Vào đầu tháng 5 vừa qua, những nhạc sĩ trẻ từ Malaysia và Indonesia đã cùng phối hợp với nhau, hội tụ tại Singapore nhằm tạo một điểm nhấn trong lĩnh vực này khi thực hiện chương trình ca nhạc Phật giáo với tên gọi “Sadhu for the music” ở nhà hát Esplanade. Hai buổi công diễn chính thức của chương trình đã bán sạch vé.
Theo Wilson Ang, Chủ tịch Liên hữu Phật giáo Singapore, đơn vị đứng ra phối hợp tổ chức các đêm nhạc thì những sinh hoạt truyền thống của người trẻ như đi chùa và nghe giảng giáo lý không còn thường xuyên. Chương trình được dàn dựng và đạo diễn bởi nhà soạn nhạc kiêm ca sĩ người Malaysia nổi tiếng quốc tế Imee Ooi.
Cũng theo ông Ang, những thống kê gần đây cho thấy sự suy giảm lượng Phật tử trẻ người Singapore. “Điều này tạo ra sự quan tâm trong tôi và tôi muốn tìm hiểu làm thế nào để thế hệ trẻ có thể lưu ý đến Phật giáo chứ không chỉ là những Phật tử danh nghĩa”, người đứng đầu Liên hữu Phật giáo Singapore nhấn mạnh.
“Mỗi người trẻ ngày nay đều có điện thoại di động thế hệ mới và sử dụng nó để nghe nhạc hoặc xem phim. Vì thế chúng ta có thể chọn âm nhạc như là cửa ngõ để tiếp cận đến giới trẻ thông qua thế hệ công nghệ mới.”
Phật giáo ở châu Á đã từng chứng kiến sức mạnh của nhạc Phúc âm trong việc lôi cuốn một lượng lớn giới trẻ của khu vực vâng theo Thiên Chúa. Lưu tâm đến vấn đề này, chương trình ca nhạc “Sadhu of the Music” thiết kế nội dung theo dạng nhạc thánh kinh để chuyển tải tốt nhất các lời Phật dạy và truyền đạt ý tưởng về tụng niệm các bài kinh Phật giáo. Các ca sĩ trẻ trình diễn ca khúc bằng Anh ngữ, Hoa ngữ và tiếng Indonesia Bhasa trong khi vũ công nhảy theo điệu ballet kết hợp Đông và Tây, nhảy hiện đại, thế võ Thiếu Lâm.
“Thế giới đã có sự thay đổi và người trẻ hiện tại luôn biết cách kết nối với một không gian rộng lớn hơn. Các nhu cầu của họ cũng rất khác nhau và nếu bạn muốn họ thể hiện sự quan tâm về tôn giáo của mình thì hãy làm theo những gì họ nghĩ,” Ooi chia sẻ.
Nhà soạn nhạc kiêm ca sĩ người Malaysia này cho biết các chương trình biểu diễn ca nhạc Phật giáo ở châu Á ngày càng nhiều và phong phú nhưng phong trào này cần sự phối hợp và liên kết.
“Phần lớn các chương trình đều được thực hiện riêng lẻ. Do đó, nhiều người đã liên lạc với tôi rằng nhạc Phật giáo phải được quốc tế hóa”.
Discussion about this post