ĐÔI ĐIỀU VỀ THỰC DƯỠNG OSAWA VÀ PHẬT TỬ
Trí Lập
Là Phật tử, đương nhiên phải giữ giới, chí ít là năm giới
của cư sĩ, dĩ nhiên chay tịnh là điều không cần phải bàn cải. Thực tế ngày nay,
chay tịnh đã vượt ra khỏi ranh giới đạo Phật, khi nhiều tổ chức khoa học uy tín
xác nhận ăn chay chẳng những vô hại mà còn có lợi cho sức khoẻ…
Ăn chay ngày nay đã trở thành “mốt”, nó phục vụ đông đảo
quần chúng thuộc nhiều đối tượng khác nhau, từ những người mẫu, ca sĩ, thí sinh
hoa hậu cần giữ co, giữ eo, đến những người bị chứng béo phì muốn giảm cân. Ngoài
ra, còn phải kể đến các Linh mục Công giáo, họ ăn chay theo kiểu Phật giáo một
cách rất “hồn nhiên” theo cách nói của các tác giả trên conggiaovietnam.net, với
mục đích rõ ràng, thực hiện “hội nhập văn hóa” để “đối thoại liên tôn” theo chủ
trương của Vatican.
Có người còn tích cực hơn với gạo lức muối mè theo thực đơn số 7 như Linh mục
thi sĩ Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh…
Do xã hội thực sự có “cầu”, nên “cung” cũng được đáp ứng
nhanh chóng bởi sự bén nhạy của các doanh nghiệp, hàng loạt các công ty cung
cấp thực phẩm chay ra đời, nhiều nhà hàng chay được mở ra chào đón khách với
những món “chay qúy tộc” mà giá thành có thể mắc gấp đôi so với các món mặn
khác…
Đối với Phật tử, thực dưỡng Osawa là một lựa chọn đúng đắn,
vừa tiết kiệm ngân qũy gia đình, vừa phòng chống bệnh tật, giúp cơ thể khoẻ
mạnh để có thể thăng tiến tu học.
Phương pháp dưỡng sinh Osawa được biết đến từ thập niên 60
dựa trên căn bản quân bình âm dương của thực phẩm… Bẵng đi một thời gian khá
lâu, đến nay phong trào rộ nở mà công đầu thuộc về một nhà sư trẻ, một trong những
đệ tử xuất chúng của HT Thích Thanh Từ: Đại đức TTH… Từ đó, tài liệu, băng
đĩa được phát hành phục vụ cộng đồng, không chỉ trong nước mà còn được đồng bào
người Việt hải ngoại đón chào nồng nhiệt.
Tuy nhiên, do nhận thức “từ lâu người ta chỉ chú trọng đến mặt dưỡng sinh để trị bệnh mà không
quan tâm đến khía cạnh tâm linh”, nên thầy TTH đã đặt trọng tâm nghiên cứu
thực dưỡng Osawa trên khía cạnh này. Điều đó không có gì sai trái. Rất tiếc,
thầy lại qúa sa đà vào lý thuyết âm dương,
mà quên đi đối tượng chính của mình là các Phật tử, những người tin lời Đức
Phật dạy: con người sinh ra trong nhân
quả, sống trong nhân qủa và chết đi trong nhân quả… Thay vì lấy “nhân qủa” làm nhân cho phương pháp luận
của mình, thầy lại chọn “âm dương”,
một học thuyết phi Phật giáo. Dưới đây là vài nhận định.
Nếu nói rằng: Đức Phật hiểu thấu nguyên lý âm dương, bằng
chứng khi Ngài dạy nằm thế Kiết Tường, đầu phải quay về hướng bắc, chân xuôi hướng
nam, mặt xoay hướng tây lưng dựa hướng đông… Ngài đã nắm vững quy luật âm dương
trong thế nằm Kiết Tường, nhưng “Ngài không nói
ra”! Thầy TTH lập luận như
thế chẳng khác mấy so với lập luận của Linh mục Cao Phương Kỷ về cái gọi là “tinh thần biện chứng của cây thánh giá”,
với trục tung vươn lên tận trời, trục hoành vươn dài về hai phía đến vô tận.
Với hàm ý, Giêsu cũng thấu suốt tất cả những vấn đề về triết học và toán học,
nhưng Ngài cũng “không nói ra”!?…
Tôi chợt nhớ lời một vị Tôn túc đáng kính: Người ta đã đặt
vào miệng Phật những điều Phật không nói. Qủa vậy! những lời Phật chưa hề nói
mà dám gán cho “Phật thuyết”, huống hồ là thế giới siêu tưởng, sản phẩm của tưởng
tri, tưởng giải, cũng gán cho Phật đã biết, đã chứng. Đây chính là điều Đức
Phật đã cảnh báo trong Kinh Tăng Chi I (Anguttara Nikàya). Phẩm Người Ngu:
“Này các
Tỷ-kheo, có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai. Thế nào là hai? Người nêu rõ
Như Lai có nói, có thuyết là Như Lai không nói, không thuyết, và người nêu rõ
Như Lai không nói, không thuyết là Như Lai có nói, có thuyết. Này các Tỷ-kheo,
có hai hạng người này xuyên tạc Như Lai.”…
Đã có qúa nhiều thân tầm gửi sống bám trên cơ thể Phật giáo.
Mạt pháp chính là chỗ ấy… Ngoại trừ Tuệ Tam Minh, với trí tuệ phàm phu của
chúng ta hiện nay, khó có thể kiểm chứng sự lạc dẫn mà người ta cố tình gán cho
“Phật thuyết”, nhằm làm chệch hướng lộ
trình giải thoát mà Đức Thích Ca Mâu Ni đã phát hiện sau bốn mưới chín ngày dưới
cội bồ đề…
Tôi không biết Chúa Giêsu có hiểu biết về toán học và triết
học hay không? Nhưng tôi dám khẳng định Đức Thích Ca Mâu Ni, với trí tuệ Tam
Minh, nếu Ngài muốn biết bất kỳ vấn đề gì thì Ngài sẽ biết. Tuy nhiên, có nhiều
vấn đề Ngài không cần biết, vì nó không mang lại lợi ích cho mục tiêu giải
thoát của chúng sanh… Chính vì thế Ngài luôn nhắc nhở: những gì cần biết phải
biết, những gì cần tu học phải tu học… Điều đó có nghĩa là nếu quy luật âm dương,
ngũ hành không phải là pháp môn giải thoát, Ngài sẽ không biết và không cần
biết…
Theo quan kiến của cá nhân tôi, lý thuyết âm dương chỉ có
giá trị tương đối, không có một tiêu chuẩn nào để thẩm định một vật là âm hay dương…
Hiểu biết về âm dương cho đến nay vẫn còn là vấn đề tranh cãi giữa những nhà
Dịch học.
Đối với đạo Phật, học thuyết âm dương chỉ là tưởng tri của
các học giả, không thể là chân lý. Vậy chân lý của đạo Phật là gì? Có thể gói
gọn trong một chữ “Khổ”. Nhưng hiện nay, người ta vô tình hay hữu ý tầm thường
hóa chân lý ấy. Chữ “khổ” trên cửa miệng của nhiều người đã trở thành câu
chuyện nhàm chán: “khổ lắm… biết
rồi… nói mãi…”. Người ta đã tầm thường hóa, dung tục hóa, bi hài hóa một
chân lý dưới nhiều hình thức như văn chương, thi ca, kịch nghệ kiểu “chuyện
tình Lan và Điệp”, nhằm khỏa lấp khoảng trống vô vị của cuộc đời… Thậm chí có vị Thiền sư thời danh đã dạy Phật
tử: con người có sẵn sự an lạc mà không chịu hưởng, lại đi nhận nghiệp, nhận
khổ. Vị Thiền sư này khẳng định: bên cạnh cái “khổ” của Tứ đế còn có cái “lạc”.
Ngài còn dạy cách “chế tác lạc” nhằm đối trị “khổ”!?… Ngài quên rằng Thế Tôn
chỉ dạy “Khổ thánh đế”. Thế Tôn không bao giờ chế tác “lạc thánh đế”!…
Đức Phật dạy: đời là bể khổ, không có khổ chắc chắn không
có đạo Phật. Không có khổ chắc chắn Thái tử Tất Đạt Đa đã kế nghiệp vua cha cai
trị sơn hà xã tắc của Ngài, chứ không trở thành Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni tôn
kính của chúng ta ngày nay. Nhưng vì có khổ, khổ là một sự thật hiển nhiên của
mỗi con người cụ thể, không mơ hồ, trừu tượng. Nhận thức rõ ràng điều đó nên
Ngài đã bỏ cung vàng điện ngọc ra đi với mục đích duy nhất, giải quyết rốt ráo
vấn nạn này và Ngài đã thành công. Vì thế, bài pháp đầu tiên Ngài giảng cho năm
anh em ông Kiều Trần Như là Tứ Thánh Đế, đế đầu tiên Ngài dạy là KHỔ THÁNH ĐẾ.
Sao “Khổ” mà gọi là “Thánh”? Chính nhờ trí tuệ siêu việt
Ngài đã liễu tri như
thực khổ, xác chứng chân lý đầu tiên của đạo Phật.
Nhưng khổ từ đâu sanh? Câu trả lời vắn gọn chính là từ tham
dục… Vì tham dục mà con người phải trôi lăn, hết tham dục thì hết trôi lăn, hết
trôi lăn đương nhiên phải hết khổ. Đơn giản chỉ có thế! Điều này được xác tín
qua lời dạy của Đức Phật: “Này các
Tỷ-kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào
là một pháp? Tham, này các Tỷ-kheo, là một pháp,
các Thầy hãy từ bỏ! Ta bảo đảm cho các Thầy không
có tái sanh.” (Tiểu bộ kinh. Bài kinh Một Pháp). Đối với sân và si, Ngài
cũng dạy y như thế…
Kính thưa thầy T.T.H. Thầy có tin không? Tin rằng, nếu từ
bỏ được tham sân si, Đức Phật bảo đảm không còn tái sanh!
Tin không? Nếu tin sao thầy dạy Phật tử những điều ngược lại? Rằng: “Nếu một người tu theo đạo Phật mà không thấu
triệt âm dương thì không thể đạt đến đỉnh cao của tâm linh…” Rằng: “Thực dưỡng Osawa không chỉ dừng ở chỗ dưỡng
sinh mà còn nhìn sâu hơn đến Giác Ngộ Giải Thoát.” Và khẳng định: “đó là mục đích cuối cùng của phương
pháp dưỡng sinh Osawa…”
Tôi không tin tất cả các bậc Tôn túc hiện nay đều “thấu triệt lý thuyết âm dương”, nếu thế
các vị sẽ “không thể đạt đến đỉnh cao tâm
linh”?, không thể “nhìn sâu hơn đến
giác ngộ giải thoát”?, các vị không thể đạt đến “mục đích cuối cùng” của đạo Phật!…
Lại nữa, nhiều Linh mục Công giáo như Lương Kim Định, Trần
Văn Đoàn… là nhưng người rất am tường
học thuyết âm dương, ngũ hành, họ cũng đã từng chia sẻ những trải nghiệm tâm
linh giải thoát, nhưng là giải thoát trong “Chúa quan phòng” của họ!…
Có thể tạm kết luận, thực dưỡng Osawa và triết lý âm dương
có thể dẫn đến “giác ngộ giải thoát”,
nhưng giải thoát theo kiểu gì thì còn tuỳ, kiểu của các Đạo sĩ hoặc Nho sĩ? kiểu
của Tiên sinh Osawa hay kiểu của các Linh mục Công giáo?… Riêng đối với đạo
Phật, câu trả lời dứt khoát là “Không thể”. Giải thoát
của đạo Phật là ly
dục, ly ác pháp, ly tham sân si, như đã được khẳng định trong
bài kinh “Một pháp” thuộc kinh Tiểu Bộ, với sự bảo đảm chắc chắn của chính Đức
Phật: “Hãy
từ bỏ tham, ta bảo đảm với các thầy sẽ không còn tái sanh…”
Thật ngạc nhiên trước lời dạy: “Khi tọa thiền, vận dụng hơi thở để tại đan điền ở mạch nhâm, mà
quên mạch đốc ở phía sau sẽ bị mất quân bình âm dương… người
ngộ tánh là người phải hiểu được nguyên lý âm dương…”
Có thể thầy T.T.H. đã dạy đúng, nhưng là đúng pháp của một vị Tổ sư nào đó, chứ
không thể đúng pháp mà Đức Phật đã dạy trong Nikaya. Trong kinh Niệm xứ
(Satipatthàna sutta) Đức Phật dạy rất rõ:
“tuệ tri hơi thở vô, hơi thở ra với mục đích thấy như thật tánh sanh khởi, tánh sanh diệt, tánh diệt tận trên cả bốn
trụ xứ thân, thọ, tâm, pháp,” chứ Ngài không hề dạy vận dụng hơi thở
tại đan điền, mạch nhâm, mạch đốc để quân bình âm dương… Đặc biệt đối với thân, vì trên thân có đầy đủ cả thọ, tâm và pháp. Vì thế Đức Phật dạy: “”Có
thân đây”, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh
trí, chánh niệm. Và vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời…”
Đã không nương tựa bất cứ việc gì trên đời, có lý nào lại nương tựa vào âm dương,
mạch nhâm, mạch đốc?…
Luận thiền, luận đạo của các vị Tổ sư, của các tông phái
không phải là mục đích của bài viết này. Người viết chỉ đưa ra những nhận định
dựa trên lời dạy của chính Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni trong Nikaya với một tín
lực đã được khẳng định: “Này các Tỷ-kheo,
đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não,
diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn…” Chính vì thế,
những lời dạy kiểu: “một người ngồi
thiền không thể vào định được nếu không ngộ được nguyên lý âm dương…”
chỉ có thể là thiền
tưởng, định tưởng của một tôn giáo nào đó, chứ không thể là thiền định do
chính Đức Phật dạy… Cái gọi là: không thể
vào định! Định gì mà vào? Trong 37 phẩm trợ đạo Định Giác Chi và Định Như Ý
Túc là pháp thành tựu chứ không phải pháp hành. Pháp hành chính là: ngăn ác, diệt ác pháp. Sanh thiện, tăng trưởng
thiện pháp (Tứ chánh cần) và ly xả ngũ triền cái, thất kiết sử trên thân,
thọ, tâm, pháp (Tứ niệm xứ). Do công năng ly và xả thật sạch mà Định Giác
Chi và Định Như Ý Túc tự thành tựu. Nếu ngộ
được nguyên lý âm dương mà vào được định, thì đây chỉ có thể là định tưởng.
Về Thiền cũng thế, bằng chánh niệm tỉnh giác, ly tham dục, ly bất thiện pháp
một cách triệt để, với tầm và tứ, cánh cửa Thiền thứ nhất sẽ được mở ra, chứ
không thể ngồi quay mặt về hướng bắc cho
đúng với từ trường âm dương mà có thể mở được cánh cửa Thiền này.
Từ bỏ tham như thế nào? Đạo Phật rất thực tế, rõ ràng cụ
thể, không phải mớ lý luận siêu hình. Bài kinh 62. Đại kinh Giáo giới La-hầu-la (Mahà Ràhulovàda sutta) Đức Phật dạy: “Quán ly tham,
tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở ra”, vị ấy
tập…” Dĩ nhiên không phải “quán” là “ly” được ngay,
mà từng giờ, từng phút, từng giây, chánh niệm tỉnh giác trên mỗi hơi thở ra,
thở vô mới có cơ may quét sạch tham dục.
Cũng cần nói thêm để tránh ngộ nhận. Từ “quán” trong câu “quán ly tham” không phải pháp quán thông thường như mọi người thường
hiểu, mà là pháp môn tạo ý thức lực mạnh mẽ gọi là “Như lý tác ý đệ nhất pháp” như
chính Đức Phật đã dạy pháp môn này rất nhiều trong suốt bộ kinh Tăng Chi: “Này các Tỷ-kheo, nếu như lý tác ý, thời dục tham chưa
sanh không sanh khởi, và dục tham đã sanh được đoạn tận…” Đây chính là pháp môn “Đoạn Triền Cái”…
Nếu chúng ta “tu cầm chừng”, chỉ với mục đích
gieo duyên với chính pháp, có thể thủng thỉnh, tà tà, vừa “tu’ vừa nghiên cứu
âm dương ngũ hành, áp dụng vào thực dưỡng đúng cách để có một cuộc sống tốt đẹp
với một cơ thể khoẻ mạnh. Điều này không có gì sai trái… Nhưng nếu chúng ta ý
thức Sanh Tử Là Việc Lớn, nó thôi thúc bức bách sau lưng ta, buộc ta phải quyết định
lựa chọn, đấu tranh một mất một còn với giặc sanh tử, liệu có thời gian chăng
để nghiên cứu âm dương áp dụng cho đúng phép thực dưỡng?
Nếu quyết định chọn con đường giải thoát mà Đức
Phật đã khẳng định “duy nhất, không có
con đường thứ hai” như đã được biết trong kinh Niệm xứ Satipatthàna sutta
thì hãy buông xả tất cả, hãy
trả âm dương về cho thái cực, tứ tượng, bát quái, để nó vận hành, điều hòa vũ
trụ theo cách của nó mà chúng ta không cần quan tâm… Vả lại, Đức Phật cũng đã từng dạy: “thừa tự Pháp không thừa tự thực phẩm…” (Kinh
Thừa tự Pháp. Dhammadàyàda sutta. Trung bộ kinh).
Bệnh tật là một chướng
ngại pháp tồn tại trên thân, nó sinh ra từ tham dục. Nếu tham ăn, tham uống,
tham hút, chắc khó tránh các bệnh thuộc hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa… Nhờ có
chánh kiến, chánh tư duy, người Phật tử biết do nhân tham mà có quả bệnh, nhân
quả rất rõ ràng, giả sử có liên quan đến âm dương ngũ hành, cũng không phải là
nguyên nhân chính.
“Có bệnh thì vái tứ phương, có thờ
có thiêng, có kiêng có lành”. Kinh nghiệm dân gian được đúc kết nhiều đời
đã khẳng định một giá trị thực tiển: “có kiêng có lành”. Nếu thân bệnh
mà biết kiêng cử đúng cách cũng có thể ngăn chặn các biến chứng một cách đáng
kể. Về mặt này, lý thuyết âm dương quân bình thực phẩm trong phương pháp dưỡng
sinh Osawa cũng có mặt tích cực của nó. Người Phật tử đang áp dụng phép thực dưỡng
này, có thể nghiên cứu nếu có điều kiện và thời gian. Nhưng không được phép
nhầm lẫn bởi sự lạc dẫn do vô tình hay cố ý của ai đó đã cho rằng đây cũng là
pháp môn “giác ngộ giải thoát” của đạo Phật.
Đối
với thân bệnh, đạo Phật cũng có cách ngăn ngừa, hạn chế bệnh tật đơn giản
mà hiệu quả, đó là: thiểu
dục tri túc. Từ đó hướng tới một giải pháp tích cực hơn, quét sạch tất
cả mọi chướng ngại pháp trên cả bốn trụ xứ thân,
thọ, tâm, pháp. Tất nhiên không dễ dàng gì vì tham dục và bất thiện pháp đã
đổ bê tông cốt thép dày đặc trên đó, chúng đã khằn cứng từ nhiều đời kiếp, chỉ
còn cách nhiệt tâm học làm nghề “khoan cắt bê tông”, tích cực khoan, đục, chặt
các kiết sử, mài mòn dần các triền cái trên cả bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Nếu quét sạch được, lúc đó hành giả có thể ca
khúc khải hoàn: “sanh đã tận, phạm hạnh
đã thành, những việc cần làm đã làm xong…”
Điều sau cùng muốn chia sẻ là: tu giới và giữ giới là hai
vấn đề hoàn toàn khác nhau. Giới là pháp môn tu học chứ không phải là tín điều
buộc phải giữ. Một người giữ giới, trường chay ba mươi năm, người này chưa chắc đã tu giới. Ngược
lại, một người tu giới, người đó chắc chắn đã giữ giới. Điều này dễ hiểu vì dù
trường chay nhiều năm, nhưng dục ăn vẫn còn, nghiệp đói của thân chưa xả bỏ.
Ngoài dục ăn, còn nhiều thứ dục vi tế khác khó nhận biết, ví như thực phẩm phải
vừa tương phản, vừa hài hòa về màu sắc, vừa kết hợp quân bình âm dương, tạo nên
một món ăn đạt chuẩn thẩm mỹ mà người ta vẫn gọi là “nghệ thuật ẩm thực” với
triết lý: ăn không chỉ bằng miệng mà còn bằng mắt… Đối với đạo Phật, chính tại
chỗ này, dục của mắt, của mũi, của lưỡi phát sinh… Tu giới không chỉ là giữ
giới mà chính là ly dục. Đây chính là chỗ khác biệt giữa người tu giới và người
giữ giới.
Trí Lập
Discussion about this post