Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ – Hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được Trung tâm Quốc tế Ấn Độ (IIC) và Hội Sáng lập Trách nhiệm Toàn cầu của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma (FURHHDL) mời đến để nói chuyện về “Di sản ‘Karuna’ và ‘Ahimsa’ của Ấn Độ”, và để trả lời các câu hỏi từ một số bạn bè cũ. Ngay khi vừa an toạ, Rajiv Mehrotra – Thư ký của FURHHDL – đã chào Ngài: “Tashi Delek, thưa Đức Ngài, chúng con vô cùng biết ơn Ngài về sự hiện hữu của chính Ngài và đã cùng với chúng con hôm nay. Ông NN Vohra – Chủ tịch của Trung Tâm Quốc tế Ấn độ – sẽ chào đón Ngài ạ!”
Ông Vohra nhớ lại mối quan hệ lâu dài của mình với Đức Ngài trong thời gian phục vụ Chính phủ Ấn Độ, bắt đầu vào ngày Thủ tướng Nehru thông báo rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến Ấn Độ sau khi trốn khỏi Tây Tạng. Ông đã có dịp diện kiến Ngài nhiều lần trong nhiều năm qua, lần gần đây nhất là được tiếp đón Ngài với tư cách là khách mời tại Trung tâm Quốc tế Ấn Độ. Ông cung đón Ngài với lời chào “Namaskar”.
Ngài trả lời rằng Ngài rất vui khi có cơ hội được nói chuyện với những người bạn lâu năm qua liên kết truyền hình. Ngài nói với họ: “Trong 61 năm qua, Ấn Độ đã là quê hương của tôi. Như Thủ tướng đã đề cập tại Liên Hợp Quốc – Đức Phật là một người Ấn Độ. Tất cả tư tưởng của tôi đều dựa trên lời dạy của Đức Phật. Lời khuyên của Ngài dành cho các đệ tử của Ngài:
Hỡi chư Tăng và các hàng Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách cắt chặt, cọ xát và đốt nung,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra, nghiệm dụng;
Rồi mới chấp nhận, chứ đừng chỉ vì lòng ái mộ tôn sùng!
Đó chính là một phương pháp rất khoa học.
“Mặc dù chúng tôi là người Tây Tạng và khuôn mặt của chúng tôi khác với quý vị, nhưng về phương diện tinh thần, chúng tôi là người Ấn Độ. Thật vậy, vào thế kỷ thứ 7, mặc dù Hoàng Đế Tây Tạng lúc bấy giờ có mối liên hệ chặt chẽ với Triều đại Nhà Đường Trung Quốc, nhưng Đức Vua đã chọn mẫu chữ viết Tây Tạng dựa trên hệ thống chữ viết Devanagari của Ấn Độ. Vào thế kỷ tiếp theo, mặc dù có sự hiện diện của các bậc Thầy Phật giáo Trung Quốc, nhưng Hoàng Đế đã chọn cho việc mang nền giáo dục Phật học từ Đại học Nalanda vào Tây Tạng. Do đó, Vua đã mời bậc học giả vĩ đại – Tịch Hộ – đến Tây tạng. Ngài Tịch Hộ đã khuyên rằng, vì người Tây Tạng có ngôn ngữ chữ viết riêng của mình, cho nên việc dịch thuật văn học Phật giáo Ấn Độ sang tiếng Tây tạng sẽ rất ích lợi.
“Kết quả của việc kiết tập bao gồm 100 tập Kinh tạng về Giáo pháp của Đức Phật và khoảng 200 tập tác phẩm (Luận tạng) của các bậc Luận Sư như Ngài Long Thọ, Thánh Thiên và bậc Thánh Vô Trước. Những tác phẩm này liên quan đến logic, triết học, tâm lý học và Luật tạng hoặc quy luật Thiền môn. Chúng tôi học thuộc lòng nhiều tác phẩm này. Bản thân tôi đã bắt đầu học thuộc lòng một số cuốn sách này từ năm lên bảy tuổi. Do đó, tâm trí tôi và những người dân Tây Tạng của tôi tràn ngập tư tưởng Ấn Độ.
“Bây giờ tôi đã gần 86 tuổi rồi; và cuộc sống của tôi được dẫn dắt bởi bốn cam kết. Trước tiên, với tư cách là một con người, tôi cố gắng thúc đẩy sự hiểu biết rằng, nhân loại cần các truyền thống ‘karuna’ và ‘ahimsa’ của Ấn Độ. Là con người, tất cả chúng ta đều như nhau; và chúng ta cần phải học cách sống chan hòa với nhau. Xung đột nảy sinh từ lối suy nghĩ trong khuôn khổ ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’. Dẫu sao thì chúng ta vẫn giống nhau về mặt thể chất, cảm xúc và tinh thần. Cho dù chúng ta đến từ đông hay tây, bắc hay nam, thì chúng ta cũng đều phụ thuộc vào nhau. Nền kinh tế toàn cầu luôn phụ thuộc lẫn nhau.
“Là một Tăng sĩ Phật giáo, tôi tin rằng sự hòa hợp giữa các truyền thống tôn giáo của chúng ta là rất quan trọng. Hãy nhìn vào Ấn Độ mà xem! Tất cả các truyền thống tôn giáo chính của thế giới đều phát triển mạnh mẽ ở đây. Bên cạnh các truyền thống Ấn Độ bản địa, các truyền thống khác như Zoroastrianism, Do Thái giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo đã bắt rễ ở đây. Ấn Độ đã nêu lên một tấm gương điển hình rằng sự hòa hợp tôn giáo là điều hoàn toàn có thể khả thi. Mặc dù các truyền thống khác nhau duy trì các quan điểm triết học khác nhau, nhưng tất cả đều truyền tải thông điệp về tình yêu thương, lòng từ bi và đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tha thứ, lòng bao dung và tinh thần tri túc.
“Vì các truyền thống tôn giáo đều liên quan đến con người, cho nên các truyền thống ấy luôn nhấn mạnh các giá trị cơ bản của con người. Nếu không có tình yêu thương của người mẹ dành cho ta từ lúc ta mới chào đời, thì chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được. Chúng ta là loài động vật quần cư; cho nên chúng ta sống nương tựa vào nhau. Sự quan tâm tự nhiên của chúng ta đối với các thành viên trong cộng đồng là biểu hiện của lòng từ bi. Và bởi vì truyền thống tôn giáo của chúng ta nuôi dưỡng những phẩm chất này, cho nên tôi tận tâm khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo”.
Ngài giải thích rằng Ngài cũng là một người Tây Tạng – một người mà nhân dân Tây Tạng đã đặt niềm hy vọng của họ vào đó. Năm 2011, Ngài đã giao trách nhiệm chính trị của mình cho một ban lãnh đạo đã được nhân dân bầu chọn. Tuy nhiên, Ngài vẫn lo ngại về môi trường của Tây Tạng. Khi sự nóng lên của toàn cầu đang ngày càng gia tăng, sẽ có nguy cơ xảy ra nếu ta không hành động gì để ngăn chặn nó lại; trong những thập kỷ tới, các sông ngòi và hồ nước – là nguồn cung cấp nước cho phần lớn người dân châu Á – sẽ khô cạn.
Ngoài ra, Ngài cam kết giữ gìn cho nền văn hóa của Tây Tạng được tồn tại. Sau khi Giáo Pháp của Đức Phật được truyền đến Tây Tạng, nhiều người Tây Tạng đã sang Ấn Độ để học tập tại các trung tâm học tập như các trường đại học Taxila, Nalanda, Vikramashila và Odantapuri. Do đó, Phật giáo Tây Tạng đã áp dụng một phương pháp tiếp cận logic chặt chẽ để học hỏi. Ngài cho rằng chính nhờ điều này đã trang bị cho Ngài có khả năng trong việc tham gia vào các cuộc thảo luận có giá trị với các nhà khoa học hiện đại, và đôi bên cùng có lợi. Ngài nói đùa rằng, trong quá khứ người Tây Tạng đã xem người Ấn Độ là bậc Thầy của mình; và bản thân họ là ‘chelas’ (học trò); nhưng theo thời gian, vai trò này dường như đã bị đảo ngược lại. Vì vậy, Ngài có một cam kết chính trong việc bảo tồn văn hóa và truyền thống Tây Tạng.
Ngài nhắc lại món nợ tri thức mà người dân Tây Tạng đã nợ Ấn Độ. Ngài nêu lên rằng, nền giáo dục hiện đại có giá trị, nhưng trọng tâm của nó là vật chất. Nó cần phải được cân bằng – bằng cách khơi dậy sự quan tâm đến kiến thức Ấn Độ cổ đại về hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Nếu điều này – cũng như tinh thần bất bạo động và lòng từ bi, sự định tâm và trí tuệ phân tích, có thể được kết hợp với nền giáo dục hiện đại – thì nó sẽ mang lại sự lợi ích đáng kể. Mọi người đều có thể học cách sử dụng vệ sinh cảm xúc, tức là cách xử lý những cảm xúc tiêu cực của mình.
Ngài tin rằng – trong thế kỷ trước, Mahatma Gandhi đã có một sự ảnh hưởng lâu dài trên thế giới khi ông thể hiện được cách mà phương pháp bất bạo động có thể đạt được hiệu quả như thế nào. Ngài vẫn tin rằng nếu người Ấn Độ ngày nay làm hồi sinh lại kiến thức cổ đại của người Ấn Độ về tâm thức và cảm xúc, thì những kiến thức này sẽ có tác động lợi ích tương tự đối với thế giới. Vì vậy, Ngài cam kết thúc đẩy việc hồi sinh sự quan tâm đến kiến thức Ấn Độ cổ đại ở Ấn Độ hiện nay.
Rajiv Mehrotra đã điều hành phần câu hỏi và trả lời ngắn. Người đầu tiên nêu câu hỏi là Shivshankar Menon – cựu Cố vấn An ninh Quốc gia & đồng thời cũng là Ngoại trưởng của Ấn Độ – người mà lần đầu tiên được diện kiến Đức Ngài khi chỉ mới 5 tuổi. Ông ấy muốn biết cách làm thế nào để áp dụng ‘ahimsa’ và ‘karuna’ vào các vấn đề ngày nay.
Ngài nói với ông ấy rằng: “Ngày nay, có quá nhiều sự chú trọng vào cảm giác về ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người trên khắp thế giới đã chán ngấy với lối suy nghĩ hẹp hòi này. Có những dấu hiệu cho thấy rằng mọi người đã cảm thấy điều đó đã quá đủ, và họ không biết chắc chắn làm thế nào để tiến về phía trước. Trong những điều kiện như vậy, thì truyền thống cổ xưa của Ấn Độ về tinh thần bất bạo động và lòng từ bi là đặc biệt vô cùng quan trọng.
“Đôi khi tôi cảm thấy rằng; sau khi Ấn Độ giành được độc lập, sẽ tốt biết bao nếu như các nhà lãnh đạo của Ấn độ quan tâm hơn đến vấn đề giáo dục, đặc biệt là đối với sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Đó là lý do tại sao mà tôi cho rằng điều quan trọng là phải khơi dậy sự quan tâm đối với những kiến thức này – ngay bây giờ. Chúng ta cần một cách tiếp cận mới để cải thiện những lối suy nghĩ hiện có; và dựa trên cơ sở của ‘ahimsa’ và ‘karuna’, Ấn Độ có thể thực hiện một sự đóng góp đáng kể vào việc này”.
Fali Nariman – một luật sư bào chữa cao cấp cho Tòa án Tối cao Ấn Độ – muốn biết về vị trí của sự cầu nguyện trong đời sống con người. Ngài đã trả lời rằng sự cầu nguyện có giá trị lớn ở mức độ cá nhân đối với những người có đức tin. Nhưng từ quan điểm thế tục, chúng ta cần phải suy nghĩ mọi vấn đề theo cách phân tích. Ngài nói rõ rằng, để tạo ra một thế giới hòa bình hơn, cần phải có sự bình yên trong trái tim của quý vị; để đạt được điều đó – quý vị cần có ‘ahimsa’ (bất bạo động) và ‘karuna’ (tâm từ bi). Việc thực hiện một phương pháp tiếp cận thế tục đòi hỏi chúng ta phải sử dụng trí tuệ con người một cách đúng đắn, phải suy tư rằng mọi chúng sinh, cũng giống như chúng ta, đều muốn được hạnh phúc, đó chính là nền tảng của việc tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn. Kết hợp trí tuệ con người của chúng ta với trái tim nhân ái nồng hậu là cách hiệu quả nhất để đạt được điều này.
Gopalkrishna Gandhi – chính trị gia, cựu ngoại giao và đồng thời cũng là cháu trai của Mahatma – đã hỏi làm thế nào để giữ vững được niềm tin vào lòng từ bi khi dường như mọi nơi đều đang bị tấn công.
Ngài nhắc lại: “Chúng ta cần phải sử dụng trí thông minh của con người. Đôi khi, vì quan tâm đến hạnh phúc của người khác – bạn có thể cần phải thực hiện một phương pháp cứng rắn hơn – nếu không còn cách nào khác. Điều quan trọng là cần xem xét động lực của bạn. Nếu động lực của bạn có hại, thì kết quả sẽ gây tổn hại; nhưng nếu bạn có động lực tốt thì cho dù bạn có thái độ cứng rắn vẫn có thể mang lại sự hữu ích.
“Vật lý lượng tử đã làm nổi bật lên khoảng cách giữa bề ngoài và thực tế. Đôi khi điều gì đó có vẻ tiêu cực, nhưng trên thực tế, nó có thể không phải là như vậy. Nó phụ thuộc rất nhiều vào sự phóng chiếu tâm thức của chúng ta. Cảm xúc tiêu cực dựa trên một cái nhìn đánh giá méo mó về mọi thứ. Ta nghĩ rằng chúng tồn tại một cách khách quan và ta đã phóng đại những phẩm chất mà chúng ta dự đoán về nó – cho dù tốt hay xấu.
“Chẳng hạn như, chúng ta quên rằng người mà chúng ta coi là kẻ thù – họ cũng muốn sự yên bình như chúng ta – và vì vậy họ đáng được thương xót. Bởi vì chúng ta xem họ là kẻ thù, cho nên họ tỏ ra thù địch; nhưng thực tế – họ là một con người cũng đang tìm kiếm sự yên bình và tình bạn như chúng ta vậy!”
Trước câu hỏi của bà Syeda Hameed – một nhà hoạt động xã hội và nữ quyền – về con đường phía trước của người Hồi giáo ở Ấn Độ, Ngài trả lời rằng Ngài đã quan sát thấy rằng ở Ấn Độ không có sự xung đột giữa người Shias và người Sunni. Ngài nói rằng Ngài đã khuyến khích người Hồi giáo Ladak nên triệu tập một hội nghị để thảo luận về sự hòa hợp tôn giáo. Ngài lưu ý rằng người Hồi giáo ở Ấn Độ đã quen thuộc với sự tồn tại của các truyền thống tôn giáo khác; và họ có thể sống một cách chan hòa với nhau.
Rajiv Mehrotra đã can thiệp vào để nhắc lại sau vụ khủng bố 11/9 ở New York, Ngài đã lên tiếng ủng hộ Hồi giáo – điều mà Ngài cảm thấy bị xuyên tạc là nguồn gốc bạo lực và khủng bố.
Ngài trả lời: “Những kẻ được gọi là khủng bố là những cá nhân; và có thể được tìm thấy trong số các Phật tử, các tín đồ Do Thái, Cơ đốc giáo, Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Chúng ta không thể loại bỏ toàn bộ cộng đồng và truyền thống của họ chỉ vì những hành động sai lầm của một vài cá nhân.
“Tôi đã quen biết với những người Hồi giáo từ khi tôi còn bé. Lúc tôi đến Lhasa, có một cộng đồng Hồi giáo nhỏ đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm cung cấp đất để xây dựng một nhà thờ Hồi giáo. Các đại diện của họ luôn được mời đến tham gia vào các chức năng của chính phủ Tây Tạng.
“Nếu quý vị nới rộng vòng tay của mình trong tình bạn, thì sẽ không có vấn đề gì mà không thể giải quyết được. Nhưng nếu quý vị nghi ngờ, thì sự tranh chấp sẽ xảy ra. Cộng đồng Hồi giáo ở Lhasa là một cộng đồng hòa bình, chư Tăng thường tìm đến họ để biết những thông tin về Ấn Độ.”
Shyam Saran – cựu Ngoại trưởng Ấn Độ – đã quan tâm đến việc làm thế nào để giữ gìn vệ sinh tinh thần hoặc tình cảm ở cấp độ cộng đồng, quốc gia hoặc thế giới. Ngài nói với ông rằng, các truyền thống cổ xưa của ‘ahimsa’ và ‘karuna’ nên được đưa vào hệ thống giáo dục. Ngài nói thêm rằng Ngài rất mong muốn, khi đại dịch đã dịu đi, sẽ đến Delhi để thảo luận với các nhà giáo dục về phương pháp để có thể thực hiện điều này. Truyền thống Nalanda bao gồm các phương pháp không những chỉ để xử lý sự tức giận và sợ hãi mà còn để trưởng dưỡng lòng từ bi. Ngài khẳng định, mục tiêu là kết hợp kiến thức Ấn Độ cổ đại với nền giáo dục hiện đại.
Nhà hoạt động xã hội và chính trị – Cô Aruna Roy – đã tìm kiếm lời khuyên về cách đối phó với những thời điểm khó khăn này khi lòng thù hận đang ngày càng gia tăng; sự đúng sai bị đảo lộn; và quan điểm thế tục bị coi là sai lầm.
Ngài nói với Cô rằng: “Tôi có cảm giác mạnh mẽ rằng, nếu chúng ta sử dụng trí thông minh của mình, chúng ta có thể vượt qua những vấn đề mà ta đang phải đối mặt. Tình hình đã thay đổi, vì vậy chúng ta cần phải suy nghĩ lại về phản ứng của mình. Ta phải kiểm tra xem các vấn đề như: khoảng cách giữa giàu và nghèo đã xảy ra như thế nào; và ta có thể giải quyết chúng như thế nào. Chúng ta cần áp dụng một phương pháp tiếp cận mới, tránh xa lối suy nghĩ hẹp hòi. Ta cần tránh đi sự phân loại lẫn nhau theo cảm giác ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’; và thay vào đó bằng sự thừa nhận tính đồng nhất của nhân loại.
“Sự khác biệt về màu da, đức tin và quốc tịch có thể tồn tại, nhưng chúng chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Trẻ em không hề bận tâm đến sự những phân biệt như vậy. Các cháu thích mỉm cười và chơi đùa vui vẻ. Chúng ta cần phải nhắc nhở bản thân rằng, tất cả chúng ta đều khát khao được sống một cuộc sống hạnh phúc.
“Thế giới đang thay đổi. Sự nóng lên toàn cầu là một triệu chứng của điều này. Theo những điều kiện mới mà bản thân chúng ta nhận thấy, ta cần phải thích nghi và khám phá ra những lối suy nghĩ mới”.
Prakash Baba Amte – nhân viên của bộ xã hội, và đồng thời cũng là con trai của Baba Amte, đã nêu câu hỏi về việc làm thế nào để chấm dứt bạo lực tình dục. Ngài khuyến nghị rằng, giáo dục nên làm nổi bật những sai lầm trong quá khứ để chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ đó và mang lại sự thay đổi. Ngài gợi ý – đôi khi, phong tục tôn giáo có thể tô màu cho quan điểm mà qua đó họ nhìn thấy sự khác biệt giữa nam và nữ. Giáo dục là chìa khóa để khắc phục những định kiến đó.
Để tri ân Ngài đã nói chuyện với hội chúng trực tuyến, Rajiv Mehrotra đã đọc lời cầu nguyện trường thọ dâng lên Đức Ngài:
“Trước tập hội chư Đạo Sư từ mẫn của cả hiện tại và quá khứ;
Vũ điệu kỳ diệu của thân, khẩu và ý của vô số chư Phật,
Hiện thân phù hợp với năng lực tâm linh của người khao khát chân thành;
Viên ngọc ban cho điều ước, nguồn gốc của mọi đức hạnh thiện lành –
Xin dâng lên Ngài lời cầu nguyện với lòng sùng kính nhiệt thành: Tenzin
Gyatso, đấng Bảo Hộ của Vùng đất tuyết, được trụ thế trăm a-tăng-kỳ kiếp.
Xin hãy ban rưới lên Ngài ấy sự gia trì của Chư Vị!
Để tâm nguyện của Ngài được thành tựu mà không bị những chướng duyên,
Và nguyện cầu tất cả chúng con được là những đệ tử xứng đáng của Ngài.”
Ngài trả lời: “Cảm ơn quý vị! Tôi rất mong được gặp lại quý vị và nhiều người bạn cũ khác ở Delhi khi chúng ta có thể. Tất cả chúng ta đều là những con người như nhau, nhưng điều kiện đang thay đổi nên chúng ta cũng phải thay đổi. Tôi ngưỡng mộ sự phát triển vật chất của phương Tây, nhưng nó thiếu sự hiểu biết sâu sắc về tâm thức và cảm xúc, vì vậy người dân ở đất nước này phải tích cực hơn trong việc làm cho kiến thức Ấn Độ cổ đại được biết đến nhiều hơn. Xin cảm ơn và tạm biệt quý vị!
__________________
Ghi chú của người phụ trách post bài:
Vì bài hơi dài nên chúng tôi tô mầu xanh nhạt những lời phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma để quý độc giả nào ngại đọc hết bài thì có thể đọc những lời nói cô đọng này của Ngài.
(Bản gốc tiếng Việt: dalailama.com)
Discussion about this post