HIỂU VỀ CHỮ NGHIỆP TRONG ĐẠO PHẬT
Tỳ Kheo Ni Pháp Hỷ Dhammananda
Khi nàng Kiều bị duyên phận đưa đẩy, bị bán vào lầu xanh. Làm gái, trở thành món đồ chơi trong tay người xa lạ. Bao phen cay đắng cố thoát ra nhưng rồi lại cứ bị cột vào. Nguyễn Du nói:
“Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Có trời mà cũng tại ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài!”
Vậy nghiệp là gì? Trong tiếng Việt, chúng ta hay nói nghề nghiệp, nghĩa là việc làm hàng ngày để kiếm sống. Chúng ta chọn một nghề để kiếm sống, có khi bắt buộc phải làm một nghề nào đó để kiếm sống. và nghề đó trói buộc nguời chọn (hay bị chọn) vào những hành động lặp đi lặp lại , tạo thành thói quen, thành sở trường, thành ngón nghề. Như vậy nghề tạo ra nghiệp. Nhưng cũng có thể hiểu theo cách khác, nghiệp khiến người ta chọn nghề như vậy, ví dụ như nàng Kiều trong tác phẩm của Nguyễn Du.
Nghiệp có xuất xứ trong tiếng Ấn cổ là karma (Sanskrit) hay kamma (Pali), là danh từ của động từ karoti, nghĩa là làm hay tạo ra. Khi định nghĩa về Nghiệp, kamma trong Phật học có nghĩa là việc làm hay hành động có chủ ý. Trong văn học Pali, chữ kamma là trung tính, nó có thể là thiện, hoặc bất thiện, hay không thiện không ác (không để lại hậu quả mang tính đạo đức). Trong Trung bộ Kinh có hai bài kinh nói về nghiệp và kết quả riêng biệt của từng nghiệp thiện hay bất thiện (Trung Bộ Kinh số 135, tiểu Kinh Phân biệt Nghiệp, tương đương với Kinh Oanh Vũ – Trung A hàm số 170; Đại kinh kinh phân biệt nghiệp số136, MN II). Phật tử không tin vào một đấng tối cao nào đó như Thương đế (hay ông Trời) hay Phạm thiên có khả năng thổi hồn vào con người và sai khiến họ phải như thế này hay như thế kia. Trước khi đạo Phật ra đời, những người tin vào đạo Bà-la-môn, dựa theo kinh điển Vệ Đà, hiểu nghiệp là các hình thức tế tự để làm vừa lòng đấng bề trên (các loại thần trong đạo Hindu hay các tôn giáo đa thần khác).
Một vị Bà la môn làm quan tế lễ của vua Pasenadi, người sống cùng thời với Đức Phật, rất giàu có nhưng hà tiện và hám của. Cuối đời ông ta chết. Con ông ta, thanh niên bà la môn Subha Toddeyya, theo chỉ dẫn của cha, đã làm những buổi tế lễ rất long trọng để đưa tiễn linh hồn cha đến cộng trú với Phạm thiên, hay ít nhất cũng là để được sinh lên một cảnh giới tốt đẹp nào đó. Tuy nhiên, Đức Phật lại dùng thần thông túc mạng minh và thấy vị bà la môn làm quan tế tự đã tái sinh làm con chó ngay trong nhà mình. Đức Phật ôm bình bát đến nhà đó khất thực, vốn sinh thời gia đình này không bao giờ bố thí đến ai (trừ việc tế lễ để hối lộ các vị thần linh hay làm thỏa mãn giai cấp thống trị có quyền lực). Khi thấy Phật đến khất thực, con chó đó lao ra sủa to rất bực tức. Đức Phật từ bi nói với nó: “Toddeyya, sinh thời ngươi không biết làm phước, không biết cúng dường nên mới sinh làm kiếp chó. Nay ngươi vẫn giữ tâm keo bẩn và sân hận đó khi thấy Như Lai. Thật tội nghiệp thay!” khi nghe như vậy, con chó đó buồn bã cụp đuôi đi vào nhà, tìm một xó tối nằm yên, nước mắt tuôn trào thật thảm thương.
Khi Bà la môn Subha Toddeyya trở về nhà sau một vài sự vụ ở bên ngoài, không thấy con chó cưng ra đón vồn vã như mọi ngày, ông ta hỏi người nhà có điều gì đã xẩy ra với con chó cưng. Được thuật lại những gì đã xẩy ra vào buổi sáng, nhất là khi nghe đến việc Phật gọi con chó của ông bằng tên cha ông. Subha nổi giận bừng bừng! Ông tức tốc đến chùa gặp Phật để dằn mặt về việc xúc phạm gia đình ông. Ông tuyên bố nếu Phật không đưa ra được các bằng cớ để chứng minh mối liên hệ tiền thân hậu kiếp giữa con chó và cha ông, bà la môn cựu quan tế tự của triều đình đương đại, thì ông ta sẽ kiện và phạt Phật về tội vu khống và mạ lị!
Phật bảo ông hãy bình tĩnh, về nhà quan sát những chỗ mà con chó hay nằm, đánh dấu những chỗ đó. Thế Tôn cũng bảo ông hãy kiểm tra lại tài sản kế thừa mà ông nhận được từ cha ông, đối chiếu những tài sản hiện vật đó với bản liệt kê các tài sản truyền từ đời này đến đời khác trong gia đình ông, xem có những tài sản nào có trong văn tự mà không tìm thấy hiện vật không. Subha làm theo lời chỉ dẫn và quả thực có một số vàng bạc châu báu có trong bảng liệt kê mà không thấy trong kho lưu trữ. Phật bảo ông hãy đào những chỗ mà con chó hay nằm lên, chắc chắn ông sẽ tìm được những hiện vật kia được chôn giấu ở những chỗ đó. Vì Bà la môn Toddeyya sợ bị mất của, nên chôn dấu những tài sản mà ông yêu quí nhất trong khu vườn nhà ông. Khi chết đi, tâm luyến ái và muốn bảo vệ những tài sản đó đến cùng, khiến ông tái sinh làm con chó giữ của. Sau khi gặp Phật, được khai thị về nghiệp lực khiến mình tái sinh kiếp chó, nó buồn bã rơi lệ, bảy ngày không ăn uống, con chó đã chết và đi theo nghiệp của mình.
Lại nói về người con nối nghiệp, Subha đã tìm thấy những tài sản bị chôn giấu, đó cũng là bằng chứng để ông không còn buộc tội Phật là mạ lị, bất kính đối với vong hồn cha ông nữa. Nhưng cũng từ đó, Subha nghi ngờ niềm tin truyền thống của chính ông. Với tâm tư muốn tìm hiểu về nghiệp và quả của nghiệp, Subha đã đến yết kiến Đức Phật. Câu chuyện và buổi đàm thoại được ghi lại trong Tiểu kinh Phân Biệt Nghiêp (MN II). Khi gặp Phật, câu hỏi ông đặt ra là: “Do nhân gì, duyên gì, giữa loài người với nhau lại có kẻ liệt (thấp hèn, kém may mắn), người ưu (cao quí, nhiều may mắn); người đoản thọ, kẻ sống lâu; người khỏe mạnh, kẻ yếu đuối bệnh tật; người xinh đẹp, kẻ xấu xí; người có uy quyền, giàu có, kẻ bần cùng luôn bị sai khiến; người có trí tuệ, kẻ thiểu trí; vv.”
Đức Phật đã trả lời như sau: “này thanh niên, các loại hữu tình là chủ của nghiệp, là thừa kế của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là nơi nương tựa, nghiệp phân chia các loại hữu tình, khiến chúng sinh có liệt có ưu.” (tương tự trong MN I.390). Subha đã không hiểu lời nói tóm lược này về nghiệp, anh ta đã xin Phật giảng giải tường tận hơn. Nhân đó, Đức phật đã rộng thuyết về nghiệp. Hành động sát sinh do tâm độc ác, thiếu từ bi, thích làm hại người, vật là nhân dẫn đến tái sinh trong địa ngục, ác thú, đọa xứ, … khi được sinh lên làm người thì hay đau ốm, đoản thọ. Và ngược lại, có tâm từ bi thương xót người, vật, không sát sinh, không hành hạ, vv thì khi thân hoại mạng chung sẽ được tái sinh vào nơi tốt đẹp; sinh ra làm người thì khỏe mạnh, sống lâu. Nếu là người hay phẫn nộ, hay bất mãn, bị ai động đến một chút là sân hận, bất bình, cau có và chống đối. Tâm như vậy khiến cho người đó sinh ra xấu xí, khó ưa. Nhưng nếu có người tâm luôn hoan hỷ, biết kham nhẫn, không dễ nổi nóng, vv. Do (thiện) nghiệp ấy, người đó sinh ra dễ thương, xinh đẹp và khả ái. Nếu người có tâm tật đố, thấy người khác có quyền lợi, được cung kính, có danh tiếng, vv mà sinh tâm phẫn nộ, đố kỵ, ôm ấp tâm ghanh tỵ hiềm khích. Do nghiệp ấy, người đó tạo nhân (xấu) cho việc sinh ra có ít quyền thế, ít ảnh hưởng, thế lực nhỏ. Nhưng nếu ai không ghanh tỵ, không tật đố, hoan hỷ với thành công và hạnh phúc của người khác, đó là nhân để có quyền lực và ảnh hưởng lớn sau này.
Người keo kiệt với tâm tiểu nhân, không bố thí làm phước, không cúng dường các vật dụng cần thiết đến các bậc tu hành phạm hạnh, đó là nhân duyên khiến người nghèo khổ khốn khó. Và ngược lại, bố thí với tâm rộng rãi, làm phước, gieo duyên lành thì đó là nhân cho đời sống giàu sang sung túc. Tuy nhiên, tâm ngạo nghễ kiêu mạn, hay khinh khi và không biết tôn trọng những đối tượng nên tỏ sự tôn trọng, vv thì đó là nhân khiến người đó phải sinh vào nơi hạ tiện, thấp hèn. Nhưng với tâm khiêm nhường, lịch sự và biết tôn trọng, người sẽ đi đến nơi cao quí, sang cả và được kính trọng.
Những người biết học hỏi, có tâm ưu thích tìm hiểu khám phá, đi đến những vị thầy hay tìm các nguồn tài liệu đáng tin cậy để nghe và đọc, đặt ra các câu
hỏi để tìm những câu trả lời xác đáng cho vấn đề, vv đó là nhân khiến những người ấy có trí tuệ, thông minh và uyên bác trong đời. Và ngược lại, không chịu học hỏi, không thích tìm hiểu khám phá, chấp chặt vào sở tri sở kiến hạn hẹp của mình thì không có trí tuệ, thiếu hiểu biết và chậm chạp trong nhận thức.
Qua pháp thoại về nghiệp này, chúng ta thấy rằng nghiệp là do tâm tạo. Những phẩm chất trong tâm của chúng ta được biểu hiện qua hành động, lời nói và việc làm lập đi lập lại tạo thành nghiệp lực dẫn dắt con người đến một kết quả nào đó tương ứng với nhân đã tạo. Chúng ta là chủ nhân ông của cuộc đời mình, thừa kế những nghiệp đã tạo tác trong quá khứ. Nghiệp lực đưa đẩy chúng ta đến một nơi tái sinh (thai tạng) tương xứng với những gì đã tạo tác. Nghiệp ràng buộc chúng ta trong một môi trường / tâm trạng nào đó (là quyến thuộc, là điểm tựa). Hành động của chúng ta tạo ra những nhân cách khác nhau và ràng buộc chúng ta trong những hình thức nhất định (phân chia hữu tình thành liệt hay ưu).
Để tóm lược quá trình tạo nghiệp, và định hướng cho mình trong cuộc đời này, có thể nói như sau: hãy cẩn thận với ý nghĩ của ta, vì nó sẽ biểu hiện thành lời nói và hành động. Hãy cẩn thận với lời nói và hành động hàng ngày, vì chúng sẽ trở thành thói quen cố hữu. Hãy cẩn thận với các thói quen của bản thân, vì chúng sẽ trở thành nhân cách của chúng ta. Và nhân cách của chúng ta luôn có khuynh hướng dẫn dắt chúng ta đến một số phận nào đó.
٭٭٭
Khi chữ nghiệp được dùng như một triết lý về đời sống, nó hàm nhiều nghĩa sâu xa hơn, không phải là hoàn toàn tiêu cực như một năng lực bí ẩn khống chế một cá nhân nào đó. Thông thường, nếu ai đó biết chút ít về Phật giáo, nếu có điều gì xấu xẩy ra cho họ, họ cho rằng đó là do nghiệp của mình. Nói như vậy họ hàm nghĩa đó là kết quả của một nghiệp xấu trong quá khứ, bây giờ trổ quả và họ phải thọ lãnh không chối cãi được. Như vậy nghiệp ở đây mang tính thụ động, là kết quả của một chuỗi diễn tiến trong quá khứ cho đến hiện tại. Khi hiểu nghiệp như vậy, người ta mặc định nó là một cái gì đó như định mệnh, không thay đổi được.
Không phải tất cả các nghiệp đều cho quả khổ. Trong bài kinh quan trọng thứ hai nói về nghiệp (MN 136) như sau: “Nếu có ai đó có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có khả năng đưa đến sung sướng (lạc thọ), người đó tạo nghiệp đưa đến sung sướng và có được sung sướng. Nếu có ai đó có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có khả năng đưa đến khổ đau, tạo nghiệp khổ đau, người đó có khổ đau (khổ thọ). Nếu có ai đó có dụng ý làm thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp có khả năng đưa đến không khổ không lạc, thời người đó tạo nghiệp cho quả không khổ không lạc, có trạng thái xả (thọ).” Tiếp theo Đức Phật nói đến các loại nghiệp và quả dị thục (chín muồi trong một khoảng thời gian nào đó) của các loại nghiệp đó.
Khi tìm hiểu về nghiệp và mối tương quan nhân quả của các hành động lập đi lập lại có chủ ý hay vô thức, nó là một phạm trù rất phức tạp, cần trí tuệ của một bậc giác ngộ hoàn toàn mới thấy biết và giải thích trọn vẹn được. Khi người ta chọn lựa hành động theo một cách thức nào đó, sự chọn lựa đó không phải ngẫu nhiên mà có, mà nó đã được điều kiện hóa hay lập trình sẵn rồi. Những hành động lựa chọn như vậy gọi là do nghiệp lực dẫn dắt. Vậy nghiệp lực là gì?
Khi Nguyễn Du nói: “đã mang lấy nghiệp vào thân”, thì nghiệp ở đây chính là nghiệp lực, vì nghiệp đó đã cột chặt vào thân phận của một con người. Nó dường như đã trở thành định mệnh của người đó. Lúc đó các hành động và lựa chọn của người đó phần lớn là do vô thức dẫn dắt, nghĩa là phần lớn họ không biết tại sao họ lại lựa chọn hành động như vậy. Kiều không biết vì sao nàng lại chọn nhìn vào một ngôi mộ hoang không người hương khói khi đi chơi trong tiết thanh minh có nhiều cảnh sắc xinh đẹp, tươi sáng hơn xung quanh. Các em nàng và những người khách du xuân khác không có lựa chọn giống nàng, họ vui hưởng cảnh xinh tươi của một mùa xuân nơi thôn dã vào thời thái bình, yên ổn của đất nước. Còn nàng lại bị thu hút vào một cảnh khiến tâm hồn nàng thổn thức, bất an.
Kiều đã chọn lựa như vậy vì trong tâm thức của nàng có chủng tử (hạt giống) của nghiệp đoạn trường. Hay nói theo ngôn ngữ hiện đại, nàng đã được lập trình để cảm nhận như vậy, chọn lựa như vậy, và chịu nhận thọ báo (giức mơ và những tiên tri báo ứng của Đạm Tiên) như vậy trong đời này.
Mình không thể trách ông trời tại sao lại sáng tạo ra tôi trong thân xác và cách cảm xúc (đa tình, đa cảm, đa mang) như thế này! “Có trời mà cũng tại ta”, có ai bắt ta chọn lựa như vậy đâu? Nhưng vì cái ta hay bản ngã vốn là kết quả của nghiệp đã làm trong quá khứ, nay biểu hiện ra như một quyền lực thôi thúc ta phải nghĩ, nói và làm theo một cách đặc biệt nào đó.
Hành động và lựa chọn của mỗi người để thể hiện bản ngã hay bản lĩnh của mình trong những tình huống cụ thể là tự do nhưng không hoàn toàn tự do. Vì sao? Người ta có quyền phản ứng và cư xử như thế này hay như thế kia. Những phản ứng và cách cư xử của họ có thể đem lại lợi ích, cho cảm xúc tốt, và không hại đến ai. Đó là người đang tạo thiện nghiệp, cư xử khéo léo, hành động khôn ngoan và có trí tuệ. Nhưng cũng có những lúc họ phản ứng thiếu sáng suốt, cư xử vụng về và mang lại cảm xúc xấu cho mình và cho người khác. Đó là lúc họ đang tạo nghịch duyên hay bất thiện nghiệp. Nhưng những phản ứng có điều kiện hay không điều kiện đều đã được lập trình sẵn rồi; cách chọn lựa hành động hay cư xử của một người thể hiện trình độ nhận thức của người đó. Mà mức độ nhận thức của một người lại do giáo dục mà nên. Nếu người đó được sinh ra trong một gia đình thiếu giáo dục, cha mẹ không quan tâm đến con cái và hành vi của chúng. Môi trường sống của người đó là không tốt, có nhiều cám dỗ để làm điều bất thiện. Đến trường, người đó cũng chỉ thích giao du với bạn xấu và chỉ học được điều xấu hơn là điều tốt. Một người sinh ra, lớn lên và sống trong môi trường như vậy thì hoàn cảnh làm duyên cho họ tạo nhiều bất thiện nghiệp, và nó có thể trở thành thói quen phản ứng và cư xử đưa đến điều bất lợi cho mình, cho người hoặc cho cả hai. Người như vậy là người bị hoàn cảnh chi phối, người không biết làm chủ vận mệnh của mình. Đó là những người không bao giờ có tự do thực sự.
Không phải tất cả mọi người làm ác đều phải gặt hái quả khổ đau ngay lập tức. Và cũng không phải tất cả mọi người làm thiện đều được hưởng hạnh phúc an vui liền khi. Chúng ta thấy có một số người làm nghiệp bất thiện như sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, vv trong hiện tại, với mong muốn có sự thỏa mãn sung sướng ngay lập tức, không suy xét đến hậu quả lâu dài của các hành động bất thiện trên. Một số họ khi chưa bị phát giác thì quả là có được cảm giác thỏa mãn tạm thời, nhưng sự thỏa mãn này lại thúc đẩy họ hành động bất thiện tiếp để có được cảm giác kích thích và thỏa mãn lớn hơn. Cứ như vậy họ như kẻ thiếu nợ, vay chỗ này trả cho chỗ kia, cuối cùng khao khát không thực sự được thỏa mãn, mà càng ngày càng dấn thân vào con đường nguy hiểm không có lối thoát. Họ như những kẻ sa lầy, càng vùng vẫy càng lún sâu hơn vào chỗ tội lỗi, nhơ nhớp.
Tuy nhiên cũng có một số người hồi đầu hướng thiện, tuy trước tạo nghiệp bất thiện, nhưng sau lại tạo nhiều thiện nghiệp như vua A-xà-thế (Ajatasatthu) và vua A-dục (Asoka). Phần lớn chúng ta, những người chưa giác ngộ đều tạo các loại nghiệp lẫn lộn cả tốt và xấu. Khi nghiệp đã tạo rồi, chúng được tâm thức ghi nhận và lưu trử như những chủng tử thiện và bất thiện. Khi chủng tử thiện có cơ duyên được tưới tẩm và phát triển, nó hình thành nên một nhân cách tốt. Khi những chủng tử xấu được nuôi dưỡng và khuyến khích, nó tạo nên một nhân cách xấu. Nhân cách của một con người được hình thành và phát triển theo thời gian, chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh mà chúng ta gọi là nghiệp duyên.
Về phương diện đạo đức, Nghiệp được chia ra làm hai loại, thiện nghiệp và bất thiện nghiệp. Chúng ta thường nghe “tướng tự tâm sinh”, vậy tâm như thế nào tạo tướng tương ứng?
Thân Do Nghiệp Sanh
Địa Ngục, Thiên Giới (AN (I) (200)
Thành tựu mười pháp, tương xứng như vậy, như vậy bị rơi vào địa ngục. Thế nào là mười?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sát sanh, hung bạo, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với tất cả loài hữu tình và sinh vật. Người ấy lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng, hoặc tại rừng núi, không cho người ấy, người ấy lấy trộm tài vật ấy. Người ấy sống tà hạnh trong các dục, tà hạnh với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có anh em che chở, có chị che chở, có bà con che chở, có pháp che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa (đám cưới). Người ấy nói láo, đến chỗ tập hội hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa các vương tộc, khi bị dẫn xuất làm chứng và được hỏi: “Này người kia, hãy nói những gì ông biết”; dầu không biết, người ấy nói: “Tôi biết”; dầu biết, người ấy nói: “Tôi không biết”; hay dầu không thấy, người ấy nói: “Tôi thấy”; hay dầu cho thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy”. Như vậy lời nói của người ấy trở thành cố ý nói láo, hoặc nguyên nhân vì mình, hoặc nguyên nhân vì người, hoặc nguyên nhân vì một vài quyền lợi gì. Người ấy là người nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, đến chỗ kia nói, để sanh chia rẽ ở những người này. Nghe điều gì ở chỗ kia, đi nói với những người này, để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, người ấy ly gián những kẻ hòa hợp, hay xúi giục những kẻ ly gián, ưa thích chia rẽ, vui thích chia rẽ, thích thú chia rẽ, nói những lời đưa đến chia rẽ. Và người ấy là người nói lời thô ác. Bất cứ lời gì thô bạo, thô tục, khiến người đau khổ, khiến người tức giận, liên hệ đến phẫn nộ, không đưa đến Thiền định, người ấy nói những lời như vậy. Và người ấy nói những lời phù phiếm, nói phi thời, nói những lời phi chơn, nói những lời không lợi ích, nói những lời phi pháp, nói những lời phi Luật, nói những lời không đáng gìn giữ. Vì nói phi thời, nên lời nói không có thuận lý, không có mạch lạc, hệ thống, không có lợi ích. Người ấy có tham ái, tham lam tài vật kẻ khác, nghĩ rằng: “Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình! “. Có sân tâm, khởi lên hại ý, hại niệm như sau: “Mong rằng những loài hữu tình này bị giết, hay bị tàn sát, hay bị tiêu diệt, hay bị tàn hại, hay mong chúng không còn tồn tại! “. Người ấy có tà kiến, có tưởng điên đảo, như: “Không có bố thí, không có cúng thí, không có thiện thí, các hành vi thiện ác không có kết quả dị thục, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trong đời không có các Sa-môn, Bà-la-môn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự mình chứng ngộ với thắng trí, lại tuyên bố cho đời này và cho đời sau”.
Thành tựu mười pháp này, người ấy như vậy tương xứng rơi vào địa ngục.
Thành tựu mười pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng, được sanh lên cõi Trời. Thế nào là mười?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm; biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và các loài hữu tình và sinh vật; đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho, bất cứ vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng, hoặc tại rừng núi, không cho người ấy, người ấy không lấy trộm tài vật ấy; đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục, không hành tà hạnh với các hạng nữ nhân, có mẹ che chở, có cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, có pháp che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa (đám cưới). Người ấy đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo, đến chỗ tập hội hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa các vương tộc, khi bị dẫn xuất làm chứng và được hỏi: “Này ông kia, hãy nói những gì ông biết”. Nếu biết, người ấy nói: “Tôi biết”. Nếu không biết, người ấy nói: “Tôi không biết”; hay nếu không thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy”; nếu thấy, người ấy nói: “Tôi thấy”. Như vậy lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc nguyên nhân vì mình, hoặc nguyên nhân vì người, hoặc nguyên nhân vì một vài quyền lợi gì. Đoạn tận nói hai lưỡi, từ bỏ nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đi đến chỗ kia nói, để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi đến nói với những người này, để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hiệp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Đoạn tận lời nói thô ác, từ bỏ lời nói thô ác. Những lời nói nhu hòa, êm tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người, người ấy nói những lời như vậy. Đoạn tận lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói chân thật, nói có ý nghĩa, nói đúng Pháp, nói đúng Luật, nói những lời đáng được gìn giữ. Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có lợi ích. Ở đây có người không tham ái, không tham lam tài vật kẻ khác, không nghĩ rằng: “Ôi! Mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình! “. Lại có người không có sân tâm, không khởi lên hại ý, hại niệm, nhưng nghĩ rằng: “Mong rằng những loài hữu tình này sống không thù hận, không oán thù, không nhiễu loạn, được an lạc, lo nghĩ tự thân”. Có chánh kiến, không có tư tưởng điên đảo, nghĩ rằng: “Có bố thí, có cúng thí, có tế tự, các hành vi thiện ác có kết quả dị thục, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trong đời có các Sa-môn, Bà-la-môn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng, lại tuyên bố cho đời này và cho đời sau”.
“Thành tựu mười pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên Thiên giới.”
Những gì đã làm trong quá khứ là không thể thay đổi được, nhưng chúng ta có quyền thay đổi hiện tại bằng thái độ hay cách phản ứng ngay bây giờ. Khi trong tình trạng khẩn cấp và nguy hiểm, hoảng loạn, sợ hãi và sân hận là những tâm lý phổ biến nhất. Và nếu chết với tâm thức như vậy thì rất nguy hiểm. Lúc đó nếu có lý trí, bình tĩnh để cầu nguyện, rải tâm từ, hay niệm xả bỏ, niệm hơi thở để tâm bình thản trong giây phút hiểm nguy đến tính mạng là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu chưa được thực tập để làm chủ tâm, hay mới thực tập còn non nớt thì cũng rất khó để bình tâm để quán chiếu và lựa chọn đúng đắn. Khi như vậy người ta hành động theo phản xạ tự nhiên, theo thói quen cố hữu, hay theo sự chi phối của môi trường xung quanh mình trong thời điểm đó.
Ngày xưa các vị vua chúa có rất nhiều phu nhân, hoàng hậu. Bây giờ ở một số quốc gia theo Hồi giáo vẫn còn tập tục này. Những người phụ nữ có chung chồng thường không ưu nhau. Họ hiềm khích và đôi khi nghĩ ra mưu kế để hại nhau. Hoàng hậu Sāmāvati là một phụ nữ thuần hậu bị rơi vào hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy. Khi còn là một cô gái thông minh, yêu đời và đầy nghị lực, nàng đã bị đức vua Udena của xứ Kosambi trông thấy và bị vua thích. Cha nuôi nàng, một vị quan trong triều và cũng là một Phật tử thuần thành, một nhà hảo tâm, triệu phú Ghosaka, biết vua là người có bản ngã rất lớn, tính cách hung bạo, háo sắc, vv, nên không muốn cô nghĩa nữ yêu quí trở thành một trong những phu nhân của vua. Tuy nhiên vua Udena đã tìm mọi biện pháp bắt ép cha nuôi nàng phải để cho Sāmāvati vào cung làm hoàng hậu. Được nạp cung, Sāmāvati vẫn giữ bản chất thuần hậu và trung trinh của nàng. Vì là người mới, lại có nhiều phẩm chất tốt nên nàng rất được vua yêu. Điều đó cũng khiến cho một bà phi khác trong hậu cung, Magandiya, một phụ nữ Bà la môn xinh đẹp tuyệt trần nhưng kiêu kỳ, ngạo mạn, nhiều mưu chước và hay ghanh tỵ, trở nên rất tức tối với ân sủng của Sāmāvati. Khi được biết Sāmāvati là một đệ tử thuần thành của Phật, thường thực hành tâm từ, dạy các cung nữ thực hành tâm từ và các tâm bác ái khác, Magandiya càng thêm đố kỵ. Bà phi này vốn thù Phật vì một sự cố trong quá khứ, khi cha mẹ Magandiya muốn Phật (lúc đó mới mới ngoài ba mươi, đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp vv) lấy cô con gái mỹ miều có một không hai của họ. Đức Phật đã từ chối thẳng thừng bằng một bài pháp về 32 thể trược, sự nguy hiểm và ràng buộc thấp hèn của nhục dục, về sự nhàm chán thế gian, vv. Tiểu thư Magandiya chỉ nghe được một phần của bài pháp về sự nhơ nhớp của thân xác, vv, nàng liền nổi giận cho rằng ông sa môn đẹp trai đang khinh khi phỉ báng riêng nàng chỉ vì nàng đẹp! (Bao nhiêu trong chúng ta thỉnh thoảng cũng khởi bất thiện tâm, làm bất thiện nghiệp như cô gái ngu ngốc này.) Khi đã trở thành hoàng hậu của xứ Kosambi, dưới sự bảo kê của vua Udena, bà phi này không từ một cơ hội nào để trả thù Phật và các đệ tử của ngài. Và bây giờ, nàng xem Sāmāvati là tình địch và kẻ thù không đội trời chung của nàng.
Với mọi mưu chước của Magandiya, Sāmāvati vẫn chỉ trải tâm từ đến nàng và đến ông vua nóng nảy Udena, người bị Magandiya ton hót xúi bậy. Sāmāvati khôn khéo dạy các cung nhân dươí trướng bà cùng thực hành tâm từ, cùng học hỏi giáo pháp từ một nữ thiện tín (Khujjutarā) người được ra ngoài nghe pháp từ kim khẩu Đức Phật. Họ đã cùng nhau phát triển tâm từ vững mạnh đến độ mũi tên của ông vua bạo ngược không thể hại họ. Nhưng một ngày, khi vua đang đi dẹp loạn ở vùng biên ải, Magandiya đã cho quyến thuộc của nàng đến lập mưu chước và đốt cháy cung điện có Sāmāvati và 500 cung nữ dưới trướng bà.
Tất cả thân xác họ đều bị chết cháy nhưng tâm hồn cao thượng của hoàng hậu Sāmāvati và các cung nữ dưới sự hướng dẫn của bà đều đã giải thoát khỏi bốn đường ác đạo (địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh và quỉ thần Atula). Một số cung nữ đã nhập quả thánh thứ hai, và hoàng hậu Sāmāvati đã đắc quả bất lai, tái sinh vào cõi Tịnh cư Thiên. Như vậy trong những trường hợp hiểm nguy không lối thoát, những người thực hành tâm từ, có tâm đã phát triển tốt, vẫn đủ khả năng làm chủ tâm mình và luôn hướng thiện.
Khi được tường thuật về cái chết của thánh nữ Sāmāvati, Đức Phật đã cảm thán nói lên bài kệ:
Tinh cần (trong thiện pháp) là con đường đến bất tử
Thất niệm (khiến ác tâm lộng hành) là con đường đến tai ương.
Người tinh cần sống trong bất tử
Kẻ thất niệm sống như đã chết.
Câu chuyện cảm động về hoàng hậu Sāmāvati, người có nghị lực vươn lên trong những tình huống éo le nhất của cuộc đời (mất cha mẹ từ nhỏ, phải đi xin ăn, nhưng nhờ sự chân thực và tài tổ chức, cô bé đã được một triệu phú để ý và nhận làm con nuôi). Dù đã từng gặp rất nhiều nghịch cảnh trong đời, nàng vẫn luôn can đảm, nhân hậu và từ bi. Đức hạnh của nàng được Đức Phật tuyên bố là nữ đệ tử cao thượng nhất trong hạnh tâm từ (aggam mettāvihārinam) (A.i.26).
Tấn bi kịch trong hậu cung vua Udena không dừng lại ở đó. Nhân quả nghiệp báo của quá khứ và hiện tại đan xen vào nhau tạo ra tấm thảm kịch khi quyền lực và vô minh cùng đồng hành. Vương phi Magandiya sau khi hãm hại tàn khốc người mà nàng cho là “địch thủ”, rất đắc ý, thỏa mãn, chờ thời cơ để được tấn phong làm chánh cung hoàng hậu. Vua Udena trở về hoàng cung, được biết những gì đã xẩy ra thì rất đau xót. Ông thương tiếc hoàng hậu Sāmāvati bao nhiêu thì càng căm thù người đã hại hoàng hậu bấy nhiêu. Là một đấng quân vương, ông cũng có những mưu kế của mình khiến cho kẻ thủ ác phải sập bẫy.
Vua Udena trước mặt Magandiya đã lớn tiếng ngợi khen người nào đã giúp ông diệt trừ ‘mối hiểm họa Samavati’ – người mà ông cho rằng luôn tìm cách ám sát ông. Ông cũng ngỏ ý muốn khen thưởng cho những ai đã bày ra mưu kế hãm hại nàng. Nghe như vậy, Magandiya đã không nghi ngờ gì, liền thú nhận mình chính là người tạo ra kịch bản của vụ hỏa hoạn trong cung cấm – với ý chí là muốn trừ diệt mối họa lớn cho nhà vua. Vua Udena tỏ vẻ vui mừng và bảo nàng hãy mời tất cả thân quyến và đồ đệ đã giúp nàng hoàn thành công việc này để cùng trọng thưởng. Magandiya cho mời người chú thân tín và các đồ đảng của nàng – những người đã tham gia vào việc đốt cháy cung điện của Samavati đến.
Khi đã tập trung được tất cả tội phạm, vua Udena đột nhiên trở mặt và tuyên bố bắt giam tất cả họ – đứng đầu là Magandiya và chú của nàng- người đã ra tay tàn độc với đối thủ của nàng. Nhà vua cho dựng lên một pháp trường có những tấm lưới sắt được nung đỏ trên than hồng và bắt đám tội phạm nướng sống trên đó. Cái chết đau đớn của họ khi bị nướng từ từ trước mặt hàng vạn người chứng kiến đầy ám ảnh thê lương và rùng rợn.
Tuy nhiên, sau khi đã trả thù cho Sammavati, vua Udena không có được sự bình yên thanh thản trong tâm hồn. Vua nằm thấy ác mộng thường xuyên. Ám ảnh nhất là cặp mắt buồn có vẻ trách móc của hoàng hậu Samavati. Trước khi hành hình Magandiya một cách tàn bạo nhất, ông đã mơ thấy HH Samavati trở về can ngăn ông không nên tạo ác nghiệp để trả thù cho nàng. Nhưng vua Udena – bản chất vốn thô bạo và tàn độc, đã bỏ qua lời nhắc nhở sâu thẳm trong tiềm thức, vẫn làm theo lý trí hời hợt của một vị quân vương. Kết quả là nhiều người chết thảm một cách đau đớn, còn ông thì không có được một phút bình yên trong tâm hồn sau thảm cảnh.
Khi được nghe về tất cả những diễn tiến đã xẩy ra ở thành Kosambi, Đức Phật trầm tư lên tiếng tuyên thuyết về nguyên lý chuyển hóa cảm xúc và oan trái trong cuộc đời: “Với hận diệt hận thù – đời này không thể được. Không hận- tỏa từ bi – hận thù liền tan biến.” (Pháp Cú câu 5)
Nghiệp và Nguyện
Trong phần trước chúng ta đã bàn về chữ nghiệp theo định nghĩa trong kinh điển cũng như theo cách hiểu thông thường trong văn chương và dân gian cùng với những câu chuyện minh họa. Nghiệp (Kamma hay Karma) được hiểu là những hành động mang tính tạo tác, tức là hành động có chủ ý, được điều động bởi ý thức hay vô thức, để lại những hiệu ứng nhất định nào đó lên chính người hành động và lên những người hay môi trường xung quanh. Khi hành động được điều động bởi vô thức mà có những phản ứng không nằm trong dự định và tính toán của người hành động thì nó thuộc về nghiệp lực – hay năng lực dẫn dắt các hành động và chọn lựa mà bản thân người làm không hoàn toàn ý thức được tại sao. Nói một cách đơn giản, làm mà không biết vì sao mình làm như vậy thì gọi là hành động do nghiệp lực dẫn dắt.
Khác với nghiệp lực, nguyện lực (determination to commit to st) lại là những ước mong và nỗ lực theo một hướng mà bản thân người làm biết rõ là vì sao và năng lực nào khiến cho mình chọn lựa hay hành động như vậy. Thường thì nguyện lực được phát khởi khi chứng kiến hay nghe những điều khiến tâm hồn mình xúc động mạnh, cảm thấy được truyền cảm hứng để thay đổi. Trong tiếng Pali, nguyện ước Adhiddhānā – tâm quyết định mạnh mẽ để làm một việc nào đó, nếu đó là việc thiện như thay đổi cách sống, thay đổi môi trường làm việc lành mạnh hơn, từ bỏ thói quen xấu hay thiết lập thói quen tốt, vv. Đứng dậy sau vấp ngã, sửa chữa sai lầm của bản thân, nguyện không nói xấu hay tìm lỗi người. Nguyện giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn … nguyện qui y Tam Bảo và giữ năm giới thường xuyên để tránh ác, nguyện tu thập thiện để tích thiện, nguyện tập sống đời đơn giản không tranh đua (giữ tám giới), nguyện sống đời xuất gia ly trần (10 giới), nguyện chuyên tu, trở thành những hành giả với đầy đủ giới luật (thọ cụ túc giới), nguyện hành Bồ tát hạnh, vv.
Khi Sa môn Cồ Đàm từ bỏ đời sống khổ hạnh và bắt đầu con đường trung đạo tránh hai cực đoan[i] trong pháp hành, ngài thọ dụng bánh sữa đề hồ trong cái bát vàng của nàng thôn nữ Sujata – người tưởng lầm tưởng ngài là một vị thần cây linh thiêng. Sau khi thọ thực, ngài đi ra bờ sông Ni Liên Thuyền (Nerajyana), ném chiếc bát xuống dòng sông với lời nguyện nếu ngài đã đủ duyên nghiệp để thành Phật, chiếc bát sẽ trôi ngược dòng. Và điều kỳ diệu đã xẩy ra để xác tín lời nguyện ước, chiếc bát trôi ngược dòng. Bồ tát có thêm tự tin để trở lại nơi đã chọn, ngồi dưới cội cây bồ đề và bắt đầu hành trình vào nội tâm, lội ngược dòng với lời nguyền không giác ngộ thì dẫu xương tan thịt máu khô hết cũng không đứng dậy.
Nguyện lực dũng mãnh này gây ra những luồng rung động trong vũ trụ, và ma vương đã “giải mã” được các rung động đó mang ý nghĩa gì. Điều này quả là một thách thức cho thế lực của ma vương – thế lực chống đối không muốn có người giác ngộ và thoát khỏi vòng bủa vây của chúng, nên đã sai các cô gái trẻ, đẹp, hấp dẫn và ngọt ngào quyến rũ đến để làm sao nhãng việc tu hành của bậc ẩn sĩ. Tiếp tục chú tâm trên hơi thở một cách buông xả với tâm thức của một đứa trẻ lên bảy, vị ẩn sĩ không hề động tâm trước những pha biểu diễn nghệ thuật quyến rũ bậc cao nhất của các thiên nữ cõi dục giới.[ii]
Quyến rũ không được, Ma vương liền gửi các đội quân tinh nhuệ với binh đao và các hình ảnh ghê rợn đến để dọa dẫm Bồ tát. Tiếng binh khí vang rền, tiếng gầm rú của chiến xa và các binh đoàn không thủy bộ … cũng không làm tâm hành giả sợ hãi hay dao động.
Trong đại định, bậc đại ẩn sĩ (Maha muni) kiết ấn Xúc Địa (Bhumi phassa Mudra), nhắc lại lời nguyền với sự chứng minh của đại địa rằng ngài đã thực hành các Ba-la-mật (paramita) trong suốt bốn A tăng kỳ (asankhaya – một khoảng thời gian dài không đếm được) và một trăm ngàn đại kiếp để thành tựu những phẩm hạnh của một vị Đại Giác Ngộ (Buddha). Đại địa rung chuyển xác tín lời nguyền sâu dày của Bồ tát, khiến cho các binh chủng của ma vương phải rút lui và hạ khí giới.
Nguyện lực chính là sức mạnh đưa người ta ra khỏi một vùng đã bị giam giữ lâu ngày hay nhiều đời nhiều kiếp. Nguyện lực càng mạnh mẽ và nỗ lực hành động theo hướng dẫn của trí tuệ và sự suy xét đúng đắn thì sẽ thành tựu như nguyện.
Nghiệp chướng
Nhiều khi trong cuộc sống chúng ta muốn làm gì đó nhưng luôn bị cản trở khiến cho ta thối tâm hay bỏ công việc dở dang không thành tựu được như ý nguyện. Bị cản trở và thối thất thì gọi là nghiệp chướng. Nghiệp chướng là các lực cản hay thử thách trong cuộc sống khiến cho chúng ta không dễ dàng đạt được một/những mục đích nào đó.
Nghiệp chướng cũng có thể là những điều xẩy ra bất ngờ khiến cho người không nắm bắt được cơ hội để làm hay thành tựu điều mình muốn. Chướng nghiệp cũng khiến cho người ta đánh mất hạnh phúc mà mình đang có hay xứng đáng được hưởng. Nếu nghiệp chướng chỉ là chướng duyên/thử thách, với sự kiên định với mục đích đã chọn, người ta có thể vượt qua được. Nhưng khi nghiệp chướng là những điều bất ngờ xẩy ra khiến người ta phải từ bỏ con đường đã chọn thì nó quả là tai hại. Đôi khi người ta tưởng chừng như đã nắm được hạnh phúc rồi nhưng vì những chuyện không đáng là gì cả khiến họ buông tay và cơ hội vuột mất. Đó cũng là một kiểu nghiệp chướng.
Chướng nghiệp có thể đến từ bên trong hay đến từ bên ngoài. Chúng sinh khi bị chi phối bởi tham lam, sân hận, si mê, kiêu mạn, nghi hoặc hay tà kiến khiến cho họ làm, nói hay suy tư những việc không nên làm/nói; và không làm/nói những việc cần phải làm/nói – sai lầm như vậy khiến họ không đạt được điều họ đã mong mỏi và đã nỗ lực hướng đến trong cuộc sống.
“- Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy, đi đến thất bại? Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, có hạng người, do buôn bán như vậy, không thành tựu được như ý muốn? Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy, thành tựu được như ý muốn? Do nhân gì, do duyên gì, ở đây có hạng người do buôn bán như vậy, lại được thành tựu ngoài ý muốn?
2. – Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến vị Sa-môn hay Bà-la-môn và hứa hẹn như sau: “Thưa Tôn giả, hãy nói lên điều Tôn giả cần giúp đỡ”, nhưng người ấy không cho như đã được hứa. Nếu từ chỗ đấy mạng chung, đi đến chỗ này, dầu cho người ấy có buôn bán gì, buôn bán đi đến chỗ thất bại.
3. Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn và hứa như: “Thưa Tôn giả, hãy nói lên điều Tôn giả cần giúp đỡ”, nhưng người ấy không cho như đã quyết định muốn cho. Nếu từ chỗ đấy mạng chung, đi đến chỗ này, dầu cho người ấy có buôn bán gì, buôn bán ấy không đi đến thành tựu như ý muốn.
4. Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn và hứa như sau: “Thưa Tôn giả, hãy nói lên điều Tôn giả cần giúp đỡ”. Và người ấy cho như đã quyết định muốn cho. Nếu từ chỗ đấy mạng chung, đi đến chỗ này, dầu cho người ấy có buôn bán gì, buôn bán ấy đi đến thành tựu như ý muốn.
5. Ở đây, này Sàriputta, có hạng người đi đến Sa-môn hay Bà-la-môn và hứa như sau: “Thưa Tôn giả, hãy nói lên điều Tôn giả cần giúp đỡ”, và người ấy cho hơn như đã quyết định muốn cho. Nếu từ chỗ đấy mạng chung đi đến chỗ này, dầu người ấy có buôn bán gì, buôn bán như vậy được thành tựu ngoài ý muốn.
Này Sàriputta, đây là nhân, đây là duyên, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy đi đến thất bại. Đây là nhân, đây là duyên, này Sàriputta, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy, không thành tựu được như ý muốn. Đây là nhân, đây là duyên, này Sàriputta, ở đây, có hạng người, do buôn bán như vậy, thành tựu được như ý muốn. Đây là nhân, đây là duyên, này Sàriputta, ở đây, có hạng người do buôn bán như vậy được thành tựu ngoài ý muốn.”
[Anguttara nikaya IX, 79, chương bốn pháp]
Nghiệp và mệnh
Vậy nghiệp có phải là định mệnh không? Bài kinh sau đây cho thấy nghiệp có thể thay đổi được khi tâm hướng thay đổi. Nghiệp, theo cách hiểu của Đạo Phật thì không phải là định mệnh. Sinh ra trong một hình hài và hoàn cảnh như thế nào là do nghiệp quá khứ quyết định (Kammaṃ khettaṃ viññānaṃ bījaṃ, tanhā sineha - chủng thức là hạt giống, nghiệp là cánh đồng, ái là nước tưới tẩm), tuy nhiên sống với những gì có sẵn này như thế nào thì đó là chọn lựa của mỗi người.
Nếu một người được thừa hưởng gen tốt từ cha mẹ dòng tộc, được nuôi dưỡng trong môi trường tốt nhưng tâm ý người đó hướng bất thiện, giao du bạn xấu và không biết ơn, trân trọng những gì mình đang có thì sớm muộn gì người đó cũng mất đi những cái tốt ban đầu, và tự chuốc lấy khổ đau bần cùng thất bại như định mệnh tự mình tạo ra. Người như thế gọi là kẻ làm bánh tồi mặc dù có được bột tốt, đường ngon và các gia vị hảo hạng nhưng vì thiếu kỹ năng làm bánh (tạo ra cuộc đời đặc biệt của mình) nên đã làm hư bột hư đường; và cái bánh cuộc đời của người đó không ai muốn thưởng thức. Những người như vậy trong kinh nói là người đi từ ánh sáng vào bóng tối.
Cũng có những người khi sinh ra không được may mắn, gia đình có thể nghèo khổ, cơ thể có thể không khỏe mạnh, hay thậm chí bị khiếm khuyết, nhưng không vì vậy mà họ bi quan, chán chường và đổ lỗi cho số phận. Họ luôn sống tốt với những gì mình có, và tạo nghiệp lành để hiện tại an lạc và tương lai sáng đẹp hơn. Họ cũng giống như người không được cung cấp bột tốt, đường thì thuộc loại xoàng, các gia vị cũng tầm thường, nhưng họ biết cách học làm bánh ngon từ nguyên liệu rẻ tiền. Và chiếc bánh cuộc đời của họ dù không hấp dẫn về hình thức, nhưng lành mạnh và bổ dưỡng. Những người như vậy là người đi từ bóng tối ra ánh sáng.
“Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?
Sống trong bóng tối, hướng đến bóng tối; sống trong bóng tối, hướng đến ánh sáng; sống trong ánh sáng, hướng đến bóng tối; sống trong ánh sáng, hướng đến ánh sáng.
2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sống trong bóng tối, hướng đến bóng tối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người được sanh trong một gia đình hạ tiện, gia đình một người đổ phân, hay gia đình một người thợ săn, đan rổ, hay gia đình người đan tre, làm bẫy sập, hay gia đình người đóng xe, hay gia đình người quét rác, hay trong một gia đình một người nghèo đói, ăn uống thiếu thốn, sanh kế khó khăn, khó tìm cho được đồ ăn, đồ mặc. Và người ấy lại xấu xí, khó ngó, còm lưng, nhiều bệnh hoạn, đui một mắt, quẹo tay bại chân, hay đi khấp khểnh, hay nửa thân tê liệt, không có được đồ ăn, đồ uống, đồ mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, chỗ năm, chỗ ở hay đèn. Người ấy sống với thân làm ác, sống với miệng nói ác, sống với ý nghĩ ác. Sau khi sống với thân làm ác, với miệng nói ác, với ý nghĩ ác, khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người trong bóng tối hướng đến bóng tối.
3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người được sanh trong một gia đình hạ liệt… chỗ nằm, chỗ ở hay đèn. Người ấy sống với thân làm lành, sống với miệng nói lành, sống với ý nghĩ lành. Sau khi sống với thân làm lành, với miệng nói lành, với ý nghĩ lành, khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, cõi trời, cõi đời này. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người sống trong bóng tối hướng đến ánh sáng.
4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được sanh trong một gia đình cao quý, trong gia đình Sát-đế-lỵ giàu có, hay trong gia đình Bà-la-môn giàu có, hay trong gia đình gia chủ giàu có, phú hào có tài sản lớn, có của cải lớn, có nhiều vàng và bạc, có nhiều tài sản, vật dụng, nhiều tiền của, ngũ cốc. Người ấy lại đẹp trai, dễ nhìn, dễ thương, với màu da tuyệt đẹp, xinh xắn. Người ấy lại nhận được đồ ăn, đồ uống, áo mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ trú, đèn đuốc. Người ấy, thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Do thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, như vậy là hạng người sống trong ánh sáng hướng đến bóng tối.
5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sanh ra trong gia đình cao quý, trong gia đình Sát-đế-lỵ giàu có, hay trong gia đình Bà-la-môn giàu có, hay trong gia đình gia chủ giàu có, phú hào có tài sản lớn, có của cải lớn, có nhiều vàng và bạc, có nhiều tài sản, vật dụng, có nhiều tiền của, ngũ cốc. Và người ấy đẹp trai, dễ nhìn, dễ thương, với màu da tuyệt đẹp, xinh xắn. Người ấy lại nhận được đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, chỗ nằm, chỗ trú, đèn đuốc. Người ấy, thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành. Do thân làm lành, miệng nói lành, ý nghĩ lành, người ấy khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi lành, cõi trời, cõi đời này. Này các Tỷ-kheo, như vậy là người sống trong ánh sáng hướng đến ánh sáng.” [Anguttara V, 85]
Tỳ Kheo Ni Pháp Hỷ Dhammananda
Viết tại Bodhi Tree meditation Center, Honolulu 2013
Khemarama – Tịnh An Lan Nhã – Bà Rịa Vũng Tàu 2017
[i] Hai cực đoan là đắm say trong dục lạc vô độ, vốn thấp hèn tai hại, và khổ hạnh ép xác, vốn vô ích và tà kiến. cả hai đều là những cách kích thích khác nhau lên cơ thể để tạo ra những cảm giác mạnh giúp người ta tạm thời quên đi những bức xúc nào đó.
[ii] Ref. Ba cô con gái của ma vương đến từ cõi Paramimmita vasavatti – cõi trời cao nhất trong Dục giới (Kāma vacana)
Discussion about this post