LƯỢC LUẬN VỀ Ý NGHĨA CỦA PHẬT TÍNH
Tác Giả: Thích Học Hữu
Từ Vy dịch
1. Lời nói đầu
Trong kinh luận Phật giáo Đại thừa, nhất là các bộ phái lấy chân thường làm chính, danh từ Phật tính thường được dùng lẫn lộn với một số từ khác, hoặc là đánh đồng với nhau. Kinh Niết bàn (Mahāparinirvana – Sūtra) cũng cho Phật tính có nhiều tên khác. Đại thừa huyền luận, quyển 3, Cát Tạng ghi:
“Kinh Niết bàn gọi là Phật tính, kinh Hoa nghiêm[1] gọi là pháp giới; kinh Thắng man gọi là Như Lai tạng tự tính thanh tịnh tâm, kinh Lăng già[2] gọi là bát thức; kinh Thủ lăng nghiêm[3] gọi là thủ lăng nghiêm tam muội, kinh Pháp hoa[4] gọi là nhất đạo nhất thừa, kinh Đại phẩm gi là bát nhã pháp tính, kinh Duy Ma[5] gọi là vô trụ thật tế. Những từ như vậy đều chỉ cho tên khác của Phật tính.”[6] Những từ này đều là tên gọi khác của Phật tính.
Trong tác phẩm Phật giáo Ấn Độ, Ấn Thuận (1906 – 2005) ghi:
“Như Lai pháp tính tức là Như Lai tạng, viên giác, thường trụ, chân tâm, Phật tính, cho đến bồ đề tâm, đại niết bàn, pháp thân (dharmakāya), không tính (śunyatā), chân thường luận, đều cho những từ này như nhau ”.[7]chân thường luận đều xem là một.
Dù là Phật tính hay Như Lai pháp tính, Như Lai tạng (Tathāgata – garbha), hoặc không tính đều cùng một tính. Do phần vị[8] của các pháp năng tri và sở tri khác nhau nên mới có tên gọi khác nhau mà thôi. Điều này Cát Tạng[9]giải thích như sau:
“Danh nghĩa tuy khác, nhưng lý thì hoàn toàn không hai. Đại đạo
bình đẳng là tính giác ngộ của chúng sinh nên gọi là Phật tính. Nghĩa ẩn tàng trong sinh tử nên gọi là Như Lai tạng. Dung nhiếp các thức tính,
rốt ráo thanh tịnh, nên gọi là tự tính thanh tịnh tâm. Thể tính của các
pháp gọi là pháp tính. Diệu thực không hai nên gọi là chân như. Tột cùng chân thật nên gọi là thật tế[10].
Lý thì bặt động tĩnh nên gọi là tam muội. Lý thì không có gì để biết, nhưng không gì không biết nên gọi là bát nhã (Prajñā). Thiện ác bình đẳng. Tốt xấu hoạt động không hai, gọi là nhất thừa. Lý đồng với
viên tịch, gọi là niết bàn v.v. Có nhiều tên gọi nhưng tướng thì không hai, không có hai tướng, cho nên nói: Danh tự tuy khác, lý thật không hai”[11].
Thế nên, trong loài hữu tình thì gọi là Phật tính (Buddha – dhātu, buddha – gotra), Như Lai tạng v.v. loài vô tình thì gọi là pháp tính, chân như (s, p: tathatā, bhūtatathatā), thật tế…[12]
Mãi đến bây giờ, từ Phật tính được coi như đồng nghĩa với Như Lai tạng. Kinh luận được dịch chữ Hán, so ra, từ Như Lai tạng xuất hiện sớm hơn. Từ Như Lai tạng được nói sớm nhất trong các kinh: Như Lai tạng (Tathāgata – garbha – sūtra), Bất tăng bất giảm (Nadhika – anuga – sūtra), Thắng Man (Śrīmālā – siṃha – nāda – sūtra).[13] Chuyên luận sâu về Phật tính, thường cho kinh Niết bàn là sớm hơn cả.[14]
Nhưng, trong kinh luận, từ Phật tính thường có nhiều nghĩa. Về sau, các
nhà giải thích nghĩa Phật tính, phần nhiều đều căn cứ vào các thuyết trong kinh luận mà mình hiểu được, khiến cho từ Phật tính không thống nhất. Cũng có học giả muốn căn cứ theo các tài liệu đã có để khảo chứng;
cũng có học giả từ nguyên học, căn cứ theo từ ngữ gốc Phạn để khảo chứng. Song, nếu muốn theo bản gốc kinh Niết bàn để khảo chứng thì quả thực không dễ dàng chút nào. Bởi vì, kinh Niết bàn chỉ còn lại hai bản dịch Hán và Phạn, nhưng bản Phạn bị rách nát lung tung.[15] Do vậy, chúng ta chỉ còn cách trở lại khảo chứng kinh Niết bàn. Những bản kinh luận Phạn văn là tư liệu quí để chúng ta đối chiếu.
Ogwa Ichijo, học giả Nhật Bản, đã đối chiếu hai bản luận Bảo tính
bằng Phạn văn và Hán văn, và kết quả, ông ta phát hiện: từ Phật tính được dịch bằng các từ sau: Buddadhātu, Tathāgatadhātu, Dhātu, Gotra, Tathāgatagotra, Buddhagarbha và Tathāgatagarbha. Nhưng đời Hán về sau, những từ này được dịch ra từ Phật tính, cũng còn được dịch là: Như Lai tạng, Như Lai tính…[16] Nhưng học giả Takasaki Jikido 高崎直道Cao Khi Trực Đạo, sau khi đối chiếu hai bản dịch Hán tạng kinh Niết bàn,
cho rằng: tần số từ Phật tính dịch thành Buddahadhātu xuất hiện cao nhất. Nói chung, chủ yếu là từ Buddha và Dhātu hoặc Gotra hay Garbha tổ hợp thành[17].
Bài viết này chỉ muốn lấy ba từ Buddhadhātu, Buddhagotra và Buddhagarbha để khảo chứng nghĩa chính của từ Phật tính. Bài viết chia làm bốn phần: Ngoài phần mở đầu và kết luận ra, người viết lấy hai phần còn lại là: ngữ nghĩa của Phật tính và giải thích nghĩa Phật tính làm đề
mục để trình bày.
2. Ngữ nghĩa của Phật tính
Trước tiên, thử lấy ba từ Phạn văn đã nêu ra ở trên, theo nghĩa chính của Phạn văn để tìm hiểu từ Phật tính.
1. Buddhadhātu 佛界Phật giới. Tức nghĩa Phật tính. Ngữ căn của Dhātu là Dha, có nghĩa tầng lớp, nền tảng, thành tố v.v.[18] Cũng có nghĩa là lĩnh vực; cũng chỉ cho nơi y cứ, nền tảng, nơi chốn để đặt vật gì đó vào[19]; cũng có nghĩa là khoáng sản, tức là quặng mỏ, khoáng vật chứa các kim loại v.v.[20] Luận Du già sư địa (Yogācārabhūmi – śāstra)[21], quyển 3, ghi:
Nghĩa giới là gì? Có nghĩa là duy trì, vi tế, chủng tính, bản tính, chủng tử, nhân. (ĐC, q.30, tr. 610a)
Luận Câu xá S: Kośa – śāstra[22] cho giới là nghĩa chủng loại (Jati), như luận ghi: giới, thanh là ý nghĩa chủng loại. (ĐC, q.25, tr. 5a).
Dhātu cũng còn có nghĩa là hài cốt[23].
Nhìn chung, các thuyết trên đưa ra nghĩa dhātu (giới) rất phức tạp, bao hàm nhiều nghĩa như: lĩnh vực, nền tảng, y cứ, chủng loại, tầng
lớp, thành tố, khoáng sản, hài cốt, nhân, chủng tử, bản tính, chủng tính, vi tế, duy trì. Song, thường lấy sát nghĩa, chỉ chung cho các nghĩa: nhân, chủng tử, tính, tàng. Theo sự đối chiếu hai bản Phạn – Hán luận Bảo tính, thì từ dhātu trong bản Phạn, bản Hán hoàn toàn không dịch giới mà dịch là tính. Giới, tính ở đây, nếu giải thành nhân thì có ba thuyết: 1. Nhân là y chỉ nhân[24], như vô minh duyên hành, căn cảnh thức duyên xúc[25]. 2. Dhātu= hetu, chúng sinh nhờ đó mà thành Phật, hoặc cho rằng Phật do đây mà thành[26]. 3. Tính thành Phật tiềm ẩn bên trong, nghĩa là năng lực vốn có của mỗi chúng sinh[27].
Ba thuyết này tưởng như giống mà lại khác nhau. Theo thuyết 1, chỉ là một loại điều kiện mà thôi, vì vô minh không thể sinh hành, nhờ duyên mà
hành mới sinh. Thuyết này rõ ràng là theo giáo lý Phật giáo và lập trường Trung quán. Theo thuyết 2, là chỉ cho nghĩa sinh ra, nghiêng về nhân chủng tử Duy thức. Theo thuyết 3, là theo lập trường Như Lai tạng, thuyết Phật tính, là năng lực bẩm sinh vốn có đầy đủ của mỗi chúng sinh,
thời cơ đến là liền thành Phật. Như trong tác phẩm Như Lai tạng chi nghiên cứu, trang 65, Ấn Thuận ghi: “Thuyết Như Lai tạng là nói trong phạm vi bản hữu[28]. Do đó, trước khi phát tâm, Như Lai đã đầy đủ trong Thai tạng”.
Cuối cùng, người viết xin dẫn lại ý kiến của một nhà Phật học để làm lời kết: “Dhātu là giới; từ này bao hàm nghĩa lĩnh vực và nghĩa bản nguyên. Lĩnh vực là chỉ lĩnh vực Phật, đây là căn cứ theo quả vị Phật mà
nói: Bản nguyên là chỉ bản chất vốn có của chúng sinh, bản tính mà sinh
ra đã có, đây là căn cứ theo nhân địa (hetu – bhūmi) thành Phật mà nói”[29].
2. Buddhagotra (Phật chủng tính) tức là nghĩa Phật tính. Trong kinh điển Phật giáo, nhân thành Phật luôn liên quan với chủng tính (gotra). Song, từ này bao hàm nhiều nghĩa: chủng tính, chủng tộc, chủng thuộc hoặc tộc tính v.v. Chủng tính Phật cũng gọi là Phật tính, chữ tính
này, trong một ý nghĩa nào đó, nó gần với nghĩa tính chất, nhưng nó không hoàn toàn giống nhau. Gotra và giới cùng có nghĩa nhân. Lữ Trừng căn cứ vào phẩm “Chủng tính” trong kinh Đại thừa trang nghiêm luận, và khuyên dịch từ chủng tính thành nghĩa công đức và độ. Theo sự phân tích của ông ta, thì:
Chữ này phân tích gồm có hai nghĩa: công đức và độ, hợp thành chủng tính… biểu thị một loại nhân hướng thiện. Thiện này chỉ cho giải thoát thiện. Nghĩa là chủng tính hướng thiện, không chỉ được công đức mà
còn được giải thoát. Tại sao lại gọi là Nhân? Luận Trang nghiêm
giải thích chủng tính rằng: “Ở giai vị chủng tính, phải biết hữu và phi
hữu”. Hữu tức là hữu nhân tướng, phi hữu tức là vô quả tướng. Nghĩa là hữu tình đang ở giai vị chủng tính, chỉ có nhân tướng hướng đến giải thoát, mà không có quả tướng giải thoát, nên gọi là nhân[30].
Nếu hiểu theo mặt chữ chủng tính ??種姓thì rõ ràng nghĩa của nó nghiêng về tộc tính ??族姓, huyết thống, gia hệ, hoặc truyền lại gia thế. hoặc chủng thuộc đã ăn sâu vào thời cổ Ấn Độ. Từ này được dùng để phân biệt chủng loại, giai cấp; qui về huyết thống để quyết định, thuộc dòng họ nào thì nhất định có tính chất của dòng họ đó. Vì vậy, hàm nghĩa của hai từ chủng tính và tính chất có điểm tương thông. Ở Ấn Độ, từ này cũng
có lúc dùng lẫn lộn. Đến Trung Quốc, sau khi dịch ra Hán ngữ thì chủng tính 種性và chủng tính 種姓phát âm giống nhau, nên khả năng ý nghĩa của nó sẽ giống nhau. Vì vậy, hai từ này thường được dùng lẫn lộn với nhau.[31]
Nhưng từ chủng tính 種姓trong chế độ chủng tính ở Ấn Độ lại không phải là
gotra, mà là varna (sắc). Về sau, có nghĩa là sắc da. Trong quá trình hoằng truyền và phát triển của Phật giáo, khó mà dung nhiếp được chế độ xã hội, phong tục tập quán, tư tưởng truyền thống ở địa phương hồi ấy.
Trên bước đường tu tập tôn giáo, do điều kiện mỗi người khác nhau, nên kết quả đạt được cũng không ai giống ai. Vì vậy, phạm trù phân
biệt chủng tính của xã hội, cũng liền vận dụng đến tín ngưỡng tôn giáo.
Đây là sự việc hết sức tự nhiên, cũng rất có khả năng phát sinh ra nhiều vấn đề. Nhưng do ảnh hưởng như thế, nên sự phát triển tôn giáo về sau, cũng hình thành nhiều vấn đề. Điểm này sẽ bàn sau.
Nói cách khác, giải thích về từ chủng tính 種姓cũng có thể tránh xa
huyết thống, hoặc giai cấp xã hội bên ngoài, mà chỉ hướng đến lĩnh vực tâm linh, trí huệ, tinh thần. Mục tiêu tu tập của Phật giáo Đại thừa là phát triển hướng đến con đường thành Phật. Thông thường bồ tát lấy bồ đề
tâm làm chính. Vì vậy, bồ tát được công nhận là đệ tử hàng đầu để thành
Phật, và do đó kinh điển Đại thừa cho rằng, bồ tát là Phật tử được sinh
ra từ nhà Như Lai. Đây là tư tưởng bồ tát hưng thịnh về sau, vì bồ tát vị lai phải tiếp nối làm Phật, không dứt giống Phật, nên gọi là Phật tử.
Nhưng nếu suy cứu theo Kinh điển thời kỳ đầu thì, A la hán (S: Arhat) cũng được gọi là Phật tử, hoặc là con của Thánh giả (S: Ārya)[32]. Trong kinh Tạp a hàm, Phật khen A la hán là con.[33]Phật tử biểu thị có thánh tính (Ārya – gotra) Phật, kế thừa được đại nghiệp độ sinh khiến cho họ giác ngộ. Đức Phật cũng từng khen Xá Lợi Phất là trưởng tử của Như Lai.[34]
Takasaki Jikido 高崎直道căn cứ theo từ gotrabhu trong kinh điển Pāli, và cho biết từ này biểu thị trong quá trình tu tập của tỳ khưu, thì sẽ đạt được giai vị chỉ thua thánh nhân một bực (và đang ở giai vị ấy), điều này cũng chính là nói nghĩa xả ly chủng tính phàm phu mà đạt chủng tính thánh nhân, cũng có thể hiểu là thành Chủng tính. Trong kinh luận Hán dịch, Chủng tính được cho đồng nghĩa với chủng tính địa (gotra – bhūmi)[35]. Bộ phái Phật giáo thì cho là tính nhân, chủng tính nhân, cho đến Đại thừa thập địa cho là tính địa. KinhBồ tát địa trì, quyển 10, cho rằng: “Chủng tính địa tuy chưa chứng nhập thánh vị, nhưng đã thành pháp khí xuất thế, sẽ nhập vào thánh vị”[36]. Nhưng nếu theo luận Dị bộ tông[37] thì, phái Đại chúng cho rằng: “Cho đến tính địa pháp (gotra – bhūmi) đều có thể thoái chuyển[38] thì Chủng tính rõ ràng, không nhất định thành Phật”. Ấn Thuận nhận định: “Chủng tính là nói theo sự phát tâm tu hành, nỗ lực tiến lên. Vì vậy, người phát tâm cầu Phật đạo đều thâu nhiếp chủng tính Phật, nhưng lúc đầu có thể thoái thất.[39] Do đó, quan niệm chủng tính phát triển đến Hữu bộ (Sarvāstivāda) rồi hình thành tư tưởng Tam thừa chủng tính. Nhờ Du già hành tông (Yogācāra) kế thừa, rồi thuyết Tam thừa các biệt, hoặc Ngũ thừa các biệt, một phần quan niệm Vô tính.
Từ kết quả phân tích trên cho thấy chủng tính 種性,種姓 không thể được xem là “công năng vốn có thuộc tiên thiên”. Chúng ta chỉ có thể cho
rằng nó giống thuyết Phật tính ở phần đầu trong kinh Niết bàn mà thôi. Do đó, chủng tính rốt cuộc cũng còn có chỗ giới hạn, cũng cần điều kiện, v.v. như kinhDuy Ma Cật (Vimalakīrtinirdeśa sūtra)
ghi: Bậc đại thanh văn, A la hán đã làm khô héo mầm giống Như Lai, nên vẫn bị đẩy ra ngoài dòng họ Như Lai. Song, tuy chúng sinh bị phiền não làm nhiễm ô, nhưng vẫn thuộc vềchủng tính Như Lai. Đây chính là mối quan
hệ giữa gotra trong luận Bảo tính và chủng tính đã được dịch ra Hán ngữ.
3. Buddhagarbha (Phật tạng) tức là nghĩa Phật tính 佛性. Trong luận Bảo tính,
từ Phật tính cũng dịch từ buddhagarbha và tathāgatagarbha (cũng dịch thành Như Lai tạng). Buddhagarbha là do cụm từ buddha (Phật) và garbha (tạng) mà hợp thành, garbha là từ ngữ căn gṛbh (nắm, giữ…) mà ra.[40]
Từ đó suy ra, garbha (tạng) có hai nghĩa: 1.Thai tạng (e: embryo, cái thai). 2.Mẫu thai (e: womb, tử cung, dạ con). Nếu nói buddhagarbha mà dịch thành Phật tính là do hai nghĩa của garbha ở trước, có thể giải thích:
a. Nhân chính thành Phật, giai đoạn hiện tại tuy còn ở nhân vị, nhưng vị lai nhất định sẽ thành Phật. Cho nên có ý nghĩa nhân và sở tàng.
b. Tượng trưng tiềm tàng, đầy đủ trí huệ Phật và tướng công đức, mang nghĩa quả và nghĩa năng tàng (nơi được chứa giữ).[41]
Từ garbha, nếu truy ngược về thời đại đầu Phệ Đà[42] ở Ấn Độ, ta thấy có Kim thai (hiranya – garbha)
trong Sinh Chủ Ca của Lê câu phệ đà, vốn là vị chúa sinh ra vạn vật. Cho nên, ngoài nghĩa sinh ra vạn vật, garbha cũng có nghĩa một thứ vật chứa, lại có nghĩa là cái thai, cũng biểu thị ý niệm sinh đẻ, sinh trưởng phát triển[43].
Buddhagarbha mà dịch thành Phật tính, có thể hiểu: chúng sinh vốn
có công đức trí huệ Phật tiềm tàng bên trong, chưa hiển lộ, tương lai sẽ hiển lộ thành Phật, cũng có thể hiểu: Phật cũng từ trong chúng sinh mà sinh ra rồi tu hành thành tựu, cho nên nói chúng sinh có tính tiềm tàng bên trong, tu hành sẽ thành Phật.
3. Giải thích về ý nghĩa của Phật tính
Dõi theo nguyên ngữ Phạn văn từ Phật tính ở trên để hiểu nghĩa của nó thì, Buddhathatu tựa hồ nghiêng về thể tính của Phật và có thể nhờ nhân tính (hetutva) để thành Phật. Buddhagarbha và Buddhagotra chính là nói theo khả năng thành Phật chăng? Ba từ này (Buddhadhātu, Buddhagarbha
và Buddhagotra) như đã nói ở trước, là căn cứ theo kinh luận Đại thừa, nhất là luận Bảo tính, nhờ so sánh hai bản Phạn và Hán mà có được. Song, kinh luận trước khi Đại thừa xuất hiện thì hoàn toàn không có vết tích gì của ba từ này. Tuy nhiên ba từ dhātu, garbha và gotra được sử dụng thường xuyên. Cuối cùng, tư tưởng Phật tính cũng không có liên hệ gì trực tiếp với ba từ này. Phật giáo Ấn Độ, tư tưởng Đại chúng bộ (mahāsāṅghika)[44] là hướng về Phật giáo Đại thừa phát triển. Khởi nguyên của Phật giáo Đại
thừa bắt đầu sau Phật niết bàn, hoài niệm về đức Phật vĩnh hằng là động
lực chủ yếu của hàng đệ tử. (Trong trước tác của mình, nhiều chỗ, Ấn Thuận đề cập quan niệm này). Truy nguyên tư tưởng học thuyết Đại chúng bộ thì chúng ta sẽ rõ về sắc thân Phật hữu lậu.
Quan niệm Phật pháp thân là lấy lời Phật dạy làm nơi nương tựa của Thượng tọa bộ thì Đại chúng bộ không hài lòng lắm! Như trong luận Dị bộ tông luân (Samaya – bhedoparacanacaksa), ghi: “Tất cả Như Lai không còn pháp hữu lậu, sắc thân Như Lai thực sự không cùng tận”[45].
Sắc thân tướng tốt, tâm trí năng lực của Phật Đà biến khắp không cùng, không bị chướng ngại, vĩnh hằng thường tại. Quan niệm về Phật Đà như vậy, kéo dài đến thời kỳ đầu của Đại thừa. Quan niệm về sinh thân, pháp thân cũng không có sự phân biệt gì nhiều[46]. Song, bây giờ cũng đã thấy xuất hiện một loại tín ngưỡng, lý tưởng về Phật Đà quan. Như trong kinh Như Lai tạng chép: “Pháp thân đồng nghĩa với Như Lai tạng”[47]. Ở chừng mực nào đó mà nói thì pháp thân đồng nghĩa với Phật tính.
Như các kinh đã nói ở trên: Như Lai tạng (Tathāgata – garbha Sūtra) Bất tăng bất giảm (Nadhika – anuga – sūtra) và Thắng man (Srimaladevi – sūtra) đều là kinh điển đề cập đến tư tưởng Như Lai tạng sớm nhất. Trong kinhNhư Lai tạng,
đưa ra chín thí dụ để thuyết về Như Lai tạng của chúng sinh. Đức Phật dùng Phật nhãn nhìn thấy trong tất cả chúng sinh đều bị phiền não bởi: tham dục, sân si; cuối cùng cũng đạt Như Lai trí, Như Lai nhãn, Như Lai thân nhờ công phu thiền định. Như Lai tạng không hề bị ô nhiễm, đức tướng đầy đủ không khác gì Như Lai. Vả lại, Như Lai tạng trong tất cả chúng sinh đều thường trụ bất biến dù Phật có xuất hiện hay không xuất hiện ở đời. Nhưng vì chúng sinh bị phiền não che lấp, nên không biết. Như Lai xuất hiện ở đời thuyết pháp cặn kẽ chính là để trừ diệt phiền não, thuần Nhất thiết trí, khiến Phật tính bị phiền não che lấp từ vô thỉ hiển bày ra[48]. Chúng sinh đã tự biết mình có
Phật tính nhờ Phật thuyết pháp mà được giải thoát, một mực theo pháp tu
hành chân thực, giải thoát mọi phiền não, chứng đắc Thật thể thanh tịnh
Như Lai (Śudhas – tathasataḥ)[49]. Kinh Bất tăng bất giảm,
tiến thêm một bước, giải thích nghĩa Phật tính trong thân chúng sinh cho rằng nghĩa của bốn từ: Như Lai tạng, chúng sinh giới, pháp thân, đệ nhất nghĩa giống nhau[50]. Và giải thích, bản chất
Như Lai tạng và pháp thanh tịnh tự thể chân như pháp giới tương ưng nhau. Vả lại, Như Lai tạng là căn bản nhất thiết pháp, cho nên nó tồn tại một cách bình đẳng, hằng hữu, chân thật biến khắp. Điểm chủ yếu trong kinhThắng man (Srīmālādevī Sūtra) chính là: “Như Lai pháp thân không lìa phiền não gọi là Như Lai tạng” (ĐC, q12, tr. 221c).
Chỉ pháp thân của chúng sinh còn bị phiền não trói buộc thì gọi là Như Lai tạng, trừ bỏ phiền não, liền đạt quả vị Như Lai pháp thân. Như Lai pháp thân luôn đầy đủ bốn ba la mật: thường, lạc, ngã, tịnh. Như Lai
tạng là chỗ y cứ, gìn giữ, kiến lập của niết bàn sinh tử.
Điểm chính của ba bộ kinh trên là tư tưởng Chân thường, lấy thuyết Như Lai tạng làm chính, có thể thấy đó là một sự dẫn đầu thuyết Phật tính. Kinh điển xiển dương tường tận nhất về học thuyết Phật tính đó là kinh Niết bàn. Hệ thống tư tưởng Chân thường thuộc về kinh điển thời Trung kỳ. Địa vị kinh Niết bàn
ở Phật giáo Ấn Độ ra sao thì không được rõ ràng, nhưng sau khi truyền vào Trung Quốc, kinh này rất được tôn sùng, nghiên cứu. Lịch sử đã ghi lại như thế. Cũng do kinh này bàn về Phật tính là chính, cho nên sau khi
tiếp nối tư tưởng bát nhã, Phật giáo Trung Quốc đã khai sáng thành một cục diện mới khác.
KinhNiết bàn truyền đến Trung Quốc, có bốn bản dịch: 1. Kinh Đại bát nê hoàn, 6 quyển, do Pháp Hiển dịch. 2. Kinh Đại bát Niết bàn, 40 quyển, veàsau gọi là bản Bắc, do Đàm Vô Sấm dịch. 3. Theo kinh Đại bát Niết bàn bản Bắc chỉnh sửa lại, còn 36 quyển, sau gọi là bản Nam. 4. Hậu phần kinh Đại bát Niết bàn, do nhóm Nhã Na Bạt Đà La (Jñānabhadra) dịch. Ngày nay bản Bắc, 40 quyển được phổ biến nhất. Do bản dịch khác nhau nên thuyết Phật tính trong kinh Niết bàn
cũng có một số điểm khác nhau. Dẫu cùng một bản dịch nhưng trong các phẩm, quyển khác nhau nên cũng có những cách nói khác nhau. Như trong bản Bắc, thường chỉ ra phẩm 5 trong quyển 10 về trước và bản dịch khác 6
quyển của Pháp Hiển, cùng bản dịch 30 quyển tục dịch về sau, rõ ràng có
những điểm bất đồng. Nghĩa Phật tính được giải thích ở phần trước, đa số cho thường và ngã hợp thành. Như quyển 7 ghi: “Ngã tức là nghĩa Như Lai tạng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, tức là nghĩa ngã”, (Đ C, q12, tr. 407b).
Về nghĩa tất cả chúng sinh đều có Phật tính là chỉ cho thuyết Bản hữu Phật tính (Phật tính vốn có). Như các dụ: tuyết sơn vị dược, lực sĩ ngạch châu, bần nữ bảo tạng, ở quyển 7 đều cho rằng: Chúng sinh tuy có Phật tính nhưng không thấy được[51]. Bất đồng lớn nhất ở phần trước và phần sau chính là ở chỗ này. Dụ bảo tạng và bảo châu vốn đã tồn tại sẵn trong nhà bần nữ và trước trán của lực sĩ rồi. Từ đây suy ra: Phật tính vốn đã tồn tại trong thân chúng sinh.
Nghĩa Phật tính ở phần sau, chỉ thể tính Phật hoặc nhân chính thành Phật. Ấn Thuận chia 30 quyển sau thành bốn phần: 1. Từ quyển 11 đến quyển 26 có thể nói là theo nghĩa kinh Bát nhã để giải thích Phật tính. 2. Từ quyển 27 đến quyển 32 và phẩm “Sư Tử Hống bồ tát”, là theo Duyên khởi, Đệ nhất nghĩa không, Trung đạo mà luận. 3. Từ quyển 33 đến quyển 38, phẩm Ca Diếp, là cường điệu duyên khởi. 4. Từ quyển 39 đến
quyển 40, phẩm “Kiều Trần Như”, thì không nói về ý nghĩa của Phật tính.
Ấn Thuận kết luận: Phần tục dịch là lấy nghĩa “Không” trong kinh Bát nhã, thuyết trung đạo duyên khởi của Long Thọ, thuyết duyên khởi, tịnh hóa Như Lai tạng phần trước mang sắc thái chân ngã Phật tính[52].
Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, nhưng Phật tính của chúng sinh là giả chúng duyên (mượn các duyên), đãi chúng duyên (đợi các duyên) mà hình thành, là vô tự tính không, không phải bản hữu (vốn có). Phải lấy thiện xảo phương tiện tu tập (không tam muội), lìa tất cả hý luận, không
đủ tất cả pháp, mới đủ Phật tính. Nên quyển 25 ghi: “Phật cũng không thuyết Phật và Phật tính niết bàn không có tướng sai biệt, nên nói thường hằng bất biến, vô sai biệt. (ĐC, q12, tr. 513c).
Theo phẩm “Sư Tử Hống bồ tát”: quán thập nhị nhân duyên trí và thập nhị nhân duyên gọi là Phật tính, là giới hạn theo thuyết nhân. Quyển 27,
lại ghi: “Phật tức là Phật tính” (ĐC, q12, tr. 524ab).
Bấy giờ, đức Phật trả lời câu hỏi của bồ tát Sư Tử Hống: “Phật và Phật tính tuy không sai biệt, nhưng chúng sinh đều chưa đầy đủ”[53].
Đến quyển 36, lấy Như Lai và Phật tính hợp thành “Như Lai Phật tính”.
Như Lai Phật tính có hai loại: hữu (s: bhava) và vô (s: abhava). Hữu 32 tướng tốt[54], 80 vẻ đẹp[55], thập lực[56], tứ vô sở úy[57], tam niệm xứ[58], đại từ đại bi[59]… Đó gọi là hữu (ĐC, q121, tr. 574b).
Vậy nên biết bản tính Phật là nghĩa Phật tính trong một phần này.
Kinh Niết bàn chủ trương tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Nghĩa hữu hoàn toàn không phải hữu trong nghĩa hiện hữu, mà là hữu
trong nghĩa “vị lai định đắc”. Hữu theo nghĩa này, trong kinh gọi là đương đắc (sẽ được). Như q32 ghi: “Đại từ đại bi đều là Phật tính… Tất cả chúng sinh nhất định sẽ đạt Đại từ đại bi. Vì thế, nên nói tất cả chúng sinh đều có Phật tính”. (ĐC q12, tr. 556c)
Khi đang còn chúng sinh, nhưng tương lai nhất định sẽ được, do đó gọi là “đương hữu” Phật tính. Nhưng tất cả đều theo phương tiện mà thấy được, không nên suy tưởng “trong nhân có quả”.
Từ khi kinh Niết bàn truyền vào Trung Quốc thì nên học thuật tư tưởng Phật giáo Trung Quốc đã được phát triển mạnh mẽ. Trong hệ
Chân thường, đề cập đến Như Lai tạng hoặc Phật tính, có ba bộ luận điển
hình, ảnh hưởng rất lớn đến học thuyết Phật tính ở Trung Hoa, đó là: luận Phật tính, luận Bảo tính và luận Đại thừa khởi tín[60].
Nhưng về tác giả của ba bộ luận này đều có chỗ tồn nghi giống nhau, tức
là không thể đoán định chính xác, cuối cùng tác giả là ai? Tác giả Phật tính luận là Thế Thân (Vasubhandu) nhưng thường không được chấp nhận mấy. Lữ Trừng[61]
thì cho rằng văn dịch luận này có nhiều chỗ đáng nghi. Do đó, về sau trường phái Huyền Trang cũng không tin dùng luận này nhiều.
Ấn Thuận dứt khoát hơn: “Tương truyền cho rằng Thế Thân tạo luận này, e rằng chưa hẳn đúng”[62]. Cũng có thuyết cho rằng luận này do Chân Đế[63] trước tác, rồi mượn tên Thế Thân, cho mình là người dịch. Nhưng độ chuẩn xác tới đâu, cũng không rõ ràng.
Ở Trung Hoa, người ta cho tác giả của Bảo tính luận là Kiên Tuệ (Sāramati). Về tác giả của luận này, Lữ Trừng ghi: “Dịch kinh thời Bắc Ngụy, khi dịch không đưa ra tác giả, mãi đến khi dịch luận Pháp giới vô sai biệt (Mahāyanadharmadhātu – mirvisesa – śastra) tác giả mới được nói đến, và cũng cho là tác phẩm của Kiên Tuệ S: Sāramati”[64]. Nhưng lịch sử Ấn Độ vẫn không thể nhận định là ai. Sự truyền thừa ở Tây Tạng thì cho rằng luận này do Di Lặc Maitreya[65] tạo, Vô Trước Asaṅga[66]chú thích và Di Lặc làm tụng, Vô Trước viết trường hàng.
Còn Đại thừa khởi tín luận thì rất được lưu hành ở Trung Quốc và được cho là Mã Minh Aśvaghoṣa[67]soạn.
Nhưng bồ tát Mã Minh là người thời đại nào, không xác định rõ ràng, cũng có đánh giá cho luận này là do người sau mượn danh, hoàn toàn không
phải Mã Minh Aśvaghoṣasoạn[68]. Bài viết hãy tạm gác lại, không bàn sâu về Phật tính theo ba bộ luận này.
4. Kết luận
Tư tưởng Như Lai tạng bắt nguồn từ Ấn Độ, vì sự đặc thù của giáo nghĩa nên thường được chỉ cho sự hợp lưu với Phạn Phạm Ngã (Brahma – ātma).
Sau khi truyền đến Trung Hoa, nó lại ảnh hưởng rất lớn đối với tư tưởng
Phật giáo. Phật giáo Ấn Độ lại nghiêng về Phật tính, xem Phật tính như loại bản thể trừu tượng. Tư tưởng Như Lai tạng và tư tưởng Phật tính đều
có cách hiểu như nhau, đều cường điệu sinh mệnh chúng sinh có một loại tính thành Phật tiềm tàng bên trong, hoặc là một khả năng căn bản. Cả hai thường được hiểu chung, hoặc sánh với nhau. Đối chiếu hai bản luận Bảo tính
Phạn – Hán thì phát hiện: Nguyên ngữ Phạn văn từ Phật tính là Buddhadhātu, Buddhagotra và Buddhagarbha. Ba từ này đều có nghĩa nhân (hetu), chủng tử (bīja).
Thuyết chúng sinh có Phật tính chính là chỉ cho Phật tính, là khả năng tính, tiềm ẩn bên trong. Song, chẳng phải biểu thị chúng sinh phải thực hiện Phật tính. Phật tính hiển hiện phải đợi các duyên, cho nên tương lai mới đạt. Nghĩa Phật tính trong kinh Niết bàn rất phức tạp và không rõ ràng. Theo sự hiểu biết của mình, các vị giải thích về kinh này cũng không giống nhau. Trong luận Bảo tính
từng đề cập: Phật trừ bỏ năm điều tội lỗi cho chúng sinh, sinh năm loại
công đức, rồi nói chúng sinh đều có Phật tính. Phẩm “Vì sao thuyết nghĩa” trong luận Bảo tính cũng nêu lên năm điều tội lỗi này, kệ ghi:
“Bởi do tâm khiếp nhược
Coi thường các chúng sinh
Chấp trước pháp hư vọng
Hủy Phật tính chân như
Cho thân có thần ngã
Khiến cho năm thứ này
Lìa năm điều tội lỗi
Nên nói có Phật tính”[69].
Nói Phật tính là để cho chúng sinh sinh khởi tín tâm tu hành thành Phật, mặt khác cũng phá luôn quan điểm chấp trước các pháp có tự tính của ngoại đạo, và phá bỏ lối chấp hữu tình vô tính của hàng Tiểu thừa. Do đó, luậnPhật tính đã thiết lập Phật tính quan: Tức là tất cả
chúng sinh đều có Phật tính, nhưng Phật tính không thể chấp hữu, cũng không thể chấp vô. Phật tính tuy nói là bản hữu (vốn có) nhưng hoàn toàn
không phải hữu đối lập với vô, mà là một tiềm năng thành Phật.
(TheoPhước Nghiêm Phật học viện Học sinh luận văn tập, tr. 973 – 986)
TV
[1]. S: Buddhavatamsaka– mahavai pulyasutra.
[2]. S: Laṅkāvatāra – sūtra, T: Laṇkar – gśe – gs pa.
[3]. S: Śūraṃgama – samādhi – sūtra.
[4]. S: Saddharapuṇḍarīka – sūtra.
[5]. S: Vimalakīrti – nirdeśa – sūtra.
[6]. Ấn Thuậntrước, Ấn Độ chi Phật giáo, tr. 271: “Cố ư Niết bàn kinh trung, danh vi Phật tính; tắc ư Hoa nghiêm, danh vi pháp giới; ư Thắng Man trung, danh vi Như Lai tạng tự tính thanh tịnh tâm; Lăng già danh vi bát thức; Thủ lăng nghiêm kinh danh vi thủ lăng nghiêm tam muội; Pháp hoa danh vi nhất đạo nhất thừa; Đại phẩm danh vi bát nhã pháp tính; Duy Ma danh vi vô trụ thật tế; như thị đẳng danh, giai thị Phật tính chi dị danh”. (Đại Chánh, q45, p41c). 故於涅槃經中,名為佛性;則於華嚴,名為法界;於勝鬘中,名為如來藏自性清靜心;楞伽名為八識;首楞嚴經名首楞嚴三昧;法華名為一道一乘;大品名為般若法性;維摩名為無住實際;如是等名,皆是佛性之異名。(大正45‧41c)
[7]. “Như Lai pháp tính tức Như Lai tạng, viên
giác, thường trụ, chân tâm, Phật tính dĩ cập bồ đề tâm, đại niết bàn, pháp thân, không tính, chân thường luận giả tịnh thị vi nhất sự.” 「如來法性」,即「如來藏」、「圓覺」、「常住」、「真心」、「佛性」,以及「菩提心」、「大涅槃」、「法身」、「空性」,真常論者並視為一事。
[8]. Tức là thời phần và địa vị của mỗi sự vật.
[9]. Cát tạng吉藏, j: kichizō, 549 – 623, cũng được gọi là Gia Tường Đại sư Cát Tạng, một trong những danh nhân của Tam luận tông và là đệ tử giỏi nhất của Pháp Lãng. Sư viết
nhiều bài luận nổi tiếng về ba bài luận (Tam luận) căn bản của tông này, đó là Trung quán luận (s: madhyamaka – śāstra), Thập nhị môn luận (s: dvādaśadvāra – śāstra) của Long Thọ(s: nāgārjuna) và Bách luận (s: śata – śāstra) của Thánh Thiên(s: āryadeva).
Sư cũng viết nhiều bài luận về những bộ kinh Đại thừa, một luận nói về lý thuyết Tam luận tông (Tam luận huyền nghĩa 三論玄義). Sư được xem là người đã đưa giáo lý Tam luận tông đến tuyệt đỉnh. Lúc còn trú tại chùa Gia Tường 嘉祥寺, sư thường được gọi là Đại Sư Gia Tường.
[10]. Thật ếBhūta – koṭitột cùng chân thực, thật sự tột cùng của khởi thủy chúng sinh.
[11]. ĐC, q 45, tr. 41 – 42a: 名義雖異理實無二, … 平等大道為諸眾生覺悟之性,名為佛性。義隱生死名如來藏。融諸識性究竟清靜,名為自性清靜心。為諸法體性名為法性。妙實不二故名為真如。盡原之實故名為實
際。理絕動靜名為三昧。理無所知,無所不知,名為般若。善惡平等妙運不二,名為一乘。理同圓寂名為涅槃。……雖有諸名,實無二相。以是故,云名字雖異理實
無二也。(大正45‧41c – 42a)
[12]. Trí độ luậnq29, 30, 31, 32, đều bàn đến pháp tính, Như, thật tế, nhất là quyển 33, tr. 297 b, c. Lại nữa, Đại thừa đại nghĩa chương,
La Thập Đại Sư trả lời Huệ Viễn Đại Sư. Thế nên vốn nó là một, nghĩa danh là ba. Như đạo pháp là một, do phân biệt thượng, trung, hạ, nên nói
ba thừa. Ban đầu là như, giữa là pháp tính, sau là thật tế. Thật tế là thượng, pháp tính là trung, như là hạ. Do tùy quán lực mà có sai biệt.
[13]. Takasaki Jikido高崎直道trước, Lý Thế Kiệt dịch Như Lai tạng tư tưởng đích lịch sử dữ văn hiến, chương “Như Lai tạng tư tưởng” tr. 29.
[14]. Kawamura Koshō河村孝照trước, Lý Thế Kiệt dịch Phật tính, nhất xiển đề, chương “Như Lai tạng tư tưởng”, tr. 137 – 138.
[15]. Xem Marashiro shinoda 下田正弘, Đại thừa Niết bàn kinh, Tạng Văn Hòa dịch. Sơn Hỉ Phòng, 1993.
[16]. Busshō Shisō小川一乘, Phật tính và Buddhatva (佛性とbuddhatva), Ấn Độ học Phật giáo dục nghiên cứu, q.11, kỳ.1, tr. 544 – 545.
[17]. Takasaki Jikido高崎直道, Sự hình thành tư tưởng Như Lai tạng , tr. 137, 141, 142.
[18]. Jikido Takasaki, Darmata, Dharmadhatu, Dharmakaya and Buddhadhatu – Structure of the Ultimate Vale in Mahayana Buddhism, Ấn Độ học Phật giáo nghiên cứu, q14, tr. 916.
[19]. Takasaki Jikido trước, Lý Thế Kiệt dịch, Như Lai tạng tư tưởng đích lịch sử dữ hiến, chương “Như Lai tạng tư tưởng”, tr. 28.
[20]. Như trên, Ấn Thuận trước, Ấn Độ Phật giáo tư tưởng sử, tr. 161.
[21]. Du già sư địa luận瑜伽師地論, S: yogācārabhūmi – śāstra, tác phẩm cơ bản của Duy thức và Pháp tướng công, tương truyền do Vô trướcS: Asaṅgaviết theo lời giáo hoá của bồ tát Di lặc,đức Phật tương lai. Có người cho rằng tác phẩm này của Mai – tre – na – ya – thaS: Maitreya – nātha,
một ứng thân của Di Lặc trong thế kỉ thứ 5. Đây là một bộ luận tầm cỡ nhất của đạo Phật, trình bày toàn bộ giáo lí của Duy thức tông.
[22]. Câu xá luận 倶舍論, S: Kośa – śāstra, J: Kusharon, tên gọi tắt thông dụng của A tì Đạt ma câu xá luận阿毘達磨倶舍論, còn gọi là Thông minh luận, do Thế Thân soạn vào TK5 CN.
[23]. A tì đạt ma câu xá luậnq1, ĐC q29, tr. 161.
[24]. Y chỉ nhân依止因, S: Niśraya – hetu.
[25]. Ấn Thuậntrước, Như Lai tạng chi nghiên cứu, tr. 30.
[26]. Takasaki Jikido,Darmata, Dharmadhatu, Dharmakaya and Buddhadhatu – Structure of the Ultimate Vale in Mahayana Buddhism, Ấn Độ học Phật giáo học nghiên cứu, q 14, tr. 906.
[27]. Takasaki Jikidocho ba từ dhātu, gotra và garbha đều có nghĩa nhân. Và giải thích nhân là năng lực. Như Lai tạng tư tưởng đích lịch sử dữ văn hiến,
chương “Như Lai tạng tư tưởng”, tr. 19, chỉ gotra có nghĩa là nhân, tr.
28, dhātu dịch là nhân, cho đồng nghĩa với garbha đều chỉ cho một loại năng lực bẩm sinh, tr. 23.
[28]. Bản hữu本有, S: Pūrikālabhava. Trong một chu kì sinh tử, phân làm ba giai đoạn. Sát na thứ nhất là sinh hữu (upapattibhava),
từ sát na thứ hai trở đi gọi là bản hữu; sát na cuối cùng là tử hữu. Trung gian giữa tử hữu đời này và sinh diệt hữu đời sau là trung hữu (antarābhava). Dẫn theo bản dịch luận Thành duy thức, Tuệ Sỹ, tr. 487.
[29]. Trần Bái Nhiên陳沛然trước, Trúc Đạo Sinh, tr. 20.
[30]. Lữ Trừng呂澂trước, Chủng tính nghĩa, phần “nội minh”, kỳ 219, tr. 5, thượng.
[31]. Nhưng căn cứ theo Kim Đông Trụ trước tác Tông phân nội minh (tạp chí tr. 20), “Ngũ tính các biệt, nhất tính giai thành五姓各別一性皆成”, lại có cách nói khác. Tác giả dẫn Du già sư địa luận, q21 ( ĐC q 30, tr. 395a, 478c), ghi: “Hỏi: Chủng tính này có gì sai khác? Hoặc gọi là chủng tử (bīja), hoặc gọi giới (dhātu), hoặc gọi tính (svabhāva), nên gọi sai biệt. Lại dẫn Khuy Cơ soạn Thành duy thức luận thuật ký, q9 (ĐC q43, tr. 556a): Tính (性) là thể, tính (姓) là loại. Tức tính (性) biểu thị thể tính, còn tính (姓) biểu thị chủng loại.
[32]. Ấn Thuậntrước, Như Lai tạng chi nghiên cứu, tr. 60.
[33]. Tạp A hàm kinh雜阿含經, q45, ĐC q2, tr. 330a.
[34]. Tạp A hàm kinh雜阿含經, q45, ĐC q2, tr. 330b.
[35]. Takasaki Jikido高崎直道trước, Lý Thế Kiệt dịch, Như Lai tạng đích tư tưởng lịch sử dữ văn hiến, chương “Như Lai tạng tư tưởng”,
tr. 20 – 21. Theo tác giả thì: trong Kinh điển Pāli, từ gotta trong từ gotrabhu hoàn toàn không có trong văn Pāli, mà gotra được dùng trong Phạn văn, đây có thể là dụng ngữ cho biết phái Thượng tọa bộ ở Tích Lan đã mượn từ của các tông phái khác.
[36]. Từ Tính nhân性人, trích ra từ Xá Lợi Phất A tỳ đàm luận, q8 (ĐC q 28 tr. 584c – 585a). Theo Ấn Thuận trước, Thuyết nhất thuyết hữu bộ vi chủ đích luận thư dữ luận sư chi nghiên cứu, (tr. 429 – 430 và tr. 449 – 451), thì: Luận Xá Lợi Phất A tỳ đàm
là hệ khác với Thuyết nhất thuyết hữu bộ của Thượng tọa bộ (luận giả phân biệt), nhất là căn bản A tỳ đạt ma được Độc tử bộ tôn thờ, có xu hướng ngầm thông với Đại thừa. “Chủng tử nhân” rút từ Tăng nhất A hàm kinh, q40 (ĐC q2, tr. 767a), Kinh này là tụng bản của Đại chúng bộ mạt phái, có tư tưởng Đại thừa. Tính địa 性地rút từ Ma ha bát nhã ba la mật kinh, (q179, ĐC q8, 346b). Chủng tính địa 種性地rút ra từ Bồ tát địa trì kinh, q109 ĐC q9, Đại thừa nghĩa chương, (q12 (ĐC q44) thì, giải thích chủng tính địa là quả vị trước bồ tát địa. Ấn Thuận trước, Như Lai tạng chi nghiên cứu, tr. 65.
[37]. Luận Dị bộ tông S: Samaya bhedoparacana Caksa, 1 quyển, Thế Hữu (Vasumitra) soạn.
[38]. Thế Hữu Bồ Tát 世友菩薩tạo, Huyền Trang đại sư dịch, Dị bộ tông luân luận (ĐC, q49, tr. 15c). Lại theo Diễn Bồi Pháp
Sư trước, Dị bộ tông luân luận ngữ thể thích, tr. 38 thì: câu này đối với thế đệ nhất pháp của Hữu bộ cho là không còn thoái lui thế đệ nhất pháp, Đại chúng bộ… gọi là chủng tính địa… Tỳ bà sa luận, (q3), ghi: “Thuyết này từ lúc phát tâm cho đến đệ nhất pháp còn nhiều niệm tưởng tiếp nối, nên phải còn thoái lui”.
[39]. Ấn Thuậntrước, Như Lai tạng chi nghiên cứu, tr. 15.
[40]. Takasaki Jikidotrước, Lý Thế Kiệt dịch, Như Lai tạng tư tưởng đích lịch sử dữ văn hiến, chương “Như Lai tạng tư tưởng”, tr. 24.
[41]. Hằng Thanh Pháp Sưtrước, Phật tính luận đích Phật tính thuyết, chương “Phật tính tư tưởng”, tr. 148.
[42]. Phệ ĐàS: Veda, Hán ngữ dịch là tri thức.
[43]. Ấn Thuậntrước, Ấn Độ Phật giáo tư tưởng sử, tr. 162 – 164. Takasaki Jikido trước, Lý Thế Kiệt dịch, Như Lai tạng tư tưởng đích lịch sử dữ văn hiến, chương “Như Lai tạng tư tưởng”, tr. 24 – 26.
[44]. Đại chúng bộ大眾部; S: Mahāsāṅghika,
chỉ phái Đại chúng, phần lớn, đa số của tăng già; một trong hai trường phái Tiểu thừađược tách ra trong hội nghị Kết tập lần thứ ba tại Hoa Thị
thành (S: Pāṭaliputra). Trong hội nghị này, nhóm Đại chúng bộ có năm quan điểm riêng về tính chất củaA la hán. Theo thời gian, Đại chúng bộ lại tách ra thành Nhất thuyết bộ (S: Ekavyāhārika) và Khôi sơn trụ bộ (S: Gokulika). Từ Nhất thuyết bộ lại xuất phát Thuyết xuất thế bộ (S: Lokottaravāda) và từ bộ phái kia lại sinh ra Đa văn bộ (S: Bahuśrutīya), Thuyết giả bộ (S: prajñaptivāda) và Chế đa sơn bộ (S: Caitika).
[45]. Thế Hữu Bồ tát世友菩薩tạo , Dị bộ tông luân luận, ĐC q49, tr. 15b.
[46]. Ấn Thuậntrước, Như Lai tạng chi nghiên cứu, tr. 25.
[47]. Bồ đề Lưu Chi菩提流支dịch, Bất tăng bất giảm kinh, ĐC q 16, tr. 467a.
[48]. Phật Đà Bạt Đà La佛陀跋陀羅dịch, Đại phương đẳng Như Lai tạng kinh, ĐC q16, tr. 457c.
[49]. Sa môn Bất Không沙門不空dịch, Đại phương quảng Như Lai tạng kinh, ĐC q16, tr. 457c.
[50]. Bồ Đề Lưu Chi菩提流支dịch, Bất tăng Bất giảm kinh, ĐC q16, tr. 467b.
[51]. Đàm Vô Sấm曇無讖dịch, Đại bát niết bàn kinh, q7, ĐC q16, tr. 407b, 408a – b.
[52]. Ấn Thuậntrước, Ấn Độ Phật giáo tư tưởng sử, tr. 287 – 294.
[53]. Đàm Vô Sấm曇無讖dịch, Đại bát niết bàn kinh, q 27, ĐC 12, tr. 524b.
[54]. Ba mươi hai tướng tốtS: dvatriṃśadvara – lakṣaṇa, 32 tướng đặc thù của hóa thân Phật.
[55]. Tám mươi vẻ đẹpS: Aśīty – anuvyñjanani.
[56]. Thập lực十力, S: daśabala, P: dasabala, là mười năng lực hiểu biết, mười trí của một vị Phật.
[57]. Tứ Vô sở úy四無所畏, S: catvāri vaiśāradyāni, P: cattāri vesārajjāni. Còn gọi là tứ vô úy. Khi Phật và bồ tát thuyết pháp thì dõng mãnh an ổn có đầy đủ sự tự tin về bốn loại không sợ hãi.
Căn cứ theo Tăng nhất a hàm kinh 增一阿含經, quyển 19, quyển 42, có chép:
1. Chư pháp hiện đẳng giác vô úy, còn gọi là nhất thiết trí vô
sở úy, chánh đẳng giác vô úy, đẳng giác vô úy, nghĩa là đầy đủ sự tự tin đối với tất cả các pháp đều đã giác ngộ. Trụ trong chánh kiến không bị khuất phục, không còn sợ hãi gì cả.
2. Nhất thiết lậu tận trí vô úy, còn gọi là lậu vĩnh tận vô úy, lậu tận vô sở úy, lậu tận vô úy, nghĩa là đã đoạn trừ tất cả phiền não mà không còn sợ hãi các nạn từ bên ngoài.
3. Chướng pháp bất hư quyết định thọ ký vô, còn gọi là thuyết chướng pháp vô úy, thuyết chướng đạo vô sở úy, chướng pháp vô úy. Nghĩa là nói rõ pháp làm chướng ngại sự tu hành, đồng thời, đối với bất kỳ sự gạn hỏi, bắt bẻ nào đều không sợ hãi.
4. Vị chứng nhất thiết cụ túc xuất đạo như tính vô úy, còn gọi là thuyết xuất đạo vô úy, thuyết tận khổ đạo vô sở úy, xuất khổ đạo vô úy, nghĩa là tuyên thuyết đạo xuất ly mà không còn sợ bất kì điều gì cả.
[58]. Tam niệm xứ三念處, s: Trīṇi smṛty – upasthānāni, cũng gọi là tam niệm trụ, tam ý chỉ:
1. Đệ nhất niệm trụ: chúng sinh tin Phật, vâng theo lời Phật dạy mà tu hành, Phật cũng không vì thế mà sinh tâm vui mừng, nhưng thường an trụ trong chính trí, chính niệm.
2. Đệ nhị niệm trụ: chúng sinh không tin Phật, chẳng làm theo lời Phật dạy, Phật không vì thế mà sinh tâm lo buồn, nhưng thường an trụ trong chính trí, chính niệm.
3. Đệ tam niệm trụ: trong chúng sinh có người tin Phật, có người không tin Phật, nhưng Phật không vì thế mà sinh tâm lo buồn, chỉ an trụ trong chính trí, chính niệm.
[59]. Đại từmahāmaitri, Đại bi mahā – karuṅa.
[60]. Đại Thừa Khởi Tín Luận大乘起信論, S: Mahāyānaśraddhotpāda – śāstra; J: Daijō kishinron.
[61]. Lữ Trừng呂澂, 1896 – 1989,
là học giả Phật giáo Trung Quốc thời hiện đại, người Đan Dương, Giang Tô, nguyên tên là Lữ Vị, tự là Thu Dật, Thu Nhất. Ông là học trò của Âu Dương Tiệm. Ông từng đọc hết bộ Đại anh bách khoa, tốt nghiệp sư phạm; thông thạo các ngôn ngữ Anh, Phạn, Đức…
[62]. Ấn Thuậntrước, Như Lai tạng chi nghiên cứu, tr. 8.
[63]. Châu đế真諦, S: Paramārtha, 499 – 569, một vị cao tăng, chuyên dịch kinh ra tiếng Hán, người Ấn Độ, đến Trung Quốc năm 546, dịch 64 tác phẩm với 278 tập.
[64]. Lữ Trừngtrước, Ấn Độ Phật học tư tưởng khái luận,
tr. 244: “Bắc Ngụy thời dịch xuất, dịch thời một tác giả danh, trực đáo
dịch pháp giới vô sai biệt luận đích dịch giả tài thuyết dã thị Kiên Tuệ đích tác phẩm.”
[65]. Di Lặc彌勒, S: Maitreya, P : Metteyya. dịch nghĩa là Từ Thị, cũng có tên là Vô Năng Thắng hoặc theo âm Hán Việt là A Dật Đa.
[66]. Vô Trước無著, S: Asaṅgadịch
âm là A tăng già 阿僧伽, nghĩa là không bị ô nhiễm, cấu uế, vướng mắc; ~ tk. 4. Ngài là một đại luận sư của Phật giáoẤn Độ, người sáng lập Duy thức tông(yogā – cāra). Sư khước từ quan điểm của Long Thọ (Nāgārjuna) về tính khôngtuyệt đối và thiết lập giáo pháp của mình dưới ảnh hưởng của Nhất thiết hữu bộ(S: Sarvāstivāda). Tương truyền sư được bồ tát Di Lặctrực tiếp giáo hóa.
[67]. Mã Minh馬鳴, S: Aśvaghoṣa, ?
– ?, nhà thơ và luận sư Đại thừangười Ấn Độ, và một Mã Minh khác nữa là
vị bồ tát được Mật giáo tôn thờ, trông coi, che chở cho sự sinh nở của tằm để tạo ra tơ lụa may y phục cho những chúng sinh không có y phục nên
cũng được gọi là Thần Tằm.
[68]. Takasaki Jikido高崎直道trước, Lý Thế Kiệt dịch, Như Lai tạng đích tư tưởng lịch sử dữ văn hiến, chương “Như Lai tạng tư tưởng”, tr. 4.
[69]. Phật tính luận佛性論, ĐC q31, tr. 787a, Bảo tính luận, q 4, ĐC q31, tr. 840. 以有怯弱心,輕慢諸眾生,執著虛妄法,謗真如佛性,計身有神我。為令如是等,遠離五種過,故說有佛性。
* Thư mục tham khảo
I. Kinh điển
Đàm Vô Sấm 曇無懺dịch, Đại bát niết bàn kinh, ĐC q12.
Phật Đà Bạt Đà La 佛陀跋陀羅dịch, Đại phương đẳng Như Lai tạng kinh, ĐC q16.
Bất Không 不空dịch, Đại phương quảng Như Lai tạng kinh, ĐC q16.
Bồ Đề Lưu Chi 菩提流支dịch, Bất tăng bất giảm kinh, ĐC q16.
Tạp A hàm kinh雜阿含經, ĐC q2.
Long Thọ Bồ Tát 龍樹菩薩tạo, Đại trí độ luận, ĐC q25.
Thế Hữu Bồ Tát 世友菩薩tạo, Dị bộ tông luân luận, ĐC q49.
II. Những trước tác cận đại
Ấn Thuận 印順trước, Như Lai tạng chi nghiên cứu, Đài Bắc, Chính văn xuất bản xã, tháng 10, Dân Quốc năm thứ 70, bản in lần 1 có chỉnh sửa, tr. 274.
Ấn Thuận 印順trước, Ấn Độ chi Phật giáo, Đài Bắc, Chính văn xuất bản xã, tháng 10, Dân Quốc năm 74, bản in lần thứ 3, tr. 340.
Ấn Thuận 印順trước, Ấn Độ Phật giáo tư tưởng sử, Đài Bắc, Chính văn xuất bản xã, tháng 4, Dân Quốc năm 77, bản in lần thứ 5, tr. 446.
Thích Hằng Thanh 釋恒清trước, Phật tính tư tưởng, Đài Bắc, Đông Đại đồ thư công ty, tháng 2, Dân Quốc năm 86, bản in lần thứ nhất, tr. 310.
Lại Vĩnh Hải 賴永海trước, Trung Quốc Phật tính luận, Cao Hùng, Phật Quang xuất bản xã, tháng 12, Dân Quốc năm 79, bản in lần thứ nhất, tr. 546.
Trần Bái Nhiên 陳沛然, Trúc Đạo Sinh, Đài Bắc, Đông Đại cố thư công ty, tháng 6, Dân Quốc năm 77, bản in lần thứ nhất, tr. 194.
Liêu Minh Thoại 廖明話trước, Gia Tường Cát Tạng học thuyết, Đài Bắc, Đài Loan học sinh thư cục, tháng 10, Dân Quốc năm 74, bản in lần thứ nhất, tr. 267.
Lữ Trừng 呂澂trước, Ấn Độ Phật học tư tưởng khái luận, Đài Bắc, Thiên Hoa xuất bản xã, tháng 7, Dân Quốc năm 71, bản ấn loát lần thứ 4.
Lữ Trừng 呂澂trước, Trung Quốc Phật học tư tưởng khái luận, Đài Bắc, Thương vụ ấn thư quán, tháng 6, Dân Quốc năm 27, Ấn loát lần thứ nhất theo bản in lần thứ 2.
Takasaki Jikido 高崎直道… trước, Như Lai tạng tư tưởng, Lý Thế Kiệt dịch, Đài Bắc, Hoa Vũ xuất bản xã, tháng 12, Dân Quốc năm 75, bản in lần thứ nhất, tr. 365.
(Suối Nguồn-Trung Tâm Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang)
Discussion about this post