Hôm nay 20 tháng 3 là “Ngày Quốc tế Hạnh phúc” Ngày lễ quốc tế này đã được ông Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon chính thức công bố tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc nhằm tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại trên thế giới và với mục tiêu không chỉ là ngày mang ý nghĩa biểu tượng đơn thuần, mà còn là ngày của hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng thế giới đại đồng, đem lại hạnh phúc cho người người trên trái đất. Nhân dịp kỷ niệm ngày này, chúng tôi xin giới thiệu một loạt về các bài viết liên quan đến hạnh phúc.
GIẢI MÃ GNH (Gross National Happiness) –
THỨC DẬY VĂN HÓA ĐỂ XÂY DỰNG HẠNH PHÚC
Nguyên Cẩn
Tiếp theo bài học thứ nhất (VHPG số 39) về xây dựng một nền hành chánh hữu hiệu, chúng ta hãy thử tìm hiểu Bhutan đã kiến tạo hạnh phúc thông qua công cuộc thúc đẩy văn hóa của họ ra sao để từ đó có thể chiêm nghiệm lại chính mình.
Người ta đã đề cập đến nghịch lý thời đại: Mục đích của sự phát triển là đem lại hạnh phúc, nhưng người ta lại xem hạnh phúc là cảm nhận chủ quan vì chẳng thế nào có đủ nhưng chứng lý khoa học để đánh giá hạnh phúc một cách có ý nghĩa dù đó là giá trị và chân lý phổ quát, là ước mơ mà nhân loại muôn đời hướng đến.
Làm thế nào thúc đẩy văn hóa?
Yếu tính nền tảng của văn hóa Bhutan là giáo lý nhà Phật . Trong bối cảnh văn hóa ấy, người ta đã học và thấm nhuần giáo lý về Nghiệp (Karma)). “Chúngta đang là kết quả của những ý nghiệp trong quá khứ và chúng ta sẽ là kết quả của ý nghiệp trong hiện tại. Chúng ta đang xây nên tương lai của chính mình. Thế nên, con người được an nhiên tự tại trong phạm vi nghiệp do mình tự tạo, là kết quả của thân, khẩu và ý nghiệp”. (Dasho Meghraj Gurung)
Nói như thế chả khác nào lời Phật nói với A Nan: “Thiện ác theo người, như bóng theo hình, không thể tách rời, các việc tội phước, cũng lại như thế. Chớ có hồ nghi, khi đọa vào ác đạo, tội phước phân minh”. (A Nan vấn Phật sự cát hung)
Những hiểu biết cá nhân về triết lý nhân quả hay nghiệp báo là nền tảng xây dựng nên giá trị văn hóa hay chuẩn mực sống ở Bhutan. Nó phản ảnh ý thức trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng của từng công dân. Người ta cũng sẽ đặt câu hỏi là tại sao cùng một công việc, chức vụ, địa vị nhưng vẫn được thực hiện với những mức độ khác nhau về số lượng và chất lượng. Phải chăng điều ấy biểu thị không chỉ do năng lực khác nhau của từng cá nhân mà còn do sự tận tụy và tinh thần trách nhiệm của mỗi người?
Công cuộc mưu cầu “hạnh phúc” đòi hỏi rất cao về trách nhiệm cá nhân, dựa trên nền tảng nguyên lý Nghiệp, phải được thấm nhuần trong lòng người, trong mọi ngõ ngách tâm tư và đời sống , trong từng suy tư của quan chức hay nhân dân, và phải chuyển hóa thành “bản năng gốc”trong ứng xử và hành động (HT. Thích Thiện Hoa ngày xưa từng mơ ước xây dựng một xã hội an bình trên thuyết lý Nhân quả).
Không phải Bhutan không gặp thử thách khi họ phải đương đầu với những khía cạnh tiêu cực của “hiện đại hóa”vốn đang trở thành mối đe dọa hàng ngày hàng giờ đối với những giá trị tâm linh của họ. Ví dụ như làn sóng dâng cao của chủ nghĩa tôn thờ vật chất, hứa hẹn một cuộc sống đầy tiện nghi và các thứ giải trí vốn thường là bạn đồng hành của lối sống buông thả và thiếu tu dưỡng bản thân. (Một bài báo hồi đầu tháng 8 trên báo VHTT có đưa tin chính quyền Bhutan lo ngại xu hường thích xem TV và video đang đe dọa sự rèn luyện bản thân của giới trẻ, nhất là khi họ bắt đầu cho phép sự dụng truyền hình cáp). Để xây dựng hạnh phúc , về mặt văn hóa, chính quyền Bhutan đã và đang tập trung lưu tâm những khía cạnh sau:
1. Nhà trường và những định chế giáo dục phải là nơi truyền thụ và xây dựng nền tảng cho những giá trị văn hóa vì đây là nơi lý tưởng cho việc quan sát và thể hiện những giá trị. Vì học sinh, sinh viên sẽ gặt hái được những hiểu biết về con người, sự việc, đất nước và xác lập được nhân sinh quan cũng như thế giới quan của mình. Trường học phải là nơi dạy con người cách nhìn nhận và đánh giá những chuẩn mực và giá trị văn hóa trên cơ sở nhân bản . Nói như Henry Poincaré: “Văn hóa là cái gì tồn tại sau khi người ta đã quên đi tất cả”. Thử nghĩ xem, một ông tiến sĩ khi bị xúc phạm lại ứng xử như một kẻ du đãng, sử dụng ngôn ngữ giang hồ thì cái văn hóa của ông ta phải chăng chỉ là bề nổi của một tấm bằng hư nhiều thực ít (!).
2. Những giá trị văn hóa tinh túy hay thiết yếu cho trách nhiệm xã hội cần phải thấm nhuần ở mọi cấp độ giáo dục. Người ta thừa nhận tầm quan trọng của hệ thống thông tin đại chúng trong việc quảng bá và ghi khắc vào lòng người những giá trị văn hóa cần thiết như lòng tôn trọng sự thật, tình yêu thương, sự hy sinh, tính nhẫn nhịn, gắn bó vì cộng đồng…và loại bỏ những giá trị lỗi thời không thích hợp.
Về mặt lịch sử, Bhutan dựa vào các cơ sở giáo dục tôn giáo và Tăng đoàn trong việc phổ biến những bài giảng sinh động cụ thể trên cơ sở những triết lý trừu tượng về Nhân quả. Những cơ sở học viện này đẩy mạnh công cuộc xây dựng nên những giá trị văn hóa cho mọi tầng lớp trong xã hội.
3. Những nhà lãnh đạo ở cấp cao phải là những tấm gương cho cấp dưới, đảm bảo những mệnh lệnh cao nhất cũng sẽ được thực thi ở cấp thấp nhất. Những phẩm chất biết lắng nghe, nhanh chóng xửlý và có tinh thần trách nhiệm thể hiện sự đồng nhất giữa lời nói và việc làm, trên nền tảng những giá trị được cộng đồng công nhận, đáp ứng nguyện vọng của tập thể hay địa phương mà họ lãnh đạo.
4. Theo đuổi mục tiêu kiến tạo GNH đòi hỏi nhà cầm quyền Bhutan sử dụng văn hóa làm trung gian hay như một chất dung môi xúc tác những hoạt động phát triển quốc gia. Điều này cũng đòi hỏi sử dụng những nguyên lý chung mà nhân loại dùng làm công cụ khám phá mối quan hệ hữu cơ và sáng tạo giữa văn hóa và sự phát triển.
Hiển nhiên là tiện nghi vật chất và tiến bộ khoa học kỹ thuật là mục tiêu mà toàn nhân loại đang theo đuổi. Chúng ta cũng không là ngoại lệ khi xem sựthịnh vượng kinh tế là kỳ vọng của toàn xã hội. Bởi lẽ, mọi người cũng như chúng ta, cũng hy vọng những điều trên sẽ làm giảm đi sự căng thẳng, nhọc nhằn, trong đời sống, làm cuộc đời ngắn ngủi này đáng sống hơn, nhẹ nhàng hơn, thư thái hơn và thực tại bớt phần “thô ráp” hơn. Nhưng thực tế cho thấy tỷ lệ tiêu thụ vật chất không hề đi kèm theo sự tăng trưởng về hạnh phúc. Tỷ lệ người trầm cảm ở phương Tây và ở Hoa Kỳ luôn ở con số cao và tỷ lệ những người tự tử ở những quốc gia tiên tiến cũng gia tăng đáng quan ngại, nhất là ở Nhật (!).
Ở Bhutan và một số nước khác,giáo dục được miễn phí, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế cho người nghèo cũng miễn phí hoặc mở những dịch vụ cao cấp có thu để bù cho những bệnh viện công miễn phí. Theo truyền thống văn hóa Bhutan , sự phát triển tâm linh nội tại cũng quan trọng không kém nếu không muốn nói là còn cao hơn những phát triển vật chất bên ngoài. Người ta quan niệm rằng giác ngộ là quả ngọt trên cây hạnh phúc và là mục tiêu cao thượng nhất của đời người. Nó tạo nên sự hài hòa tâm lý,xã hội và kinh tế bởi lẽ nhận thức về bản ngã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đạt được tự do cá nhân và tiếp nhận hạnh phúc. Ở Bhutan, người ta đã thành công trong việc làm cho triết lý sống Phật giáo thấm nhuần trong toàn dân với những giá trị tinh thần và sự tự do trong tư duy.
Bài học nào cho chúng ta?
Nhận định văn hóa là một trong bốn yếu tố hay bốn mục tiêu chính, chúng ta cần xây dựng một chính sách đồng bộ để phát triển văn hóa và đó cũng chính là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Những điều vừa nêu trên dường như vẫn còn là một thách thức khá lớn:
1. Nền giáo dục đã từ lâu không kham nổi việc chuyên chở một triết lý sống rõ rệt. Khi chuyển sang kinh tế thị trường,tình hình chưa hẳn đã sáng sủa hơn khi cụm từ “xã hội hóa” bao hàm ý nghĩa tăng học phí, tăng mọi thứ…phí. Mà cũng chưa hẳn giải quyết mọi vấn đề thông qua con đường tăng phí. Nói như GS. Hoàng Tụy: “Giả dụ có tăng lên 30%-40% ngân sách và tăng học phí nhiều lần nữa cũng chẳng có tác dụng nhiều nếu không thay đổi phong cách làm giáo dục. Ngân sách nhà nước tăng lên hàng chục ngàn tỷ đồng chưa kể vay nước ngoài 1,1 tỷ đô la,trong khi đó số lượng học sinh sinh viên không tăng bao nhiêu…”Giáo sư đưa ra một con số giật minh: “Số học sinh tiểu học giảm từ 9,7 triệu năm 2000 còn 7,8 triệu năm 2004 trong khi dân số vẫn tăng là do học sinh bỏ học (!). Học phí chưa tăng mà còn như thế..Có thể dự đoán bức tranh ảm đạm nếu tăng từ 66.000 đồng lên 200.000 đồng/ tháng . Đến lúc đó người dân sẽ tự hỏi mục tiêu của chính sách giáo dục là vì ai? (Báo Người Lao Động 14 tháng 8 , 2007, người viết nhấn mạnh).
Điều tương tự cũng diễn ra trong những lĩnh vực phúc lợi khác, nhân danh “xã hội hóa”, người ta đã và đang “cổ phần hóa”mọi thứ có thể trở thành cổ phần từ xí nghiệp, nhà máy cho đến nhà thương, trường học (?). Nhưng điều quan trọng nhất không hẳn là tăng đầu tư hay tăng đóng góp mà chính yếu là chúng ta không thể “cứu rỗi”nổi căn bệnh trầm kha của ngành giáo dục và các ngành dịch vụ công ích khác, mà phía sau bức tranh ấy là sự bất an trong lòng dân. Vậythì tổng hạnh phúc (GNH) sẽ là một con số khá thấp nếu chúng ta không đủ dũngcảm nhìn nhận sự việc và chỉnh đốn ngay bản thân nền đạo đức. Vì nói như một nhà nghiên cứu: “…Hạnh phúc chỉ tồn tại khi con người ngày nay phải đi đến qua ngả đạo đức, không có điều ngược lại. Không còn là một gỉa tưởng, một ước vọng xa vời và phi lý tính nữa, đạo đức giờ đây phải được xây dựng trên căn bản trí tuệ và sự tăng trưởng vật chất” (Nguyễn Quốc Tuấn – Tư tưởng lục hòa trong xã hội Việt Nam ngày nay).
2. Chúng ta có thể nói gìđến việc xây dựng những giá trị tâm linh khi sức mạnh vật chất đang tàn phá và hủy hoại nhân cách nhiều người, từ bậc quyền quý cho đến kẻ hạ lưu, từ vị giáo sư đang say mê danh vọng phù hoa cho đến cô gái nghèo tìm cách thoát nghèo bằng sự lựa chọn lấy chồng ngoại quốc…
“Với hạng người quyền quý cao sang, mà thế lực và tiền tài được coi như sự đảm bảo vững chắc cho đời sống thì cứu cánh cần đạt đến trong đời này là củng cố thế lực và tích lũy tài sản. Làm thế nào cho họ thấy rõ bản chất mong manh của đời sống ấy, và làm thế nào để họ nhận thức được có đời sống khác cao thượng hơn,thật sự vinh quang hơn, với những xúc cảm siêu việt mà không một chất liệu trần gian nào có thể mang lại?” (Huyền thoại Duy Ma Cât-Tuệ Sỹ).
3. Làm thế nào? Nhưng trước tiên các nhà lãnh đạo phải là tấm gương như đã nói ở trên. Họ phải hội đủ phẩm hạnh của người lãnh đạo. Thứ đến, họ phải quan tâm trước hết đến việc xây dựng “…một xã hội biết tôn trọng luật pháp và trật tự, trong đó các thành viên là bạn tốt của nhau, dấn thân vào nhiều ngành hoạt động, học đường, nghệ thuật, khoa học, văn chương, triết học, tôn giáo…Mỗi người đều chịu trách nhiệm với nhau, với môi trường sinh thái và sự khang lạc chung của toàn xã hội”. (Bài kinh Mangalasutta và nền dân chủ – Thích Minh Thành dịch).
Sau nữa, người lãnh đạo phải khích lệ việc phát triển trí tuệ và đạo đức cá nhân. “Người ta bảo rằng có luật pháp tốt, có một nền chính trị công khai và tài chính minh bạch thì sẽ làm giảm đi sự dối trá, bất công và tội ác…Nhưng dẫu sao thì đó chỉ là nhưng tác nhân ngoài ta, không phải trong ta…Tôi nghĩ rằng cần học hỏi nơi Phật giáo về chủ đích xây dựng tác nhân trong ta một cách hữu hiệu, trước hết là sự hòa ái…Đó là tư tưởng “lục hòa” (Nguyễn Quốc Tuấn – Tư tưởng lục hòa trong xã hội Việt Nam ngày nay.)
4. Để kiến tạo GNH, chúng ta còn khá nhiều việc phải làm và con đường còn dài so với những nước xung quanh, khi với họ, việc đi tìm hạnh phúc trên nền tảng thịnh vượng kinh tế và thể chế xã hội tương đối vững chắc chỉ còn là hành trình tìm kiếm hạnh phúc tự thân , lắng nghe tự do cá nhân sẽ có lúc hòa nhịp cùng dàn hợp xướng. Còn chúng ta, không chỉ vun đắp những định chế xã hội công bình và “cách mạng” lại một nền giáo dục trì trệ từ tư duy cho đến tổ chức để tạo nền cho việc xây dựng lại những giá trị văn hóa đang phôi pha, mà còn phải thay đổi lại một nếp nghĩ đang trở thành hiểm họa khi rắp tâm “xã hội hóa”mọi lĩnh vực, bỏ mặc cả nếp nghĩ nghìn xưa về nhân quả: “Gieo gió gặt bão”. Nếu không làm như thế,chúng ta và những thế hệ đời sau sẽ phải chịu những cơn bão tàn phá tâm hồn và sinh mệnh của một dân tộc trước kia từng mỉm cười trước gian nan nguy khốn mà vươn lên nhưng phân vân khi được hỏi: “Hạnh phúc là gì?”.
Nguyên Cẩn | Văn Hoá Phật Giáo số 40
Discussion about this post