DUYÊN-SINH (1)
(Tức: Phật Thuyết Đại-Thừa Đạo-Can Kinh)
Thích Tâm Châu dịch chữ Hán ra chữ Việt
Chính tôi được nghe: Một thời kia đức
Thế-Tôn ở trong núi Kỳ-Xà-Quật thuộc thành Vương-Xá, cùng với một nghìn
hai trăm năm mươi vị Đại Tỳ-Khưu và các vị Đại Bồ-Tát.
Bấy giờ, Cụ Thọ(2) Xá-Lỵ-Tử đến chốn
kinh-hành (3) của Đại Bồ-Tát Di-Lặc. Đến nơi, hai vị cùng hỏi thăm nhau
và cùng ngồi trên bàn đá rộng lớn. Liền đó, Cụ Thọ: Xá-Lỵ-Tử hướng vào
Đại Bồ-Tát Di-Lặc nói rằng: “Bồ-Tát Di-Lặc! Hôm nay đức Thế-Tôn quán-sát
thấy những lúa nếp nơi đồng nội, Ngài bảo các vị Tỳ-Khưu: “Các vị
Tỳ-Khưu Nếu ai thấy được Nhân-duyên, tức là người ấy thấy được Pháp; nếu
ai thấy được Pháp, tức là người ấy thấy được Phật”. Ngài nói những lời
ấy rồi, Ngài lặng thinh không nói gì nữa. Bồ-Tát Di-Lặc! Đấng
Thiện-Thệ(4) cớ sao lại nói ra những lời ấy? Việc ấy thế nào? – Gì là
Nhân-duyên? – Gì là Pháp? – Gì là Phật? Thế nào là thấy được Nhân-duyên,
tức là thấy được Pháp? – Thế nào là thấy được Pháp, tức là thấy được
Phật?
Cụ Thọ Xá-Lỵ-Tử nói lời ấy rồi, Đại Bồ-Tát
Di-Lặc đáp lại Cụ Thọ Xá-Lỵ-Tử rằng: “Nay Phật, Pháp-Vương,
Chánh-Biến-Tri(5) bảo các vị Tỳ-Khưu: “Nếu ai thấy được Nhân-duyên, tức
là người ấy thấy được Pháp; nếu ai thấy được Pháp tức là người ấy thấy
được Phật”, vậy trong này thời cái gì là Nhân-duyên? Nói là Nhân-duyên,
thời: “đây có nên kia có, đây sinh nên kia sinh”. Như: Vô-minh duyên cho
Hành, Hành duyên cho Thức, Thức duyên cho Danh-sắc, Danh-sắc duyên cho
Lục-nhập, Lục-nhập duyên cho Xúc, Xúc duyên cho Thụ, Thụ duyên cho Ái,
Ái duyên cho Thủ, Thủ duyên cho Hữu, Hữu duyên cho Sinh, Sinh duyên cho
Lão-tử, sầu, thán, khổ, ưu, não, sinh-khởi được. Như thế, là chỉ
sinh-khởi sự kết-tụ những khổ đau lớn-lao, thuần-nhất, cùng cực vậy.(6)
Cũng trong này, Vô-minh diệt nên Hành diệt,
Hành diệt nên Thức diệt, Thức diệt nên Danh-sắc diệt, Danh-sắc diệt nên
Lục-nhập diệt, Lục-nhập diệt nên Xúc diệt, Xúc diệt nên Thụ diệt, Thụ
diệt nên Ái diệt, Ái diệt nên Thủ diệt, Thủ diệt nên Hữu diệt, Hữu diệt
nên Sinh diệt, Sinh diệt nên Lão-tử, sầu, thán, khổ, ưu, não cũng diệt
được. Như thế là chỉ diệt sự kết-tụ những khổ đau lớn-lao, thuần-nhất,
cùng-cực là được(7). Đó là đức Thế-Tôn nói ra pháp Nhân-duyên vậy.
– Gì là Pháp? – Là tám Thánh-đạo:
chính-kiến (thấy rõ lý chính-xác), chính-tư-duy (suy-nghĩ chân-chính),
chính-ngữ (nói-năng chân-chính), chính-nghiệp (hành-động chân-chính),
chính-mệnh (mưu-sinh chân-chính), chính-tinh-tiến (cố-gắng trong
chân-chính), chính-niệm (ghi nhớ rõ lẽ chân-chính), và chính-định
(chú-định vào chính-lý, chính-đạo). Thế là tám Thánh-đạo-quả và
Niết-Bàn, đức Thế-Tôn nói ra, gọi đấy là Pháp.(8)
– Gì là Phật? – Là bậc biết hết thảy pháp,
gọi là Phật. Tuệ-nhãn (con mắt trí-tuệ), Pháp- thân (pháp-tính-thân) của
bậc kia trông thấy hết thảy pháp, tạo-tác nhân Bồ-Đề(9) và đạt tới
địa-vị Học, Vô-học-pháp.)10)
– Thế nào là thấy được Nhân-duyên? – Như
đức Phật nói: “Nếu ai thấy được những pháp của nhân-duyên là thấy được
nhân-duyên. Những pháp ấy là: thường (thường còn không sinh-diệt), vô
thọ (không còn có hình-sắc, thọ-mệnh liên-tục), ly thọ (xa lìa cả lời
nói về thọ-mệnh vắn hay dài), như-thực-tính (tính thuộc chân-không, như
thực), vô-thác-mậu-tính (tính chân-không, như thực, phổ-biến không chút
sai-lầm thiên-lệch), vô-sinh (tính như thực nên không còn sinh-diệt), vô
khởi (không phát-khởi), vô tác (không tạo-tác), vô vi (không tác-vi),
vô-chướng-ngại (không còn bị ngăn-cản), vô-cảnh-giới (không còn chia
ranh giới), tịch-tĩnh (thường hằng vắng-lặng), vô úy (không có sợ-hãi),
vô xâm-đoạt (không bị xâm đoạt) và bất tịch-tĩnh-tướng (không còn có cả
hình tướng của tịch-tĩnh vắng-lặng).(11)
Nếu ai thấy được pháp của nhân-duyên như
thế rồi, đối với Pháp ấy cũng phải thấy là: thường, vô thọ, ly thọ,
như-thực-tính, vô thác-mậu-tính, vô sinh, vô khởi, vô tác, vô vi, vô
chướng-ngại, vô cảnh-giới, tịch-tĩnh, vô úy, vô xâm-đoạt, bất
tịch-tĩnh-tướng(12). Được Chính-trí ngộ được Thắng-pháp, dùng Vô-thượng
Pháp-thân mà thấy Phật.(13)
Hỏi: Tại sao gọi là Nhân-Duyên?
Đáp: Có Nhân, có Duyên gọi là Nhân-duyên,
không phải là không có nhân, không có duyên, nên gọi là nhân-duyên-pháp.
Đức Thế-Tôn nói qua về hành-tướng của nhân-duyên rằng: Do duyên kia sinh
ra quả, nên dù Như-Lai xuất-hiện ra đời hay không xuất-hiện ra đời đi
nữa, tính của mọi pháp (sự-vật) vẫn thường-trụ. Cho đến pháp-tính
(nhân-duyên-tính), pháp-trụ-tính (tính trong pháp của nhân-duyên vẫn
thường-trụ), pháp-định-tính (tính của mọi pháp quyết-định như thế), dữ
nhân-duyên tương-ứng-tính (tính cùng nhân-duyên ứng-hợp nhau), chân như
tính (tính của mọi pháp là như thực), vô-thác-mậu-tính (tính chân-như
phổ-biến không sai-lầm, thiên-lệch), vô biến dị-tính (tính chân-như
không thay đổi sai khác), chân-thực-tính (tính chân-thực), thực-tế-tính
(tính thực-tế), bất hư-vọng-tính (tính không giả-dối), bất điên-đảo-tính
(tính không xáo-lộn) v.v… Đó là đức Thế-Tôn nói những lời nói như
thế.(14)
Nhân-duyên-pháp này, vì hai thứ mà nó
sinh-khởi được. Hai thứ ấy là gì? – Là: Nhân-tương-ứng và
Duyên-tương-ứng. Nhân-duyên kia lại có hai thứ: ngoại-nhân-duyên và nội-
nhân-duyên.(15)
Trong này gì là ngoại-nhân-duyên-pháp,
nhân-tương-ứng? – Từ hạt giống sinh ra mầm, từ mầm sinh ra lá, từ lá
sinh ra thân cây, từ thân cây sinh ra đốt, từ đốt sinh ra nụ, từ nụ sinh
ra hoa, từ hoa sinh ra trái; nếu không có hạt giống, mầm tức không sinh,
cho đến nếu không có hoa, trái cũng không sinh được. Có hạt giống, mầm
mới sinh được, như thế thời có hoa, trái cũng mới sinh được.(16)
Song, hạt giống kia cũng không khởi ra
ý-niệm: “ta sinh ra mầm”. Mầm cũng không khởi ra ý-niệm: “ta từ hạt
giống sinh ra”. Cho đến hoa cũng không khởi ra ý-niệm: “ta sinh ra
trái”. Trái cũng không khởi ra ý-niệm: “ta từ hoa sinh ra”.(17)
Tuy thế, vì có hạt giống mà mầm được sinh
ra và cũng như thế, vì có hoa mà trái liền được thành tựu.
Nên quán-sát cái nghĩa “ngoại
nhân-duyên-pháp, nhân-tương-ứng” như thế!
– Nên quán-sát ngoại-nhân-duyên-pháp,
duyên-tương-ứng như thế nào? – Cần sáu giới (giới-phận) hòa-hợp. – Gì là
sáu giới hòa-hợp? – Là: địa-giới (đất), thủy-giới (nước), hỏa-giới
(lửa), phong-giới (gió), không-giới (không-gian) và thời (thời-gian).
Những giới-phận ấy hòa-hợp với nhau, thời ngoại-nhân-duyên-pháp sinh
khởi được.
Nên quán-sát cái nghĩa
“ngoại-nhân-duyên-pháp, duyên-tướng-ứng” như thế!(18)
Nói về Địa-giới là thứ thường giữ gìn cho
hạt giống; Thủy-giới là thứ thường nhuần-thấm cho hạt giống; Hỏa-giới là
thứ thường giúp hơi ấm cho hạt giống; Phong-giới là thứ thường giúp sự
dao-động cho hạt giống; Không-giới là thứ không làm chướng-ngại cho hạt
giống; Thời, thời có thể làm cho hạt giống biến đổi. Nếu không có những
duyên ấy, hạt giống không thể nào sinh ra mầm được.
Nếu ngoài, địa-giới hoàn-toàn đầy-đủ, cho
đến thủy, hỏa, phong, không, thời-giới… cũng hoàn-toàn đầy-đủ như thế,
lại hết thảy hòa-hợp, thời khi hạt giống diệt rồi, mầm sinh ra được.(19)
Và, trong này địa-giới cũng không khởi ra
ý-niệm: “ta thường giữ-gìn hạt giống”. Cùng như thế, thủy-giới cũng
không khởi ra ý-niệm: “ta thường nhuần-thấm cho hạt giống”; hỏa-giới
cũng không khởi ra ý-niệm: “ta thường giúp hơi ấm cho hạt giống”;
phong-giới cũng không khởi ra ý-niệm: “ta thường giúp sự dao-động cho
hạt giống”; không-giới cũng không khởi ra ý-niệm: “ta thường không làm
chướng-ngại cho hạt giống”; thời cũng không khởi ra ý-niệm: “ta thường
làm cho hạt giống biến-đổi”. Hạt giống cũng không khởi ra ý-niệm: “ta
thường sinh ra mầm”; mầm cũng không khởi ra ý-niệm: “ta nay từ những
duyên ấy mà sinh ra”.(20)
Tuy thế, có những duyên ấy, khi hạt giống
diệt rồi, mầm liền sinh ra được. Và, cũng như thế, khi có hoa, trái liền
sinh ra được. Thế là, mầm kia cũng không phải tự mình tạo-tác, cũng
không phải là cái khác tạo-tác, không phải tự nó (mầm) cùng cái khác
tạo-tác, không phải là tự-tại tạo-tác, cũng không phải là thời biến-đổi,
không phải là tự-tính sinh ra, cũng không phải là không có nhân mà sinh
ra được. Dù vậy, địa, thủy, hỏa, phong, không, thời-giới… hòa-hợp, khi
hạt giống diệt rồi, mầm được sinh ra.(21)
Nên quán-sát cái nghĩa
“ngoại-nhân-duyên-pháp, duyên-tương-ứng” như thế!
Nên đem năm thứ quán-pháp, quán
ngoại-nhân-duyên-pháp kia. Năm thứ ấy là gì? – Là: không thường còn (bất
thường), không dứt đoạn (bất đoạn), không chuyển dời (bất di), từ nhân
nhỏ sinh quả lớn và cùng tương-tự với nhân cũ kia.
Thế nào là không thường còn? – Vì, mầm cùng
hạt giống, hai đàng đều khác biệt nhau; mầm kia không phải là hạt giống;
không phải khi hạt giống hoại rồi, mầm mới sinh ra, cũng không phải là
hạt giống không diệt, mà mầm sinh-khởi được; khi hạt giống hoại đi, mầm
sinh ra được, nên là “không thường còn”.
Thế nào là không dứt đoạn? – Không phải là
hạt giống của quá-khứ hoại đi, mà sinh ra mầm, cùng không phải là hạt
giống không diệt, mầm sinh-khởi được, hạt giống cũng hoại, đương trong
khi ấy, nó chỉ như cán cân cao, thấp một chút, mà mầm sinh ra được, nên
là “không dứt đoạn”.
Thế nào là không chuyển dời? – Vì, mầm và
hạt giống khác nhau, mầm không phải là hạt giống, nên là “không chuyển
dời”.
Thế nào là nhân nhỏ sinh quả lớn? – Từ hạt
giống nhỏ, sinh ra quả lớn, nên gọi là “Từ nhân nhỏ, sinh ra quả lớn”.
Thế nào là cùng tương-tự với nhân cũ kia? –
Vì, như hạt giống khi mới trồng, sinh ra quả kia, nên gọi là “cùng
tương-tự với nhân cũ kia”.
Thế là đem năm thứ quán-pháp, quán
ngoại-nhân-duyên-pháp!(22)
– Cũng như thế, nội-nhân-duyên-pháp cũng do
hai thứ mà được sinh-khởi. Hai thứ ấy là gì? – Là: nhân-tương-ứng và
duyên-tương-ứng.
– Thế nào mà có nghĩa gọi là
nội-nhân-duyên-pháp, nhân-tương-ứng? – Nghĩa là, trước từ vô-minh duyên
cho hành, cho đến sinh duyên cho lão-tử. Nếu vô-minh không sinh, hành
cũng không có, cho đến nếu không có sinh, lão-tử cũng không có. Như thế,
có vô-minh nên hành mới sinh ra được, cho đến có sinh nên lão-tử mới có
được.(23)
Song, vô-minh cũng không khởi ra ý-niệm:
“ta sinh ra hành”; hành cũng không khởi ra ý-niệm: “ta từ nơi vô-minh mà
sinh ra”; cho đến sinh cũng không khởi ra ý-niệm: “ta sinh ra lão-tử”;
lão-tử cũng không khởi ra ý-niệm: “ta từ nơi sinh mà có”.(24)
Tuy thế, vì có vô-minh, hành mới sinh được;
cũng như thế, vì có sinh, lão-tử mới có được.(25)
Vì vậy, nên quán-sát nghĩa
“nội-nhân-duyên-pháp, nhân-tương-ứng” như thế!
– Nên quán-sát sự của nội-nhân-duyên-pháp,
duyên-tương-ứng thế nào? – Cần sáu giới hòa-hợp. Sáu giới hòa-hợp là gì?
– Là: địa-giới, thủy-giới, hỏa-giới, phong-giới, không-giới và thức-giới
hòa-hợp.
Nên quán-sát sự của “nội-nhân-duyên-pháp,
duyên-tương-ứng” như thế!(26)
– Gì là hành-tướng của sáu giới, trong
nội-nhân-duyên-pháp? – Thứ làm cho trong thân này bền-chắc, gọi là
“địa-giới”; thứ làm cho thân này tụ-tập lại, gọi là “thủy-giới”; thứ làm
tiêu hóa những thức ăn, uống trong thân này, gọi là “hỏa-giới”; thứ làm
cho hơi thở ra, vào trong, ngoài trong thân này, gọi là “phong-giới”;
chứ làm cho thân này rỗng thông, gọi là “không-giới” năm thức của thân
tương-ứng (hợp nhau) cùng hữu-lậu ý-thức, cũng như bó cây lau, thành-tựu
được cái mầm danh-sắc (tâm, thân) của thân này, gọi là “Thức-giới”(27).
Nếu không có những duyên ấy, thời không sinh ra thân được. Nếu
nội-địa-giới hoàn-toàn đầy đủ, và cùng như thế, cho đến thủy, hỏa,
phong, không, thức-giới cũng hoàn-toàn đầy đủ, lại hết thảy hòa-hợp với
nhau, thời thân liền sinh ra được.(28)
Song, địa-giới kia cũng không khởi ra
ý-niệm: “ta thường làm những sự bền chắc trong thân”; thủy-giới cũng
không khởi ra ý-niệm: “ta thường vì thân làm những sự tụ-tập”; hỏa-giới
cũng không khởi ra ý-niệm: “ta thường làm tiêu-hóa những thức ăn, uống
trong thân”; phong-giới cũng không khởi ra ý-niệm: “ta thường làm cho
hơi thở ra, vào trong, ngoài thân”; không-giới cũng không khởi ra
ý-niệm: “ta thường làm những sự rỗng thông trong thân”; thức-giới cũng
không khởi ra ý-niệm: “ta thường làm thành-tựu cái mầm danh-sắc của thân
này; thân cũng không khởi ra ý-niệm: “ta từ nơi mọi duyên này mà sinh
ra”. Tuy thế, có thời của các duyên này, thân liền sinh ra được. Nhưng,
địa-giới kia cũng không phải là Ta, không phải là chúng sanh, không phải
là mệnh-giả, không phải là sinh-giả, không phải là Nho-đồng, không phải
là tác-giả, không phải là con trai, không phải là con gái, không phải
giống Hoàng-môn, không phải tự-tại, không phải ngã-sở, cũng không phải
là những thứ gì khác. Cho đến, thủy-giới, hỏa-giới, phong-giới,
không-giới, thức-giới cũng không phải là Ta, không phải là chúng-sanh,
không phải là mệnh-giả, không phải là sinh-giả, không phải là Nho-đồng,
không phải là tác-giả, không phải là con trai, không phải là con gái,
không phải là giống Hoàng-môn, không phải tự-tại, không phải ngã-sở,
cũng không phải là những thứ gì khác như thế.(29)
– Gì là Vô-minh? – Đối với sáu giới này
khởi ra nhất-tưởng (tưởng là nhất thể), nhất-hợp-tưởng (tưởng là
thực-thể do các pháp hợp-thành), thường-tưởng (tưởng là thường còn
vĩnh-viễn), kiên-lao-tưởng (tưởng là bền chắc), bất-hoại-tưởng (tưởng là
không hoại-diệt), an-lạc-tưởng (tưởng là được an-vui) tưởng là
chúng-sinh, mệnh, sinh-giả, dưỡng-dục, sĩ-phu, nhân (người), Nho-đồng,
tác-giả, ngã, ngã sở v.v…(30) cùng nhiều thứ vô tri (không biết) khác,
thế là “vô-minh”.
Có vô-minh, đối với các cảnh-giới khởi ra:
tham, sân, si; cái đối với cái cảnh-giới khởi ra: tham, sân, si ấy, ấy
là vô-minh duyên cho hành; cái mà đối với mọi sự thường phân-biệt
rõ-ràng, gọi là “thức”; cùng với thức đồng sinh bốn uẩn (sắc, thụ,
tưởng, hành), gọi là danh-sắc; y vào các căn của danh-sắc, gọi là
lục-nhập; ba pháp hòa-hợp (căn, trần, thức) gọi là xúc; biết cảm-thụ sự
xúc-chạm ấy, gọi là thụ; tham-đắm vào sự cảm-thụ ấy, gọi là ái;
tăng-trưởng sự tham-ái ấy, gọi là thủ; từ chỗ chấp-thủ ấy sinh ra
“năng-sinh-nghiệp” (chủ-động trong hành-động sinh danh-sắc khác), gọi là
hữu; mà từ nhân kia (nghiệp) sinh ra năm uẩn (danh-sắc), gọi là sinh;
sinh ra rồi năm uẩn thành-thục, gọi là lão (già); lão rồi năm uẩn
diệt-hoại, gọi là tử (chết); trong khi sắp mất, nội-tâm đủ cả tham-đắm
và nhiệt-não, gọi là sầu (buồn rầu); từ chỗ sầu bi ấy, sinh ra những lời
nói, gọi là thán (than-thở); thân của năm thức chịu khổ, gọi là khổ;
tác-ý (khởi ra ý-tưởng); ý-thức chịu mọi sự khổ, gọi là ưu (lo); đủ
những thứ trên như thế cùng những phiền-não tùy-thuộc, gọi là não.(31)
Đen tối nhiều nên gọi là vô-minh; tạo-tác,
nên gọi là chư hành (mọi hành-động); phân-biệt rõ ràng, nên gọi là thức;
nương-dựa nhau, nên gọi là danh-sắc; làm cửa sinh-khởi, nên gọi là
lục-nhập; xúc-chạm nên gọi là xúc; cảm-thụ nên gọi là thụ; khát-khao nên
gọi là ái; chấp lấy, nên gọi là thủ; sinh-khởi sự có thân sau này
(hậu-hữu thân) nên gọi là hữu; sinh ra năm uẩn nên gọi là sinh; năm uẩn
thành-thục nên gọi là lão; năm uẩn diệt-hoại, nên gọi là tử; buồn-rầu
nên gọi là sầu; than-thở nên gọi là thán; não thân gọi là khổ; não tâm
gọi là ưu; phiền-não nên gọi là não.(32)
Hơn nữa, không rõ chân-tính, điên-đảo không
biết, gọi là “vô-minh”. Vì có “vô-minh” như thế, thành ra ba thứ hành
(hành-động): phúc-hành (làm phúc), tội-hành (làm tội) và bất-động-hành
(làm trong sự không dao-động)(33). Từ nơi phúc-hành (làm phúc) sinh ra
phúc-hành-thức (nghiệp-thức trong việc làm phúc), ấy là vô-minh duyên
cho hành; từ nơi tội-hành (làm tội), sinh ra tội-hành-thức (nghiệp-thức
trong việc làm tội), ấy thời gọi là hành duyên cho thức; từ nơi
bất-động-hành (làm trong sự không dao-động), sinh ra bất-động-hành-thức
(nghiệp-thức trong việc làm không dao-động), ấy thời gọi là thức duyên
cho danh-sắc. Vì sắc tăng-trưởng, từ trong cửa lục-nhập thành sự việc,
ấy là danh-sắc duyên cho lục-nhập. Từ lục-nhập mà sinh ra sáu thứ
tụ-tập, xúc-chạm, ấy là lục-nhập duyên cho xúc. Từ nơi xúc-chạm mà sinh
ra cái kia, cái kia cảm-thụ nhau, ấy thời gọi là xúc duyên cho thụ.
Phân-biệt rõ-ràng sự cảm-thụ rồi, mà sinh ra nhiễm-ái, đam-chước, ấy
thời gọi là thụ duyên cho ái. Biết rồi mà sinh nhiễm-ái, đam-chước,
không muốn xa-lìa sắc đẹp và ở nơi yên vui mà sinh ra ý-nguyện hoan-lạc,
ấy là ái duyên cho thủ. Sinh ra ý-nguyện hoan-lạc rồi, từ nơi thân,
miệng, ý tạo ra hậu-hữu-nghiệp (nghiệp của sự có thân sau này), ấy là
thủ duyên cho hữu. Từ nghiệp của hữu kia sẽ sinh ra năm uẩn, ấy là hữu
duyên cho sinh. Sinh rồi, năm uẩn kia thành-thục và diệt-hoại, ấy thời
gọi là sinh duyên cho lão-tử.(34)
Thế nên mười hai chi pháp nhân-duyên kia,
làm nhân lẫn nhau, làm duyên lẫn nhau, không phải thường, không phải
vô-thường, không phải hữu-vi (có sự tạo-tác), không phải vô-vi (không có
sự tác-vi), không phải là không có nhân, không phải là không có duyên,
không phải cảm-thụ “hữu-nghiệp”, không phải là pháp (nhân-duyên) hết,
không phải là pháp hoại, không phải là pháp diệt; từ vô-thỉ đến nay, nó
vẫn như dòng nước chảy dốc, không có đoạn-tuyệt.(35)
Tuy thế, mười hai chi pháp nhân-duyên ấy,
làm nhân lẫn nhau, làm duyên lẫn nhau, không phải thường, không phải
vô-thường, không phải hữu-vi, không phải vô-vi, không phải là không có
nhân, không phải là không có duyên, không phải cảm-thụ “hữu-nghiệp”,
không phải là pháp hết, không phải là pháp hoại, không phải là pháp
diệt; từ vô-thỉ đến nay, nó vẫn như dòng nước chảy dốc, không có
đoạn-tuyệt và nó có bốn chi thường nhiếp-thủ mười hai nhân-duyên-pháp.
Bốn chi ấy là gì? – Là: vô-minh, ái, nghiệp, thức.
“Thức”, lấy chủng-tử-tính làm nhân.
“Nghiệp” lấy điền-tính(36) làm nhân. “Vô minh” và “ái” lấy
phiền-não-tính làm nhân. Trong này, “nghiệp” và “phiền-não”, sinh ra
“thức” của chủng- tử (hạt giống). “Nghiệp” thời làm mảnh ruộng cho
“thức” của chủng-tử, “ái” thời nhuần-thấm cho “thức” của chủng-tử,
“vô-minh” thời sinh nở cho “thức” của chủng-tử. Nếu không có những duyên
ấy, “thức” của chủng-tử không thể thành được.(37)
Song, nghiệp kia cũng không khởi ra ý-niệm:
“ta nay làm mảnh ruộng cho “thức” của chủng-tử; ái cũng không khởi ra
ý-niệm: “ta nay làm nhuần-thấm cho “thức” của chủng-tử”; vô-minh cũng
không khởi ra ý-niệm: “ta nay làm sinh-nở cho “thức” của chủng-tử”;
“thức” của chủng-tử kia cũng không khởi ra ý-niệm: “ta nay từ mọi duyên
ấy sinh ra”.(38)
Tuy thế, “thức” của chủng-tử, y vào nơi
ruộng nghiệp và ái kia nhuần-thấm, phẩn vô-minh sinh nở, vào trong thai
mẹ sinh ra mầm danh-sắc(39). Mầm danh-sắc kia cũng không phải tự-tác
(mình làm ra), cũng không phải tha-tác (cái khác làm ra), không phải
mình và cái khác đều làm ra, không phải tự-tại hóa ra, cũng không phải
thời biến; không phải tự-tính sinh, không phải là tác-giả tạm bợ
(dả-tác-giả), cũng không phải là không có nhân mà sinh.(40)
Tuy thế, khi phụ mẫu hòa-hợp cùng khi các
duyên khác hòa-hợp, pháp (nhân-duyên): vô-ngã (không có cái TA), vô-ngã,
ngã-sở (không có cái TA, cái của TA), cũng như hư-không. Các huyễn-pháp
kia, nhân và các duyên hoàn-toàn đầy đủ, y nơi sinh của nhân-duyên kia,
vào trong thai mẹ, thời thành-tựu được cái “thức”, giữ lấy thai mẹ, là
cái mầm danh-sắc.(41)
Như khi sinh ra nhãn-thức, nếu đủ năm duyên
thời sinh ra được. Năm duyên ấy là gì? – Là: y vào mắt (nhãn), hình-sắc
(sắc), ánh-sáng (minh), không-gian (không) và y vào tác-ý (khởi ra
ý-tưởng), nên nhãn-thức sinh ra được. Trong này, mắt thời làm nơi
nương-tựa cho nhãn-thức, hình-sắc thời làm cảnh cho nhãn-thức, ánh-sáng
thời làm việc hiển-hiện, không-gian thời làm việc không ngăn che, tác-ý
thời làm việc tư-tưởng. Nếu không có các duyên ấy, nhãn-thức không sinh
được. Nếu khi bên trong sự tiếp-nhập của mắt, hoàn-toàn đầy-đủ, cho đến
hình-sắc, ánh-sáng, không-gian, tác-ý, cũng hoàn-toàn đầy đủ như thế,
hết thảy hòa hợp, nhãn-thức sinh ra được.(42)
Song, mắt kia cũng không khởi ra ý-niệm:
“ta nay là chỗ nương-tựa của nhãn-thức”, hình-sắc cũng không khởi ra
ý-niệm: “ta nay làm cảnh cho nhãn-thức”; ánh-sáng cũng không khởi ra
ý-niệm: “ta nay làm việc hiển-hiện cho nhãn-thức”; không-gian cũng không
khởi ra ý-niệm: “ta nay làm việc không ngăn-che cho nhãn-thức”; tác-ý
cũng không khởi ra ý-niệm: “ta nay làm chỗ tư-tưởng cho nhãn-thức”;
nhãn-thức kia cũng không khởi ra ý-niệm: “ta là từ các duyên ấy mà có”.
Tuy thế, có các duyên ấy nhãn-thức mới sinh ra được; cho đến các căn
khác, tùy từng loại của nó sẽ biết được nó.(43)
Như thế, không có chút pháp (nhân, duyên)
nào từ đời này di-chuyển đến đời khác; dù vậy, nhân và các duyên, được
hoàn-toàn đầy-đủ, thời nghiệp-quả (kết-quả của nghiệp-thức) cũng
hiện.(44)
Ví như trong tấm gương sáng hiện ra
diện-tượng, tuy diện-tượng kia không dời gương, nhân và các duyên, được
hoàn-toàn đầy đủ, nên diện-tượng cũng hiện. Như thế, không có chút ít
vật gì từ nơi này diệt, sinh sang nơi khác, nhân và các duyên hoàn-toàn
đầy-đủ, nên nghiệp-quả cũng hiện(45).
Ví như vầng trăng, vận-hành trên đây chừng
bốn vạn hai nghìn do-tuần, thế mà hình tượng vầng trăng kia hiện trong
cái bát nhỏ có nước, vậy vầng trăng kia cũng không phải từ nơi kia
di-chuyển đến cái bát có nước này. Tuy thế, nhân và các duyên hoàn-toàn
đầy-đủ, nên vầng trăng cũng hiện. Như thế, không có chút ít vật gì từ
nơi này diệt, sinh sang nơi khác, mà nhân và các duyên hoàn-toàn đầy đủ,
nên nghiệp-quả cũng hiện.(46)
Ví như lửa, nhân và các duyên nếu không đầy
đủ, thời không cháy được, khi nhân và các duyên đầy đủ, mới có thể cháy
được. Như thế, pháp vô-ngã, vô ngã ngã sở cũng như hư-không; y vào
huyễn-pháp kia nhân và các duyên hoàn-toàn đầy-đủ, y nơi sở sinh, vào
trong thai mẹ, thời thành-tựu được cái thức của chủng-tử, nghiệp và
phiền-não sinh ra mầm danh-sắc.(47)
Vậy nên, cần quán-sát về sự:
nội-nhân-duyên-pháp, duyên-tương-ứng” như thế!
Nên đem năm thứ quán-pháp, quán-sát
nội-nhân-duyên-pháp. Năm thứ ấy là gì? – Là: không thường còn (bất
thường), không dứt đoạn (bất đoạn), không chuyển dời (bất di), từ nhân
nhỏ sinh quả lớn và cùng tương-tự với nhân cũ kia.
Thế nào là không thường còn? Nghĩa là năm
uẩn tối-hậu của báo-thân kia diệt đi, cùng với năm uẩn đang chịu phần
sinh ra kia, hai đàng đều khác nhau, vì năm uẩn tối-hậu diệt đi, không
phải là năm uẩn đang chịu phần sinh ra; báo-thân tối-hậu kia diệt, năm
uẩn cũng diệt, năm uẩn đang chịu phần sinh ra cũng hiện ra được nên gọi
là “không thường còn”.(48)
Thế nào là không dứt đọan? – Không phải y
vào khi diệt hoại của năm uẩn tối-hậu diệt, mà năm uẩn đang chịu phần
sinh ra, có được; và cũng không phải là không diệt, báo-thân tối-hậu kia
diệt, năm uẩn cũng diệt, đương trong khi ấy, năm uẩn đang chịu phần sinh
ra, nó chỉ như cán cân, cao, thấp một chút, mà sinh ra được, nên gọi là
“không dứt đoạn.(49)
Thế nào là không chuyển dời? – Vì, các loài
hữu-tình, từ nơi không phải là “chúng-đồng-phận”, sinh ra nơi
“chúng-đồng-phận”, nên gọi là “không chuyển dời”.(50)
Thế nào là từ nhân nhỏ, sinh quả lớn? – Làm
nghiệp nhỏ, cảm quả dị-thục(51) lớn, nên từ nhân nhỏ mà sinh quả lớn.
– Như làm nhân kia, cảm được quả kia, cùng
tương-tự với nhân kia, nên gọi là “tương-tự”.
Bởi thế, nên đem năm thứ quán-pháp,
quán-nhân-duyên-pháp!
Tôn-giả Xá-Lỵ-Tử! Nếu có người dùng chính
trí, quán-sát những pháp của nhân-duyên, mà đức Như-Lai nói ra, như vô
thọ, ly thọ, như-thực-tính, vô-thác-mậu-tính, vô-sinh, vô khởi, vô tác,
vô vi, vô chướng ngại, vô cảnh-giới, tịch-tĩnh, vô úy, vô xâm-đọat, vô
tận, bất-tịch-tĩnh-tướng(52), bất-hữu (không có sự chân-thực), hư
(dả-dối), cuồng (lừa gạt không thực), vô kiên-thực (không bền, thực),
như bệnh (như người đau), như ung (như người có nhọt), như tiễn (như bị
tên bắn), quá thất (lỗi-lầm), vô thường (không thường còn), khổ, không,
vô ngã (không có TA), vậy: ta trong đời quá-khứ có sinh hay là không
sinh, mà không phân-biệt được bờ cõi của thuở quá-khứ? Trong đời vị-lai
sinh ở chốn nào, mà cũng không phân-biệt được bờ cõi của thuở vị-lai?
Đây (hiện-tại) là gì? Đây lại là thế nào, mà làm ra vật gì? Các loài
hữu-tình này từ đâu lại? Từ đây diệt đi sẽ sinh vào chốn nào? Mà cũng
không phân-biệt được cái “có” của hiện-tại.)53)
Lại diệt những tà-kiến (tư-tưởng lệch-lạc)
bất đồng của hàng Sa-môn, Bà-la-môn(54) ở thế-gian, là ngã-kiến,
chúng-sinh-kiến, thọ-giả-kiến, nhân-kiến, hy-hữu-kiến, cát-tường-kiến,
khai-hợp-kiến. Biết được rành-rẽ, như cây Đa-la, đoạn trừ sạch mọi căn
rồi, trong đời mai sau, chứng được pháp vô sinh, vô diệt.(55)
Tôn-giả Xá-Lỵ-Tử! Nếu có người đầy đủ được
“vô sinh pháp-nhẫn”(56) như thế, là người phân-biệt rõ ràng được
nhân-duyên-pháp ấy, Như-Lai, Ứng-Cúng, Chính-Biến-Tri, Minh-Hành-Túc,
Thiện-Thệ, Thế-Gian-Giải, Vô-Thượng-Sĩ, Điều-Ngự-Trượng-Phu, Thiên-
Nhân-Sư, Phật, Thế-Tôn(57), liền thụ-ký cho đạo-quả Vô-thượng Chính-đẳng
Chính-giác.
Bấy giờ, Đại Bồ-Tát Di-Lặc nói lời ấy rồi,
Cụ Thọ Xá-Lỵ-Tử cùng hết thảy những người trong thế-gian, Thiên, Nhân,
A-Tu-La, Càn-Thát-Bà v.v…, nghe Đại Bồ-Tát Di-Lặc nói pháp ấy, đều
tín-thụ phụng-hành.
Chú thích:
(1) Xét trong Đại-Tạng Kinh, thời kinh này
cùng một tỷ-dụ, cùng một chân-nghĩa mà có 5 bản dịch khác nhau: 1) Liễu
bản sinh-tử kinh: số 708, do Cư-Sĩ Chi-Khiêm dịch. 2) Phật thuyết
Đạo-Can kinh: số 709, mất tên người dịch, phụ vào Đông-Tấn-Lục. 3)
Từ-Thị Bồ-Tát sở thuyết Đại-thừa Duyên-sinh Đạo-can dụ kinh: số 710, do
Sa-Môn Bất-Không dịch. 4) Đại-thừa Xá-Lê-Sa-Đảm-Ma kinh: số 711, do
Pháp-Sư: Thí-Hộ dịch. 5) Phật thuyết Đại-thừa Đạo-can kinh: số 712, mất
tên người dịch. Kinh này thuyết-minh lý nhân-duyên-sinh trong 12
nhân-duyên. Để cho các hàng Phật-tử trông đề-mục kinh, đã biết được
nội-dung của kinh bằng cách dễ-dàng, nên tạm mượn hai chữ “duyên-sinh”,
trong bản dịch thứ 3 (ghi trên) làm đề-kinh, còn toàn kinh dịch đúng bản
“Phật thuyết Đại-thừa Đạo-can kinh”. (Lời Dịch-giả).
– Đạo-Can kinh: tiếng Phạm (Ấn-độ) gọi là
Xá-Lê-Sa-Đảm-Ma kinh (Salistambasutra). Đạo-Can nghĩa là lúa nếp. Đức
Phật nhân trông thấy cánh đồng lúa nếp Ngài nói ra lý nhân-duyên-sinh
này.
(2) Cụ Thọ: Tiếng gọi thông thường, chỉ cho
những vị có đầy-đủ thọ-mệnh thế-gian và pháp-thân thọ-mệnh.
(3) Kinh-hành: Nơi đặc-biệt để sau khi ngồi
Thiền, đi đi, lại lại nuôi dưỡng thân-thể và trừ khỏi bệnh-hoạn. Hoặc là
nơi để đi đi, lại lại sau bữa ăn cho tiêu cơm.
(4) Thiện-Thệ: Tiếng Phạm gọi là Tu-già-đà
(Sugata) có nghĩa là đi trong đường chính, đạt tới nơi tốt đẹp. Đấng
Giác-ngộ dùng Nhất-thiết-trí làm xe, đi trên đường bát chính, rảo tới
nơi Niết-bàn, nên gọi là Thiện-Thệ.
(5) Phật, Pháp-Vương, Chính-Biến-Tri: Phật
(Buddha): Là bậc giác-ngộ hoàn toàn. Pháp-Vương: Phật đối với pháp (sự,
vật) tự-tại, nên gọi là Pháp-Vương. Chính-Biến-Tri: Tiếng Phạm gọi là
Tam-miệu tam Phật-Đà (Samya Ksambuddha) nghĩa là chính thực biết khắp
hết thảy mọi pháp, nên gọi là “Chính-Biến-Tri”.
(6) Trên đây Bồ-Tát Di-Lặc đáp câu hỏi của
Cụ Thọ Xá-Lỵ-Tử về hai chữ Nhân-duyên. Nhân là nguyên-nhân, duyên là
những cái giúp-đỡ (hoàn-cảnh) cho nguyên-nhân phát-sinh và đạt tới
kết-quả: “Đây có nên kia có, đây sinh nên kia sinh”, đó là nghĩa của
nhân-duyên-sinh vậy. Chúng-sinh hay sự, vật có ra hình-sắc đều do sự
tạo-tác tiếp nối của 12 nhân-duyên: 1) Vô-minh: Tức là si-mê, một trong
6 phiền-não căn-bản và có nghĩa là không hiểu rõ sự, lý của sự-vật luôn
luôn vọng-chấp theo vọng-niệm phân-biệt. 2) Hành: Hành-động. Là chủ-động
dẫn-dắt hành-nghiệp sinh-tử nghiệp-báo. Nghĩa là vì vô-minh nên
phát-khởi ra những hành-động sai lầm. 3) Thức: Nghiệp-thức phân-biệt. Do
sự si-mê và hành-động trên kết thành nghiệp-thức phân-biệt sai lầm. Vì
phân-biệt nên chấp có Mình có Người có Năng (chủ-quan), có Sở
(khách-quan) nên thành động-lực sinh-tử luân-chuyển. 4) Danh-sắc: Là
tổng-báo-thân của sự vật. “Danh” là tên gọi của tâm hay là tinh-thần
linh-hoạt: “Sắc” tức là hình-sắc do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hòa hợp
tạo thành. Đã có nghiệp-thức tất nhiên phải có sự kết thành hình-sắc,
trong đó có sự linh hoạt để bảo vệ, sai sử hình-sắc ấy. 5) Lục Nhập: Có
Danh-Sắc rồi dĩ nhiên là có 6 căn (6 quan-năng): mắt, tai, mũi, lưỡi,
thân, ý tiếp-nhập với 6 trần (cảnh vật): sắc, thanh, hương, vị, xúc,
pháp, nên gọi là “lục nhập”. 6) Xúc: Có sự tiếp nhập rồi, hai đàng phải
có sự xúc chạm với nhau, nên gọi là “xúc”. 7) Thụ: Đã có sự xúc chạm là
có sự cảm-thụ, lĩnh-thụ, nên gọi là “thụ”. 8) Ái: Đã có sự cảm-thụ,
lĩnh-thụ sẽ sinh ra yêu mến, nên gọi là “ái”. 9) Thủ: Đã yêu mến nên cố
tâm gìn giữ lấy, nên gọi là “thủ”. 10) Hữu: Vì sự cố thủ ấy mà lại sẽ
thành ra có cái thân hình lưu chuyển của sau này, nên gọi là “hữu”. 11)
Sinh: Đã có sự kết tinh của thân hình mai sau, đương nhiên sẽ sinh ra,
nên gọi là “sinh”. 12) Lão-Tử: Đã có thân hình sinh ra, theo sự
biến-chuyển lại sẽ già (tàn lụi) và chết. Nhưng, trong khi ấy chịu đựng
bao nỗi: buồn rầu, than thở, khổ đau, lo lắng, áo não, nên gọi là
“lão-tử sầu, thán, khổ, ưu, não”. Tóm lại, do 12 nhân-duyên này hỗ-tương
tiếp nối, chỉ là phát-sinh ra sự kết-tụ khổ đau cùng cực vậy (cuối kinh
có giải rộng).
(7) Trước đây đã nói về sự sinh khởi của
nhân-duyên, nay đây nói về sự đoạn diệt nhân-duyên. Biết rằng có ra
lão-tử là do duyên nơi: sinh, hữu, thủ, ái, thụ, xúc, lục-nhập,
danh-sắc, thức, hành, vô-minh liên lạc, tiếp nối nhau sinh khởi, nay
muốn đoạn diệt cần đoạn diệt vô-minh, thời các duyên kia đều diệt. Hết
thảy đều diệt, thời sinh-tử, phiền-não diệt hẳn, nỗi khổ đau lớn lao,
thuần nhất, cùng cực kia, biến thành cực-lạc thanh-tịnh.
(8) Tu tám Thánh-đạo tới chỗ cứu cánh là sẽ
chứng được 4 quả của Thanh-Văn: Tu-Đà-Hoàn, Tư-Đà-Hàm, A-Na-Hàm,
A-La-Hán, và y vào quả-trí ấy, giải-thoát được sinh-tử, nên gọi là
Thánh-đạo-quả và Niết-bàn. Và, đức Phật nói ra những pháp ấy, đó là Phật
pháp.
(9) Nhân Bồ-Đề: Tức là nguyên-nhân để
giác-ngộ, như thực-hành 8 Thánh-đạo, đoạn 12 nhân-duyên v.v…
(10) Học, Vô-Học: Người đạt chân-lý cứu
cánh, vọng hoặc diệt hết, không còn tu, học, là “Vô-học”. Người còn phải
nghiên-cứu chân-lý để diệt hẳn vọng hoặc, là “Hữu-học”. Ba quả trên của
Tiểu-Thừa là “Hữu-học”, A-La-Hán là “Vô-học”. Thập địa Bồ-Tát của
Đại-thừa là “Hữu-học”, Phật là “Vô-học”.
(11) Đây là hiển minh nghĩa tối thắng của
pháp trong nhân-duyên.
(12) Trên kia đã từ 12 nhân-duyên quán-sát
Nhân-Duyên, đoạn này từ nơi tám Thánh-đạo quán-sát Pháp. Quán-sát tính
của nhân-duyên là Thường, Vô Thọ… nay quán-sát tính của Pháp cũng thế.
(13) Đây là quán-sát về Phật. Phật là bậc
được trí-tuệ, hiểu biết hết thảy bằng các chính-xác (chính-trí). Đã có
chính-trí, tất nhiên giác-ngộ hết thảy nghĩa tối-thắng của Pháp (ngộ
được thắng-pháp). Ngộ được thắng-pháp tức là chứng-ngộ đệ-nhất nghĩa
pháp-tính làm Vô-thượng pháp-thân của Phật, tức là thấy Phật. Nói cho dễ
hiểu, muốn thấy Phật phải chứng được Chính-trí, có Chính-trí mới hiểu
được bản-thể của sự-vật (pháp), hiểu được bản-thể sự-vật gọi là
Pháp-tính, là Pháp-thân Phật, là thấy Phật.
Xét chung lại: muốn thấy được Nhân-Duyên
phải quán-sát được những Pháp trong nhân-duyên; muốn thấy được Pháp,
phải quán-sát được bản-thể của các pháp và muốn thấy được Phật, phải có
chính-trí, chứng-ngộ bản-thể tối-thắng của các pháp, tức là Pháp-tính,
thành Pháp-thân-Phật.
(14) Đây nói: có nhân là có duyên, không có
nhân là không có duyên. Có cái này là có cái kia như thế, tức là bản-thể
(tính) của sự-vật (pháp) như thế. Đã như thế, là thường hằng, không
biến-đổi, sai-khác… thời dù Phật ra đời hay không ra đời nói pháp,
sự-vật (pháp) vẫn như thế, nghĩa là Nhân thì Duyên.
(15) Đây nói: Mặc dầu nhân-duyên-pháp là lẽ
thường hằng như thế, nhưng đứng trên phương-diện tạo-thành và liên-tục,
nhân-duyên phải hợp với nhau (tương-ứng) mới được. Sự tương-ứng này có
hai 1/ Nhân-tương-ứng: nhân hợp nhau với duyên mới thành 2/
Duyên-tương-ứng: duyên hợp nhau với nhân mới được. Trong Nhân và Duyên
Tương-Ứng này phân-tích ra sẽ thành 4 loại: 1/ Ngoại Nhân-Duyên-Pháp,
Nhân-Tương-Ứng: Nhân-tương-ứng, hợp với những pháp thuộc nhân-duyên
ngoại-phụ. 2/ Ngoại-Nhân-Duyên-Pháp, Duyên-Tương-Ứng: Duyên-tương-ứng,
hợp với những pháp thuộc nhân-duyên ngoại-phụ. 3/ Nội-Nhân-Duyên-Pháp,
Nhân-Tương-Ứng: Nhân-tương-ứng, hợp với những pháp thuộc nhân-duyên
nội-chính. 4/ Nội-Nhân-Duyên-Pháp, Duyên Tương-Ứng: Duyên-tương-ứng hợp
với những pháp thuộc nhân-duyên nội-chính. Và trong 4 loại này, mỗi loại
đều chia làm hai phần: phần công nhận có sự tạo-thành nhân và phần
phủ-nhận, vì mỗi pháp, không có tự-thể.
(16) Đây nói về phần tạo-thành nhân của
ngoại-nhân-duyên-pháp, nhân-tương-ứng.
(17) Đây nói về phần không có tự-thể của
ngoại-nhân-duyên-pháp, nhân-tương-ứng.
(18) Trên đây là quán-sát chung về 6 giới,
tức là ngoại-nhân-duyên-pháp, duyên-tương-ứng. Sau sẽ quán-sát riêng
từng giới một.
(19) Đây nói về sự tạo thành
của 6 giới.
(20) Đây nói về phần không có tự-thể của 6
giới.
(21) Đây nói về sự viên-dung.
(22) Để ngăn-ngừa những ác-kiến mê-lầm,
ngoài sự quán-sát nội, ngoại-nhân-duyên tương-ứng trên kia, cần quán-sát
thêm 5 thứ quán-sát này.
(23) Đây nói về phần tạc-thành nhân của
nội-nhân-duyên-pháp, nhân-tương-ứng.
(24) Đây nói về phần không có tự-thể của
nội-nhân-duyên-pháp, nhân-tương-ứng.
(25) Ý nói về sự viên-dung.
(26) Trên đây là quán-sát chung về 6 giới.
Sau đây quán-sát riêng từng giới một.
(27) Thức: là do 5 thức: nhãn-thức (mắt),
nhĩ-thức (tai), tỵ-thức (mũi), thiệt-thức (lưỡi), thân-thức (thân-thể)
hợp nhau cùng với ý-thức thứ 6 mà thành ra Danh (tâm) Sắc (hình-sắc:
thân): “Thức” có nghĩa là phân-biệt rành-rẽ. Do phân-biệt tạo nghiệp
phải lưu-chuyển sinh-tử, nên gọi là “Hữu-lậu ý-thức”.
(28) Đây nói về phần tạo-thành nhân của 6
giới.
(29) Đây nói về phần không có tự-thể của 6
giới, vì chính nó không phải là: TA (thực-thể thường hằng, bất biến),
Chúng-Sanh (sinh-loại qua nhiều sinh-tử). Mệnh-Giả (người tạo ra
thân-mệnh), Sinh-Giả (người sinh-thành ra), Nho-Đồng (tức là tạo-vật
chủ-tể, Nho-đồng như chữ “Hóa-nhi”, ta thường gọi), Tác-Giả (người
tạo-tác ra), Con Trai (đàn ông), Con Gái (đàn bà). Hoàng-Môn (người
không phải đàn ông, không phải đàn bà). Tự-Tại (tự-do không bó buộc).
Ngã-Sở (cái của ta).
(30) Nghĩa như trang 23 đã giải.
(31) Đoạn văn trên đây biện-minh về
thể-tướng.
(32) Trên đây là giải-thích về danh-nghĩa.
(33) Bất-Động-Hành: Là sự hành-động trong
Thiền-định của cõi Sắc và Vô-sắc. Và còn có nghĩa là hành-động trong sự
im-lặng, không dao-động.
(34) Biện-minh sự tương-tục của 12
nhân-duyên.
(35) Trên đây nói về nhân-duyên là hỗ-tương
và tương-tục, chứ không phải nhất-định là nhân hay nhất định là duyên,
không phải định thường và không phải diệt hẳn, mà nó cứ thế làm
nhân-duyên cho nhau, truyền tiếp mãi mãi.
(36) Điền-Tính: Nghiệp như mảnh ruộng,
tạo-tác ra các chủng-tử (hạt giống).
(37) Đây giải-thích về tác-dụng của:
vô-minh, ái, nghiệp, thức.
(38) Đây nói về phần không có tự-thể của
bốn chi.
(39) Đây nói về duyên-vô-tác.
(40) Đây nói về quả-vô-tác.
(41) Nói tổng-quát tuy là không có tự-thể,
không tạo-tác, nhưng hạt giống của thức, y vào ruộng nghiệp, được nước
tham-ái, phẩn vô-minh tẩm-nhuận, sinh nở, nhân-duyên hòa-hợp, vào trong
thai mẹ, kết thành hình-thể (mầm danh-sắc) và hình-thể ấy có ra sáu căn
để tiếp nhập với sáu trần (lục-nhập) thành thân-tâm người thật sự.
(42) Đây thuộc về hiện-nghiệp, nhưng nói về
sự tạo thành của nhãn-thức.
(43) Đây nói về phần không tự-thể và nghĩa
viên-dung của năm duyên.
(44) Đây nói mặc dù không có tự-thể, nhưng
nhân-duyên đầy-đủ, quả-báo cũng hiện.
(45) Đây là ví-dụ về sinh-nghiệp.
(46) Đây là ví-dụ về hậu-nghiệp.
(47) Đây là ví-dụ về bất-động-nghiệp.
(48) Đây nói: Cái thân do nghiệp-báo mà có
này (báo-thân) gồm năm uẩn: sắc, thụ, tưởng, hành, thức. Báo-thân này
đến khi mất đi, thời năm uẩn ấy cũng không còn. Đã không còn trong
báo-thân trước, mà báo-thân sau có năm uẩn trong đó, sẽ không giống với
báo-thân và năm uẩn trước. Nói rõ hơn, thân-tâm (danh-sắc) trước không
giống với thân-tâm sau, gọi là “không thường còn”.
(49) Đây nói: Tuy rằng báo-thân và năm uẩn
trước diệt, nhưng không phải không có sự liên-lạc gì với báo-thân và 5
uẩn sau. Nó có sự liên-lạc với nhau trong khoảng thời-gian tích-tắc, như
cán cân hơi cao, thấp một chút mà thôi, nên gọi là:không dứt đoạn”.
Nghĩa là vẫn có sự liên-lạc với nhau từng tích tắc, không dứt đoạn hẳn.
(50) Chúng-Đồng-Phận: Nghĩa là chúng-sinh
(động-vật) đồng có cái nhân quả-báo tương-tự nhau. Đây nói báo-thân của
loài động-vật sinh trong đời sau này, không phải là báo-thân của đời
trước chuyển dời đến, vì, báo-thân đời trước diệt trong đời trước rồi,
nên gọi là “không chuyển-dời”.
(51) Đây nói: Nghiệp-nhân nhỏ, mà đến một
thời khác nghiệp-nhân ấy thành-thục đạt tới kết-quả lại lớn hơn nhân
trước, gọi là “cảm quả dị-thục lớn”. Tỷ-dụ: một hạt cam trồng thành cây
cam, khi cam có quả thành nhiều, chứ không phải có một hạt cam như
trước.
(52) Xem trang 11 đã giải.
(53) Đây nói nên trừ bỏ sự mê-lầm trong ba
đời: quá-khứ, hiện-tại, vị-lai. Vì, nhân trong ba đời chỉ là giả-định,
không có tự-thể: nhân-duyên-quá-khứ hòa-hợp thời thành quá-khứ,
nhân-duyên vị-lai hòa-hợp thời thành vị-lai, nhân-duyên hiện-tại hòa-hợp
thời thành hiện-tại. Quá-khứ giả-định và vô cùng, mê chi mà đi tìm về sự
có sinh hay không sinh! Vị-lai cũng giả-định và vô-tận, mê chi mà đi tìm
xem sinh ở chốn nào! Hiện-tượng (cái có) của hiện-tại phân-tích đến
cực-để vô cùng, mê chi mà đi tìm-tòi!
(54) Sa-Môn, Bà-La-Môn: Sa-Môn đây không
hẳn là chỉ cho các đệ-tử Phật đi xuất-gia, mà là danh-từ gọi chung cho
những người tu-hành. Bà-la-môn là một giai-cấp trí-thức tối-cao của nước
Ấn-Độ xưa, quản-chướng về lễ-nghi, văn-hóa.
(55) Những Tà-Kiến: 1/ Ngã-kiến: Tư-tưởng
chấp cái thân do năm uẩn giả-hợp là cái TA có thực. 2/ Chúng-sinh-kiến:
Tư-tưởng cố chấp chúng-sinh là có thực. 3/ Thọ-giả-kiến: Tư-tưởng cho
thọ-mệnh của cái Ta này chỉ có một thời hạn là hết. 4/ Nhân-kiến:
Tư-tưởng chấp có ta và người. 5/ Hy-hữu-kiến: Tư-tưởng kỳ-quái hiếm có.
6/ Cát-tường-kiến: Tư-tưởng xem về ngày, giờ tốt, xấu… 7/
Khai-hợp-kiến: Tư-tưởng khi có, khi không, hoặc nhiều, hoặc ít.
Đây nói: nên trừ bỏ hết các tà-kiến, như
cây Đa-la đã đẵn gốc rồi không còn mọc chồi lên nữa. Và, nếu trừ bỏ được
thế, mai sau sẽ chứng được pháp không sinh, diệt.
(56) Vô Sinh Pháp Nhẫn: Chân-như thực-tướng
lý-thể, xa lìa sự sinh, diệt vậy. Chân-trí an-trụ nơi lý-thể ấy mà không
động, là “vô sinh pháp nhẫn”. Nói rõ hơn, chứng được pháp không sinh,
diệt rồi, không tạo-tác, không sinh khởi ra các nghiệp-hành nữa.
(57) Xem kinh Quán-Âm thụ-ký đã giải rõ.
Discussion about this post