê Sỹ Minh Tùng
Phật
giáo Đại thừa có rất nhiều Thần chú như Chú Đại Bi, chú Thủ
Lăng Nghiêm, chú Chuẩn đề… mà Thần chú chỉ có trong Mật tông. Vậy lịch sử hình
thành Mật tông như thế nào?
Hệ thống Phật giáo Đại thừa được
hình thành vào khoảng trước sau thế kỷ thứ nhất ở những vùng Nam Ấn Độ với chủ
trương “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” tu theo Lục độ vạn hạnh, phát
khởi đại bi nguyện dẫn dắt cứu giúp chúng sinh cùng thành tựu Phật quả.
Đại thừa Phật giáo ở Ấn Độ được
chia làm 3 thời kỳ:
1)Sơ kỳ Đại thừa: Thời kỳ
này bắt đầu khoảng từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 4 sau công nguyên nhằm phát
huy lý luận “Giai Hữu Tánh Không” và từ đó hình thành học phái Trung Quán của
Long Thọ và đệ tử là Đề Bà.
2)Trung kỳ Đại thừa: Đây là
giai đoạn khoảng thế kỷ thứ 4 đến thứ 6 sau công nguyên với sự xuất hiện của
thuyết “Như Lai tạng Duyên khởi” và A-lại-da thức Duyên khởi. Từ đó hình thành
học thuyết Du già do ngài Vô Trước và em là sư Thế Thân với tác phẩm nổi tiếng
“Thành Duy Thức Luận”.
3)Hậu kỳ Đại thừa: Thời kỳ
này bắt đầu từ những thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thư 13. Đây có lẽ là thời kỳ Phật
giáo dần dần suy vi. Nhưng lúc ấy Phật giáo Đại thừa được truyền từ Ấn Độ gọi
là Phật giáo Bắc truyền lại phát triển rực rỡ ở các nước Trung Hoa, Triều Tiên,
Nhật Bản và Việt Nam với sự xuất hiện của mười đại tông phái như Thiền, Tịnh
độ, Nhiếp Luận, Thiên Thai…
Thế thì Thiền tông xuất hiện vào
Trung kỳ Đại thửa và Mật tông xuất hiện vào Hậu kỳ Đại thừa. Mãi đến thế kỷ thứ 7 sau công nguyên tức là trên
1.300 năm sau ngày đức Phật nhập Niết bàn, ở Ấn Độ xuất hiện một vị Tổ của Mật
tông tên là Dược sư Long Thọ. Còn Bồ tát Long Thọ, người đã khai triển và hoàn
thành học phái Trung Quán, ra đời vào
thế kỷ thứ hai sau công nguyên trong gia đình Bà là môn thuộc nước Andhradesa
tức là Vidarbha, là vị Tổ đời thứ 14 trong số 33 vị Tổ của Phật giáo Thiền
tông. Vị Tổ thứ 33 cũng là vị Tổ sau cùng của Thiền tông là Lục Tổ Huệ Năng.
Mật tông còn được gọi là
Chân Ngôn tông, Du-già tông, Kim Cương Danh tông, Tì-lô-giá-na tông, Khai
Nguyên tông hay Bí Mật thừa. Tông này chủ yếu lấy kinh Kim Cương Đảnh làm kinh
tạng, kinh Tô-bà-hô làm luật tạng và luận Thích Ma-ha-diễn làm luận tạng. Sở dĩ
tông này được gọi là Mật giáo vì để hiển bày giáo nghĩa của mình là rất sâu xa
bí mật, còn các giáo phái Đại thừa khác là thiển hiển. Mật tông cho rằng giáo pháp của hai bộ Kim Cương giới
và Thai Tạng giới là chính do pháp thân Phật Đại Nhật Như Lai tuyên thuyết và
đây mới là cảnh giới của Phật tự nội chứng cho nên mới gọi là Mật. Đứng về giáo
nghĩa hiển bày chân lý thì không có sự sai biệt giữa Hiển giáo và Mật giáo,
nhưng về hành trì thì Mật tông có những quy tắc đặc thù không giống với các
tông phái khác.
Mật tông ở Ấn Độ bắt nguồn
từ Ấn Độ giáo, do quá trình phát triển lâu dài, Phật giáo dần dần xâm nhập vào
tín ngưỡng dân gian nên chịu ảnh hưởng cũng như tiếp thu các chú thuật Mật pháp
để bảo vệ giáo đồ và tiêu trừ tai chướng. Rồi dần theo thời gian, Mật tông còn
chuyển các vị thần của Ấn Độ giáo vào Phật giáo, do đó mà xuất hiện nhiều vị
Minh vương, Bồ tát chư thiên, chân ngôn chú ngữ…Vì vậy trong kinh điển Đại thừa
ở thời kỳ sau xuất hiện một loại kinh điển lấy Đà la ni (Dharani) làm chủ yếu.
Trong Kinh tạng và Luật tạng Pali có kinh nói về kệ Hộ thân. Sau đó Phật giáo
đồ ở các vùng Tích Lan biên tập kinh này gọi là kinh Minh Hộ (Paritta). Kinh
này được xem là khởi nguyên của Mật giáo Đà la ni và Mạn đà la sau này. Đến
khoảng thế kỷ thứ 4 sau công nguyên mới xuất hiện kinh điển độc lập chuyên nói
về chú pháp, như kinh Khổng Tước Minh Vương…
Đến giữa thế kỷ thứ 7 về
sau, Phật giáo Ấn Độ tiến vào thời kỳ toàn thịnh thì Mật giáo chân chính mới
thực sự khai triển dùng chân ngôn, Đà la ni làm trung tâm, phát triển triết học
Phật giáo Đại thừa dựa vào những tư tưởng Mật tông này. Mật giáo hưng khởi vào
thế kỷ thứ 7 cho đến thế kỷ thứ 11 khi Phật giáo Ấn Độ bị suy vong thì Mật giáo
mới ngưng phát triển. Nhưng tại Trung Ấn Độ, Mật giáo vẫn còn hưng thịnh, sau
khi dung nhập giáo thuyết của phái Tính Lực (Sakrtah) thì trở thành Tả đạo Mật
giáo, chú trọng thuyết Đại Lạc (Mahasukha-vada) trong kinh Kim Cương Đảnh của
Thuần Mật.
Bắt đầu từ thế kỷ thứ 8 về
sau, Mật tông được truyền vào Tây Tạng, trở thành Lạt-ma giáo.
Dựa theo tư tưởng truyền
thuyết Mật tông, khoảng thế kỷ thứ 7, Dược Sư Long Thọ trì chú vào 7 hột cải
trắng để mở tháp sắt 16 trượng (biểu thị 16 vị Bồ tát trong Kim Cương giới) ở
Nam Ấn Độ và đích thân nhận 2 bộ đại kinh này từ Kim Cương Tát-đỏa. Sau đó ngài
Long Thọ truyền lại cho Long Trí rồi truyền cho ngài Thiện Vô Úy. Vì thế Long
Thọ là Tổ sư khai sơn, còn vị giáo chủ là Đại Nhật Như Lai tức là Phật
Tỳ-lô-giá-na. Vì việc thuyết pháp khác với với đức Phật Thích Ca nên gọi là Kim
Cương thừa. Kim Cương thừa sau này chia làm 2 phái:
1)Phái hữu: Lấy kinh
Đại Nhật làm chủ, mang chủ nghĩa thần bí, muốn nhờ vào chú thuật để thực hiện
sự hợp nhất giữa vũ trụ và tinh thần, cùng chi phối hiện tượng tự nhiên và
những việc may rủi tốt xấu của con người nên gọi là Chân Ngôn thừa. Phái này từ
Trung Hoa truyền sang Nhật Bản thành tông Chân Ngôn. Ngoài ra, Mật giáo do tông
Thiên Thai ở Nhật Bản truyền thì gọi là Thai Mật.
2)Phái tả: Lấy kinh
Kim Cương Đảnh làm chủ tức là Tả đạo Mật giáo, khẳng định bản năng của con
người muốn ngay nơi đây phát hiện lẽ chân thật nên gọi là Kim Cương thừa. Phái
này xem trọng pháp Song thân. Theo lập trường của Phật giáo Nguyên thủy, phái
này là bàng môn tả đạo và bắt đầu từ thế kỷ thứ 9 trở về sau kết hợp với Ấn Độ
giáo nên càng thêm hưng thịnh. Về sau lại truyền vào Tây Tạng trở thành cơ sở
của Tạng Mật. Tạng Mật tức là Tây Tạng Phật giáo Mật tông do ngài Liên Hoa
Sanh, ngài Hộ Tịch truyền vào từ thế kỷ thứ 8. Khi Phật giáo chưa du nhập vào
Tây Tạng thì Tây Tạng thực hành tà chú của đạo Bon-Pa gọi là Cựu Mật pháp. Đến
đầu thế kỷ thứ 11, ngài Tông Khách Ba dịch nhiều kinh điển Du già Mật giáo thì
bây giờ gọi là Tân Mật giáo.
Tóm lại, nếu luận về giáo
chủ thì Hiển giáo là do đức Thích Ca ứng hóa thuyết pháp, Mật tông là do pháp
thân Đại Nhật Như Lai thuyết. Về pháp thân thì pháp thân của Hiển giáo là “lý
thể” không hình không tướng. Còn pháp thân của Mật tông thì có hình có tướng và
có thể thuyết pháp được. Nhìn từ pháp sở thuyết thì cảnh giới Bát bất trung đạo
tịch diệt của tông Tam luận, cảnh giới Thắng nghĩa đế ly ngôn của tông Pháp
Tướng, cảnh giới Bất khả tư nghì nhất niệm tam thiên của tông Thiên Thai, cảnh
giới Tính hải quả phần bất khả thuyết thập Phật của kinh Hoa Nghiêm đều rốt ráo
có thể nói được. Bây giờ nhìn từ sự biểu hiện của chân lý thì tất cả các pháp đều
tượng trưng cho chân lý mà biểu hiện cụ thể của những loại tượng trưng này tức
là nghi quĩ của Mật tông. Xét từ sự thành Phật nhanh chậm thì trừ Thiền tông
ra, các tông khác đều phải trải qua 3 A tăng-kỳ kiếp, còn Mật tông thì chủ
trương ngay nơi thân này thành Phật. Xét từ hệ thống giáo nghĩa thì Mật tông là
tổng hợp Vũ trụ nhân sinh quan Lý, Trí không hai. Đức Đại Nhật Như Lai có đầy
đủ nhân cách vĩ đại này mà thế giới của Trí pháp thân gọi là Thai tạng giới.
Nhờ sức tu trì có thể khuếch đại thế giới Trí hợp nhất với thế giới Lý, đó là
Lý, Trí không hai. Từ khi xuất hiện của Du-Già Hành tông của Vô Trước thì cái
nhìn về vũ trụ của Mật tông được lý giải rộng rãi hơn.
Nói chung Hiển giáo tận
dụng văn tự ngôn ngữ, giải thích, dùng thí dụ nên đức Phật nói quyền, nói thật,
nói rộng, nói hẹp, nói cao, nói thấp miễn sao sáng tỏ vấn đề. Mục đích của Hiển
giáo là “Văn như tư rồi tư như tu” thì mới nhận biết được sự lợi ích của lời
Phật dạy. Vì thế Hiển giáo là giúp hành giả khai tâm, mở tánh thấu triệt Chân
lý.
Mật giáo thì ngược lại,
không chú trọng đến giáo lý, mà chỉ chú tâm vào câu Thần chú Đà-la-ni. Thần chú
là thứ văn tự không cần ngữ ngôn lý giải vì thế hành giả Mật tông chỉ thực hành
tam mật tương ưng. Đó là thân mật, khẩu mật và ý mật phải tương ứng với nhau để
cột tâm vào câu thần chú. Nói cách khác muốn có kết quả tốt, người thực hành
Mật tông thì tay phải bắt ấn, chân ngồi kiết già, miệng đọc thần chú và ý niệm
thần chú thì thân, khẩu, ý không có cơ hội tạo nghiệp. Lối thực hành này giống
như phương pháp niệm Phật của Tịnh độ tông, nhưng nếu chưa đạt đến “Nhất tâm”
thì khi hành giả không còn trì chú hay niệm Phật thì vọng tưởng phát tác trở
lại.
Chú
Đại Bi rất phổ thông trong Phật giáo Đại thừa khắp mọi nơi, nhưng đã là thần
chú thì không thể và không nên giải thích. Thế mà gần đây có một số người cố
tình giải thích Chú Đại Bi theo quan niệm riêng của họ làm mất đi sự huyền diệu
của chú. Chú là mật giáo còn giải thích, giảng giải là hiển giáo cho nên nếu
giải nghĩa Chú Đại Bi thì chẳng khác nào giết chết tính bí mật, linh thiêng
huyền diệu của nó và vô tình biến mật giáo thành ra hiển giáo. Tây Tạng là quê
hương của Mật giáo nhưng có thấy các vị Lạt Ma giải thích bất cứ câu Thần Chú
nào đâu? Không lẽ trí tuệ của các vị Lạt Ma còn kém hơn các vị giảng giải Chú
Đại Bi hay sao? Đối với Phật giáo Mật tông Tây Tạng, câu thần chú rất phổ biến
của Bồ Tát Quán Thế Âm là “Om Mani Padme hum” phiên âm tiếng Việt là “Án Ma Ni
Bát Di Hồng”.
Discussion about this post